thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Evangeline [I-II]

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

WILLIAM FAULKNER

(1897-1962)

 

Lời người dịch:
 
Tình yêu và án mạng, tội ác và sự trừng phạt, chiến tranh, lịch sử, định mệnh... hay là “sự xâm nhập của bi kịch cổ Hy Lạp trong truyện trinh thám”.[1] Judith “Evangeline” Sutpen (sinh năm 1841), một nàng Êva tỉnh lẻ, ngây thơ trong trắng như một Thiên Thần, dù chỉ cầm trái cấm trên tay trong một khoảnh khắc — với Charles Bon (sinh năm 1929) — nàng cũng phải trả bằng một giá rất đắt, do hệ quả nguyên tội của người cha. Charles Bon là bạn đồng khoá ở đại học Mississippi với Henry Sutpen — anh của nàng — và được Henry mang về nhà nhân dịp Giáng Sinh. Nào ngờ Charles Bon lại chính là đứa con trai của một người vợ trước của ông Thomas Sutpen — cha của Henry và Judith.
 
Ông Thomas Sutpen, xuất thân là một thằng bé da trắng nghèo nàn ở miền Nam, đã vô tình biến giấc mơ Mỹ thành ác mộng. Khi còn bé, ông đã bị một tên đầy tớ da đen cản ngăn không cho vào nhà một người da trắng giàu sang. Do đó, khi lớn lên, ông muốn “thiết kế” một dòng họ Sutpen danh giá không thua các dòng họ quý phái đương thời, da trắng tinh khiết toàn hảo trăm phần trăm; và vì thế nên ông đã ly dị người vợ thứ nhất — con gái độc nhất của một chủ đồn điền mía gốc Pháp trên đảo Haiti — và vất bỏ đứa con thơ, khi Sutpen phát hiện người vợ này có vài giọt máu đen trong huyết quản. Đứa bé sẽ mang họ mẹ với cái tên Charles Bon, và sẽ trở thành dụng cụ mà định mệnh sử dụng để trả thù dòng họ Sutpen.
 
Nhưng cũng xin lưu ý độc giả về điểm đặc biệt này: định mệnh, dù có khắc nghiệt đến thế mấy đi nữa, nhân vật của Faulkner vẫn không chịu khuất phục. Họ sẽ kiên tâm lặng lẽ chịu đựng đến phút cuối cùng, như một sự chống cự bướng bỉnh, ngấm ngầm. Tuy không hẳn là, nhưng tất nhiên cũng có chứa đựng, những cảm nghĩ của tác giả, người kể chuyện vô danh trong “Evangeline”, thoạt tiên, đã cợt nhả khi nghe chuyện “con ma” trong ngôi nhà Sutpen gần đổ nát, để rồi dần đần bị cuốn hút càng lúc càng sâu thêm, và bị chi phối bởi thảm kịch của những kẻ hoàn toàn xa lạ; và độc giả cũng hoà mình, nhập xác, để cảm nhận sự đau đớn xót xa bùi ngùi đó.
 
Dù tự nó cũng đủ để làm nên một truyện ngắn đặc sắc, nhưng “Evangeline” chỉ là một phát thảo, sẽ được Faulkner thêm thắt, phong phú, phóng đại, để trở thành Absalom, Absalom! — với cốt truyện như tôi đã tóm lược ở trên — sử dụng tự sự khi thì châm biếm bông đùa, khi thì chan chứa bi thương trữ tình, được đánh giá là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của W. Faulkner. Nếu gặp dịp, tôi sẽ trở lại với tác phẩm lừng danh này, độc sáng về cả hai phương diện nội dung lẫn hình thức: hoài bão của một cá nhân đã không lùi bước trước bất cứ một phương tiện nào, đã gạt tình cảm qua một bên, và chỉ sử dụng lý trí để thiết kế tương lai cho một dòng họ, xê dịch những cá nhân như những con cờ trên bàn cờ; sự sụp đổ hoàn toàn của công trình to tát đó tất nhiên dễ trở thành một ẩn dụ mở, sẵn sàng chờ đón mọi diễn dịch.
 
William Faulkner sinh năm 1897 tại tiểu bang Mississipi, trong một gia đình quý phái đã suy tàn vì cuộc nội chiến (1861-1865). Học vấn của ông, một học sinh không chăm chỉ ở trường, phần lớn đã được cha và chú đảm nhận ở nhà. Cùng với chữ nghĩa, Faulkner cũng được tham gia các cuộc săn bắn của người lớn trong các đầm lầy Oxford — điều này sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong tác phẩm của ông. Lúc trưởng thành ông đã tới New Orleans sống vài tháng. Ở đó ông gặp nhà văn Sherwood Anderson, một tác giả người miền Nam như ông. Rồi ông lên New York, sang Paris, rồi lại về Oxford cư ngụ cho tới khi ông được mời đến Hollywood làm thư ký riêng cho đạo diễn Howard Hawks.
 
Oxford, dưới ngòi bút Faulkner, sẽ trở thành Jefferson trong hầu hết các tác phẩm, trong khi huyện Lafayette — địa phận thực sự của Oxford — sẽ hoá thành hạt Yoknapatawpha huyền thoại. Miền đất bé nhỏ như một “con tem” này, “cái mỏ vàng” để ông khai thác, sẽ là vị trí lý tưởng cho những câu chuyện về miền Nam có liên quan mật thiết với lịch sử và giữa các họ tộc Sartoris, Compson, McCaslin, Snopes... Jefferson và Yoknapatawpha là biểu tượng của “miền Nam sâu thẳm”, quý phái và nông nghiệp, một trong những tế bào nguyên thuỷ của đất nước Hoa Kỳ, sẽ bị lãng quên, bị xâm lấn bởi miền Bắc công nghiệp, thô lỗ — miền Bắc đáng ghê tởm đã dùng sức mạnh để cưỡng bức, xâm nhập “thánh cung” (Sanctuary) miền Nam.
 
Tôi nghĩ tới một cuộc xâm lấn gần chúng ta hơn, một nền văn minh “miệt vườn” quý phái ở cung cách hiền từ, chân chất, nhân ái, trọng nghĩa khinh tài, một pha trộn tốt đẹp giữa nho giáo và tây học, xuất phát và triển nở dưới thời thuộc địa khai hoang, đã và đang bị huỷ diệt, cuốn theo chiều gió bởi đồng đô la đỏ vô nhân đạo. Bầu hoa hậu này, cử á hậu nọ, để che đậy cái thân hình gái điếm loã lồ lở loét nhiễm trùng của xứ sở và nhất là của một chính quyền đã mất hết nhân cách.
 
“Hãy nói cho tôi nghe về miền Nam. Nó như thế nào ở nơi xa xăm ấy? Người ta đang làm gì ở nơi đó? Tại sao người ta còn ở nơi đó? Tại sao người ta sinh sống ỏ nơi đó?”, Shreve (Shrevlin McCannon) anh sinh viên người Canada, một “kẻ xa lạ” chia phòng với Quentin Compson — một đứa con của miền Nam đang gánh chịu cái quá khứ của gia đình và cái gánh nặng lịch sử miền Nam (trong Âm thanh và cuồng nộ) — Shreve (Don trong “Evangeline”) đã hỏi Quentin (người kể chuyện vô danh trong “Evangeline”) những câu hỏi đã kể, trong một đêm đông ở Đại học Harward (1909-1914) khi cả hai đang cố lắp ráp và suy diễn từ những phần mảnh về tấn thảm kịch của gia đình ông đại tá Thomas Sutpen và tìm hiểu cái chiều sâu của lịch sử trong tiểu thuyết Absalom, Absalom!
 
Năm 1949, William Faulkner lãnh giải Nobel Văn Chương. Qua kinh nghiệm gia đình và kinh nghiệm sống, Faulkner biết rõ hơn ai hết về những mối liên hệ rất phức tạp giữa người da trắng và người da đen, giữa chủ và tớ, không hẳn phải là những liên hệ bốc lột một chiều từ trên xuống dưới. Faulkner đề tặng cuốn truyện Go Down, Moses (1942) cho bà vú già da đen của ông — có thể đã là hình mẫu của Dilsey, bà quản gia trong Âm thanh và cuồng nộ (1929), người mẹ thật sự của đám con nhà Compson: “Kính tặng ‘Mammy’ Caroline Barr, Mississipi (1840-1940) chào đời trong nô lệ, đã chứng tỏ lòng trung thành sâu sắc và không vụ lợi đối với gia đình tôi và đã bao bọc tuổi thơ tôi với sự tận tâm và một tình thương vô hạn.”
 
Nguyễn Đăng Thường

 

_____________

 

EVANGELINE

 

I

 

Tôi không gặp mặt Don đã từ bảy năm nay và bặt tin hắn đã sáu năm rưỡi khi tôi nhận điện tín này: KIẾM ĐƯỢC CHO CẬU MỘT CON MA HÃY TỚI LÃNH TUẦN NÀY TỚ VỀ NHÀ. Không đắn đo, tôi suy gẫm: ‘Hắn nghĩ mình có thể làm gì với một con ma?’; rồi tôi đọc lại nội dung điện tín và tên chỗ gởi—một ngôi làng tí tẹo của vùng Mississippi đến đỗi một du khách sắp lên đường có thể sử dụng địa danh này làm địa chỉ lưu thư—và tôi nghĩ: ‘Mẹ kiếp nó làm gì ở đó nhỉ?’

Tôi nhận được giải đáp hôm sau. Don đang hành nghề kiến trúc sư theo nghiệp dĩ và hoạ sĩ theo nghiệp dư. Suốt hai tuần lễ nghỉ hè hắn chỉ ngồi ở đằng sau cái giá vẽ kê đâu đó ngoài đồng để hoạ lại vài cái cổng, vài ngôi nhà, vài căn chòi, vài bức chân dung của bọn Đen—bọn Đen ở đồi, khác hẳn với dân Đen ở đồng và ở tỉnh.

Tối đó, trong bữa ăn tại khách sạn, hắn kể chuyện con ma cho tôi nghe. Toà nhà ở cách xa làng khoảng sáu dặm, bỏ hoang từ bốn chục năm qua. “Tớ nghĩ, cái con chim hiếm quí đó—nó tên là Sutpen—”

“—Đại tá Sutpen,” tôi nói.

“Vậy là không công bằng,” Don nói.

“Tớ biết,” tôi nói. “Tiếp tục đi.”

“—hình như chính tay ngài đại tá đã tìm thấy mảnh đất, hay đã dùng một ống kính trông hình nổi để mê hoặc bọn Da Đỏ hầu tráo đổi, hoặc đã thắng một canh bạc hăm mốt.[2] Dù gì—đó là năm 1840 hay 1850—thì ngài cũng vời được một anh kiến trúc sư ngoại quốc tới đó xây cất một dinh thự do chính tay ngài phát hoạ thảo viên và vườn hoa (cậu có thể nhận ra các lối đi cũ và các luống hoa viền gạch) để làm chiếc hộp nhung đựng món nữ trang duy nhất—”

“—một ái nữ tên—”

“Thong thả,” Don nói. “Xin cậu một giây; mình—”

“—tên Azalea,”[3] tôi nói.

“Giờ thì cậu và tớ đã ngang bằng nhau rồi đó,” Don nói.

“Tớ muốn nói Seringa,”[4] tôi nói.

“Vậy thời mình lại hơn cậu một điểm,” Don nói. “Tên nàng là Judith.”

“Tớ cũng định nói thế, Judith.”

“Hay lắm. Vậy thì cậu cứ kể tiếp đi xem nào.”

“Chả dám,” tôi nói. “Tớ xin dựa cột.”

 

 

II

 

Thật ra ông đại tá không chỉ có một cô con gái mà còn có thêm một cậu con trai và một bà vợ nữa. Ông to người, vạm vỡ, mặt đỏ au, tính tình có hơi khoác lác, ngày chủ nhật thường phóng ngựa như bay tới nhà thờ. Ông đã làm vậy trong chuyến viếng thăm cuối cùng, nằm trong cái hòm đóng ở nhà và trong bộ đồng phục sĩ quan miền Nam, với thanh kiếm và đôi găng da thêu. Đó là năm 1870. Đã năm năm rồi—nghĩa là từ sau chiến tranh—ông sống một mình trong ngôi nhà mục nát với cô con gái dù đã goá chồng nhưng vẫn chưa là vợ, theo lời đồn đãi. Gia súc chẳng còn gì cả ngoại trừ mấy con ngựa kéo cày chân cong vẹo và hai con la mới được hai tuổi chưa từng kéo xe cho tới khi chúng bị cột vào gọng của chiếc xe đã kéo thốc ông đại tá tới ngôi nhà thờ Tân giáo. Tất nhiên, hai con la đã lồng lên và cỗ xe đã lăn tòm xuống hố, lật nhào ông đại tá với thanh kiếm và những chóp lông mũ; Judith ra lệnh bảo khuân lên và mang về nhà, ở đấy chính nàng đã cử hành tang lễ trước khi đem chôn trong cánh rừng bách nơi mẹ nàng và chồng nàng đã yên nghỉ.

Theo lời tâm sự của bọn mọi nói với Don thì tính tình Judith lúc ấy đã trở nên sắt đá.

“Người ta có thể đoán biết bọn đàn bà con gái lúc ấy đã sống như thế nào. Ẩn dật. Hay gần như vậy. Bảo rằng họ không hoạt động thì cũng chưa đúng hẳn, bởi vì họ vẫn phải trông chừng lũ mọi và các thứ. Nhưng tất nhiên đó không phải là lúc thuận tiện cho các tên thầu khoán đầy sinh lực hay cho các trưởng lái buôn mặc váy. Dẫu sao thì nàng cũng đã cùng với mẹ trông coi tài sản khi bọn đàn ông theo nhau ra chiến trường, và sau cái chết của mẹ nàng vào năm 1863, Judith trơ trọi một mình. Có thể sự chờ đợi ngày trở về của chồng đã nâng tinh thần nàng. Bởi vì nàng tin chắc rằng chồng mình rồi cũng sẽ trở về. Bọn mọi bảo cho tớ biết rằng nàng chẳng hề lo lắng, nàng trông nom phòng ngủ của chồng cũng như phòng ngủ của cha và của anh, nàng vẫn thay khăn trải giường mỗi tuần cho tới khi chỉ còn vỏn vẹn một cặp khăn cho mỗi chiếc giường, những tấm ra khác đều đã tả tơi hết cả rồi. Nàng không còn ra để thay nữa.

“Thế rồi chiến tranh chấm dứt và nàng nhận được một lá thư của hắn—hắn tên Charles Bon, ở New Orleans—một lá thư viết sau cuộc đầu hàng. Nàng không ngạc nhiên mà cũng chẳng hoan hỉ, chẳng có gì cả. ‘Tôi biết mọi chuyện rồi sẽ êm xuôi’, nàng nói với bà mọi già, bà mọi già nhất,[5] bà cố mọi, một kẻ cũng mang họ Sutpen. ‘Họ sắp trở về rồi.’ ‘Họ?’ bà mọi nói. ‘Cô muốn nói là hắn và cậu Henry của chúng ta phải hông? Sau những gì đã xảy ra, họ lại trở về sống chung dưới một mái nhà à?’ Và Judith nói, ‘Ồ, cái chuyện đó. Nhưng hồi đó họ chỉ là hai đứa trẻ. Bây giờ thì Charles đã là chồng tôi rồi. Bộ chị quên rồi hả?’ Và bà mọi: ‘Tui đâu có quên. Mà Henry Sutpen cũng đâu có quên.’ Và Judith (cả hai đang dọn dẹp căn buồng) nói, ‘Họ đã vượt qua giai đoạn đó rồi. Chị không tin rằng chiến tranh có thể gây hiệu quả đó hay sao?’ Và bà mọi nói, ‘Cũng tuỳ vào cái việc mà chiến tranh cần điều chỉnh lại chớ.’”

“Chiến tranh có thể thanh toán việc gì nào?”

“Vấn đề là ở chỗ đó,” Don nói. “Cả hai đã có vẻ như chưa hiểu. Hoặc chưa để tâm về điều ấy, nếu nói vậy thì đúng hơn. Có thể vì đã quá lâu. Mà cũng có thể là vì bọn Đen khôn hơn bọn Trắng, chúng không bận tâm về cách cư xử, chỉ cần biết những việc đang làm mà thôi, và hơn thế nữa. Dù sao thì đó là những điều mà họ đã nói với tớ. Không phải do bà ấy, bà già mọi, bà lão cũng mang họ Sutpen, tớ không rút ra được một lời nào từ cửa miệng bà. Tớ chỉ nhìn bà ngồi trên chiếc ghế dựa gần cửa ra vào căn chòi; người ta có thể bảo rằng bà đã lên chín khi Thượng Đế chào đời. Bà trắng nhiều hơn đen; có thể vì thế mà bà có vẻ rất quí phái. Những người khác, tất cả đám con cháu, mỗi thế hệ cứ dần dần đen đúa thêm, tựa những bậc thang càng ngày càng cáu bẩn. Và tất cả các thứ ấy đã sinh sống trong một căn chòi ở cách ngôi nhà lớn chừng nửa dặm: họ chui rúc trong hai căn buồng và một cái hành lang: cả lũ con, cháu, chắt, chỉ toàn là những đàn bà và đàn bà. Không có được một tên đàn ông nào trên mười một tuổi ở trong nhà. Nói tóm lại, cả ngày bà lão cứ ngồi ì tại cái chỗ mà bà ta có thể nhìn thấy ngôi nhà lớn, miệng ngậm ống điếu, đôi chân không giày móc tréo vào một thanh ghế hệt như lũ khỉ, trong lúc những người khác bận rộn công việc. Và sẽ ngoạn mục xiết bao nếu có một người nào đó ngừng tay dù chỉ một phút thôi. Người ta sẽ có thể nghe tiếng bà ấy ở một nơi xa một dặm, mà bà ấy thì chẳng cao lớn hơn một con búp bê thế giới bày bán ở các hội chợ từ thiện và chúng to lớn bằng nửa vóc dáng thật. Bà lão không cử động, ngoại trừ những lúc lấy cái tẩu ra khỏi miệng, và bà chẳng có điều gì khác hơn để nói, ngoại trừ ‘Ê, Sibey’, hay ‘Ê, Abum’, hay ‘Ê, Rose!’

“Song những người khác thì đã nói; bà ngoại, con gái của vú già, đã nói với mình về những điều mà bà đã thấy lúc còn bé, hay đã nghe người mẹ già đã được nghe, kể lại cho bà nghe. Bà nói rằng ngày xưa vú già nói rất nhiều, luôn luôn kể đi kể lại mãi một câu chuyện, cho tới khoảng bốn mươi năm trước. Lúc ấy bỗng dưng vú già ngưng nói, thôi kể lại những câu chuyện của bà, và người con gái nói đôi khi vú già bỗng dưng nổi khùng, nói rằng chẳng phải như vậy đâu, rằng việc này hay việc nọ chưa hề xảy ra, và họ phải ngậm họng lại và bước ra khỏi nhà ngay. Nhưng bà nói rằng trước đấy, bà đã nghe chúng được kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần, những chuyện ấy, cho nên bà không còn biết rõ mình đã chứng kiến những điều ấy hay chỉ được nghe kể lại mà thôi. Tớ đã tới đó nhiều lần và được nghe họ kể lể về thời tiền chiến, về những cây vĩ cầm và cái phòng khách đèn nến sáng trưng, về những con tuấn mã và những cỗ xe ngựa trên lối đi, về những chàng trai mới lớn đã vượt ba mươi, bốn mươi, thậm chí năm mươi dặm để tới ve vãn nàng Judith. Và có một cậu đã tới từ một nơi tít xa hơn: người ấy là Charles Bon. Hắn cùng tuổi[6] với người anh của Judith. Họ đã gặp nhau ở trường─”

“Đại học Virginia,” tôi nói. “Phiên bản y chang của chàng hiệp sĩ Bayard[7] nhưng gần hơn, với một lộ trình mười ngàn dặm. Sự tái xuất hiện theo chu kỳ của người man di quí phái.”

“Sai,” Don nói. “Đại học Mississippi. Họ thuộc khoá thứ mười từ hôm khánh thành—hay đúng hơn, ta cứ coi họ như là những sáng lập viên, hay một cái gì tương tợ.”

“Tớ không biết rằng đã có tới mười gã người Mississippi tới trường học vào thời điểm đó.”

“—muốn nói vậy thì cũng được. Chỗ ấy không xa nhà, và mỗi tháng một lần, có thể đã như vậy, Henry đã phi ngựa cả đêm (hắn có hai con ngựa, một thằng nài và một con chó, con đẻ của hai con bẹc-giê ngài đại tá đã mang về từ Đức, chúng có thể là những con chó cảnh binh đầu tiên ở miền đất Mississipi này của nước Mỹ) để về nhà ở chơi ngày chủ nhật. Một hôm, hắn đưa Charles Bon về. Charles có thể đã được nghe nói về Judith. Henry có thể có một bức chân dung của nàng, hoặc đã khoe khoang về cô em gái. Và Charles có thể đã tìm cách để được Henry mời về nhà chơi vào lúc cuối tuần ngoài sự ý thức của Henry. Khi vai trò của Charles càng lúc càng rõ rệt hơn (hay lúc nó đã trở thành ít bí hiểm hơn, khi tiêu chí của định mệnh dần dần sáng tỏ thêm, nếu cậu thích như vậy) cái khả thể Charles đúng là tuýp người như thế càng thêm minh bạch. Về phía Henry thì mọi việc cũng đã y chang, ta có thể nói như vậy.

“Và bây giờ, cậu hãy lắng nghe cho thật kỹ nhé. Nhìn kìa, hai chàng trẻ tuổi phi ngựa tới trước chiếc cổng với lối kiến trúc của thời thuộc địa, và Judith, trong chiếc áo dài trắng đứng tựa lưng vào cây cột to—”

“—một bông hồng đỏ cài mái tóc nâu—”

“Ô kê. Hồng cũng được. Song mái tóc nàng vàng. Và họ ngắm nghía nhau, nàng và Charles. Tất nhiên nàng thỉnh thoảng cũng có bước ra khỏi nhà. Để tới những ngôi nhà giống như như ngôi nhà của nàng, mà cuộc sống chẳng mấy khác với những điều nàng đã được biết: chế độ phụ hệ, khá khoan dung, nhưng trăm phần trăm tỉnh lẻ. Và Charles đã tới nơi, trẻ trung—‘Cả hai đứa tôi, cùng một nhịp thở’, nói thêm, ‘và đẹp giai’. (“Đồng hạng”, Don nói)—và quê quán ở New Orleans, nghĩa là mẫu người tiêu biểu cho cái, mà vào thời đại chúng ta và ở bên ngoài biên giới chúng ta, sẽ là một ngài hầu tước xứ Balkan. Nhất là sau buổi viếng thăm đầu tiên đó. Bọn mọi đã nói với tớ rằng sau cái ngày ấy, mỗi sáng thứ ba, thằng mọi của Charles, sau một đêm phi ngựa, đã tới nơi với một bó hoa và một lá thư, và nó đã đánh một giấc trong nhà xe trước khi quay về.”

“Judith vẫn sử dụng cây cột ấy hay nàng đã thay thế nó, chẳng hạn, hai lần mỗi tuần?”

“Cột?”

“Để tựa người vào. Trong lúc trông chừng con lộ.”

“Ồ,” Don nói. “Chẳng phải vậy đâu khi cha nàng, anh nàng và Charles còn ở chiến trường. Mình đã hỏi bọn mọi họ đã làm gì—hai người đàn bà ấy —trong khi họ phải sống đơn chiếc ở nhà. ‘Chẳng làm gì cả. Họ đã chôn giấu các thứ bằng bạc trong vườn, và họ ăn các thứ họ tìm được.’ Như vậy chẳng tuyệt vời hay sao? Rất giản dị. Chiến tranh là một chuyện giản dị nhiều hơn là người ta tưởng. Chỉ cần chôn giấu các thứ bằng bạc và ăn các thứ tìm được.”

“Ôi, chiến tranh”, tôi nói. “Theo thiển ý của tớ, câu hỏi sau đây chỉ đáng kể với một điểm thôi: Charles đã cứu Henry, hay Henry đã cứu Charles?”

“Giờ thì tớ đã hơn cậu hai điểm,” Don nói. “Bởi vì, thực ra, họ không gặp nhau trong suốt cuộc chiến, chí ít là cho tới cái ngày cuối cùng của chiến tranh. Đây là các dữ kiện. Cậu sẽ thấy cả hai, Henry và Charles, gần gũi nhau như vợ với chồng, ở chung phòng đại học, nghỉ hè và nghỉ lễ chung dưới mái nhà của Henry, nơi mà Charles đã được đối xử như con ruột bởi thế hệ những người già và được nhìn nhận như kẻ được ưa thích nhất trong đám trai si tình Judith; và thậm chí, sau một quãng thời gian, được Judith chấp nhận như vậy. Có thể nàng đã chiến thắng cái trinh tiết khiêm nhường, hoặc là nàng đã dứt khoát với sự che đậy bằng tiết trinh, điều này chắc đúng hơn—”

“Ờ, chắc là phải đúng hơn.”

“Hừm. Dù sao thì số ngựa để cỡi và xe ngựa cao tốc của khách khứa cứ giảm dần, và mùa hè thứ hai, khi Charles (hắn mồ côi và có một người giám hộ ở New Orleans—tớ không thể hiểu tại sao hắn đã học hành ở Bắc Mississippi) khi Charles về nhà, hắn đã nhận thấy có lẽ hắn nên đích thân đi gặp người giám hộ, hắn mang theo bức chân dung của Judith trong một chiếc hộp tự động đóng lại như một quyển sách người ta dùng chìa để đóng khoá, và hắn đã để lại một chiếc nhẫn. Và Henry đã cùng đi với hắn để nghỉ hè ở nhà Charles, mà lần này Henry là khách. Họ đã lên đường đi nghỉ hè chung với nhau, thế nhưng Henry đã trở về nhà sau ba tuần lễ. Chúng, bọn Đen, không hình dung nổi chuyện gì đã xảy ra. Chúng chỉ biết rằng Henry đã về nhà sau ba tuần lễ thay vì ba tháng, và hắn đã tìm cách buộc Judith phải trả nhẫn lại cho Charles.”

“Và như vậy Judith đã chết dần chết mòn vì khổ đau: điều đó giải thích sự có mặt của con ma khốn khổ.”

“Nàng không làm gì cả. Nàng khước từ việc trả nhẫn lại cho Charles, nàng thách đố Henry phải nói cho nàng biết lỗi của Charles là ở chỗ nào, điều mà hắn đã từ chối. Và những người lớn tuổi đã cố thuyết phục Henry phải nói rõ, nhưng hắn vẫn khước từ. Chắc chắn rằng tính thế đã khá nghiêm trọng, chí ít là dưới mắt Henry. Tuy nhiên cuộc đính hôn chưa được chính thức thông báo; có thể những người lớn tuổi đã nhất quyết muốn gặp Charles để may ra sẽ nảy sinh một cuộc phân bua giữa hắn và Henry chăng, bởi vì, dù sao đi nữa Henry cũng sẽ không nói gì cả. Bề ngoài, đó là thái độ của hắn.

“Mùa thu tới, và Henry trở lại đại học. Tất nhiên Charles cũng có mặt ở đó. Judith viết thư cho hắn và hắn hồi âm, nhưng có thể là họ vẫn chờ đợi Henry cuối tuần đưa Charles về nhà, như trước đó. Họ đợi chờ khá lâu; thằng mọi của Henry kể lại rằng Henry và Charles không còn chia phòng và họ không còn chuyện trò với nhau khi gặp mặt trong khuôn viên. Và, khi Henry có mặt tại gia, Judith cũng không chuyện trò với anh nàng. Henry hẳn là không tươi cười mỗi ngày. Hắn gặt cái mà hắn đã gieo vì đã kín miệng.

“Có thể thỉnh thoảng Judith cũng có khóc lóc, bởi đó vẫn còn là lúc mà, như bọn Đen đã nói, tính tình nàng chưa thay đổi hẳn. Và cũng có thể là những người lớn tuổi trong gia đình đã thử làm những chuyện cầu may với Henry, nhưng vô ích. Và đến kỳ Lễ Tạ Ơn, người ta cho Henry biết rằng Charles sẽ tới ăn Lễ Giáng Sinh với họ. Cảnh ấy đã kín đáo xảy ra giữa Henry và người cha, tuy nhiên chúng kể lại rằng người ta đã nghe rõ hết qua cánh cửa: ‘Nếu vậy thì con sẽ không có mặt ở đây’, Henry nói. ‘Con sẽ có mặt ở đây,’ ông đại tá nói. ‘Và con sẽ cho Charles và em con một giải thích thoả đáng về cử chỉ của con đối với hai đứa nó’: một cái gì tương tợ như vậy, tớ nghĩ.

“Sự giải thích giữa Henry và Charles đã diễn ra như sau. Trong buổi dạ vũ trước đêm Giáng Sinh, ông đại tá đã tuyên bố cuộc đính hôn—một cái tin chẳng mới mẻ gì đối với bất cứ ai. Sáng hôm sau, vào lúc rạng đông, một thằng mọi tới đánh thức ông đại tá, và ông lao nhanh xuống cầu thang, hai mép áo ngủ nhét vội vào quần, dải đeo quần buông thõng; ông nhảy lên lưng một con la không yên (con vật đầu tiên thằng mọi tóm được trong chuồng) và ông chạy thẳng tới đồng cỏ sau nhà nơi ông nhìn thấy Henry và Charles đang chĩa súng lục ngắm nhau. Ông đại tá chỉ kịp tới nơi thì Judith cũng vừa chạy tới trong chiếc áo ngủ, đầu trùm khăn san, cũng trên lưng một chú ngựa nhỏ không yên. Ôi, có điều gì mà nàng chẳng nói ra hết với Henry! Tuy nhiên, không khóc lóc, mặc dù phải chờ đến lúc chiến tranh kết liễu để nàng vĩnh viễn thôi khóc hẳn, vì nàng đã thay đổi tính tình, vân vân. ‘Hãy nói cho mọi người biết rõ anh ấy đã làm gì’, nàng bảo Henry. ‘Hãy buộc tội anh ấy ngay trước mặt anh ấy đi.’ Nhưng Henry vẫn giữ im lặng, Và lúc đó Charles tuyên bố tốt hơn hết là chính hắn phải chuồn ngay, nhưng ông đại tá thì lại nghĩ khác. Hậu quả là nửa giờ sau chính Henry đang xa dần trên lưng ngựa, chưa kịp ăn sáng mà cũng chẳng kịp giã từ mẹ. Họ không gặp lại hắn trước ba năm. Con chó cảnh binh bắt đầu sủa rống thảm thiết, và nó không để cho ai tới gần hay mang thức ăn tới cho nó. Khi quay về nhà, nó chạy thẳng lên phòng của Henry và trong hai ngày nó không để cho ai tới gần nó.

“Henry vắng mặt luôn ba năm. Hai năm sau cái hôm Giáng Sinh kia, Charles hoàn tất việc học hành và hắn trở về nhà hắn. Sau lúc Henry bỏ đi, các cuộc viếng thăm của Charles đã bị đình chỉ do sự chấp thuận của đôi bên, người ta có thể bảo vậy. Đó là một cách để thử nghiệm. Hắn và Judith thỉnh thoảng có gặp nhau lại; nàng vẫn đeo chiếc nhẫn hắn tặng và, khi hắn đã học xong và trở về nhà, người ta định ngày cưới cho năm sau, đếm đúng từng ngày một không thiếu một ngày. Thế nhưng khi cái ngày được dự tính đó tới nơi thì bọn đàn ông đang chuẩn bị để tới chiến đại Bull Run. Mùa xuân ấy, Henry trở về, trong bộ đồng phục. Judith và anh nàng chỉ trao đổi giản dị với nhau: ‘Chào anh, Henry.’ ‘Chào em, Judith.’ Và chỉ bấy nhiêu thôi. Cả hai không ai nhắc nhở đến cái tên Charles; sự có mặt của hắn chắc hẳn đã được khẳng định khá đầy đủ với chiếc nhẫn trên ngón tay của Judith. Thế rồi, khoảng ba hôm sau khi Henry tới nơi, một thằng mọi từ làng mang về một lá thư của Charles Bon, và hắn, Charles, phải nói là đã khá tế nhị để thuê phòng ở khách sạn—cái khách sạn mà chúng ta đang ở bây giờ.

“Mình không rõ ai đã có quyết định. Có thể là Henry đã thuyết phục cha hắn, cũng có thể là Judith. Hay có thể chỉ là câu chuyện giản dị của hai chàng hiệp sĩ trẻ tuổi hăng hái xuất chinh; chắc tớ đã cho cậu biết về thái độ của Henry rồi chứ. Dù thế nào đi nữa thì Henry cũng đã tới khách sạn đó: không một cái bắt tay, nhưng một lúc sau, cả hai đã đưa nhau về nhà, người ta làm lễ cưới cho Judith và Charles ngay trưa hôm đó, và tối hôm đó Charles và Henry cùng cỡi ngựa tới tiểu bang Tennessee nhập vào đạo quân đang chống cự tướng Sherman. Sự vắng mặt của họ kéo dài tới bốn năm.

“Họ đã tự hứa hẹn sẽ đến Washington đúng ngày mồng 4 tháng bảy[8] của năm đầu tiên ấy, và họ sẽ trở lại quê nhà để tồn kho bắp và bông vải. Thế nhưng, tới ngày mồng 4 tháng bảy, họ không có mặt ở Washington, đến đỗi vào lúc cuối hè, ông đại tá vứt tờ báo, trèo lên lưng ngựa và đi tuyển dụng ba trăm tên đàn ông đầu tiên gặp trên đường, danh giá hay không danh giá; cho họ biết rằng họ là thành phần của một trung đoàn, tự tay ký cho mình một cấp bằng đại tá và, ổng cũng vậy, đưa họ đến tận tiểu bang Tennessee. Như thế, hai người đàn bà ở lại nhà một mình để ‘chôn giấu đồ bạc và bỏ vô miệng các thứ còn tìm ra được.’ Không có chuyện dựa cột, trông chừng con lộ, hay thậm chí khóc than. Chính vào lúc đó bản chất của Judith khởi sự thay đổi. Nhưng vẫn phải chờ tới một đêm, ba năm sau, để nàng thực sự đổi thay.

“Tuy nhiên, hình như bà mẹ đã ăn chưa đủ no. Hoặc giả bà là một tay ăn trộm không chuyên. Dù sao đi nữa bà mẹ cũng đã qua đời và, ông đại tá bị công việc ngăn trở không về kịp, Judith phải một mình chôn cất mẹ. Cuối cùng, khi ông đại tá có thể về nhà, ông cố thuyết phục Judith dọn ra làng ở, nhưng Judith bảo nàng sẽ ở lại nhà, với câu đáp ấy ông đại tá lại ra chiến trường, bất cứ ở nơi nào, nhưng thực sự thì chẳng mấy xa xôi. Judith như vậy đã ở lại để trông coi lũ Mọi và chút ít mùa màng còn sót, để thông thoáng phòng ngủ của ba người đàn ông và thay ra trên giường mỗi tuần lễ khi còn ra để thay. Không có chuyện đứng trong hành lang nhìn ra con lộ. Tìm cái ăn đã trở thành quá giản dị đến đỗi nó chiếm trọn thì giờ của bạn. Ngoài ra, nàng chẳng lo lắng. Nàng có thể yên giấc trên các lá thư của Charles nàng nhận được mỗi tháng, và nàng tin chắc rằng hắn sẽ được bình an. Vì thế nàng chỉ cần sẵn sàng và chờ đợi, điều mà nàng có thừa thì giờ để làm quen dần dần.

“Nàng không lo lắng. Muốn lo lắng ta cần phải nôn nóng. Nàng cũng chẳng hề nôn nóng trong một buổi sáng đẹp trời vào cái lúc mà—một thời gian ngắn sau khi nghe tin đầu hàng và nhận được một lá thư của Charles cho nàng biết chiến tranh đã chấm dứt và hắn vẫn bình an—một thằng mọi vội vã chạy tới gọi: ‘Cô ơi. Cô ơi.’ Và nàng đứng trong tiền sảnh khi Henry bước lên hành lang đi vào. Nàng mặc chiếc áo trắng (và mình xin nhường bông hồng lại cho cậu nếu cậu muốn), và nàng bất động; có thể bàn tay chỉ giơ lên cao hơn một chút, như một kẻ muốn đe doạ bạn với một cái que nhỏ, để bỡn cợt. ‘Ờ, nàng nói, thế nào?’

“‘Anh đã mang Charles về,’ Henry nói. Nàng nhìn anh nàng; ánh sáng rơi xuống mặt nàng thay vì trên khuôn mặt của hắn. Có thể cặp mắt của nàng đã nói, bởi vì Henry đã xác định, không có một cử động của bàn tay: ‘Ở ngoài kia. Trong xe ngựa.’

“‘Ô,’ nàng nói, rất bình thản, không nhìn xuống hay làm một cử động nhỏ. ‘Chuyến đi có... có quá vất vả đối với anh ấy không?’

“‘Chuyến đi không vất vả cho anh ấy.’

“‘Ô,’ nàng nói. Ô. Ô. Hay nhỉ. Dĩ nhiên phải có một phát... một phát súng cuối cùng để đánh dấu sự chấm dứt. Vâng. Em quên mất.’ Và lúc ấy nàng cử động, thanh thản, quả quyết. Em cám ơn anh, em đội ơn anh.’ Kế đến nàng nói với bọn mọi đứng ở cửa nhìn vào tiền sảnh xầm xì to nhỏ. Nàng gọi tên từng đứa một, bình thản, gần như không xúc động. ‘Khiêng ông Charles vào nhà.’

“Chúng mang hắn lên căn phòng nàng đã giữ gìn sẵn sàng trong bốn năm qua và, trên chiếc giường đã dọn sẵn, chúng để, trong bộ đồng phục và đôi ủng, kẻ đã bị giết chết bởi phát súng cuối cùng của chiến tranh. Rồi Judith đi lên, khuôn mặt bình thản, chững chạc, gần như lạnh lùng. Nàng bước vô phòng, bảo bọn mọi đi ra ngoài và khoá cửa lại. Khi nàng bước trở ra trong buổi sáng hôm sau, khuôn mặt nàng vẫn không thay đổi một ly một tí. Ngày kế đến, Henry biệt tăm. Hắn đã cỡi ngựa ra đi trong đêm và những kẻ từng biết khuôn mặt hắn không còn nhìn thấy nó nữa.”

“Và ai là con ma?” tôi hỏi.

Don nhìn tôi. “Cậu đã thôi đếm rồi, phải không?”

“Trúng phóc,” tôi nói. “Mình thôi đếm từ lâu rồi.”

“Tớ chẳng rõ ai là con ma. Ông đại tá trở về và qua đời năm 1870, và Judith chôn ông bên cạnh mẹ nàng và chồng nàng; nhưng con mọi cái, bà ngoại (chưa già lắm, kẻ mang họ Sutpen) đã là một con bé khá lớn vào thời điểm đó—bà kể lại rằng, mười lăm năm sau ngày ấy, có một chuyện khác đã xảy ra trong ngôi nhà lớn đã điêu tàn. Bà kể rằng Judith đã sống cô độc, luôn luôn mẫn cán, mặc một chiếc áo cũ như chiếc áo các bà vợ của bọn da trắng nghèo. Nàng trông nom việc chăn nuôi đàn gà con với bọn mọi từ trước sáng đến tối mò. Bà nhớ một buổi sáng bà tỉnh giấc trên tấm nệm rơm và thấy mẹ bà đã ăn mặc chỉnh tề đang cúi nghiêng trên ngọn lửa thổi cho nó bắt mồi. Người mẹ bảo bà thức dậy và thay áo và cả hai đi đến ngôi nhà lớn trong buổi sáng tinh mơ. Bà nói rằng bà đã hiểu trước khi đến nơi và thấy trong tiền sảnh những cặp mắt trắng dã của chúng trong bóng tối lờ mờ, ba người da Đen khác, một nam và hai nữ, thuộc một gia đình sống cách đấy ba dặm. Và bà nói rằng, cả ngày hôm ấy, ngôi nhà có vẻ như thì thầm: ‘Suỵt! Cô Judith. Cô Judith. Suỵt!’

“Bà có kể cho tớ nghe rằng giữa những công tác nhỏ được giao phó, bà ngồi xổm trong tiền sảnh lắng nghe bọn Đen đi tới lui trên lầu và xung quanh ngôi mộ. Huyệt mộ đã được đào, và các cục đất mới và ướt đang khô dần trong ánh mặt trời mọc. Bà cũng có nói với tớ rằng bà nghe tiếng chân chậm chạp của một người đang bước xuống cầu thang (bà núp trong một cái tủ dưới cầu thang); bà nghe tiếng chân đi băng qua bậc thềm nghỉ chân của tầng nhất, vượt qua một khung cửa, rồi thôi. Mặc dù vậy bà vẫn núp trong tủ. Bà chỉ bước ra vào lúc xế chiều, để phát hiện rằng mình đã bị khoá nhốt trong ngôi nhà hoang vắng. Và trong lúc bà tìm cách để thoát ra ngoài, bà nghe tiếng động trên tầng nhất: lúc đó bà kêu la và bỏ chạy. Bà nói rằng bà không rõ ý định của mình trong lúc đó. Bà nói rằng bà chỉ bỏ chạy tán loạn trong tiền sảnh chìm trong bóng tối, cho tới khi bà vấp phải một vật gì ở gần cầu thang, và bà ngã chúi vừa la hét, và trong lúc bà nằm ngửa dưới chân cầu thang, bà thấy ở phía trên một khuôn mặt, một cái đầu lộn ngược. Rồi bà nói bà không nhớ gì thêm nữa, ngoại trừ sự tỉnh dậy trong túp lều, trời đã tối, và mẹ bà đang cúi xuống nhìn bà. ‘Mày nằm mơ,’ mẹ bà nói. ‘Chuyện ở trong ngôi nhà thuộc về ngôi nhà. Mày đã nằm mơ, nghe rõ chưa, con mọi nhỏ?’”

“Thế thì bọn Đen ở đây có một con ma để sử dụng,” tôi nói. “Tớ giả định chúng nghĩ rằng Judith chưa chết, đúng không?”

“Cậu quên cái mả rồi,” Don nói. “Người ta có thể nhìn thấy nó, cùng với ba cái mả kia.”

“Đúng quá,” tôi nói. “Mà lại có thêm lũ mọi đã thấy Judith chết.”

“A,” Don nói. “Chỉ có bà lão được thấy nàng chết. Chính tay bà đã tẩm liệm nàng. Bà đã không cho ai lại gần cho tới khi cái xác đã nằm trong hòm và nắp hòm đã đóng lại. Nhưng còn nhiều chuyện khác nữa. Khác hơn bọn mọi.” Hắn nhìn tôi. “Có thêm bọn Trắng nữa. Ngôi nhà vẫn còn khang trang. Nhất là bên trong. Nó đã sẵn sàng từ bốn chục năm nay: chỉ cần đóng thuế để chiếm đoạt. Nhưng còn một thứ khác nữa.” Hắn nhìn tôi. “Một con chó.”

“Rồi sao?”

“Một con chó cảnh binh. Cùng một giống với con chó ông đại tá đã đem về từ châu Âu mà Henry đã dắt theo khi vào đại học—”

“ —và nó chờ ổng trở về từ bốn chục năm nay. Vậy thì mình lại huề nhau rồi. Nếu cậu vui lòng mua vé để tớ trở về nhà, tớ sẽ quên cái điện tín.”

“Không phải chuyện của một con chó thôi. Con chó của Henry, con chó đã rú chết sau khi hắn ra đi, nó chết rồi, và con trai của nó cũng đã già khi người ta chôn Judith. Vả lại lúc đó người ta phải tạm ngưng buổi lễ. Nó bị xua đuổi bằng gậy gộc xa ngôi mộ mà nó muốn đào lên. Đó là ngày chung cuộc của một nòi giống, và nó chạy đến gần ngôi nhà để tru. Nó không để cho ai tới gần. Người ta thấy nó tìm thức ăn trong các rừng cây nhỏ quanh ngôi nhà, gầy ốm như một con sói, và thỉnh thoảng nó lại sủa tru. Nhưng nó đã quá già; chẳng bao lâu nữa nó không rời xa ngôi nhà, và tớ nghĩ chắc có khối người đang chờ nó chết để tới gần ngôi nhà mà nhìn vào bên trong. Một hôm, một tên Trắng thấy nó nằm chết dưới một cái hố nó đã men tới để kiếm thức ăn và nó quá yếu để nhảy trở lên bờ, và hắn đã thầm nhủ: ‘Bây giờ mình có thể tới xem.’ Hắn sắp tới gần hàng hiên khi một con chó cảnh binh đột xuất ở góc nhà. Chắc hắn đã đứng khựng lại để nhìn, bàng hoàng sửng sốt như hoá đá, trước khi khẳng định nó không phải là ma—và phóng tuốt lên ngọn cây la hét ở trên đó suốt ba tiếng đồng hồ cho tới khi bà mọi già xua đuổi con chó và bảo tên đàn ông phải cút ngay và đừng có trở lại nữa.”

“Được lắm,” tôi nói. “Tớ khá thích cái trò ma chó. Tớ chắc hồn ma của ông đại tá cũng có một con ngựa. Tớ chỉ ngạc nhiên vì chưa thấy ai nói tới hồn ma của một vò rượu.”

“Con chó đó không phải là ma. Cậu cứ hỏi người đàn ông. Tuy nhiên nó rồi cũng chết luôn. Nhưng nó đã được thay thế bởi một con khác, và cái hôm mà họ tìm thấy xác con này, một con khác bằng xương bằng thịt lại đột xuất như gió nơi góc nhà, như thể có kẻ nào đó đã dùng chiếc đũa thần gõ vào hòn đá tiên. Tớ đã thấy tận mắt con chó cuối cùng, nó không phải là ma.”

“Một con chó,” tôi nói. “Một ngôi nhà ma có chó săn như cây mận có những trái mận.” Chúng tôi nhìn nhau. “Và bà mọi già đã có thể xua đuổi chúng. Và bà cũng mang họ Sutpen. Theo ý cậu thì ai ngụ trong ngôi nhà đó?”

“Ý cậu thế nào?”

“Không phải Judith. Họ đã chôn nàng.”

“Họ đã chôn một cái gì đó.”

“Nhưng nàng đã xui cho người khác nghĩ rằng nàng đã chết khi nàng vẫn sống nhăn, với mục đích gì?”

“Vậy nên tớ mới phải vời cậu tới đây. Tới phiên cậu chứng minh.”

“Bằng cách nào?”

“Cứ đích thân tới đó mà xem. Cậu chỉ cần tới đó và kêu to khi bước qua ngưỡng cửa: ‘Xin chào. Có ai ở trong nhà không hả?’ Ở đây họ thường làm như vậy.”

“Thiệt hả?”

“Thật mà,” Don nói. “Cậu không sợ chó, không tin có ma. Chính cậu đã nói với tớ như vậy mà.”

Tôi đã làm như Don xúi. Tôi tới đó và bước vô nhà. Và tôi đã nói trúng, mà Don cũng nói trúng. Con chó rõ ràng là bằng xương bằng thịt, nhưng con ma cũng bằng xương bằng thịt. Nó đã ở trong ngôi nhà từ bốn chục năm nay, với bà mọi già đút cho nó ăn. Và chẳng có ai hay ai biết gì cả.

 

[còn 5 chương]

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]André Malraux, trong Lời Tựa viết cho Thánh Cung (1949), bản dịch tiếng Pháp của Sanctuary (1931), một cuốn tiểu thuyết nhại truyện trinh thám để mô tả cái ác đã gây chấn động khắp nước Mỹ vào đầu thập niên 30.

[2]Một trò chơi bài cào rất giản dị: một người chia bài, ai nhận được lá bài ghi số “21” sẽ thắng cuộc.

[3]Azelea là hoa Đỗ Quyên.

[4]Seringa là hoa Sơn Mai.

[5]Bà mọi đã già khi Don kể chuyện, nhưng còn trẻ vào lúc đó.

[6]Thật ra Charles Bon vì là anh một cha khác mẹ nên lớn tuổi hơn Henry Sutpen.

[7]Bayard Sartoris, một nhân vật trong tiểu thuyết Sartoris và nhiều truyện khác của Faulkner.

[8]Ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021