thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Evangeline [V-VII]

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

WILLIAM FAULKNER

(1897-1962)

 

Lời người dịch:
 
Tình yêu và án mạng, tội ác và sự trừng phạt, chiến tranh, lịch sử, định mệnh... hay là “sự xâm nhập của bi kịch cổ Hy Lạp trong truyện trinh thám”.[1] Judith “Evangeline” Sutpen (sinh năm 1841), một nàng Êva tỉnh lẻ, ngây thơ trong trắng như một Thiên Thần, dù chỉ cầm trái cấm trên tay trong một khoảnh khắc — với Charles Bon (sinh năm 1929) — nàng cũng phải trả bằng một giá rất đắt, do hệ quả nguyên tội của người cha. Charles Bon là bạn đồng khoá ở đại học Mississippi với Henry Sutpen — anh của nàng — và được Henry mang về nhà nhân dịp Giáng Sinh. Nào ngờ Charles Bon lại chính là đứa con trai của một người vợ trước của ông Thomas Suspen — cha của Henry và Judith.
 
Ông Thomas Suspen, xuất thân là một thằng bé da trắng nghèo nàn ở miền Nam, đã vô tình biến giấc mơ Mỹ thành ác mộng. Khi còn bé, ông đã bị một tên đầy tớ da đen cản ngăn không cho vào nhà một người da trắng giàu sang. Do đó, khi lớn lên, ông muốn “thiết kế” một dòng họ Sutpen danh giá không thua các dòng họ quý phái đương thời, da trắng tinh khiết toàn hảo trăm phần trăm; và vì thế nên ông đã ly dị người vợ thứ nhất — con gái độc nhất của một chủ đồn điền mía gốc Pháp trên đảo Haiti — và vất bỏ đứa con thơ, khi Sutpen phát hiện người vợ này có vài giọt máu đen trong huyết quản. Đứa bé sẽ mang họ mẹ với cái tên Charles Bon, và sẽ trở thành dụng cụ mà định mệnh sử dụng để trả thù dòng họ Sutpen.
 
Nhưng cũng xin lưu ý độc giả về điểm đặc biệt này: định mệnh, dù có khắc nghiệt đến thế mấy đi nữa, nhân vật của Faulkner vẫn không chịu khuất phục. Họ sẽ kiên tâm lặng lẽ chịu đựng đến phút cuối cùng, như một sự chống cự bướng bỉnh, ngấm ngầm. Tuy không hẳn là, nhưng tất nhiên cũng có chứa đựng, những cảm nghĩ của tác giả, người kể chuyện vô danh trong “Evangeline”, thoạt tiên, đã cợt nhả khi nghe chuyện “con ma” trong ngôi nhà Sutpen gần đổ nát, để rồi dần đần bị cuốn hút càng lúc càng sâu thêm, và bị chi phối bởi thảm kịch của những kẻ hoàn toàn xa lạ; và độc giả cũng hoà mình, nhập xác, để cảm nhận sự đau đớn xót xa bùi ngùi đó.
 
Dù tự nó cũng đủ để làm nên một truyện ngắn đặc sắc, nhưng “Evangeline” chỉ là một phát thảo, sẽ được Faulkner thêm thắt, phong phú, phóng đại, để trở thành Absalom, Absalom! — với cốt truyện như tôi đã tóm lược ở trên — sử dụng tự sự khi thì châm biếm bông đùa, khi thì chan chứa bi thương trữ tình, được đánh giá là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của W. Faulkner. Nếu gặp dịp, tôi sẽ trở lại với tác phẩm lừng danh này, độc sáng về cả hai phương diện nội dung lẫn hình thức: hoài bão của một cá nhân đã không lùi bước trước bất cứ một phương tiện nào, đã gạt tình cảm qua một bên, và chỉ sử dụng lý trí để thiết kế tương lai cho một dòng họ, xê dịch những cá nhân như những con cờ trên bàn cờ; sự sụp đổ hoàn toàn của công trình to tát đó tất nhiên dễ trở thành một ẩn dụ mở, sẵn sàng chờ đón mọi diễn dịch.
 
William Faulkner sinh năm 1897 tại tiểu bang Mississipi, trong một gia đình quý phái đã suy tàn vì cuộc nội chiến (1861-1865). Học vấn của ông, một học sinh không chăm chỉ ở trường, phần lớn đã được cha và chú đảm nhận ở nhà. Cùng với chữ nghĩa, Faulkner cũng được tham gia các cuộc săn bắn của người lớn trong các đầm lầy Oxford — điều này sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong tác phẩm của ông. Lúc trưởng thành ông đã tới New Orleans sống vài tháng. Ở đó ông gặp nhà văn Sherwood Anderson, một tác giả người miền Nam như ông. Rồi ông lên New York, sang Paris, rồi lại về Oxford cư ngụ cho tới khi ông được mời đến Hollywood làm thư ký riêng cho đạo diễn Howard Hawks.
 
Oxford, dưới ngòi bút Faulkner, sẽ trở thành Jefferson trong hầu hết các tác phẩm, trong khi huyện Lafayette — địa phận thực sự của Oxford — sẽ hoá thành hạt Yoknapatawpha huyền thoại. Miền đất bé nhỏ như một “con tem” này, “cái mỏ vàng” để ông khai thác, sẽ là vị trí lý tưởng cho những câu chuyện về miền Nam có liên quan mật thiết với lịch sử và giữa các họ tộc Sartoris, Compson, McCaslin, Snopes... Jefferson và Yoknapatawpha là biểu tượng của “miền Nam sâu thẳm”, quý phái và nông nghiệp, một trong những tế bào nguyên thuỷ của đất nước Hoa Kỳ, sẽ bị lãng quên, bị xâm lấn bởi miền Bắc công nghiệp, thô lỗ — miền Bắc đáng ghê tởm đã dùng sức mạnh để cưỡng bức, xâm nhập “thánh cung” (Sanctuary) miền Nam.
 
Tôi nghĩ tới một cuộc xâm lấn gần chúng ta hơn, một nền văn minh “miệt vườn” quý phái ở cung cách hiền từ, chân chất, nhân ái, trọng nghĩa khinh tài, một pha trộn tốt đẹp giữa nho giáo và tây học, xuất phát và triển nở dưới thời thuộc địa khai hoang, đã và đang bị huỷ diệt, cuốn theo chiều gió bởi đồng đô la đỏ vô nhân đạo. Bầu hoa hậu này, cử á hậu nọ, để che đậy cái thân hình gái điếm loã lồ lở loét nhiễm trùng của xứ sở và nhất là của một chính quyền đã mất hết nhân cách.
 
“Hãy nói cho tôi nghe về miền Nam. Nó như thế nào ở nơi xa xăm ấy? Người ta đang làm gì ở nơi đó? Tại sao người ta còn ở nơi đó? Tại sao người ta sinh sống ỏ nơi đó?”, Shreve (Shrevlin McCannon) anh sinh viên người Canada, một “kẻ xa lạ” chia phòng với Quentin Compson — một đứa con của miền Nam đang gánh chịu cái quá khứ của gia đình và cái gánh nặng lịch sử miền Nam (trong Âm thanh và cuồng nộ) — Shreve (Don trong “Evangeline”) đã hỏi Quentin (người kể chuyện vô danh trong “Evangeline”) những câu hỏi đã kể, trong một đêm đông ở Đại học Harward (1909-1914) khi cả hai đang cố lắp ráp và suy diễn từ những phần mảnh về tấn thảm kịch của gia đình ông đại tá Thomas Sutpen và tìm hiểu cái chiều sâu của lịch sử trong tiểu thuyết Absalom, Absalom!
 
Năm 1949, William Faulkner lãnh giải Nobel Văn Chương. Qua kinh nghiệm gia đình và kinh nghiệm sống, Faulkner biết rõ hơn ai hết về những mối liên hệ rất phức tạp giữa người da trắng và người da đen, giữa chủ và tớ, không hẳn phải là những liên hệ bốc lột một chiều từ trên xuống dưới. Faulkner đề tặng cuốn truyện Go Down, Moses (1942) cho bà vú già da đen của ông — có thể đã là hình mẫu của Dilsey, bà quản gia trong Âm thanh và cuồng nộ (1929), người mẹ thật sự của đám con nhà Compson: “Kính tặng ‘Mammy’ Caroline Barr, Mississipi (1840-1940) chào đời trong nô lệ, đã chứng tỏ lòng trung thành sâu sắc và không vụ lợi đối với gia đình tôi và đã bao bọc tuổi thơ tôi với sự tận tâm và một tình thương vô hạn.”
 
Nguyễn Đăng Thường

 

_____________

 

EVANGELINE

 
Đã đăng: Evangeline [I-II][III][IV]
 

V

 

Chúng tôi vẫn ngồi trong căn bếp tối thui. “Và ổng sẽ không qua khỏi đêm nay. Và chỉ có một mình cụ ở đây thôi.”

“Tôi đã mình ên xoay trở được với ba người kia rồi.”

“Có lẽ cháu nên ở lại đây, trong trường hợp. . .”

Giọng nói của bà ấy, luôn luôn đều đều, vụt đến tức khắc: “Trong trường hợp gì?” Tôi không trả lời. Tôi cũng không nghe bà ấy thở. “Tôi đã hoàn toàn xoay trở được với ba người kia. Tôi chẳng cần ai hết. Anh đã tìm thấy rồi. Thôi anh đi đi. Đi về nhà mà viết cái bài báo của anh đi.”

“Rất có thể rằng cháu sẽ không viết.”

“Chắc hẳn rằng anh phải làm như vậy rồi nếu Henry Sutpen còn khoẻ mạnh tỉnh táo. Anh nghĩ cậu ấy sẽ làm gì nếu ngay lúc này tôi đi lên lầu để nói với cậu ấy như thế này: 'Henry Sutpen, đây là người sẽ viết cho các báo về anh, về cha anh, và em gái anh?’”

“Cháu không biết. Ông ấy sẽ làm gì?”

“Không quan trọng. Anh đã biết hết rồi. Anh nên ra khỏi nơi này ngay. Hãy để cho Henry được chết bình an. Đó là những gì anh còn có thể làm được cho cậu ấy.”

“Có thể ông ta sẽ làm vậy; có thể ông ta sẽ bảo tôi: ‘Hãy để cho tôi được chết bình yên.’”

“Dù sao đi nữa thì đó là điều tôi sẽ làm. Anh phải rời khỏi nơi này ngay lập tức.”

Đó cũng là việc mà tôi đã quyết định làm. Bà ấy gọi con chó nằm cạnh cửa sổ căn bếp và yên tĩnh chuyện trò với nó trong lúc tôi lách mình qua cửa trước để bước ra ngoài và bắt đầu đi xuống trên lối đi. Tôi chờ xem con chó sẽ xuất hiện ở góc nhà và tấn công tôi khiến tôi cũng phải phóng tuốt lên ngọn cây để lánh nạn, song không có chuyện gì xảy ra cả. Có thể vì vậy mà tôi đã quyết tâm. Hay có thể giản dị hơn rằng đó chính là cái lý lẽ mà con người thường viện ra để biện minh cho việc họ thích xen dự vào chuyện của người khác? Dù thế nào nữa thì tôi cũng dừng chân bên cánh cổng sắt đã rỉ và mất bản lề mở ra con lộ, và đứng lặng một khoảnh khắc trên cánh đồng dưới đêm hè, yên lặng và hằng hà. Trong căn lều đèn đóm đã tắt và ngôi nhà cũng khuất dạng ở đầu kia của con đường hang do hai hàng cây bách hợp thành, bị che khuất bởi cái khối tưa tả của những nhánh cành tách khỏi nền trời. Tiếng động cũng im lìm, ngoại trừ những con ve sầu và lũ côn trùng rấm rúc trong cỏ, và tiếng hót vô nghĩa của một con chim sâu. Tôi quay trở lại và đi trở lên con đường dẫn đến ngôi nhà.

Tôi vẫn trông đợi con chó vụt hiện ra ở một góc nhà và nhảy xổ về phía tôi và sủa. 'Và bà ấy sẽ biết rằng tôi đã gian lận,' tôi nghĩ. 'Bà ấy sẽ biết rằng tôi đã nói dối với bà như Charles Bon đã nói dối với Henry Sutpen.' Nhưng con chó không chạy đến. Tôi không thấy nó trước khi tôi đã ngồi trên nấc thang cao nhất của hàng hiên, tựa người vào một cây cột được một lát. Lúc đó nó mới hiện ra, buồn bã, lo âu, mắt nó nhìn sững tôi. Tôi không nhúch nhích, không gây tiếng động. Sau một hồi nó lặng lẽ bỏ đi y như lúc nó mới tới. Chiếc bóng của nó tạo một chuyển động dần dần lu mờ rồi khuất hẳn.

Mọi vật đều bất động. Trên cao, trên các ngọn cây bách như có tiếng thở dài, rất khẽ nhưng bền bỉ, và tôi nghe tiếng của lũ côn trùng và tiếng con chim sâu. Rồi kế đó là hai con chim sâu đối đáp nhau bằng những khúc gọi nhau ngắn ngủi. Rồi rặng cây bách với tiếng thở than và lũ côn trùng và tiếng chim hoà thành một thanh âm nơi đáy sọ tựa một khúc ca nho nhỏ đơn điệu, như thể cả trái đất đã teo rút lại với kích thước của một quả bóng dã cầu nơi tụ về và phát ra những hình thể luân phiên vụt hiện rồi vụt biến, vụt biến rồi vụt hiện:

“Và ông đã bị giết chết bởi phát súng cuối cùng của chiến tranh?”

“Đúng, tôi đã bị giết chết như thế.”

“Ai đã nã phát súng cuối cùng của chiến tranh?”

“Henry, có phải chính ông đã bắn phát súng cuối cùng của chiến tranh?”

“Đúng, chính tôi đã bắn phát súng cuối cùng của chiến tranh.”

“Ông đã đặt hy vọng vào chiến tranh, và chiến tranh cũng phản bội ông. Có phải thế không?”

“Henry, có phải vậy không?”

“Henry, lỗi của người đàn bà ấy là gì? Có điều gì đó trầm trọng hơn là hôn lễ đối với ông. Có phải là vì đứa con? Thế nhưng Raby có nói rằng nó lên chín khi đại tá Sutpen qua đời năm 70 tuổi. Nếu vậy thì nó sinh ra sau đám cưới của Charles và Judith. Có phải Charles đã nói dối về điều này?”

“ Điều gì Judith đã hiểu được, và Raby đã hiểu được, khi họ trông thấy người đàn bà ấy?”

“Đúng.”

“Cái gì đúng?”

“Đúng.”

“Ô. Và ông đã sống ẩn dật trong bốn mươi năm qua.”

“Tôi sống tại đây từ bốn chục năm nay.”

“Ông sống có được yên ổn không?”

“Lúc ấy tôi đã thấm mệt.”

“Có phải là đã y hệt? Đối với ông và đối với Raby.”

“Y hệt. Như đối với tôi. Tôi cũng mỏi mệt.”

“Tại sao cụ đã làm các điều ấy cho Henry Sutpen?”

“Henry chính là anh tôi.”

 

 

VI

 

Ngôi nhà bốc cháy như một hộp diêm. Tôi bị kéo ra khỏi giấc ngủ bởi những tiếng sủa vang rền và dữ dội của con chó trên đầu tôi, và, có thể rằng trước khi tôi tỉnh hẳn, tôi vụt chạy lướt qua nó với những bước chập choạng trên cầu thang, trước khi tỉnh hẳn. Tôi còn nhớ những tiếng nói yếu ớt, hợp hoà và xa vắng của bọn Đen xuyên qua cánh đồng vẳng đến tai tôi từ căn chòi; thế rồi, vẫn trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi xoay người lại và thấy cái mặt tiền rực lửa như một chữ cái được tô điểm trong các quyển sách cổ cùng với những khung cửa sổ trước đấy đã mù loà, thành thử mặt tiền của ngôi nhà có vẻ đang chao nghiêng xuống ở phía trên tôi trong cơn thinh nộ điên cuồng. Con chó rống lên và nhảy xổ vào cửa cái đóng khoá; rồi nó nhảy xuống từ hàng hiên và chạy mất hút về phía sau nhà.

Tôi cũng la thất thanh và chạy theo nó. Căn bếp đã phát hoả và cả phần sau của ngôi nhà đang bốc cháy cùng với mái nhà; các tấm ván lợp nhẹ và khô như giấy bốc lửa quay cuồng tung bay, và chúng tự thiêu huỷ trong khi bay lên tầng cao tựa những ngôi sao băng ngược chiều. Vẫn la hét, tôi chạy trở ra phía trước ngôi nhà. Con chó chạy vượt qua tôi, bấn loạn, hú vang; trong lúc tôi nhìn bóng dáng những người phụ nữ da đen băng qua cánh đồng đỏ lửa chạy tới, tôi nghe nó nhảy xổ không thôi vào cánh cửa cái.

Bọn Đen kéo tới, cả ba thế hệ đầy đủ không thiếu một mạng, mắt trắng dã, mồm há ra trên những cổ họng màu hồng. “Họ còn ở trong ấy, cứ tin tôi đi,” tôi hét. “Bà ấy đã đốt nhà và cả hai vẫn còn ở bên trong. Bà ấy đã bảo với tôi rằng Henry Sutpen sẽ không có mặt trên cõi đời này vào sáng nay, nhưng tôi không—” Vì tiếng lửa cháy, tôi gần như không nghe được tiếng nói của chính mình, và, trong một lúc, tôi cũng không nghe tiếng nói của bọn Mọi. Tôi chỉ nhìn thấy những cái mồm há hốc và những tròng mắt bất động viền trắng. Rồi tiếng gào thét lên tới mức mà tai không còn nghe thấy nữa vì nó đã vươn lên trời trong một thứ im lặng, và tôi nghe những giọng nói Đen. Họ đồng thanh phát ra một tiếng than man dã và nhịp nhàng, trong một hoà âm pha lẫn giọng trẻ con the thé và giọng kim của người đàn bà già nhất trong bọn họ, con gái của người đàn bà đang ở trong ngôi nhà phát hoả; người ta có thể tin rằng họ đã tập dượt từ nhiều năm trong khi chờ đợi cái lúc không thể xoá đó ở bên ngoài mọi thời gian có thể đo lường được. Lúc đó chúng tôi thấy người đàn bà trong ngôi nhà.

Chúng tôi đang đứng dưới chân tường, nhìn các tấm ván tách rời tự thiêu huỷ, các cửa sổ theo nhau lần lượt biến mất, khi chúng tôi nhìn thấy người đàn bà da đen xuất hiện trong khung cửa sổ trên tầng nhất. Bà đi xuyên qua những ngọn lửa và nghiêng người ra ngoài một lúc, hai tay đặt trên gờ cửa đang bốc cháy, không to hơn một con búp bê và bình thản như một pho tượng đồng, thanh thản và năng động như một nhân vật đang suy gẫm nơi hàng đầu của cuộc thiêu sinh. Rồi cả ngôi nhà dường như sụp đổ, tự chính nó hoà tan; con chó lại xuất hiện, nhưng nó đã hết tru tréo, tiến lại từ phía trước mặt, nó quay trở lui và, với một cái phóng mình, không tiếng một kêu, không một tiếng động, nhảy xổ vào giữa đám lửa rực hồng.

Tôi nhớ hình như tôi có nói rằng âm thanh đã vượt khỏi tầm ý thức bất mãn và ngạc nhiên của thính giác. Khán giả thuần tuý, chúng tôi chứng kiến cảnh ngôi nhà tan rã, tan chảy, bốc hơi trong bầu trời đỏ rực đầy im lặng và cuồng nộ. Trong lúc nhảy chồm tới, những ngọn lửa liếm các nhánh cây tùng bách điên cuồng đỏ rực, thành thử như tự chúng rực đỏ, tự chúng tan biến vào nền trời êm dịu lốm đốm tinh tú xanh xao, cũng chồng chềnh cuồng quay.

 

 

VII

 

Cơn mưa trút xuống trước lúc rạng đông. Thoáng chốc, mưa nặng và đều, không sấm chớp, như thác đổ suốt cả buổi sáng. Bộ xương trơ trụi của ngôi nhà cháy đẫm nước mưa đến đỗi trên các ống khói còn nguyên vẹn và các miếng gỗ đã cháy thành tro, lơ lửng một làn hơi nước dày chóng trở thành bất động. Nhưng một lúc sau làn khói nước cũng tản mác, và chúng tôi có thể đi tới lui giữa những cây đà và những tấm ván phân nửa đã cháy rụi thành than. Chúng tôi thận trọng từng bước một, bọn Đen khoác trên mình các thứ đã vớ được trong tầm tay để che mưa, chúng câm lặng trong lúc này, chúng đã ngưng hẳn giọng hát đều đều trừ một bà già nhất đám, sơ hay cố, còn rỉ rả một khúc thánh ca và bước giữa khung cảnh tiêu điều, thỉnh thoảng bà lão dừng lại để cúi nhặt một vật gì đó. Chính bà đã nhặt được bức chân dung đựng trong chiếc hộp dẹp bằng kim khí, bức chân dung của Judith từng là vật sở hữu của Charles Bon. “Tôi sẵn lòng cất giữ nó”, tôi nói.

Bà lão nhìn tôi. Nước da bà đen hơn màu da của người mẹ, thế nhưng trong nét mặt bà vẫn phảng phất, tuy hầu như không thể phân biệt được, đôi chút dấu vết Da Đỏ và dăm ba vết tích Sutpen. “Tôi không dám chắc rằng Mammy sẽ hài lòng về điều đó. Bà vẫn ganh tị cất giữ các thứ thuộc về gia đình Sutpen.”

“Đêm qua tôi có chuyện trò với cụ bà. Cụ bà đã kể lại cho tôi nghe tất cả. Xin cụ chớ ngại, không có vấn đề gì cả.” Bà lão nhìn thẳng vào mắt tôi. “Tôi có thể mua lại, nếu cụ muốn vậy.”

“Tôi không có quyền bán chát.”

“Vậy thời xin cụ cho tôi được ngắm nó một lúc. Tôi sẽ hoàn lại cho cụ. Tôi có thưa chuyện với cụ bà trong đêm qua, xin cụ chớ ngại, không có vấn đề gì cả.”

Và bà lão đã trao nó cho tôi. Hộp đã bị chảy một tí, và cái khoá mà Judith đã dùng búa gõ cho nó vĩnh viễn dính chặt lại nay chỉ còn là một vệt dài và hẹp nằm dọc theo mép nắp hộp: thoạt trông tưởng như có thể lấy dao nạy được, nhưng thật ra phải cần tới một cái rìu.

Bức chân dung vẫn còn nguyên. Tôi ngắm khuôn mặt và tôi điềm tĩnh, ngu si, thầm nghĩ (lúc ấy tôi hơi đờ đẫn vì đã thức trắng đêm, vì bị ướt sũng, vì đói), tôi điềm tĩnh nghĩ thầm: “Ủa, mình đã tưởng nàng có mái tóc vàng. Người ta đã bảo với tôi rằng Judith có mái tóc vàng. . . .” Tôi sực tỉnh. Tôi trầm lặng ngắm lại thật kỹ bức chân dung: khuôn mặt trái soan, nước da mịn màng không tì vết, cặp môi mọng dày, hơi hé mở, đôi mắt nóng bỏng, mơ mơ màng màng, bí hiểm, mái tóc đen tuyền chỉ xoăn nhẹ nhưng không thể phủ nhận—tất cả những dấu ấn bi đát và không thể tẩy xoá của dòng máu đen. Lời đề tặng bằng tiếng Pháp: À mon mari. Toujours. 12 aout 1860. [2] Và, trầm lặng, tôi ngắm nhìn thêm một lần nữa cái khuôn mặt bị định mệnh cương quyết khắc ghi dấu ấn và tôi ngửi được cái mùi hương lơi lả ê hề của những đoá mộc lan—cái khuôn mặt, tuy vô ý thức, đã huỷ diệt ba cuộc đời—và tôi đã hiểu tại sao người giám hộ cần phải gửi Charles Bon vào một trường đại học ở miền Bắc Mississippi, và cái điều mà, dưới nhãn quan của một Henry Sutpen, xét theo bản lĩnh của ông ta và dựa trên truyền thống lâu dài mà ông ta đã được hun đúc, mà cá tính và tư tưởng của chính ông ta đã được rèn luyện, có vẻ còn tệ hại hơn một cuộc hôn nhân và khiến cái tội song hôn thêm trầm trọng tới mức sự nhờ vả một khẩu súng lục không chỉ bào chữa được mà còn không thể né tránh.

“Chỉ có vậy”, bà lão mọi nói. Bàn tay bà nhô ra ngoài tấm áo choàng quân trang cũ và bẩn bà khoác trên vai, và cầm lấy bức chân dung. Bà chỉ liếc nhìn sơ trước khi đóng cái hộp: một cái liếc nhìn hờ hững hay đần độn, tôi không thể khẳng định. Tôi không thể khẳng định rằng bà ấy đã nhìn thấy tấm ảnh hay khuôn mặt ấy trước lúc đó, hoặc giả bà ấy cũng chẳng biết rõ rằng bà ấy có bao giờ nhìn thấy chúng hay không. “Tôi nghĩ tốt hơn ông nên để nó lại cho tôi.”

 

[hết]

 

----------------
Nguồn: William Faulkner, Uncollected Stories (New York: Vintage Books, 1997), và William Faulkner, Évangeline, Michel Gresset chuyển ngữ (Paris: Mercure de France, 1998).

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]André Malraux, trong Lời Tựa viết cho Thánh Cung (1949), bản dịch tiếng Pháp của Sanctuary (1931), một cuốn tiểu thuyết nhại truyện trinh thám để mô tả cái ác đã gây chấn động khắp nước Mỹ vào đầu thập niên 30.

[2]Tạm dịch: “Tặng anh. Người chồng muôn đời của em. 12 tháng tám 1860.” Đây là bức chân dung của người đàn bà da đen, chứ không phải là bức chân dung của Judith như người kể chuyện đã lầm tưởng trước khi mở ra xem.

 

 

Đã đăng:

Evangeline [I-II]  (truyện / tuỳ bút) - Faulkner, William
Tôi không gặp mặt Don đã từ bảy năm nay và bặt tin hắn đã sáu năm rưỡi khi tôi nhận điện tín này: KIẾM ĐƯỢC CHO CẬU MỘT CON MA HÃY TỚI LÃNH TUẦN NÀY TỚ VỀ NHÀ. Không đắn đo, tôi suy gẫm: ‘Hắn nghĩ mình có thể làm gì với một con ma?’ ... [Bản dịch và lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Evangeline [III]  (truyện / tuỳ bút) - Faulkner, William
Đêm đó, tôi thấy mình đứng ngay dưới một trong những cửa sổ hai cánh khép của ngôi nhà, trong bóng tối dày đặc của những lùm cây có những nhánh cây leo sum suê và tôi nghĩ, ‘Mi chỉ cần bước vào nhà. Nàng sẽ nghe và sẽ gọi. Nàng sẽ hỏi “Chị đấy phải không?”...’ [Bản dịch và lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Evangeline [IV]  (truyện / tuỳ bút) - Faulkner, William
Chúng tôi trở xuống căn bếp đắm chìm trong bóng tối, ngồi đối diện nhau. “Và ông ta sắp chết,” tôi nói. “Ông ta đã ở trong tình trạng đó từ bao giờ?” ... [Bản dịch và lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021