thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cô ca sĩ phòng trà Queen Bee

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

MARK FRANKLAND

(1934~)

 

 

Lời người dịch:
Khi đọc đến cuối chương này, độc giả hẳn sẽ dễ dàng nhận ra cô ca sĩ sinh viên giọng khàn hát nhạc phản chiến của một thời vang bóng.
 
Gần cuối thập niên 60, tiệm rượu và quán nhạc Queen Bee — ở cách Toà Thị Sảnh vài mét và gần sát vách Air Vietnam ở góc đường — là nơi để giải sầu của giới trẻ nhiều khổ đau, phần lớn là con nhà giàu mới, qua chất men đắng nhập khẩu và tiếng hát ru em ngàn năm đủ loại, của các cô ca sĩ trẻ đương thời, như Thanh Thuý, Ngọc Minh, Carol Kim.
 
Tiệm Pink Night (Đêm Màu Hồng) — ở gần bờ sông và cũng ở trên đường Nguyễn Huệ như Queen Bee — có "tiếng hát lên trời" của danh ca Thái Thanh thuộc bậc đàn chị trình diễn mỗi đêm, sở trường nhạc "bán cổ điển" tây phương như ca khúc "Dòng sông xanh" — là chỗ để thư giãn của giới sĩ quan cao cấp tướng tá.
 
Nhà hàng Maxim's gắn máy lạnh ở cuối đường Tự Do thì chuyên trị ngoại kiều — chiếm chỗ cũ của rạp Majestic yêu mến của tôi dưới thời Pháp thuộc — đêm đêm văng vẳng tiếng hò miền Nam của ca sĩ Phương Dung, con nhạn trắng Gò Công.
NĐT

 

____________

 

CÔ CA SĨ PHÒNG TRÀ QUEEN BEE

 

Trong những tháng kế tiếp, câu chuyện của Thái bắt đầu phai mờ như một giấc mơ. Sau khi nhận gói đô la do bà gửi, tôi bặt tin mẹ Thái luôn. Tôi không gặp lại Maurice, hay một vị linh mục, một nhà sư nào nữa. Thậm chí Jeanette cũng vắng bóng ở Cercle Sportif. Có thể đại tá Đính đã giữ lời hứa và đã giúp Jeannette và mẹ nàng bay sang Pháp rồi chăng. Tôi hy vọng là đã như thế.

Tôi chỉ bán chờ tin Thái đã rời Nam Vang và đã sang Pháp an toàn. Tuy nhiên, dù không thấy thông điệp đút dưới cửa, dù không có sự xuất hiện bất ngờ của Maurice, tôi cũng không xao xuyến thái quá. Đôi khi một lời nói của Ba hay của Gruson chợt trở về. Tôi có chiêm bao thấy lão Đỗ vài lần, nhưng trong giấc mơ lão đã lẫn lộn với người huấn luyện viên của tôi ở ngôi trường cũ, mà có một lần lão Đỗ đã khiến tôi nhớ lại, và tôi thấy lão Đỗ đứng trên chiếc sân cricket thay vì trong mảnh vườn xác xơ khi tôi gặp lão lần đầu tiên, hay nằm chết bên cạnh chiếc xe đạp cà tàng của lão trong lần gặp gỡ cuối cùng giữa hai chúng tôi. Đại tá Đính thì lạ lùng thay không hề ám ảnh tôi. Tôi không thể bảo rằng tôi đã lo lắng quá nhiều cho Thái vì tôi đinh ninh rằng Thái đã được an toàn.

Tôi có cảm tưởng như mình vừa thoát khỏi một cơn bệnh dài. Đớn đau và nóng sốt hầu như đã đi vào quên lãng, nhưng tôi phải chờ một thời gian mới có thể biết rõ được rằng mình đã bị thiệt hại như thế nào. Như mọi cơn đau, hậu quả chỉ thực sự đến sau nhiều năm.

Chuyện đầu tiên đến quấy rối sự yên bình đó, là cái tin về Jeannette. Tôi tình cờ chạm mặt một con bạn của nàng ở Câu Lạc Bộ và nó hỏi ý kiến của tôi về cái đám cưới của Jeannette. Jeannette sẽ kết hôn với một nhà báo tên Byrne. Tôi đã từng nghĩ rằng Byrne có thể đóng vai một vị cứu tinh. Tất nhiên niềm tự hào của tôi đã bị thương tổn, nhưng Jeannette không thuộc về tôi, mà tôi cũng không ganh tị sự thoát ly đó. Nhưng thương tổn lớn nhất chính là ở cái chỗ Byrne có thể thích ứng với một cuộc sống mà tôi biết sẽ không thích hợp với chính mình.

Thế rồi một buổi chiều, gần đúng một tháng sau khi tôi nhận được cái tin của Maurice về chuyến đi của Thái, Ba bất thình lình tới ngôi biệt thự. Anh bước vào nhà vội vã như mọi khi, đi tới đi lui lăng xăng trong phòng khách, ve vẩy cái ống điếu và chất vấn tôi với những câu hỏi không liền lạc. Rõ ràng là anh đang có chuyện buồn lo.

“Anh có được tin tức gì của Maurice không?”

Tôi lắc đầu và Ba chau mày. Ba nói anh đã tới nhà Maurice hai lần trong tuần lễ vừa qua để săn tin Thái. Thái lẽ ra đã phải trên đường sang Pháp rồi. Nhưng lần đầu tiên Maurice bảo với anh chưa có thêm tìn tức gì mới, lần thứ hai thì ngôi nhà cửa đóng im ỉm. Chị ở cũng vắng bóng.

Tôi cố xoa dịu anh nhưng hai mép miệng anh vẫn xệ nên tôi đề nghị chúng tôi ra phố ăn. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy anh nhận lời, nhưng có thể là vì tôi đã khá khôn ngoan để đề nghị anh đưa tôi tới một nơi tôi chưa từng đến và nó có thể sẽ hấp đẫn đối với tôi. Ba không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội được đóng vai hướng dẫn viên.

Anh đưa tôi tới một cái quán không xa ở đằng sau đường Lê Lợi. Một chỗ để ăn uống rất giản dị không có tí ti gì là nhà hàng cả, với vài cái bàn đặt trong một nơi có thể đã là mái hiên của một tiệm buôn bán cũ. Nhưng khác với đa số tiệm ăn trên những con đường đông đúc ở trung tâm, cái quán cóc này chỉ bán thức ăn Việt. Chúng tôi ăn chả giò, đã được mang đến bàn từng cuốn dài gần ba mươi phân tây, và được người hầu bàn cắt thành từng khúc ngắn bằng kéo. Ba xin thêm ớt mà anh cắn nguyên trái với hột gần đến cuống. Anh hớn hở khi kể lại chuyện một người ngoại quốc có thể ăn ớt như người Việt Nam, nhưng gần như suốt bữa ăn Ba tỏ vẻ quá âu sầu khiến tôi bắt đầu lo ngại.

Khi chúng tôi rời quán, rõ ràng là anh vẫn chưa muốn về nhà. Chúng tôi cuốc bộ được một lát, rồi anh hỏi tôi có muốn nghe nhạc hay không. Anh nói có một cô ca sĩ mới đang trình diễn tại một phòng trà ca nhạc gần toà thị sảnh. Có tin đồn rằng cô ta hát rất hay, và giới trẻ đang say mê tiếng hát của cô.

Tôi thực tình không muốn tới nơi đó. Tôi còn nhớ cái hộp đêm Maurice đã đưa tôi tới. Nếu nhận lời Ba thì chẳng khác gì trở lui lại trang đầu của một cuốn sách đã vô dụng đối với tất cả mọi người. Nhưng tôi không muốn Ba phải thất vọng. Tới đó cũng không mấy xa và tôi không thể hình dung Ba ngồi yên được lâu ở bất cứ nơi nào.

Quán Queen Bee không giống tiệm Pink Night của Maurice. Nó ở trên chóp đỉnh của một chiếc cầu thang đâm thẳng xuống đường, và chúng tôi phải len lỏi qua đám thanh niên và sĩ quan để tới cửa vào. Họ tỏ vẻ không thích sự có mặt của tôi nhưng Ba đi trước như một chiếc tàu kéo dọn đường. Chỗ này chẳng khác gì một vựa thóc. Cử toạ đa số là thanh niên. Một số trông giống như sinh viên. Có nhiều anh, với mái tóc cắt ngắn, có thể là quân nhân không mặc đồng phục.

Ba thuyết phục một anh hầu bạn không sốt sắng tìm cho chúng tôi một cái bàn trống. Chúng tôi gọi whisky và Ba lấy ống điếu ra. Một cô gái trẻ mặc váy ngắn đang hát với một giàn nhạc ở phía sau. Cô hát một bài hát Pháp. Tiếng nói chuyện vẫn huyên náo ở mỗi bàn. Thính giả không chăm chú nghe và chỉ vỗ tay lấy lệ.

Một hồi trống bỗng vang lên và ánh đèn rọi lên sân khấu. Có sự chen lấn xô đẩy nơi cửa ra vào khi đám người đứng trên cầu thang quay trở về chỗ cũ trong phòng. Tiếng nói chuyện tắt dần. Một cô gái mặc áo dài xanh dương bước ra sân khấu. Khuôn mặt cô trông chẳng mấy khác khuôn mặt của các cô gái Việt Nam trẻ đẹp, với mái tóc đen và thẳng xoã chấm vai.

Thế nhưng giọng hát thì rất dị thường vì nó đến từ cửa miệng của một cô gái chắc chỉ vừa mới xa mái trường. Một giọng hát khàn như đã tẩm quá nhiều rượu và khói thuốc rất có hại cho chủ nó. Tôi quan sát khuôn mặt cô trong ánh đèn rọi và thấy nó đã được trang điểm để làm tăng vẻ đẹp xinh xắn dễ thương của trẻ con. Mái tóc chẻ giữa và thả xuống hai bên má. Các móng tay dài sơn màu hồng nhạt. Cô hát bài hát có nhịp êm chậm và trầm bổng với thân hình đứng thẳng gần như không cử động, hai tay buông xuôi, và rõ ràng là cô không muốn làm dáng với cử toạ. Nhưng cô diễn tả bài hát như thể nhạc và lời đến từ đời sống của cô, và cô không hát cho cử toạ mà cho chính cô, dù nghe với đôi tai ngoại quốc của tôi. Tôi hiểu tại sao giới trẻ đã kéo nhau tới nghe cô hát. Đó là sự trong trắng ngây thơ tuyên bố rằng nó không thể kéo dài thêm mãi cuộc sống vô vọng, nhưng đồng thời nó cũng không muốn kháng cự từ bỏ cuộc sống bê tha trần tục đang tới. Và tôi nhận ra người ca sĩ. Đó là tiếng hát mờ khói thuốc tôi đã vẳng nghe từ bên ngoài căn nhà của Ba trong đêm đứa con nhỏ của Ba bị thương tích vì quả lựu đạn.

Một thanh niên mảnh khảnh ngồi bàn bên cạnh nghiêng qua phía tôi và với những câu tiếng Anh chưa thông thạo hỏi tôi có hiểu ca lời hay không. Tôi lắc đầu và anh ta xích ghế lại gần tôi.

“Lời ca rất quan trọng. Chúng tôi cảm thấy như vậy. Bài hát nói về một cô gái sống trong cảnh cô đơn. Có thể người yêu của cô đã qua đời. Người yêu của cô có thể là một người lính. Bài hát rất thơ mộng. Bài hát sẽ ru cô ngàn năm. Nó nói về cái chết và chiến tranh và sự cô đơn.”

Người trẻ tuổi ngưng nói, mệt nhọc vì đã cố gắng chuyển ngữ. Anh ta có vài nét mặt của Thái, mà cũng có cái vẻ lo âu trên khuôn mặt của cha Lam. Tôi không mong chờ được gặp gỡ chúng lại một lần nữa.

Ba kéo tay tôi.

“Nhìn đằng kia kìa.”

Ba hướng ống điếu về phía một cái bàn kê sát vách ở phía sau chúng tôi. Maurice, cà vạt và sơ mi ngắn tay, đang ngồi một mình, thuốc điếu gắn vào ống điếu, một chai whisky, một xô nước đá để trên bàn trước mặt hắn. Trong bối cảnh này hắn có thể là một sinh vật đến từ một hành tinh khác. Tôi định chận Ba lại nhưng anh đã rời ghế trước khi tôi vói tới anh. Maurice tỏ vẻ không muốn bị quấy nhiễu.

Ba trở về sau vài phút, vẻ mặt nghiêm trang. “Anh nên tới đó nói chuyện với hắn.”

Tôi không muốn đi. Tôi có thể thấy Maurice đã khá say. Chuyện của Thái đã xong xuôi, tôi cảm thấy khó chịu ở cái chỗ này, tôi ý thức nó thuộc về một thế giới khác mà tôi đã thanh toán xong.

Nhưng Ba nài nỉ. Maurice lảo đảo đứng dậy bắt tay tôi. Trong sự khó chịu của những người ngồi xung quanh, hắn gọi bồi mang thêm ghế và ly tới.

“Thái có đưa tôi đến đây một lần,” Maurice nói. “Tất nhiên chỗ này không thích hợp với tôi. Tôi đã quá già nua để có thể chia sẻ cảm nghĩ của những người trẻ tuổi. Nhưng Thái thích tới đây. Đôi khi, nó cũng có giễu cợt. Nó có thể nhìn thấy cả hai bên, tất nhiên, nhưng đó là một phần của sự khó khăn của nó, phải không ạ?”

Hắn đã khá say đến độ khuôn mặt hắn sẫm lại và trông hắn tiều tụy, khác hẳn với cái anh chàng bảnh bao, đầy tự tin một buổi tối không báo trước bỗng xuất hiện tại ngôi biệt thự.

“Hai hôm trước chúng tôi nhận được tin,” hắn nói. “Lẽ ra tôi phải báo cho anh biết, nhưng tôi nghĩ tốt hơn là không nên làm phiền anh nữa. Thái đã biến mất. Mười hôm trước nó đã ra khỏi căn nhà ở Nam Vang và không trở về. Những người Khờ Me — bọn Khờ Me của chúng tôi — có đi kiếm nhưng họ không tìm thấy được một dấu vết nào cả. Họ có liên hệ với công an nên biết cách truy lùng. Họ nói có thể Thái đã bị giết. Nhưng tôi thì lại nghĩ khác, tôi nghĩ rằng Thái quá khôn ngoan để có thể bị thủ tiêu. Có thể là Thái đã mất tích vì nó muốn như vậy.”

Chúng tôi không moi được thêm một điều gì khác nữa ở Maurice. Về sau Ba và tôi đã cố gắng suy đoán chuyện gì đã xảy ra. Tôi tự hỏi có phải Thái đã tự sát. Lúc đầu Ba đã tin chắc rằng Thái đã trở về với bọn Việt Cộng — những lý luận của cha Lam rốt cuộc cũng có thể đã lọt vào tai Thái — rồi tôi lại nghĩ rằng bọn cộng sản đã bắt cóc Thái, vì chúng đã không ngừng theo dõi. Nhưng Thái vẫn biệt tăm biệt tích, và khi tin tức về cuộc thảm sát người Việt Nam lần thứ nhất ở Cam Bốt lan tràn trên báo chí — dân Khờ Me bị ngược đãi đã muốn sửa đổi cán cân chênh lệch của lịch sử, tôi nghĩ rằng Thái có thể đã bị sát hại trong dịp đó.

Chỉ đến sau khi tôi rời Sài Gòn tôi mới được biết vợ Thái đã sang Pháp với bé Vọng. Thoạt tiên, cô ấy có ý định sẽ đợi chồng tới Pháp, và với những điều mà tôi đã được biết thêm thì hình như cô ấy vẫn còn chờ đợi. Bài hát chúng tôi nghe trong hộp đêm đã tiên đoán trúng.

Tất nhiên, đó là sự chiến bại. Thái đã lụn tàn. Một miếng gỗ tốt có thể dùng để xây dựng một cái gì thật vĩ đại đã bị mang ra đốt bỏ để duy trì một ngọn lửa mà bất cứ ai, dù có tuyên bố thế nào đi chăng nữa, vẫn chưa chế ngự nổi.

 

 

-------------
Nguồn: Mark Frankland, The Mother-of-Pearl Men, chương 27, chương cuối cùng của tiểu thuyết, tiểu đề do người dịch đặt (London: John Murray Publishers Ltd, 1985).
 
 

 

Đã đăng:

Tử đạo và thánh nhân  (truyện / tuỳ bút) - Frankland, Mark
[Một chương trong tiểu thuyết The Mother-of-Pearl Men] Buổi trưa hôm sau trời đổ mưa, trận mưa đầu tiên từ khi tôi đặt chân đến thành phố này. Nhưng nó không to hơn một trận mưa vòi sen mà đường phố nóng bỏng đã hút cạn ngay, chẳng khác gì một kẻ đang khát được đưa cho vài giọt nước để bông đùa... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Cha Lam  (truyện / tuỳ bút) - Frankland, Mark
... Ông thấy đó, những người theo đạo Chúa đã mang ánh sáng chân lý đến cho chúng tôi, nhưng đồng thời họ cũng sử dụng nó để đặt chúng tôi dưới ách thống trị của người Pháp. Do vậy mà nó đã trở thành một chân lý bị ô nhiễm, và chất độc đã xâm nhập chúng tôi, những tín đồ Công Giáo, cho tới hôm nay... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Một chuyện đã qua  (truyện / tuỳ bút) - Frankland, Mark
“Nghe đây, hỡi anh bạn đồng chí cũ của tôi ơi, tôi muốn cám ơn anh về sự hỗ trợ của anh và tất thảy mọi việc khác. Kết quả tất nhiên đã không được như mong muốn, nhưng anh đã tận dụng hết sức lực của mình...” [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021