thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trăng trên thung lũng Jerusalem [II]
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

SHMUEL YOSEF AGNON

(1888-1970)

 

 

TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG JERUSALEM

 

 
 

II

 

Một hôm, vào giờ đi ngủ, tôi ra đường để mua bánh mì và trái ô liu. Vợ tôi và các con tôi đã đi Guedera. Tôi ở nhà một mình và tôi ăn những thức ăn tôi mua về. Tôi dạo giữa những cửa hàng với khúc bánh mì và những trái ô liu cầm trên tay. Tôi không muốn trở về nhà, vì ở nhà không có ai cả. Ngày sắp hết và tôi không cảm thấy muốn làm việc gì cả. Vậy nên tôi tiếp tục bước đi như một kẻ để cho đôi chân kéo đi. Và đi như vậy tôi đã đến một chỗ không xa cái thung lũng nơi nhà của Greifenbach.

Tất cả mọi ân sủng đều nằm trong cái im lặng tuyệt diệu của buổi ban đêm phía dưới những thung lũng của thành phố Jérusalem. Người ta tưởng những thung lũng đó tách biệt khỏi thế giới và đồng thời cả thế giới lại nằm trong những thung lũng đó. Qua các lùm cây thoảng một ngọn gió nhẹ nhàng mát mẻ không lẫn những thứ không khí dơ bẩn đang lan tràn khắp thế giới. Mình đã ở đây, tôi tự bảo, thì hãy đến xem thử ngôi nhà của Greifenbach ra sao rồi. Chìa khoá đã có sẵn trong túi tôi.

Tôi bước vào nhà và sau khi bật đèn, tôi đi khắp hết, từ phòng này đến phòng khác. Bốn phòng ngủ chưng dọn đẹp đẽ vẫn vô cùng thứ tự, tựa như bà chủ căn nhà này vẫn còn đó để chăm nom bên trong. Tuy nhiên, một tháng dài đã trôi qua kể từ khi vợ chồng Greifenbach rời khỏi nhà họ. Nhưng một ngôi nhà được chăm sóc chu đáo thường không thay đổi, dù người đàn bà săn sóc nó có vắng mặt chăng nữa.

Tôi không thấy đói và không thấy khát, nhưng tôi mệt. Tôi tắt hết đèn đuốc, tôi mở cửa sổ và ngồi xuống nghỉ. Trong bóng đêm tối mù toả ra một thứ im lặng bao phủ lấy tôi và mắt tôi có thể thấy được cái yên tĩnh đang bắt đầu đến gần tôi. Tôi quyết định giữ lời hứa với vợ chồng Greifenbach và ngủ lại đêm ở nhà họ. Tôi đứng dậy, tôi đốt ngọn đèn bàn, tôi lấy một cuốn sách đem vào giường đọc. Tôi lấy làm bằng lòng có cây đèn gần giường ngủ, bằng lòng vì khỏi bắt buộc phải dời chỗ một món đồ nào trong căn nhà không phải là nhà của tôi. Tôi có thể tự coi như là chủ các phòng này, vì tôi có trong tay các chìa khoá, nhưng cái cảm tưởng cho mình là người lạ mà chúng ta vẫn thường mang trong mình làm ta mất cái ý nghĩ làm chủ…

Ngồi trong chiếc ghế bành của Greifenbach, tôi nghĩ vào lúc mà tôi, tôi đang ngồi nghỉ trong nhà họ, thì họ, là vợ chồng Greifenbach, có thể đang đi tìm một quán trọ và tìm không ra. Và dù họ có tìm ra một nơi thì nơi đó cũng không hợp với họ. Tại sao họ lại rời bỏ một căn nhà dễ chịu như thế này với những đồ đạc xinh xắn đến như vậy để ra đi lang thang ở những nơi khác? Và không biết sao mà thiên hạ có thể bỏ nhà của mình để lang thang từ xứ này qua xứ khác được? Phải chăng họ vâng theo một định luật cũ kỹ như trái đất hay theo óc tưởng tượng phỉnh gạt họ? Cách ngôn xưa có câu: “Hạnh phúc ở nơi mà ta không có mặt.”

Tôi bỏ giày ra, tôi thay áo quần, tôi lấy một cuốn sách, tôi tắt ngọn đèn bàn, tôi bật ngọn đèn bên giường, tôi nằm xuống, tôi mở sách ra, nhưng tôi cảm thấy cả thân thể tôi bắt đầu chìm sâu trong giấc ngủ. Tôi là người vẫn không bao giờ ngủ trước mười hai giờ đêm, bỗng nhiên tôi cảm thấy cần ngủ ngay lúc đêm vừa xuống. Tôi đặt cuốn sách xuống, tôi tắt đèn, tôi quay mặt vào tường, tôi nhắm mắt lại và tôi tự nói với chính mình: Nơi đây, tôi tự nhủ, trong căn nhà này, mình có thể ngủ đến bao lâu thì ngủ; không ai tìm gặp mình cả, bởi vì không có ai biết được mình đang ở đây.

Quanh tôi hoàn toàn thanh vắng và im lặng, cái thanh vắng và im lặng mà Chúa – xin ngợi ca Người – đã dành cho những ai thích yên tĩnh trong những thung lũng Jérusalem. Không phải vô cớ mà vợ chồng Greifenbach đã lo sợ cho ngôi nhà đến như vậy. Người ta có thể đột nhập vào ở mà chẳng ai hay cả. Những ý nghĩ của tôi dần dần rối loạn và tôi chỉ còn một cảm giác bần thần dã dượi khắp cả tứ chi.

Đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng động tựa như tiếng ai cào. Vì tôi đã để khúc bánh mì và mấy trái ô liu trong một cái hộp bằng sắt tây, tôi không sợ chuột ăn, nhưng tôi nghĩ là chuột đang gặm tấm thảm, hoặc áo quần, hoặc sách vở, hoặc nữa là mấy chiếc lá mà Guinath đã cho Greifenbach. Tôi lắng tai nghe và biết là không phải chuột gây ra tiếng động đó. Chắc chắn đây chính là tiếng một người, ở bên ngoài, đang sờ soạng vào cánh cửa. Nếu đây không phải là một trong những kẻ khoét tường vào nhà người khác, thì chắc phải chính là Guinath, muốn vào nhà mà lại đi nhầm cửa. Tôi phải ra mở cửa cho ông ấy, tôi tự bảo, và rồi tôi sẽ được thấy mặt ông ta.

Tôi đứng dậy và mở cửa. Tôi thấy trước mặt tôi một người đàn ông đang đứng ở chỗ rung chuông. Tôi nhấn vào nút điện và đèn sáng lên. Tôi ngạc nhiên không nói nên lời. Tôi không hề cho ai biết là tôi đến ngủ tại nhà Greifenbach cả. Làm thế nào Gavriel Gamzou biết được điều đó? “Anh Gamzou,” tôi nói, “có phải anh đó không? Anh đợi một lát, tôi đi lấy cái gì khoác lên người đã.”

Tôi trở vào phòng và mặc áo quần, vẫn còn ngạc nhiên về cuộc thăm viếng này. Biết đâu anh ta có quen biết với chủ căn nhà này hoặc với vợ ông ấy? Greifenbach không phải là người sưu tập sách Do thái và lại càng không có sưu tập những bản thảo hoặc những ấn bản đầu tiên. Khó nhọc hết sức ông ta mới học được một ít chữ Do thái. Ông ta tự hào là biết thứ tiếng đó và biết cả văn phạm, nhưng thật ông ta chỉ biết ngôn ngữ và văn phạm của Thánh Kinh, vì ông đã học trong cuốn “Ngữ pháp Do thái” của Gesenius. Vợ ông, trái lại, học được nhiều hơn. Bà không học trong sách của Gesenius và không biết gì về văn phạm cả, nhưng bà có thể nói chuyện bằng tiếng Do thái với Gracia, người giúp việc cho bà, và nói với những người buôn bán. Bà chẳng dính dáng gì đến những sách vở tiếng Do thái cả. Thế nên tôi tự hỏi không biết cái gì đã xui Gamzou đến tận chốn này. Chắc là anh ta đến vì tôi, tôi tự nhủ, anh vẫn biết là lúc nào anh cũng được tất cả những người quen anh tiếp rước tử tế, bởi vì anh rất thông thái, bởi vì anh quen gần hết cả thế giới, đã đi khắp nhiều nước thật xa và đã viếng những nơi mà chưa có một du khách nào đến trước anh cả. Từ những miền xa xôi đó, anh mang về những tác phẩm của những thi sĩ mà không ai từng nghe nói đến, những bản thảo và những sách vở in lần đầu tiên mà người ta không hề biết tên. Giờ đây, anh không du lịch nữa. Anh ở bên cạnh vợ. Cái anh chàng quen xê dịch kia vào giữa tuổi tráng niên đã trở thành kẻ ngồi một chỗ, bắt buộc phải chăm sóc một người vợ bệnh hoạn. Từ ngày mới lấy nhau, nàng không hề rời khỏi giường, nghe người ta bảo vậy. Tiếng đồn dù có căn cứ hay không, sự thật vẫn rành rành là, ở nhà, anh có một bà vợ đang mắc phải một chứng bệnh nan y và anh phải chăm sóc vợ, tắm rửa cho vợ, giúp đỡ và cho vợ ăn. Thấy anh ta quên mình vì nàng như vậy, đối với nàng, vẫn chưa dủ, nàng còn đánh đập, cắn cấu và xé nát cả quần áo anh ta. Vì vậy anh chỉ đi ra ngoài vào ban đêm, vì xấu hổ phải chường mặt ra đường với áo quần tơi tả và với gương mặt xây xát. Bây giờ, anh đang ở đây. Tại sao anh ta lại đến? Anh ta có dành dụm được mười hai đồng tiền để đưa vợ vào nhà thương. Vì sợ tiêu hết, anh ta đã đem gửi cho tôi. Nhưng ngày hôm đó, tôi đi dạo một vòng gần Mer Morte[1] và tôi để tiền của Gamzou ở nhà. Quân trộm đã vào nhà tôi lấy cắp mất số tiền đó. Tôi có cho anh biết là anh không có gì phải ngại về số tiền của anh. Tôi nghĩ là anh đến để xem thử thật tình tôi có ý định trả số tiền lại cho anh không. Nhưng liền đó tôi biết là tôi đã đoán sai. Anh ta không đến để đòi tiền, mà vì một lý do khác.

 

[còn 5 chương]

 

_________________________

[1]Hồ nước mặn ở Palestine, dịch từ tiếng Hy lạp là Kekra Thalassa.

 

-------------------------
“Trăng trên thung lũng Jerusalem” dịch từ bản Pháp ngữ của Rachel và Guy Casaril trong Les Contes de Jérusalem (Paris: Albin Michel, 1959). Tập truyện tiếng Pháp, theo bài tựa, là một tập tuyển những truyện ngắn và những đoạn trích văn rời rạc của Ch.-Y. Agnon do chính các dịch giả người Pháp chọn và sắp xếp. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thu Hồng đã được in thành sách năm 1969 ở Saigon, do Nhà Trình bầy xuất bản, dưới cùng tên truyện, Trăng trên thung lũng Jerusalem, 176 trang, Diễm Châu giới thiệu, bìa & phụ bản Hoàng Ngọc Biên.
 

 

Đã đăng:

... Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Cái vỏ cam (truyện / tuỳ bút)  - Agnon, Shmuel Yosef
Đây chỉ là câu chuyện một cái vỏ cam vứt giữa đường. Thật ra đây là một cái vỏ rất thường, người ta có thể tìm thấy hàng chục cái tương tự trên khắp các lề đường và dưới những đường mương, trên khắp các công trường và trong những sân nhà, nói vắn tắt là khắp mọi nơi trong Thành... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

-----------

Mời độc giả xem bài nhận định "Đi tìm một ngôn ngữ đã mất: AGNON GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" của Diễm Châu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021