thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trăng trên thung lũng Jerusalem [IV]
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

SHMUEL YOSEF AGNON

(1888-1970)

 

 

TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG JERUSALEM

 

 
 

IV

 

Có những tư tưởng mà người ta có thể kéo dông dài hoặc ngắt lại tuỳ ý muốn của mình. Vậy nên Gamzou chấm dứt phô trương cái biết của mình về bùa chú và về các tinh tú và anh bắt đầu kể cho tôi nghe những chuyến du lịch của anh. Anh nói: “Nếu anh muốn gặp những người Do thái thời các vị Tanaim,[1] anh hãy vào thành phố Amadiya. Có bốn mươi gia đình Do thái hiện sống nơi đó – những người đàn ông kính sợ Chúa và một mực tuân theo những giáo điều. Họ thức dậy thật sớm để đi đọc kinh, nhưng họ không biết cầu nguyện. Họ chỉ biết có bài Chema Israel [2] và chỉ biết trả lời Amen. Trừ mỗi vị haham và một lão già khác, trong bọn họ không ai có đem theo bùa hộ mạng. Trong khi cầu kinh, họ ngồi yên, im lặng. Khi vị hành lễ đọc những lời giáng phúc, họ trả lời Amen một cách nhiệt thành và khi họ đọc bài Chema, họ đọc rõ từng câu với một sự run sợ, với một mối xúc động thổn thức và họ đọc đã hết cả hồi kinh như những kẻ sẵn sàng hiến đời mình cho Một Người Duy Nhất, là Chúa của Loài Người.

“Không xa thành phố Amadiya, người ta có thể gặp những kẻ chăn cừu cao lớn tóc dài; họ nằm chung với bầy thú của họ trong những hang núi và tuyệt đối không biết gì về các điều luật trong Kinh Thánh Tora;[3] họ không bao giờ đi đọc kinh, dù là vào ngày Roch-Hachana.[4] Khi sách Michna[5] nói về “kẻ đi qua phía sau nhà thờ và nghe tiếng Chofar,”[6] thì sách ám chỉ đến những người nói trên và những người tương tự như vậy. Mỗi năm một lần, một vị haham xứ Babylone đến thăm họ và vị này làm lễ cắt da qui đầu cho tất cả những đứa bé trai mới sinh trong năm.”

Tôi hỏi Gamzou: “Vợ anh có phải là người gốc ở đó không?” Gamzou trả lời: “Không, vợ tôi không phải gốc ở đó, mà ở nơi khác, ở một miền núi. Lúc đầu tổ tiên nàng sống trên những vùng đất phì nhiêu, gần những dòng suối. Dân các miền lân cận đến gây sự với họ nhưng họ đã đánh trả lại và đẩy lui các cuộc tấn công. Họ mạnh đến nỗi lính của họ chiếm luôn cả xứ của những người ngoại bang. Họ đã giải thích sai lệch hồi kinh sau đây trong Thánh Kinh: ‘Với Gad,[7] người nói: Được phúc lành kẻ nào biết mở rộng quyền uy của Gad; Ngài nằm như một con sư tử, xé tay và đầu ra từng mảnh. Dựa vào một trong những tập truyền của họ, họ coi mình như những kẻ nối dõi trong bộ lạc của Gad. Nhưng, họ không biết là sự giáng phúc không có giá trị đối với những người bị đày ra các xứ ngoài, mà chỉ với ai ở tại Erets-Israel thôi. Những người ngoại bang kết hợp để chống lại họ và chúng đã đánh bại họ. Rất nhiều người bị giết và nhiều người biến thành nô lệ. Những người thoát nạn chạy lên núi trốn và ở lại đấy. Họ còn sống ở đó và không còn sợ những người ngoại đạo nữa. Cứ ba hay bốn năm một lần, các nhân viên sở thu thuế đến nhà họ để đánh thuế. Ai muốn trả thuế thì trả; ai không muốn trả thuế thì cầm lấy khí giới và vào núi trốn, và họ ở đấy đợi cho đến khi các nhân viên sở thuế đi. Kẻ đi trốn không phải lúc nào cũng trở về, vì họ bị diều hâu tấn công và xâu xé. Từ năm này qua năm khác, họ đợi người ta đem trở về Erets-Israel, vì Chúa đã có hứa với họ qua lời của Moϊse, chúa tể của chúng ta, (xin Ngài được an lành!) rằng tất cả mọi người sẽ được trở về đó. Có lời viết rằng: Gad sẽ bị quân thù đột kích, nhưng đến lượt người, người sẽ đánh bại chúng. Và rồi, họ sẽ trở về hết trên những phần đất mà họ đã chiếm phía bên kia sông Jourdain. Sẽ không thiếu một ai cả. Tất cả sẽ trở về quê hương mình, mang theo những của cải đáng giá, như đã có nói trong bản dịch chữ Araméen: ‘Họ sẽ trở về quê hương họ với những của cải vô lường.’” Gamzou kể lại cho tôi biết khi đến nơi họ ở, anh thấy họ trong một tình trạng khá thê thảm. Những ngày lưu đày quá dài và mối tuyệt vọng dai dẳng của họ đã làm nhiều người trong bọn họ mắc bệnh tim. Cha vợ của Gamzou, Guevarya ben Gueouel, đang được họ nhớ đến, bởi vì ông đã đọc cho họ nghe những chuyện thần thoại, những chuyện Midrachim [8] và những đoạn trích trong Targoum [9] ở Jérusalem mà họ có cả bộ. Ông đã dịch ra cho họ bằng thứ tiếng của họ và làm cho họ mạnh dạn, cho nên họ bắt đầu nhớ lại những lời hứa và những lời bảo đảm mà Chúa – xin ngợi ca Người – đã ban cho chúng ta và sẽ được thực hiện khi Chúa đến.

“Ông Guevarya ben Gueouel cha vợ tôi là một người đàn ông ở tuổi tráng niên; ông có cái đầu của một con sư tử, sức mạnh ông là sức mạnh của một con bò và đôi chân ông nhẹ nhàng như cánh bay của diều hâu. Lời ca ngợi Chúa sẵn trên miệng ông và tay ông cầm một thanh gươm hai lưỡi. Ông chủ lễ những buổi đọc kinh cộng đồng và đúc khí giới. Ông cũng chữa bệnh, soạn thảo các bùa chú và dạy cho những người đính hôn các điệu vũ và các bài ca để chuẩn bị ngày lễ cưới của họ; ông làm tất cả những việc đó vì lòng mến Chúa.” Cô Guemoula con gái ông (vợ của Gamzou) giúp đỡ ông, vì nàng biết tất cả những bài ca ngày trước, vào cái thời mà họ sống trên núi và gần những con suối. “A! nếu anh đã có gặp Guevarya, cha vợ tôi, đứng trên đỉnh một tảng đá, đầu đội một cái mũ chóp xanh da trời, với mớ tóc xoã tuyệt đẹp, cặp mắt nâu chiếu sáng như hai mặt trời, đôi bàn chân không da óng ánh như mạ vàng, những ngón tay bổ vào tảng đá và chính tảng đá, khi vươn cao, lại làm vọng lên những tiếng ca từ các vực sâu! Nếu anh được trông thấy Guevarya đưa tay lên và hạ tay xuống như thế nào và Guemoula, con gái ông, cất tiếng hát ra sao, trong lúc có từ hai mươi đến hai mươi bảy cô gái đồng trinh, cô nào cũng đẹp, cô nào cũng con nhà tử tế, đang khiêu vũ, thì anh sẽ có một hình ảnh về những ngày tươi sáng của Do thái, và về thời những thiếu nữ Do thái đến khiêu vũ trong các vườn nho.”

Nhưng Gamzou đã đến nơi họ ở bằng cách nào? Gamzou kể lại với tôi: “Lúc đó tôi đang đi tìm những bản thảo. Tôi lênh đênh trên mặt biển và tôi lang thang đến bốn mươi ngày trong sa mạc. Có một lần, bão nổi lên. Tôi không kịp nằm xuống đất, như những người lữ hành vẫn làm trong trường hợp đó.

“Khi một trận bão cát nổi dậy, họ nằm xuống và đợi cơn bão qua. Cát vào mắt tôi và làm tôi không trông được nữa. Người dẫn đầu đoàn lữ hành thấy được sự thất vọng của tôi và, mấy ngày sau đó, ông ta đem tôi đến một nơi có người ở và dẫn tôi đến nhà một người đàn ông và bảo tôi: đây là một con dân xứ anh. Người này chính là Guevarya ben Gueouel. Ông này chữa cho tôi bằng thuốc và bằng bùa chú. Cô Guemoula con gái ông đem thức ăn đến tận giường cho tôi. Hồi đó Guemoula lên mười hai tuổi. Vẻ đẹp và giọng nói của nàng đẹp hơn tất cả những gì đẹp đẽ trên thế gian này. Ngay cả những lúc nàng thốt lên những lời thường nhất như là ‘Băng của anh đã lệch đi rồi, Gavriel ạ’ hay: ‘Anh hãy nhìn xuống để em thoa mắt cho,’ tâm hồn tôi cũng thấy vui vẻ như chính người ta đang hát cho tôi nghe những bài ca ngợi khen vậy. Khi nàng mở miệng cất tiếng hát, giọng nàng nở tươi như tiếng hót của loài chim gọi là Grophith,[10] mà tiếng hót còn êm ái thánh thót hơn bất cứ tiếng ca của một sinh vật nào trên trần gian.

“Ban đầu, tôi thấy khó hiểu được những gì họ nói với tôi, dù là khi họ nói chuyện với tôi bằng thứ ngôn ngữ của đạo. Trong những chữ họ dùng có nhiều phụ âm và ít nguyên âm và họ không phát âm như chúng ta đâu. Và âm điệu của ngôn ngữ họ khác biệt đến nỗi tôi không làm sao phân biệt được giữa ngôn ngữ đạo và ngôn ngữ của họ – một thứ ngôn ngữ mà không ai, trừ họ, có thể hiểu được. Guemoula và cha nàng còn có một thứ ngôn ngữ chung khác. Có nhiều lần, tôi thấy hai người ngối cạnh nhau vào lúc hoàng hôn. Một con dê con nằm trên đầu gối Guemoula và một con chim lượn trên đầu tóc quấn lọn của ông già. Họ nói chuyện với nhau khi thì khoan thai khi thì vội vàng, đôi khi tươi cười và cũng có lúc giận dữ. Tôi lắng nghe, nhưng tôi không hiểu. Guemoula cho tôi biết đó là một thứ ngôn ngữ mà chính họ đã sáng chế ra cho vui. Từ lúc Guemoula rời khỏi nơi nàng sinh trưởng, những thứ ngôn ngữ đó không còn trở lại trên môi nàng và không một bài ca nào còn cất lên từ miệng nàng nữa, trừ những đêm trăng tròn, khi nàng ra khỏi nhà. Lúc đó, tiếng hát nhịp theo bước chân nàng. Cái ngày mà, vì vô ý, tôi bán đi bó lá bùa, nàng lại nói những thứ ngôn ngữ đó, và nàng cất tiếng hát. Ngay buổi tối ngày hôm đó, nàng bảo tôi: ‘Em muốn ăn bánh kẹp nướng trên lửa.’ Thế đấy, bây giờ đã đến lúc tôi phải về nhà để xem vợ tôi đã về chưa.”

Gamzou lấy mũ chóp xuống, lại đội nón lên đầu và đứng dậy. Nhưng trước khi ra đến cửa, anh quay gót và bắt đầu đi lui đi tới trong phòng. Anh chắp tay sau lưng và rung rung với mấy ngón tay trái. Sau một hồi im lặng, anh nói: “Chính tôi cũng lấy làm lạ đã đến đây; còn lạ hơn nữa là tôi không thấy ánh đèn và tôi không biết có anh ở đây. Chắc chắn phải có một lý do. Tôi không biết được lý do đó, nhưng nó có thật đấy. Ai ở đây vậy anh?” Tôi bảo anh: “Một người tên là Bác sĩ Greifenbach.” “Ông ấy đâu rồi?” “Đi ra xứ ngoài cùng với vợ; anh có quen họ không?” “Không, tôi không quen họ. Cái ông Greifenbach đó, có phải ông ta là y sĩ không?” “Vâng, nhưng ông không còn hành nghề nữa. Tại sao anh lại muốn biết?” “Thế ngoài họ ra, còn ai ở đây nữa không?” “Anh và tôi. Trước ngày họ ra đi, tôi có hứa trông coi giùm nhà cho họ. Họ sợ những kẻ xâm nhập gia cư ngày nay quá đông trong số những người lính đi đánh giặc về. Đêm nay, tôi giữ lời hứa đến ở lại nhà họ.” Gamzou chú ý lắng tai nghe. “Thế không có người nào khác ở đây sao?” anh ta hỏi. “Có, tôi trả lời, nhưng ông ấy không có nhà. Sao anh lại hỏi thế?” Gamzou đỏ mặt, nhưng giữ im lặng.

Sau một lúc, anh bắt đầu hỏi lại: “Tên ông mướn phòng đó là gì vậy?” Tôi cho anh biết tên. “Có phải đó là vị giáo sư nổi tiếng Guinath không?” Tôi hỏi Gamzou có quen ông ta không: “Không, anh trả lời, tôi không quen ông ấy, tôi có nghe nói đến những cuốn sách ông viết, nhưng tôi không hề đọc đến. Những cuốn sách chưa hơn bốn trăm năm, tôi không thèm nhìn đến.” Tôi bảo anh: “Trong những sách Guinath viết, có đến bốn ngàn năm đã qua đi, và còn hơn nữa.” Gamzou cười và nói: “Tôi nhìn cái bình chứ không nhìn những gì nó chứa đựng.” Đến lượt tôi cười và trả lời: “Trong trường hợp đó, thì bốn trăm năm nữa anh mới sẽ tham khảo sách của Guinath.” Gamzou trả lời: “Nếu đầu thai lại lần thứ ba hay lần thứ tư, mà tôi vẫn còn làm việc bán sách, tôi cũng sẽ nhìn qua mấy cuốn sách của Guinath.” “Thánh Kinh dạy rằng con người chỉ đầu thai hai hoặc ba lần thôi, nhưng Thánh Kinh cũng dạy rằng Chúa sẽ không bỏ qua lần vi phạm thứ ba và chắc chắn là không bỏ qua lần vi phạm thứ tư của Do thái. Một con dân Do thái chỉ đầu thai lại hai hoặc ba lần, trừ kẻ nào phải hoàn tất sáu trăm mười ba điều răn. Kẻ đó có thể đầu thai đến lần thứ một ngàn cũng được, bởi vì sách đã chép: việc này được truyền cho một ngàn thế hệ. Nhiều trường hợp khác không được xét tới, thế mà anh, anh lại nói đến một lần đầu thai thứ tư nữa!” Gamzou nói: “Tôi vừa buột miệng nói một điều nhầm lẫn. Anh biết tôi suy nghĩ như thế nào chứ. Không một con dân Do thái nào được phép nói trước một việc gì mà không dựa vào Kinh Thánh cả, một chuyện hiển nhiên ngược lại với Thánh Kinh lại càng không nên nữa. Anh đừng trả lời tôi bằng những câu trích dẫn nơi những người bình Thánh Kinh thường vẫn hay làm sai lệch những lời của Chúa Hằng Sống. Họ học điều này ở những người ngoại đạo, nhưng trong thâm tâm họ, họ biết rằng một chương trong Thánh Kinh không thể có một lối giải nghĩa nào khác hơn lối giải nghĩa xưa nay vẫn được truyền lại cho chúng ta. Chính những giáo sĩ Do thái cũng đã làm sai lệch Thánh Kinh nhưng, bởi các vị thánh đó học Kinh thánh Tora vì chính kinh thánh, vì lòng mến Chúa, nên họ có quyền đem vào một ý niệm luân lý đạo giáo và thần thánh. Còn những người khác, những kẻ lo phê bình Thánh Kinh, mà không hiểu được cái ý vị được học Kinh thánh Tora vì lòng mến Kinh thánh Tora, thì lời dạy ban ra từ miệng họ không còn chính đáng. Vậy ra anh bảo Guinath ở đây. Anh có quen ông ta không?” “Không, tôi trả lời, tôi không quen ông ta và tôi nghĩ chắc chẳng bao giờ tôi quen ông ta được. Ông ta tránh gặp mặt mọi người, chính những người chủ nhà của ông cũng không được gặp ông ta nữa.” “Thế là điềm tốt,” Gamzou bảo. “Tôi không thích những nhà bác học đi cùng khắp mọi nơi và mưu cầu được mọi người biết. Để tôi kể một chuyện này anh nghe: một hôm tôi ghé Luân đôn và tôi cho một vị haham hay là tôi có mang theo cho ông xem mấy bản thảo. Ông ta chịu khó đến nhà tôi. Ông dẫn theo hai người, một ký giả và một nhiếp ảnh viên. Ông cầm lấy tất cả những sách tôi đưa ra cho ông xem, ngồi xuống, xem xét, trong lúc nhiếp ảnh viên, đứng thẳng, chụp hÊnh ông theo kiểu một nhà bác học. Hai, ba hôm sau, người ta đem đến cho tôi một tờ báo. Tôi thoáng nhìn qua và tôi thấy cái đầu nhà bác học của tôi được bao quanh đầy cả sách. Tấm ảnh được ghi chú một loạt những lời tán tụng dành cho nhà bác học đã khám phá ra những tác phẩm quí báu mà trước ông không một ai được trông thấy… Phải có ông ta đến, chính ông ta, mới khám phá ra được những tác phẩm ấy! Anh nghĩ sao về câu chuyện đó?” Tôi nói với Gamzou: “Tôi cũng nghĩ như anh.” Gamzou nhìn tôi với một vẻ tức giận: “Anh không biết tôi nghĩ thế nào, làm sao anh có thể bảo: tôi cũng nghĩ như anh?” “Nếu vậy thì,” tôi đáp, “tôi không nghĩ như anh.” Anh nói: “Anh chế nhạo tôi phải không?” Tôi trả lời: “Tôi không chế anh, mà là chế cái ông nhà bác học ấy và tất cả những người giống ông ta, đã phung phí sức lực của mình vào những việc vô ích, để được người khác cho mình là nhà bác học. Nếu họ dành năng lực của họ cho công việc, họ sẽ nổi tiếng hơn.” Gamzou nói: “Họ sẽ không nổi tiếng hơn.” “Nếu như vậy,” tôi bảo, “thì ra họ có lý khi họ làm như thế.”

Khi Gamzou ra về thì đã gần nửa đêm. Tôi tiễn anh ta. Trăng chiếu sáng rực và cả thành phố nằm trọn trong vùng ánh sáng đó. Ai được thấy một đêm như vậy sẽ không ngạc nhiên về việc những kẻ mộng du rời giường mình để đi bách bộ dưới trăng. Khi chúng tôi đi tới khu dân Georgiens ở, gần Cửa Sichem, tôi từ giã anh ta và chúc anh gặp lại vợ. Anh rút trong túi ra một chiếc khăn tay, đưa lên lau mắt và bảo: “Tôi hy vọng thế!” Tôi bảo anh ta: “Nếu anh muốn cho tôi hay thì anh hãy tìm tôi ở nhà tôi. Tôi định trở về nhà sáng sớm đấy.”

 

[còn 3 chương]

 

_________________________

[1]Những vị Rabbi hai thế kỷ đầu khởi sự Kỷ nguyên Tây lịch đã giải thích luật Thánh Kinh ghi trong Mischna, Jopephta...

[2]“Do thái, hãy lắng nghe” – một trong những bài kinh cổ truyền chính của người Do thái.

[3]5 cuốn đầu của Cựu Ước.

[4]Ngày đầu năm. Tết Nguyên đán Do thái.

[5]Hay Mischna, luật nền tảng của Kinh Talmud, giáo lý truyền thống của Do thái do các rabbi diễn giải 200 năm đầu khởi sự Kỷ nguyên Tây lịch.

[6]Sừng cừu dùng để thổi trong các lễ lớn hiện nay trong nhà nguyện Do thái trước và trong thời kỳ Roch-Hachana và cuối lễ Ngày Đền tội.

[7]Con trai của Jacob.

[8]Số nhiều của chữ midrach. Những huyền thoại do các giáo sĩ thu thập để giải thích Thánh Kinh.

[9]Bản dịch tiếng Aram, diễn giải một phần hay một đoạn Cựu Ước.

[10]Loài chim tưởng tượng.

 

-------------------------
“Trăng trên thung lũng Jerusalem” dịch từ bản Pháp ngữ của Rachel và Guy Casaril trong Les Contes de Jérusalem (Paris: Albin Michel, 1959). Tập truyện tiếng Pháp, theo bài tựa, là một tập tuyển những truyện ngắn và những đoạn trích văn rời rạc của Ch.-Y. Agnon do chính các dịch giả người Pháp chọn và sắp xếp. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thu Hồng đã được in thành sách năm 1969 ở Saigon, do Nhà Trình bầy xuất bản, dưới cùng tên truyện, Trăng trên thung lũng Jerusalem, 176 trang, Diễm Châu giới thiệu, bìa & phụ bản Hoàng Ngọc Biên.
 

 

Đã đăng:

... “Nàng bị chứng mộng du.” Tôi nhìn anh ta như một người được nghe kể một câu chuyện gì ghê gớm lắm. Anh cảm thấy được điều đó nên anh nói: “Mỗi đêm, khi ánh trăng thật tỏ, vợ tôi rời khỏi giường ngủ và theo ánh trăng đi khắp nơi.” ... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tất cả mọi ân sủng đều nằm trong cái im lặng tuyệt diệu của buổi ban đêm phía dưới những thung lũng của thành phố Jérusalem. Người ta tưởng những thung lũng đó tách biệt khỏi thế giới và đồng thời cả thế giới lại nằm trong những thung lũng đó... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Cái vỏ cam (truyện / tuỳ bút)  - Agnon, Shmuel Yosef
Đây chỉ là câu chuyện một cái vỏ cam vứt giữa đường. Thật ra đây là một cái vỏ rất thường, người ta có thể tìm thấy hàng chục cái tương tự trên khắp các lề đường và dưới những đường mương, trên khắp các công trường và trong những sân nhà, nói vắn tắt là khắp mọi nơi trong Thành... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

-----------

Mời độc giả xem bài nhận định "Đi tìm một ngôn ngữ đã mất: AGNON GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" của Diễm Châu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021