thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trăng trên thung lũng Jerusalem [VI]
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

SHMUEL YOSEF AGNON

(1888-1970)

 

 

TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG JERUSALEM

 

 
 

VI

 

Guemoula trong trắng như mặt trăng. Mắt nàng long lanh, gương mặt nàng chiếu sáng như sao mai và giọng nói của nàng dịu dàng như bóng đêm. Khi nàng mở miệng để hát, thì hình như tất cả những cánh cửa của âm nhạc đều mở ra.

Guemoula lên mười hai tuổi, vào cái năm mà lầu đầu tiên Gamzou đến nơi nàng ở, nhưng ánh sáng trí thông minh của nàng chói lọi như ánh sáng của một người đàn bà trưởng thành, vì cha nàng đã để lại cho nàng những kho tàng đạo lý mà tổ tiên ông đã để lại cho ông. Nàng là con gái duy nhất của ông, bởi vì vợ ông mất ngay khi sanh ra nàng, và ông không tục huyền. Vì không đành thấy mất đi bao nhiêu là đạo lý, ông đem truyền lại cho con gái ông. Gamzou ở lại trong nhà Guemoula trọn một năm. Anh đã mạnh trở lại và anh đi Vienne để chữa mắt. Anh ở lại thành phố này một năm và rời khỏi nơi đó chỉ còn một mắt. Trong suốt thời gian anh nằm bệnh viện, anh tự an ủi với ý nghĩ là khi nào ánh sáng của đôi mắt được trả lại cho anh, anh sẽ trở về tìm lại Guemoula. Nhưng khi anh rời bệnh viện, anh không có tiền để thực hiện cuộc hành trình, vì mấy ông bác sĩ đã nuốt mất tất cả những gì anh đã chịu khó nhọc để dành dụm. Akiba Amrami gặp anh và nói với anh là Ovadya và Ovadovitch đang tìm một người như anh, một người sẵn sàng thay họ đi khắp các xứ xa để đem những quyển sách về. Hai người chỉ dẫn cho anh tất cả những nơi mà anh phải đến viếng và đưa cho anh số tiền lộ phí cần thiết. Nhờ Trời, anh đã thành công trong sứ mệnh của anh và làm hài lòng những người đã giao phó nó cho anh. Họ trả cho anh rất hậu và anh có thể lên đường đi tìm lại Guemoula.

Nhưng cùng lúc ấy có một biến cố xảy ra trong xứ của Guemoula, một biến cố không có thể xảy ra được dù chỉ một lần thôi trong vòng năm mươi năm. Một người thánh thiện, một vị haham thành Jérusalem, đã tới xứ của Guemoula, và ở lại đó sáu tháng.

Sáu tháng đã trôi qua kể từ ngày ông rời bỏ họ để ra đi, thế mà tên ông vẫn còn trên môi tất cả mọi người. Những bệnh nhân kể lại rằng vị haham Guideon đã chữa họ lành bệnh và những người khác kể lại là ông ấy đã dạy cho họ những điều làm vơi được những nỗi khổ của cuộc đời. Ông ấy chỉ cho họ cách ngừa các bệnh tật nữa, kể cả những bệnh của các trẻ sơ sinh phải chết vì “con mắt xấu”. Tất cả các việc đó, ông đã làm không công, từ chối cả tiền bạc mà người ta biếu cho ông. Và khi người ta cho ông một món quà, ông cho lại một món khác. Gamzou cho rằng Guideon này không phải là một vị haham ở thành Jérusalem, mà là một nhà bác học Âu châu, một nhà nhân chủng học hay một chuyên gia tương tự như vậy. Bằng chứng là ông đã ghi lại trong một cuốn tập tất cả những bài Guemoula hát và cả đến những câu chuyện nàng nói với cha nàng nữa. Ông ta còn ghi lại tất cả những gì cha con họ nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của họ nữa, thứ ngôn ngữ mà họ bịa ra để dùng riêng.

Vậy là Gamzou trở về với Guemoula. Khi cô này gặp lại anh, cô vui sướng như một vị hôn thê tìm thấy lại hoàng tử của lòng mình. Nàng quay cho anh một con dê con, nướng cho anh những cái bánh kẹp trên lửa và hát cho anh nghe tất cả những bài hát mà vị haham Guideon đã từng thích. Nàng không để ý đến những lời bình phẩm của một người láng giềng tên là Guedi Ben Gueim, là người cho rằng Guemoula phải được dành cho anh ta, vì nàng đã bú sữa của mẹ anh. Thật vậy, khi mẹ Guemoula chết lúc sinh ra nàng, nàng được mẹ Guedi đem về nuôi.

Hồi đó có một chuyện rất bất hạnh xảy đến cho cha của Guemoula. Lúc ông leo lên đỉnh một ngọn núi để xem những con diều hâu thay lông ra sao, ông bị một con mổ ông, nó không thấy được Guevarya là một người hiếu hoà, ông không có khí giới, ông không có cả một cây gậy nữa. Guevarya chống lại con chim bắt mồi và nếu ông không thắng nổi nó, thì ông đã bị giết và bị nó ăn mất rồi. Nhưng những móng nhọn của con diều hâu cắm sâu vào cánh tay trái của ông và rứt thịt để ăn. Vì lơ là trong việc săn sóc vết thương Guevarya ngã bệnh và chết.

Trước khi chết, ông có tổ chức cho Gamzou và Guemoula một đêm khiêu vũ. Theo thông lệ trong xứ thì một trong bảy đêm trước ngày đám cưới phải được dành để khiêu vũ. Đêm hôm ấy, đám trai trẻ đến và mỗi người bắt đi một cô để khiêu vũ. Gamzou biết là Guedi Ben Gueim định bắt Guemoula đi. Thế nên anh đến trước anh này, dành lấy Guemoula và cưới nàng.

Lễ cưới kéo dài bảy ngày và bảy đêm. Guevarya nằm dài trên giường ông và dùng cánh tay còn lành điều khiển những điệu nhảy. Mỗi đêm có bảy điệu nhảy khác nhau và mỗi ngày có tám điệu. Như vậy có nghĩa là Guemoula sẽ có một đứa con trai được cắt da qui đầu vào ngày thứ tám. Ngày thứ bảy, khi tiệc cưới chấm dứt, Guevarya trút linh hồn.

Guemoula khóc cha mất suốt bảy ngày bảy đêm; mỗi ngày mỗi đêm, nàng hát những điệu nhạc đau buồn và những lời khóc than. Và khi nàng mãn tang, nàng làm một buổi lễ long trọng với bài điếu văn, những bài ca và những điệu nhảy phi thường và kỳ diệu.

Vào khoảng ba mươi ngày sau, Gamzou bắt đầu nói với nàng về chuyện ra đi. Guemoula lắng nghe mà không hiểu. Và khi rốt cuộc nàng hiểu được, nàng giận anh ta. Tuy nhiên, dần dà, nàng xiêu lòng và chịu theo anh. Nhưng nàng cứ dời chuyến đi lại từ tuần này qua tuần khác và từ tháng nọ qua tháng kia. Trong suốt những ngày đó, mặt trăng để yên cho nàng. Vì cái tang của nàng, hình như vậy, trăng không có một ảnh hưởng nào đối với nàng cả. Hơn nữa nàng lại được những lá bùa che chở. Chưa thấy có một thay đổi nào trong tâm hồn nàng. Nàng như một trái sung chín và ngọt dịu còn dính chặt trên cây.

Một năm tang trôi qua, chính tự nàng bảo rằng nàng sẵn sàng ra đi. Gamzou thuê hai con lạc đà và hai người đi về phía sa mạc, nơi các đoàn lữ hành thường bắt đầu lên đường. Họ đi theo một trong những đoàn người đó và bốn mươi ngày sau, họ đến một nơi có người ở. Gamzou mua cho vợ mình giày dép, áo dài và một cái khăn quàng; họ tiếp tục cuộc du lịch và đi đến một hải cảng. Họ thuê một chiếc thuyền và đi Erets-Israel. Chính vì vậy mà Chúa – xin ngợi ca Người – che chở họ khỏi mọi bất hạnh. Nhưng đến Erets-Israel thì lại khác hẳn. Alcheh viết: Trong sách Guemara [1] người ta đặt câu hỏi không biết con người bị xét xử mỗi ngày hay chỉ vào ngày Roch-Hachana thôi. Câu trả lời là: ở ngoài xứ, con người bị xét xử vào ngày Roch-Hachana mà thôi, nhưng ở trong xứ, con người bị xét xử hàng ngày. Mỗi ngày, Chúa – xin ngợi ca Người – cho đòi họ ra trước toà án của Người. Sau lần xét xử đầu tiên, Gamzou kể lại, Guemoula không còn cất giọng và hát lên những bài ca đáng yêu của nàng nữa. Rồi nàng lại nhịn không nói. Rồi nỗi buồn xâm chiếm nàng. Và rồi nàng lâm bệnh nặng. Thế là nàng bắt đầu hành hạ chồng nàng và những nỗi khổ của người chồng càng ngày càng tăng thêm lên.

Trong khi Gamzou kể lại cho tôi cả câu chuyện đó, tôi nghe như có tiếng ai mở cửa sổ và tôi nghe một giọng đang nói. Tôi không sợ, nhưng tôi ngạc nhiên, vì ngoài hai chúng tôi ra, không còn có ai trong nhà và trong hai chúng tôi không ai đã mở cửa sổ cả. Tôi bắt đầu nghĩ đến chiếc xe lửa mà tôi mơ thấy đêm qua, nghĩ đến cánh cửa sổ đang để mở. Tôi lấy làm ngạc nhiên về cái quyền lực của một giấc mơ có thể trở lại và làm cho ta tin ở sự có thật của nó. Một lần nữa tiếng nói lại cất lên. Tôi lắng tai nghe và tự nhủ chắc Guinath đã trở về và ông đã mở cửa sổ. Phải rồi, thế nhưng những lời tôi vừa nghe, nó ở đâu đến vậy? Gamzou để ý thấy tôi đang nghĩ đến chuyện khác nên anh nói: “Anh mệt, có lẽ anh muốn đi ngủ rồi”. Tôi bảo anh ta: “Tôi không mệt và tôi cũng không muốn đi ngủ.” Gamzou nói: “Anh bị mất sức à?” “Tôi nghe có tiếng ai bước,” tôi trả lời. Gamzou nói: “Không có tiếng động nào hết, một tiếng nhỏ nhất cũng không nghe nữa, anh có thể tin ở lỗ tai của tôi.” “Có lẽ tôi nhầm,” tôi nói, chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện đi.”

Gamzou kể cho tôi nghe tất cả những gì xảy ra cho Guemoula ở Jérusalem. Nhiều lần, nàng suýt chết. Nếu Chúa – xin ngợi ca Người – không đến cứu nàng, thì nàng đã không chịu nổi, dù chỉ một ngày thôi. Nhưng lòng nhân từ của Chúa thật lớn. Người đem đến cho con người những nỗi khổ và Người cho họ sức mạnh để chịu đựng.

Tôi không biết là sự việc đã tiếp diễn như thế nào. Nhưng tôi nhớ là Gamzou lại kể cho tôi nghe câu chuyện cái áo một lần nữa, câu chuyện đã nhắc anh nhớ lại thầy anh và thời anh giao du với mấy người yechivoth.

Các bạn đã biết Gamzou, và đã biết là anh ta giao thiệp rộng. Ngày nay tất cả những vị hahamia từ Đông phương cho đến Tây phương đều tìm anh ta để mua sách và bản thảo. Nhưng hồi trước, anh ta đã sống những “ngày lãng phí” giống như tất cả những anh bahourim [2] trong số những người yechivoth. Có một lần, một trong những người chủ anh ở trọ sai anh đi mua một bản rút ngắn quyển Choulhann Aroukh.[3] Ở hiệu sách, anh có dịp thấy một cuốn sách lạ lùng, khác hẳn những cuốn sách khác, trong đó những hàng chữ dài xen kẽ với những hàng chữ ngắn và tất cả các đoạn đều có chấm phẩy. Có nhiều hàng giống như đoạn Hallel tuyệt diệu của các thiên thần và nhiều hàng khác giống như những lời xưng tội Al Heth. Anh xem xét những hàng chữ đó suốt cả một giờ một cách ngạc nhiên, vì chưa bao giờ thấy có một cuốn sách như vậy. Người bán sách đòi bán với giá bốn mươi xu. Đối với một sinh viên yechiva, thì số tiền khá nhiều. Dù có đem bán chiếc áo choàng của anh, anh cũng không có được một số tiền như vậy. Anh có một cái tủ đứng do một người thợ mộc đóng cho anh vì anh đã dạy ôn sách Talmud cho con trai ông. Cái tủ đó là một món đồ xa xỉ đối với anh, vì ngoài những quần áo anh mặc trên người, tất cả những gì đem đi được của anh có thể gói trọn trong một chiếc áo sơ mi. Khi anh nhận cái tủ đó, anh rất hãnh diện có một món đồ đẹp như vậy. Anh đưa ông bán sách cái tủ của anh và người này trao cho anh cuốn sách. Đó là cuốn Divan [4] của Yehouda Halevi, do Samuel David Luzatto xuất bản. Gamzou đọc đi đọc lại cho đến khi anh thuộc lòng tất cả những bài thơ trong đó. Nhưng anh ta còn muốn đọc nữa. Anh bắt đầu lục soạn trong những cuốn Nghi thức xưa, những sách kinh và những sách ghi những lời ta thán và chép lại nhiều đoạn. Anh không có tiền để mua giấy ghi lại tất cả những gì anh thích. Anh làm thế nào đây? Anh chỉ ghi lại những đoạn đầu và những đoạn cuối của những bài thơ. Quá bận rộn vì những bài thơ lễ chế, anh rời bỏ yechiva và theo làm cho người bán sách. Thấy anh hiểu biết nhiều về sách vở, người bán sách cho anh đến nhà các bà goá phụ được chồng để lại cho những tủ sách, và đến nhà những người giàu muốn vứt bỏ những sách thánh. Sau này, Gamzou mua sách cho chính anh và bắt đầu chu du các xứ xa, đến những vùng mà chưa có một người Âu châu nào đặt chân đến. Anh đến tận những vùng kề sát sa mạc và mang về nhiều sách và nhiều bản thảo mà những người sành về sách vở nhất cũng không biết. Anh cũng tìm ra cả những cuốn “Divan” không ký tên, được viết bởi những tác giả, vì tinh thần thánh thiện và khiêm tốn, đã giấu tên mình.

Gamzou vấn một điếu thuốc nhỏ và để xuống trước mặt. Anh dụi con mắt hư và cười bằng con mắt lành. Anh lại lấy lên điếu thuốc đã tắt và nói: “Khi tôi rời khỏi thế gian này, người ta sẽ đem tôi đến nơi nào người ta đặt những người chết cùng một loại như tôi. Tôi sẽ ngủ nơi đó trong sự tủi nhục của tôi và tôi sẽ thấy người ta rất công bằng khi đặt tôi ở chỗ mà người ta đã đặt tôi. Lấy quyền gì mà tôi đòi một chỗ tốt hơn, tôi là con người không có cái gì xứng đáng và không làm được những việc thiện? Lúc bấy giờ, cùng một loạt, vô số những Tà Thần sẽ đến, phát sinh do những tội lỗi tôi đã phạm, và những tà thần ấy sẽ xin toà án tối cao đày tôi xuống địa ngục. Và tôi, tôi sẽ làm gì, trong lúc chờ đợi phán quyết của toà? Tôi sẽ lặp lại những bài piyoutim [5] mà tôi đã thuộc lòng cho đến lúc tôi quên được tôi đang ở nơi nào. Lòng tôi sẽ xúc động đến độ tôi cất cao giọng. Những thi sĩ thần thánh sẽ nghe thấy và nói: 'Giọng nói của ai phát ra từ đáy mồ vậy? Chúng ta hãy đi xem đi!' Họ sẽ xuống và sẽ nhìn thấy cái linh hồn hèn mạt này. Họ sẽ ôm tôi trong những cánh tay thánh của họ và nói: 'Chính người là kẻ đã kéo chúng ta ra khỏi đáy sâu của quên lãng đó phải không?' Họ sẽ mỉm cười với tôi một cách thành kính nhũn nhặn và nói: 'Gavriel, hãy đến với chúng ta!' Và họ sẽ kéo tôi về với họ và tôi sẽ núp dưới bóng thánh thiện của họ. Đó là niềm an ủi của tôi!”

Gamzou mỉm cười vẻ giống như một kẻ bị gạt muốn làm cho người khác tin rằng mình chỉ nói đùa thôi. Nhưng tôi là người quen anh ta quá nhiều, tôi biết là anh tin vào những gì anh nói hơn là anh muốn tự thú với mình điều đó. Tôi nhìn anh: anh có vẻ như một người Do thái của thời Trung cổ bị lạc vào thế kỷ này, chỉ cốt để khám phá những bản thảo và những ấn phẩm dành riêng cho những nhà sưu tầm và những nhà uyên bác, những người đem ghi chép và bình giải, để cho những kẻ như tôi đây đọc và lọc luyện tâm hồn khi tiếp xúc với những bài thơ tuyệt diệu ấy.

Gamzou chịu đựng những nỗi khổ của anh, tự an ủi bằng cách nghĩ đến những gì chắc chắn sẽ đến với anh. Thế nhưng anh đau đớn thấy vợ mắc phải một chứng bệnh nan y. Tôi bắt đầu nói với anh về những bệnh viện nơi đó bệnh nhân tìm thấy được phần nào những gì họ cần. Tôi bảo anh nên đem Guemoula vào một trong những bệnh viện đó. “Về chuyện tiền,” tôi nói với anh, “thì thế này, anh đã có mười hai đồng mà anh gửi nơi tôi, và số còn lại sẽ kiếm thêm sau.”

Gamzou sửa lại cái mũ chóp trên đầu và nói: “Mười hai đồng đó là tiền tôi bán mấy bản thảo cho một người lạ cùng với mấy lá bùa.” Tôi hỏi anh ta có nghĩ là người mua đã lấy mấy lá bùa đó vì gian ý không. “Tôi không nghi ngờ gì cả,” anh trả lời, ”có thể người mua không để ý thấy. Cũng có thể, khi họ thấy được, họ tự bảo: “vì những lá bùa đã lọt vào tay ta, thì nó là của ta rồi.” Có thể họ lý luận khi thì như thế này khi thì như thế nọ. Luân lý chấp nhận những lối dàn xếp như vậy. Một người giải thích sự việc theo những nhu cầu của quyền lợi mình không phải vì vậy mà không ngay thẳng. Tôi hỏi anh ta người mua có biết những lá bùa đó có quyền lực không. “Làm sao họ biết được điều đó?” Gamzou trả lời tôi, “nếu người ta không bảo cho tôi biết điều đó, thì tôi, tôi không bao giờ biết được. Vả lại những người bác học tân tiến họ không tin bùa chú đâu. Khi họ nghe mình nói đến mấy thứ đó, họ cười mình. Và nếu họ mua nó, thì chỉ vì họ coi nó như những vật để nghiên cứu phong tục địa phương thôi. Ồ, phong tục, phong tục!… Tất cả những gì họ không giải thích được, đều là phong tục địa phương hết!… Họ chẳng biến Thánh kinh Tora của chúng ta thành đối tượng khảo cứu hay phong tục là gì? Có những người sống theo Kinh thánh Tora và hiến trọn đời mình cho những tập truyền của tổ tiên. Thế rồi những nhà bác học đến và biến Kinh thánh Tora thành đối tượng cho những tìm tòi của họ và coi những tập truyền của ông cha để lại như là phong tục địa phương.”

Xúc động vì những lời của Gamzou, tôi nghĩ đến những nhà bác học đã mua những vật được người bán xem như là bùa chú, thế mà, đối với họ, những vật đó chỉ là những vật mua được thường tình và còn vô dụng nữa là khác. Tôi nhìn con người đáng thương ấy cúi mọp dưới sức nặng của những nỗi khổ mà Chúa – xin ngợi ca Người – đã ban cho. Nếu chúng ta có quyền xét đoán con người căn cứ vào hành động của họ, thì chúng ta chắc chắnkhông xét đoán Gamzou căn cứ vào những hành động mà anh đã làm trong kiếp đầu thai hiện tại của anh. Nhưng tại sao tôi lại nhét vào đầu mình những thứ ý nghĩ đó? Một người như tôi phải biết sung sướng được Chúa – xin ngợi ca Người – đã có một lúc không để ý đến mình. Tôi đưa tay lên trán như để đuổi đi những tư tưởng của mình và tôi nhìn chăm chăm vào con người đang ngồi cạnh tôi.

Tôi nhận thấy anh quay đầu vào vách và lắng tai nghe. Điều đó làm tôi kinh ngạc. “Hình như anh đang lắng tai nghe những gì mấy viên đá trong tường nói với nhau đấy,” một lúc lâu sau tôi đã nói như vậy. Anh nhìn tôi mà không trả lời. Và một lần nữa, anh lắng tai nghe. Hai mắt anh chiếu sáng. Không còn sự khác biệt nào giữa con mắt hư và con mắt kia nữa – trừ mỗi chỗ là con mắt hư đầy kinh hoàng và con mắt kia đầy giận dữ. Tôi kết luận là chắc anh đã nghe thấy những gì làm anh nổi giận và tôi hỏi anh nghe được những gì. Anh giật nẩy mình như bị kéo ra khỏi một giấc ngủ say và nói: “Tôi không nghe gì cả, thế còn anh, anh có nghe thấy gì không?” Anh xát nơi lỗ tai và nói: “Giác quan của tôi đã đánh lừa tôi”. Anh bắt đầu lục soạn trong các túi anh và lôi ra một ít thuốc lá, rồi đem để lên bàn:

“Không phải anh đã nói là anh nghe có tiếng bước à?”

“Tôi nói điều đó hồi nào vậy?”

“Anh nói hồi nào? Anh vừa mới nói đây mà.”

“Thế không phải anh đã trả lời là không có tiếng động tiếng dội gì hết sao?”

“Vâng, tôi có trả lời như thế và tôi vẫn còn tin như thế. Nhưng bây giờ nếu anh bảo tôi là anh nghe có tiếng gì, tôi sẽ không nói trái với anh đâu”.

“Vậy ra anh đã nghe tiếng gì à?”

“Tôi chẳng nghe gì cả.”

Trong trường hợp đó, ta hãy tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở đi. Ta đang nói gì nhỉ?”

“Thật tình, tôi cũng không nhớ nữa.”

“Vậy thì ra những lời nói của anh đối với anh không mấy quan trọng đến nỗi anh không thèm nhọc công nhớ lại nữa à?”

“Trái lại đấy!”

“Trái lại: như thế có nghĩa là gì?”.

“Như thế có nghĩa là những câu chuyện giữa các con dân Do thái nói với nhau cũng quan trọng nhiều như những bài hát và những bài thánh ca ngợi khen, nhưng khi người ta muốn hát tiếp lại, thì nó không còn giữ được cùng những âm hưởng lúc đầu nữa. Tôi có ý kiến này: tôi sẽ đem Guemoula đến làng Atrus.”

“Tại sao lại đến làng Atrus?”

“Bởi vì làng Atrus nằm trên lãnh thổ của Gad, và Guemoula thuộc về bộ lạc của Gad. Không khí trong xứ sẽ làm nàng khoẻ lại. Tôi không bao giờ quên được nỗi vui mừng của nàng vào cái ngày mà Guedi Ben Gueim sửa soạn bắt nàng đi và tôi đã ra tay trước anh ta. Tôi sẽ cho trọn cả thế gian này chỉ để được nghe lại một lần nữa tiếng cười vang của Guemoula dạo ấy. Bây giờ, xin hỏi một câu: tất cả những gì anh kể cho tôi nghe về ông bác sĩ đó, tôi muốn nói Giáo sư Guinath, tôi rất lấy làm thích thú. Những nhà hiền triết của chúng ta – ước rằng nhớ đến họ là một điều lành cho ta! – đã nói: Ai là người hiền triết? Là người biết chỗ đứng của mình. Nếu được phép thêm một cái gì vào lời nói của các nhà hiền triết chúng ta, tôi sẽ thêm vào câu tục ngữ như thế này cho đủ: 'Và đó là kẻ mà những người khác không biết được chỗ đứng ở đâu.' Dù sao, tôi rất ngạc nhiên thấy anh chưa bao giờ gặp được Giáo sư Guinath, khi mà hai người ở cùng một nhà. Ông ấy già, hay còn trẻ? Anh thấy sách ông ta ra sao? Anh đã gợi cái tính tò mò của tôi về những chuyện mà tôi không hề quan tâm đến. Tại sao vậy?”

“Tôi sẽ cho anh thấy,” tôi nói, “là chúng ta có nhiều nhà bác học đóng những vai trò quan trọng và những ký giả tung danh tiếng của họ ra khắp thế giới, thế mà chúng ta lại không hề mảy may để ý tới họ. Cái ông Giáo sư Guinath này không có một địa vị nào cả, báo chí không dành cho ông một bài khen tặng nào và chúng ta ngạc nhiên về điều đó! Và chúng ta vẫn muốn biết ông! Chính anh đã nói với tôi, anh Gamzou ạ, chính anh đã nói rằng anh sẽ chỉ đọc sách của ông ấy trong lần đầu thai thứ hai hoặc thứ ba của anh thôi, thế mà bây giờ anh đã chú ý đến ông ấy rồi!”

Gương mặt của Gamzou đột nhiên biến qua đủ màu. Rồi các màu đó biến mất và gương mặt anh ta tái xanh. Rồi, nó trở qua màu xám, càng lúc càng xám thêm, và cuối cùng nó giống như một khối chất vô hình thể, trên đó người ta có thể nhận thấy một vẻ ngạc nhiên sợ hãi. Tôi nhìn anh ta và tôi cũng sợ hãi đến đỗi tóc tôi dựng đứng cả trên đầu. Trong đời tôi, tôi chưa hề thấy một người nào có gương mặt thay đổi như thế. Gamzou chụp lấy tay tôi và nói: “Chuyện gì thế này?” Tôi không trả lời anh ta. Tôi im lặng và tôi rút bàn tay tôi ra khỏi tay anh mà anh không hay. “Lúc nãy anh làm sao vậy?” tôi hỏi anh. Anh tỉnh lại, bối rối mỉm cười, đưa tay phác một cử động và trả lời: “Giác quan lại lạm dụng một thằng điên như tôi nữa.”

“Anh trả lời sao với tôi về việc đó?” tôi hỏi.

“Tôi không biết anh muốn nói về việc gì,” anh trả lời.

“Về vụ bệnh viện,” tôi nói.

“Tôi không thể nghĩ đến việc đó lúc này được,” Gamzou bảo.

“Vậy thì lúc nào anh mới nghĩ đến được?” tôi hỏi anh.

“Tôi không biết, dù sao đi nữa, lúc này không nghĩ được.” Anh ta đã trả lời như vậy.

Tôi trình bày cho anh ta thấy tất cả những gì có lợi cho anh ta nếu anh đem vợ vào nhà thương: “Vợ anh sẽ khoẻ hơn, và anh, Gamzou, anh có thể xả hơi được và có lẽ anh còn có thể đi xa và khám phá ra nhiều vật huyền bí nữa. Ngày nay, dường như trái đất đã mở miệng ra và để lộ cho chúng ta những gì mà các thế hệ trước đã chôn chặt trong đó. Anh xem Guinath đấy: ông ấy đã khám phá ra được những vật được giấu kín từ hàng ngàn năm. Như ngôn ngữ Ido và những bài ca Eynam, chẳng hạn. Nhưng tại sao lại nói đến Guinath? Chẳng phải chính anh, Gamzou, anh cũng đã khám phá ra những kho tàng xưa cổ mà chúng tôi không ai biết đến đó sao?

Mắt Gamzou nhìn thẳng vào tôi, nhưng tai anh lại để nơi khác – khi thì lắng nghe về phía cánh cửa lớn, khi thì lắng nghe về phía cửa sổ hoặc phía tường. Tôi thấy giận anh ta: “Gavriel, chắc anh có nhiều bộ óc thì phải. Chẳng những anh vừa lắng nghe cánh cửa lớn, cửa sổ và vách tường nói chuyện với nhau, mà anh lại còn lắng tai nghe từng chữ mà một con người như tôi đây đang đọc lên nữa.” Gamzou nhìn tôi: “Anh vừa nói gì thế?” “Không, tôi có nói gì đâu,” tôi bảo. “Còn tôi, anh ta nói, tôi chắc chắn đã nghe có người nói.” Bực mình, tôi hỏi anh nghe người ta nói bằng thứ tiếng gì – Ido hay Eynam? Gamzou nhận thấy tôi giận nên anh lặp lại bằng một giọng nghẹn ngào: “Anh có thể tin tôi hay không tin, chính tôi đã nghe thứ tiếng đó…!” “Tiếng gì?” “Thứ tiếng mà Guemoula và cha nàng nói, thứ tiếng mà hai người đã đặt ra cho vui. Thần kinh tôi suy yếu đến độ tôi tưởng như nghe được những lời không thể nào nghe được, tôi cũng sắp tin chắc là tôi đã nghe tiếng của Guemoula rồi đây.”

Tôi vẫn ngồi, im lặng, không thốt lên một lời. Nói gì đây với một con người mà trái tim đã bị ung nhọt và đang đi tìm an ủi bằng cách gợi lại những niềm vui trong thời họ từng được sống yên ổn? Gương mặt của anh không còn máu; chỉ có hai tai anh là còn nghe ngóng. Vẫn ngồi, anh lắng nghe một cách say sưa. Cuối cùng, anh đưa tay phác một cử động: “Chính óc tưởng tượng đang làm việc đây.” Anh cười một cách lơ đãng và nói: “Khi óc tưởng tượng xâm nhập một người, thì cái bóng của cái bóng in trên tường đối với họ dường như cũng là một vật hữu thể.” Anh ta đứng dậy: “Mấy giờ rồi nhỉ? Đã đến lúc tôi phải về nhà. Tôi sợ cái áo mà tôi để trước giường của Guemoula đã khô rồi. Ở Erets-Israel, mặt trăng toả ra sức nóng hơn cả mặt trời trong các xứ khác nữa”.

Anh ta lại ngồi xuống. Khi ngồi xuống rồi, anh nhìn trước mặt mình và thì thầm với một giọng buồn bã: “Một lời nói kín đáo thoáng đến với tôi; tai tôi nghe được tiếng thì thầm rất nhỏ.” “Anh lại buồn rồi,” tôi nói. “Tôi à,” anh ta vừa trả lời vừa cười, “tôi không buồn; chính Job thốt ra những lời này mới là buồn.” Tôi nhìn anh ta và muốn nói một điều gì. Nhưng thay vì tìm trong lòng tôi, tôi lại tìm trong túi và tôi lấy ra một tấm bưu ảnh do Greifenbach và vợ ông đã gửi cho tôi. Tôi nhìn kỹ tấm bưu thiếp: hình vẽ mặt trăng chiếu sáng trên những mái nhà. Gamzou rút trong túi anh ra giấy, thuốc lá và vấn một điếu nhỏ. Anh dán lại bằng nước bọt, để lên miệng và châm lửa. “Anh hút thuốc không?” anh hỏi tôi, “tôi sẽ vấn cho anh một điếu.” “Anh khỏi phải nhọc công, anh bạn ạ,” tôi trả lời. Tôi đi tìm gói thuốc lá của tôi, lấy một điếu và đốt hút. Ngồi đối diện nhau, chúng tôi nhả khói thuốc ra trên không. Khói bay lên và câu chuyện của chúng tôi chìm xuống. Tôi nhìn khói thuốc cuộn khoanh và nghĩ trong trí: nếu Gamzou đứng lên để ra về, tôi sẽ không mời anh ta ở lại. Nếu anh ra đi, tôi sẽ không gọi anh trở lại. Và khi anh đi rồi, tôi sẽ làm giường và tôi sẽ đi ngủ. Và nếu Chúa muốn, tôi sẽ thức dậy sớm ngày mai và sẽ viết vài chữ cho Gerhard và Gerda. Tôi sẽ cho họ biết là căn nhà của họ được giữ gìn tử tế. Còn căn nhà của tôi, nó không làm cho tôi lo lắng một tí nào cả. Có một hôm kẻ trộm đến viếng nhà tôi: sau khi chúng đi, tôi sửa ổ khoá lại và mua ống khoá mới và chắc. Kế đó tôi nghĩ đến vợ và các con tôi. Vợ con tôi đang ở miền quê, tôi tự nhủ, và chắc đều ngủ cả rồi, vì trong làng người ta có thói quen đi ngủ sớm. Không có cái anh Gamzou này, thì tôi cũng đã vào giường rồi. Phải chăng anh ta đến đây là một chuyện lạ kỳ? Anh ta sẽ làm gì nếu không gặp tôi? Tôi đưa tay ra và dời chỗ cây đèn. Trăng hiện ra và ánh sáng tỏa tràn ngập cả căn phòng. Mí mắt tôi nặng trĩu và đầu tôi bắt đầu lảo đảo. Tôi làm một cố gắng và đưa mắt nhìn xem Gamzou có bắt gặp sự dã dượi của tôi không. Tôi thấy anh ta để bàn tay lên miệng. Tại sao anh lại để tay lên miệng? Có phải anh muốn ra dấu cho tôi im lặng không? Nhưng tôi có nói gì đâu! Càng nghĩ nhiều, mí mắt tôi và đầu tôi nặng trĩu thêm. Đầu tôi gục xuống ngực và mí mắt tôi sụp xuống.

Hai mắt tôi muốn ngủ, nhưng hai tai tôi không cho phép, vì tiếng bước chân của ai ở phòng bên vọng lại: những bàn chân không đi trên nền nhà bằng đá. Tôi lắng tai và nghe một giọng hát lên: yedal yedal yedal va pa ma, yedal yedal yedal va pa ma. Tôi tự bảo: thần mộng đã trở về. Mặt trăng hiện ra và tràn lên mắt tôi. Ta biết ngươi rồi, tôi nói với nó, có phải ngươi nằm trên tấm bưu ảnh không? Giọng hát lại vang lên: yedal yedal yedal va pa ma. Mặt trăng soi sáng cho giọng hát và từ giọng hát hiện rõ hình ảnh một người đàn bà. Vậy ra Greifenbach đã nói thật, tôi nghĩ, Guinath đã tự tạo ra cho mình một cô gái! Nhưng tại sao đột nhiên mấy ngón tay tôi đau buốt? Tôi mở mắt ra và thấy Gamzou đứng nắm chặt bàn tay tôi. Tôi rút tay tôi ra khỏi tay anh ta và nhìn anh, kinh ngạc. Gamzou tỉnh trí lại. Anh ta nhắm con mắt lành của anh lại, con mắt không mấy chốc đã đi sâu vào giấc ngủ, trong khi con mắt mù của anh lại sáng lên. Tôi tự hỏi tại sao anh ta siết tay tôi. Chắc hẳn anh muốn tôi nghe tiếng hát. Vậy thì đây không phải là một giấc mơ, có một giọng hát đã hát lên thật. Hát bài gì? Bài hát của một người đàn bà! Và người đàn bà đó bước nhịp theo tiếng hát. Tôi cười thầm trong bụng khi nghĩ là ở đây có một cô gái được tạo ra do óc tưởng tượng. Để đánh tan mọi sự nghi ngờ về chuyện đó tôi quyết định hỏi Gamzou nghĩ gì. Gamzou nhắm con mắt mù của anh lại cùng lúc với con mắt kia và trên gương mặt anh ta tràn ra một nụ cười giống như nụ cười của một chàng thanh niên thấy được người yêu dấu của lòng mình. Không muốn kéo anh ra khỏi giấc mơ, tôi đưa mắt nhìn xuống và im lặng.

Giọng hát trở lại. Lần này, giọng không hát, mà lại nói. Bằng thứ tiếng gì? Bằng một thứ tiếng dĩ nhiên là không thuộc về những thứ tiếng mà chúng ta được biết. Tôi muốn hỏi Gamzou. Tôi ngước mắt lên và tôi thấy ghế anh bỏ trống. Gamzou không còn đó nữa! Tôi kiếm anh ta khắp quanh tôi. Tôi đứng dậy, đi từ phòng này qua phòng nọ mà không tìm thấy anh. Tôi trở lại phòng tôi và ngồi xuống. Tôi chờ mười phút qua, nhưng anh không trở lại. Tôi tự hỏi không biết có điều gì bất lành xảy đến cho anh không. Phải đi xem thử mới được, tôi tự nhủ. Tôi đứng dậy và đi tìm anh ngoài hành lang. Không có Gamzou. Tôi nhất định trở về phòng tôi và tiếp tục chờ anh nơi đó. Nhưng tôi bỗng chú ý đến một căn phòng được cất lên để làm soucca [6] và cũng là lối vào phòng Guinath. Tôi đưa mắt nhìn vào và tôi thấy Gamzou đứng sau một cánh cửa. Tôi tự hỏi anh ta có thể đang làm cái gì ở đó. Một bàn tay đưa ra và đẩy cánh cửa. Và trước khi tôi ý thức được những gì hai mắt tôi trông thấy, cánh cửa hé mở, để lọt ánh sáng vào; ánh sáng làm tôi chú ý và tôi đưa mắt nhìn vào phía trong căn phòng.

Ánh sáng trăng tràn ngập căn phòng, ở đó có một người đàn bà mặc đồ trắng đang đứng, hai chân không, tóc rối bù, mắt nhắm nghiền. Một người đàn ông trẻ tuổi, ngồi trước một chiếc bàn, gần cửa sổ, ghi lên giấy tất cả những gì người đàn bà kể lại. Tôi không hiểu một chữ nào về những gì người đàn bà nói và tôi rất lấy làm nghi ngờ sao trên đời lại có một người có thể hiểu một thứ tiếng huyền bí đến như vậy. Người đàn bà nói và cây bút viết. Có một điều rõ ràng, là người đàn ông không ai khác hơn là Guinath. Ông ta đến lúc nào và ông ta đã đi vào phòng lúc nào? Trong khi tôi đang nói chuyện với Gamzou trong phòng khách nhà Greifenbach. Chắc hẳn ông đã đem người đàn bà vào qua cửa sổ. Bởi thế nên tôi đã nghe tiếng một cánh cửa sổ mở ra và những bước chân không đi trên mặt đất.

Tôi chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện một lúc đến nỗi tôi quên mất Gamzou và không để ý là anh ta đang đứng bên cạnh tôi. Bấy giờ Gamzou – ôi cái anh Gamzou này! – làm một việc khác thường. Quên hết mọi phép lịch sự, anh nhảy vọt, xông vào trong căn phòng, vung hai cánh tay ôm ngang dưới bụng người đàn bà. Cái người đàn ông rụt rè, suốt đời chỉ lo phụng sự cho vợ mình đó, bây giờ đây lại nhào vô trong một căn phòng lạ để ôm chặt một người đàn bà lạ!

Đến đây thì mọi chuyện đều bắt đầu phức tạp, và tôi ngạc nhiên vì không thể nhớ nó đã xảy ra như thế nào. Nó kéo dài trong có một khoảnh khắc nhưng lại diễn ra rất lâu! Tôi đứng với Gamzou trước căn phòng của Guinath. Cánh cửa hé mở. Tôi nhìn vào bên trong căn phòng tràn ngập ánh trăng. Trăng lọt vào căn phòng và chiếu sáng đến nỗi người ta có thể thấy mọi vật trong đó. Tôi thấy một người đàn bà đứng ngay giữa phòng và một thanh niên đang ngồi viết. Đột nhiên Gamzou chồm tới và ôm quanh dưới bụng người đàn bà. Người đàn bà quay đầu về phía thanh niên và, bị giam giữa hai cánh tay của Gamzou, nàng la lên: “Haham!”. Giọng nói của nàng là giọng nói của một trinh nữ đã đến tuổi yêu đương. Người thanh niên bảo nàng: “Đi đi Guemoula, đi với chồng cô đi!” Guemoula nói: “Tôi chờ ông đã bao nhiêu năm và bây giờ ông lại bảo: đi đi, Guemoula!”

“Chồng cô đó mà.” – “Còn anh, haham Guideon, anh là gì của tôi?” – “Tôi không là gì cả.”

Guemoula cười và nói: “Ông không là gì cả? Ông là một người đàn ông đẹp. Không có ai trên đời tốt và đẹp hơn ông cả. Nếu ông cho phép tôi ở lại với ông, tôi sẽ hát cho ông nghe bài hát mà con chim Grophith chỉ hát một lần trong đời nó thôi.” “Cô hát đi!” người thanh niên nói. Guemoula nói thêm: “Tôi sẽ hát bài hát của chim Grophith rồi chúng ta sẽ chết”. Đoạn, nàng nói với Gamzou: “Gavriel, khi em và ông haham chết rồi, anh hãy đào hai ngôi mộ bên cạnh nhau; anh hãy hứa với em là anh sẽ làm như vậy đi”.

Gamzou đặt bàn tay lên miệng của Guemoula và dùng hết sức mạnh của mình để giữ nàng lại. Nàng muốn thoát khỏi vòng tay anh, nhưng anh không buông ra và la lên nói với Guinath: “Ông có biết ông là cái gì không? Ông là một kẻ có tội ở Do thái! Ông không ngần ngại làm cho một người đàn bà có chồng bỏ chồng mình!” Guemoula la lên: “Ông đừng nghe anh ấy, haham Guideon, tôi không phải là vợ của một người đàn ông nào khác! Ông thử hỏi xem mắt anh ấy có bao giờ trông thấy da thịt tôi chưa!” Gamzou thốt ra một tiếng thở dài và lặp lại nhiều lần: “Em là vợ ta! Em là vợ ta! Em là vợ ta! Ta đã cưới em theo luật của Moïse và của xứ Do thái!” Người thanh niên nói: “Đi đi, Guemoula, đi với chồng cô đi!” Guemoula bảo: “Ông khinh tôi!”. “Không, tôi không khinh cô, người thanh niên trả lời. Tôi chỉ bảo cho cô việc gì cô phải làm thôi.”

Lúc đó nàng đã kiệt sức và nếu Gamzou không giữ nàng lại, thì nàng đã quị xuống rồi. Gamzou không bỏ vợ anh ta ra nữa; anh bế nàng lên tay và đem nàng đi, trong khi tôi và Guinath đưa mắt nhìn theo.

 

[còn 1 chương]

 

_________________________

[1]Phần thứ nhì và là phần bình giải trong Pháp điển Do thái [Talmud]. Phần đầu là Michna.

[2]Số nhiều của chữ bahur. Trai chưa vợ, sinh viên học kinh Talmud.

[3]Nghĩa từng chữ là một thứ bảng dựng để thờ. Pháp điển ghi những giáo huấn do Joseph Caro soạn năm 1565.

[4]Tuyển tập thi ca đầu tiên có tên Divan là của Schemo ed-Din Mohammed Hafiz, thi sĩ trữ tình người Ba tư sinh ở Chiraz vào khoảng 1320 và mất vào khoảng 1380: sách gồm gần 600 bài thơ ngắn.

[5]Số nhiều của chữ piyouth, những bài thơ đạo đọc trong nhà nguyện Do thái thêm vào với lễ nghi truyền thống ngày Sabbath hoặc lễ khác.

[6]Chòi mái lá dựng gần nhà hoặc nhà nguyện để ăn ở tạm trong thời kỳ lễ Tạ ơn của Do thái, kỷ niệm những ngày sống tạm trong khi lang thang trong sa mạc của dân Do thái.

 

-------------------------
“Trăng trên thung lũng Jerusalem” dịch từ bản Pháp ngữ của Rachel và Guy Casaril trong Les Contes de Jérusalem (Paris: Albin Michel, 1959). Tập truyện tiếng Pháp, theo bài tựa, là một tập tuyển những truyện ngắn và những đoạn trích văn rời rạc của Ch.-Y. Agnon do chính các dịch giả người Pháp chọn và sắp xếp. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thu Hồng đã được in thành sách năm 1969 ở Saigon, do Nhà Trình bầy xuất bản, dưới cùng tên truyện, Trăng trên thung lũng Jerusalem, 176 trang, Diễm Châu giới thiệu, bìa & phụ bản Hoàng Ngọc Biên.
 

 

Đã đăng:

Cửa toa xe mở hướng ra những ngọn núi cao và những suối nước và người ta nghe có một giọng cất lên hát yedal yedal yedal va pa ma. Giọng hát thu hút tôi, tôi muốn đi theo nó, nhưng cánh cửa khép lại trước mặt tôi. Mặt trăng hiện ra và ánh trăng tỏa tràn lên người tôi. Tôi nheo mắt cười với nó và bằng cả gương mặt nó cười lại với tôi... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Trăng chiếu sáng rực và cả thành phố nằm trọn trong vùng ánh sáng đó. Ai được thấy một đêm như vậy sẽ không ngạc nhiên về việc những kẻ mộng du rời giường mình để đi bách bộ dưới trăng... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... “Nàng bị chứng mộng du.” Tôi nhìn anh ta như một người được nghe kể một câu chuyện gì ghê gớm lắm. Anh cảm thấy được điều đó nên anh nói: “Mỗi đêm, khi ánh trăng thật tỏ, vợ tôi rời khỏi giường ngủ và theo ánh trăng đi khắp nơi.” ... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tất cả mọi ân sủng đều nằm trong cái im lặng tuyệt diệu của buổi ban đêm phía dưới những thung lũng của thành phố Jérusalem. Người ta tưởng những thung lũng đó tách biệt khỏi thế giới và đồng thời cả thế giới lại nằm trong những thung lũng đó... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Cái vỏ cam (truyện / tuỳ bút)  - Agnon, Shmuel Yosef
Đây chỉ là câu chuyện một cái vỏ cam vứt giữa đường. Thật ra đây là một cái vỏ rất thường, người ta có thể tìm thấy hàng chục cái tương tự trên khắp các lề đường và dưới những đường mương, trên khắp các công trường và trong những sân nhà, nói vắn tắt là khắp mọi nơi trong Thành... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

-----------

Mời độc giả xem bài nhận định "Đi tìm một ngôn ngữ đã mất: AGNON GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" của Diễm Châu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021