thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ông Levert, thư cho con trai
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

ROBERT PINGET

(1919-1997)

 

 

ÔNG LEVERT, THƯ CHO CON TRAI

 

Ông Levert ở biệt thự Roches, trên đường đi Crachon. Ngôi biệt thự hình vuông với một mái nhà có bốn mặt màu hồng. Trên mặt tiền trông thấy được từ ngoài đường cái có ba cửa sổ ở tầng nhất, cửa ở giữa là một thứ cửa sổ sát nền có một bao lơn. Ở tầng trệt, hai cửa sổ ở hai bên cửa lớn ra vào phía trên có một thanh ngang mang đời 1850. Có bốn bậc đi lên bằng đá hoa cương, làm thềm trước cửa. Ở mỗi bốn góc thềm có một cây nho leo trên một sợi dây thép móc ở bao lơn. Các cây nho đó rất xưa, sinh trưởng chậm, nhưng cũng làm xanh lên một tí vào mùa hè. Mặt bên kia cũng giống như vậy, nhưng không có nho. Nó hướng về phía nam. Ngôi vườn trải ra phía trước mặt, một ngôi vườn được chăm nom rất cẩn thận theo kiểu Pháp. Trước hết là có một cái sân cao lát sỏi bao quanh nhà. Phía trông ra đường cái được rào bằng một bức tường thấp trên có một hàng rào sắt và làm thành một cái sân nhỏ. Phía bên kia nó nhường chỗ cho những vườn cảnh hình thể khác nhau bao bọc bằng những cây hoàng dương và có trồng hoa hoặc trồng cỏ xanh. Những lối đi nhỏ ngăn chia các vườn cảnh đó cũng lát sỏi. Một số lối đi rợp bóng những cây hiếm hoi ngày xưa rải rác đều đặn trong những vườn cảnh nhưng bây giờ phần nhiều đã chết rồi. Những cây còn lại phá mất tính cách cân đối trong ngôi vườn. Sau các vườn cảnh có một đồi cỏ mênh mông đầy hoa cúc vào mùa hè. Rồi lại có rừng cây Furet đi xuống tận sông. Đó là những cây sồi có từ cả trăm năm nay. Ở ranh chung quanh khu đất của ông, nơi mé rừng, ông Levert có cho cắm một bảng yết thị Cấm Vào, bởi vì hàng rào đã bị sập. Cái hàng rào đó không chạy dọc theo mé rừng, nó đi sâu vào đến năm mươi thước trong rừng để chia ranh giới một phần đất thuộc khu biệt thự Roches. Tiền tu bổ hàng rào lên cao quá. Trên phần đất nằm trong rừng ông Levert có cho để một bảng Cấm Đậu Xe. Khi người ta từ khu rừng đi trở lên để về nhà người ta có thể nương một lối đi dọc theo đồng cỏ đầy hoa cúc và đến vườn trái cây. Vườn trái cây này nằm song song với ngôi vườn theo kiểu Pháp, cách quãng chừng sáu mươi thước, và làm thành một khuyết lõm trong khu vực kế cận, cũng như phần đất trong rừng. Vườn trái cây trồng nhiều nhất là mận. Ở giữa có một vòm cây che một chiếc ghế dài và một cái bàn. Một lối đi uốn cong ở phía bên mặt tiền thuộc về ngôi nhà. Mặt tiền này có hai cửa sổ ở tầng nhất, một cửa lớn và một cửa sổ ở tầng trệt. Cửa lớn bằng ngang với cái sân ở trước nhà được một cây sồi lớn che rợp. Mặt tiền phía tây cũng giống y như vậy, nhưng không có cửa lớn. Ở dưới cửa sổ thay vào chỗ cửa lớn có một bể nước với một cái bồn lớn có hai ngăn. Có một cây du mùa thu rụng đầy hạt giống vào bồn nước. Ông Levert ở một mình trong nhà cùng với bà quản gia. Ngày mai táng Maria Chinze ông ra khỏi nhà lúc chín giờ rưỡi và ông đi dạo trong rừng. Ông gặp một người đàn bà đang nhặt củi khô. Hai người nói chuyện với nhau về thời tiết. Có một lúc nào đó họ nghe tiếng chuông đổ. Lúc đó chắc vào khoảng mười giờ, đoàn xe tang chuyển bánh. Người đàn bà nói: Con gái nhà Chinze chết đó, từ hồi cô ta đi lang bang. Ông Levert hỏi cô ấy là ai vậy. Người đàn bà trả lời: Con gái l 󯠴?hợ đóng giày ở đường Broy. Ông Levert nói như vậy thì khổ thật, ông còn nói thêm: Bà không có gì để chở củi sao? Chuông vẫn tiếp tục đổ. Ông Levert nói: Những tiếng chuông kia không làm ta vui được, cô ấy còn trẻ chứ? Ba mươi tuổi, người đàn bà trả lời, bán hàng vốn là nghề cô ấy. Bà ta nói mà vẫn không nhìn ông Levert, vì mải bận nhặt củi khô. Họ vẫn còn nói chuyện về thời tiết và ông Levert tiếp tục đi dạo. Người đàn bà ngẩng đầu lên và nhìn ông ta đi xa dần. Ông Levert đi lên theo lối đi đến vòm cây ở vườn trái cây. Ông ngồi lên chiếc ghế dài. Chuông không còn đổ nữa. Ông ta lấy từ trong túi ra một cuốn sổ và một cây bút chì và ông bắt đầu viết trên bàn. Ông tìm chữ rất lâu. Một con chim sẻ đến đậu trên vòm cây, ông Levert nghe nó cất giọng hót the thé. Ông nghĩ đến chuyện khác. Ông lại bắt đầu viết lại. Có một lúc, ngẩng đầu lên, ông nói rất lớn: Ta không thể nói với nó điều này được. Ông lại tìm nữa và ông tiếp tục viết. Có một ít nắng làm thành từng chấm lốm đốm sáng trên mặt bàn, vòm cây bắt đầu mọc lá. Lúc đó chắc vào khoảng mười một giờ, đoàn xe tang đi vào nhà thờ. Ông Levert đứng dậy và ông dùng lối đi uốn cong. Trước khi về sân trước nhà ông băng qua đồng cỏ và đi vào trong vườn hoàng dương. Ông ta nhìn sát vào một cái cây nhỏ, ông bắt vài con rận cho nó. Ông tản bộ trong các lối đi nhỏ và ông trở vào nhà bằng cửa lớn phía đông. Đó là cửa lớn đi vào phòng khách. Cái phòng khách này còn giữ lại đồ đạc ngày xưa nhưng bây giờ có thêm một bàn giấy ở chính giữa phá mất cả thứ tự trong phòng. Chính ông Levert làm việc ở đó. Có hàng đống giấy má và sách vở. Một chiếc đồng hồ lớn treo trên lò sưởi có vẽ chữ Europe nằm trên con bò mộng của nó, với hai giá đèn hai bên. Ở phía trên một tấm gương xưa lấm chấm phấn pha lê phản chiếu cánh cửa lớn, người ta thấy bóng mình trong đó khi bước vào. Có ba chiếc ghế bành đặt trước lò sưởi với một cái bàn thấp. Bắt đầu từ lò sưởi nếu người ta đi một vòng từ bên phải, có một chân quì mạ vàng dưới một bức phong cảnh vẽ bằng phấn tiên, tiếp theo là một cái ghế trường kỷ để theo góc tường với hai chiếc ghế bành, tiếp theo nữa là một cái tủ có ngăn kéo mặt bằng đá hoa trên đó người ta để một cây đèn dầu hôi, rồi tiếp theo nữa là một chiếc ghế đen dựa vào một bức tường lát thảm. Rồi đến cửa sổ phía đông. Rồi đến một tủ kính đầy đồ sứ, và cánh cửa lớn đi ra sân trước nhà. Phía bên trái cánh cửa lớn ở trong góc có một chiếc ghế bành bằng da, rồi đến cửa sổ hướng về phía nam, rồi đến một cái tủ có ngăn kéo khác phía trên có treo một bức chân dung gia đình, rồi đến cửa lớn ăn thông với phòng trước, rồi đến lò sưởi. Các vách tường được lát bằng ván. Ở chính giữa trần nhà có một ngọn bách đăng với những thỏi thuỷ tinh. Căn phòng có vẻ tối, cây sồi trước sân lấy mất nhiều ánh sáng và những màn trướng khá nặng bao kín hai chiếc cửa sổ. Ông Levert ngồi ở bàn giấy của ông và ông rút cuốn sổ tay ra. Ông lấy giấy và một cây viết, ông bắt đầu một lá thư. Ngày nào ông cũng viết thư cho thằng con trai đã bỏ đi từ gần mười năm nay. Trước tiên ông viết nháp, kế đến ông sửa lại. hi lá thư viết xong ông Levert xếp nó trong một cái hồ sơ bởi vì ông không tin các trạm bưu điện, và một lá thư lại có thể tới tay người nhận vào lúc bất tiện, rất bất tiện. Ông Levert không làm việc lâu bởi vì đến trưa thì bà quản gia của ông đã dọn ăn rồi. Ông Levert qua phòng ăn. Bà quản gia của ông ngồi đối diện ông và nói với ông: Cô gái con lão thợ đóng giày đã chết, hôm nay người ta chôn cô đấy. Vào lúc đó đoàn xe tang ra khỏi nhà thờ và bà mẹ Chinze thấy mệt, người ta đưa bà đến nhà Tripeau. Ông Levert hỏi: Cô ta còn trẻ chứ? Bà quản gia trả lời: Đâu vào khoảng ba mươi, tôi nghĩ vậy, đó là đứa thứ hai trong ba đứa, thằng con đầu ở Rouget, sáng nay nó đến với vợ nó, đứa út là thằng Minet, cái thằng ưa uống rượu ấy. Thế ra, ông Levert nói, bà biết hết mọi chuyện xảy ra trong thành phố. Nó chỉ còn là một cái làng, bà quản gia nói, với người từ Paris tới như chúng ta đây. Bà thường nhắc cho ông ta rằng bà đã sinh ra ở đó mặc dù từ năm mươi năm nay bà vẫn ở tỉnh. Ông Levert chẳng nói gì cho đến khi ăn tráng miệng, một trái lê trộn kem. Bấy giờ ông nói: Năm nay sẽ không có lê đâu, hoa đã đông cứng rồi. Ông đã nói với tôi điều đó đến cả hai mươi lần rồi, bà quản gia nói. Và bà đi pha cà phê. Ai cho bà biết về cái chết đó vậy? Ông Levert hỏi bà khi bà trở lại. Sophie Narre, bà đáp, tôi gặp cô ta sáng nay, chúng tôi cùng đi chợ mà, rau diếp đã tăng giá gấp đôi rồi. Ông Levert lại tiếp tục làm việc sau khi ăn xong. Ông nhận được một cú điện thoại khoảng lúc hai giờ. Mấy người ở trong nhà Tripeau đi ra. Ông nói chuyện trong điện thoại không lâu. Ông tiếp tục viết thư.

 

 

-----------------
"Ông Levert, thư cho con trai” được trích dịch từ Robert Pinget, Le Fiston (Paris: Les Editions de Minuit, 1959), cuốn tiểu thuyết viết theo vở kịch của chính ông, Lettre morte (Paris: Les Editions de Minuit, 1959). Cuốn Le Fiston kể câu chuyện một người cha viết cho đứa con trai đã bỏ nhà ra đi từ lâu một lá thư để thuyết phục nó trở về. Lá thư gần như không bao giờ được gửi đi, và người cha, Ông Levert, buồn phiền, lắm lúc không biết rõ mình đang ở trong tiệm rượu hay đang ở nhà bưu điện nữa...
 
Nhan đề “Ông Levert, thư cho con trai” do người dịch chọn, và trích đoạn này từng xuất hiện trong Tuyển tập các nhà văn Pháp hiện đại, do Hoàng Ngọc Biên giới thiệu và dịch, 328 trang, Nhà xuất bản Trình bầy, 1969]
 
 

 

Các tác phẩm khác của Robert Pinget đã đăng trên Tiền Vệ:

Bà gác-dan thông thái  (kịch bản) 
La Concierge érudite, vở kịch truyền thanh của Pinget (1919-1997) — một trong những đại biểu của nhóm Tiểu thuyết mới ở Pháp. Bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên.
 
Cái máy hát quay tay  (kịch bản) 
La Manivelle (1960), vở kịch truyền thanh trào lộng của Pinget (1919-1997) — một trong những đại biểu của nhóm Tiểu thuyết mới ở Pháp —, lần đầu tiên được giới thiệu đến độc giả qua bản dịch Việt ngữ của nhà văn Hoàng Ngọc Biên.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021