thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Ông 30"
(truyện thật ngắn)

Thoạt đầu, hắn chỉ hơi khó chịu. Nhưng rồi, mấy ngày sau, cái khó chịu đó cứ lớn dần, đến mức đi đâu hắn cũng thấy khó chịu, cũng ngửi thấy mùi ấy. Không hẳn là hôi thối, mùi ấy nồng nồng hăng hăng, mùi nấu nướng tích lũy lâu ngày, áo quần cũ, mùi thảm ẩm, một cái mùi mốc meo, dơ dáy, tàn tạ. Hắn ngửi hoài, đến độ bị ám ảnh cả trong giấc ngủ, mà vẫn không biết đó là mùi gì. Phòng hắn số 28, cuối hành lang hẹp và tối. Phòng bên cạnh, ngay bên cạnh, số 30, đích thị là nơi phát xuất mùi xú uế. Dọn vào đã mấy tháng, hắn vẫn không biết hàng xóm gần nhất, sát bên, là ai. Chỉ một lần, hắn suýt thấy mặt người đó.

Một hôm, đã khuya, lấy chìa khóa phòng móc ở quầy trước của mụ quản gia, hắn leo cầu thang. Khách sạn xưa cũ, cho thuê phòng tháng, giá rẻ, không có thang máy. Cầu thang vừa dốc vừa hẹp, thảm lót có chỗ mòn tận nền gỗ, cứ mỗi tầng lầu mới có một nút bấm đèn. Đèn chỉ sáng trong một chốc ngắn ngủi cho nên nếu đi lên nửa chừng cầu thang mà đèn tắt thì ... ráng chịu. Chỉ còn cách lò mò lên tới tầng sau, lò mò tìm nút bấm, bật đèn sáng, mới thấy đường.

Hôm ấy, hắn leo cầu thang sau một người. Người ấy nồng nặc cái mùi làm hắn khó chịu từ ngày dọn đến ở đây, mùi phòng số 30. Cứ nhìn bên ngoài thì đó là một người đàn ông. “Ông 30”, hắn nghĩ. Áo măng-tô len, mặc dù mới cuối thu, chưa lạnh lắm. Khăn dày quấn quanh cổ, miệng, và mũi, mũ dạ đội sụp xuống, tay mang găng. “Ông 30” xách một chiếc cặp da căng phồng, có vẻ nặng nề. Vì ông đi trước nên hắn chỉ thấy những chùm tóc ót lấm tấm bạc lòi ra giữa mũ và khăn len.

Hắn để ý đến mép quần dài của ông: có lai lật ngược, kiểu hai mươi năm về trước. Ở gót, mép quần đã sờn nhiều. Quần hơi ngắn, mỗi lần “ông 30” cất bước, hắn lại thấy màu vớ ve chai của ông. Quần, giày, và vớ đều cũ kỹ, nhưng khá chải chuốt, như thể mới lấy ra từ một viện bảo tàng y phục.

Cầu thang hẹp bề ngang, hắn đi sau, đành chịu không thấy được mặt người đi trước. Mùi hăng nồng bốc ra từ “ông 30” dữ dằn đến nỗi hắn phải chậm chân lại để tăng lên khoảng cách giữa hai người. Bỗng nhiên, đèn tắt ngúm. Cầu thang đen thui. Đến khi hắn lò mò lên tới tầng trên, tìm được nút đèn thì “ông 30” đã đi mất. Đây rồi, tầng 5, hắn nghe lạch cạch, tiếng chìa khóa tra vào ổ, rồi tiếng cửa phòng đóng cái rầm. Hắn vừa mất một dịp thấy mặt mũi người ở phòng bên cạnh.

*

Cả năm trời ở đó, hắn vẫn không biết người ở phòng 30 là ai. Không biết mặt người hàng xóm, nhưng hắn cứ phải ngửi cái mùi khó chịu bốc ra từ phòng bên cạnh. Và hắn nghe. Nghe những tiếng động bên phòng 30.

Trời đã sang Đông, khá lạnh, cái lạnh khô và sắc. Ông chồng mụ quản gia, người lùn tịt, thường nhăn nhó, hôm ấy lại cười cười: “Máy sưởi, mở rồi đấy!” Bộ ống phóng nhiệt có ấm lên một tí. Ấm, không phải nóng. Giặt đôi vớ mỏng, phơi trùm lên bộ ống suốt đêm mà sáng hôm sau vẫn chưa khô. Trời lạnh, tiếng động như được dồn vào bên trong. Cửa lớn, cửa nhỏ đóng kín, mùi hăng nồng càng làm hắn khó chịu. Càng có lý do để lang thang ngoài công viên, hay chui vào quán cà-phê nào đó, gọi một tách nhỏ, ngồi nhâm nhi thật lâu. Nhưng rồi cũng đến lúc phải trở về, ngửi cái mùi hăng nồng, nghe những tiếng động phòng bên cạnh.

Hôm ấy, hắn nghe tiếng người: “ông 30” có khách! Tò mò, nghe lóm, rất xấu, rất bậy, hắn biết lắm, nhưng hắn cứ lắng nghe. Chỉ bắt được tiếng xì xào, thầm thì của người đang trò chuyện. Hắn có cảm tưởng họ bịt mặt mà nói. Hắn lấy làm lạ: tiếng nói không nhỏ lắm mà hắn vẫn không lần ra nghĩa. Một ngoại ngữ chăng? Tại sao lại một ngoại ngữ? Khách “ông 30” đến từ một nước khác chăng?

Hắn để ý, người “khách” đó đến hàng tuần. Cứ thứ sáu, khoảng bốn, năm giờ chiều là người ấy đến. Có tiếng soong chảo, bát đĩa, tiếng chiên xào, mùi nấu nướng. Rồi trò chuyện. Xì xào, thầm thì, thủ thỉ. Thỉnh thoảng có tiếng gắt nhẹ. Như xô xát, cãi cọ. Nhưng vẫn âm thầm, lặng lẽ. Lại có khi, nghe tiếng cười. Tiếng cười nhỏ, ngắn, rồi tắt ngúm. Rồi có tiếng hổn hển, ú ớ, rên rỉ. Rồi có tiếng nước chảy. Tiếng quẹt diêm. Mùi thuốc lá. Yên lặng, thật lâu. Chờ mãi, lâu quá không thấy động tĩnh, hắn nóng ruột, nảy ý định ra khỏi phòng, ra khỏi khách sạn. Hắn mặc áo ngoài, choàng khăn ấm, mang găng vào thì nghe tiếng cửa phòng bên cạnh được mở. Hắn chờ cho đến khi cửa bên ấy vừa được đóng lại mới mở cửa phòng mình, bước ra. Và hắn đã gặp người “khách” của “ông 30”.

*

Người ấy đi trước hắn mấy bước. Áo măng-tô len rộng, dài, giày nhọn mũi, gót cao trung bình. “Khách” “ông 30” đi trước nên khi xuống cầu thang khá dốc, tầm mắt hắn nhìn xuống đỉnh đầu người ấy. Đầu người ấy trùm khăn kín mít, chỉ để lộ mái tóc hung hung, lòa xòa trên vai và lưng. Một mái tóc khá lớn, quá lớn, nhưng trông khô cằn, thiếu chải chuốt.

Cứ nhìn cái khăn trùm đầu, mái tóc, và đôi giày thì đó là một người nữ, một người đàn bà, hắn nghĩ thầm, dáng dấp không được uyển chuyển, mềm mại. Tuy nhìn từ trên xuống, hắn cũng thấy được là bắp chân mập mạp người ấy mang vớ. Thứ vớ các vũ nữ hay mang. Lưới cá. Đen. Những cô vũ nữ trang phục khêu gợi, tô điểm sặc sỡ, đùi và chân thon dài, óng mướt. Vớ lưới cá và giày đen gót cao, thật cao, thật nhọn, làm cho cặp giò dài thêm, trắng, và lẳn thêm.

Nhìn người đi trước, áo măng-tô len nặng nề, giày cũ gót cao trung bình, mà lại mang vớ lưới cá, hắn thấy kỳ cục, và lấy làm thương hại. Thương hại cho người đàn bà quê kệch, ăn mặc lố bịch. Một cặp vớ len, đen, xám, hoặc nâu, đậm màu, có lẽ hợp với áo ngoài mùa đông, và đôi giày gót thấp hơn. Nhưng rồi, hắn giật mình. Người đi trước hắn, xuống cầu thang, tay trái còn mang găng và nắm lấy găng tay kia, còn tay kia, tay phải, để trần, vịn lấy lan can. Bàn tay to lớn, trắng phau; những ngón tay múp míp, nhẫn nhiếc đeo mấy cái sáng chóe. Làm nổi bật những sợi lông đen ngòm.

Xuống đến tầng trệt, người ấy vội mở cửa, lọt ra ngoài, không giữ lấy cửa cho người đi sau. Một mùi hương phất vào mũi hắn. Nước hoa, nồng nàn, nồng nặc. Ra đến đường phố, người ấy nhanh nhẹn đi thật mau. Hắn nhìn theo bắp chân cục mịch, lưới cá đen, lẫn hẳn vào dòng người lũ lượt trên đại lộ dẫn về phía sông.

*

Hắn đứng lại, nhìn quanh quất, tần ngần, rồi chặc lưỡi, quay trở về phía công viên, hướng Nam. Hắn vẫn chưa thấy rõ mặt người “khách” của “ông 30”. Hắn chỉ thấy bàn tay phốp pháp, trắng hếu, những ngón tay có lông đen, đeo nhẫn sáng chóe. Từ hôm đó, cứ chiều thứ sáu, hắn vắng mặt ở phòng hắn, rồi chần chờ đâu đó đến tối mịt, có khi đến khuya, mới về.

(2003)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021