thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngẫu ký (XXVIII-XXX)

 

XXVIII

Tất nhiên tôi biết bước vào không gian này là để đi vệ sinh, nhưng tôi cũng có thể đứng coi một người đẹp trong cái khung. Thường là tôi thăm lại “đứa nhỏ” của tôi. Cách thăm của một người gặp lại một người, lúc chạm vào da thịt thân quen, tôi không thể không bật lên cảm xúc. “Ê, có trục trặc gì không?” Và lúc ấy màu vàng lọt qua cửa quần cháy bừng lên, nướng chín bốn bức tường trước khi bắn ra những tia sáng nóng hổi. “Đứa nhỏ” của tôi nối một cầu vòng tới vầng trăng. Lúc nó tạo ra một đường cong bằng thứ nước vàng chanh thật đẹp, tôi không thể không tự hào. “Đừng có bay đi mất nghen!”

Tôi khoe với nàng tấm ảnh ở phòng vệ sinh, nàng nói. “Giống một đám cháy.” Tôi gật đầu, nhưng “đứa nhỏ “trong cái quần đã đóng kín không nói gì.

Một ngày Sài Gòn có không khí cảm lạnh, ở sâu trong nơi chốn chỉ hiện hữu bóng tối và nhịp đập của khát khao tình dục, “đứa nhỏ” thấy rõ hơn tôi, biết rõ hơn tôi sức nóng của vẻ đẹp đám cháy bản năng.

 

 

XXIX

Vào một chiều hôm sóng to, gió lớn ở cửa sông Soài Rạp, tôi đã gặp ngọn đèn bão. Lúc đó tôi và một người bạn đang chia sẻ số phận trên chiếc ba-lá cũ nát. Rõ ràng là chiếc ghe này không muốn sống nữa. Cái máy đuôi tôm của nó khịt giọng mũi, ho lên vài tiếng rồi chìm vào im lặng.

Người bạn tôi kéo cái mền rách trùm kín đầu. Chỉ có ngọn đèn bão treo trong mui ghe là không chịu để cho sự im lặng bịt mắt. Tôi gào lên với bạn tôi: “Mày phải làm gì đi chớ. Sao lại ngủ lúc này! ” Hắn tuyệt nhiên không trả lời. Tôi đành ngồi ôm gối, không dám ngóng tìm đường chân trời nữa, chỉ chăm bẳm nhìn vào ngọn đèn bão. Và tôi nhớ ngọn lửa mỏng manh, vàng vọt ấy đã nói với tôi: “Khi nào ta tắt ngươi sẽ sống! ”

Biết bao nhiêu loài có cánh sống quanh ngọn đèn bão đã chết! Có bao nhiêu loài côn trùng sẽ sống quanh tôi, sẽ mang những mảnh thân xác tôi đi chơi, làm tình, sinh sản và rồi giết nhau... Đó là chuyện tôi tò mò kinh khủng !

Và trong cái rạp hát ở trong đầu mình, bộ phim cuối cùng mà tôi muốn được coi là bộ phim do tôi làm đạo diễn và đóng vai chính. Bộ phim ngắn, không bao giờ có đoạn kết, phim dở ẹt nhưng cũng vui vui ấy có tựa đề là: Ở Nhà Ga Côn Trùng.

 

 

XXX

Trong quán cà phê, tôi ngồi với ánh sáng. Những chậu cây cảnh nhỏ với những chiếc lá héo muốn khóc, các bức tranh chép rẻ tiền vui mắt, vài cái gạt tàn thuốc lá trầm tư không duyên cớ. Với tôi, những vật dụng bất động trong quán này đều là những người hầu bàn dễ thương. Và người hầu bàn duy nhất mà tôi không muốn nói chuyện là mấy cái loa đang hát tình khúc Trịnh Công Sơn.

Ban mai như một cánh tay đàn bà đặt trên ngực tôi, không như cách an ủi, mà đơn giản muốn đi xuyên qua tôi, xuyên qua vô số những câu chuyện của tôi. Bằng mặt phẳng hẹp và mờ dần, ban mai chứa đựng sự ồn ào bên trong tôi.

Ánh sáng hỏi:

— Có khi nào đó anh hát theo nhạc không?

— Tất nhiên, có thời kỳ tôi hát nghêu ngao suốt ngày để khỏi triền miên nói chuyện với chính mình.

— Anh có một người bạn tốt ở bên trong anh, lúc nào cũng sẵn sàng nghe và trò chuyện với anh. Tại sao lại chạy trốn, lại muốn chối bỏ?

— Giá mà tôi thoát được khỏi hắn. Cái thằng này khùng lắm, ăn bằng chuyện, ngủ bằng chuyện, thậm chí vệ sinh và làm tình cũng với chuyện.

— Anh vẫn còn dành quá ít thời gian để ngồi nói chuyện với chính mình nên người bạn bên trong anh chưa đủ lớn. Con nít nào cũng ưa nói, ưa hỏi. Một lúc nào đó, người bạn ấy sẽ không thèm ngó ngàng tới anh. Anh phải chịu đựng đến khổ sở sự im lặng của chính anh.

— Ê , đừng có nói triết lý chớ. Thằng đó mà biết im lặng tôi chết liền.

Rồi ánh sáng cũng bước ra khỏi cửa đi vào hoàng hôn, chỉ những câu chuyện của tôi là dây dưa đến tận giấc mơ. Cái thằng bạn chạy theo tôi trong giấc mơ, miệng nó ngậm một điếu thuốc lá, mắt nheo nheo ra vẻ suy tư, cái thằng bạn hư đốn này lúc nào cũng chạy theo để hỏi mỗi một câu: "Nói chuyện hoài với mình có phải là người yếu đuối không?"

Sự yếu đuối tệ hại nhất là luôn mong, luôn cho rằng mình mạnh mẽ.

 

12-2007 & 01-2008

 

---------
Mời bạn đọc ghé thăm trang blog của nhà thơ Trần Tiến Dũng:

 

-----------

Đã đăng:

Ngẫu ký (I-III)  (truyện / tuỳ bút) - Trần Tiến Dũng
Tôi bắt gặp một hình thù bất thường hù doạ đè bẹp cái đẹp. Tôi không biết hình thù đó là cái gì và nó cũng quá đẹp. Tôi biết chắc rồi sẽ có cái đè chết tôi, nhưng tôi không biết chắc là thứ quái quỷ ấy có đẹp không! Chuyện đó cũng đủ làm cho tôi phải cầu nguyện mỗi ngày... (...)
 
Ngẫu ký (IV-VI)  (truyện / tuỳ bút) - Trần Tiến Dũng
... Tôi thấy sợ hãi khi đang ngồi trong ngôi nhà của mình. Sợ không biết đường về trong chính ngôi nhà của mình, đó là nỗi sợ kinh khủng nhất... (...)
 
Ngẫu ký (VII-IX)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
Gương mặt tôi lau hôm trước đã trở lại. Thời gian và nước rửa mặt đã đưa gương mặt cũ của tôi tới một nơi có ánh sáng trộn với gió thành một thứ bột mịn... (...)
 
Ngẫu ký (X-XII)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
Rác! có lẽ là tất cả cái mà tôi sẽ để lại. Tôi tin rằng rác đã cho tôi nhận thức về sự chuyển dịch thời gian sống của tôi. Mỗi thứ rác cụ thể mà tôi xả ra hàng ngày gởi đến cho tôi một thông điệp: Khi mọi chuyện kết thúc, không phải là mất tất cả... (...)
 
Ngẫu ký (XIII-XV)  (truyện / tuỳ bút) - Trần Tiến Dũng
... Chùa, nhà thờ, đình sắc phong, lăng xác ướp, trường học, trại, nhà, chuồng... là nhà tù nhốt trắng. Tôi gọi xứ sở tôi là trắng. Tôi gọi thế giới này là trắng. Tôi gọi tự do là trắng! ... (...)
 
Ngẫu ký (XVI-XVIII)  (truyện / tuỳ bút) - Trần Tiến Dũng
Lúc gió gào khắp mọi nơi để đón những cụm mây hơi nước, qua trung gian một tấm vách, tôi nghe cái chuông giấy hát. Vậy rồi những chuyện trong quá khứ không có đoạn kết của tôi cao hứng hát theo. Tiếng hát của cái chuông giấy lúc bấy giờ rộng lòng như một chiếc thuyền... (...)
 
Ngẫu ký (XIX-XXI)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
Những hôm mưa lớn, bàn tay nước thò ra khỏi cái máng xối, gội đầu cho tôi. Lúc mưa sắp tạnh, cũng bàn tay nước ấy kỳ cọ nhè nhẹ trên lưng tôi. Tôi có cả một ký ức tuổi thơ tắm mưa để tin rằng chưa có bàn tay phụ nữ nào lại nghiêm khắc và dịu dàng với tôi bằng bàn tay mưa... (...)
 
Ngẫu ký (XXII-XXIV)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
... Có một con bướm, gió không quăng con bướm tới treo xác của nó trong cái nhìn tôi, mà chỉ là sự dại dột của một con bướm uỷ mỵ trước cám dỗ của sắc màu đóng giả mùa trái chín. Bây giờ hình vóc và ý thức của tôi không phải là một quả chín nguyên sơ mà một con kiến, con sâu có thể cắn được... (...)
 
Ngẫu ký (XXII-XXIV)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
... Có một con bướm, gió không quăng con bướm tới treo xác của nó trong cái nhìn tôi, mà chỉ là sự dại dột của một con bướm uỷ mỵ trước cám dỗ của sắc màu đóng giả mùa trái chín. Bây giờ hình vóc và ý thức của tôi không phải là một quả chín nguyên sơ mà một con kiến, con sâu có thể cắn được... (...)
 
Ngẫu ký (XXV-XXVII)  (truyện / tuỳ bút)  - Trần Tiến Dũng
Trong ánh sáng, một cái lọ sứ cũ nói với tôi: “Có lúc tôi gọi ký ức con người là phường kẻ cắp. Nơi đó như một cái kho khổng lồ chứa quá nhiều cái đẹp. Không chỉ là gương mặt người bị nhốt, trong bóng tối ký ức có núi, biển, nhiều làng quê, đô thị, một chiếc lá, khoảng bụi mờ, và tôi nữa... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021