thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngày bụi

 

Tặng Nguyễn Quốc Chánh

 

Ai chờ đợi một đóa quỳ nở với mùa xuân? Vậy mà một ngày... anh mở cửa sổ, bầu trời trống rỗng. Anh mở cửa sổ lần nữa, vì anh đã đóng cửa sổ trở lại, sau khi mở lần đầu vào lúc 7 giờ, anh muốn tìm, hoặc mình đã lầm lẫn chăng, xem còn chút hứa hẹn nào. Anh tự hỏi, có phải vì mình thức giấc quá trễ?

Dù sao khuôn cửa sổ đối diện, cách một khoảng rộng, chỗ này cuối ngõ, im vắng, hai cánh vẫn khép kín, có thể đã được đóng chết vào thanh gỗ dày bên trong. Anh mặc nhiên so sánh cái im vắng lưu niên của con ngõ với cái bặt thinh của cửa sổ đối diện, thở dài, nhìn nhận điều quá chắc chắn, có thể sờ nắm.

Anh tự xác nhận, chẳng có gì giúp anh tin tưởng sẽ gặp lại, mở ra điều bí mật. Nhưng tại sao? Một ngày x đã qua rồi, vậy mà nhiều ngày, mỗi buổi sáng mở cửa sổ tim anh se thắt: Khóm dã quỳ, vào ngày ấy đã chết cách nào anh không biết được, loài hoa dại mọc ở rừng, ở ven đường, ở lề những phố, có lúc anh đã tiểu tiện trên thân cành lá, vào lúc nào đấy bỗng nối kết với anh, như cửa sổ đối diện vẫn mở ra mỗi buổi sáng bỗng nối kết với anh.

Ở bức tường phía sau của căn nhà anh cư ngụ có cửa sổ anh không hề mở, thật ra có lúc anh còn muốn bít liền tường. Người phụ nữ Nga đã bỏ đi, chồng là tay ăn chơi mười mấy năm ở Paris, cô quạnh giữa thổ mộ họ Trương. Nghe đâu, anh ta là cháu ông Trương Văn Bền đã quá cố. Nghe đâu hãng xà bông cô Ba do Trương Văn Bền và các con điều hành sản xuất, một ngày ngỡ không xa đây, thực sự đã bặt bóng như một thuở xưa.

Anh đóng cửa sổ trở lại, ơ hờ đóng nó, còn yên tâm nữa là đằng khác. Công việc hằng ngày bây giờ là liều thuốc chặn cơn buồn chán, anh đi thẳng một mạch tới nơi làm việc, một căn hộ ở lầu 2 của chúng cư.

Người phụ nữ trên năm mươi tuổi, bà Nhã, người bạn giới thiệu khi anh cần một việc làm, là một trí thức sống nhiều năm ở Ville d’Avray, về Sài Gòn chưa đầy năm. Anh ngỡ bà Nhã về Đà Lạt mới phù hợp, nhưng ở thành phố cao nguyên sương mù lại chẳng thuận tiện cho công việc của bà chăng, công việc thuộc lĩnh vực văn học. Ville d’Avray có hoa dã quỳ, anh nghĩ chắc vậy, Ville d’Avray giống Đà Lạt như hai anh em sinh đôi, có nhà thờ con gà, có hồ sương mù, có rừng thông, nơi họa sĩ Corot sống và vẽ. Anh biết Ville d’Avray như vậy, qua một cuốn phim anh đã xem. Les dimanches de Ville d’Avray.

 

 

Anh làm việc, bất cứ công việc gì để tồn tại, bên ngoài ý niệm về niềm vui, như người bạn nói, vì thế anh không quan tâm gì khác ngoài mối liên hệ công việc, sửa những lỗi sai về từ ngữ, ngữ pháp trong các bản thảo văn học. Nhà ngữ nguyên học, người bạn gọi anh như vậy, vẫn thường nghĩ ngợi mông lung trong khi chờ đợi thời khắc tâm lý để nhập vào công việc.

Bà Nhã dành cho anh cái bàn làm việc ở chỗ không có cửa sổ, bức tường trước mặt anh thường hiện lên bộ mặt tái mét, nhà ngữ nguyên học của Melville, ông Usher, với một tấm lòng, thân hình và bộ não tiều tụy, phủi bụi cho những quyển từ vựng, văn phạm bằng chiếc khăn tay kỳ dị, nhắc nhở ông một cách êm dịu đến bản chất tử vong.

Xong công việc mỗi buổi, anh đi ngang bàn của bà Nhã, đặt chồng bản thảo và gật đầu chào bà. Nhìn anh, mắt ngước ở khoảng trên đôi tròng kính trễ xuống sống mũi, bà Nhã mỉm cười nhã nhặn lịch sự xa cách.

Một lần, buổi sáng hôm qua, lúc anh xong công việc, bà Nhã đột ngột rời bàn làm việc, mỉm cười, anh thấy một vẻ thân thiện, mời anh uống trà ở bàn tiếp khách gần đấy. “Tình cảm của tôi với người Pháp?” bà Nhã hơi nhíu mày, “Thật tốt về một vài phương diện... Nhưng nói chung, họ giống ly cà phê bỏ quá nhiều đường.” Bà Nhã im lặng một lúc sau nhận xét này, đột ngột hỏi anh: “Anh có đọc tác phẩm Con Lộ, của...?” “Tôi có quá ít thì giờ... Tôi bận tâm tới thực vật học nhiều hơn văn học.” Một nỗi se thắt lòng, và anh nói tiếp: “Mà cũng bất khả... Tôi không biết được vì sao khóm dã quỳ tôi mang từ Đà Lạt về trồng, đang tươi tốt bỗng nhiên héo rũ.” Anh chợt nhớ, đã lâu lắm anh từng đọc tác phẩm Con Lộ mà bà Nhã nhắc tới, anh nói với bà Nhã: “Cuốn sách quá ngọt ngào, như ly cà phê bỏ quá nhiều đường mà bà nhận xét về người Pháp.” “Không phải như vậy đâu!” bà Nhã nói vội, âm giọng cao hơn âm giọng của bà mà anh thường nghe, “Tôi chưa đọc tác phẩm đó, nhưng anh nói sai rồi. Hoàn toàn không phải như vậy!” Câu nói của bà khiến anh hết sức ngạc nhiên. Anh sững sờ, đứng dậy, như người mộng du sực tỉnh, biết rằng tới lúc mình phải ra về.

Anh lại tiếp tục đi tới căn hộ trên lầu 2 của chúng cư để làm việc, để tồn tại bên ngoài ý niệm về niềm vui, khuôn mặt bà Nhã hiện ra với vẻ lãnh đạm nhiều hơn thường thấy, và dù sao chính vì vậy mà anh yên tâm. Đi ngang bàn làm việc của bà Nhã, như chiếc bóng anh lướt qua đó, chiếc bóng nhập vào chỗ ngồi, chồng bản thảo đặt sẵn trên mặt bàn, và anh, lúc đó là anh, suy tưởng gì đấy hay không suy tưởng gì hết, đợi cái temps psychologique để nhập vào công việc của nhà ngữ nguyên học.

Bà Nhã ngước mắt nhìn anh, cái nhìn ở phía trên đôi tròng kính trễ xuống sống mũi, bà mời anh ngồi ở bàn tiếp khách. Bà Nhã lại muốn trao đổi gì đây, anh nghĩ, tiếp tục câu chuyện văn học? “Anh đã khinh bạc văn học,” bà nói ngay vào câu chuyện, “trong lúc công việc của anh có liên quan mật thiết với văn học.” Thoạt nghe, anh muốn sửa cụm từ có-liên-quan-mật-thiết, anh cho rằng, nên nói là có-gắn-bó-hữu-cơ, và vì vậy, nó vẫn có thể tách rời để tồn tại như những từ ngữ độc lập. “Tôi nghĩ... anh nên trở về với thế giới thực vật của anh... có thể vì vậy, khóm... khóm dã quỳ của anh sẽ không chết nữa!” Anh nghe bà Nhã nói tiếp, bàng hoàng, không thể ngờ bà cay độc như vậy.

“Không, tôi chỉ liên quan mật thiết với những chữ, những cuốn văn phạm phủ đầy bụi mà thôi.” Anh chỉ trách thầm bà Nhã như vậy. Hắn phải trầm luân để đồng loại ý thức về giấc mơ mà hắn lưu giữ, anh nghĩ về điều ấy trong lúc bước xuống những bậc cấp của chúng cư.

Vậy là ngày hôm nay anh tới quán nước ở bên cạnh đường ray xe lửa sớm hơn mọi ngày. Ở đây, sau nhiều ngày tháng, anh chẳng quen biết người nào giữa đám đông như hội hè. Anh cũng không quan tâm gì, chỉ tự hỏi: Có phải mình luôn luôn đến quá trễ hoặc quá sớm lúc chuyến tàu lửa chạy ngang?

Anh nhận ra người đàn ông, hình như anh đã gặp ông ta nhiều lần ở một nơi nào khác. Ông ta không có gì đặc biệt hơn vẻ quen thuộc và một nơi chốn mù mờ trong trí nhớ anh. Ông ta đang nói chuyện về một người phụ nữ nào đấy, anh nghe: “Nàng bỏ đi hẳn rồi.” Tiếng một người khác: “Có thể cô ấy bị tai nạn ở đâu.” “Không phải như vậy. Nàng đã mang theo tất cả... áo quần giày dép tư trang... những cuốn tiểu thuyết... những băng dĩa nhạc... Tất cả! Tất cả!” Đột nhiên nhiều đầu người xúm lại chỗ ông ta, xem cái áo mà ông ta đưa lên cao, “Các anh nhìn coi, tôi đã chờ, đã chờ bao đêm, miệng ngậm cái nút chiếc áo của nàng bỏ lại tới mòn vẹt.”

Anh đã uống cạn bình trà ở quán nước, và không còn việc gì khác trong lúc buổi trưa còn xa, anh về nhà, không mở cửa sổ, ngồi ngây một lúc như đang chịu tác dụng của liều thuốc mạnh. Giống người say thuốc, anh buồn ngủ, mí mắt trĩu nặng đổ sụp.

“Suốt những ngày này em tìm anh khắp nơi, ở căn nhà trên lầu 2 chung cư, ở quán nước cạnh đường rầy, ở quán cháo trắng hột vịt muối hẻm x... hoặc em đến quá trễ, hoặc em đến quá sớm.” “Vậy là... chị biết tôi?” “Sao không biết anh cho được... cửa sổ nhà anh mở sang cửa sổ nhà em... Em đã tìm, theo anh tới những nơi chốn của anh... mà có gì nhiều, chỉ có vài chỗ ấy.” “Ôi, như vậy sao?... Nhưng từ nhiều ngày rồi, cửa sổ bên nhà chị đóng kín.” “Em vẫn trở về căn nhà trọ đấy thôi. Nhưng cần gì mở cửa sổ ấy nữa, em đã quen thuộc với anh!” “Thế chị làm gì trong cửa sổ đóng kín?” “Em thây kệ mọi chuyện... nhưng nếu anh thích, lát nữa đây em sẽ mở cửa sổ... À, anh hỏi em làm gì trong cửa sổ đóng kín hả? Em nghe mãi không chán những album nhạc do Đàm Vĩnh Hưng hát. Tiếng hát của Đàm thiệt bốc lửa!” Khi nghe nói vậy, anh đã không ngăn được cơn buồn nôn thốc tháo ngay dưới chân chiếc giường sắt hoen gỉ.

Anh mở cửa sổ lúc trời chiều màu xám tro, thấy chen trong khóm dã quỳ những mầm chồi lá xanh non. Một thoáng nghĩ ngợi hoặc nhiều hơn, anh cũng không biết những mầm chồi ấy có thật hay trong mơ. Cửa sổ đối diện vẫn đóng kín.

 

 

-----------
Tấm bích chương của phim Les dimanches de Ville d’Avray do HN-T sưu tập, riêng tặng Nguyễn Đạt.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021