thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Món Nho-ki Mùa Thu, hay Trả Lời Năm Ba Câu Hỏi Liên Hệ đến Chính Tôi

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên,
dành tặng Nguyễn Thu Hồng,
người đã “biểu diễn” một món nho-ki mùa đông ở Diêm Hồ Trấn
sau khi đọc Món nho-ki mùa thu... của Georges Perec.

 

 

GEORGES PEREC

(1936-1982)

 

 

MÓN NHO-KI MÙA THU

hay TRẢ LỜI NĂM BA CÂU HỎI LIÊN HỆ ĐẾN CHÍNH TÔI [*]

 

Phía bên kia đường, ba con bồ câu đứng bất động, trên rìa mái nhà. Trên cao, phía bên phải, một ống khói bốc khói; những con chim sẻ sợ lạnh đậu trên đầu những ống dẫn nước. Có tiếng động dưới đường.

Thứ Hai. Chín giờ sáng. Cách đây hai tiếng đồng hồ tôi viết bài văn mà tôi đã hứa từ lâu.

Câu hỏi thứ nhất hẳn phải là câu hỏi này: tại sao đã phải đợi đến phút chót? Câu hỏi thứ hai: tại sao đặt tên bài như thế, tại sao mở đầu như thế? Câu hỏi thứ ba: tại sao bắt đầu bằng cách đặt những câu hỏi ấy?

Có gì mà khó khăn dữ vậy? Tại sao bắt đầu bằng một lối chơi chữ khá bí hiểm chỉ đủ làm cho một số ít bạn bè ta cười mỉm? Tại sao tiếp tục với một lối mô tả lưng chừng khá sai lạc để giúp người ta hiểu rõ là nếu tôi thức dậy sớm, ấy chỉ vì là tôi đã trễ lắm rồi, và tôi thì lúng túng khi phải trễ như thế, trong khi hiển nhiên là tôi chỉ trễ đích xác là vì chính cái chủ đề của mấy trang viết sau đây làm tôi cảm thấy lúng túng. Tôi thấy lúng túng. Câu hỏi đúng có phải là: tại sao tôi cảm thấy lúng túng? Tại sao tôi thấy lúng túng khi bị lúng túng? Tôi sẽ phải biện minh về việc mình cảm thấy lúng túng? Hay vì phải biện minh mà tôi cảm thấy lúng túng?

Việc này có thể kéo dài. Đặc điểm con người văn chương chính là cứ mãi nghị luận về con người của mình, cứ lún sâu vào cái bãi nhão nhẹt những mâu thuẫn của mình: sáng suốt và tuyệt vọng, cô đơn và đoàn kết, nói năng sắc sảo về ý thức hư nguỵ của mình, vân vân. Việc này kéo dài đã nhiều năm nay và nó cũng bắt đầu trôi chảy. Xét cho cùng, tôi chưa bao giờ cho nó là việc thích thú lắm. Thẩm cứu vụ án các nhà trí thức không phải là công việc của tôi, tôi sẽ không rơi vào ba cái vụ lâm ly nghệ thuật vị nghệ thuật hay chuyện dấn thân...[1]

Vấn đề của tôi đúng ra là làm sao đạt đến, tôi không nói là đạt đến chân lý (tại sao tôi phải là người biết rõ nó hơn ai cả và, bởi thế nên, tôi lấy quyền gì mà lên tiếng?), tôi cũng không nói là sự hợp thức (điều này, lại chính là một vấn đề giữa chữ nghĩa và tôi), mà đúng ra là sự thành thật. Vấn đề ở đây không phải là chuyện đạo đức, mà là chuyện thực hành. Đây hẳn nhiên không phải là câu hỏi duy nhất tôi đặt ra cho mình, mà, theo như tôi thấy, là câu hỏi duy nhất đối với tôi, một cách hầu như thường trực, được xác nhận là có tính mấu chốt. Thế nhưng trả lời cách nào (cách thành thật) một khi sự thành thật chính là cái tôi đặt thành câu hỏi? Làm cách nào đây, xin nói lại lần nữa, để thoát khỏi những trò chơi soi gương trong đó một “chân dung tự hoạ” sẽ chỉ là cái bóng phản chiếu không biết lần thứ mấy của một ý thức đã được tỉa gọt đâu đó, một kiến thức đã được đánh bóng tuyệt hảo, một lối viết đã được chế ngự kỹ càng? Chân dung người nghệ sĩ qua hình ảnh con khỉ bác học: Tôi có thể nói “một cách thành thật” rằng tôi là một anh hề? Tôi có thể đạt đến sự thành thật bất chấp một lô đồ nghề tu từ trong đó cái chuỗi dài những dấu chấm hỏi cắm mốc đầy những đoạn văn viết ra trên đây chính là một hình ảnh (kiểu nghi dụ) từ lâu đã được xêp loại? Tôi có thể thật sự hi vọng thoát mình ra ngoài với năm ba câu văn ít nhiều được khéo léo chấn chỉnh cho cân đối?

“Cũng như kết quả, phương tiện là một phần của sự thật...” Từ lâu lắm tôi đã kéo câu nói này theo sau mình. Nhưng càng ngày tôi càng khó tin là tôi có thể thoát ra được bằng những trò phương châm, trích dẫn, khẩu hiệu hay châm ngôn: tôi đã ngốn nguyên một khối hàng dự trữ: “Larvatus prodeo”,[2] “Tôi viết để nhìn lại toàn bộ chính mình”, “Mở cửa và nhìn mọi người”,[3] vân vân, vân vân. Một số thỉnh thoảng vẫn còn làm tôi thấy thích thú, vẫn còn làm tôi cảm động, lúc nào chúng cũng có vẻ như đầy những lời dạy, nhưng ta thì muốn cái gì sử dụng cái ấy, người ta thả chúng ra, người ta lấy chúng lại, chúng hoàn toàn dễ bảo đúng y đòi hỏi của ta.

Tuy nhiên không vì thế mà... Câu hỏi đúng đắn là gì, câu hỏi sẽ cho phép tôi có thể thực sự trả lời, có thể thực sự trả lời với mình là gì? Tôi là ai? Tôi là cái gì? Tôi đi đến đâu rồi?

Tôi có thể đo được chăng một đoạn đường nào đó tôi đã đi qua? Tôi đã có hoàn thành một số những mục đích tôi từng đặt ra cho mình, nếu như thật sự đã có ngày nào đó tôi từng đặt ra cho mình những mục đích? Ngày nay tôi có thể nói tôi đúng là con người ngày xưa tôi từng muốn trở thành? Tôi không tự hỏi mình xem cái thế giới trong đó tôi đang sống có đáp ứng những khát vọng của tôi không, bởi lẽ một khi tôi trả lời là không, tôi sẽ không có cảm tưởng mình đã tiến lên thêm được bước nào. Thế nhưng cuộc sống của tôi ở đây hiện nay có tương ứng với những gì tôi từng muốn, với những gì tôi từng mong đợi không?

Khởi đầu, mọi thứ có vẻ đơn giản: tôi muốn viết, và tôi đã viết. Cứ mải miết viết, tôi trở thành nhà văn, trước tiên, lâu ngày là chỉ cho mình tôi thôi, rồi ngày hôm nay là cho cả những người khác. Trên nguyên tắc, tôi không cần phải tự biện minh (cả trước mắt tôi, cũng như trước mắt những người khác): tôi là nhà văn, đó là một sự kiện đã được nhìn nhận, một sự hiển nhiên, một định nghĩa; tôi có thể viết hay không viết; tôi có thể cứ để nhiều tuần lễ hay nhiều tháng không viết gì cả, hoặc viết “hay” hoặc viết “dở”, điều đó chẳng thay đổi gì, điều đó cũng không từ sinh hoạt nhà văn của tôi mà tạo ra một sinh hoạt song song hay bổ sung; tôi không làm gì khác hơn là viết (nếu không nói là tìm cách có thì giờ để viết), tôi không biết làm cái gì khác, tôi chưa bao giờ muốn học cho biết bất cứ gì khác... Tôi viết để sống và tôi sống để viết, và tôi đã gần như tưởng tượng là chuyện viết lách và cuộc sống hoàn toàn có thể hoà nhập vào nhau: hẳn là tôi nên sống bên cạnh những cuốn từ điển, rút mình ẩn sâu trong một xó tỉnh lẻ, buổi sáng tôi sẽ đi bách bộ trong rừng, buổi chiều tôi sẽ bôi đen năm ba trang giấy, buổi tối có lẽ thỉnh thoảng tôi sẽ thư giãn bằng cách nghe một chút nhạc.

Tất nhiên chẳng cần phải nói là khi người ta bắt đầu có những ý nghĩ tương tự (cho dù đó chỉ là những nét chấm phá), thì việc tự đặt ra vài ba câu hỏi trở thành chuyện khẩn trương...

Nói chung, tôi biết tôi đã trở thành nhà văn như thế nào. Tôi không biết đích xác tại sao. Thực sự có phải là, để tồn tại, tôi cần phải sắp thành hàng những chữ và những câu? Để được hiện hữu, có phải tôi chỉ cần là tác giả của vài cuốn sách là đủ?

Để hiện hữu, tôi chờ đợi những người khác chỉ định tôi, nhận diện tôi, nhận ra tôi. Nhưng tại sao lại phải qua cái viết? Từ lâu tôi đã muốn làm hoạ sĩ, tôi cho là vẫn vì những lý do đó, nhưng tôi lại trở thành nhà văn. Tại sao đích xác phải là cái viết?

Vậy thì phải chăng tôi có một điều gì rất đặc biệt cần nói ra? Thế nhưng tôi đã nói gì? Phải nói cái gì đây? Nói rằng ta hiện hữu? Nói rằng ta là nhà văn? Cần truyền đạt cái gì? Cần truyền đạt là ta cần truyền đạt? Rằng ta đang làm việc truyền đạt? Cái viết bảo là nó đang có đó, và không gì khác hơn, và thế là chúng ta lại trở về trong cái cung điện những gương soi nơi mà chữ hắt lên nhau, chiếu lên nhau đến vô tận mà không bao giờ gặp được cái gì khác hơn cái bóng của mình.

Tôi không biết khi bắt đầu viết, cách đây mười lăm năm, tôi chờ đợi cái gì ở chuyện viết lách này. Nhưng tôi thấy dường như tôi bắt đầu hiểu ra, cùng lúc, sự quyến rũ mà chuyện viết lách từng tác động — và còn tiếp tục tác động — lên con người tôi, và vết nứt mà sự quyến rũ ấy vừa để lộ vừa che giấu.

Công việc viết che chở cho tôi. Tôi tiến tới dưới thành luỹ của những chữ, những câu, những tiết đoạn kết hợp một cách khéo léo của tôi, những chương sách được lập chương một cách tinh xảo của tôi. Tôi không thiếu những ngón nghề.

Thế giờ đây tôi có còn cần được che chở không? Và giả như lá chắn có ngày biến thành một cái vòng xích cổ?

Một ngày nào đó, chắc chắn tôi sẽ phải bắt đầu dùng những chữ của mình để lột trần cái có thật, để lột trần cái có thật của tôi.

Chắc chắn, ngày hôm nay, tôi có thể nói dự án của tôi nó là như thế đó. Nhưng tôi biết nó sẽ chỉ có thể trọn vẹn đến nơi đến chốn ngày nào chúng ta tống khứ anh chàng Nhà Thơ ra khỏi thành phố, một lần cho tất cả: cái ngày chúng ta có thể cầm một cái cuốc hay một cái xẻng, một cái búa tạ hay một cái bay, không cười, và một lần nữa, không có cảm tưởng đây là một trò cười, một trò giả mạo, hay một hành vi khuấy động, không thấm vào đâu một vài bước tiến bộ chúng ta sẽ hoàn tất (bởi lẽ chắc chắn đây không còn là cái mực thước sự vật sẽ được đem đo lường), mà chính là thế giới của chúng ta rốt cuộc đã bắt đầu tự giải phóng.

 

 

--------------
Dịch từ nguyên tác “Les gnocchis de l’automne ou réponse à quelques questions me concernant” trong Georges Perec, Je suis né (Paris: Éditions du Seuil, coll. “La Librairie du XXè siècle”, 1990).

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Cụm từ trong cái tựa bài [Les gnocchis de l’automne] là một lối chơi chữ rất đặc biệt Perec, dựa trên câu châm ngôn Hi lạp nổi tiếng gnoti se auton mà ngày xưa ít ai trong chúng ta không phải “đụng” tới, từ các lớp trung học đến các lớp đại học — với những bài nghị luận quanh đề tài Connais-toi toi-même hay “Hãy tự biết mình.” Les gnocchis de l’automne ou réponse à quelques questions me concernant từng được xuất bản với một hàng chữ trên tít do ban biên tập tạp chí Cause commune (số 1, tháng Năm 1972) đặt là “Autoportrait”, sau đó in lại trên báo Le Scarabée international (số 2, 1982).

[1]Engagement: ý nói sự dấn thân tinh thần, chính trị và triết lý mà các triết gia hiện sinh chủ nghĩa ở Pháp, như Jean-Paul Sartre chẳng hạn, cổ vũ cuối những năm 40 và những năm 50 như là nguồn ý nghĩa đích thực trong cuộc sống con người.

[2] Larvatus Prodeo có nghĩa “mang mặt nạ bước tới”: Châm ngôn nổi tiếng này của Descartes liên hệ đến thần học và kích thước tôn giáo của tác phẩm ông. [Ở đây ta có thể nhận ra cái mô típ vì đó mà ông từ bỏ lý thuyết Copernicus về vũ trụ, sau khi Galileo bị Giáo Hội công giáo kết tội năm 1633: “Như một diễn viên mang mặt nạ, tôi cứ đeo mặt nạ như thế bước lên sân khấu thế giới... “]. Cụm từ này thường chỉ những thận trọng của Descartes để những hệ thống triết học mới của mình không “xúc phạm” chính quyền.

[3]Trong một trò chơi bằng bàn tay ở Anh quốc, bắt đầu người ta nói: “Đây là nhà thờ” [bàn tay đưa lên, các ngón tay cài vào nhau như hình gian giữa giáo đường], tiếp tục nói: “Đây là gác chuông” [hai ngón trỏ chỉ lên trời] và kết thúc: ”Mở cửa ra, v.v.” [các ngón tay mở ra, hai bàn tay để ngửa, ngón tay đưa lên và lắc lư].


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021