thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Các ngài cảnh sát

 

Huệ Hương làm biên tập văn học ở một nhà xuất bản đầy uy tín nọ đã được hơn tám năm, nghĩa là Huệ Hương hẳn từng là một nữ sinh viên khoa văn đã tốt nghiệp ít nhất tám năm, của một trường đại học cũng đầy uy tín nọ, ở thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật. Lúc đọc bản thảo tập truyện ngắn của hắn thì hình như Huệ Hương là biên tập chính (hay trưởng biên tập, có thể có chức danh như vậy) của nhà xuất bản. Huệ Hương “mail” cho hắn, rằng tám năm làm công việc biên tập, cô ê (càng) ẩm (mục) lắm, mãi tới lúc này, đọc bản thảo tập truyện ngắn của hắn, cô mới lấy lại được niềm tin về văn chương (sớm mất vì văn chương của các ông các bà nhà văn đương đại). Hắn thú thật với hắn, và với bất cứ ai hắn cũng có thể thú thật như vậy, là hắn không lấy gì làm hãnh diện, không một tí chút nào hết. Bởi hắn đã biết từ khuya rồi, các ông các bà nhà văn ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa viết văn ra con cóc khô gì. Con cóc xù xì như con cóc cũng hiển nhiên phải hít thở không khí, nhà văn phải hít thở tự do. Không khí tù hãm là không khí trong lồng ngực con cóc khô (có cái không khí ấy chăng?)

Ấy tuy nhiên, hắn cảm động vì Huệ Hương quan tâm, ưa thích “mail” qua “mail” lại, với một tác giả bản thảo một tập truyện ngắn xin giấy phép xuất bản, lại là một thằng cha đã sống hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn, “vùng Mỹ Ngụy tạm chiếm”, mà trong ý nghĩ của hàng triệu người sống phía trên vĩ tuyến mười bảy, chắc chắn vẫn gọi những thằng cha như hắn là nhà văn ngụy. Huệ Hương lại có ý muốn nhờ hắn trợ lực cho cô tiếp tục viết văn trở lại, cô từng viết nhiều truyện ngắn, đã đăng trên các báo văn nghệ tại Hà Nội. “Chú bắt đầu viết một truyện ngắn như thế nào? Chú có chủ tâm trước, rằng sẽ viết như thế nào về cái định viết? Chú xem cách thể hiện nội dung là quan trọng, hay nội dung là quan trọng?...” Tất nhiên qua khá nhiều “mail”, Huệ Hương hỏi hắn, hỏi đủ thứ, và hắn đã trả lời đủ thứ cô hỏi. Ấy tuy nhiên (hình như) hắn chưa trả lời câu hỏi trên, bởi vì sao thì hắn không nhớ. Nhưng hắn cho rằng (có lẽ) hắn nhớ đúng là hắn chưa trả lời câu hỏi trên. Thì dịp này đây. Nghĩa là, hắn lại ngồi trước bàn phím máy vi tính, với chủ tâm lại viết một truyện ngắn gửi báo mạng Tiền Vệ. Mến gửi Huệ Hương... chắc là vậy, câu trả lời hắn nhớ mình còn thiếu nợ nhà nữ biên tập văn học. Hẳn đây là dịp tốt nhất để hắn thanh toán vụ thiếu nợ. Hắn tự hỏi, hắn sẽ bắt đầu viết... Hắn viết dòng chữ đầu tiên nào cho cái truyện ngắn? Hắn lập tức nhận ra hắn thật ngớ ngẩn, hắn thường trực ngớ ngẩn kiểu này: hắn chẳng đã viết ra vài chục dòng? (“Word Count” trên màn hình máy vi tính: 32 dòng.)

Có tiếng gõ cửa. Hắn rời bàn phím máy vi tính. Ông công an khu vực ngó lên cái bảng số nhà mới, sực nức mùi plastique. Hắn hỏi ông công an khu vực “bao nhiêu vậy anh?”, mặc dù hắn đã biết khoảng mười mấy ngàn đồng, giá tiền cái bảng số nhà mà người ở sát bên nhà hắn đã trả. Hắn thường vắng nhà, bây giờ ông công an khu vực mới gặp hắn. Ông công an khu vực vừa nói cái giá là bao nhiêu, vừa cười ngượng ngùng, “Tôi đi thu giùm mà thôi... bao nhiêu ấy nhỉ... ờ, sáu bảy chục nghìn một tấm bảng... bằng bờ-nát-tích mà!...” Hắn cần biết con số chính xác, từ sáu chục ngàn đồng tới bảy chục ngàn đồng, cái khoảng cách mười ngàn đồng là một tô hủ tíu điểm tâm, không có mười ngàn đồng ấy thì hắn cứ việc nhịn ăn sáng. “Sáu chục nghìn,” ông cảnh sát khu vực lấy lại giọng bình tĩnh để nói con số chính xác (của ông ta), “công an phường đi nàm giùm bà con mà thôi.”

Hắn đã quá biết cái trò dơ dáy này của quá nhiều ông “đầy tớ của nhân dân” từ miền Bắc vào Sài-Gòn-Giải-Phóng. Hắn luôn luôn chịu thua, với nỗi sợ hãi muôn đời của hắn đối với các ngài cảnh sát, mà công an nhân dân là danh hiệu của đối tượng đáng sợ nhất. Hắn tin rằng hắn quá rõ hình ảnh của hắn, phản-chiếu-trong-con-mắt-vàng, con mắt cá chìm (công an), là một anh chàng không hề bận tâm (không có nhận thức) về chuyện tiền bạc. Nên ông công an khu vực cứ nói một cái giá để có tiền tư túi. Hắn biết ông công an khu vực nghĩ chắc mẩm rằng không có chuyện anh chàng “nhà văn ngụy” này đi dọ hỏi bà con lối xóm về số tiền phải trả cho cái bảng số nhà mới. Nghĩ như vậy về hắn, hắn nghĩ, thì cũng được và cũng đúng. Hắn chỉ ghê tởm cái trò ăn dơ ăn bẩn, ăn gian nói dối của các ông công an nhân dân mà thôi.

Một lần duy nhất trong đời, thuở ấy hắn vừa đào ngũ (bây giờ nghĩ lại, hắn tự rủa sả mình đã đào ngũ như vậy) Đại Đội Hắc Báo ở Huế, về Sài Gòn. Hắn hỏi cô bạn có dượng (cha ghẻ) là một viên cảnh sát: “Ba của Thái Vân đã nuốt nhầm vào bụng mấy cái còi tu huýt rồi?” Dư âm của gã lính Đại Đội Hắc Báo hay nỗi sợ truyền kiếp, đã xui hắn hỏi cô bạn xinh đẹp khả ái câu hỏi khiếm-nhã-vô-giáo-dục ấy. Cô Thái Vân đã khá thiện cảm (kiểu trai gái) với hắn, đoạn tuyệt hắn ngay lập tức sau câu hỏi khiếm-nhã-vô-giáo-dục. Và ngay lập tức, Thái Vân nhận lời cầu hôn của một nhà chính trị tập sự ở các xa-lông, trà đình tửu quán, ái (thứ) nam của một nhà văn trưởng nhóm (tự lực) văn đoàn kiêm nhà lãnh tụ một đảng phái chính trị. Rất lâu sau đó, hắn còn tự ái, nên hắn đã làm chuyện tào lao là tán tỉnh cô em Thái Mai. Hắn mất Uyên, người yêu thứ thiệt, cô gái miền sơn cước có hoa dã quỳ, để loài hoa hoang dại này trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời lung tung beng của hắn.

Dù sao hắn cũng nể trọng các ngài cảnh sát. Họ có nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt để nhận diện các nhân vật đối tượng ngành nghề nghiệp vụ của họ, nếu họ không giỏi hơn, thì cũng giỏi ngang các nhà chuyên khảo tướng mệnh học thứ thiệt cỡ Vũ Tài Lục. Trước dòng người lũ lượt đi trên hè phố, đủ mọi loại người, hắn phục sức rất đúng đắn đàng hoàng, lại bị các ngài cảnh sát chặn hỏi giấy tờ. Trúng phóc gã lính Đại Đội Hắc Báo đào ngũ. Phạm Công Thiện, một nghệ sĩ thứ thiệt mà hắn rất quý trọng, từng từ chối giới thiệu hắn vào tu hành (trốn lính ở chốn Vạn Hạnh), qua nhận diện vóc dáng khuôn diện hắn, thì chàng nghệ sĩ thứ thiệt cũng giỏi ngang bằng các ngài cảnh sát mà thôi: “Hiệu thông cảm, mình không thể giới thiệu hắn vào chùa tu. Hắn là loại người phá hoại chính mình, còn kể gì mà không phá hoại nhà chùa.” Nguyễn Hữu Hiệu đành gọi một chiếc xe xích lô, cho hắn quá giang về nhà người anh hắn, nơi Hiệu định sẽ tới. Xe vừa chạy xuống khỏi chân cầu Trương Minh Giảng, các ngài cảnh sát chặn hỏi. Nhà sư Nguyễn Hữu Hiệu (dĩ nhiên có pháp danh là Thích Chơn Pháp) nói gì đó. Ngài cảnh sát trực tiếp xét hỏi, bảo: “Tôi không hỏi giấy tờ ông, tôi hỏi anh này!” Hắn biết, ngay lúc ngài cảnh sát gọi nhà sư là “ông”, thế là xong rồi. Hắn nói với nhà sư bạn hắn: “Thôi, thầy báo giùm với anh tôi, là tôi bị bắt giữ vào đúng chiều nay.” Chiếc xích lô chở mỗi một nhà sư lẫn trong dòng xe cộ. Nói vài câu năn nỉ dở ẹc không xong, hắn quyết định nhanh như gã lính biệt kích đối đầu với đặc công Việt cộng, mặc kệ tiếng đạn nổ trên đầu. Các ngài cảnh sát không thể nhắm bắn trúng hắn trong đám đông trở ngại, còn hắn, đám đông là cơ hội của hắn để đào thoát. Khi nhà sư bước vào nhà của người anh hắn, tiếng “ồ” ngạc nhiên của nhà sư: hắn đang ngồi thở vòng tròn khói thuốc lá, câu chuyện hắn đào thoát các ngài cảnh sát mới được kể ra rất ngắn gọn cho người anh của hắn và nhà sư nghe.

Công an nhân dân, tên gọi của cảnh sát trong chế độ cộng sản, nghĩa là công an và cảnh sát chỉ một chứ không hai. Mà cảnh sát của chế độ cộng sản ắt nhiên đáng sợ hơn một ngàn lần các loại cảnh sát trên toàn thề giới. Hắn có thể kể ra vài vóc dáng khuôn diện khẩu khí của một loại cảnh sát gọi là công an văn hoá tư tưởng, cái thứ này mới thực sự là loài khủng bố đối với loài người chân chính. Nhưng mà thôi, hắn nghĩ, không nên nhắc, nhớ loài này làm chi, hãy “forget” chúng để còn có thể tiếp tục sống vui vẻ.

Hắn từng học được từ nhiều bậc thức giả, và từ một ngài cảnh sát, rằng chớ nên nghiêm trọng về bất cứ vấn đề vụ việc gì trong xã hội loài người. Hắn đi chiếc xe At-ti-la-tay-ga, hắn mượn của người bạn trong chốc lát, nghĩa là chẳng có kèm theo giấy tờ xe gì cả. Hắn không chủ ý, mà là vô tình vượt đèn đỏ. Lỡ rồi, hắn nhấn thêm tay ga lúc nghe tiếng còi tu huýt. Hẳn đã thoát, hắn hoàn hồn ngoái lại nhìn: ngài cảnh sát đi trên chiếc xe gắn máy loại sang số, đuổi theo sát phía sau, phất tay cho hắn dừng xe. Hắn lắp bắp phân bua xin ngài cảnh sát thông cảm: “Tôi có việc vội quá... đứa em sinh đôi với tôi đang hấp hối...” Câu nói năn nỉ hắn đã định sẵn khi gặp những trường hợp như trường hợp này: hắn cho đứa em sinh đôi tưởng tượng đang hấp hối, nếu vào giờ thiêng thì cũng hấp hối ai đâu. Hoá ra, ngài cảnh sát chả cảnh cáo, dạy bảo, hay đòi phạt gì hết. Ngài cảnh sát nói: “Xe A-ti-là này bao nhiêu phân khối đấy nhỉ? Giá bao nhiêu? Mua ở tiệm bán xe nào thì bảo đảm nhỉ?...”

Có một cái “mail” của Huệ Hương: “Tác phẩm nào cũng phải mang tính giáo dục chứ chú. Nền giáo dục nhà trường không chỉ tạo ra các công dân tốt, mà còn tạo ra các nhà văn. Như vậy, tác phẩm của nhà văn phải có tính giáo dục, có đạo đức có trách nhiệm đối với xã hội...” Tôi định “mail” trả lời Huệ Hương, rằng nhà văn ở xứ sở chúng ta nên sợ nhất trong đời là nhà tù và nhà trường, hai cái nhà này lắm lúc giống hệt nhau, rằng nhà văn chỉ có trách nhiệm với chính hắn, chứ chả có trách nhiệm gì với bất cứ ai, rằng nhà văn chỉ là một tiếng nói trong cái xã hội lúc nhúc những người, ồn ào những âm-thanh-và-cuồng-nộ. Rồi hắn lại đổi ý, định sẽ “mail” rằng, Huệ Hương nên quên vai trò trách nhiệm của nhà nữ biên tập văn học đi. Hãy học ngài cảnh sát dễ thương của tôi. Hãy nói: tôi muốn đổi chân biên tập văn học sang chân chạy bản thảo văn học. Như vậy, biết đâu sẽ có cơ hội gặp được những nhà văn thứ thiệt, để có những bản thảo không làm ê (càng) ẩm (mục) nhà nữ biên tập văn học suốt tám năm qua.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021