thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Con dê

 

Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

SHMUEL YOSEF AGNON

(1888-1970)

 

 

CON DÊ

 

Ngày xưa có một ông già ho từng cơn dữ dội. Những vị thầy thuốc khám cho ông khuyên ông uống sữa dê. Ông mua một con dê và nhốt nó ngay trong nhà mình. Ít lâu sau, con dê biến mất. Người ta đổ đi tìm nó nhưng không tìm ra: dê không có trong sân, chẳng có trong vườn, chẳng có trên mái trường làng, không ở bên bờ suối, không ở trong núi, cũng không ở ngoài cánh đồng. Mấy ngày sau, tự nó trở về, và khi nó về, cặp vú nó căng đầy một thứ sữa mang vị của vườn Địa đàng.

Biến cố ấy sau đó xảy ra thường xuyên: con dê biến mất khỏi nhà, người ta hoài công đi tìm nó; nhưng nó lại trở về, và, mỗi lần, cặp vú nó căng đầy một thứ sữa còn ngọt hơn cả mật và vị thì là vị của vườn Địa đàng. Một ngày nọ, ông già gọi con trai mình đến: “Này con, ta rất muốn biết con dê đi đâu và nó mang từ đâu đến cái thứ sữa rất ngọt khi ta nuốt vào và làm ta khoẻ ra.” “Con có sáng kiến này”, người con trai trả lời. Anh ta đi lấy một sợi dây thừng và buộc vào đuôi con dê. “Con làm gì thế, hả con?” ông già hỏi. “Con buộc một sợi dây thừng vào đuôi con dê, và khi con thấy nó muốn đi, con sẽ nắm một đầu dây và sẽ theo nó trên đường nó đi.” “Này con, nếu như con khôn ngoan thế, lòng ta đây cũng sẽ mừng,” người cha vừa nói vừa gật đầu.

Vậy là chàng thanh niên buộc một sợi dây vào đuôi con dê và anh ta hết sức chú ý canh chừng nó. Khi con vật sắp đi, anh nắm sợi dây thật chặt và để nó kéo mình đi theo. Cả hai đi đến một cái hang. Con dê bước vào và chàng thanh niên theo sau nó. Dê và người bước đi một hay hai tiếng; có lẽ là một hay hai ngày. Con dê nguẫy đuôi và kêu be be.

Khi cả hai đi đến cuối hang và bước ra khỏi hang, chàng thanh niên nhìn thấy những dãy núi cao, những ngọn đồi đầy những vườn quả; một dòng suối từ trong núi đổ ra và gió đem đến ngàn hương thơm. Con dê trèo lên một cái cây phủ kín những trái minh quyết đầy mật. Nó ăn những trái ấy và uống nước suối trong vườn.

 

Chàng thanh niên cất tiếng gọi mấy người qua đường:

“Tôi van các bạn, xin mấy người cho tôi biết tôi đang ở đâu đây và nơi này có tên là gì.”

“Bạn đang ở trên đất Do-thái và chỗ bạn đứng là gần Safed.”[1]

“Xin Thượng đế ban phép lành,” thanh niên vừa nói vừa ngước mắt lên nhìn trời, “xin Người ban phép lành cho kẻ đã đưa tôi đến đất Do-thái.”

Anh ta cúi xuống hôn đất bụi và ngồi dưới một gốc cây. “Trước khi ngày biến mất và bóng đêm xuất hiện,” anh nghĩ, “ta sẽ ngồi dưới gốc cây trên núi. Sau đó, ta sẽ quay trở về nhà và ta sẽ đưa cha ta và mẹ ta qua đất Do-thái.”

Trong khi ngồi, mắt thu trọn hết quang cảnh thánh thiện của Xứ sở này, anh nghe một lời tuyên phán:

“Các ngươi hãy đến đây, hãy đến trước nữ hoàng Sabbat!” Những người trông giống như thiên thần tiến đến, cổ quấn những chiếc khăn quàng màu trắng, những nhánh cây mia cầm trên tay, và nhà cửa chung quanh nơi nào cũng rực lên muôn ánh sáng. Anh hiểu ra là mình đã đến đây ngày trước lễ sabbat[2] khi bóng đêm buông xuống, và không có vấn đề đi trở lại. Anh mua một cây sậy, đem nhúng vào ngũ bội tử, là thứ người ta làm ra mực để viết Luật trên những cuộn giấy, lấy một mẩu giấy và viết thư cho cha:

“Từ một góc Xứ sở Do-thái, con sẽ làm cho mọi người nghe tiếng hát, bởi vì con đã đến đây bình yên vô sự, và con đang ở gần Safed, thành phố thánh, ướp đầy mùi hương thánh linh. Xin cha đừng hỏi con làm sao con đến được đây; nhưng cha cứ nắm vào sợi dây buộc đuôi con dê và đi theo dấu chân của nó. Cha sẽ đi an toàn và cha sẽ đến Do-thái.”

Chàng thanh niên cuộn tờ giấy lại, giấu nó trong lỗ tai con dê và nghĩ: khi con dê kêu be be ở nhà cha ta, cha sẽ vuốt ve cái đầu nó và nó sẽ lắc lắc hai tai; khi tờ giấy rơi ra, cha sẽ nhặt nó lên, sẽ đọc những dòng chữ ta vừa viết, sẽ nắm sợi dây và sẽ đến được đây với ta.

Con dê trở về nhà ông già; nhưng nó không lúc lắc hai tai và tờ giấy không rơi ra.

Khi ông già nhận ra là con dê trở về mà không có con trai mình, ông đập đầu, kêu la, khóc lóc và than: “Con ơi, con ơi, con ở đâu rồi? Con ơi, xin Trời cho ta chết thay cho con, con trai ta, con trai ta!” Ông khóc và chịu tang cho con trai và nói: “Một con vật dã man nào đó đã ăn thịt con rồi, nó đã xé xác, đã xé nát con trai ta.”

Ông không chịu để ai an ủi và vừa nói: “Ta sẽ xuống nơi con trai ta, xuống tận Shéol”[3] vừa khóc. Và mỗi lần nhìn thấy con dê, ông già rên rỉ: “Khốn thay kẻ làm cha đã đem con trai đi đày! Khốn thay con dê kia, kẻ gây ra cái chết của con ta!”

Đầu óc ông không yên nghỉ được nên ông gọi người chuyên giết vật tế lễ[4] đến để cắt cổ con vật. Anh này đến và cắt cổ con dê. Anh lột da con dê, và tờ giấy từ lỗ tai nó rơi ra. Ông già cầm tờ giấy: “Con trai ta viết thư đây!”

Ông đọc trọn lá thư; rồi ông lấy tay đập đầu mình và than khóc: “Khốn thay! Khốn thay con người tự huỷ hạnh phúc của mình! Khốn thay con người đã lấy ân trả oán!”

Ông chịu tang cho con dê nhiều ngày dài và không chịu để ai an ủi:

“Khốn thay cho ta,” ông nói, “không thế thì ta đã có thể nhảy một bước đến được Do-thái, và sống những ngày cuối đời trên đất lưu vong ấy.”

Từ đó, không ai còn nhìn thấy cái hang nữa, và con đường tắt cũng không còn. Chàng thanh niên kia, nếu như còn sống, thì trong sự yên tĩnh và trầm lặng sẽ được hưởng một tuổi già xanh tươi và đầy hoa lá trên đất của người sống.

 

 

_________________________

[1]Safed: Tên một pháo đài có đền miếu xưa thuộc Thánh địa, phía đông thành phố Acre và phía bắc hồ Tibériade.

[2]Sabbat: cũng viết là shabbat, sabbath, chabbat – ngày thứ 7 tức ngày nghỉ của tuần lễ Do-thái.

[3]Shéol: tiếng hébreu, không dịch được, có nghĩa là nơi của những người chết, hoặc là mồ chung của nhân loại.

[4]Trong nguyên tác: shohet. Nghĩa của từ này chỉ người được huấn luyện để giết loài vật nhanh và không gây đau đớn, khi cần tế thần.

 

-------------
Dịch từ bản tiếng Pháp “La Chèvre” [“Maase Haez”] (1925) trong Contes et Légendes, tuyển tập Chmuel-Yosif Agnon [Shmuel Yosef Agnon], collection "Ceux-ci et ceux-là" (Paris: Albin Michel, 1977).
 
Hình ở đầu bài: Chân dung Agnon qua nét vẽ David Levine.

 

 

Những tác phẩm khác của Shmuel Yosef Agnon [bản dịch Nguyễn Thu Hồng] đã đăng trên Tiền Vệ:

Cái vỏ cam (truyện / tuỳ bút)  - Agnon, Shmuel Yosef
Đây chỉ là câu chuyện một cái vỏ cam vứt giữa đường. Thật ra đây là một cái vỏ rất thường, người ta có thể tìm thấy hàng chục cái tương tự trên khắp các lề đường và dưới những đường mương, trên khắp các công trường và trong những sân nhà, nói vắn tắt là khắp mọi nơi trong Thành... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tất cả mọi ân sủng đều nằm trong cái im lặng tuyệt diệu của buổi ban đêm phía dưới những thung lũng của thành phố Jérusalem. Người ta tưởng những thung lũng đó tách biệt khỏi thế giới và đồng thời cả thế giới lại nằm trong những thung lũng đó... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... “Nàng bị chứng mộng du.” Tôi nhìn anh ta như một người được nghe kể một câu chuyện gì ghê gớm lắm. Anh cảm thấy được điều đó nên anh nói: “Mỗi đêm, khi ánh trăng thật tỏ, vợ tôi rời khỏi giường ngủ và theo ánh trăng đi khắp nơi.” ... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Trăng chiếu sáng rực và cả thành phố nằm trọn trong vùng ánh sáng đó. Ai được thấy một đêm như vậy sẽ không ngạc nhiên về việc những kẻ mộng du rời giường mình để đi bách bộ dưới trăng... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Cửa toa xe mở hướng ra những ngọn núi cao và những suối nước và người ta nghe có một giọng cất lên hát yedal yedal yedal va pa ma. Giọng hát thu hút tôi, tôi muốn đi theo nó, nhưng cánh cửa khép lại trước mặt tôi. Mặt trăng hiện ra và ánh trăng toả tràn lên người tôi. Tôi nheo mắt cười với nó và bằng cả gương mặt nó cười lại với tôi... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Guemoula trong trắng như mặt trăng. Mắt nàng long lanh, gương mặt nàng chiếu sáng như sao mai và giọng nói của nàng dịu dàng như bóng đêm. Khi nàng mở miệng để hát, thì hình như tất cả những cánh cửa của âm nhạc đều mở ra... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tại sao khi nàng hát anh lại đặt bàn tay lên miệng nàng, tại sao anh lại khép môi nàng lại? Thì bởi vì những tiếng hát nối kết với nhau, bởi vì nó buộc chặt vào nhau. Tiếng hát của những dòng suối nối kết với tiếng hát của những ngọn núi cao, tiếng hát của những ngọn núi cao nối kết với tiếng hát của những con chim trên trời... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 

-----------

Mời độc giả xem bài nhận định "Đi tìm một ngôn ngữ đã mất: AGNON GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" của Diễm Châu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021