thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngày mai

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

WILLIAM FAULKNER

(1897-1962)

 

"Ngày mai và ngày mai và ngày mai" là khẩu hiệu mang tính biểu trưng về sức chịu đựng từ muôn kiếp của những kẻ khốn cùng trên trái đất, trong tác phẩm của William Faulkner. Nhà thơ André du Bouchet đã chuyển ngữ "Tomorrow" sang tiếng Pháp thành "Sans relâche", xin tạm dịch là "Không ngớt". "Ngày mai" là một trong sáu truyện ngắn nhại truyện trinh thám xuất sắc nhất của Faulkner, viết để bán cho các tạp san văn học, đã giúp ông kiếm được khá bộn tiền hơn các cuốn truyện dài của ông gom chung lại — viết với mục đích kiếm xu không nhất thiết sẽ cho ra đời những sáng tác dở. Sáu truyện ngắn này về sau đã được in chung trong một tuyển tập với nhan đề Knight's Gambit, trong đó có Gavin Steven (sinh năm 1890), một sinh viên luật khoa trở thành thầy kiện, là "lương tâm của miền Nam" ở Yoknapatawpha County — cái huyện hạt huyền thoại do Faulkner, "người chế tạo và chủ nhân độc nhất", dựa theo huyện Oxford, và tỉnh lỵ Jefferson vùng Mississipi, quê quán thực sự của nhà văn. "Ngày mai" còn có thêm một nhân vật phụ, một thiếu niên, nhưng cũng không kém quan trọng, đó là Chick Gavens, gọi Gavin Stevens bằng chú. Chick (Charles, sinh năm 1914) vừa là người kể chuyện, vừa là chứng nhân, mà cũng là kẻ đã được chú Gavin, qua những lới tâm sự châm biếm, gián tiếp giao cho cái sứ mệnh cao cả là giữ gìn cho mai hậu cái lương tri đó. Nick Gavens chẳng phải ai khác hơn là William Faulkner lúc con bé.
 
"Ngày mai" đã được Horton Foote, nhà văn, kịch tác gia, kiêm diễn viên sân khấu soạn thành kịch. Rồi được đạo diễn Robert Mulligan (nổi danh với Hè 42) quay phim truyền hình (1960) với Richard Boone trong vai Jackson Fentry, và Beulah Bondi trong vai cô gái. Rồi lại được đạo diễn Joseph Antony chuyển thành phim điện ảnh (1972) với Robert Duvall trong vai Jackson Fentry, và Sudie Bond trong vai cô gái, cả hai đã lột xác để vào vai nhân vật được giao phó, nhất là Robert Duvall. Đây là đỉnh cao của điện ảnh Hollywood và của Robert Duvall (1931~). Năm 1962, Duvall đã giữ một vai nhỏ trong phim To Kill a Mockingbird [Giết con chim nhại] — anh chỉ xuất hiện vào cuối phim, nhưng rất quan trọng, vì anh là thiên thần hộ mệnh đã cứu Scout và Jem, hai đứa con của luật sư Atticus Finch do Gregory Peck đóng. Phim này cũng do Robert Mulligan đạo diễn.

 

Nguyễn Đăng Thường

 

_____________

 

NGÀY MAI

 

Chú Gavin không luôn luôn làm chánh lý của huyện. Nhưng khoảng thời gian chú không giữ chức vụ này vì nó quá ngắn và vì đã từ hơn hai chục năm qua nên chỉ có những ông cụ già, và thậm chí phải trừ bớt vài người, để nhớ rằng vào một thời điểm nào đó chú đã từng giữ những chức vụ khác. Bởi vì lúc ấy chú chỉ có một vụ việc độc nhất để lo mà thôi.

Lúc đó chú còn trẻ, hai mươi tám, chú vừa tốt nghiệp trường luật của tiểu bang năm ngoái, mà vì vâng lời ông nội, chú đã ghi tên sau khi rời đại học Harward và đại học Heidelberg; chú tình nguyện đảm nhận việc đó vì chú đã thuyết phục ông nội một cách quá ư dễ dàng rằng cứ để cho chú tự lo liệu lấy, bởi vì ai cũng đã đoán biết trước được cái kết quả của vụ án.

Do vậy mà vụ việc đó đã lọt vào tay chú. Sau nhiều năm, chú vẫn kể lại rằng đó là công việc duy nhất do chú đảm nhận với tư cách luật sư riêng hay biện lý công cộng mà chú đã thất bại dù biết chắc rằng công lý và lẽ phải đã đứng về phía chú. Thế nhưng, người ta không thể bảo rằng chú đã thất bại thực sự—vụ án, xảy ra vào phiên tòa mùa thu, đã phải dời lại đến phiên tòa mùa xuân vì thiếu trình tự tố tụng và đã kết thúc với sự trắng án—bị cáo, một trại chủ lực lưỡng, có vợ và chủ một gia đình, tên Bookwright, đã đến từ một nơi được gọi là Frenchman's Bend ở tận cùng địa hạt; nạn nhân là một tên hung bạo khoác lác tên Buck Thorpe, nhưng bọn thanh niên đã bị hắn cho ăn đấm trong suốt ba năm từ lúc hắn đặt chân tới Frenchman's Bend đã gọi tắt hắn là Bucksnort, một gã lang thang, thích đập lộn, đánh bài, một ngày đẹp trời bỗng xuất hiện không biết từ đâu tới, và nổi danh với tài cất rượu lậu. Một hôm, người ta đã bắt hắn trên đường đi Memphis với một đàn thú bị lấy trộm mà chủ nhân đã nhận ra ngay. Hắn có trình một hóa đơn, nhưng không có ai ở đó nhận diện được kẻ đã ký giấy.

Và câu chuyện thì xưa như trái đất, chẳng có gì mới mẻ: một nàng gái quê mười bảy xuân xanh bị mê hoặc bởi những lời đường mật hứa hẹn khoe khoang; một ông bố cố sức thuyết phục đứa con gái hư với cái kết quả mà cha mẹ thường đạt được; rồi là sự cấm chỉ, những cuộc viếng thăm bị hủy, sự bắt cóc không thể tránh vào lúc nửa đêm; và hệ quả là Bookwright đã lôi Will Warner vị thẩm phán tòa hòa giải và thẩm phán đầu tiên của huyện, trao cho ông khẩu súng lục và tuyên bố: "Tôi tới xin nạp mạng. Tôi đã bắn tên Thorpe hai giờ trước đây." Và một anh hàng xóm, tên Quick, kẻ đầu tiên tới hiện trường, đã thấy Thorpe với khẩu súng sáu rút ra được phân nửa cầm trên tay; và một tuần lễ sau khi cái tin vặt này xuất hiện trên các báo ở Memphis, một phụ nữ, nhận mình là vợ chính thức của Thorpe, đã tới Frenchman's Bend với tấm giấy hôn thú để tìm cách thu hồi tiền bạc hay của cải mà hắn có thể đã để lại.

Tôi còn nhớ sự ngạc nghiên của mọi người về việc công tố viện đã chấp nhận những lời cáo buộc là có căn cớ; và khi viên lục sự đọc bản cáo trạng, số tiền đặt cược là hai mươi thắng một, là ban hội thẩm sẽ trở lại trước mười phút. Thậm chí ông chưởng lý tòa phúc thẩm đã trao vụ việc cho một tập sự viên, và lời khai của nhân chứng chỉ kéo dài không quá một giờ. Rồi tới phiên chú Gavin đứng lên, và tôi còn nhớ nét mặt chú khi chú nhìn ban hội thẩm—mười một chủ nông trại và chủ tiệm, và người thứ mười hai - kẻ sẽ khiến chú Gavin thua kiện - một tá điền nhỏ thó, gầy còm, mái tóc xám thưa, với vóc dáng của các chủ trại ở trên đồi, mảnh dẻ và hao mòn bởi lao lực, nhưng vẫn không biến đổi một cách lạ thường, nhưng vào lúc năm mươi tuổi bỗng dưng trở thành già nua, và từ đấy vĩnh viễn ở ngoài tầm tay của thời gian. Chú Gavin nói với giọng bình tĩnh, gần như đều đều, không hoa mỹ như chúng tôi đã quen chứng kiến ở các phiên tòa hình sự; các từ chỉ hơi khác một tí với ngôn ngữ chú sẽ sử dụng sau đó. Thế nhưng vào lúc ấy, mặc dù chú Gavin đã chuyện trò với dân bản địa chỉ từ một năm qua, chú cũng đã biết cách phát biểu để mọi thành phần đều có thể hiểu: bọn mọi đen, đám nông dân ở trên đồi, các chủ đồn điền giàu có ở đồng bằng.

'Tất cả chúng ta, những kẻ đã sinh ra ở miền Nam, chúng ta đều được dạy bảo ngay từ lúc chào đời vài điều thiết yếu mà chúng ta để lên trên tất cả. Một trong những điều đó—không phải là điều tốt đẹp nhất; mà chỉ là một trong các điều đầu tiên đó—là mạng phải đổi mạng; rằng một cái chết chỉ mới là phân nửa. Và nếu đã như vậy thì chúng ta đã có thể cứu hai mạng sống, bằng cách ngăn bị cáo rời khỏi nhà hắn; như vậy chúng ta chí ít đã có thể cứu được một mạng người, dù bằng chính sinh mạng của người đó. Thế nhưng chúng ta đã không được biết đúng lúc. Và đó chính là điều mà tôi muốn thưa gởi với quí vị trong lúc này—không phải về kẻ đã chết, về tính nết của hắn hay về sự đạo đức của hành động của hắn; không phải để biết đó có phải là một hành động tự vệ hay không, về bị cáo đã có lý hay sai bậy khi muốn chấm dứt sự xung đột bằng cách thủ tiêu một sinh mạng—mà về chúng ta những người còn sống, về tất cả những gì chúng ta chưa được biết rõ—về tất cả chúng ta những con người trong tâm khảm chỉ muốn hàng động tốt và không nguy hại đến bất cứ ai; những con người với một mớ phức tạp của những đam mê, những tín ngưỡng, những tình cảm con người, mà chúng ta không được trọn quyền chấp nhận hay từ chối, chỉ có thể tìm cách chế ngự hay sử dụng chúng theo đúng lương tâm—bị cáo này, cũng là một con người cùng với cái mớ phức tạp y hệt của những đam mê, những bản năng, những tín ngưỡng đã có một vấn đề cần phải giải quyết—sự bất hạnh không thể tránh của một đứa con bị cuốn hút do sự bồng bột của tuổi trẻ—luôn luôn với sự phức tạp lâu đời đó mà chính nó cũng đã không tự chọn cho mình—đã tỏ ra không có đủ nghị lực để tự cứu—và cái vấn đề ấy bị cáo đã tự giải quyết theo sự hướng dẫn của lương tâm, với tất cả khả năng có được, không cầu xin sự trợ giúp từ bên ngoài, đã hành động đúng theo quyết định mà mình đã lựa chọn.'

Chú ngồi xuống. Người tập sự, sau khi đã đứng dậy một lần nữa, chỉ cúi chào tòa án và tới phiên mình cũng ngồi xuống. Chúng tôi cũng không rời phòng xử khi ban hội thẩm rút lui. Vị thẩm phán cũng ngồi lại tại chỗ. Và tôi còn nhớ tiếng rì rào rất khẽ xuyên qua cử tọa như một cơn gió nhẹ, khi kim đồng hồ treo trên vách tường tòa án, ghi mười phút, rồi nửa giờ trôi qua; lúc ấy vị thẩm phán vẫy người trưởng tòa đến rỉ tai vài tiếng, người trưởng tòa đi ra ngoài, rồi trở lại, thì thầm vài tiếng vào tai vị thẩm phán, và vị thẩm phán đứng dậy, gõ búa và tuyên bố phiên tòa được đình lại.

Tôi chạy về nhà nuốt vội bữa trưa và trở lại thành phố càng nhanh càng tốt. Văn phòng vắng người. Kể cả ông nội, dù gặp lúc có treo cổ hay không có treo cổ, thường ngủ trưa sau bữa ăn, luôn luôn là người đầu tiên trở vô thành phố; lúc ấy đã ba giờ chiều, và mọi người đều đã biết rõ cuộc bỏ thăm của ban hội thẩm của chú Gavin thiên về tha bổng, bị bỏ lửng vì có một phiếu chống; rồi tới phiên chú Gavin hối hả chạy tới nơi, và ông nội nói với chú 'Hay quá Gavin ơi, con đã ngưng nói kịp thời để treo chân ban hội thẩm thay vì treo cổ thân chủ của con.'

'Bố nói đúng đấy,' chú Gavin đáp. Nhưng chú đã quay sang phía tôi, ánh mắt chú long lanh, khuôn mặt thon và linh động và mái tóc rối bù của chú đang bắt đầu bạc. 'Chick đi với chú, chú Gavin nói, chú cần cháu vài phút.'

'Sao con không nói với thẩm quán Fraser xin rút lại lời biện hộ hồi sáng rồi nhờ Stanley tóm tắt thay con,' ông nội bảo chú. Thế nhưng chúng tôi đã ra khỏi phòng, đang lao xuống cầu thang, và chú Gavin ngừng bước ở giữa cầu thang, và chúng tôi đang ở nơi lưng chừng của mọi nơi, tay chú để trên vai tôi, mắt chú sáng ngời và mãnh liệt hơn bao giờ hết.

'Đây không phải là một trận banh cricket. Nhưng nhiều khi công lý được phục vụ bằng những biện pháp không được công nhận. Ban hội thẩm đã rút về nhà trọ Rouncewell ở trong phòng cuối cùng đối diện cây dâu tằm. Nếu cháu có thể lẻn vào sân sau và cẩn thận trèo lên cây—'

Không có ai nhìn thấy tôi. Nhưng tôi có thể thấy và nghe, xuyên qua những chiếc lá bị gió lắc, những gì đang xảy ra trong căn phòng. Bảy người phụ thẩm đang ngã nhoài trên ghế ở cuối phòng với nét mặt giận dữ và ghê tởm, và ông Holland trưởng nhóm và một người nữa đang đứng cúi nghiêng trước chiếc ghế của người đàn ông nhỏ thó gầy gò mòn mỏi khô khốc từ vùng đồi, tên Fentry. Tôi nhớ tên họ của từng người một vì chú Gavin đã nói ở quê quán chúng tôi, nếu muốn trở thành một chính trị gia tài giỏi hay một thầy kiện đắc khách thì người ta không cần có miệng lưỡi hay thậm chí cần có thông minh; mà chỉ cần có trí nhớ dai. Dù sao thì tôi cũng không thể nào quên được cái tên đó: Stonewall Jackson— Stonewall Jackson Fentry.

'Bộ anh không muốn chấp nhận rằng nó đã dụ dỗ con gái của Bookwright chỉ mới mười bảy tuổi,' ông Holland nói. 'Bộ anh không muốn chấp nhận rằng nó còn cầm khẩu súng lục trên tay khi người ta tìm thấy xác nó. Bộ anh không muốn chấp nhận rằng vừa chôn cất nó xong thì đã có một mụ đàn bà xuất hiện tự nhận mình là vợ nó. Bộ anh không muốn chấp nhận rằng nó là một tên vô lại và nguy hiểm, và sớm muộn gì thì cũng có một kẻ sẽ thanh toán nó, và Bookwright chỉ gặp vận xui mà thôi?'

'Đồng ý,' Fentry nói.

'Vậy thời anh còn đòi gì nữa?' ông Holland nói. 'Vậy thời anh còn đòi gì nữa?'

'Việc đó là ngoài ý muốn của tôi,' Fentry nói. 'Tôi sẽ không bỏ phiếu để cho Bookwright được trả lại tự do'.

Và Fentry đã làm vậy. Và trưa hôm ấy ông thẩm phán Fraser giải tán ban hội thẩm và định kỳ cho phiên tòa xử lại trong kỳ tới; và hôm sau chú Gavin đã tới tìm tôi trước khi tôi ăn xong điểm tâm.

'Cháu vào báo cho mẹ biết rằng tối nay có thể chúng ta sẽ không về nhà. Và nói thêm rằng chú sẽ không để cháu bị trúng đạn, hay bị rắn cắn, hay bị trúng thực vì uống quá nhiều nước chanh sô đa... Vì chú cần phải biết rõ mọi chuyện,' chú Gavin nói. Chúng tôi đang lái xe vùn vụt trên con lộ đông bắc; ánh mắt chú sáng ngời, mãnh liệt, cương nghị, không tỏ vẻ phân vân. 'Hắn đã chào đời, lớn khôn, và sinh sống cả đời ở tận nơi đầu kia của huyện, cách Frenchman's Bend ba mươi dặm. Hắn đã tuyên thệ trước vành móng ngựa rằng hắn chưa từng thấy mặt Bookwright trước đấy, và người ta chỉ cần nhìn mặt hắn để thấy rõ rằng hắn chưa bao giờ được rảnh rang ngoài những công việc nhọc nhằn để có thì giờ học nói láo. Chú sẽ ngạc nhiên nếu hắn đã từng nghe gọi tên Bookwright.'

Chúng tôi lái xe cho tới lúc gần đúng ngọ. Chúng tôi đang ở trong vùng đất của những ngọn đồi, xa đồng bằng màu mỡ phì nhiêu, ở giữa những cây thông và cây dương xỉ mọc trên mặt đất cỗi cằn, lưng chừng đồi có những luống bông vải, những luống ngô gầy dãi dầu nắng mưa, chịu đựng không thể giải thích nổi, cũng như những con người không hiểu bằng cách nào đã rút tỉa được áo quần và thức ăn từ chúng ra; chúng tôi len lỏi qua những lối nhỏ quanh co bụi bặm xạc xào tiếng gió thổi, thường thường ở độ tốc số hai. Và bất chợt chúng tôi nhìn thấy cái hộp thư mang những nét chữ vụng về để ghi một cái tên: G. A. Fentry; và ở đằng sau là căn nhà gỗ nguyên cây hai gian với hàng hiên mở trống, và tôi, một thằng bé mười hai tuổi, cũng có thể nhận thấy ngay rằng nó vắng bóng đàn bà đã từ nhiều năm qua. Chúng tôi bước qua cổng.

Một tiếng nói vẳng ra, 'Đứng lại, đứng lại tại chỗ!' Và thậm chí chúng tôi cũng không trông thấy ông lão đang đi tới, chân không, ria mép trắng và cứng dựng đứng, mặc chiếc quần xanh có nhiều miếng vá đã bạc màu như màu sữa không còn chất béo, khẳng khiu bé nhỏ hơn người con, đứng trước dãy hành lang gần mục nát, tay lăm le khẩu súng bắn chim, run rẩy vì tức giận hay do sự tê liệt của tuổi già.'

'Cụ Fentry—' chú Gavin nói.

'Các người đã xô đẩy quấy nhiễu nó quá nhiều rồi,' ông lão nói. Đúng là cuồng nộ; giọng nói bỗng vút cao mãnh liệt man dại. 'Ra khỏi đây mau! Ra khỏi nhà tao! Mau!'

'Đi,' chú Gavin bình tĩnh nói. Và mắt chú chỉ sáng lên, cương quyết, mãnh liệt, và trầm tư. Chúng tôi đã giảm tốc độ. Cái thùng thư sắp tới chỉ cách xa một dặm; lần này căn nhà được sơn phết hẳn hoi, thậm chí nó còn có một luống hoa petunia hai bên thềm với đất xung quanh được chăm sóc kỹ lưỡng hơn; và lần này có một người đàn ông đứng dậy rời hành lang và ra cổng đón chào chúng tôi.

'Chào ông Stevens, ông mạnh chứ?' 'Vậy là Jackson Gentry đã treo giò ban hội thẩm của ông rồi.'

'Chào ông Pruitt, ông khỏe chứ,' chú Gavin nói. 'Vâng, hình như là vậy. Ông có biết tại sao không?'

Và Pruitt nói hết cho chú Gavin nghe, mặc dù lúc ấy thỉnh thoảng chú Gavin hình như vẫn chưa quên hẳn giọng Harvard, thậm chí giọng Heidelberg. Tuy nhiên, người ta chỉ cần nhìn mặt chú để biết ngay rằng những câu hỏi của chú không do sự tò mò hay với mục đích vị kỷ.

'Nhưng bà già tôi biết rõ hơn tôi,' ông Pruitt nói. ‘Mời ông vào nhà.'

Chúng tôi bước theo ông Pruitt tới hành lang có một bà lão mập mạp, đội chiếc mũ vải nhỏ kẻ ô vuông không vành mới giặt để lộ mái tóc bạc, áo và tạp dề sạch sẽ, đang ngồi trên ghế xích đu lảy đậu Hà Lan trong cái tô gỗ. 'Đây là luật sư Stevens, con trai của đại úy Stevens từ thành phố đến. Ông muốn biết chuyện Jackson Fentry.'

Và chúng tôi ngồi xuống, để nghe hai mẹ con thay phiên nhau kể lể.

'Cái chỗ đó,' Pruitt nói. 'Ông có thể nhìn thấy một chút từ ngoài đường. Phần còn lại cũng chẳng khác gì hơn. Cha hắn và ông nội hắn đã làm lụng ở đó để kiếm sống và nuôi gia đình và đóng thuế không nợ nần ai cả. Tôi không biết họ đã làm vậy bằng cách nào, nhưng họ đã làm. Và Jackson đã giúp cha và ông, khi hắn vừa đủ lớn để có thể vói tới cán cày. Và bây giờ hắn vẫn không lớn hơn cái lúc đó. Hai người kia cũng vậy. Vì lẽ đó. Và Jackson, lúc tới phiên hắn, cũng đã kéo cày cho tới năm lên hai mươi lăm, và hắn trông như đã bốn mươi rồi; không phiền hà một ai, không có vợ, không có gì cả; hai cha con sống cô độc chung với nhau như vậy, tự giặt giũ lấy, tự nấu nướng lấy một mình—thử hỏi, một kẻ chỉ có một đôi giày mà lại còn phải chia sẻ nó với cha nữa, thì làm sao mà có thể nghĩ tới chuyện vợ con? Và cứ giả dụ rằng kiếm được một phụ nữ để mang về ở tại cái chỗ đã gây ra cái chết của mẹ và của bà trước khi họ đủ bốn mươi tuổi, mà chẳng uổng công sức. Cho tới một đêm—'

'Nhảm nhí,' bà Pruitt nói. ‘Khi lấy nhau, tao và bố mày cũng không có mái nhà riêng. Phải mướn nhà, phải thuê đất—'

'Đúng rồi,' Pruitt nói. 'Cho tới một đêm hắn tới gặp tôi cho biết hắn đã kiếm được việc làm tại một trại cưa ở Frenchman's Bend.'

'Frenchman's Bend?' Chú Gavin nói, và bây giờ cặp mắt chú không chỉ đăm đăm tập trung mà trở nên sáng ngời và linh hoạt hơn.

'Vâng,' chú nói.

'Một công việc ăn lương ngày,' Pruitt nói. 'Không cốt để làm giàu; chỉ muốn kiếm chác thêm chút đỉnh, cầu may một hai năm để kiếm chác thêm chút đỉnh, có thể giúp hắn tránh khỏi cuộc đời của ông hắn một hôm đã ngã lăn đùng ra chết giữa hai cán cầy, và cha hắn đã tiếp tục cho tới khi sẽ ngã quÿ trên một luống ngô, và nếu không có thêm chút tiền thì sẽ tới phiên hắn, và thậm chí hắn sẽ không có được một đứa con trai để tới nhặt hắn lên trong bụi bặm. Hắn đã dàn xếp với một thằng mọi tới giúp đỡ cha hắn cày bừa mảnh đất khi hắn vắng mặt, và nếu có thể thì xin tôi vui lòng thỉnh thoảng ghé qua xem cha hắn có được bình an hay không.'

'Mày đã làm vậy,' bà Pruitt nói.

'Tôi đã tới khá gần để nhìn,' Pruitt nói. 'Tôi đã tới gần cánh đồng để có thể nghe ông lão quát tháo thằng mọi quá chậm chạp, và nhìn thằng mọi đang cố bắt kịp lão, và tôi đã nghĩ rằng hay quá nếu hắn nhờ hai thằng mọi tới cày xới giúp cha hắn khi hắn xa nhà, bởi vì ông lão—vào lúc đó đã gần sáu mươi—nếu phải ngồi trọn một ngày trong bóng râm hai tay trống rỗng không cầm bừa không bửa củi thì ổng sẽ chết trước buổi hoàng hôn. Và như thế, Jackson đã lên đường. Cuốc bộ. Họ chỉ có một con la. Họ không bao giờ có nhiều hơn một con la. Nhưng quãng đường chỉ xa ba mươi dặm. Người ta không gặp lại hắn trong khoảng hai năm rưỡi. Rồi một hôm—'

'Năm đầu tiên, nó có trở về thăm nhà trong dịp Lễ Giáng Sinh mà,' bà Pruitt nói.

'Đúng vậy,' Pruitt nói. ‘Hắn cuốc bộ về thăm nhà và ở lại trọn ngày Giáng Sinh. Rồi hắn đi bộ ba mươi dặm trở về trại cưa.'

'Trại cưa của ai?' chú Gavin hỏi.

'Của Quick,' Pruitt nói. Của lão Ben Quick. Giáng Sinh thứ hai hắn mới không về thăm nhà. Rồi, vào khoảng đầu tháng Ba, khi lòng sông ở Frenchman's Bend bắt cầu cạn để có thể kéo gỗ, vào lúc mà người ta nghĩ đã là năm thứ ba hắn ở trại cưa, thì hắn trở về nhà và ở lại. Hắn không đi bộ. Hắn lái một cái xe thuê. Vì hắn có một con dê và một đứa bé.

'Khoan đã,' chú Gavin nói.

'Không phải vậy đâu,' bà Pruitt nói. 'Không ai biết nó đã về nhà như thế nào. Vì nó đã về nhà hơn một tuần lễ chúng tôi mới biết nó có một đứa bé.'

'Khoan đã,' chú Gavin nói.

Họ chờ, và họ nhìn chú Gavin, Pruitt ngồi trên lan can dưới mái hiên, bà lão thì vẫn bóc các hạt đậu ra khỏi lớp vỏ dòn và dài; và họ nhìn chú Gavin. Ánh mắt chú bây giờ vẫn không hớn hở hơn ánh mắt phân vân hay thậm chí đăm chiêu lúc nãy; dường như cái gì đó ở đằng sau chúng chỉ sáng lên, một ánh lửa bất chợt, đồng đều, lung linh, mà trầm tĩnh, nhưng di chuyển nhanh hơn cái người ta đang kể lại.

'Vâng, cứ nói tiếp đi,' chú nói.

'Khi biết chuyện, tôi đã tới đó,' bà Pruitt nói 'đứa bé chưa được hai tuần lễ. Và tôi đã thấy nó nuôi đứa bé như thế nào, chỉ với sữa dê—'

'Tôi không biết ông đã biết rồi hay chưa,' Pruitt nói. 'Một con dê không giống một con bò. Người ta phải vắt sữa nó khoảng mỗi hai tiếng đồng hồ. Nghĩa là cả ban đêm nữa.'

'Vâng,' bà Pruitt nói. Nó không có được một tấm tã, chỉ có mấy cái bao bột xẻ đôi mà bà mụ đã dạy nó sử dụng. Tôi may cho nó vài tấm tã và đã trở lại nhiều lần trên đó; nó vẫn giữ thằng mọi để làm lụng ngoài đồng với cha, còn nó thì lo bếp núc giặt giũ và chăm nom đứa nhỏ, và vắt sữa để đổ vào bình sữa cho nó bú; và tôi, tôi nói 'Anh để nó cho tôi mang về nhà nuôi, ít nhất là cho tới khi nó thôi bú. Anh có thể đến ở chung với chúng tôi, nếu anh muốn vậy,' và nó—nhỏ, gầy, mòn mỏi, một cái gì mà cả đời chưa được ngồi vào bàn dù chỉ một lần để được ăn uống thỏa thuê—nhìn tôi, nói 'Cháu xin cám ơn bác. Cháu có thể xoay trở lấy một mình.'

'Và hắn nói đúng,' Pruitt nói. 'Tôi không biết hắn đã làm gì ở trại cưa, và hắn không có nông trại để người ta có thể thấy hắn là một trại chủ như thế nào. Nhưng người ta không thể bảo rằng hắn không biết nuôi đứa bé.'

'Đúng,' bà Pruitt nói. 'Và tôi tiếp tục hối thúc nó: "Chúng tôi không biết anh đã lấy vợ," tôi nói. "Thưa bác," hắn nói. "Chúng cháu thành hôn năm ngoái. Vợ cháu đã qua đời khi sinh nở. " "Cô ấy là ai vậy?" tôi nói. "Có phải là một cô gái ở Frenchman's Bend không?" "Dạ không," hắn nói. "Nó ở xa hơn" "Cô ấy tên gì?" tôi nói. "Smith," nó nói.

'Đầu tắt mặt tối cả ngày như vậy nên hắn không có thì giờ để học nói dối," Pruitt nói. 'Nhưng hắn đã nuôi đứa nhỏ. Vào mùa thu, sau khi đã gặt hái xong, hắn để cho thằng mọi đi, và mùa xuân năm sau hắn và ông lão lại bắt tay vào việc. Hắn đã làm một cái gùi như gùi của bọn Da Đỏ để mang đứa bé. Thỉnh thoảng tôi có lên trên đó, khi đất còn lạnh, và tôi thấy Jackson và bố hắn đang xới đất và giẫy cỏ, và cái gùi mắc vào cái cọc hàng rào, và đứa bé ngủ đứng trong gùi như một khúc gỗ trên tấm nệm lông chim. Qua mùa xuân nó đã bước chập chững những bước đầu tiên và tôi đứng ở mé bên này hàng rào nhìn thằng cu gắng sức ra giữa luống cày đi theo Jackson cho tới khi Jackson dừng cày ở khúc quành và trở lại nhặt nó lên đặt ngồi chàng hảng trên cổ hắn, nhặt cầy lên và tiếp tục. Cuối hè nó bước đã khá vững. Và Jackson đã làm cho nó một cái cuốc nhỏ với một thanh gỗ cột một hòn đá, và người ta có thể nhìn thấy Jackson chặt nhổ trong đám cây bông vải cao tới đùi nhưng không trông thấy thằng bé; người ta chỉ thấy các cây bông vải rung rinh ở chỗ nó đứng.’

'Jackson may áo quần cho nó,'bà Pruitt nói. 'May tay, một mình. Tôi khâu thêm vài món và mang lên cho nó. Một lần thôi. Nó nhận và cám ơn tôi. Nhưng người ta có thể nhìn thấy ngay. Thậm chí nó hầu như muốn oán trách đất đai đã cung cấp các thức ăn cho thằng bé. Tôi cũng có thuyết phục Jackson mang nó tới nhà thờ xin rửa tội đặt tên. Nó có tên rồi, cháu đã đặt tên cho nó. Tên nó là Jackson và Longstreet Fentry. Bố cháu đã đi lính cho hai ngài này.'[*]

'Hắn không đi đâu hết,' Pruitt nói. ‘Bởi vì gặp Jackson ở đâu thì người ta thấy thằng bé nơi đó. Người ta có thể nghĩ rằng hắn đã ăn cắp thằng nhỏ ở Frenchman's Bend, vì hắn trốn miết ở trong nhà. Chính ông lão đã cỡi con la tới tiệm tạp hóa ở Haven Hill để mua thức ăn, và nếu Jackson đã có lần nào xa thằng nhỏ để hít thở một hơi dài thì đó là lúc mỗi năm một bận hắn tới Jefferson đóng thuế; và lần đầu tiên tôi thấy đứa bé tôi nghĩ nó giống như một con chó con, cho tới một hôm tôi nghe nói Jackson đã đi đóng thuế tôi mò lên đó và thấy thằng bé đang trốn trong một góc dưới gậm giường không nói một lời, nhìn tôi đi tới. Nó ngó tôi trừng trừng không nháy mắt. Nó chẳng khác gì một con sói con hay một con chồn người ta mới bắt được đêm trước.

Chúng tôi nhìn Pruitt lấy trong túi áo ra một cái hộp thiếc đựng thuốc lá để hít, để một ít thuốc trên nắp hộp, rồi trút thuốc lá vô miệng vào chỗ trống của môi dưới, gõ nhẹ và chậm rãi lên nắp hộp cho các sợi thuốc cuối cùng rơi trở vô hộp.

'Sau đó?' chú Gavin nói. 'Sau đó thì thế nào?'

'Chỉ có bấy nhiêu thôi,' Pruitt nói. 'Mùa hè năm sau hắn và thằng nhỏ bỏ biệt tăm.'

'Biến mất?' chú Gavin hỏi.

'Đúng. Một buổi sáng cả hai không còn ở đấy nữa. Nhưng lúc đó tôi không hay biết gì cả. Và một hôm không cưỡng nổi tôi đi lên đó và thấy ngôi nhà vắng teo, và tôi đi tới cánh đồng nơi ông lão đang cày, và thoạt tiên tôi tưởng cái thanh gỗ ở giữa cán cày đã gãy và ông lão đã cột một thanh gỗ khác vào chỗ đó, cho tới khi lão nhìn thấy tôi và lão nhặt thanh gỗ lên và đó là khẩu súng trường và tôi chắc những lời lão đã nói với ông hồi sáng cũng y hệt với những gì lão đã nói với tôi vào lúc đó. Năm sau ông lão lại thuê thằng mọi. Rồi khoảng một năm sau nữa Jackson trở về. Về lúc nào tôi không rõ. Một buổi sáng hắn có mặt ngoài đồng thế thôi. Thằng mọi lại bị đuổi đi, và hắn và ông lão lại làm lụng ngoài đồng như chẳng có chuyện gì đã xảy ra. Và một hôm không cưỡng nổi tôi tò mò lên đó đứng sau hàng rào nhìn hắn cày cho tới khi luống cày đã tới sát hàng rào nhưng hắn cũng không nhìn tôi dù chỉ cách nhau vài bước, hắn rẽ lối rồi trở lại, và tôi nói, "Nó chết rồi phải không, Jackson?" và hắn nhìn tôi. "Thằng bé," tôi nói. Và hắn nói, "Thằng bé nào?" '.

Họ mời chúng tôi ở lại dùng bữa.

Chú Gavin cám ơn. 'Chúng tôi có mang theo thức ăn,' chú nói. 'Chúng tôi còn phải lái thêm ba chục dặm nữa để tới cái tiệm của Warner, và từ đó phải lái thêm hai mươi hai dặm nữa để về Jefferson. Và đường sá của chúng ta chưa quen với xe cộ, đúng chớ?'

Do đó chúng tôi đã tới cái tiệm của Warner ở Frenchman's Bend khi hoàng hôn xuống; và một lần nữa có một người đàn ông rời hiên nhà vắng bước xuống thềm tới gần chiếc xe.

Đó là Isham Quick, nhân chứng đầu tiên đã tới chỗ có cái xác của Thorpe—một người cao lênh khênh đã ngoài bốn mươi, với khuôn mặt mơ màng và đôi mắt cận thị, cho tới khi bạn nhận thấy một cái gì từa tựa như là sự tế nhị, thậm chí như cợt nhả ở đằng sau chúng.

'Tôi đang chờ ông đây,' hắn nói. 'Bị trục trặc chớ gì.' Hắn nháy nhó chú Gavin. 'Chuyện Fentry phải không?'

'Đúng vậy,' chú Gavin đáp. 'Sao ông không nói cho tôi biết?'

'Tôi không ý thức ngay,' Quick nói. 'Khi nghe ban hội thẩm của ông bị vô hiệu hóa chỉ vì một người, tôi mới xích những cái tên lại gần với nhau.'

'Những cái tên?' chú Gavin nói. 'Những cái t—Thôi ông cứ nói đi.'

Vậy là chúng tôi ngồi dưới mái hiên của cái tiệm vắng đã khóa cửa, trong tiếng ve sầu rỉ rả trên cây với ánh lửa đom đóm lập lòe trên con lộ bụi bặm và Quick kể lể, ngồi xoãi người trên băng ghế, tứ chi rã rời như sắp rơi rụng nếu hắn làm một cử động nhỏ, đối diện chú Gavin, bằng cái giọng châm biếm như thể chúng tôi có trọn đêm để nghe và hắn cần có trọn đêm để tỉ tê. Nhưng thực ra đã không dài như vậy. Và thậm chí đã không đủ dài để chứa những cái hắn đã kể ra. Nhưng chú Gavin chỉ cần nói vài lời cũng đủ diễn tả mọi kinh nghiệm sống của con người; và nó đã được tóm tắt với mười chữ: hắn đã sinh ra, đã đau khổ, đã qua đời.

'Bố tôi đã thuê hắn. Nhưng khi biết rõ quê quán của hắn, tôi biết chắc rằng hắn sẽ lao động giỏi, bởi vì dân ở đó không có thì giờ để làm chuyện gì khác hơn là làm lụng cực khổ. Và tôi cũng biết rằng hắn sẽ lương thiện cũng bởi lẽ đó; bởi vì ở chỗ của hắn chẳng có cái gì đáng để cho người ta thèm thuồng tới mức muốn ăn cắp. Nhưng có một điều tôi không ngờ nổi là hắn lại có thể yêu nhiều như vậy. Tôi ước định rằng, đến từ cái chỗ đó, hắn không thể hình dung nổi tình yêu là gì—cũng bởi cái lý lẽ đã kể—rằng chẳng có ai để chỉ dạy cho hắn, tại vì ở chỗ đó người ta đã quên hẳn khái niệm về tình yêu qua nhiều thế hệ, khi kẻ đầu tiên ở đó phải lựa chọn giữa sự đeo đuổi tình yêu và sự đeo đuổi được tiếp tục thở.

'Hắn đã tới đây lãnh việc của một thằng mọi với đồng lương trả cho một thằng mọi. Cho tới cuối thu, khi nước sông dâng cao và công việc phải đình trệ suốt mùa đông, tôi mới biết rằng hắn đã xin bố cho hắn được ở lại làm người tuần canh ban đêm và lao công ban ngày, trừ ba ngày để về nhà trong dịp lễ Giáng Sinh. Và hắn đã làm vậy, và năm sau, khi công việc bắt đầu lại, hắn đã thông thạo, tận tụy đến đỗi tới giữa mùa hè hắn đã có thể một mình trông coi trại cưa, và cuối hè ông già tôi không cần ra đó nữa và tôi chỉ tới khi nào thấy hứng, có thể là một lần mỗi tuần; và vào mùa thu bố tôi đã nghĩ tới chuyện cất cho hắn một căn lều để ở thay cho cái chỗ ở trong gian trại có chứa cái nồi hơi với cái ghế bố và cái lò gần vỡ. Hắn đã ở đó suốt mùa đông. Và khi hắn về nhà trong dịp Giáng Sinh, chẳng có ai hay biết lúc hắn đi cũng như khi hắn trở lại, vì chính tôi cũng đã thôi tới đó từ mùa thu.

'Rồi một buổi trưa tháng ba—trời đã ấm áp hơn khiến tôi thấy ngứa chân—tôi cỡi ngựa ra đó. Và cái đầu tiên mà tôi thấy khi tới nơi là một người đàn bà, và đó là lần đầu tiên tôi thấy nàng—một phụ nữ, còn trẻ, và có thể khá đẹp nếu còn khỏe mạnh; tôi nghĩ vậy. Bởi vì lúc đó nàng không chỉ gầy gò mà hốc hác. Nàng đau ốm không chỉ do thiếu ăn, dù nàng vẫn còn có thể sử dụng đôi chân; mà cũng chẳng vì đứa con sắp chào đời trong vòng một tháng. Và tôi nói, "Ai đó?" và hắn ngó tôi và nói, "Vợ tôi," và tôi nói, "Từ hồi nào? Mùa thu rồi anh chưa có vợ mà. Và chưa có đứa bé nào chờ ra đời trong một tháng." Và hắn nói, "Cậu muốn chúng tôi cút ngay?" và tôi nói, "Tại sao tôi muốn anh cút ngay?" Và bây giờ tôi xin kể tiếp phần còn lại, không phải như tôi được biết lúc đó, vì hắn không mở miệng cho ai hay ai biết gì cả, mà khi hai anh em nhà nọ bỗng tới đây với cái trát tòa trên tay.’

'Được rồi,' chú Gavin nói. 'Cứ tiếp tục.'

'Tôi không biết hắn đã nhặt nàng ở đâu. Tôi không biết hắn có nhặt nàng ở một nơi nào đó hay không, hay là một ngày hoặc một đêm nàng bỗng tới trại cưa và hắn ngước mắt lên và thấy nàng, và như kẻ nào đó đã nói—chẳng ai biết vào lúc nào và ở chỗ nào tình yêu hay sấm sét sẽ giáng xuống mà chỉ biết nó không cần giáng xuống chỗ đó tới hai lần vì không cần thiết. Tôi cũng không nghĩ rằng nàng thực sự muốn tìm lại người chồng đã bỏ nàng—chắc chắn hắn đã quất ngựa khi nghe nàng nói về đứa bé—và tôi cũng không nghĩ rằng nàng vì sợ hãi hay vì xấu hổ mà không dám trở về nhà chỉ vì cha và hai anh nàng lúc đầu đã muốn ngăn cản cuộc hôn nhân đó. Tôi nghĩ rằng nàng cũng mang, trong huyết quản, dù nhiều hơn, sự kiêu căng đen tối, ngu muội, bướng bỉnh, mà hai người anh của nàng đã mang tới đây phô trương trong suốt một tiếng đồng hồ trong ngày hôm ấy.

'Dù sao đi nữa thì nàng đã có mặt ở đó, và tôi nghĩ rằng nàng biết rõ số phận mình chẳng còn bao lâu nữa; và hắn có thể đã bảo nàng, 'Chúng ta nên kết hôn với nhau,' và nàng nói, 'Tôi không thể kết hôn với anh. Tôi đã có chồng.' Và khi cái ngày đó tới, nàng nằm ngã lưng trên tấm nệm tồi tàn, và hắn đút từng muỗng cho nàng ăn, và tôi giả dụ rằng nàng biết rõ mình không thể ngồi dậy nữa, và hắn đã đi rước bà mụ về và đứa bé đã chào đời, và nàng cũng như bà mụ đã biết rõ rằng nàng sẽ không rời tấm nệm nữa, và cuối cùng họ đã thuyết phục được hắn, mà cũng có thể rằng lúc đó nàng đã biết rõ rằng chẳng còn quan trọng nữa và nàng ưng thuận, và hắn đã cỡi con la bố đã để lại cho hắn sử dụng, và hắn đã vượt bảy dặm để tới nhà tìm mục sư Whitfield và lúc rạng đông Whitfield và hắn đã tới trại cưa, và Whitfield làm lễ cưới cho họ, và nàng đã qua đời, và họ đã chôn cất nàng. Và đêm đó hắn tới gặp bố tôi để xin nghỉ việc và để con la lại, và vài hôm sau tôi đến trại cưa và thấy hắn không còn ở đó—chỉ có tấm nệm gần mục nát và cái lò, và mấy cái dĩa và cái quánh mẹ đã đưa cho hắn, tất cả đã được rửa sạch sẽ xếp ngay ngắn trên kệ. Và mùa hè thứ ba, hai anh em nhà Thorpe—'

'Thorpe?' chú Gavin nói. Giọng chú không cao. Đêm xuống rất nhanh như ở quê nhà chúng tôi, và tôi không thể phân biệt nét mặt của chú. 'Cứ kể tiếp đi,' chú nói.

'Hai khuôn mặt rám nắng như nàng—thằng em giống nàng như khuôn đúc—lái xe ngựa tới với thừa phát lại hay cảnh sát trưởng hay cái gì đó, và tờ giấy đúng thể thức có đóng mộc và dán kín, và tôi nói, "Các ông không thể làm vậy. Cô ấy đã tự ý tới đây; đau yếu với hai bàn tay trắng, và hắn đã đón tiếp cô ta, đã nuôi nấng ân cần, đã tìm người để đỡ đẻ và một mục sư để chôn cô ta; thậm chí họ đã thành hôn trước khi cô ta qua đời. Bà mụ và ông linh mục có thể làm chứng.' Và thằng anh nói, 'Họ không thể làm như vậy. Cô ấy đã có chồng. Chúng tôi đã dàn xếp với anh ta.' Và tôi nói, 'Đồng ý. Hắn đã nhận đứa bé lúc không có ai tới lãnh. Hắn đã nuôi nó, cho ăn cho mặc trong suốt hai năm trời. Và thằng anh rút cái ví tiền để trong túi ra tới phân nửa rồi đút trở vô. "Chúng tôi sẽ thanh toán chuyện đó, tất nhiên—sau khi thấy đứa bé,” hắn nói. "Nó là máu huyết của chúng tôi. Chúng tôi muốn có nó và sẽ bắt nó." Và đó không phải là lần đầu tiên mà tôi đã nghĩ rằng có nhiều chuyện trên cõi đời này đã không xảy ra như chúng cần phải xảy ra, và tôi nói với hắn, "Muốn lên đó phải mất ba mươi dặm. Các anh chắc cần phải ngủ qua đêm ở đây cho ngựa nghỉ ngơi lấy sức lại." Và thằng anh ngó tôi và nói, "Ngựa chưa mệt. Chúng tôi không cần nghỉ chân." "Vậy thời để tôi đi với các anh," tôi nói. "Nếu anh muốn," hắn nói.

'Chúng tôi đánh xe cho tới nửa đêm. Tôi nghĩ tôi sẽ tìm được một dịp để trốn dù phải đi bộ lên đó. Nhưng tới lúc tháo ngựa để đi ngủ thằng anh vẫn không nhúc nhích. "Tôi chưa buồn ngủ," hắn nói. "Tôi ngồi đây một lúc." Vậy là phải bó tay, và tôi đi ngủ và khi mặt trời mọc thì đã quá trễ, và lúc gần đứng ngọ chúng tôi tới trước cái thùng thư với cái tên không thể nào không nhận ra, và căn nhà hoang vắng không một bóng người không một tiếng động, cho tới khi chúng tôi nghe tiếng rìu và đi vòng ra sau nhà, và hắn ngước nhìn từ đống củi và thấy cái mà tôi nghĩ hắn đã chờ thấy mỗi khi mặt trời mọc đã từ ba năm nay. Bởi vì hắn không buồn nghỉ tay. Hắn bảo thằng bé, "Chạy. Chạy ra đồng tìm nội. Chạy," và bước thẳng tới gần thằng anh với cái rìu giơ cao và lưỡi rìu sẵn sàng bổ xuống và tôi chạy tới kịp lúc để giữ chặt cán rìu và thằng anh ôm chặt hắn và chúng tôi nhấc hắn lên khỏi mặt đất, giữ hắn lại, hay cố chế ngự hắn "Đừng, Jackson!" tôi nói. "Đừng làm bậy! Họ có quyền."

'Rồi tôi cảm thấy một vật gì bé tí đang bấu tôi và đá chân tôi; thằng bé, không một tiếng động, đang chạy vòng quanh tôi và thằng anh, ráng vươn cao hết sức để nện chúng tôi với một thanh củi Fentry đã chẻ. "Bắt nó đem ra xe," thằng anh nói. Và thằng em túm lấy nó; thằng bé cũng khó chế ngự chẳng thua Fentry, giãy giụa vung chân đá tứ tung không một lời khi thằng em nhấc nó lên, và Fentry chống cự như bốn người cho tới khi thằng em và đứa bé đã khuất dạng. Lúc đó hắn ngã quÿ. Người hắn mềm nhũn như thể xương đã tan thành nước, tôi và thằng anh để hắn xuống tấm thớt bửa củi như thể hắn không còn xương, tựa lưng vào đống củi đã chẻ, hổn hển, hai mép miệng sủi bọt. "Theo đúng luật lệ, Jackson," tôi nói. "Chồng nàng con sống."

' "Tôi biết," hắn nói. Tiếng nhỏ gần như thì thầm. "Tôi vẫn chờ. Có thể vì vậy mà tôi không chuẩn bị. Chẳng hề gì, tôi bình an."

' "Tôi lấy làm tiếc," thằng anh nói. "Chúng tôi chỉ được biết trong tuần trước. Nhưng nó là người của gia đình. Chúng tôi muốn nó về ở với chúng tôi. Anh đã nuôi nấng nó. Chúng tôi cám ơn anh. Mẹ nó cám ơn anh. Anh hãy cầm lấy cái này," hắn nói. Hắn lấy cái ví ra và đặt nó vào lòng tay Fentry. Rồi hắn xoay người lại và bỏ đi. Một lúc sau tôi nghe tiếng bánh xe ngựa chuyển hướng và bắt đầu lăn xuống đồi. Rồi tôi không nghe gì nữa. Tôi không biết Fentry có nghe thấy gì không.

' "Luật lệ là như vậy đó, Jackson," tôi nói. Nhưng chúng ta vẫn có thể cầu cứu. Chúng ta sẽ lên tỉnh tìm gặp Đại úy Stevens. Tôi sẽ đi với anh."

"Lúc đó hắn mới ngồi xuống tấm thớt, thẳng đơ, chậm chạp. Hắn đã bớt hổn hển, có vẻ khá hơn, ngoại trừ cặp mắt như đã mất thần. Rồi hắn giơ bàn tay cầm cái ví lên để chùi mặt với cái ví như thể nó là một cái mù xoa; tôi chắc cho tới lúc đó hắn không hề ý thức rằng tay hắn có cầm một vật gì, bởi vì hắn hạ bàn tay xuống và nhìn cái ví độ năm giây, rồi hắn thảy nó, không ném, mà chỉ thảy đi, như một nắm bụi người ta nhặt lên để xem thử—phía sau tấm thớt bửa củi, rồi hắn đứng dậy, hắn đi băng qua sân về hướng các lùm cây, đi thẳng tới trước mặt, bước từ từ không vội vàng, trông hắn chẳng cao lớn hơn thằng bé, rồi hắn khuất dạng trong rừng. "Jackson," tôi gọi. Nhưng hắn không nhìn lại.

'Đêm đó tôi ngủ ở nhà Rufus Pruitt và tôi mượn con la của hắn; tôi nói tôi muốn đi xem qua vài chỗ, thế thôi, bởi vì tôi không muốn chuyện vãn với ai cả, và sáng hôm sau tôi cột con la nơi cổng và bắt đầu đi lên đường mòn mà không nhận thấy lão Fentry đang đứng ngoài hiên. Và khi tôi ý thức sự có mặt của lão thì lão di chuyển quá nhanh để tôi có thể nhận ra cái vật mà lão đang cầm trên tay cho tới khi có tiếng "bốp" và tôi nghe các viên đạn chì vi vút trong cành lá và con la của Rufus Pruitt nhảy chồm lên cố hết sức để bứt dây cương hay siết cổ chính nó vào cái cọc.

'Rồi một hôm, khoảng sáu tháng sau khi nó đặt chân tới đây để tìm cách thanh toán các món nợ rượu chè, đập lộn, cầm nhầm gia súc của người khác, Buchsnort đang ngồi dưới mái hiên, say mèm và ba hoa như mọi khi, giữa đám sáu bảy tên đồng trang lứa đã bị nó chơi xỏ lá đánh đập, có khi nó cũng chẳng cần phải chơi xấu mà cứ nện chúng nhừ tử đúng theo luật tắc, đám tùy tùng khoái trá cười vang mỗi khi nó ngừng nói để thở. Và tôi, tình cờ ngước mắt lên, tôi thấy Fentry ngồi trên lưng con la của hắn ở khúc quành.

'Hắn chỉ ngồi im lặng tại cái chỗ đó, với ba chục dặm bụi bặm bám vào mồ hôi trên mình con la, và hắn nhìn Thorpe. Tôi không biết hắn đã ở đó từ bao giờ, lặng thinh, chỉ ngồi đó giương mắt nhìn Thorpe; rồi hắn và con la chuyển hướng quay về những ngọn đồi cũ mà tốt hơn hắn chẳng nên xa lìa. Ngoại trừ điều đó có lẽ giống như cái lối nói từ cửa miệng muôn đời của con người rằng chẳng có nơi nào an toàn để cho ta tránh sấm sét hay tình yêu. Và lúc đó tôi chưa rõ lý do. Tôi chưa phối hợp các tên họ. Tôi chỉ biết rằng Thorpe không xa lạ đối với tôi, và cái chuyện cũ thì đã xảy ra từ hai mươi năm trước mà tôi hầu như đã quên phứt, cho tới khi tôi nghe ban hội thẩm của ông bị trì hoãn. Tất nhiên hắn sẽ không bỏ phiếu thuận cho Brookwright được trả tự do... Trời đã tối. Chúng ta nên dùng bữa.'

Thế nhưng lúc ấy chúng tôi chỉ còn hai mươi hai dặm để trở về tỉnh, chúng tôi đang lái xe trên con đường lớn đầy sỏi đá; chúng tôi sẽ về tới nhà trong khoảng một giờ rưỡi, vì thỉnh thoảng chúng tôi có thể chạy với tốc độ ba mươi và ba mươi lăm dặm giờ, và chú Gavin nói một ngày nào đó các con lộ của Mississipi sẽ được tráng nhựa như đường phố của Memphis, và mỗi gia đình ở Mỹ sẽ có xe riêng. Chúng tôi đang lái nhanh.

'Tất nhiên hắn đã không thuận,' chú Gavin nói. ‘Bọn cùng đinh trên thế giới, bọn người bất khuất—chịu đựng và chịu đựng và chịu đựng mãi, ngày mai và ngày mai và ngày mai. Tất nhiên hắn đã không thuận bỏ phiếu cho Bookwright được tự do.'

'Cháu sẽ bỏ phiếu thuận,' tôi nói. "Cháu sẽ trả tự do lại cho Bookwright. Tại vì Buck Thorpe là một kẻ xấu xa. Hắn—'

'Không, cháu không thể làm như vậy,' chú Gavin nói. Chú dùng một tay ghì chặt lấy đầu gối tôi mặc dù xe đang lao nhanh, vệt sáng màu vàng của đèn pha rọi lên mặt đường vàng, côn trùng quay cuồng trong ánh đèn rồi bay vút đi như bong bóng. 'Không phải là Buck Thorpe đã lớn khôn, trưởng thành. Fentry sẽ không ngần ngại nã súng bắn vào kẻ đó, hệt như Bookwright đã làm, nếu hắn ở địa vị Bookwright. Nhưng bởi trong cái khối thịt đồi trụy vì bị ngược đãi mà Bookwright đã hạ sát, vẫn còn tồn tại ở đâu đó, có thể là không ở trong linh hồn, một ký ức của đứa bé ngày xưa đã mang tên Jackson và Longstreet Fentry, mặc dù tên đàn ông mà đứa bé đó đã trở thành không mảy may biết đến, ngoại trừ Fentry. Cháu cũng thế, cháu sẽ không trả lại tự do cho kẻ đã nã súng. Đừng bao giờ quên. Mãi mãi.'

 

_________________________

[*]Thomas Jonathan "Stonewall" Jackson (1824-1863) và James Longstreet (1821-1904), hai ngài đại tướng của miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865).

 

---------------------
Nguồn: William Faulkner, Knight's Gambit (New York: Vintage Book, 1978).

 

 

Đã đăng:

Evangeline [I-II]  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi không gặp mặt Don đã từ bảy năm nay và bặt tin hắn đã sáu năm rưỡi khi tôi nhận điện tín này: KIẾM ĐƯỢC CHO CẬU MỘT CON MA HÃY TỚI LÃNH TUẦN NÀY TỚ VỀ NHÀ. Không đắn đo, tôi suy gẫm: ‘Hắn nghĩ mình có thể làm gì với một con ma?’ ... [Bản dịch và lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Evangeline [III]  (truyện / tuỳ bút) 
Đêm đó, tôi thấy mình đứng ngay dưới một trong những cửa sổ hai cánh khép của ngôi nhà, trong bóng tối dày đặc của những lùm cây có những nhánh cây leo sum suê và tôi nghĩ, ‘Mi chỉ cần bước vào nhà. Nàng sẽ nghe và sẽ gọi. Nàng sẽ hỏi “Chị đấy phải không?”...’ [Bản dịch và lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Evangeline [IV]  (truyện / tuỳ bút) 
Chúng tôi trở xuống căn bếp đắm chìm trong bóng tối, ngồi đối diện nhau. “Và ông ta sắp chết,” tôi nói. “Ông ta đã ở trong tình trạng đó từ bao giờ?” ... [Bản dịch và lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Evangeline [V-VII]  (truyện / tuỳ bút) 
... “Chỉ có vậy”, bà lão mọi nói. Bàn tay bà nhô ra ngoài tấm áo choàng quân trang cũ và bẩn bà khoác trên vai, và cầm lấy bức chân dung. Bà chỉ liếc nhìn sơ trước khi đóng cái hộp: một cái liếc nhìn hờ hững hay đần độn, tôi không thể khẳng định... [Bản dịch và lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021