thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện tình

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

CRISTINA PERI ROSSI

(1941~)

 

Cristina Peri Rossi sinh năm 1941 tại Montevideo, Uruguay; từng là giáo sư văn chương, dịch giả và ký giả. Bắt đầu sáng tác văn chương từ năm 1963, bà xuất bản tập truyện đầu tay, Viviendo, rồi hàng loạt tác phẩm khác, và nổi danh như một nhà thơ, một nhà văn viết truyện ngắn, tiểu luận và tiểu thuyết, và một nhà đấu tranh cho nữ quyền. Từ năm 1972, bà bắt đầu sống đời lưu vong tại Barcelona, Tây-ban-nha. Bà đã cộng tác với những tạp chí El País, Diario 16El Periódico de Catalunya. Năm 1991, bà đoạt giải thưởng Premio Ciudad de Barcelona cho tập thơ Babel bárbara. Năm 1994, ba được trao tặng giải thưởng Beca John Simon Guggenheim cho văn chương hư cấu. Cristina Peri Rossi đã xuất bản hơn 30 tác phẩm, nổi tiếng nhất là những cuốn: La nave de los locos (1984) và Solitario de amor (1988).
 

___________________

 

CHUYỆN TÌNH

 

Nàng nói nàng yêu tôi và trao cả đời nàng cho tôi.

Thoạt tiên, tôi thật xúc động — đây là lần đầu tiên một điều như thế xảy ra trong đời tôi. Nhưng sau một lúc thì hai vai tôi bắt đầu đau nhức: chẳng thể nào có một cuộc sống nhẹ nhàng thoải mái được. Với bản tính ngoan ngoãn phục tùng, tôi mang cái gánh nặng ấy trên lưng và đi thẳng về phía ngọn núi. Cuộc sống của nàng được tôi giữ thăng bằng một cách vụng về, và đôi khi nó cọ xát vào hai bả vai tôi, khiến da tôi bắt đầu nóng lên, đỏ ửng, và mỏng đi. Khi một bên đã đau nhiều, tôi ưỡn lưng và cố đẩy sức nặng về phía bên kia.

Trước khi tôi hoàn tất đoạn đầu của cuộc hành trình, tôi phát hiện một chiếc xương sườn của tôi đã bị lệch và đâm vào dạ dày cũa tôi. Tôi lo lắng và muốn trút bỏ cái gánh nặng, nhưng nàng nghiêm trọng thề rằng nàng yêu tôi, và nàng sửa lại tư thế để hai vai tôi được thoải mái hơn.

Với khúc xương sườn đâm vào dạ dày, thật khó mà ăn uống hay cử động, nhưng tôi khám phá một cách mới để hít thở — tôi hít thở thành hai nhịp, nhịp thứ nhất thì chậm và cạn, nhịp thứ hai sâu hơn. Cách hít thở này cho phép tôi tiếp tục bước đi. Tôi để ý thấy trong khi tôi bước có nhiều người dừng lại để khen ngợi tôi. Lời đồn về tình yêu của tôi dành cho nàng đã lan ra và tôi trở nên nổi tiếng chút ít. Hai bàn chân tôi chảy máu và tôi vất bỏ đôi giày. Tôi ước ao được như một rùa biển khổng lồ với cái mai ngàn tuổi che chở cho cái lưng của tôi.

Dưới sức nặng của cuộc đời nàng, tôi bắt đầu khom lưng bước đi. Tôi không thể thấy bầu trời hay những ngọn cây, những con chim bay qua không trung, hay những con bướm chấp chới trong những ngày dông bão. Đôi khi tôi nhớ da diết những đám mây và những cầu vồng, nhưng tôi quen dần với cách đi lom khom và chỉ nhìn những thứ trên mặt đất.

Lúc đầu, khi tôi dừng chân bên bờ một con sông tinh khiết để uống nước hay để nghỉ chốc lát, nàng cho tôi đặt cuộc đời của nàng lên mặt đất (trong khi ăn uống tôi vẫn cẩn thận trông chừng nàng để nàng khỏi đi lạc hay bị người lạ mang đi mất). Bằng cách ấy tôi có thể nghỉ ngơi chút ít. Nhưng một hôm, khi tôi đang cõng nàng đi được một quãng, thì nàng tuyên bố rằng nàng quyết định không bao giờ rời khỏi lưng tôi nữa. Dưới sức nặng ấy, tôi không thể nhấc đầu lên để nhìn mặt nàng, nhưng nàng vô cùng cương quyết. Nàng nói quyết định của nàng nẩy sinh từ một tình yêu sâu sắc dành cho tôi. Lưng tôi cong oằn xuống, các bắp thịt tôi run rẩy, đôi chân tôi trầy trụa và những chiếc xương sườn tôi rệu rã đâm vào gan ruột, nhưng tôi được hưởng cái ân sủng tình yêu bất diệt của nàng.

“Nàng không thể tiếp tục đeo cứng vào tôi nếu tôi không muốn,” tôi thầm nghĩ trong lúc tôi chuyển sức nặng từ vai này sang vai kia cho đỡ nhức mỏi. Đã gần đến ngọn núi và tôi sắp bắt đầu một cuộc đi ngược dốc khủng khiếp. “Mặc cho nàng phản đối đến cách mấy,” tôi tiếp tục nghĩ, “tôi vẫn sẽ có thể đặt nàng xuống đất chốc lát để tôi uống nước hay ngủ, bất kể nàng khóc lóc hay van vỉ hay giả vờ đau yếu: tất cả điều mà tôi phải làm là lắc hai vai và nàng sẽ rời ra.” Nhưng tôi lầm. Khi tôi cố gắng hất nàng ra khỏi lưng tôi và đặt nàng xuống đất chốc lát, tôi mới khám phá ra rằng tôi không thể làm được. Các bộ phận của cơ thể nàng đã tiết ra một dung dịch màu vàng nhạt, một chất nhầy đã khô đi và dán chặt nàng vào tôi một lần và mãi mãi. Với sự cương quyết của một kẻ bị đoạ đày, tôi dùng hai tay cố gắng cạy chất nhầy đông cứng đã gắn chặt nàng vào tôi. “Vô ích,” nàng nói từ trên lưng tôi. “Tình yêu của em là vĩnh viễn, bất diệt, không thể nào phá vỡ. Nó chảy ra từ hai bầu vú của em và đông cứng lại ngay khi nó chạm vào anh. Chất kim loại gắn chặt vào các xương sườn của anh đã chảy ra từ tử cung của em. Giờ đây chúng mình không bao giờ rời nhau được nữa,” nàng nói với vẻ khải thắng.

Tôi vùng vẫy trong vô vọng, cố gắng thoát ra khỏi gánh nặng. Tôi chỉ làm chính mình kiệt sức hơn nữa. Giống như một con ốc sên vụng về chậm chạp trườn đi dưới sức nặng của cái vỏ, tôi cõng nàng trên lưng và lê từng bước chân miễn cưỡng. Thậm chí tôi nghĩ khi đến gần ngọn núi tôi sẽ hất tung cái gánh nặng vào những tảng đá cứng rắn, trơ trơ ấy. Nhưng tôi nhận ra ngay rằng, như một con thú điên cuồng, cùng lúc ấy tôi sẽ huỷ diệt chính mình.

Và như thế, tôi bắt đầu đi ngược dốc. Những chất nhầy từ các bộ phận cơ thể của nàng càng lúc càng tuôn ra nhiều hơn, tràn xuống hai bàn tay tôi và làm tê dại những ngón tay tôi. Những lớp chất nhầy ấy làm các phần của cơ thể tôi dính vào nhau, càng khiến tôi di chuyển khó khăn hơn. Tôi cảm thấy các chất nhầy của nàng tràn ra trên lưng tôi làm chúng tôi dính lại với nhau càng lúc càng chặt hơn.

Ban đêm tôi kiệt sức và vừa đi vừa ngủ thiếp từng chặp, thân thể ướt đẫm những thứ dung dịch thỉnh thoảng tràn ra từ hai nách, các lỗ chân lông, và hai chân của nàng. Một buổi sáng kia tôi chợp mắt và tỉnh dậy, thấy miệng tôi đã bị bọc kín bằng một cái rọ màu vàng dẻo quánh khiến tôi không còn nói được nữa. Trong khi ngủ, nàng đã tiết ra những sợi dai như gân bọc cứng lấy đôi môi tôi. Tôi vùng vẫy cố cắn đứt cái rọ miệng ấy, nhưng bất khả: tôi đành phải đi ngược lên dốc núi như một người câm.

Đó là một cuộc đi ngược dốc vô cùng cực nhọc. Lưng tôi càng lúc càng còng xuống. Tôi không còn trông thấy ai trên lối đi; nhưng không phải chỉ vì chúng tôi đang đi trong vùng xa xăm, hiểm trở của ngọn núi. Ngay cả nếu có một người nào đó gặp tôi trên cùng một lối đi, tôi cũng không hề biết, vì tôi phải cúi gằm mặt xuống dưới sức nặng ghê gớm trên lưng. Hơn nữa, chẳng còn ai nhớ đến tôi, và vì tôi quá gầy ốm, với tất cả xương xảu thò ra và những chất nhầy đã khô phủ lên thân thể tôi những lớp dày như cái mai rùa, tôi không nghĩ bất cứ ai còn ai nhận ra tôi nữa.

Tôi không còn lưu tâm về chuyện phải đi cho đến cuối hành trình. Đỉnh núi còn rất xa và tôi sẽ không bao giờ đi đến đó được nữa. Dẫu sao, tôi đã già rồi, hay ít nhất thân xác tôi trông đã quá già nua. Tôi biết chẳng bao lâu nữa tôi sẽ chết và tôi cố gắng ra hiệu cho nàng hiểu điều ấy. Càng lúc tôi càng gầy còm hơn, hai bàn chân tôi không còn da nữa, các lóng xương đang thò ra ngoài. Vì cái mai đã phủ trùm cả mặt khiến tôi không còn ăn uống hay nói được nữa, tôi ra hiệu cho nàng bằng hai cánh tay quờ quạng. Nàng lập tức an ủi tôi. “Em yêu anh,” nàng nói. “Em đã trao cả cuộc đời em cho anh; thì anh nỡ lòng nào không trao cả cuộc đời anh cho em?”

 

 

-----------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha: “Historia de amor”, trong Cristina Peri Rossi, El museo de los esfuerzos inútiles (Barcelona: Seix Barral, 1983).

 

Bức ảnh ở đầu trang:
Chân dung Cristina Peri Rossi (photo Martí Pons, 2006).

 

 

Đã đăng:

Theo dấu thời gian  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi đến một thành phố nơi tất cả trẻ con đều muốn biết thời gian chính xác. Chúng bước qua các đường phố với vẻ nghiêm trọng. Hai bàn tay nhét vào túi, nét mặt đăm chiêu, với dáng dấp của những người đang bận rộn vì công việc, chúng dõi đôi mắt xuống mặt đất, nhẩm tính từng giây, từng phút trôi qua... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Đàn bà là những cuốn sách phải được viết ra / trước khi chết / trước khi bị nuốt chửng / trước khi bị thiến... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Những lá cờ  (truyện / tuỳ bút) 
Một lá cờ được trao cho mỗi người chết. Một nghi thức đơn giản luôn luôn được cử hành theo cùng một cách tại nhà riêng, không có người ngoài qua lại ồn ào. Trước hết, hai viên sĩ quan đến báo tin buồn cho các thân nhân. Rồi họ bắt đầu chuẩn bị nghi thức trao cờ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Dấu chấm  (truyện / tuỳ bút) 
Lúc chúng tôi đến với nhau, nàng đã nói, “Em sẽ cho anh một dấu chấm. Nó rất quý báu — đừng để mất nó. Hãy gìn giữ nó để dùng đúng lúc cần thiết. Đó là vật quan trọng nhất em có thể cho anh; em làm thế vì em tin tưởng vào anh — anh đừng làm em thất vọng.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Giữa lưỡi gươm và bức tường  (truyện / tuỳ bút) 
Thật khó có kẽ hở nào để len lỏi giữa một lưỡi gươm và một bức tường. Nếu cố tránh lưỡi gươm, tôi phải lùi lại đến khi chạm bức tường, và cái lạnh của bức tường làm tôi đông cứng. Nếu tôi cố gắng lách ra khỏi bức tường để tiến tới, thì lưỡi gươm đâm vào cổ tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Vài tượng đang ngồi, đan áo, và thân thể chúng gắn liền với những chiếc ghế như một khối hợp nhất. Những tượng khác há miệng như sắp thốt lên một âm thanh nào đó hay định nói một điều gì. Những tượng ở xa nhất đang đứng tựa vào những tượng xưa cũ hơn. Chúng biểu lộ vẻ chán chường, thậm chí có vẻ rã rời... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Ađam và Êva  (truyện / tuỳ bút) 
Ađam đang sống rất sung sướng giữa cỏ cây hoa lá thì Êva đến và dụ dỗ ông ăn trái táo vì bà muốn giết ông để một mình bà làm chủ tất cả... Chúa Trời sáng tạo ra Êva từ một cái xương sườn của Ađam vì thấy Ađam buồn chán và cần có người để sai vặt... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thời gian chữa lành mọi vết thương  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi luôn luôn hối hả, đó là vấn đề tính khí. Khi tôi và nàng đoạn tuyệt với nhau, tôi đi thẳng đến một tiệm cầm đồ. Tôi cần có rất nhiều thời gian để đắp lên những vết thương, để chúng cầm máu và chóng lành... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Để tìm hiểu thêm về cuộc sống và bút pháp của Cristina Peri Rossi, xin đọc:

Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, chữ destierro (tạm hiểu trong Việt ngữ là “lưu đày” hay “lưu vong”) chứa đựng một ý niệm rất đặc thù nên khó có thể dịch thẳng ra một ngôn ngữ nào khác. Chữ này, với nghĩa đen là “bứng ra, tách ra, cắt ra khỏi mặt đất”, được hiểu như sự cắt đứt mối liên hệ giữa linh hồn con người và mặt đất. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021