thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những con chữ

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

ALEJANDRA PIZARNIK

(1936-1972)

 

Alejandra Pizarnik sinh tại Buenos Aires ngày 29 tháng 4 năm 1936, có cha mẹ là người gốc Do-thái, di dân từ Nga sang Argentina.
 
Bà học triết và văn chương tại đại học Buenos Aires, rồi say mê hội hoạ và bắt đầu vẽ, và trở thành một môn đệ của nhà danh hoạ Juan Batlle Planas. Những tác phẩm thi ca đầu tiên của bà gồm có: La tierra más ajena (Miền đất xa lạ nhất, 1955), La última inocencia (Sự ngây thơ cuối cùng, 1956), Las aventuras perdidas (Những cuộc phiêu lưu đã mất, 1958). Từ 1960 đến 1964, Pizarnik sống tại Paris, làm việc cho tạp chí Cuardernos và một vài nhà xuất bản của Pháp. Bà đăng thơ và tiểu luận trên nhiều tạp chí văn chương tiếng Pháp và Tây-ban-nha. Bà cũng say mê dịch Antonin Artaud, Henri Michaux, Aimé Cesaire, và Yves Bonnefoy, và nghiên cứu tôn giáo học và văn chương Pháp tại đại học Sorbonne. Trong những năm ở Pháp, bà xuất bản tập thơ Árbol de Diana (Cái cây của Diana, 1962). Sau đó, bà trở về Buenos Aires và xuất bản các tập thơ Los trabajos y las noches (Những công việc và những đêm tối, 1965), Extracción de la piedra de locura (Trích từ đá điên loạn, 1968), El infierno musical (Hoả ngục âm nhạc, 1971), và tập văn xuôi La condesa sangrienta (Quận chúa đẫm máu, 1971). Năm 1969, Pizarnik được trao tặng một Guggenheim Fellowship, và năm 1971 một Fulbright Scholarship.
 
Năm 1972, bà có triệu chứng bệnh tâm thần và phải vào nằm trong một bệnh viện. Ngày 25 tháng 9 năm 1972, trong lúc bà được phép về nhà nhân dịp cuối tuần, bà đã tự tử bằng cách uống quá liều thuốc seconal.
 
Alejandra Pizarnik viết truyện ngắn "Parablas" ("Những con chữ") vào năm 1964. Gần đây, truyện này đã được sưu tập cùng với nhiều truyện ngắn khác và xuất bản trong một toàn tập văn xuôi: Alejandra Pizarnik, Prosa Completa (Barcelona: Editorial Lumen, 2002).
 
Alejandra Pizarnik trước tiên và sau cùng là một nhà thơ. Ngay cả truyện ngắn của bà cũng được viết bằng một ngôn ngữ đầy chất thơ, như trong truyện ngắn dưới đây.

 

_______

 

NHỮNG CON CHỮ

 

Đợi mưa tạnh. Đợi gió đến. Đợi. Thốt lên. Vì yêu sự im lặng nên thốt lên những chữ vô dụng. Một sự thốt lên đau đớn, không lối thoát, vì yêu sự im lặng, vì yêu ngôn ngữ của thân xác. Tôi thốt lên. Ngôn ngữ của tôi vẫn luôn luôn là cứ lý cho sự im lặng. Đó là cách tôi diễn tả sự kiệt quệ không thể nói nên lời của tôi.

Cái trật tự quái ác này cần được đảo ngược. Những con chữ nên được dùng để quyến rũ người mà chúng ta yêu, qua trung gian của sự im lặng tinh tuyền. Tôi vẫn luôn luôn là kẻ im lặng. Những con chữ biện bạch, tôi đã nghe quá nhiều, bây giờ tôi lặp lại. Ai là kẻ đã ca ngợi những người yêu nhiều hơn là những người được yêu? Cái thiên hướng sâu sắc nhất của tôi: cạnh bén của sự im lặng. Những con chữ biện bạch, sự vỗ về của những nguyên âm. Đây là cuộc sống của tôi bây giờ: tiết chế, run rẩy trước mỗi tiếng nói, luyện những con chữ bằng cách triệu hồi tất cả những điều quái ác và bị nguyền rủa mà tôi đã nghe và đọc về những cách cám dỗ.

Sự thật là tôi đã kiểm điểm, phân tích và so sánh những ví dụ thu thập được từ sách vở và từ những người bạn tương lân. Tôi có thể chứng tỏ rằng tôi đúng, rằng tình yêu là đúng. Tôi đã hứa hẹn với chàng rằng nếu chàng yêu tôi, thì một nơi chốn đúng đắn hoàn hảo nhất sẽ là nơi chốn của chàng. Nhưng tôi đã không yêu chàng; tôi đã chỉ muốn được yêu bởi chàng mà chẳng phải bất kỳ ai khác. Khi tôi thấy khuôn mặt chàng lần đầu tiên, tôi đã muốn khuôn mặt ấy xoay về phía tôi vì tình yêu. Tôi đã muốn đôi mắt chàng rơi sâu vào đôi mắt tôi. Tôi ước ao được nói về điều này. Về một tình yêu bất khả vì không có tình yêu. Một chuyện tình không có tình yêu. Tôi nói sớm quá. Có tình yêu chứ. Có tình yêu, cũng giống như cách mà đêm hôm kia tôi đã bước ra ngoài và nói: có gió. Không phải là một câu chuyện không có tình yêu. Đúng hơn, một câu chuyện về những sự thay thế.

Có những cử chỉ đâm thủng tôi giữa hai đùi. Vì thế: nỗi sợ hãi và sự run rẩy trong bộ phận sinh dục của tôi. Tôi thấy khuôn mặt chàng dừng lại trong chớp mắt, khuôn mặt chàng đông cứng trong một khoảnh khắc khôn lường, khuôn mặt chàng, một sự tuyệt nhiên bất động, giống như sự thay đổi giọng nói khi thốt lên: "không". Bài thơ ấy của Dylan Thomas về một bàn tay ký tên lên trang giấy. Một khuôn mặt chỉ thoáng qua như bàn tay ký tên lên trang giấy. Tôi cảm nhận bằng bộ phận sinh dục. Sự lơ lửng; tôi được nhấc bổng lên; tôi bay. Một chữ "không", vì chữ "không" ấy mọi thứ đều bế tắc. Tôi phải sắp xếp lại trật tự cho sự rối loạn này. Một sự xáo trộn cho cái trật tự lạ lùng này của mọi việc. Trong khi chữ "không" vẫn tiếp tục kéo dài.

Tôi đang nói về một bài thơ đang đến gần. Nó đang đến gần hơn trong khi tôi bị giữ lại ở một khoảng cách. Sự mệt nhoài không ngưng nghỉ; sự rã rời không nguôi khi đêm — không phải bài thơ — đang đến gần và tôi ở bên cạnh chàng và không điều gì, không điều gì xảy ra khi đêm đang đến gần và không điều gì xảy ra và không điều gì xảy ra. Chỉ một giọng nói rất xa, một niềm tin huyền hoặc, một sự chờ đợi phi lý, cổ sơ, hướng đến những điều tốt đẹp hơn.

Gần đây tôi đã nói với chàng chữ "không". Ghê gớm. Quá sức. Tôi nói "không", khi tôi đã đau đớn chờ đợi nhiều tháng và khi tôi bắt đầu cái cử chỉ, khi tôi bắt đầu... một nỗi sợ hãi run rẩy, đau đớn, tổn thương, khao khát cùng tột (bất chợt nghĩ đến sự quan trọng của âm tiết "không").

 

 

-------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha, "Palabras", trong Alejandra Pizarnik, Prosa Completa (Barcelona: Editorial Lumen, 2002).

 

 

Đã đăng:

Và trên tất cả, nhìn đăm đăm với lòng ngây thơ. Như thể không điều gì sẽ xảy ra, chắc chắn là thế. / Nhưng mi là kẻ ta muốn nhìn ngắm cho đến khi khuôn mặt mi rời xa khỏi nỗi sợ của ta như một con chim rời khỏi cạnh bén của đêm tối... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Đằng sau ngôn từ là hỗn mang. / Tiếng hú không tới được bất cứ một thế giới nào... | Mi lựa chọn vết thương, nơi / chúng ta nói ra niềm im lặng của mình... | Ấy những tiếng nói của tôi ca hát / để họ khỏi hát, họ, / những kẻ mà buổi hừng đông xám chẹn họng... [Bản dịch Diễm Châu]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021