thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Láng giềng
“Hạnh phúc là chinh phục lớn nhất trong đời, cưỡng lại số phận đã được áp đặt lên kiếp người.”[1]
Albert Camus
(Thư cho một người bạn Đức quốc, 1948)

Tôi nói với ông láng giềng: tên riêng của ông, Tim, Timothy gọi tắt, tiếng Việt có nghĩa là "heart". Tim thích chí, cười ha hả, đấm vào ngực trái bồm bộp, rồi kéo tôi đi theo ông. Đến gốc dừa nhỏ mới trồng, ông vén lá ra. Dưới đáy cuống lá non trong cùng, có con nhái bén nhỏ xíu nằm im thin thít, hai mắt long lanh, láo liên. Tôi cũng thích chí, cười ha hả, đưa tay thoi nhẹ vào bụng Tim, cái bụng đồ sộ nằm bừa bãi trên thắt lưng. Tôi nói: You’re O.K. Từ hai ông láng giềng chúng tôi trở thành hai người bạn.

Tim thua tôi bốn tuổi. Vậy là năm nay ông cũng đã 65, tuổi về hưu. Nhưng ông nghỉ “cày” sớm hơn, từ năm mới 62. Gặp ông lần đầu, tôi không mấy thiện cảm. Mỹ trắng, gốc Hòa lan, da dẻ phốp pháp, ửng hồng, không râu nhưng tóc rậm, lượn sóng, bạc phơ. Người vừa cao, vừa mập, rất đồ sộ. Bắt tay ông, tôi đã có phản ứng e dè: bàn tay to tướng, mềm mại, âm ẩm. Hai vợ chồng Tim dọn đến đường này cả mấy năm sau chúng tôi. Nhà họ thật lớn, mái ngói mới tinh, tường vôi sơn quét hai màu, ngà và hồng, sáng sủa, bóng bẩy. Điều trước nhất khiến nhà tôi và tôi nghĩ rằng khó có thể gần gũi với những người láng giềng mới đến vì thái độ của họ đối với cây cỏ. Bao nhiêu cây lớn chung quanh nhà, như thông, như tràm, bị đốn xuống hết. Chỉ để lại một sân cỏ mênh mông, xanh mướt, trần trụi. Cây cối đẹp đẽ là thế mà bị cưa xuống, dồn thành đống bên đường cho xe rác bốc đi.

Từ lâu, tôi có thói quen xem sự dị biệt giữa mình và người khác, nhất là dân bản xứ, như chuyện đương nhiên. Chỉ cốt giữ sao cho được một liên hệ chừng mực và nhã nhặn là quá đủ, quá tốt. Không mong gì hơn.

Tuy thế, từ ngày được Tim vén cọng lá dừa chỉ cho xem chú nhái bén nằm thu lu dưới đáy cuống, tôi tự nhủ: Một người biết để tâm tới một con nhái như thế là một người “được” lắm. Nói như Mỹ, một người ... O.K.

*

Nhà tôi có thói quen nghịch ngợm thay đổi tên họ người ta ra một thứ têu tếu. Có những âm Việt tương đương với âm Anh, âm Pháp. Ví dụ: Clark Gable, tài tử gạo cội, trở thành ông “Quạt Gắp”, Charles Bronson trở thành “Sạt Bung Xung”, ông René, người Gia nã đại gốc Pháp, trở thành “Monsieur Renard” (Renard tiếng Pháp là chồn cáo), bà Ellen được gọi là bà Ái Liên. Nhà tôi gọi ông bà láng giềng Thomas là ông bà “Cà Chua”, vì Thomas giống chữ tomate của Pháp. Bà “Cà Chua” lại là người Pháp chính cống, quê đâu ở vùng Poitou, gần cả hai thành phố danh tiếng La Rochelle và Poitiers. Bà “Cà Chua” nhỏ con, bề ngang, bề cao gì cũng chỉ bằng nửa ông chồng. Tên Marie, gọi tắt là Mimi. Có một khoảnh đất trong vườn dành cho riêng bà. Ông Tim đóng cọc, căng lưới, dựng giàn, rắc vỏ cây dưới chân, rồi giao khoán cho bà. Mimi trồng một ngàn thứ trong khoảnh đất đó! Từ bông giấy đến chuối cho đến phượng vĩ. Nhà tôi nói riêng với tôi: “Trồng cây như vậy thì mở tiệm bán cây con mấy hồi!” Nhà tôi và bà Mimi có cùng sở thích, nhưng cách nhìn, cách trồng cây cỏ khác nhau, cho nên chỉ “dung” nhau mà thôi. Ông Tim và tôi có những sở thích khác nhau, rất khác, cho nên ai đi đường nấy, khỏi phải bàn cãi, đề nghị, xúi giục, hay thuyết phục lôi thôi gì nhau cả.

Ông Tim mê ... chơi xe lửa. Xe lửa tí hon (miniature trains) Cũng đầu máy, cũng toa này toa kia, cũng đèn, cũng chuông, cũng đường rầy sắt, cũng “ghi” để đổi hướng chạy. Nhưng bộ phận nào cũng bé tí xíu. Trước, tôi tưởng người ta mua các thứ ấy về, lắp ráp đại khái, rồi cắm điện cho chạy. Ông Tim không “chơi” chơi như thế. Ông “chơi” thiệt . Ông sưu tầm xe này máy nọ như người ta chơi tem, chơi đồ cổ. Với ông, không phải chỉ có mấy “goon” xe chạy trên đường rầy. Xe phải có lúc dừng ở nhà “ga” nào đó. Nhà “ga” đó, vào thời nào đó, phải như thế nào mới đúng kiểu, đúng từ cái mái cho đến cái cửa ra vào, đúng từ phòng đợi cho đến ... cầu tiêu. Ông cho tôi xem một cái “mô-đen”: trong cầu tiêu có cả chỗ ngồi, có cả giây giật nước. Ông cất cả ngàn cuốn ca-ta-lô in ra từ thuở ông và tôi còn mặc quần cụt (shorts), tức những năm của thập niên 30!

Đâu chỉ có dăm ba toa xe móc cái này sau cái kia. Chỉ mỗi từ miền Đông sang California đã có đến 3 hệ thống khác nhau: Union Pacific, Northern Pacific, Southern Pacific. Ngoài ra có những đường riêng của tiểu bang như Pennsylvania Railroad, như New York Central... Mỗi đường chạy, mỗi hệ thống, liên bang hay tiểu bang, đều khác nhau. Với hình dáng riêng, màu sắc riêng, phong cách riêng. Những sự riêng biệt này lại còn thay đổi, vài ba năm một lần. Cho nên Union Pacific 1935 khác với Union Pacific 1938, chẳng hạn. Tìm kiếm một cái gạt tàn thuốc cho toa hạng nhất New York Central năm 1950 ư? Ca-ta-lô New York Central 1950 có in hình cái gạt tàn thuốc ấy, với con số đặc biệt của nó cùng giá tiền (giá năm 2002!) Chỉ cần bốc phôn gọi, trả tiền bằng thẻ tín dụng, cái gạt tàn được gửi đến tận nhà. “Nghề chơi cũng lắm công phu”. “Nghề chơi” cũng tốn kém thì giờ và tiền bạc lắm. Láng giềng Tim mê chơi ... “choo- choo trains” là thế.

Hè vừa qua, tôi giúp ông di chuyển những thùng lớn, thùng nhỏ đựng vô số các thứ lỉnh kỉnh, từ “ga-ra” ra workshop. Không ngờ nhiều đến thế. Nhiều khiếp đảm. Bên ngoài mỗi thùng các-tông đều có ghi những gì ở bên trong. Tôi nghĩ thầm: đây là một tay có óc tổ chức ngoại hạng. Thế rồi, từ mấy tháng nay, Tim đóng giàn gỗ, đặt đường rầy. Xe lửa của ông không chạy khơi khơi kiểu ta thường thấy cảnh đồ chơi đêm Giáng sinh trên TV. Xe lửa ông chạy qua thành phố lớn, thị trấn nhỏ, leo núi, qua đèo, băng sông, vượt suối. Mọi phong cảnh, mọi tình huống, phải đúng đắn. Tôi hỏi: “Ông tính khi nào thì xong hết?” Tim nói: “Có lẽ sang năm.” Vậy là ông bỏ ra gần hai năm trời cho mấy đoàn xe lửa tí hon. Đúng là “Nghề chơi cũng lắm công phu”.

Vài ba tuần, tôi ghé qua, xem công việc của ông đã tiến tới đâu, Tim mừng lắm. Chỉ cho xem cái này cái nọ, tôi nghe không hiểu gì cả vì chuyện máy móc, điện điếc, quá phức tạp đối với tôi vốn là đứa không có khiếu khoa học kỹ thuật. Nhưng ông láng giềng nói thì cứ nói, và tôi thì cứ gật đầu tấm tắc. Tim tưởng rằng tôi thưởng thức cái khéo của ông. Sự thật, tôi tấm tắc không phải vì tôi thẩm thấu những gì ông mới làm mấy tuần qua, mà vì tôi cảm phục cái công lao, cái kiên trì, cái chăm chỉ của ông. Thấy tôi ố á như vậy, anh chàng khoái tỉ, lại càng chưng các thứ ra, lại càng giải thích. Đến một lúc nào đó tôi phải kiếm cớ rút lui. Bằng cách hỏi thăm Herman.

Herman cũng là một láng giềng, một con nhái. Không phải chú nhái bé như đồng xu 1 cent nằm dưới đáy cuống lá cây dừa nhỏ. Anh Herman này to lớn, bệ vệ hơn. Trong khoảnh đất của Marie có cái chuồng nhỏ đóng lên cột cao để chim vào làm tổ. Không thấy chim đâu, chỉ thấy anh nhái ngồi trong chuồng, lò đầu ra ngoài cái lỗ nhỏ. Ông Tim đưa tay vuốt má, vuốt cằm nó. Herman lim dim mắt, có vẻ khoan khoái. Tim phân trần: Có bữa, nửa đêm, xách đèn pin ra vườn xem thử, thấy chuồng chim trống rỗng. Sáng hôm sau, lại thấy cái đầu Herman lò ra ngoài lỗ. What does that mean? Thế nghĩa là sao? Ông hỏi rồi ông trả lời: “Thế có nghĩa là đêm hôm chàng đi đâu mình chẳng rõ, nhưng cu cậu biết về “nhà” sau đó. Chứng cớ là Herman vẫn trấn đóng nơi đây. Hà hà...”

Tim cười hà hà sau câu giải thích là lúc chúng tôi đã bước đến đường cái, và tôi ra về. Mỗi lần ghé xem công việc của Tim đã đến đâu, nhìn ngắm những họa đồ vô cùng tỉ mỉ, nhiêu khê của ông, nghe ông giảng giải, tôi chóng cả mặt. Nhưng trong lòng tôi thầm cảm phục sự gắn bó, nỗi say mê của ông, mặc dù cái thích, cái khoái của ông, tôi “hổng có ke” tí nào cả!

*

Nghĩ cho cùng, cái thích, cái khoái của tôi, ông Tim cũng “hổng có ke”! Viết lách như tôi, ông Tim không biết để làm cái chi. Ông hỏi tôi viết rồi đăng ở đâu, mỗi bài được trả bao nhiêu tiền, vân vân, cực chẳng đã tôi phải nói qua quít đôi lời về nền báo chí hải ngoại của người Việt. Ông nghe, ơ hờ. Tôi mừng thấy ông không lưu tâm gì lắm đến chuyện này nên vội vàng đổi đề tài. Chẳng lẽ lấy cái thú vị (?) sự viết lách của tôi đem lại cho bạn đọc so sánh với cái vui sướng công trình của ông láng giềng đem cho người khác. Tôi đã có dịp thấy tận mắt: Đầu máy hú còi, đèn xanh đèn đỏ chớp chớp, mấy cái “pít-tông” chuyển động, thụt tới thụt lui, rồi bánh sắt bắt đầu lăn lăn... Người lớn nghiêm trang mấy cũng phải cười toe, trẻ con thì vỗ tay đôm đốp, nhảy cỡn lên. So sánh thế nào được!

Ngày xưa, ông láng giềng của tôi chưa xong trung học đã vì gia cảnh lăn vào đời kiếm sống. Nhờ chút năng khiếu thiên về kỹ thuật, may mắn được Bell, hãng điện thoại khổng lồ ngày nay vẫn còn , nhận cho vào làm với đồng lương tối thiểu. Việc dạy việc, ông “cày” cho hãng trong mấy chục năm, leo lên đến “chuyên viên kỹ thuật hạng Nhất”. Rồi về hưu. Không giàu có, nhưng với tiền hưu trí và tiền già cũng đủ phương tiện để ở một ngôi nhà đồ sộ (nhà cửa đất đai vùng này rẻ hơn nơi khác nhiều), rồi còn xây thêm một căn phía sau, một workshop, cả ngàn bộ vuông, chỉ để có chỗ cho xe lửa chạy chơi. Nghe Tim kể chuyện, tôi mới phát giác ra rằng ông ta đã mê cái ông gọi là “choo-choo trains” từ thuở lên mười.

Tôi hình dung cái cảnh thằng nhỏ nhà nghèo, không tiền mua xe lửa điện đành đứng ngoài hè phố dán mắt vào tủ kính ngắm nghía những đầu máy xe nhỏ xíu, những đầu máy xe lửa có đủ cả trục, cả bánh, cả ống khói, cả cái chuông đồng sáng choang, thỉnh thoảng kêu leng keng, leng keng... Những ngày cuối tháng 12, cận lễ Giáng sinh, trời lạnh và khô, những bông tuyết nhỏ và xốp rơi lốm đốm trên mái tóc vàng thằng bé mải mê ngắm đồ chơi sau lớp kính dày...

Ngày nay, ông già với cái bụng bự và mái tóc trắng phau loay hoay thực hiện ước mơ của thằng nhỏ ngày xưa đó thôi. Có những bộ phận xe lửa tí hon nhỏ quá những ngón tay chuối mắn của ông già không cầm được phải cầu cứu đến cái nhíp thép, thứ bà Mimi ngày trước dùng nhổ lông mày! Mắt Tim còn khá tốt, nhưng lắm khi ông phải cần đến kính phóng đại. Nhìn ông láng giềng lui cui với những việc “ruồi bu” như vậy, một hôm tôi chợt vỡ lẽ:

Thuở hồng hoang, Sisyphus của thần thoại Hy lạp bị cực hình. Nỗi đọa đày của vị “anh hùng” (hero) là ngày ngày phải hì hục lăn tảng đá thật lớn, một boulder, lên núi. Gần tới đỉnh, đá lại rùng rùng lăn xuống chân núi. “Anh hùng” lại lò mò xuống núi, hì hục lăn đá lên lại. Lăn đá lên, đá lại lăn xuống, đời đời kiếp kiếp như vậy.

Chuyện chỉ có thế mà ông Albert Camus cũng viết được cả một tiểu luận từ lâu giới trí thức coi như tuyệt phẩm nói về phận người. Trong “Huyền thoại Sisyphus”, Camus viết rằng: “Những thần linh có lý phần nào khi họ nghĩ rằng không có trừng phạt nào ghê gớm cho bằng làm một công việc vô ích và vô vọng.”[2]

*

Tôi chắc chắn là láng giềng Tim cả đời chưa hề nghe nói đến huyền thoại Sisyphus. Tôi cũng chắc chắn rằng ông chả biết Camus là cha căng chú kiết nào. Tim không đọc sách có “chất lượng”. Ông chỉ dò ca-ta-lô để mua các bộ phận cho đoàn xe lửa mà thôi.

Tôi ngờ chừng nếu Tim biết ngày ngày tôi cầm cây bút để viết ra những chuyện “ruồi bu” như thế này, e rằng ông tức cười lắm. Ông sẽ bảo: “Để đấy cái đã, qua đây chơi choo-choo trains với tôi đi!”

(2002)

_________________________

[1]“Le bonheur est la plus grande des conquêtes, celle qu’on fait contre le destin qui nous est imposé.” Albert Camus, Lettre à un ami allemand, 1948

[2]“Ils avaient pensé avec quelque raison qu’il n’est pas de punition plus terrible que le travail inutile et sans espoir.” Albert Camus, Le Mythe de Sisyphe, 1943


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021