thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một chương tiểu thuyết bị từ chối

 

Đây là chương 7, trong phần I của tiểu thuyết NHỮNG KẺ CHẾT ĐUỐI. Nhà xuất bản đã yêu cầu loại bỏ chương này vì “sự hạn chế số trang”. Đây là một chương có nội dung gần như độc lập nên thiết tưởng không cần trình bày về mối quan hệ với cuốn tiểu thuyết.

 

...

 

Cơn bão lớn tràn qua lưu vực sông Tràng... Một thương thuyền lớn trên sông bị vỡ tan tành... Có một xác chết dạt vào bờ. Đó là một giáo sĩ...

Trong cái túi da sũng nước của người Tây Dương xấu số có những cuốn sách bìa bằng da in chữ ánh kim nhũ trông rất bí hiểm. Người ta không dám đụng đến, sợ mắc phải bùa chú, tà thuật gì, lại mang hoạ. Có một gã học trò bạo gan, thích những chuyện kỳ lạ đã đem về nhà, mở những trang sách ra dò xét từng ký tự lạ mắt mong tìm ra những bí mật. Gã thấy trong một cuốn sách có kẹp tờ giấy chữ Hán đóng triện son. Đó là bản chứng chỉ thông hành của triều đình cho phép giáo sĩ Đồ Tích-Thế được đi lại truyền đạo Thiên Chúa ở vùng duyên hải Bắc bộ. Những tập sách có lẽ là sách đạo của dân Tây Dương, trong đó có một tập chữ viết tay rất bay bướm. Chẳng biết làm gì với những cuốn sách đẹp mà không thể đọc được, gã học trò hong khô rồi cất cẩn thận trong chiếc tráp nhỏ. Khi gã học trò già và chết đi, những thứ đựng trong tráp bị thất lạc quanh vùng quê ấy. Mãi nhiều năm sau còn sót lại tập sách chép tay lưu lạc đến tay một thày giáo làng bên, một người ham sưu tầm các chuyện kỳ dị của vùng quê mình. Vị hương sư này đã nhờ một linh mục, là bạn học cũ của mình, dịch ra tiếng Việt cuốn sổ ghi chép. Đó là tập nhật ký viết bằng chữ La tinh của Joa Duciti (Gioa Đuy-xi-ti), phiên âm Hán tự là Đồ Tích-Thế, giáo sĩ Gia-tô giáo, người Bồ Đào Nha.

Tập nhật ký của Joa Duciti, vị giáo sĩ chết đuối trên sông Tràng, có viết những điều đáng đọc. Qua bao nhiêu thế hệ với những trận bão lụt, hoả hoạn, tập nhật ký chỉ còn một số trang với những đoạn người dịch có thể đọc và hiểu được. Những trang nhật ký trình bày theo cách ghi ngày tháng vào một cột lề bên trái như những bảng thống kê, nhưng gáy và các mép trang giấy đã bị huỷ hoại nên không còn thấy được ngày tháng của sự việc.

Nhật ký của Joa Duciti do linh mục Bùi Công Tính dịch theo văn phong chữ Việt ở thời của các nhà truyền giáo phương Tây đầu tiên đến nước ta, nên chúng tôi đã chỉnh lại để độc giả hiện nay dễ đọc. Có một số từ được dịch theo từ điển Việt Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh thời đó, như: muấn tức là muốn; Chúa Blời hay Chúa Lời tức là Chúa Trời ; v.v... chúng tôi chỉnh lại. Còn những từ ngữ nào tuy cổ nhưng xét thấy độc giả vẫn có thể hiểu được, chúng tôi giữ nguyên.

Những chú thích của người dịch, linh mục Bùi Công Tính (BCT) sẽ ghi kèm bên cạnh những từ ngữ cần thiết để độc giả tiện theo dõi.

 

ANNAM HÀNH ĐẠO NHẬT KÝ

Của giáo sĩ dòng Tên, Joa Duciti

 

Ngày...

... Miền đất này là nơi luyện ngục. Trời nắng nóng đến mức ta có cảm tưởng như máu trong người đang sôi lên. Vào buổi trưa, những con ruồi không để ta yên. Chúng bâu lấy ta như đám trẻ ăn xin. Còn khi mặt trời lặn, lũ muỗi là đám chiến binh Hồi giáo cảm tử lao vào mặt vào cổ và những nơi không che đậy trên mình ta. Cả bọn ếch nhái, côn trùng chết tiệt nữa. Chúng kêu váng lên thảm thiết như những kẻ đang bị hành hạ một cách oan uổng...

... Lạy Đức Giêhôva chí tôn, con đã đem đạo sáng của Người đến nơi tăm tối này. Nhưng xin đừng quở phạt con vì có lúc con nghĩ rằng, không hiểu Người phí thời gian để tạo ra những vùng đất bùn lầy tăm tối, những giống vật có hại làm gì. Lũ côn trùng vô tri, loài dã thú và đám dân ngu muội man rợ tàn ác luôn là vật chướng ngại trên đường hành đạo của Người. Con hiểu rằng Người làm như thế để dạy chúng con rằng hành đạo không như hái ăn một trái táo ngon trong khu vườn nhà.

Lạy Chúa, con là kẻ có tội...

 

Ngày...

...Công việc của đoàn truyền giáo thuộc phái Bồ không tiến triển được như mong muốn. Những giáo sĩ dòng Tên của Pháp đã lấn át chúng ta, muốn đưa một linh mục của họ lên đứng đầu giáo hội ở Annam. Họ bất chấp chứng chỉ cấp bởi Cha Michel dòng Augusti, đại diện toà giám mục Macao cho phép chúng ta được truyền giáo ở Bắc Hà. Họ cũng bất chấp cả điều hiển nhiên là miền Viễn Đông thuộc quyền giám hộ của giáo phái Bồ. Họ phải biết, cho dù có sắc lệnh của Vatican cử ai làm đại diện ở đây thì người đó vẫn cần được vua Bồ Đào Nha thừa nhận.

 

(Bỏ một đoạn về nội tình của Hội Truyền giáo ở Viễn Đông và những tranh dành ảnh hưởng giữa các giáo phái.)

 

...

Thật nực cười khi những giáo sĩ thuộc phe Pháp muốn độc quyền truyền bá đạo sáng của Đức Giêhôva. Lúc này, giáo sĩ của các phe phái đều bị nhà cầm quyền kỳ thị, cản trở. Lẽ ra phải cùng gạt bỏ mọi tỵ hiềm để lo việc chung của Giáo hội thì họ đã làm cho công cuộc truyền đạo Thiên Chúa ở đất Annam này thêm gian nan. Họ muốn chỉ mình họ được quyền mến tin Thiên Chúa, riêng họ được quyền là đầy tớ của Thiên Chúa để rồi khuyên dạy mọi người rằng “Hãy mến tin Đức Giêhôva thánh linh và coi các Kitô hữu là anh em”. Con e rằng các giáo sĩ Pháp đang mưu toan đưa người của họ dành quyền đứng đầu giáo hội ở Annam, sẽ không do dự mà bán đứng chúng con cho nhà cầm quyền bản xứ.

Hay đó cũng là cách mà đức Giêhôva chí tôn đặt chúng con vào một hoàn cảnh kỳ quái để thử thách chúng con?

...

Trời vẫn không mưa. Đêm qua ta mơ thấy tuyết rơi. Ta nhớ về châu Âu mát lạnh và khô ráo. Ta mơ thấy những vườn nho đang mùa quả chín. Những chùm nho mọng nước phủ một lớp phấn tinh nguyên.

Chúa ơi, con xin được chết cho sự nghiệp mở mang nước Chúa. Con muốn được như một chiến sĩ thập tự chinh phơi thây giữa nơi xa lạ, nơi mà không một người thân thích của con nghe nói đến, nơi mà chỉ có đám mây đen từ quê nhà bay tới nhận ra con và khóc trên xác con. Nhưng chỉ xin Chúa cho con vài ngày yên bình dưới bầu không khí trong sạch mát dịu ở nơi con đã sinh trưởng, để con như lại được chịu phép rửa tội, để con có thể quên đi cái nơi luyện ngục ghê sợ này với đầm lầy rừng rậm, với những loài thú dữ ăn thịt người, loài côn trùng hút máu người, với những con người ngây ngô, đần độn nhưng hung dữ và mê muội với những tín điều quái gở của họ.

...

Thực phẩm khan hiếm, trở nên đắt đỏ vô cùng. Hai tín đồ đã đem cho ta mười quả trứng tươi đặt trên lớp vỏ hạt thóc, gọi là “trau” (trấu - BCT). Họ nhìn ta cất trứng vào tủ thức ăn với ánh mắt thèm thuồng. Ta muốn trả lại giỏ trứng, nhưng hai người này chỉ là đại diện, có nhiệm vụ đem trứng gà của nhiều gia đình tín đồ góp cho ta. Mỗi bữa ta chỉ cho phép mình ăn một quả trứng. Đang có nạn đói. Ta đã thấy một giáo hữu khi giảng sách “Lê-vi ký” của Moise viết về các luật lệ và nghi thức dâng đồ tế lễ lên bàn thờ Đức Giêhôva; vị này đã nuốt nước miếng rất lộ liễu khi nói về việc giết mổ bò, dê, cừu:

“... lấy hai trái cật và mỡ... tấm da mỏng bọc lá gan của vật hiến tế... hoặc nấu trong lò, hoặc là chiên trên chảo, hoặc là nướng trên vỉ,... Những bánh nhỏ không pha men, chế dầu, bánh tráng bột lọc thoa dầu... thì phải ăn hết thịt con sinh tế nội ngày đã dâng lên, không nên để sót chi lại đến ngày mai...

Các con chiên ngồi bên dưới nghe giảng cũng nuốt nước dãi, tưởng tượng ra mình đang được hưởng bữa đại tiệc ấy.

...

Ta nhìn thấy những thân thể bạc nhược nằm vạ vật bên đường chờ chết. Nhưng ta biết chắc rằng những người đói khát kiệt quệ ấy khi đã có đức tin vào Chúa thì cái đói chỉ như một dịp để họ tỏ lòng trung thành với Đức Thánh Linh. Đức tin ấy đã khiến họ hân hoan đón nhận cái chết vì đói khát, vì dịch bệnh hay chiến trận.

 

Ngày...

Khi ra Bắc Bộ lần này, ta đã thấy triều đình ban lệnh phạt roi những người theo đạo Thiên Chúa. Trước đó, các giáo hữu còn cho biết người ta đã dùng nhục hình hành hạ đến chết những người không chịu cải giáo. Các Kitô hữu đó bị đem chôn sống hay đóng đinh trên những thập giá do chính mình phải dựng lên. Nhưng những điều ấy chỉ làm cho các tín đồ thêm can đảm và bất khuất để toàn thắng những cực hình dã man mà họ phải chịu.”Những kẻ ngoan cố ngu xuẩn và điên dại ấy chết là đáng đời!” Đó là lời lẽ của những quan toà bản xứ nói về những Kitô hữu đã tử vì đạo. Chúng ta rất tin vào những phẩm chất chí tín của dân bản xứ khi họ được cải giáo.

Trước khi ánh sáng Thiên Chúa rọi đến nơi tăm tối này, dân chúng ở đây thờ Phật Thích Ca. Các nhà học giả còn tôn thờ thêm một ông thánh có tên là Khong Khau còn gọi là Khong Tu (Khổng Khâu, Khổng Tử - BCT). Ông này là một triết gia cổ Trung Hoa đã dạy người ta phép cai trị quốc gia và những vấn đề lễ nghĩa trong xã hội. Những cuốn sách về tư tưởng của ông được dạy trong nhà trường như những giáo trình chủ yếu. Phật giáo, Khổng giáo cùng với các vị thánh thần khác ngự trị đất nước này từ hàng ngàn năm qua, khuyên nhủ các thế hệ dân chúng nhẫn nhục, chăm chỉ làm điều thiện, hướng về một tương lai xán lạn xa lắc đâu đó tận trên trời, mà không đem lại cho họ một cuộc sống tốt lành thực sự ở thời họ đang sống. Trong khi đó ngay trước mắt họ, những kẻ làm trái với những giáo lý thì lại có một cuộc sống rất đầy đủ. Họ hoang mang, để rồi sẵn sàng đón nhận một tôn giáo khác khả dĩ giúp họ thoát khỏi tình cảnh tuyệt vọng. Vì vậy, trước khi các giáo sĩ Thiên Chúa giáo đến đây, trong con người dân bản xứ đã có sẵn những tính chất “Kitô hữu” rồi.

Vua chúa Annam cũng như các quốc vương phương Đông chỉ chú trọng đến việc củng cố ngai vàng và quyền lực để mưu lợi riêng cho mình và đám bầy tôi. Những kẻ cai trị đã bóc lột thậm tệ của cải sức lực và lừa gạt dân chúng làm họ ngu đần, kiệt quệ, mê muội. Khát vọng tự nhiên của người dân bị hạn chế đến mức tối thiểu. Chỉ còn lại chút bản năng súc vật là mong được ăn no. Bị ức chế từ đời này đến đời khác, họ trở nên hèn nhát, nhẫn nhục, ảo tưởng vào một cuộc sống tốt đẹp ở một thời thịnh trị tương lai. Họ khốn khổ mà vẫn thường nhật tụng:”Chúng dân được hưởng ơn mưa móc của thánh thượng”. Nhưng cái thời thịnh trị mà “tram ho” (trăm họ - BCT) được hưởng cuộc sống tốt đẹp tưới “nhuần mưa móc của chúa thượng” ấy không bao giờ có. Sự tốt đẹp ở đây chỉ biểu thị đơn giản là vật chất thô sơ, trong khi đất nước này chưa hề biết đến các công nghệ như ở Âu châu nên các sản phẩm xã hội rất ít và chất lượng thấp, không đủ phục vụ “tram ho”. Vì thế, sự tốt đẹp ít ỏi ấy chỉ đủ cho các đấng vua chúa. Tự do không thấy nói đến. Dân chủ là khái niệm mơ hồ được các học giả và quan lại dùng như thứ hoa văn trang trí trên mũ áo; chính xác hơn, đó là những hoa văn mờ nhạt thường làm nền trên những văn bản, sắc dụ của nhà vua. Trong những cuốn sách của các nhà tư tưởng Trung Hoa mà xứ này thường ứng dụng, viết rằng “Làm vua, quan phải thương nhân dân như con của mình”. Có vẻ liên quan chút ít đến nền dân chủ, vì ít ra con cũng có thể yêu cầu cha mẹ điều gì đó. Nhưng, ở nơi này, cha mẹ có thể đánh mắng, dùng hình phạt đối với con cái, thậm chí cả những trường hợp chúng không có lỗi. Và cha mẹ cũng có thể tuỳ thích hạn chế, cấm đoán những yêu cầu hợp lý của con cái.

Tuy vậy, cho đến chết, dân chúng vẫn tin vào vua chúa, các đấng bề trên, ngay cả khi bị bề trên bán đứng, hay bị phản bội. Khi có một thần lực khác, một tôn giáo khác biết lợi dụng đúng lúc sự tuyệt vọng đến cùng cực của dân chúng, gieo vào tâm hồn u tối của họ một tín điều mới, họ sẽ không ngần ngại chết cho tín điều ấy. Ngay cả khi có một Ma đạo xuất hiện, người ta cũng tin theo. Điều này chính ta đã chứng nghiệm. Chiếc tầu của Công ty Đông Ấn mà ta có mặt trên đó khi qua eo biển Malacca đã bất ngờ gặp một trận bão khủng khiếp. Nhiều tầu bè đã bị đắm trên eo biển này. Những Kitô hữu trên tầu cùng quỳ xuống cầu xin đức Giêhôva cứu mạng. Bão vẫn không ngớt. Cột buồm phụ bị gãy. Những tín đồ Phật giáo trên tầu kêu cầu Đức Phật tổ của họ. Có tiếng ầm ầm khủng khiếp. Cơn sóng cao như núi trườn qua sàn tầu quật đổ cột buồm chính. Các tín đồ Hồi giáo sụp xuống cầu cứu Allah. Cơn bão hung hãn hơn. Đến lượt ta và các đạo hữu kêu gọi Chúa Giê-xu và đức Mẹ Maria. Bánh lái tầu bị vỡ. Trong khi chờ con tầu tan tành và chìm nghỉm, mọi tín đồ đều lẩm nhẩm trong miệng như là họ đọc lên bài kinh riêng của tôn giáo mình, bài kinh cầu cho linh hồn được siêu độ. Bão đột ngột tan rất nhanh như khi nó đến. Sau này, khi mọi người đã hoàn hồn, trong bữa tiệc lễ tạ ơn đấng Thượng đế, có tiếng thầm thì trong đám hành khách và thuỷ thủ đoàn rằng, vì không được các đấng Tối Cao cứu giúp, trong cơn tuyệt vọng, mọi người đã đồng tâm khẩn cầu các loại Quỷ vương trong tôn giáo của họ gồm Satan, Lucifer, Ma vương, v.v...

Vậy thì tại sao không đặt ngay tượng Thiên Chúa lên các bệ thờ đã có sẵn trong những cái đầu ngu tín mê muội và tuyệt vọng ấy? Nếu biết có những nơi như xứ sở này, Đức Giêhôva sẽ dạy các Kitô hữu cách cải giáo cho bọn người mông muội, đang thờ tôtem, rằng: Khi các ngươi đến với chúng, thì hãy phế bỏ những ngẫu tượng hay những hòn đá sơn phết màu sặc sỡ trên bàn thờ của chúng, thay thế bằng tượng của ta, rồi bảo chúng rằng: Hãy bái lạy đi. Đây là vật tổ mới của các ngươi.

Chúng ta đã giảng cho họ về đấng thánh linh toàn năng. Thiên Chúa sẽ giúp cho những đứa con khốn khổ của Người được thoả mãn những khát vọng, dạy họ hành động trong sự bảo trợ của Thiên Chúa để dành lấy những gì cần cho cuộc sống hiện tại chứ không chờ đến ngày mai. Rằng, hãy bằng gươm đánh chiếm những thành trì thù nghịch, đặng hưởng súc vật và của cải trong thành.

Như lời Thiên Chúa truyền: Ngài sẽ ban mưa thuận gió hoà để đất sinh hoa lợi và cây ngoài đồng sẽ kết bông trái. Mùa đập lúa sẽ lần đến mùa hái quả, mùa hái quả sẽ lần đến mùa gieo mạ. Họ sẽ được ăn no, sống bình yên trong xứ mình. Họ sẽ ngủ ngon, không sợ ai đe doạ. Ngài sẽ diệt những loài thú dữ, và gươm giáo kẻ thù sẽ không đến xứ của họ. Khi họ giao chiến với quân thù, thì năm người của họ sẽ đánh được một trăm quân địch, một trăm người của họ sẽ đánh được một vạn quân địch. Trước mắt họ, kẻ thù sẽ gục ngã vì gươm giáo. Và họ sẽ yên ổn hưởng hoa lợi của mình.

Khi tin vào một tôn giáo có khả năng hiện thực kỳ diệu, họ sẵn sàng chịu đói khát khổ nhục tù đày và luôn mong được tử vì đạo. Họ sẵn sàng tiêu diệt những kẻ mà họ cho là tà giáo hoặc những kẻ mà bề trên nói là thù nghịch, bất kể kẻ tà giáo đó là ai. Như lời Thiên Chúa đã dạy:

“Khi anh em một mẹ với ngươi, hay con trai ngươi, hay con gái ngươi, hay vợ yêu mến của ngươi, hay bạn chí thân của ngươi, kín đáo xúi giục ngươi, bảo ngươi rằng: Hãy đi thờ các thần khác, thì ngươi chớ theo nó hay nghe nó. Mắt ngươi đừng thương nó. Ngươi chớ xót xa che chở nó mà ngươi phải giết nó...” (Kinh Thánh - BCT)

Vì họ tin vào lời của Đức Chúa Trời, rằng Ngài sẽ đưa dẫn họ thoát khỏi kiếp tôi mọi. Ngài sẽ bẻ gãy cái ách trên cổ họ, làm cho họ đi ngước đầu lên như trước kia Ngài đã làm như vậy cho dân Ysơraên khi những người này đang chịu đoạ đày ở xứ Êdiptô, dưới ách những Pharaông.

 

Ngày...

Những cuộc tranh chấp quyền lực trong cung đình ở kinh đô Thăng Long và cuộc chiến tranh thù hận dai dẳng giữa Chúa Đàng Trong và Chúa Đàng Ngoài hàng trăm năm đã làm đất nước kiệt quệ. Các quan lại và quý tộc thì coi đó là dịp thuận lợi để thăng tiến, củng cố quyền lực và làm giàu. Nạn đói và giặc cướp ở khắp nơi. Nhiều người chết đói. Những kẻ thường dân lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Nhân thể cũng nên nói về những thức ăn của người xứ này, theo quan sát của ta:

Cách đây một tuần lễ, một vị học giả là một nhà quý tộc có chức vụ cao trong triều đình, mời ta đến tư dinh ăn một món đặc biệt mà ông ta gọi là “goi ca” (gỏi cá - BCT). E rằng ta sẽ bị coi là kẻ bịa đặt đáng thoá mạ khi ta mô tả món ăn sau đây của người xứ này. Trước mắt ta, họ nhai nuốt những miếng cá còn sống nguyên kèm với vài món rau cũng để sống như món salad, và các gia vị. Ta đã toan nói rằng ta không thể dùng thực đơn của thời kỳ loài người chưa biết đến ngọn lửa của Chúa Trời. Nhưng sợ làm phật lòng chủ nhà nên ta chỉ xin được dùng món thịt gà nấu chín.

Thường dân có những món ăn giản dị hơn nhưng không kém phần ghê sợ. May cho ta không là một nhà thám hiểm phát kiến địa lý nên không phải làm vui lòng thổ dân bằng cách ăn uống những thức kinh khủng của họ. Trái lại ta còn có trách nhiệm dạy bảo các con chiên dã man mông muội của mình mọi điều gồm cả chuyện ăn uống.

Có một món ăn được coi như đại tiệc của dân thường vào lúc này. Họ ngâm bột gạo trong nước lã đến độ có mùi khó ngửi và vị chua, rồi chế tạo những sợi dài gọi là “bun” (bún - BCT). Họ trộn những sợi “bun” đó với một chất lỏng sền sệt như kem có màu tím sỉn chế từ một loài tôm rất nhỏ, được nghiền nhỏ trộn muối để trong những hũ đất nung ngoài trời cho thối rữa ra, gọi là “mam tep” (mắm tép - BCT). Rồi họ nhai nuốt hai thứ đó cùng với rau sống một cách khoan khoái. Cái hỗn hợp kinh khủng đó gọi là “Bun mam tep”.

Khi mới đến đây, ta được một giáo sĩ người Y-Pha-Nho đến trước cho biết, thường dân và cả các nhà quý tộc ở xứ này còn ăn thịt rắn, cóc, nhái, chuột và cả những con dơi, thậm chí họ còn giết ăn thịt những con chó và mèo nuôi trong nhà. Khi ấy ta đã nghĩ rằng vị giáo sĩ ấy miệt thị những người thổ dân hiền lành, bịa đặt ra câu chuyện ghê tởm ấy.

Nhưng sau đấy không lâu, chính ta đã thấy một con chiên của ta giết thịt những con chuột mà y bắt được bằng cách hun khói và dùng chó săn. Y làm thịt lũ chuột cầu kỳ, khéo léo như gã đầu bếp lành nghề chế biến một món ăn thượng hạng. Y nhúng bầy chuột chết vào nước sôi, làm sạch lông, moi ruột rồi nhồi vào bụng mỗi con một nắm lá gì đó. Y quấn buộc chặt mỗi con chuột bằng dây gai rồi đem luộc trong nước sôi. Khi những con chuột vừa chín, y vớt ra, dùng hai tấm gỗ ép cho thịt tiết hết nước. “Đó mới là sơ chế”, y bảo. Thứ thực phẩm thô ấy sẽ có thể chế thành các món chuột om, chuột kho với gừng, chuột chiên giòn, chuột nấu như món cari của người Ấn Độ.

Có một món ăn khủng khiếp hơn tất cả những thứ ta vừa kể. Nếu có ai đọc được những dòng này xin hãy tin ta.

Những người dân ở xứ Annam này coi máu tươi của một số loài vật như lợn, vịt, và đôi khi cả máu chó nữa, là món ăn ngon. Họ gọi là “tiet canh” (tiết canh - BCT).

Một lần ta giảng sách Lêvi cho các tín đồ. Đức Giêhôva truyền rằng: “... Các ngươi chẳng nên ăn huyết, hoặc của loài chim, hay của loài súc vật. Phàm ai ăn một thứ huyết nào sẽ bị trục xuất khỏi dân sự mình.” Ta thấy các tín đồ ngơ ngác nhìn nhau, rồi xì xào bất bình.

Ta cất giọng hỏi: Các con muốn nói gì khi nghe những lời khuyên ấy của Thiên Chúa?

Một người đàn ông đứng lên, vẻ mặt ngây ngô lo lắng: “Xin cha tâu xin với Thiên Chúa cho chúng con được ăn ‘tiet canh’ lợn, ‘tiet canh’ vịt, ‘tiet canh’ chó, cùng là được uống máu của những con rắn, con dê, con chim sẻ pha với rượu, cũng như được nấu chín những huyết đó để ăn, vì đó là những thức rất bổ và ngon.” Rồi y hớn hở mô tả cho ta nghe cách chế món “tiet canh” vịt. Theo y, đó là một món ăn có chất tươi mát của huyết vịt, có sự mềm dịu ngọt của tim gan và thịt vịt băm nhỏ, với chất dòn của những mẩu xương sụn, vị béo ngậy của những hạt lạc rang và cả mùi thơm tinh tế của các loại rau gia vị. Trong khi y mô tả món ăn ghê gớm đó, các con chiên khác nuốt nước miếng.

Ta phải cố nén cơn buồn nôn nhắc với các tín đồ rằng, từ nay không được ăn uống huyết các loài chim và súc vật nữa, vì Thiên Chúa đã ngăn cấm điều ấy.

Đói khát triền miên đeo đẳng bao nhiêu đời nay, khiến họ luôn thèm ăn. Họ có thể ăn những thức ăn của gia súc, những thức vô bổ, thậm chí có hại, chỉ cần không chết người ngay sau khi ăn.

 

Ngày...

Ta sẽ ghi lại những đặc điểm của đất nước này với những điều mà các giáo sĩ cần phải biết, để công cuộc truyền giáo được thuận lợi hơn.

- Về Lịch sử: Ta ngạc nhiên khi biết rằng lịch sử nước này gồm những câu chuyện hoang đường truyền miệng có kết cấu thô sơ, với những tình tiết phi lý. Có cả những truyện thần tiên không có văn bản, chỉ lưu truyền trong dân chúng do những bà già nhà quê kể bên bếp lửa cho lũ trẻ nghe vào những đêm mùa đông. Có cả những câu chuyện khôi hài tục tằn thô thiển do đám trai làng chưa vợ đêm đêm kể cho nhau nghe trong những trạm gác, gọi là “diem canh” (điếm canh -BCT). Ví dụ, ông tổ của người xứ này thuộc giống rồng, một con vật giả tưởng của người phương Đông, hình dáng như con rắn lớn, thân có vẩy cá, bốn chân có móng vuốt, đầu mang cặp sừng hươu, và bộ mặt sư tử, nhưng không có cánh như con rồng trong Thánh Sử mà thánh Gioocgiơ đã giết. Loài rồng này phun ra nước, khác với con rồng phun ra lửa của thánh Gioocgiơ. Ông người Rồng trong lịch sử Annam ấy, lấy một nàng tiên làm vợ. Nàng tiên đẻ ra một trăm quả trứng. Những quả trứng nở thành một trăm người con; gồm năm mươi con trai và năm mươi con gái. Rồi không hiểu sao họ chia tay nhau. Ông Rồng đưa năm mươi con xuống biển. Còn bà Tiên đưa năm mươi con lên rừng. Đó là nguồn gốc các dân tộc của đất nước này.

Người cho ta biết chuyện đó là một vị quan nhân có học vấn cao. Ta bảo, ta muốn nghe ông nói về lịch sử chứ không phải chuyện cổ tích. Vị quan nhân không hài lòng, bảo những điều kể về ông Rồng ấy ở ngay phần đầu của bộ chính sử uy tín nhất. Đó chính là lịch sử của đất nước này. Ông ta muốn rằng ta hãy tin, cũng như ông ta và mọi người ở xứ này đã tin như thế. Ta đành gật đầu. Vị quan nhân nói về mười tám đời vua đầu tiên khi hình thành nhà nước. Mười tám đời vua này đều có tên là “Hung Vuong” (Hùng Vương - BCT), nghĩa là Vua Dũng Mãnh, kéo dài trong hơn hai nghìn năm. Ta hỏi: “Sao chỉ có 18 vị vua mà triều đại kéo dài tới hơn hai nghìn năm, vậy mỗi vị vua Dũng Mãnh ấy sống trên ngai vàng của mình được bao nhiêu năm?” Ông hỏi lại ta:

“Sao trong Kinh Thánh của các ông nói có người sống đến hơn chín trăm tuổi?” Ông ta muốn nói đến nhân vật Mê-tu-sê-la trong kinh Cựu ước, người đã thọ đến chín trăm sáu mươi chín tuổi. Ta đành chịu thua.

Vị quan nhân nói về lịch sử chống trả những cuộc xâm lăng của các đế quốc: Có một chú bé con ở đời vua Dũng Mãnh thứ sáu, lên ba tuổi, bị câm. Khi có giặc ngoại xâm, vương quốc nguy ngập, đứa trẻ bỗng nói được, xin nhà vua cho ra trận. Chú bé cưỡi con ngựa đúc bằng sắt, một mình đánh tan quân giặc rồi cùng ngựa bay lên trời, biến mất.

Một đoạn sử nữa: Đời vua Dũng Mãnh thứ mười tám, có nàng công chúa rất đẹp. Một vị thần Núi và một vị thần Nước cùng đến xin cưới công chúa làm vợ. Thần Núi được làm phò mã vì ông này đã đem những món lễ vật lạ đến sớm hơn. Thần Nước tức giận, hàng năm tiến hành những cuộc đánh ghen dữ dội bằng cách gây bão lụt cho miền Bắc xứ này.

Ta lại quên, nghĩ rằng mình đang phải nghe những câu chuyện cổ thô thiển đầy những điều phi lý, trong khi hàng ngày ta giảng Kinh Thánh cho các con chiên nghe, có những chuyện còn ly kỳ hơn, nên ta đã yêu cầu vị học giả bản xứ nói cho nghe lịch sử thật sự. Ông này lại một lần nữa bực bội nói rằng ông vẫn đang nói cho ta nghe lịch sử của nước mình, rằng những điều ông nói đã được viết trong sử ký do các vị học giả danh tiếng của các đời vua chép lại. Những vị này gọi là Sử quan. Họ đều là những người có học vấn cao, phải qua những cuộc thi rất khó khăn trước khi làm quan. Sử quan luôn được ở bên cạnh nhà vua, hàng ngày được chứng kiến những sự việc trong triều đình để viết vào sách sử. Sử quan là người có tư cách và bản lĩnh, dù bị đe doạ đến tính mạng, vẫn chỉ viết sự thật.

Trong lịch sử còn có con rùa giúp một ông vua xây thành trì bằng đất và cho vua một chiếc móng chân của nó để làm cung tên chống giặc. Một ông vua ở vào đời sau này cũng được rùa cho thanh kiếm đánh giặc. Khi giặc tan, rùa đòi lại kiếm.

 

Ngày...

Một điều ta nhận ra rất rõ là mọi người ở xứ này, từ vua chúa, quan lại cho đến thường dân đều rất kiêu hãnh về đất nước của họ. Họ luôn cho rằng nước họ lớn và có nền văn hoá lâu đời. Lịch sử do các triều đại chép cũng bộc lộ điều này. Tên nước họ trong sách của người Trung Hoa và các văn bản quốc tế là Annam. Sau này người phương Tây gọi là Đông Dương, là tên gọi chung của các quốc gia Annam, Ai-lao và Khơ-me thuộc bán đảo Đông Dương. Nhưng trong sử sách họ tự gọi nước mình là Dai Viet (Đại Việt) – nước Việt lớn, hoặc Dai Nam (Đại Nam) – nước lớn ở phía Nam, hoặc có thời người ta còn gọi là Dai Co Viet (Đại Cồ Việt) nghĩa là nước Việt rất to lớn. Có một ông vua tự xưng là Van Thang Vuong (Vạn Thắng Vương) sau khi dẹp được 11 lãnh chúa đối địch với mình, tên hiệu ấy có nghĩa đó là một vị vua đã đánh thắng 10.000 trận. Ta đã hỏi vị học giả bản xứ, có đúng vị vua ấy đã thắng nhiều trận như nhiều vậy. Ông ta bảo, tên hiệu của nhà vua kia đặt theo sự tôn vinh của dân chúng và có ý nghĩa kiêu hãnh. Ta thì nhớ đến câu chuyện về một người tên là Gulliver trong tác phẩm”Gulliver du ký” của Johnathan Swift khi anh ta lạc đến xứ tí hon, thấy vua quan xứ Lilliput của những người thân hình nhỏ bằng ngón tay út, quốc gia lớn bằng vài thửa ruộng, nhưng vẫn tự cho đất nước mình và vua của mình là rất vĩ đại dưới bầu trời này.

 

Ngày...

Trên bản đồ, nước Annam có hình dáng dài và hẹp như một lớp vỏ mỏng sù sì của phần Đông Nam châu Á, trông giống hình một con sâu đói khát đang cố gặm vào một trái cây héo úa. Phần đầu và đuôi rộng lớn hơn nhưng không đáng kể. Có quá nhiều núi non hiểm trở, rất ít bình địa nên việc giao thông và canh tác không thuận tiện. Bờ biển dài suốt theo chiều dọc đất nước nên nghề đánh cá và đi biển sẽ phát triển nếu như dân nước này thông minh và biết tổ chức. Đáng lẽ họ phải có những nhà hàng hải tài ba và hải quân hùng hậu như những đế quốc trên mặt biển như Anh quốc, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Tổ tiên của họ cũng đã từng mở rộng lãnh thổ bằng những cuộc chinh phục các bộ lạc phía Nam, nhưng chủ yếu bằng đường bộ. Khi di chuyển trên mặt nước họ dùng những thuyền nhỏ bằng gỗ hoặc đan bằng tre. Nhiều nơi vẫn còn loại thuyền độc mộc. Người ta dễ dàng nhận ra một điều: Các vị vua chúa ở đây có những tham vọng vô tận về hưởng thụ, còn năng lực cai trị thì rất thấp kém. Những cuốn sách nói về công cuộc truyền đạo Ki-tô và sự thâm nhập vào xứ này cho biết các nhà truyền giáo phương Tây và những nhà buôn, những nhà ngoại giao như giám mục Lefebvre, giáo sĩ Benigne Vachet, thương gia Pierre Poivre,... khi đến đây đều phải sắp sẵn những món quà giá trị tuỳ theo các cấp từ bậc vua chúa đến các quan địa phương. Làm cho các quan chức hài lòng thì có thể thực hiện khá dễ dàng mục đích, cho dù là việc gây thiệt hại cho thần dân của họ. Nói “khá dễ dàng” có nghĩa là các vị khách ngoại quốc cũng gặp không ít những trở ngại do sự dốt nát, lòng tham lam vô độ và thói tư lợi của các quan chức, trong đó cũng kể đến cả vợ con của các quan lại. Họ có khi còn gặp phải sự phản phúc lật lọng nữa. Pierre Poivre, một thương gia Pháp, đã viết trong cuốn sách kể về chuyến đi đến xứ Annam: “Chúa Nguyễn, người đứng đầu nhà nước phía Nam, sống giữa những tên ăn cắp đã chia sẻ với ông thi thể của một đất nước nghèo nàn”.

... Bằng các vật phẩm và thủ đoạn tầm thường, những kẻ cơ hội có thể chiếm được lòng tin từ bậc quốc vương, đại thần đến các hạ quan. Một giáo sĩ phương Tây, linh mục Rangel trưởng dòng Tên, đã gần gũi vị chúa thượng Trinh Tung (Trịnh Tùng - BCT) tới mức được ngài thân ái há rộng miệng cho xem chiếc răng mọc dị của mình, trong khi những thường dân và cả những quan chức hạng trung phải tìm cách biến cho thật nhanh thật xa nếu ngựa xe rước Chúa Thượng sắp đi qua con đường họ đang đi.

Đó là bất hạnh lớn nhất của dân tộc này.

 

Ngày...

Thiên tai liên miên đã phá hoại mùa màng, khiến những con người nhỏ bé yếu đuối luôn sống trong hoang mang lo lắng. Ta đã thấy những thổ dân như ngây ngô vô cảm trước một ngày đẹp trời. Họ lo âu quan sát thiên nhiên để có thể nhận biết những điềm báo trước của những thiên tai. Họ luôn bị đói khát, dịch bệnh hành hạ. Họ sống bên những loại cây cỏ độc hại, những loài thú dữ và những loại côn trùng gây bệnh. Tính mạng họ mong manh như loài kiến.

Sự khắc nghiệt của tự nhiên đã làm cho dân chúng ở đây có những thuộc tính đặc biệt. Ta thấy thương những người dân nhỏ bé khốn khổ. Họ đần độn chất phác với sự cần mẫn bền bỉ vô ý thức của loài côn trùng. Họ làm những túp lều nhỏ sơ sài bằng bùn đất, cành cây và cỏ lá để che mưa nắng. Họ dùng đất đắp những con đê dọc bên bờ sông để bảo vệ đồng ruộng. Từ trên mặt đê nhìn xuống cánh đồng thấy những mảnh ruộng nhỏ giống những miếng vá víu trên quần áo kẻ ăn xin. Những công trình nhà cửa, đê điều thô sơ của họ rất ít khả năng chống chọi với thiên nhiên vĩ đại và hung dữ. Ở xứ này có một loài sinh vật như những con cua nhỏ xíu thường thấy trên bãi biển có tên là “Da Trang” (Dã Tràng - BCT). Suốt ngày, giữa hai đợt sóng, những con Da Trang hối hả nặn cát thành những viên tròn xếp từng đống chờ cơn sóng biển tràn lên bãi cát xoá sạch, rồi chúng lại tiếp tục nặn những viên cát khác cho đợt sóng sau tràn lên xoá đi. Một công việc như là vô nghĩa mà chúng cần mẫn làm suốt cả cuộc đời ngắn ngủi của chúng. Không hiểu đó là cách kiếm ăn của loài côn trùng hèn mọn ấy, hay là chúng bị Thiên Chúa trừng phạt vì tội lỗi gì đó từ tiền kiếp. Những thổ dân ở đây cũng như loài Da Trang khốn khổ kia.

Ta đã đến truyền giáo cho dân chúng ở một làng nhỏ ven biển, phải chứng kiến một cơn bão lớn từ biển đổ bộ vào đất liền. Con đê bằng đất mỏng manh không chống nổi những đợt sóng biển hung hãn. Gió lớn và nước biển tràn vào làng mạc. Nước mặn ngập cánh đồng và những vườn cây ăn quả, làm sập đổ những túp lều. Bão tan, đám người khốn khổ thu nhặt những mảnh vụn tài sản còn lại, than khóc bên những người chết. Nhiều ngày sau vẫn còn có người đứng trên bãi cát ngóng đợi những người đi biển không trở về. Triều đình không làm gì đáng kể để giúp đỡ dân chúng, ngoài việc bắt họ đi đắp lại những đoạn đê vỡ. Cũng có nơi được phát chẩn chút lương thực nhưng bị bớt xén từ các cấp, đến tay những nạn dân không còn được bao nhiêu. Rồi sau đấy, triều đình lại vẫn thu thuế và bắt lao dịch làm dân chúng khốn đốn thêm.

Cuộc sống đầy bất công và bất trắc triền miên đã khiến người dân khốn khổ phải có những tính cách để thích nghi. Họ phải trí trá, láu cá, tráo trở để có thể sống được. Họ như những đứa trẻ vô thừa nhận, bị bạc đãi đã trở thành những kẻ trộm cắp, phạm tội một cách hồn nhiên.

...

(Bỏ một đoạn về phong tục tập quán làng quê như lễ hội, thờ cúng, ma chay và các nghề thủ công vùng châu thổ sông Cái, nơi giáo sĩ Joa Duciti đi qua.)

- Về Văn hoá: Vị quan nhân có học thức, người đã giảng cho ta nghe về lịch sử, cũng cho ta biết về văn hoá của nước này. Ông ta nói một cách hào hứng và kiêu hãnh về nền văn hiến chói lọi từ bốn nghìn năm nay của đất nước ông. Ta nghe ông, nhưng từ những quan sát trong suốt cuộc hành trình truyền giáo từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài, ta đã hiểu theo cách của ta. Đó là một hỗn hợp giữa nền văn hoá bản địa của thổ dân và nền văn hoá Trung Hoa. Họ không có chữ viết riêng, phải dùng chữ của người Trung Hoa gọi là chữ “Nho”. Rồi sau, từ chữ “Nho” ấy người ta chế ra một kiểu chữ viết tương tự, nhưng ngữ nghĩa khác đi, gọi là chữ “Nom” (chữ Nôm - BCT). Thứ chữ này cũng khó học như chữ “Nho” và thường gây lầm lẫn giữa hai kiểu chữ. Đó là điều đáng ngạc nhiên. Tại sao một dân tộc có lịch sử lâu đời như vậy lại không có chữ viết riêng của mình. Linh mục Alexandre de Rhodes người Tây Ban Nha gốc Do Thái khi đến đây truyền giáo, đã dựa vào nghiên cứu của một số giáo sĩ đến trước đó để soạn ra một kiểu chữ viết cho người Annam từ các mẫu tự La-tinh. Những giáo sĩ đến sau như chúng ta hiện đang sử dụng thứ chữ đó trong việc truyền đạo cho người bản xứ. Phải nói rằng đó là loại văn tự chưa hoàn chỉnh, vì nó lủng củng, luộm thuộm đầy những thiếu sót, tạo ra vô số những trùng lặp, đồng âm dị nghĩa, gây nhầm lẫn. Có nhiều quy tắc rất rắc rối, vô lý và cũng rất nhiều sự đại khái sơ sài đến ngạc nhiên đã khiến các giáo sĩ gặp rất nhiều khó khăn khi sử dụng thứ ngôn ngữ này. Ta nghĩ, đấy chính là một trong những ngôn ngữ dị biệt dưới chân tháp Baben ngày xưa mà Thiên Chúa tạo ra để loài người không thể hiểu nhau, phải đình chỉ việc xây ngọn tháp chọc trời. Một giáo sĩ người Bồ nản chí vì không sao ứng dụng được ngôn ngữ này trong việc truyền đạo, và vì những chuyện khó chịu khác, đã thốt lên trước khi xuống thuyền trở về Âu châu:

“Có lẽ dân xứ này đã xúc phạm tới sự thánh linh của Thiên Chúa. Họ đã bị biến kết thành thứ đá muối không thể hấp thụ biến cải được nữa, họ trơ trơ bất động trước mọi biến đổi và tiến hoá của loài người. Trong Kinh Thánh, Chúa đã trừng phạt dân thành Xêđôm tà nghịch như vậy.”

- Về tín ngưỡng: Họ tôn thờ rất nhiều loại thần linh, thờ cả những hòn đá, gốc cây, gò đất v.v... thờ cả ngẫu tượng, linga. Họ là tín đồ đa thần giáo, tạp tín, cuồng tín và suy cho cùng lại là vô thần. Bởi vì ta đã thấy ở xứ này, chỉ những kẻ khởi phát các tôn giáo mới tin tưởng vào các giáo lý do chính họ xướng xuất, tìm mọi cách thu nạp tín đồ, tìm mọi cách duy trì giáo hội của họ để vụ lợi. Còn những tín đồ dốt nát gửi mãi lòng kính tín vào một đấng mơ hồ nào đó mà vẫn thấy mình khốn khổ mãi, rốt cuộc không biết tin gì nữa, đã trở thành vô thần. Họ không có một hệ thống tư tưởng hoàn chỉnh mà là những triết lý thô thiển hỗn độn và lẩm cẩm, chịu sự chi phối của tư tưởng bảo thủ từ nước Trung Hoa khổng lổ ở phía Bắc. Nhà nước và luật pháp của họ cũng theo hình mẫu của triều đình Trung Hoa. Trong số đông, thường là ở những làng quê, có một vài người không học hành gì, nhưng có những khả năng đặc biệt vượt lên mọi người thường, như tài ăn nói trước đám đông, tài làm ra những câu vè, có những mưu mẹo vặt, có khả năng châm chọc giễu cợt người khác hoặc có sức khoẻ hơn người, thậm chí chỉ là người có thể ăn được rất nhiều trong một bữa ăn. Người như thế được dân chúng tôn phong là “Trang” (ông Trạng - BCT). Có trường hợp, các vua chúa cũng công nhận những “Trang” như thế, mặc dù theo luật lệ, “Trang” là học vị cao nhất trong những khoa thi do triều đình tổ chức để tuyển chọn những người tài giỏi. Khi đến một làng giảng đạo, ta đã gặp một ông “Trang” do dân chúng tôn phong. Đó là một gã nông dân gầy nhom vì đói ăn, nhưng nói luôn miệng những chuyện trên trời dưới biển khiến ta ù cả tai. Cuối cùng, “Trang” đọc mấy câu thơ mà ta không hiểu gì cả, rồi cười bảo từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng xin ta vài đồng xu để đi ăn món “Bun mam tep” kinh khủng mà ta đã biết.

 

Ngày...

Những việc làm quá nhiệt thành của các tín đồ Kitô giáo đã khiến công cuộc truyền giáo ở xứ này thêm khó khăn. Nhiều tín đồ xin bề trên cho họ được trừng trị bọn tà đạo như lời Thiên Chúa Giêhôva đã truyền dạy. Họ đã đập phá thần tượng của các đạo khác trong các chùa chiền. Có kẻ tự nộp mình cho nhà cầm quyền, táo bạo xưng là “Kitô hữu”, rồi lớn tiếng nói mình sẵn sàng chịu mọi khổ hình vì đạo. Y còn muốn Thiên Chúa thưởng cho mình danh dự tử vì đạo. Y bị các quan toà hành hình mà vẫn tươi cười. Những chuyện đó khiến những người cai trị xứ này tức giận, đã ban hành luật cấm ngặt đạo Giê-xu. Các giáo sĩ phải sống lẩn lút trong dân chúng. Trong khi ấy, mối bất hoà giữa các giáo sĩ phái Bồ và phái Pháp càng tăng. Ta mệt mỏi, chán nản và lo lắng.

Lạy Chúa toàn năng và nhân từ, xin hãy tha lỗi cho con, hãy ban cho con thêm nghị lực và lòng kiên nhẫn, để con có thể cùng các giáo hữu tiếp tục làm sáng danh Chúa ở nơi tăm tối này.

 

Ngày...

Linh mục Antonio Cavalho, vị phó của giáo phái Bồ trước khi đi Xiêm La, buồn rầu nói với ta:

“Ông hãy tạm lánh ra vùng duyên hải. Nơi ấy xa kinh đô, những luật lệ hà khắc của triều đình khó với tới. Nhưng nghe nói ở đấy cũng bất an, dân chúng đói khổ trở thành giặc cướp hoành hành rất dữ. Nếu thấy nguy hiểm, ông hãy tìm đường về Macao. Nhờ ơn trên, khi nào yên ổn, chúng ta sẽ trở lại đây.”

Ta im lặng nghĩ tới đấng Thánh Linh.

Ngày mai ta sẽ đi về phía Đông, theo một chiếc thuyền buôn của người Trung Hoa. Nhưng rồi sau đấy ta chưa biết sẽ làm gì. Ta hoang mang tột độ. Những cuộc phiêu lưu kỳ thú trên những tấm bản đồ cũ ố vàng... Những vần thơ về một miền đất lạ tươi đẹp đầy nắng ở phương Đông trong trí tưởng tượng của ta... Lòng mến tin vô bờ đấng Thánh Linh nhân từ và toàn năng. Những khát vọng cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Tất cả những thứ đó đâu rồi?

Nhưng tại sao ta phải phung phí tuổi trẻ, đến một nơi xa lắc để nhồi nhét giáo lý vào đầu những kẻ man rợ, những cái đầu u tối không thể nào hiểu được lẽ đạo sáng của Thiên Chúa? Họ đã có những thần tượng bằng gỗ, bằng đất để tôn thờ, họ đã hài lòng với cuộc sống của loài Da Trang trên bãi biển, cớ sao lại đánh thức họ dậy để họ phải chịu hình phạt, chịu tù ngục và cả chết chóc nữa?

Ta sẽ trở về làm một mục sư hiền lành bên những con chiên ngoan đạo, sống cho đến tuổi lẫn cẫn trong ngôi nhà thờ nhỏ của một làng quê yên ả bên bờ sông Tejo êm đềm (Con sông từ Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, chảy sang Tây Ban Nha - BCT). Hay là trở về cái xưởng gỗ của cha ta, sống yên ổn suốt đời bên những súc gỗ hiền lành, ngủ những giấc trưa không mộng mị trên đống mùn cưa và phoi bào êm ấm?

... Trời lặng gió, ngột ngạt. Đã mấy tháng nay không có mưa. Đất biến thành đá muối. Những cánh đồng cỏ dại khô xác. Giấc ngủ như một khổ hình trong lửa địa ngục với những ác mộng, những giấc mơ kỳ quái. Có lúc ta mơ thấy mình đẫm mồ hôi, trần như nhộng, nhảy múa điên cuồng với một bầy quỷ trong tiếng trống đập liên hồi của bọn dị giáo. Những cái trống lớn bằng gỗ sơn màu máu, bịt da trâu, khi gõ lên nghe tức ngực. Ta nhảy múa say sưa cùng bầy quỷ. Ta gào thét cùng bầy quỷ.

Đêm qua, ta mơ thấy Chúa Trời hiện ra rực rỡ trong luồng ánh sáng đỏ và khí nóng hoả ngục. Người cởi bỏ chiếc áo choàng trắng; bên trong, Người không mặc gì cả, mình đẫm mồ hôi như vừa từ trong nhà tắm hơi ra. Người loã thể như trong bức tranh trên vòm trần của nhà thờ Sistine ở Roma vẽ Người và Ađam. Chúa Trời định nói với ta điều gì đó nhưng khí nóng và lũ ruồi bu quanh mình khiến Người khó chịu, không nói nữa. Người thở phì phì, truyền cho ta dâng rượu nho ướp lạnh. Trong khi ta loay hoay không biết lấy rượu nho ở đâu thì Người đã biến mất. Lạy Chúa, xin tha cho con cái tội đã mơ mòng nhảm nhí.

 

Ngày...

Người chủ chiếc thuyền buôn Trung Hoa là một Kitô hữu. Y đã được thụ ân Thiên Chúa, đã đi nhiều nơi, nói thạo tiếng Annam và tiếng Y-Pha-Nho. Y tỏ lòng rất sùng kính đối với ta. Hàng ngày, trên thuyền ta giảng sách kinh cho y.

Con thuyền chở ta đang trôi trên một con sông khá rộng, nước đục ngầu. Người chủ thuyền bảo đó là sông Trang (sông Tràng - BCT) tên Việt, còn tiếng Trung Hoa của y nghĩa là Ruột. Có lẽ vì con sông có hình ngoằn ngoèo. Hôm nay, nhân khi thuyền dừng lại ở một làng ven sông để lấy nước ngọt và mua thực phẩm tươi, ta đã cùng người chủ thuyền nói với các thổ dân trên bờ rằng ta là người chăn chiên của Thiên Chúa, có ý định ở lại làng quê của họ để dẫn dắt họ theo đạo sáng của Chúa Trời. Nhưng đám thổ dân bé nhỏ mũi tẹt mình trần da vàng bủng đã cười ồ lên. Rồi một người lớn tuổi có vẻ là trưởng làng hay tù trưởng, nói rằng họ đã có quá nhiều các vị Phật, Thần, Thánh linh, và cũng đang có cả một ông Chúa, Chúa “Trinh” (Chúa Trịnh - BCT) mà không thấy sung sướng gì cả, nên họ chẳng cần thêm một vị Chúa hay thần nào nữa. Ta đã rất buồn nản về sự ngu muội của họ. Nhưng rồi người kia lại nói với một nụ cười tinh quái:

“Ông cố đạo thử đến cái làng cách đây một ngày đi thuyền nữa xem sao. Dân làng ấy chưa thờ Chúa, Phật, Thần, Thánh nào, họ cũng chẳng biết đến cả Trời, Đất nữa.”

Hình như đó là một câu khôi hài, nên nghe người này nói xong, đám thổ dân đã cười ồ lên bàn tán gì đó. Người chủ thuyền buôn cho ta biết, họ nói với nhau rằng, đến đó, ta sẽ bị lột sạch mọi thứ trên người rồi bị giết chết ném xác xuống dòng sông này. Đấy là nơi của bọn vô đạo, man rợ. Chúng chẳng có thứ tôn giáo gì để hoán cải, và cũng chẳng cần đến một sự cứu rỗi nào. Ta vô cùng thất vọng và quyết định sẽ không lên bờ hay đến bất cứ nơi nào của xứ này nữa. Ta sẽ về thẳng Macao.

Trưa hôm nay, ta đang ngồi nói chuyện với viên chủ thuyền, nghe có tiếng ồn ào. Gã thuỷ thủ vào báo họ nhìn thấy một cô gái còn sống đang trôi trên sông. Chúng ta cùng ra mạn thuyền xem. Cô gái còn sống, khoả thân, bị trói chặt bằng dây thừng trên tấm cánh cửa gỗ trôi cách thuyền chừng hơn chục thước. Cô gái ngồi cúi mặt, đầu tóc rũ rượi. Mớ tóc dài đen nhánh bị cắt nham nhở vẫn còn che được một phần thân thể trắng nõn và khuôn mặt nhan sắc. Có một tấm biển treo trước ngực cô gái viết những chữ gì đó. Ta khuyên viên chủ thuyền hãy cứu người bị nạn.

Y bảo: “Không nên can thiệp vào luật lệ của người bản xứ.”

“Luật lệ? Cô gái này bị phạm tội?” ta hỏi.

Chủ thuyền trả lời: “Cô ta ngoại tình nên bị dân làng trừng phạt.”

Ta lại khuyên viên chủ thuyền lần nữa: “Hãy cứu cô gái. Có thể ngoại cảnh đã khiến cô ta làm chuyện xấu xa ấy.”

Viên chủ thuyền lắc đầu: “Thưa Cha, không thể được. Ngay luật lệ của Thiên Chúa cũng cấm chuyện ngoại tình.”

Ta cố thuyết phục viên chủ thuyền: “Hãy cứu người nữ này như ngày xưa Chúa Giê-xu đã cứu người đàn bà ngoại tình khỏi bị đám dân thành Giê-ru-sa-lem ném đá chết.”

Viên chủ thuyền vẫn e ngại: “Thưa cha, chúng ta đang ở địa phận của những bộ lạc man rợ. Họ có thể giết chúng ta nếu thấy tục lệ của họ bị xâm phạm. Chúng con đã gặp nhiều người đàn bà như thế trên sông này.”

Cô gái trên tấm ván không hề nhìn về phía con thuyền. Có vẻ cô cam chịu hình phạt của đám đồng loại tàn ác, không hề hy vọng được cứu giúp. Người nữ ấy đã tìm cho mình cách giải thoát là cái chết. Có thể cô bị cưỡng ép phải làm vợ một kẻ đáng ghét và cô có một người tình rất yêu quý để có thể chết vì người đó. Nghĩa là cô cũng có một đức tin đủ thiêng liêng và lớn lao để chết vì nó, như xưa Chúa Giê-xu đã chịu đóng đinh trên thập giá vì đức tin của Ngài. Ta đành bất lực nhìn theo tấm ván mỏng manh đưa cô gái tội lỗi trôi xa dần. Đêm ấy viên chủ thuyền đã tỏ ra rất ân hận về chuyện bỏ mặc cô gái bị trôi sông. Y muốn xưng tội, nhưng ta bảo y không cần xưng tội. Nếu phải chỉ ra kẻ có tội thì kẻ đó chính là ta. Ta là kẻ chăn chiên mà không hiểu được lẽ đạo sâu xa huyền diệu vô biên của Chúa Trời. Hình ảnh cô gái trẻ tuyệt vọng chờ chết sẽ mãi đè nặng lương tâm ta.

 

Ngày...

Buổi chiều, phía chân trời ửng lên màu lửa và hiện rõ một khối mây tích khổng lồ đen kịt. Viên chủ thuyền nhìn trời lo lắng. Sắp có cơn bão lớn. Không khí đặc sệt và nóng đến ngạt thở. Đêm không một chút gió. Mặt sông phả hơi nước nóng của nồi hấp. Những cánh buồm không gió rũ rượi như xác chim chết. Thuyền đi bằng mái chèo. Đám thuỷ thủ chèo thuyền hát những câu ồ ề bằng thứ thổ âm Trung Hoa của họ, buồn và đơn điệu như ru ngủ.

Ta lại nằm mơ... Một cánh đồng rất rộng đầy hoa và cỏ non tươi... Trời rất xanh, rất sâu... Tiếng chim hót mơ hồ rất xa mà như xoáy buốt trái tim cô đơn của ta. Trái tim ấy đang lịm dần trong nỗi đau mà ngay cả Chúa toàn năng cũng không thể xoa dịu nổi...

Bóng hoa nở ra trên mặt đất

Mùa hát xướng đã đến rồi

Và tiếng chim cu vang trong xứ sở

Cây vả đang chín dần những trái xanh

Và nho trổ hoa nức mùi hương.

...

 

Trang cuối tập nhật ký có vài dòng khá rõ ràng, kiểu chữ Gothique cổ rất đẹp, bay bướm nắn nót những nét đậm như viết bằng bút lông ngỗng. Chắc hẳn đó là một ngày rất lặng gió, con sông Tràng không một gợn sóng như mặt nước hồ nên vị giáo sĩ có thể ngồi trên thuyền mà viết được như thế. Và ông đã linh cảm thấy một kết cục bi thảm cho số phận của mình nên đã dọn mình để viết ra những dòng chữ cuối cùng:

 

Ngày...

Tôi ngã xuống chân Người như chết. Nhưng Người đặt tay hữu lên trên tôi mà phán rằng:

“Đừng sợ chi, ta là đấng Trước Hết, và là đấng Sau Cùng, là đấng Sống, ta đã chết. Kìa, nay ta đã sống đời đời, cầm chìa khoá của sự Chết và Âm phủ. Vậy hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy, những việc nay hiện có và những việc sau sẽ đến...” (Câu này Joa Duciti chép trong sách “Khải huyền” của thánh Giăng - BCT).

...

 

Phần còn lại của tập nhật ký chỉ là những trang giấy ố vàng mủn nát, không có thêm dòng chữ nào nữa. Giáo sĩ Joa Duciti đã chết trong vụ đắm thuyền trên sông Tràng.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021