thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Con khủng long | Con cừu đen | Hai cái đuôi, hay nhà triết học đa nguyên | Nhật thực

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn,
riêng tặng những người thích viết và đọc truyện cực ngắn.

 

AUGUSTO MONTERROSO

(1921-2003)

 

Augusto Monterroso sinh tại Tegucigalpa, Honduras, ngày 21 tháng 12 năm 1921; lớn lên ở Guatemala, rồi tị nạn chính trị và sống lưu vong ở Mexico từ năm 1944, và trải qua những thời gian dài ở nhiều nước khác như Bolivia, Chile, Tây-ban-nha, Ý-đại-lợi, và Mỹ.
 
Augusto Monterroso lừng danh như một “thiên tài của truyện cực ngắn” (el genio del cuento corto),[1] và được xem như một trong những nhà văn lớn nhất và kỳ đặc nhất trong văn chương Mỹ La-tinh thế kỷ 20. Hơn thế, nhiều nhà văn lớn đã ca ngợi Monterroso như một “nhà văn của các nhà văn” (escritor de escritores).[2]
 
Ông có một tác phẩm được xem là ngắn nhất và nổi tiếng nhất thế giới trong loại truyện cực ngắn. Đó là truyện “El Dinosaurio” [“Con khủng long”], chỉ có một câu ngắn 8 chữ tiếng Tây-ban-nha. Nhà văn kiệt xuất của Ý-đại-lợi, Italo Calvino, trong Six Memos for the Next Millennium [Sáu bài giảng cho Thiên Niên Kỷ Mới (1985)], đã viết:
 
Tôi muốn biên tập một cuốn sưu tuyển những truyện ngắn chỉ có một câu, hay thậm chí một hàng chữ. Nhưng cho đến nay, tôi chưa từng thấy một truyện cực ngắn nào sánh nổi với cái truyện của Augusto Monterroso, nhà văn của nước Guatemala: "Cuando despertó, el dinosaurio todaví a estaba allí." [3]
 
[Tôi xin tạm dịch cái truyện ngắn gồm 8 chữ tiếng Tây-ban-nha này thành 8 chữ tiếng Việt: “Thức dậy, con khủng long vẫn còn đó.”]
 
Truyện cực ngắn bí ẩn này đã trở thành đề tài cho nhiều luận án tiến sĩ văn chương.[2]
 
Phê bình gia Dante Liano nhận định về Augusto Monterroso:
 
Monterroso dạy cho độc giả nhìn thế giới với một đôi mắt khác, đôi mắt đã vỡ mộng và đầy thương cảm của ông: một thế giới không có bi kịch, nhưng phần lớn là đáng tức cười khi tất cả được nói và làm. [2]
 
Gabriel Garcia Marquez nhận định về tập truyện cực ngắn Oveja negra y demás fábulas [Con cừu đen và những truyện khác (1969)] của Augusto Monterroso như sau: “Sự 'nguy hiểm' của tác phẩm này là ở cái minh triết tàng ẩn của nó và cái đẹp chết người của vẻ thiếu nghiêm trang.” [2]
 
Truyện cực ngắn là loại truyện mà các nhà xuất bản không thích đầu tư ấn hành, vì thế nhà văn chỉ viết vì mục đích văn chương. Monterroso nói: “Tôi là người may mắn nhất. Tôi đã được sống như chính tôi. Tôi đã tránh được những đòi hỏi của các nhà xuất bản.” [2]
 
Augusto Monterroso đã xuất bản 8 tập truyện cực ngắn, 9 cuốn tiểu luận, 1 hồi ký và 1 tiểu thuyết. Ông cũng là một dịch giả và đã xuất bản 1 tập thơ của J. M. Cohen do ông dịch sang tiếng Tây-ban-nha.
 
Augusto Monterroso đã nhận rất nhiều vinh dự cao quý, quan trọng nhất là: Premio Xavier Villaurrutia năm 1975 (giải thưởng văn chương cao nhất của Mexico), Aguila Azteca năm 1988 (huân chương văn hóa cao nhất của Mexico), Premio Juan Rulfo năm 1996 (Mexico), Premio Nacional de Literatura Miguel Angel Asturias năm 2000 (giải thưởng văn chương cao nhất của Gualtemala); Premio Principe de Asturias de las Letras năm 2000 tại Tây-ban-nha, v.v...
 
Ông qua đời tại Ciudad de México ngày 7 tháng 2 năm 2003, vì một cơn đau tim.

 

_________________________

[1]Luisa Gutiérrez Villar, “El genio del cuento corto”, Kena, XV, 333 (1977) México, p. 68.

[2]Caleb Bach, "Cavilaciones de un minimalista", Américas (1/1/2002). http://www.encyclopedia.com/doc/1G1-82381294.html

[3]Italo Calvino, Six Memos for the Next Millennium (Cambridge, Mas.: Vintage International, 1993), 51.

 

_____________

 

Dưới đây, tôi xin giới thiệu đến độc giả 4 truyện cực ngắn của Augusto Monterroso, với những bức minh hoạ của chính ông.

_____________

 

CON KHỦNG LONG

 

Thức dậy, con khủng long vẫn còn đó.

 

 

 

_____________

 

CON CỪU ĐEN

 

Ngày xưa, tại một miền đất xa xôi, có một con cừu đen.

Nó bị xử bắn bởi một đội hành quyết.

Một thế kỷ sau, bầy cừu hối hận đã dựng một tượng đài con cừu đen ấy ngồi trên lưng chiến mã rất tráng lệ trong công viên để tưởng niệm.

Từ đó, mỗi lần có một con cừu đen xuất hiện thì bầy cừu lập tức đem nó ra xử bắn để các thế hệ tương lai của những con cừu bình thường có cơ hội thực tập nghệ thuật điêu khắc.

 

 

 

_____________

 

HAI CÁI ĐUÔI, HAY NHÀ TRIẾT HỌC ĐA NGUYÊN

 

Giai thoại kể rằng có một nhà triết học đa nguyên mỗi buổi sáng thường tản bộ qua khu chợ đông đúc của một thành phố cổ. Vì nhà triết học được ca tụng như một người quán triệt cõi Tự Nhiên, dân chúng thường tìm đến ông để nhờ ông giải quyết những chuyện xung đột và những mối hoài nghi phức tạp nhất.

Một hôm, có một con chó xoay mòng mòng cực nhanh, cố gắng đuổi theo cắn cái đuôi của chính nó, khiến bọn trẻ nhỏ xúm đến chung quanh và cười lên ầm ĩ. Chứng kiến cảnh ấy, một số thương nhân lo lắng hỏi nhà triết học tại sao con chó hành động như thế, và liệu đó có thể là một điềm gở hay chăng.

Nhà triết học giải thích rằng con chó cắn cái đuôi của nó chỉ vì nó muốn bắt rận.

Nghe thế, sự thắc mắc của mọi người được thoả mãn, và họ an tâm quay về với công việc của họ.

Lần khác, một người chuyên thổi kèn quyến rũ loài rắn mở một giỏ đựng rắn cho quần chúng thưởng lãm. Trong bầy rắn có một con đang cắn cái đuôi của chính nó, khiến bọn trẻ nhỏ lo lắng và đám người lớn bật cười.

Khi bọn trẻ nhỏ lo lắng đến hỏi nhà triết học tại sao con rắn có hành động như thế, ông trả lời rằng một con rắn cắn cái đuôi của nó là biểu tượng của sự Vô Hạn và sự Tái Sinh Vĩnh Viễn của con người, mọi sự kiện và vạn vật, và đó là ý nghĩa của hình ảnh con rắn cắn cái đuôi của nó.

Một lần nữa, mọi người được thoả mãn và an tâm quay về với công việc của họ.

 

 

 

_____________

 

NHẬT THỰC

 

Khi sư huynh Bartolome Arrazola cảm thấy mình đã đi lạc đường, ông chấp nhận rằng không còn gì cứu ông được nữa. Vùng rừng thẳm của xứ Guatemala đã đánh bẫy ông một cách dứt khoát và vĩnh viễn. Đối diện với sự khiếm khuyết về kiến thức địa hình học của mình, ông ngồi lặng lẽ chờ chết. Ông muốn chết tại đó, một cách vô vọng và cô đơn, với tâm tưởng hướng về đất nước Tây-ban-nha xa xôi, đặc biệt hướng về chủng viện Los Abrojos nơi vua Carlos đệ Ngũ có lần đã hạ cố đến viếng và nói với ông rằng ngài tin tưởng vào ý chí mãnh liệt của ông trong công việc cứu chuộc.

Khi thức giấc, ông thấy mình bị vây quanh bởi một nhóm thổ dân với nét mặt lạnh lùng đang sẵn sàng hiến tế ông trước một bàn thờ — cái bàn thờ mà Bartolome cảm thấy dường như là nơi cuối cùng ông sẽ an nghỉ, trút bỏ những nỗi sợ, trút bỏ số phận, và trút bỏ chính mình.

Ba năm sống tại miền đất ấy đã cho ông một hiểu biết tương đối về các thứ tiếng thổ dân. Ông thử làm một điều gì đó. Ông nói vài chữ, và họ hiểu ông.

Thế rồi ông lại nảy ra một ý tưởng mà ông cho là xứng đáng với tài năng, vốn văn hoá quảng bác và kiến thức thâm thuý về Aristóteles[*] của ông. Ông nhớ rằng hiện tượng nhật thực toàn phần sẽ xảy ra trong ngày hôm ấy, và tận thâm tâm ông quyết định sử dụng cái kiến thức đó để đánh lừa những kẻ áp chế, và để tự cứu sống mình.

“Nếu các ngươi giết ta,” ông nói với họ, “ta sẽ làm mặt trời trên thiên đỉnh trở nên tăm tối.”

Những người thổ dân nhìn chòng chọc vào mắt ông, và Bartolome bắt gặp sự kinh ngạc trong mắt họ. Ông thấy họ trao đổi với nhau một lát, và ông kiên nhẫn chờ đợi, với một chút khinh thị.

Hai giờ sau đó, trái tim của sư huynh Bartolome Arrazola đổ máu xối xả trên hòn đá hiến tế (lấp lánh dưới ánh sáng mờ của mặt trời nhật thực), trong khi một thổ dân đọc với giọng trầm đều, thong thả, cái danh sách dài vô tận ghi từng ngày có nhật thực và nguyệt thực mà các nhà thiên văn của dân tộc Maya đã tiên tri và ghi vào những bộ điển thư của họ, không cần sự hỗ trợ quý báu của Aristóteles.[*]

 

_________________________

[*]Aristóteles: triết gia Hy-lạp Aristotle (384-322 trước Công nguyên).

 

_____
Truyện “Nhật thực” đã được hoạ sĩ Manuel Loayza biến thành truyện bằng tranh như sau:
 

 

 

-----------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha: “El dinosaurio” [Con khủng long”] và “El Eclipse” [“Nhật thực”], trong Augusto Monterroso, Obras completas y otros cuentos (1959) (Barcelona: Editorial Anagrama, 2006). “La oveja negra" [“Con cừu đen”], "Las dos colas, o el filósofo ecléctico" [“Hai cái đuôi, hay nhà triết học đa nguyên”], trong Augusto Monterroso, La oveja negra y demás fábulas (1969) (Madrid: Punto de Lectura, 1969).

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021