thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phỏng vấn William Shakespeare từ cõi chết

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

KURT VONNEGUT

(1922-2007)

 

 

PHỎNG VẤN WILLIAM SHAKESPEARE TỪ CÕI CHẾT

 

Trong chuyến

tham quan cõi chết[1]

gần đây nhất của tôi,

tôi được dịp phỏng vấn William Shakespeare. Chúng tôi không hợp ý nhau lắm. Ông bảo thứ tiếng tôi nói là thứ tiếng Anh tệ hại nhất mà ông từng nghe, “chỉ tổ làm thủng tai bọn thô lậu.” Ông hỏi cái thứ tiếng ấy có tên gọi hay không, và tôi nói, “tiếng Indianapolis.”

Tôi chúc mừng ông về tất cả những giải Oscar mà cuốn phim Shakespeare in Love đã giành được, vì nó dùng vở kịch Romeo and Juliet của ông làm điểm chính.

Ông nói về những giải Oscar, và về cả chính bộ phim ấy, như là “Một câu chuyện do một kẻ ngớ ngẩn kể lại, đầy âm thanh và cuồng nộ, chẳng có ý nghĩa gì cả.”[2]

Tôi hỏi ông một cách sát ván rằng có phải chính ông đã viết những vở kịch và những bài thơ mà người ta cho là của ông, hay không. “Bông hồng kia dù ta có gọi nó bằng một tên khác, thì hương thơm vẫn ngạt ngào như thế,”[3] ông nói. “Hỏi Thánh Peter thì biết!” Và đó là điều chắc hẳn tôi sẽ làm.

Tôi hỏi ông phải chăng ông có dan díu ái tình với cả đàn ông và phụ nữ, vì tôi biết thính giả đài WNYC[4] của tôi sẽ hăm hở đến mức nào nếu vấn đề này được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, câu trả lời của ông lại ca tụng sự luyến ái giữa các động vật của bất kỳ chủng loại nào:

“Như một đôi cừu non, chúng ta nô đùa dưới ánh mặt trời, và gọi nhau be be: điều mà chúng ta hoán đổi là sự ngây thơ cho sự ngây thơ.”[5] Dùng chữ hoán đổi, ông muốn nói là trao đổi: “Điều mà chúng ta trao đổi là sự ngây thơ cho sự ngây thơ.” Đây hẳn phải là loại dâm thư nhẹ nhàng nhất mà tôi từng được nghe.

Thế là ông xong chuyện với tôi. Nói cho đúng, ông bảo anh phóng viên của chúng ta biến đéo nó đi. “Chú mày xéo vào nhà tu kín với mấy bà xơ đi!” ông nói, rồi ông lỉnh mất.

Tôi thấy mình như một thằng ngệch khi tôi quay lại đường hầm màu xanh để trở về cõi sống. Một câu trả lời hấp dẫn, để đáp lại bất kỳ câu hỏi nào tôi đề ra cho nhà văn vĩ đại nhất từng có mặt trên trái đất này, có thể được tìm thấy trong cuốn Bartlett’s Familiar Quotations.[6] Câu trả lời tuyệt hảo nhất về việc trao đổi sự ngây thơ cho sự ngây thơ thì có trong vở kịch The Winter’s Tale.[7]

Ít nhất thì tôi cũng không quên hỏi Thánh Peter có phải Shakespeare đã viết những tác phẩm của Shakespeare hay không. Ngài trả lời tôi rằng chẳng có ai lên đến Thiên Đường, và cũng chẳng có cái Địa Ngục nào, mà xưng là tác giả của bất cứ tác phẩm nào trong số đó. Thánh Peter nói thêm, “Nghĩa là không kẻ nào dám tự nguyện ngồi vào máy kiểm tra nói dối của ta cả.”

Tôi là Kurt Vonnegut — tay viết thuê, dân Indiana,[8] trình độ sơ học yếu lược, nói năng ú ớ, bị bẽ mặt, và tự chán ngán chính mình — xin dừng lại ở đây bằng câu hỏi cho hôm nay: “Hiện hữu hay không hiện hữu?”[9]

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]“controlled near-death experience” (trong nguyên tác) là một cuộc thí nghiệm, qua đó, người muốn tham quan cõi chết được đặt vào trong một hệ thống máy móc có khả năng tạo ra trạng thái chết giả hoặc gần chết (chẳng hạn, tim hầu như ngừng đập và phổi hầu như ngừng thở). Trong trạng thái ấy, người muốn tham quan cõi chết hy vọng sẽ có cơ hội cảm nghiệm và chứng kiến sự chết. Hệ thống máy móc này sẽ liên tục kiểm soát trạng thái chết giả để tránh sự chết thật xảy ra cho người muốn tham quan cõi chết.

[2]“A tale told by an idiot, full of sound and fury, signifying nothing”, một câu do MacBeth thốt ra ở Màn V, Cảnh V, trong vở kịch MacBeth của Shakespeare.

[3]“That which we call a rose by any other name would smell as sweet”, một câu nói do Juliet thốt ra ở Màn II, Cảnh II, trong vở kịch Romeo and Juliet của Shakespeare.

[4]Đài Phát Thanh Công Cộng New York.

[5]“We were as twinn'd lambs, that did frisk i' the sun, and bleat the one at the other: what we chang'd, was innocence for innocence”, một câu nói do Polixenes thốt ra ở Màn I, Cảnh I, trong vở kịch Winter's Tale của Shakespeare.

[6]Bartlett’s Familiar Quotations [Những câu trích dẫn quen thuộc của Bartlett] là một cuốn sách của John Bartlett (1820-1905), nhà biên tập và xuất bản sách ở Mỹ. Bartlett là chủ nhân của Harvard University Bookstore. Năm 1855, ông nổi danh với cuốn sách Familiar Quotations gồm những trích dẫn mà ông đã ghi chép vào cuốn sổ tay để giúp khách hàng tìm sách. Cuốn sách này càng lúc càng dày thêm, vì được bổ sung liên tục qua 16 lần tái bản.

[7]The Winter’s Tale [Câu chuyện mùa đông] một vở kịch của Shakespeare.

[8]“Hoosier” (trong nguyên tác) là tiếng lóng để gọi dân địa phương ở tiểu bang Indiana.

[9]“To be or not to be”, một câu nói lừng danh do Hamlet thốt ra ở Màn III, Cảnh I, trong vở kịch Hamlet, Prince of Denmark của Shakespeare

 

----------------
Trích dịch từ cuốn sách của Kurt Vonnegut, God Bless You, Dr. Kevorkian (Washington: Washington Square Press, 2001) 59-61.
 
Nhan đề “Phỏng vấn William Shakespeare từ cõi chết” do người dịch đặt ra.

 

----------

Những tác phẩm về/của KURT VONNEGUT đã đăng trên Tiền Vệ:

 
Kurt Vonnegut — vài kỷ niệm  (độc thoại / đối thoại) - Hoàng Ngọc-Tuấn
[TƯỞNG NIỆM KURT VONNEGUT (11.11.1922-11.4-2007)] ... Thích chí quá, tôi mua ngay cuốn sách. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tôi thấy một nhà văn vẽ hình lỗ đít ngay trong “Lời Nói Đầu” của cuốn tiểu thuyết! Cái hình này khiến tôi nhớ đến những “tiểu thuyết gia” với bộ mặt lầm lì, trầm trọng mà từ thuở còn bé tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy ở Việt Nam... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM KURT VONNEGUT (11.11.1922-11.4-2007)] ...Ông vận dụng các thủ pháp hậu-hiện-đại và khoa-học giả-tưởng. Thời gian trong tác phẩm của ông phi-tuyến-tính, thậm chí “chaotic” (rối tung), và có cả những khe hở, người nào lọt xuống sẽ rơi ngược về quá khứ rồi sống trở lại những năm tháng cũ, như một diễn viên sân khấu, biết trước kết cuộc nhưng vẫn phải giả bộ không biết, để đóng cho trọn vai trò của mình trên đời...(...)
 
2BR02B  (truyện / tuỳ bút)  - Vonnegut, Kurt
[TƯỞNG NIỆM KURT VONNEGUT (11.11.1922-11.4-2007)] Tất cả mọi chuyện đều hoàn toàn tốt đẹp. Không còn nhà tù, không còn xóm nhà lá, không còn nhà thương điên, không còn người tàn tật, không còn người nghèo, không còn chiến tranh nữa. Tất cả mọi loại bệnh tật đều chữa trị được. Cả bệnh già cũng chữa được. Chết, ngoại trừ tai nạn, chỉ còn là cuộc mạo hiểm cho những kẻ tình nguyện mà thôi... [Bản dịch của Phạm Vũ Thịnh] (có kèm băng thu âm giọng đọc diễn cảm của William Coelius) (...)
 
Bình đẳng hoàn toàn  (truyện / tuỳ bút) - Vonnegut, Kurt
[TƯỞNG NIỆM KURT VONNEGUT (11.11.1922-11.4-2007)] Năm 2081. Cuối cùng, loài người đã đạt được mức bình đẳng hoàn toàn. Mọi người không những chỉ bình đẳng trước Thượng Đế và pháp luật, mà còn thật sự bình đẳng trên tất cả mọi phương diện. Không ai khôn hơn ai. Không ai đẹp hơn ai. Không ai mạnh hơn hay nhanh hơn ai... [Bản dịch của Phạm Vũ Thịnh] (...)
 
[TƯỞNG NIỆM KURT VONNEGUT (11.11.1922-11.4-2007)] ... Tôi không nói giỡn. Nghệ thuật không phải là một cách kiếm sống. Nó là một cách rất nhân bản để làm cuộc sống dễ chịu hơn. Thực hành một nghệ thuật, bất kể giỏi hay dở thế nào, là một cách để làm tâm hồn của bạn vươn lên, tạm cho là thế. Hãy hát dưới vòi sen trong buồng tắm. Hãy nhảy múa theo nhạc từ đài phát thanh. Hãy kể những câu chuyện. Hãy viết một bài thơ cho một người bạn, ngay cả một bài thơ nhếch nhác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[TƯỞNG NIỆM KURT VONNEGUT (11.11.1922-11.4-2007)] ... Khi sinh vật cuối cùng / đã chết vì bàn tay chúng ta, / thì thơ mộng biết bao nhiêu / nếu Trái Đất có thể nói, / bằng một giọng vật vờ cất lên / có lẽ / từ tận đáy sâu / của vực núi Grand Canyon, / “Thế là xong.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021