thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trong ban mai có chú mèo con bộ lông màu tía

 

Tối nay tôi say sóng. Cơn say sóng đầu tiên của tuổi 20 khi tôi từ chối đứng trước biển. Lâu rồi tôi chẳng còn nghe tiếng em, cũng như lâu rồi vị trí của tôi là một hố thẳm khoét sâu giữa căn phòng nhỏ. Chắc em không còn nhớ, nhưng tôi sẽ không quên thứ mùi vị thoát ra từ ngón tay liếm trên đầu lưỡi của em, cũng như cách em quét nhẹ ngón tay ấy một cách nghịch ngợm lên vách tường dán giấy hoa văn rối rắm. Dấu chân em để lại trên khắp các lối ra vào căn phòng nhỏ. Thậm chí tôi còn thấy chúng thoải mái hiện diện trên chăn nệm, giường gối, như loài mèo thường thích ấm cúng mỗi độ mưa về. Tôi nhớ có bận em hớn hở bảo tôi khi tôi đang lúi húi pha màu một bức vẽ là em đã vứt hết tất thảy giày dép trong kệ tủ ra biển. Em không cần chúng nữa, cũng như sau này em chẳng cần đến bất cứ thứ gì ngăn cản bước chân trần phách lối của em. Tôi còn nhớ rõ là khi nghe em thông báo về việc làm ấy, tôi đã ngẩn ra nhìn em một lúc. Tôi chẳng biết nói gì. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng hình ảnh những kẻ yểu mệnh không may chết trôi trên biển. Có lẽ khi ra đi họ đã không kịp mang theo những chiếc giày.

Mùa này biển trở sóng, động nước ầm ĩ. Cái thang tay em thường dùng để leo lên mái nhà đã gãy mất một bước thang. Tôi cũng chẳng buồn sửa lại. Đôi lúc khi ngồi trong gian phòng vẽ hướng ra biển, tôi lại nghĩ đến nó luôn. Ý nghĩ ấy đôi khi thúc hối tôi phải chạy ra trông chừng xem liệu bước thang đó có còn ở đó hay không, có còn ở độ vênh đó không, hay có một bước thang khác xen vào bức tranh hoàn hảo ấy hay không. Bước gãy vẫn ở đó, tất nhiên, nhưng thường thì lúc ấy tôi chán nản đổ ụp xuống sàn, nằm co chân mà nghe bước chân em đi lại rộn ràng trong bếp. Khi không còn giày dép, căn nhà chỉ còn lại những dấu chân.

Em bảo tốt hơn hết là tôi nên nuôi một con mèo, ngộ nhỡ một khi trời mưa. Tôi không thích cách nói của em khi em bảo về một con mèo và một cơn mưa như thế. Chỉ cần nhắc có bấy nhiêu con chữ cũng đã buồn vô cùng. Tôi ậm ừ nhớ đến một dạo căn nhà phủ đầy lông mèo mỏng đanh, nhọn hoắt và tả tơi. Nhưng hình như kí ức đó cũ đến nỗi tôi không dám chắc là có một thời tôi đã từng nuôi mèo như thế. Em cười ngặt nghẽo và đưa tay luồn vào mái tóc rối bù loà xoà trước trán của tôi. Em vẫn có thói quen như thế kể từ lần đầu tiên tôi dẫn em đến căn nhà ven biển này. Em có thể biết, nhưng cũng có thể không biết rằng khi em bước chân lên những tấm phản gỗ này, em đang thế chân cho một người khác, trong một thế giới khác mà tôi vẫn thường đi lạc mỗi đêm.

Đêm ấy tôi bị ngộ độc bởi cái ảo giác rằng tôi đang say sóng. Tôi tìm mọi cách nôn oẹ nhưng không mấy thành công. Sau cơn vật lộn ấy, nước bọt tiết ra một vị chua chua lờm lợm cứ như cơ thể bị bỏ đói lâu ngày. Khái niệm về thời gian bỗng khuấy động như bọt sóng, và mái nhà thì đổ sụp. Cơn say tuổi 20 vẫn thường điên rồ như thế, nhưng người ta thậm chí vẫn còn có khả năng điên rồ mỗi khi ảo tưởng về tuổi 20. Tôi 20 tuổi khi tôi gặp em. Không chừng có lẽ em đã ở bên tôi lâu lắm vì bóng nắng bên hiên đã uể oải từng chặp, từng mùa lâu rồi. Tuổi 20, thời gian phía trước được nhìn bằng sự khúc chiết của bi thương và hoài vọng. Khi người ta bước qua tuổi 20, thời gian chỉ còn trong cái nhìn ngoái ra sau, trống không và vô vọng. Mỗi lần vén rèm cửa nhìn ra xa trên mặt biển, tôi thấy đằng chân trời có những người đi lại. Chân trời đủ hẹp và đủ xa để những bước chân ấy chẳng bao giờ tới đích. Những bước chân trần ấy, có một ngày nào xỏ vào những chiếc giày nhỏ của em không?

Nửa đêm, em lay tôi dậy. Tôi không còn sức lực để chạy theo chính tôi trong những cơn mơ hoang đường, thế nên tôi tung chăn ra, ngồi ngay ngắn trước mặt em. Tôi cần nghe giọng nói của em, như hôm Chúa Nhật nào đó em bảo “Mặt trời đẻ ra tháng Tư để làm mùa tội lỗi.” Chẳng ai bảo em những câu nói như thế. Tôi dám thề là suy nghĩ của em như một khu vườn xanh. Duy có điều, tôi không biết rõ tuổi của nó.

Cuộc trò chuyện vào lúc 2 giờ sáng thường được xem như hình thức nghi lễ của những kẻ báng bổ hay đùa dai. Tôi không phải là loại ấy, nhưng tôi thích thú khi khởi đầu bằng một suy nghĩ đại loại như thế.

Em bắt đầu câu chuyện bằng một chuỗi âm thanh luyến thoắng, trong trẻo và háo hức lạ.

Hồi hôm em nghe có tiếng mèo kêu trên nóc nhà. Tiếng kêu nghe rất lạ. Và tối nay, em còn thấy cả một vài cuộn len rối trong đống đồ đạc bừa bộn ở góc phòng tranh của anh. Em đoán chắc là có một con mèo đã lạc vào nhà ta. Anh biết không, em nghĩ con mèo ấy thể nào cũng có bộ lông màu xanh tía. Thế nên, sáng sớm mai anh chở em vào thị trấn mua một ít sữa tươi cho nó, anh nhé!

Chỉ cần người con gái có mối bận tâm như thế là nàng có thể bước chân vào bất kì khu vườn cát nào rồi. Tôi không thể nào không yêu những người con gái như thế.

— Có lẽ không cần đâu em ạ. Những con mèo con không cần sữa một khi lạc mẹ. Một cuộn len là đủ cho chúng rồi. — Tôi bảo với em.

— Thôi nào, anh biết là không gì có thể sống nếu thiếu sự chăm lo mà. Anh hiểu điều đó, nên anh cho em ở bên cạnh anh, đúng không. Nhưng mà anh cũng nên cho em được ở bên con mèo nhỏ nữa. Em hứa nó sẽ không gây một tiếng động nào khi anh đang vẽ đâu. Trừ phi anh chia sẻ với nó một chút màu vẽ của mình. Anh nhé! — Em tiếp tục nhì nhằng nài nỉ.

Tôi nhìn em nhưng tai thì đang cố gắng nghe lấy nhịp tiếng của cơn sóng đằng xa. Bất giác tôi lấy tay sờ nắn đôi chân trần của em. Chân em có vẻ lạnh.

— Em nên đi tất vào.

— Từ nhỏ chân em nó thế rồi. Nó rất hay lạnh mỗi khi không mang giày. — Em dỗi — Nhưng anh có thấy lạ không, em đã cho đi tất cả giày mà chẳng ai chịu đến nhà mình cả. Những con người đi lại đằng chân trời ấy.

Ồ, thế ra em cũng thấy họ nữa, những kẻ sống phía bên kia chân trời ấy. Tôi tròn mắt nhìn em lạ lẫm. Em chưa bao giờ nói với tôi điều đó. Nhưng cũng chẳng hề gì. Vì lúc ấy em có đôi mắt của kẻ mộng du trên cát.

— Ngày hôm qua em đã đan một đôi tất len để dành tặng họ, vì em nghe nói rằng có một đứa trẻ vừa ra đời phía đằng ấy. Trẻ sơ sinh đấy anh ạ, thích quá đi mất! Chả biết bao giờ họ mới ghé thăm để em nhìn mặt đứa trẻ ấy nữa. Chắc nó phải xinh lắm, xinh như anh lúc mới chào đời ấy nhỉ!

— Sao em lại biết họ vừa có một đứa bé? Ai bảo với em như thế? Một dạo anh gõ cửa nhưng chẳng thấy ai thưa gì. — Hôm nay tôi nói chuyện chẳng khác gì một đứa trẻ bên cạnh em.

— Em chẳng nhớ rõ là ai nói tin ấy với em nữa. Dẫu sao thì có gì quan trọng đâu. Vì em đã đan một đôi tất, phải không nào?

Dứt lời, em làm điệu bộ của một con mèo con, giả tiếng “meo meo” rồi ôm lấy tôi cười ngất. Được một lúc ồn ã, sau đó cả hai chẳng ai nói gì. Tôi nghe rõ cả âm thanh ban đêm dìu dặt nhau trên dãy lan can trống. Đoạn em cầm lấy tay tôi và cắn khẽ vào các ngón tay. Lại một trong những thói quen rất cũ của em. Mỗi lần như vậy, cảm giác tê nhẹ trên đầu các ngón tay lại làm tôi nghĩ đến mùa nấm rộ vào mỗi bận tháng Tư. Loài mèo có thích nấm và rong biển không nhỉ?

Vì em đã bảo là đan xong một đôi tất, nên từ hôm ấy tôi bắt đầu trông ngóng tiếng chân trên bậc cửa. Tôi đợi người khách của em. Còn tôi thì đã là khách của những con người đi lại phía chân trời hàng mấy năm rồi. Họ chỉ cho tôi xem những bức tranh vẽ, nhưng chưa khi nào họ hào phóng cho tôi cả. Thế nên tôi đâm ra nghiện cọ vẽ, nhưng công việc chả bao giờ hoàn tất được bởi kí ức về những bức vẽ phía bên kia chân trời đều biến thành tro trước khi trí óc tôi kịp nhớ về nó. Ngày hôm nay, em không chỉ gợi nhắc đến họ mà còn đan cho đứa trẻ sơ sinh của họ cả một đôi tất. Vì thế nên tôi có lý do để đợi chờ cùng em.

Công việc chờ đợi hoá ra chẳng khó chịu mấy. Tôi chỉ việc ngồi đó mà đếm đi đếm lại những dấu chân em trong khắp gian phòng. Được ở bên em đồng nghĩa với việc đi chân trần trên cát ấm. Thật dễ chịu vô cùng. Tôi bắt đầu vẽ những bức tranh về đồi cát. Em rất lấy làm thích thú. Những ngày dễ chịu ít ỏi trong mùa mưa.

Thế rồi, một ngày, những vị khách em chờ đợi cũng đến. Họ kín đáo và dè dặt trên những bàn chân trần đẫm nước và xám xanh vì lạnh. Thật khó mà nhớ được những khuôn mặt không tuổi ấy. Dường như từ khi họ bước vào qua cánh cửa kia, trí nhớ tôi đã lập tức loại bỏ những kí ức về họ rồi. Ở họ có hơi ẩm của vạn triệu mùa mưa đã qua, dai dẳng và tầm tã. Ở họ còn có mùi ẩm nóng của một cơ thể còn trong bào thai hàng triệu triệu năm. Tôi chẳng nhớ được một chuyện gì xảy ra trong suốt khoảng thời gian họ nhâm nhi tách trà nóng em pha. Chỉ biết rằng, sau khi họ đi, những dấu chân sũng nước của họ cũng biến mất, chỉ trừ những sợi lông mèo. Những sợi lông mèo vương khắp các xó nhà, khắp các vật dụng, khắc các bản vẽ, và cả trên những bức tranh vẽ.

Ngày hôm ấy em đã cười rất nhiều. Em hạnh phúc. Tôi tựa cửa nhìn em ngồi xoay xoay và xoa tay vào những tách trà còn nóng ấm của những vị khách lạ. Căn phòng có mùi nấm chín và rong rêu âm ẩm dễ chịu.

Một sáng mai không lâu sau đó, em ôm đến bên tôi một đứa trẻ đỏ hỏn bọc trong chiếc mền có hoạ tiết xanh. Tôi nhìn đứa trẻ nhắm nghiền đôi mắt ấu thơ của nó, rồi ngước lên nhìn em. Em bảo: “Đứa trẻ là của những người khách bỏ quên. Mình nuôi nó nhé!” Chỉ có thế. Tôi nắm lấy bàn chân nhỏ bé đang co vào trong tấm mền ấm. Bàn chân rất lạnh.

Và cũng ngày hôm ấy, em mang đến đặt vào tay đứa trẻ một cuộn len cũ kĩ, rối xù, và dính đầy lông mèo màu xanh tía.

 

SG ‘08

 

 

Cùng một tác giả:

Daniil Kharms — chắc hẳn ông ta phải là người đàn ông có đôi mắt sáng hung hăng như đồ tể và rụt rè như tội đồ. Trang viết của ông rắn rỏi và dè dặt, lắm khi hụt hẫng vì dường như người viết quá phẫn uất mà thành ra cắn bút trầm ngâm trong im lặng. Nhưng ông không kể những câu chuyện với nụ cười buồn, ông kể nó bằng sự mỉa mai, kì quặc và ám ảnh... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021