thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giống Émanglons

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

HENRI MICHAUX

(1899-1984)

 

Henri Michaux là một con người cô đơn, một nhà thơ có chỗ đứng thật sự riêng lẻ trong văn học Pháp. Khai phá nội tâm mình và nỗi đau của con người qua những giấc mộng, những truyện huyền tưởng và cả những thể nghiệm tác động ma túy, Michaux nghiêng về phía các nhà thơ siêu thực, nhưng không hề gia nhập phong trào này. Có thể nói toàn bộ những cái ông viết đều thể nghiệm sự tương quan giữa thực tại và chính bản thân ông, sự tương quan mang những kích thước gần như ám ảnh — ám ảnh về chính lý lịch của mình. Nhiều sáng tác của ông xuất phát từ những giấc mơ và ác mộng, phác vẽ một thứ địa lý nội tâm, nhận thức về chính mình soi từ thực tại, và từ cả cái tưởng tượng và vô thức... Tác phẩm Michaux, kể cả tác phẩm tạo hình, luôn đứng bên ngoài mọi kiểu phân loại.
 
Tác phẩm chính: Qui je fus, 1927; Un barbare en Asie, 1932; Voyage en Grande Garabagne, 1936; Plume 1938; L’Espace du dedans, 1944; Par la voie des rythmes, 1974; Idéogrammes en Chine, 1975; Chemins cherchés, chemins perdus, transgressions, 1982.

 

________________

 

GIỐNG ÉMANGLONS [*]

 

Khi một tên Émanglon thở khó, họ không thích thấy hắn ta sống nữa. Bởi lẽ họ cho rằng hắn không thể đạt tới cái vui thật sự, dù hắn có cố gắng đến đâu chăng nữa. Thực tình là do thiện cảm tự nhiên với con người, người bệnh chỉ có thể đem lại phiền phức cho hơi thở của nguyên một thành phố.

Vậy thì, hoàn toàn không nổi giận gì, người ta bóp cổ hắn.

Ở chỗ quê mùa, người ta khá thô lỗ, người ta thoả thuận với một vài người, và một đêm nọ người ta đến nhà hắn và người ta bóp cổ hắn.

Họ bước vào căn lều và la lớn: “Các bạn ơi!” Họ tiến đến, đi sát bên nhau, hai bàn tay đưa ra. Công việc làm rất nhanh. Người bệnh không có đủ thì giờ để thực sự ngạc nhiên thì đã bị bóp cổ bởi những bàn tay khoẻ mạnh và dứt khoát, những bàn tay của người thi hành phận sự. Rồi họ bình thản bỏ đi và gặp ai họ cũng nói: “Bạn biết không, có một tên hơi thở lộn xộn sao đó, thế là! đột nhiên, hắn đi đời trước mặt chúng tôi.”

“A!” người ta thốt lên, và ngôi làng trở lại êm đềm và yên tĩnh.

Thế nhưng, ở thành phố, người ta làm cả một cuộc lễ cho chuyện bóp cổ này, vả chăng cũng đơn giản thôi, sao cho thích hợp.

Để bóp cổ, người ta chọn một thiếu nữ đẹp còn trinh.

Giấy phút quả là trọng đại với cô gái khi được gọi lên chiếc cầu giữa sự sống và sự chết! Những kẻ khổ đau ra khỏi cuộc đời êm dịu như thế nào cái ấy tuỳ thuộc vào cô gái. Bởi lẽ làm cho một bệnh nhân chết dần một cách nhẹ nhàng trong đôi bàn tay êm dịu, họ thường bảo, là một điềm báo rất tốt về sự tận tuỵ với đám con trẻ, về lòng từ thiện với người nghèo khó, và của cải được quản lý an toàn. Cô gái sẽ sớm kiếm được nhiều người làm chồng hơn cần thiết và cô sẽ được phép tự mình chọn lựa.

Cái khó là cùng lúc phải vừa dịu dàng vừa siết chặt.

Một cô đỏm dáng sẽ không thành công, một cô hung dữ cũng thế. Cần có những đức tính căn bản, một bản chất phụ nữ thực sự.

Nhưng hạnh phúc biết chừng nào khi người ta thành công và người ta hiểu rõ những giọt nước mắt vui mừng của cô gái trong khi đám người tham dự xúc động ngợi khen cô!

 

_________________________

[*]Một “dân tộc” do nhà thơ tưởng tượng trong cuốn Voyage en Grande Carabagne (có khi viết là “Garabagne”) [Chuyến du lịch ở Grande Carabagne]. Giống “người” này có đặc điểm là yếu ớt, thụ động, sống gần ao hồ, sông nước, ẻo lả, dễ khóc, luôn tin ở sự bất lực của giống mình, không đấu tranh vì cái thua đã nắm chắc, tìm cách trú ẩn sau những làn nước mắt nhạt nhòa, và tìm thấy cái thú sống đến tận cùng tính cách yếu ớt đặc trưng của mình. Voyage en Grande Carabagne [1936] cùng với Au pays de la Magie [1941] và Ici, Poddema [1946] làm thành một bộ ba lấy tên là Ailleurs, do Henri Michaux xuất bản năm 1948, một thứ sổ tay du lịch hư cấu, mô tả những giống người, thú vật hay những hệ thực vật trong cõi mộng, gây một ấn tượng kỳ lạ và với một giọng văn giễu cợt lạnh lùng.

 

--------------
“Giống Émanglons” dịch từ nguyên tác “Les Émanglons” [Voyage en Grande Garabagne, 1936], in lại trong René Bertelé, Henri Michaux, Collection “Poètes d’aujourd’hui” (Paris: Seghers, 1980).
 

 

Tác phẩm của Henri Michaux đã đăng trên Tiền Vệ:

Plume và đám cụt chân  (truyện / tuỳ bút) 
[TRUYỆN CỰC NGẮN] ... Có một người đang đứng trước mặt Plume, và khi anh ta thôi không nhìn hắn nữa, thì gương mặt hắn sổ ra, phân huỷ và nhăn nhúm, và cái hàm hắn thì không kéo xuống mà vẫn rớt ra... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Cảnh vật  (truyện / tuỳ bút) 
[TRUYỆN CỰC NGẮN] ... Cảnh vật để phá bỏ những tiếng thét. Cảnh vật như ta kéo một tấm vải phủ lên đầu mình... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Tuổi anh hùng  (truyện / tuỳ bút) 
Thằng Barabo Bự con, trong khi chơi, rứt mất cái tai của em trai nó là Poumapi. Poumapi không nói gì, nhưng làm như không chú ý, nó siết cái mũi của Barabo và thế là cái mũi bị lấy đi mất. Đáp lại, Barabo cúi mình, bẻ gãy mấy ngón chân Poumapi và... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
La hét  (truyện / tuỳ bút) 
[TRUYỆN CỰC NGẮN] ... Bấy giờ, rốt cuộc yên tâm là trong tiếng huyên náo kia sẽ không ai nghe được giọng tôi, tôi mới bắt đầu hét to, hét to suốt cả mấy tiếng đồng hồ và dần dần thấy lòng nhẹ nhõm... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Này cuộc đời ta, mi bỏ đi không đem ta theo. / Mi cuộn tròn. / Còn ta vẫn chờ bước một bước... | Trên đường đi đến cái Chết / Mẹ tôi gặp một tảng băng lớn: / Mẹ muốn cất tiếng nói, / Lúc bấy giờ trời đã tối... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Lưu thông trong thân thể tôi  (truyện / tuỳ bút) 
[TRUYỆN CỰC NGẮN] Thời đó, cái sợ là cái mà suốt cả mười năm tôi đã không còn biết đến, cái sợ đó bây giờ trở lại điều khiển tôi. Trước tiên là đau âm ỉ, nhưng khi rốt cuộc nó đến nơi, thì nó đến nhanh như làn chớp, như ngọn gió đánh sập những toà nhà, cái sợ xâm chiếm tôi... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một bà mẹ chín con!  (truyện / tuỳ bút) 
Plume vừa đặt chân đến Berlin, anh ta sắp đến Trạm cuối, thì một người đàn bà tiến đến gần anh, và đề nghị anh về ngủ đêm với bà. — Xin cậu đừng đi, tôi van cậu đấy. Tôi là mẹ của chín đứa con... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Can thiệp | Công việc của tôi  (truyện / tuỳ bút) 
Ngày xưa, tôi quá tôn trọng thiên nhiên. Tôi ngồi nhìn các sự vật và phong cảnh trước mặt và tôi để yên chúng làm gì thì làm. Bây giờ thì hết rồi, tôi sẽ can thiệp... | Tôi ít khi nhìn thấy người nào mà không đánh họ. Có người thích độc thoại nội tâm. Còn tôi thì không. Tôi thích đánh hơn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Trong một lúc đãng trí ngu ngốc, Plume bước đi hai chân trên trần nhà, thay vì đặt chân trên mặt đất. Than ôi, khi hắn nhận ra điều này, thì đã quá trễ. Bấy giờ tê liệt bởi vì máu tức khắC ứ đọng, dồn cả xuống đầu hắn, như sắt dồn lên đầu một cái búa, hắn không còn biết gì nữa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Bài thơ "Je vous écris d’un pays lointain" của Henri Michaux (1899-1984) — một nhà thơ có chỗ đứng thật sự riêng lẻ trong văn học Pháp. Bài này gồm 12 đoạn, có thể gọi là một bài thơ, nhưng cũng có thể gọi là một truyện ngắn. «Tác phẩm Michaux, kể cả tác phẩm tạo hình, luôn đứng bên ngoài mọi kiểu phân loại.» Nhà thơ Hoàng Ngọc Biên — người dịch tác phẩm này ra Việt văn — đã nhận định như thế...
 
Ẩn ngữ  (thơ) 
Hắn đã bước đi, người ta bảo tôi thế, suốt nhiều năm và nhiều thế kỷ, vừa đi vừa xem lịch. Và, giờ đây, hắn kiểm chứng lại xem mọi người có mặt ở đấy hay không... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Giản dị  (thơ) 
Cho đến nay, cái mà tôi thiếu nhất, đó là sự giản dị. Tôi đang bắt đầu thay đổi dần dần... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Tử khúc  (truyện / tuỳ bút) 
Thần tài với đôi cánh rộng, thần tài vì nhầm lẫn đã mang tôi cùng với những kẻ khác tới miền đất thần tiên, nhưng thật bất ngờ, ôi quá bất ngờ, trong lúc tôi tưởng rằng mình rốt cuộc cũng được biết mùi hạnh phúc, thì vô vàn chiếc pháo nhỏ bỗng nổ vang trong không khí, và những mũi dao nhọn từ khắp phía đâm xối xả vào người tôi, khiến tôi rớt tuột xuống cái nền đất cứng của quê hương, từ nay và mãi mãi sẽ là quê hương của tôi... [Bản dịch Nguyễn Đăng Thường] (...)
 
Plume du lịch  (truyện / tuỳ bút) 
Plume không thể nói là người ta vẫn tôn trọng mình một cách quá đáng trong những lần du lịch. Có người qua mặt ông không báo trước, có người thản nhiên lau tay vào áo vét của ông. Rốt cuộc ông quen dần. Ông thích du lịch một cách khiêm nhường. Bao lâu còn du lịch được cách đó, ông sẽ cứ du lịch... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Plume ở nhà hàng  (truyện / tuỳ bút) 
Plume ăn đang trưa ở nhà hàng, thì người đầu bếp tiến lại, nhìn ông một cách nghiêm trọng và nói nhỏ với ông bằng một giọng bí ẩn: “Cái món ông đang xơi trên đĩa không có trong thực đơn”... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Plume bị đau ngón tay  (truyện / tuỳ bút) 
[...] Đừng có nghĩ rằng một ngón tay bị mất đi ta có thể dễ dàng tìm lại được một ngón khác. Người đàn ông cụt ngón tay, em chẳng thấy có cái gì thích thú cả. Một khi bàn tay anh bị cắt mất một ngón rồi, đừng có mong đợi gì ở em nữa... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Một người bình thản  (truyện / tuỳ bút) 
Giơ tay ra ngoài giường rờ tấm vách nhưng không thấy, ngạc nhiên... [Bản dịch Nguyễn Đăng Thường] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021