thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGƯỜI TẬP BAY [chương I, II, III]

 

I

Không biết hồi đó ba cải tạo chín năm nó như thế nào? Người ta nói nhứt nhựt tại tù thiên thu tại ngoại mà! Nhưng với anh, ba tháng tự giam lỏng mình, nó dài hun hút chiều trôi!

“Nó dài tới đâu?” cô hỏi cắc cớ. Anh ngồi đòng đưa chân trên cái cầu khỉ, ngoác mỏ cười: “Nó dài tới mang tai cô Hai ạ!” Cô cáu: “Nói chuyện huề tiền à!”

Thì huề tiền. Người Hoa kêu huề tiền là bình tài! Anh cũng chỉ cầu trời mình bình tài cho một chuyến vi vu sông nước này! Nói có trời chứng giám, bình tài trong buôn bán chẳng ai ham, nhưng anh thì lời một chuyến đi... Lời cả cái vụ bằng an đòng đưa chân trên cây cầu khỉ này, có cô Hai hay hỏi cắc cớ làm bạn!

“Mà anh thiệt ngộ, khi không giam mình chi?” Đúng là anh lỡ dại khi vui chuyện khoe cái vụ tự giam lỏng mình ba tháng trời. Nói làm sao để cô Hai hiểu? Câu hỏi này đúng là ná thở thiệt. Anh cười cười nghịch mấy sợi tóc của cô: “Cô Hai nè, mấy bữa đó anh bị điên! Thiệt đó.” “Vậy chớ giờ còn điên không? Nghi lắm!” “Mấy người thần kinh, không hết được đâu, khi này khi khác nó trỗi nó dậy, cô Hai sợ không?”

Cô dứt tay anh ra khỏi mái tóc rồi đứng dậy: “Ờ, em hông thấy ai điên như anh! Thôi đi về, má la!”

Nắng xiên qua lá dừa ken dày, một vài giọt đọng long tong! Anh lẩm nhẩm: “Ừa, cô Hai về!”

 

o0o

 

“Nẫm nè, mày lấy đinh chốt cái này lại luôn đi. Tau thử ba tháng. Không phải là tau kiên nhẫn hay không, mà là mày đó. Mỗi ngày hai bận đưa cơm, được không?”

Thằng Nẫm tròn con mắt: “Ông mắc chứng gì?” Anh đâu thể nói lý do lý trấu cho nó được. Anh lại cười cười: “Tau học hát. Ba tháng nhập thất, xong xuống núi làm danh ca. Lúc đó cho mày làm ông bầu!” “Tui hông ham. Nhưng cứ đưa tiền tháng đây. Ngày hai bận tui đem cơm cho. Thử coi cái nước lầy của ông tới đâu!”

Thằng Nẫm đóng chốt cái đinh cuối cùng vô cửa. Miệng vẫn còn ngậm một cái đinh khác, giọng nó nghe như bị đớt: “Ông rèn tánh kiên nhẫn chớ gì! Không thành công cũng thành... cứt, ha ha. Ba tháng sau ông ra khỏi cái chuồng này, chắc ú nu ông địa!” Nó cười nắc nẻ một chặp rồi nghiêm giọng: “Lỡ mà cháy nhà, ông thành con vịt quay!”

Đó. Anh tự giam mình vậy đó! Trước tiên, cái món tự giam này sẽ đỡ đi khoản cà phê sáng (đừng tưởng là hông bi nhiêu, cứ lấy giấy viết ra mà nhẩm thử, cái bài toán luỹ tiến có ngay đáp số liền, nhất là thời mà giá cả leo như chong chóng thế này).

Nhưng lý do thật sự cho công cuộc trú đông kiểu công dân Bắc cực này, có kê súng vô màng tang anh, anh cũng không dám nói!

Ba tháng là một hạn định cho một phát kiến và huân tập vĩ đại nhất của đời anh: Anh sẽ tập bay! Cỡ thằng Nẫm, sức mấy nó biết, nó hiểu, nó thấu và nó chia sẻ cùng anh vụ bay vi vu này! Mà nói cho cùng, nhân loại mấy ai chia sẻ được cùng anh, cũng như người ta đã từng cho anh em nhà Wright là điên khùng và chỉ thừa nhận họ sau chuyến bay thật và thành công ngày 17.12.1903!

Cái “ai đia” lạ lùng này đến với anh từ cô Nhật, cô bạn gái Nihon mắt một mí là lạ... Một bữa trong điện thoại của anh, cô Nhật nhắn tin: “Cafe hông?” Và cái độ cafe đó, cô Nhật chỉ cho anh cái cụm cây xanh bên góc đường rồi nói thứ tiếng Việt chán nhất mà anh từng nghe: “Cây đó xanh. Mà trời xanh hơn. Misuko thích bay lắm. Bay lên trời xanh. Không bay bằng máy bay đâu!”

Anh cười với chính mình, tự kiềm chế: Các nàng đến là lắm điều! Nhưng thiệt lạ là, đêm đó, anh suy nghĩ mông lung để cố tìm ra một món quà cho cô bạn người Nhật. Vậy đó...

 

o0o

 

Thực ra, bay như thế nào, nói theo ngôn ngữ bi giờ, “biết chết liền”, song trong anh có một niềm tin kì ngộ, thôi thúc đến mãnh liệt, rằng, anh sẽ là người đầu tiên trong nhân loại này bay được bằng chính đôi tay và ý chí của mình mà không cần gắn thêm bất kì một loại động cơ thô sơ hay vi diệu nào cả!

Anh gặp Misuko ở một lớp học võ karate. Nào có phải anh ham hố lên đài giật đai gì đâu, chỉ là giết thời gian bằng cách đó. Con người đôi khi không biết xả năng lượng thừa vào đâu hết...

Misuko — mà anh khiếm nhã đề nghị là My Sake, rượu sa kê của tui — có một đôi mắt Nhật (tất nhiên rồi) với chỉ một mí. Cô đến cái lớp học võ này cũng với một mục đích không dính dáng gì đến tinh thần của môn võ dân tộc của cô. Đơn giản, cô đi thực tập thêm tiếng Việt...

Thân rồi, Misuko kể, tổ phụ của cô là một samurai, kiếm sĩ, nhưng lại là một ronin, không phụng thừa một lãnh chúa nào. Ông tên là Bankei. Một kiếm sĩ khét tiếng của thời trung cổ Nhật Bản!

Anh thốt lên: “Tôi biết Bankei!” Cô Nhật lắc đầu: “Anh không biết. Bankei mà anh nói, là một thiền sư!”

À, ra là tên trùng với tên.

Còn cô Hai của anh thì mắt đặc chất Việt (tất nhiên) với hai mí rõ ràng. Một cái mí thừa ra, không để làm chi. Anh gặp cô Hai rất lâu sau ba tháng huân tập cho cái sự bay. Thiệt ngộ, không thăng thiên thì độn thổ, nhưng anh lại thua cuộc cả hai món. Nghĩa là, anh bình thường, đi xe đò và đi ghe, nếu muốn thăm cô Hai của anh...

Chuyến thương hồ — nói cho ra vẻ sang trọng, chớ thiệt chỉ là chuyến đi rã vịt bầy cho người ta thả đồng — lạc vô vùng tứ giác cho anh gặp cô Hai!

Đừng có tưởng bở. Cô Hai hông có chơn chất hột vịt với bộ bà ba đen rặt ròi mùi Sơn Nam. Cô Hai là cán bộ thú y — kĩ sư nông nghiệp ngành chăn nuôi — chặn ghe anh đòi giấy kiểm dịch. Anh và cả cái tay chủ ghe mời cô Hai khi xong việc đi ăn, và tất nhiên lai rai xị đế. Cô Hai hạ gục anh còn nhanh hơn cô Nhật hạ anh trên sàn karate. Ngữ thư sinh, mấy ly xây chừng đã thấy đất trời quay mòng mòng, vậy đó...

 

o0o

 

Nẫm à Nẫm ơi! Mày mua giùm tao cái thẻ cào được không? “Xời. Ông tu gì lạ. Người ta nhập thất thì tịnh thân. Ông còn xài điện thoại di động, sao thành được! Đút tiền qua đây tui mua cho!”

Anh biết chứ. Nhưng ngồi — và cả nằm nữa — trong cái phòng trọ này hai chục ngày qua, anh thèm quá loài người phía bên ngoài. Và anh thầm cảm ơn cái điện thoại di động.

Cái tin nhắn đầu tiên là cho Misuko — My Sake. Nhưng anh không nhận được câu trả lời. Bực bội, anh tắt luôn cái điện thoại và tiếp tục tập bay...

 

 

II

 

Đến ngày 89 thì coi như công cuộc tập bay của anh thất bại thảm hại. Nhưng không thành vấn đề. Không một chút muộn phiền hay băn khoăn, anh tự mình đập cửa chui ra trước con mắt kinh ngạc của thằng Nẫm...

“Bộ mày thấy ma à Nẫm?” “Ma gì. Ông soi gương chưa. Nhìn y chang con gà công nghiệp. Mà đáng ra mai ông mới xả thất mà...” “Tao thèm cafe quá. Mày rảnh không, đi với tao...” “Thôi, tui dòm ông thấy lạ hoắc, sờ sợ. Ông đi đi! Mà đi có nổi không, có nhớ đường không?” ...

Trong tay anh là cái điện thoại. Và như một thứ phản xạ vô thức, anh bấm nhoay nhoáy. Người ta dùng khái niệm thế hệ ngón tay cái để chỉ những người đồng trang lứa với anh, sống với những loại tin nhắn. Trao đổi bằng tin nhắn. Tỏ tình bằng tin nhắn. Thậm chí, ở xứ sở của My Sake, người ta còn viết tiểu thuyết bằng tin nhắn điện thoại, lên thành hàng best seller — best sellers go cellular. Không có nó, nhiều người sẽ bị trầm cảm mà chết...

Cái tin nhắn đã bay lên trời. Không có một phương thức nào để bảo nó quay về. Anh thở dài...

Lẽ ra, anh nên phơi nắng vài ngày cho da dẻ trở lại màu quen thuộc. Nhưng chẳng sao. Anh tự an ủi mình: “Có khi mắt một mí không nhìn ra màu da đâu!”

 

o0o

 

“Anh có biết diện tích của cánh đồng này hông?” Cô Hai lại cắc cớ hỏi. Biết chết liền. Cái tứ giác Long Xuyên rộng mênh mông nối liền ba bốn tỉnh miền Tây, biết con số làm chi cho thêm nặng đầu. “Nó hẹp hơn ngực cô Hai!” anh ba trợn buông một câu...

“Đồ cà chớn! Ăn nói vậy em hông chịu được!” Cô Hai của anh trợn mắt như sẵn sàng đạp anh lọt xuống cái mương nước sau hàng dừa kia. Nhưng anh biết, cái câu ba trời vừa buông, nó có một tác dụng nhất định nào đó.

Anh nằm ngửa, gối đầu lên đùi cô Hai. Nắng vẩn xiên xiên qua mấy đọt dừa. Thằng đàn ông nào cũng vậy, một triệu năm trước và nhiều triệu năm sau, dẫu ra cái điều ta đây phái mạnh, giống đực, sức dài vai rộng, vẫn luôn muốn được vỗ về, nưng niu. Trẻ nít và ngây thơ, như ông Adam bị dụ khị cắn ngập trái táo thuở vườn địa đàng chưa du nhập cúm gia cầm...

“Cô Hai biết không? Hồi đó anh tập bay...” “Tập bay?” “Ừ... Anh tập bay, tự nhốt ba tháng, hay chính xác hơn là 89 ngày! Là cái đận mà cô Hai nói anh bị khùng đó... Mà anh khùng thiệt!”

Hấp dẫn à, kể nghe chơi...

Anh ngước lên, chạm vào đôi mắt nâu thuần Việt của cô Hai. Đôi mắt thuần Việt này háo hức, tò mò, tìm kiếm những gì lạ lùng nhất trong đời sống con người. Những thức lạ ấy có thể nuôi dưỡng con người qua nhiều năm tháng để trốn lánh cái cơ cực đối diện/đối phó/sống...

Thằng bạn anh làm ở một tờ báo điện tử từng thở dài: “Bài tao viết chưa bao giờ được lọt vô top 10 bài được đọc nhiều nhất, dù luôn có tính vấn đề. Cái top ten đó luôn là những tin bài tình tiền tù tội cướp hiếp giết!”

Một đàn anh thi sĩ nổi tiếng làng nghệ ở Sài Gòn, vốn mua được cảm tình thiên hạ bằng những vần thơ nhẹ như mây, tinh tế như một con robot Nhật Bản, lại khoái coi phim xã hội đen máu chảy đầu rơi. Và đại ca thi nhân giải thích (hay biện minh) nhẹ tênh: “Xem để thấy xã hội mình đang sống đáng yêu hơn nhiều!”

Xào ơi, phim ảnh hư cấu, anh chỉ biết thở dài...

Anh đã bắt đầu chương trình tập bay của mình bằng bài học Zen. Xả hết những suy nghĩ, để cho thân thật nhẹ, tâm thật nhẹ... Ngồi kiết già thẳng lưng trên chiếc toạ cụ, anh hơi nhắm mắt mình và để mình trôi đi, trôi đi...

“Anh bay dài vô tận. Mỗi ngày bay một chuyến. Hay hai chuyến. Cô Hai có biết cái cảm giác trôi mình vào mây, nhẹ, tơi, xốp, thiệt là đã không!”

“Xời. Năm ngoái đi tập huấn ngoài Hà Nội về dịch cúm, em cũng bay bằng máy bay, cũng chui qua mây. Tập làm chi anh ơi, có tiền thì đi du lịch bằng máy bay, dễ òm hà...”

Cũng như thằng Nẫm, không cách chi anh có thể đưa cô Hai đến với miền bay của anh. Cô Hai miết ngón tay trên má anh: “Bay được thiệt ở ngoài đời, em cưới anh liền tay. Bảo đảm mình giàu chắc!” Thì đúng, chỉ cần vài chuyến biểu diễn kiểu người nhện trong phim, hốt bạc triệu bạc tỷ ngay chớ gì.

Không dưng trong anh trào lên biết bao cảm giác yêu thương. Cái nghèo miên viễn tù đày cột con người ta trong cái ước mơ đơn giản mà thiêu đốt kinh người: Phải làm giàu! Nhà cô Hai nghèo. Có chút sắc nước hương trời với tấm bằng kĩ sư, là cái lưng vốn trời cho/người cho, cô Hai phải tính toán sao cho cái lưng vốn ấy sinh lãi, lãi càng cao càng tốt...

Cho nên rạch ròi ra, anh là một thứ bồ nhí cho qua ngày đoạn tháng, dẫu thằng bồ chính thức của cô Hai chưa thấy xuất hiện bao giờ. Anh, thằng thương hồ đi rã vịt đàn theo chỉ dẫn mối lái của thằng Nẫm, sống trên trời bằng những chuyến bay tâm tưởng, chỉ có thể mơ và chơi với cánh đồng cô Hai những ngày tự do hiếm hoi còn lại của cô. Mai này, anh có trúng vài chục chuyến thương hồ mùa dịch cúm, cũng khó lòng mà sở hữu được cô Hai này đây...

Anh quờ tay níu cô xuống, nghe mình đẫm trên phù sa cánh đồng tứ giác mênh mông hương lúa, hương bùn...

 

o0o

 

Mắt một mí, hoá ra không như anh nghĩ, đã phát hiện ra cái sự trắng da dài tóc của anh. Anh đọc thấy trong đó như là một nỗi kinh hoàng chứ không phải sự ngạc nhiên. “Anh nằm bệnh viện chứ không phải đi công tác xa, đúng không?”

Nếu thế giới bớt đi sự cật vấn nhằm giải toả thắc mắc, hẳn sẽ không có nhiều cuộc xung đột, từ xung đột sắc tộc cho đến xung đột chính kiến. “Đúng vậy. Hay chính xác hơn, tôi tự giam mình ba tháng qua...” “Tự giam mình?”

Anh thở hắt ra. Và bằng tất cả sự can đảm đàn ông mà anh có, anh nói nhẹ, và cũng thật nhanh: “Tôi tập bay!”

My Sake dòm anh. Rồi dòm ra cái chòm cây xanh bên ngoài cửa sổ cái quán nhỏ. Như là cô đang định thần lại. “Anh nói là anh tập bay? Tập lái máy bay?”

“Không. Tôi tập bay, như Misuko từng mơ...” Anh nghe cô bạn Nhật thốt lên một tiếng nhỏ và rồi cô kịp đưa tay lên bụm miệng. “Misuko hiểu rồi...” Không chắc cô đã hiểu. Một thiên tài cỡ Da Vinci mà phải nhiều, rất nhiều thế kỉ sau nhân loại mới hiểu, thì cỡ anh, đối diện đây, ngay trong thời điểm tê zero này, còn lâu lắm My Sake mới hiểu được!

“Bankei từng bay đó, anh bạn của Misuko ạ! Ông đã từng bay trên những cánh đồng lúa mạch. Bay qua những rừng hoa anh đào. Ông nổi tiếng là một kiếm sĩ không thất bại bao giờ chỉ vì ông biết bay, anh có hiểu không!”

Bây giờ thì đến lượt cô cho rằng, anh không hiểu cô... Những nghịch lý trong từng cái va chạm đời sống luôn xảy ra như thế...

Để Misuko kể anh nghe về một trong những chuyến bay của Bankei, nhé...

Anh cười: “Misuko không cần kể. Tôi đã bay cùng với Bankei như thế. Tôi sẽ nói cho Misuko nghe về một chuyến bay!”

 

 

III

 

Imbe là một ngôi làng nhỏ, gần như vô danh ở Yokoyama. Sau rất nhiều những cuộc chém giết vinh danh Kiếm đạo, những ngày cuối đời, Bankei đã lui về đây ẩn dật. Cái ngôi làng nhỏ chuyên làm đồ sứ mỹ nghệ thuần thủ công này luôn tìm được sự bình an rất cần thiết cho từng tảng cao lanh và cả từng con người...

Misuko rất tự hào về Imbe. Cô cũng biết làm những món đồ sứ nho nhỏ. Cái nghề truyền thống ngỡ thuần chất Nhật này, hoá ra lại được mang từ Trung Quốc sang từ thời Tống. Thỉnh thoảng cô kể anh nghe về ngôi làng nhỏ gần như không chịu ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng công nghiệp ào ạt của xứ Phù Tang.

“Nó đang dần trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách khắp nơi trên thế giới!” Anh lẩm nhẩm: “Kiểu du lịch làng nghề Việt Nam đó mà...” “Misuko cũng có đi vài làng nghề ở miền Bắc, nhưng nó kịch quá...”

Anh hiểu. Dù gì đi nữa, cách làm của người Nhật bao giờ cũng khoa học hơn.

Bankei, thiền sư mà anh đã đọc, là một người quật cường. Chính ông đã tự mình thoát khỏi sức ảnh hưởng của Thiền Tông Trung Hoa để khai sáng đường lối Tâm bất sinh. Nó cũng tương tự như Imbe, ngôi làng nhỏ của Misuko, đã thoát khỏi những khuôn mẫu sành sứ của thời Bắc Tống để có riêng cho mình một cá tính không lẫn vào đâu.

“Bankei kiếm sĩ thực ra là một biệt danh. Ông ấy đã thoát khỏi những bài học cũ của kiếm đạo, tự mình khai phá một trường phái mới. Người ta gọi ông là Bankei của kiếm thuật. Một cách ví von...”

À, ra thế.

Khi anh kể cho Misuko nghe về một chuyến bay chung cùng Bankei kiếm sĩ, cô đã cười khúc khích rồi cầm tay anh: “Anh thật là may mắn. Misuko chưa bao giờ bay được như thế!” Bàn tay của cô bạn Nhật nhỏ nhắn nhưng ấm, và đầy tin yêu! Anh đặt một bàn tay khác lên đó và nhìn sâu vào đôi mắt một mí.

Anh muốn nhiều hơn thế, rất nhiều hơn thế...

 

o0o

 

Khi anh nộp đơn xin nghỉ việc, ông sếp đã tròn mắt vì ngạc nhiên: “Mọi thứ đang tốt mà!” “Tốt cái con khỉ...”, anh gầm gừ!

Và đúng như kịch bản, mọi thủ tục được duyệt cái rẹt sau cái tổ hợp từ cay cú trên. Anh nhẹ tênh cầm lấy cái quyết định và mớ tiền còm để quay về căn phòng trọ. Và thằng Nẫm đã giúp anh đóng chốt cái đinh cuối cùng. Cũng chính thằng Nẫm đã mối lái cho anh làm một khách thương hồ ba mớ sau ba tháng của một công cuộc huân tập vĩ đại nhất đời anh...

Anh nằm trên khoang trước dòm lên trời. Không thấy sao. Và đêm cũng không có trăng. Vài cụm mây ít ỏi vần vụ. Tiếng máy nổ phành phạch, đều đặn và đơn điệu. “Về phương Nam lắng nghe cung đàn...”, anh lẩm nhẩm hát. Bài hát buồn chi lạ. Mà lão nhạc sĩ này, vốn gốc xứ Quảng, từng viết đẹp và sang trọng kiểu hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời mơ, giờ, lại não nề thang ngũ âm Nam bộ rặt ròi, đáng nể thiệt...

“Xị rượu heng, cậu trai?” “Có lý đa...” “Ờ, đêm sông nước không chi ấm lòng bằng xị đế con khô, cậu trai!”

Chủ rã, thô ráp và góc cạnh bày mâm ra. Anh nhẩn nha uống từng chút lửa cháy. “Nè chú, chú có bay bao giờ chưa?” “Tui cả đời sông với nước, có leo máy bay bao giờ đâu cậu trai.” Anh thở dài: Ờ ha...

Ở đời, nếp nghĩ quán tính hằn sâu. Khi nói tới bay là bất di bất dịch, con người ta gán ghép liền với chiếc máy bay.

“Cái cô Hai đó thiệt ngộ. Cậu trai rồi cũng thủng thẳng tính đi chớ. Ông bà mình nói, cưới vợ thì cưới liền tay đó cậu trai!” “Chú ôi, người ta cũng chưa có thiệt lòng ưng cái bụng đâu. Mà tui còn lông bông có khác chi chú đâu. Họ cần là cần cái nhà, cái đồng lương căn bản vững vàng... Nói chi chuyện đó thêm rầu cái bụng chú, mình uống đi! Rồi thủng thẳng tui kể chú nghe tui đã bay thế nào!”

Lại nghe lửa cháy trong người. Misuko. Và ngôi làng Imbe bé nhỏ chạy về trong anh! Lạ quá, chỉ sáng mai đây thôi, anh sẽ gặp cô Hai, sẽ lại là phù sa hương đất hương lúa hương bùn rặt ròi giống Việt, sao mơ tưởng chi tới cái xứ Phù Tang xa hun hút và lạ hoắc lạ huơ kia.

Nhưng anh không thấy nó lạ. Mà ngược lại kia, rất gần gũi, thân thuộc.

“Nói nào ngay cậu trai, tui sợ ra khỏi cái ghe này tui không sống được. Không cách chi tui nghĩ con người mình có thể rời khỏi con sông, mặt đất. Bay là là như chim, mà mình thì không có lông, không có cánh, có ngày rồi cũng chết mất xác!”

Anh cười cái cười độ lượng của một người trên cơ: “Hồi xưa thần tiên bay tá lả đó chú!” “Tui mời cậu trai ly này. Với tui thì cứ bằng an với sông nước dầu máy, lấy vợ đẻ con, rồi dựng vợ gả chồng cho tụi nó! Tui không ham bay với bổng chi hết. Ở đâu có kiểng chùa, mình ghé vô thắp nhang khấn trời khấn phật phù hộ độ trì, vậy thôi chú!”

Ôi chao, để kiếm được một đời sống bình an như ông chủ rã này, thật không dễ. “Chú tu bảy mươi đời trước, nay mới được vậy đó.” “Cậu trai nói chơi. Tui thấy dân thành phố trắng da dài tóc, ăn diện, ăn xài thả dàn, mới là tu bảy mươi đời trước đó!”

 

o0o

 

Thực thì anh nhận ra sự ám ảnh của My Sake cũng khá muộn. Khi nhận cái tin nhắn nói cô đi Sapa vài tuần, anh gần như hoảng kinh. Ngồi thần người rất lâu, anh tự hỏi mình vì sao lại thế? Câu trả lời rất mơ hồ...

Có thể, là sự cô độc chăng? Hay cái hơi ấm bàn tay đã trở thành một thứ ám tượng? Anh không giải mã nó. Rốt ráo với chính mình cũng chẳng để làm chi hết. Vì có rốt ráo cũng đâu còn cách ứng xử nào khác...

Anh chưa đi Sapa bao giờ. Nhưng anh cũng không đủ khả năng để đu gió theo cô bạn Nhật chuyến đi này, dù anh rất biết, cô sẽ rất ưng ý nếu có anh đi cùng. Nhưng anh mặc cảm với nhóm bạn đồng hương của cô, có một chàng lỏng khỏng lúc nào cũng cầm trên tay một cuốn sách. Dường như cả nhóm ấy không mấy thiện cảm về mối quan hệ của Misuko và anh...

Anh gửi một tin nhắn: “Đi bình an. Về bình an. Mình rất nhớ bạn!” Câu trả lời là một biểu tượng khuôn mặt cười. Nó không chứa đựng một cảm xúc thật nào hết! Nó chỉ là một thứ biểu tượng, ngầm hiểu rằng tôi đã nhận được thông điệp của bạn...

Imbe. Imbe. Một ngày nào đó, anh sẽ đến Imbe, không bằng cách đóng cửa tập bay, mà sẽ bằng đôi chân vạn dặm và cái ba lô lữ hành, như những người bạn Nhật trẻ trung đang sải chân hành hương trên xứ sở của anh...

Thế mà chưa trọn một tuần, anh đang khắc khoải với chính cái mớ bòng bong tạm gọi là nỗi nhớ thì cái điện thoại di động rung bần bật. Tin nhắn của Misuko, My Sake: “Cafe nhé?” Và anh như bay đến đúng chỗ có những cây xanh mát mắt hai người. Misuko cười ngường ngượng: “Chuyến đi chán lắm. Mình về thôi!”

Anh biết cô nói dối... Nhưng hề gì. Cô đã ở đó. Cái hơi ấm bàn tay đã ở đó. Nhưng một thứ bản năng cố hữu nào đó cứ ngăn anh đừng bộc lộ hết cảm xúc của mình. Anh tếu táo: “Chắc tại chuyến đi không có mình đó, Misuko!”

 

[Còn tiếp chương IV, V & VI]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021