thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tin nhắn trong chai

 

Bản dịch của Mai Sơn

 

JEANETTE WINTERSON

(1959~)

 
Jeanette Winterson, nữ tiểu thuyết gia Anh, sinh năm 1959 tại Manchester, Anh, được một cặp vợ chồng theo đạo Pentecost ở Accrington, Lancashire nhận làm con nuôi. Năm 16 tuổi, bà tuyên bố mình đang có một quan hệ đồng tính, và rời bỏ gia đình. Bà tiếp tục học Anh văn tại St Catherine’s College, Oxford. Sau khi đến London, bà xuất bản tiểu thuyết đầu tay, Oranges Are Not the Only Fruit, năm 26 tuổi; năm 1985, Oranges... được giải thưởng Whitbread Prize dành cho tiểu thuyết đầu tay, được chính bà chuyển thể cho truyền hình năm 1990 và được giải thưởng BAFTA cho Vở kịch hay nhất. Năm 1987 bà đoạt giải thưởng John Llewellyn Rhys cho tiểu thuyết The Passion. Cuốn này lấy bối cảnh châu Ậu thời Napoleon.
 
Những tiểu thuyết sau này của bà khám phá những biên giới của vật thể tính và sự tưởng tượng, những khác biệt phái tính và căn cước tình dục.
 
Bà được trao Huân chương Đế quốc Anh (OBE - Order of the British Empire) năm 2006.

 

______________

 

TIN NHẮN TRONG CHAI

 

Mỗi một vật rắn đặc đã biến thành cái tương đương lỏng loãng của nó.

Mưa tuôn những chuỗi dài, thẳng, từng giọt từng giọt nối đuôi nhau — những hàng mưa dài, đan dệt từ bầu trời xám chì và rơi xuống như những cánh cửa chớp an toàn, ngăn cách đường với đường, phố với phố.

Tiếp tục chạy tới — không, đường này không thể qua được; ngoặt qua bể bơi nước mưa, những cái lá chắn làm tung toé nước như con chim. Không có con chim nào bay trong chiều nay. Không có con chim nào tắm trong cái máng nước cạn bằng đá. Không có vũng nước cạn nào. Đến chiều tối những con đường sẽ thành những dòng kênh, và con dốc dẫn xuống thung lũng sẽ thành những thác nước. Dòng sông và con đường bây giờ giống như nhau và không ai trong chúng ta đi trên nước được.

“Tôi phải về nhà,” tôi nói với viên cảnh sát tại một rào chắn, nhưng ông lắc đầu, mưa tuôn như nước mắt trên mặt ông. Tôi nhìn tới trước; mọi thứ đều ướt đẫm, chuyển đổi, ngoại trừ chính cơn mưa vốn cứng đặc trước mọi hiện tượng. Không thể nhìn vào chính giữa nó, không thể nhìn xuyên qua nó.

Mưa như một căn phòng mà các vách tường dần dần tiến sát vào nhau. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ như ông thánh trong cái hộp thuỷ tinh, một thánh tích từ một thời đại nào khác. Mưa sẽ vây quanh tôi giống như thể tôi là một thông điệp trong chai, như vị thần trong lọ. Bầu trời màu chì sẽ bít lại phía trên và tôi sẽ không bao giờ thoát ra được, không bao giờ. Tôi sẽ như thế này, áp lỗ mũi vào phong vũ biểu, một chú lùn trong nồi cất. Vào một chiều như trong thuật giả kim này khi thiên nhiên đang chuyển đổi chất lỏng và chất rắn của nó, bản phác thảo của tôi đang bắt đầu mờ đi. Tôi nói với viên cảnh sát — “Tôi phải về nhà.”

Ông chậm rãi lắc đầu, bởi vì mọi vật chuyển động chậm hơn dưới màn nước. Ông quay qua nói chuyện với người lái xe tải lù lù một đống trong bộ quần áo mưa, màu sắc và đường nét khuôn mặt đỏ của ông ta giống như tảng thịt bò muối sũng nước. Tôi cố gọi điện thoại cầm tay của mình lần nữa, mưa chảy lên tay áo đến tận khuỷu tay tôi. Thế rồi, khi viên cảnh sát đi với người lái xe tải đến chiếc taxi của ông để lấy tấm bản đồ, tôi nhận ra tôi có thể lẻn trở lại xe tôi, mở thắng tay và chạy đi mà không ai thấy, xuống ngọn đồi, xuôi ra con đường tôi cần về nhà.

Tôi giả định đây là việc làm phạm luật — không vâng lệnh một viên chức mặc đồng phục, nhưng nếu tôi đậu xe và chờ được cứu thoát, tôi sẽ phải chờ bao lâu? Cuộc đời không phải là câu chuyện thần tiên và tôi không phải là hoàng tử. Không có hạnh phúc mãi mãi. Hôn nhân đã dạy tôi điều đó.

Tôi chui vào xe. Tôi chạy trốn. Tim tôi đập như thể đó là trái tim của một người khác — bạn không bao giờ nhận ra nhịp đập của tim mình đâu — và trái tim tôi là của người khác. Em sẽ về nhà với anh. Em đang trên đường về nhà. Nhắn tin không được.

Cứ chạy.

Tôi đang chạy xe. Những cái vỏ xe dùng chạy đường xấu chả bao giờ dự trù biến thành bè gỗ cả. Đang lướt như vịt qua những dòng nước cuồn cuộn đang dâng lên, lúc này không xa khúc quanh của tôi, tôi chợt nhớ rằng nước luôn luôn phẳng — không phải đôi lúc, mà luôn luôn. Một trong những tính chất của nước, ngoài tình trạng ẩm ướt của nó, là nó luôn luôn phẳng. Tôi nhận ra, quá muộn, rằng mực nước trên đường sâu hơn tôi tính toán vì con đường này dốc xuống. Tôi đã chạy xe trên đường này hàng ngàn lần và tôi biết nó dốc xuống, nhưng, dẫu vậy, tôi đang chạy xe dọc theo đó trong tất cả sự bình yên thẳng thớm của nó. Một con đường ẩm ướt, một con đường khó lường, nhưng là một con đường thẳng.

Sai lầm.

Nước chầm chậm dâng lên trên kính chắn gió như cái bể cá đầy tràn. Nước tràn lên tấm kính, nhưng tôi đã về lại nhà như đứa trẻ, lỗ mũi tôi áp chặt vào mặt kính của bể cá trong khi bố tôi nhẹ nhàng đưa vào hồ cái vòi đặc biệt, cửa tò vò bằng san hô, bức tượng Poseidon[1] nhỏ xíu bằng chất dẻo và một nàng tiên cá cầm chiếc lược ngồi trên hòn đá, mỗi thứ đều được phóng đại lên một chút, rồi rong cỏ trải ra và bồng bềnh, và sau cùng bốn con cá vây, hai con cá ngựa vằn được đặt trong tấm lưới của chúng, và cha tôi dùng hai ngón tay rắc những mảnh cá vụn lên mặt nước.

Thế rồi nước tràn lên trên mui xe.

Chúa ơi! Chiếc xe hơi này có cửa điện tử mà không còn điện. Hơi thở tôi cạn trong khi nước thì sâu. Tôi còn bao nhiêu không khí. Đây là loại xe đuôi cong, nên cái lốp xơ-cua nằm dưới tấm thảm phía sau, và tôi từng xem phim thấy James Bond hít thở từ cái lốp, nhưng tôi không phải là James Bond, và để mở cửa chính tôi phải cân bằng áp suất trong xe và để làm việc đó tôi phải đập nát cánh cửa, và để làm việc đó ... lốp xe... cục chèn bánh xe...

Tôi trườn ra phía sau, tìm cái cục chèn bánh xe bằng sắt nặng chịch, và đập thật lực vào cửa hậu. Cửa vỡ toang. Trong khi nước như tia điện quất vào người tôi, tôi kéo mớ dây nhợ lằng nhằng của cái cửa hậu đặt máy sưởi và cố chọc một cái lỗ để thoát ra ngoài. Lúc này tôi đang ở trong cái bể cá và nếu tôi không thể chọc được một cái lỗ đủ lớn, và tôi không thể, tôi phải chờ, chờ, cho đến khi nước chế ngự chiếc xe này, và...nó đây rồi, toàn bộ sự kinh hoàng và một hơi thở sâu, tóc tôi lềnh bềnh như rong cỏ.

Tôi phải từ từ bò ngược ra lại ghế trước, và dùng hai tay xoay cái tay cầm làm kích hoạt cửa xe...

Cửa mở, và tôi nằm xuống, đẩy nó bằng hai chân. Tôi chui tọt ra như một đứa bé sơ sinh, và phía sau tôi là chiếc tàu Titanic mang theo cái được gọi là cuộc đời tôi. Tôi đã thoát ra ngoài.

Trong cơn cuống cuồng mừng rỡ, phấn khích vì bỗng dưng được hít thở không khí tùy thích, tôi không thấy một cái cây ngã; tức là, tôi đã không tránh được nó, tôi đụng đầu vào nó và bất tỉnh.

Susan vẫn chưa về nhà — cô ấy đang ngồi trong xe hơi — vâng, chúng tôi lo lắng ... cái điện thoại di động của cô — Không. Không có tín hiệu gì cả ngày nay. Tôi cũng hi vọng thế.

Bạn có ... hai tin nhắn, và một tin nhắn lưu lại, tin nhắn lưu lại, tin nhắn lưu lại. Martin... đó là Susan.

 

Khi tôi tỉnh lại, tôi đang bồng bềnh nhẹ nhàng trôi xuôi theo đường—sông như Ophelia,[2] như Bà Shalott,[3] như chiếc thuyền tang Winston Churchill,[4] như chuyến lưu diễn cuối cùng của Take That,[5] như những hòn đá theo sông Thames về xây dựng Giáo đường St Paul, như Francis Drake[6] giong buồm đi từ Deptford sau khi tự đánh đắm chiếc tàu Armanda, như con cá voi, bề ngoài trông khổng lồ, nhưng trong đàn của nó thì nhỏ xíu, hắn nghĩ mình có thể trôi dạt từ từ qua những vũng tàu và cầu tàu, quay ngược về cầu Tower Bridge[7] và lại về nhà, nhưng hắn không bao giờ về nhà lần nữa bởi vì hắn to lớn hơn hắn biết, và dòng sông không còn sâu như trước đây, vào thuở xa xưa trong những câu chuyện mà con cá voi này kể cho con cá voi kia nghe, những câu chuyện như những cái ống tuýp bằng thuỷ tinh nổ tung giữa biển.

Và đó là tôi, hoàn toàn bị phong kín trong cái ống thuỷ tinh, nơi nước đã đông cứng quanh tôi như nhựa thông.

Martin đứng ở cầu thang sau nhà nhìn ra dòng sông. Nó sẽ không chạm tới ngôi nhà — vốn được xây cao hẳn bên bờ sông — nhưng khu vườn bây giờ là một cái hồ. Anh nhìn mưa, nghĩ mưa vẫn thường trong suốt như thế nào, và cơn mưa này u ám như thế nào, mỗi giọt mưa rơi như một viên đạn chì. Trời không lạnh nhưng mưa gay gắt và xối xả, một cơn mưa đá. Một loại mưa mới, anh nghĩ, hằn thù, không buông tha, không như lòng nhân từ, mà như sự trừng phạt. Nhưng tại sao con người cứ trông mong vào một thứ nhân từ nào đó? Susan đâu rồi?

Martin sẽ kể với Susan về Caroline. Anh có hai cái bánh pizza trong tủ lạnh và mấy bịch xà lách được rửa sạch bằng clo hay thuốc tẩy hay bất kỳ cái gì mà các siêu thị làm với xà lách để nó tươi lâu hay để giết vi khuẩn. Anh đã hứa chuẩn bị bữa ăn tối, nhưng dường như đã mất thì giờ mua mấy thứ ngon khi cả hai đều không cảm thấy muốn ăn, và khi cô có thể sẽ ném thức ăn vào anh. Anh đã không chọn thứ gì có nhiều nước hay nhiều nước xốt cà chua vì lý do đó.

Lẽ ra cô ấy đã về nhà từ lâu rồi. Anh muốn cô ổn, an toàn — và phần nào trong anh, không phải phần lớn, chỉ là cái móng tay hoặc cái lỗ mũi, muốn cô chết. Chết sạch sẽ và đơn giản. Sau đó có thể anh tiếc nhớ, vả chăng anh sẽ tiếc nhớ, bởi vì anh đã từng yêu cô khi tình yêu có vẻ rõ ràng và trong suốt, trước khi nó tối sẫm dần và chai cứng dần, và rơi xuống như cánh cửa chớp giữa hai người. Vâng, nếu cô ấy chết, một cái chết chớp nhoáng không đau đớn vì nước, thì anh sẽ tự do nhớ lại tất cả những điều tốt đẹp, và sau đó, không ai, ngay cả cha mẹ cô ấy, có thể bực bội anh Caroline. Anh ấy sẽ tự do.

Nhưng anh biết sẽ không có một kết cục nhân từ như thế.

Anh nhìn bầu trời. Viên đạn chì.

Nước chảy nhanh hơn. Tôi chỉ có thể nương theo dòng nước này bằng cách quạt tay quẫy chân, như đang lái một chiếc xe trẻ con tập đi, hoặc một trong những vòng bàn đạp xe đạp khi nằm dài ra. Tôi không thể giải thích bằng cách nào tôi lọt vào trong một cái bọc nước, nhưng đó là những gì đã xảy ra. Không có nước trong nước, và tôi thở được. Mưa rơi khiến khó nhìn ra xa, nhưng tôi biết rằng sau khi nước rút dòng sông chảy dưới cầu, có nghĩa là...khoan đã! Những đám nước-sủi bọt không phải là phương pháp di chuyển thích hợp. Nhưng không vấn đề gì bởi vì dòng sông này là dòng sông của chúng tôi và tất cả những gì tôi phải làm lúc này là chạm cho được bờ và gọi Martin.

Martin đang đứng ở cửa sau thì anh chợt nghĩ anh nghe thấy ai gọi tên anh từ xa như một giấc mơ xa xôi. Giọng nói thân thuộc nhưng lạ lẫm; quen biết và không. Anh lưỡng lự, rồi mặc áo choàng vào.

Dòng sông phình to lên, cái lưỡi của nó u ám và sủi tăm sau những cội cây. Anh nghĩ về thời gian là một dòng sông, và không bao giờ có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông, nhưng nếu anh có thể ngược dòng thời gian, anh sẽ lội qua dòng đời mình cho tới khi đặt chân đến một nơi mà tình yêu đã khô cạn, nơi không có nước, không phải lội đi, chỉ có chiếc giường dày đặc của những tảng đá. Ở trên giường với Susan cũng giống như chiếc giường những tảng đá lúc đó.

Martin đứng lặng. Có các thứ trôi lềnh bềnh trên sông: những cuốn sách, tập album ảnh, một bó hoa hồng trắng, một chiếc giày. Căn nhà của ai đó chắc đã bị nước tràn vào rồi, anh phải cứu những thứ này và trả lại cho họ. Anh tự hỏi anh sẽ chộp đại cái gì và chạy đi nếu nhà riêng của anh đang bị nước tràn ngập.

Anh nghiêng người xuống và vớt lên hai cuốn sách và tập album ảnh. Một con gấu nhồi bông đang xoay tròn về phía anh với vẻ tiếc nuối quen thấy ở các đồ chơi nhồi bông của tuổi mới lớn. Anh kéo nó lên và đặt nó trên cái chạc ba của cây liễu.

Martin mở tập album ảnh. Một thanh niên với kiểu tóc mới mỉm cười với anh. Người phụ nữ bên cạnh anh ta đang đưa bàn tay mình ra, với ngón tay mới đeo nhẫn.

Có cái gì đâm sầm vào chân anh. Một cái giường. Anh phải lấy hết sức để gạt nó ra. Anh ngồi bên khung ảnh gỗ, thở hổn hển. Trôi sau cái giường là cái tủ nhỏ đựng quần áo, kế tiếp là cái bàn ăn ngoài trời, rồi là một cái bếp ga, sau đó là chiếc váy ngắn những năm 60, sau nữa là cái cũi trẻ con. Cái cũi đang kêu khóc. Martin nhào xuống và vồ cái cũi bằng hai tay, căng người cưỡng lại dòng nước xoáy. Cái cũi trống không.

Bây giờ anh đang ở giữa sông, nhưng dòng sông đã trở thành một cái băng chuyền và, đong đưa muốn chóng mặt về phía anh, nửa đẩy lên, nửa nhấn anh chìm vào những mảnh vụn dĩ vãng của anh, những đồ vật mất đi từ lâu, đã bị lãng quên và bị vất bỏ, đã lạc loài và bị chôn vùi, đã thành rác rưởi, bị nghiền nhão, đã tặng cho quĩ từ thiện và đổ thành đống, đã được thay thế, được sửa chữa lại, đã biến mất mãi mãi, mãi mãi và cuốn theo nó là cuộc đời như một đường thẳng, thời gian là mũi tên, thời gian là dòng sông, chảy đi, trôi đi. Cái gì xảy ra khi những trận lũ đến?

Có một xác chết đang trôi về phía anh. Anh hét lên thất thanh và ôm lấy mặt. Cái xác đảo tròn trong con nước xoáy như phi hành gia trong không gian, không trọng lượng và lỏng lẻo, rồi mắc kẹt vào một nhánh cây như con búp bê, tự gỡ ra khỏi, lại trôi đi.

Có những người khác trên dòng sông bên anh lúc này, đến gần hơn với những vẻ nghi hoặc trên mặt họ. Những người bạn anh đã phải bỏ lại phía sau — Martin là người đàn ông tham vọng — những đồng nghiệp mà anh rất tiếc phải sa thải — Martin là người lãnh đạo — con trai anh, anh rất ít khi gặp con trai anh.

Cái gì đây, đang trôi đến gần, khi anh đứng dậy ngang ngực giữa dòng nước xiết trong? Anh có thể thấy hai chân mình như chân của xác ướp Giáo hoàng. Nhưng cô ấy không bị ướp xác, cô ấy còn sống, và cô ấy là vợ anh, và cô ấy đang trôi xuôi theo dòng sông như con tàu lù lù chết khiếp, tuy lạc lõng và bị đoạ đày, được những hồn ma điều khiển. Con ma vợ anh đập vào hai chân anh trước. Anh vồ lấy cái cũi. Nó vỡ ra như bong bóng xà phòng. Cô ấy đang ở trong nước với anh, đầu cô bị xây xước và rỉ máu, những giọt màu đỏ đang nhỏ xuống như mưa vết thương.

Susan bị thương.

Hãy tưởng tượng. Những dòng nước lũ rút xuống và chiếc thuyền Noah rốt cục nằm trên đỉnh Núi Ararat. Con chim bồ câu bay về với cành ô liu trên miệng.

Hãy tưởng tượng. Nhiều năm và nhiều năm sau đó, mặt đất đã khô và màu mỡ từ bao lâu rồi, và chiếc thuyền vẫn còn đó, mắc cạn trên đỉnh núi như một điểm ký ức — một bằng chứng ngớ ngẩn, bất khả cho một cái gì vốn chưa bao giờ xảy ra.

Nhưng nó đã xảy ra.

Sau đó, tôi nhận ra tôi cực kỳ muốn về nhà bởi vì một phần ý thức nào đó trong tôi biết rằng ngôi nhà sẽ không bao giờ giống như ngôi nhà sau cái ngày đó. Cuộc sống của tôi với Martin, cuộc sống chung của chúng tôi, đang bị cuốn mất đi; một ngày mưa nữa thôi và nó sẽ không còn gì.

Tôi biết anh sẽ nói với tôi điều gì. Tôi biết tôi sẽ đáp lại anh thế nào. Cả hai chúng tôi đều sẵn sàng cho động thái cuối cùng, và rồi mưa tới, tàn nhẫn và sáng rõ, và dòng sông dâng nước lên, để cả hai chúng tôi cùng nhìn thấy quá khứ; sự khởi đầu của chúng tôi, và sau đó, kết cục của chúng tôi.

Anh lên kế hoạch mọi thứ, nhưng điều này không nằm trong kế hoạch. Tim tôi đập loạn, tôi chìm xuống vì dù gì thì tôi cũng đang chết đuối. Chỉ giữ cho cái đầu ở trên mặt nước, hy vọng.

Nhưng trong những câu chuyện sống sót sau đắm tàu và mất mát, có một cái gì đó tìm cách vào được bờ. Các trận lũ lụt huỷ hoại cũng rút lui, và nơi tôi giạt đến là nơi tôi bỏ đi cách nay quá lâu — một bãi đáp tôi từng tự mình ghé lại. Một chỗ để bắt đầu lại.

Tôi đã bị dán kín và bịt nút, khoá chặt và đóng đinh, đặt trong một cái chai bởi bùa mê sợ hãi, từng phân tử lỏng đang cứng dần quanh tôi, sự chuyển hoá tối đen của nỗi đau.

Trong đống đổ nát tôi thoát ra. Tôi đứng dậy, nước chảy xuống cơ thể tôi, máu trên mặt tôi. Nhưng đây là những chất lỏng và không phải những tảng đá, đây là sự vận động, không phải khối lượng. Cái vỏ bọc đã tan tác — cái ở bên trong đó không hay ho gì, nhưng nó còn sống. Tôi còn sống.

Bên trong cái chai, một mảnh giấy, một câu chuyện trong một cái ống tuýp thuỷ tinh. Hãy mở nó ra, nó nói gì?

Nhiều dòng nước không thể dập tắt tình yêu, những cơn lũ cũng không thể dìm chết nó.

Và mảnh giấy là mảnh đất khô ráo, còn câu chuyện là chỗ để bắt đầu lại.

 

 

----------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Anh, "Message In A Bottle", của Jeanette Winterson, đăng trên tờ The Guardian (Saturday, August 11, 2007).

_________________________

Chú thích của người dịch:

[1]Poseidon: Vị thần của biển và nước trong thần thoại Hy-lạp; là Neptune trong thần thoại La-mã.

[2]Ophelia: Một nhân vật nữ trong vở kịch Hamlet của Shakespeare

[3]Phu nhân Shalott: Tên một bài thơ (“The Lady of Shalott”) của Alfred Lord Tennyson (1809–1892), thi sĩ Anh.

[4]Winston Churchill (1874-1965): Thủ tướng Anh hai nhiệm kỳ (1940-45; 1951-55).

[5]Take That: Một nhóm nhạc pop nổi tiếng của Anh.

[6]Sir Francis Drake (1577-80): đô đốc hải quân Anh; thuỷ thủ nổi tiếng nhất thời Elizabeth.

[7]Tower Bridge: Chiếc cầu di động bắc qua sông Thames (London) có từ năm 1894.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021