thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôi nhà có vết đạn

 

Vào đầu thập niên 60, khi gia đình tôi từ miền Trung vào lập nghiệp, Xuân Lộc còn là nơi rất hoang sơ, là một quận lỵ thuộc tỉnh Long Khánh (sau này mới đổi lại là tỉnh Đồng Nai). Lúc đó nhà cửa thưa thớt, quanh vùng là những khu đồn điền trồng cao-su. Cha mẹ tôi là nhà giáo. Ông bà mua trả góp một căn nhà của chính phủ thời đó xây để bán lại cho công chức. Căn nhà được xây trước khi tôi ra đời. Ba mẹ tôi mua trả góp với thời hạn là 25 năm.

Căn nhà nhìn ra con đường nhựa xẻ dọc quận lỵ. Hai bên đường người ta trồng cây cao-su tạo thành vòm lá ken dày, nhìn sâu hun hút. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe đò hay xe lam chạy ngang, tiếng động cơ khuấy không gian ngái ngủ im lắng và, vào mùa khô, để lại một quầng bụi đỏ. Còn vào mùa mưa thì đất đỏ bùn sệt mặt đường, bước đi chân nhấc dép không lên. Vào buổi trưa tiếng tắc-kè buồn buồn vang trong vòm lá.

Căn nhà lợp ngói đỏ, bao quanh là ngôi vườn nhỏ, ông tôi trồng chuối và vài loại cây ăn trái. Trong vườn còn có một cây phượng, mùa hè nở hoa đỏ rực. Thềm nhà được đắp cao và tráng xi-măng. Nền nhà lót gạch tàu, lâu ngày có chỗ đổi màu từ đỏ sang xanh rêu, buổi trưa tôi nằm lưng mát lạnh. Trừ bếp, nhà tiêu và phòng khách, căn nhà còn có ba phòng ngủ. Cha mẹ một phòng, ông bà một phòng, phòng còn lại dành cho các anh em tôi. Các cánh cửa được làm bằng gỗ đỏ dày, nặng nề nhưng vững chắc.

Cha tôi mua ống vỏ đạn đại bác 105 ly về xây một hàng rào bao quanh nhà. Với cái hàng rào bằng vỏ đạn này, căn nhà nhìn khác biệt với các căn khác trong khu. Trường học cách nhà độ hơn cây số, anh em tôi đi bộ tới trường. Chợ và bịnh viện cũng không xa, đứng trên con đường trước nhà, chỉ nhìn hút tầm mắt, cuối vòm lá cao-su là đến.

Tuổi thơ của tôi trôi đi bình dị và lặng lẽ dưới mái ngói căn nhà đó. Thời chiến, đêm đêm nghe tiếng súng ở xa vọng về mỗi ngày nhiều hơn. Cha tôi làm một chiếc hầm nổi trú đạn bằng các thanh sắt và chất bao cát ở gian nhà bếp. Vẫn chưa yên tâm, ông làm thêm một hầm chìm sâu 2 mét, trên mặt lót đà ngang bằng thép và xi-măng.

Ngồi dưới hầm, nhìn xuyên qua lỗ thông gió, có khi tôi thấy bầu trời đêm huyền hoặc sáng rực ánh hoả châu. Những đêm nghe tiếng đạn nổ gần, hay còi báo động hụ, cả nhà cuống quít chạy xuống hầm ngồi. Bà tôi tay lần chuỗi, miệng khấn Phật, mỗi khi nghe tiếng đạn bay bà lại né người sang một bên, bà làm như tốc độ của mảnh đạn chậm hơn phản ứng của con người.

Một hôm, cha tôi thuê người đào một con mương nhỏ quanh vườn, thì bắt gặp một số xương người chôn gần chân tường. Ông tôi nhặt các mảnh xương lại bỏ vào một hòm gỗ nhỏ, mang chôn ngoài khu cao-su, rồi đốt nhang cúng làm lễ cầu siêu cho người vô danh nọ.

Tôi ngồi bần thần trước thềm nhà nhìn những đốm bụi sáng li ti bay vờn trong nắng vườn. Lần đầu tiên trong đời, thằng bé bảy tuổi bắt gặp cảm thức về cái chết, về những dấu vết sót lại của một con người, về sự ngắn ngủi của đời sống trước sự vô hạn, về một thế giới khác bên ngoài thực tại mà mình đang sống.

Đêm đó, một trận đánh xảy ra trong rừng cao-su, đạn nổ chát chúa thật gần. Căn nhà trúng đạn, nhiều mảnh ngói vỡ rơi tan tành ngoài sân. Nhìn qua mái nhà thủng một lỗ lớn, thấy những tia đạn lửa rạch xé bầu trời, tôi run rẩy thiếp đi trong nỗi sợ hãi. Ngày rạng, trong vườn thân chuối ngã ngổn ngang. Cây phượng bị đạn phạt cụt ngọn, những bông hoa rơi đỏ tan tác. Trên cửa phòng của mấy anh em tôi có hai dấu đạn đại liên. Một viên trượt đi để lại vết cháy nám và thịt của thớ gỗ đỏ xơ xước. Viên kia cắm phập vào cột gỗ, hết đà công phá, nằm lại trong đó, tạo thành một cái lỗ lớn bằng hai ngón tay. Sau này tôi biến lỗ thủng này thành “hang dế” tạm thời, nhốt một chú dế lửa vào đó rồi lấy giấy bịt miệng hang lại, tiếng dế gáy ri rí nghèn nghẽn nghe thật ngộ.

Năm 1973 gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn. Căn nhà chưa bán được nên để trống. Sau tháng 4/1975, Xuân Lộc là một thành phố đổ nát, nhiều nơi thành bình địa. Mấy khách sạn và các ngôi nhà quanh khu chợ chỉ còn lại những nền nhà đầy gạch vụn và mảnh đạn. Lạ thay, ngôi nhà của chúng tôi vẫn còn đứng đó, khói nám đen các bức vách, hàng rào sập một đoạn, mấy vỏ đạn bị gãy gục.

Theo dòng trôi chảy của đời sống, cha mẹ tôi không về Xuân Lộc nữa, ông bà tôi mang gia đình cô tôi về giữ nhà, rồi ông bà lần lượt qua đời dưới mái ngói đó.

Mảnh vườn bị phá đi để xây lên một căn nhà khác. Căn nhà cũ được trùng tu lại nhiều lần, nhưng vẫn giữ lại cái hàng rào làm bằng vỏ đạn và hai cây cột gỗ đỏ.

Ba mươi năm sau, tôi đặt ngón tay trỏ mình vào chiếc “hang dế” ngày xưa, ngón tay chạm vào đuôi viên đạn vẫn còn nằm trong đó, lành lạnh. Trong ánh nắng chiều chạng vạng, tai tôi vang lên một tiếng dế gáy mơ hồ vọng lại từ đâu xa, xa lắm...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021