thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Số phận của bà vợ một ông giáo sư

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

DANIIL KHARMS

(1905-1942)

 

Daniil Kharms (tên thật là Daniil Ivanovich Yuvachev) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Nga, sinh ra tại St. Petersburg. Thân phụ của ông là Ivan Yuvachev, một thành viên nổi tiếng của nhóm cách mạng “Nguyện Vọng Nhân Dân”. Daniil chào đời trong lúc thân phụ của ông đang bị cầm tù vì hoạt động chống sa hoàng. Sau này, chính Daniil lại bị cầm tù bởi chính quyền “cách mạng” của Stalin, rồi chết đói trong tù.
 
Từ năm 1924, Daniil Kharms bỏ trường đại học và dấn thân vào văn chương. Năm 1928, ông sáng lập nhóm OBERIU (Hiệp Hội Nghệ Thuật Thực Sự) với các thành viên là những nghệ sĩ tiền vệ triệt để. Chế độ Stalin không chấp nhận nghệ thuật của nhóm này, nên đã bắt nhốt Daniil Kharms vào năm 1931 và đày ông từ St. Petersburg đến Kursk. Năm 1932, ông được thả trở về St. Petersburg và vừa viết vừa sống nghèo đói lây lất cho đến khi bị bắt lần cuối cùng vào năm 1941. Họ nhốt ông trong trại tâm thần của nhà giam Leningrad số 1, và ông chết ở đó vào ngày 2 tháng 2 năm 1942, vì đói.
 
Năm 1962, một số tác phẩm ông viết cho thiếu nhi mới bắt đầu được ấn hành, và sau đó họ cho in một số truyện khôi hài của ông. Mãi đến năm 1987, chính sách glasnost mới cho phép xuất bản hàng loạt các tác phẩm chính của Daniil Kharms.
 
Nhà văn George Saunders nhận định: “Kharms nằm trong cùng một tủ sách với Tolstoy, Chekhov, và Babel... như một trong những nhà tiền phong vĩ đại của truyện ngắn đương đại. Trong thể loại này, truyện ngắn của ông sẽ là những tác phẩm ngắn gọn nhất, khôi hài nhất, và ở những phương diện nào đó, trung thực nhất... Truyện ngắn của ông gần như không có hình hài, nhưng vừa bạo động, buồn bã, vừa khoái hoạt và kinh hoàng trong cùng một lúc.”
 
Năm 1998, một số truyện cực ngắn và thơ của Daniil Kharms đã được Vladimir Miller và Alexandr Alexandrov phổ nhạc và thu vào đĩa CD, dưới nhan đề Kharms - 10 Incidents - Moscow Composers Orchestra.

 

_____________

 

SỐ PHẬN CỦA BÀ VỢ MỘT ÔNG GIÁO SƯ

 

Một lần nọ, một ông giáo sư nào đó ăn một cái gì đó không tiêu và bắt đầu ói mửa.

Vợ của ông vào hỏi ông: “Sao vậy?”

Nhưng ông giáo sư trả lời: “Chẳng có gì cả.” Vợ của ông lui ra ngoài.

Ông giáo sư nằm lên một cái tràng kỷ, nghỉ ngơi một chút, rồi đi đến sở làm việc. Ở sở, ông gặp ngay một chuyện đáng kinh ngạc: tiền lương của ông đã bị cắt giảm; thay vì 650 rúp, ông chỉ còn 500 rúp. Ông chạy tới chạy lui loanh quanh — nhưng vô ích. Ông giáo sư đến gặp ông Giám Đốc, và ông Giám Đốc tống cổ ông giáo sư ra ngoài. Ông giáo sư đến gặp cô thủ quỹ, và cô thủ quỹ nói: “Hãy trình lên ông Giám Đốc.” Ông giáo sư đón xe điện lên thủ đô Moscow.

Trên đường đi, ông bất ngờ ngã gục vì bị cúm. Ông đến Moscow và không bước nổi xuống bến xe.

Người ta đặt ông giáo sư lên một chiếc cáng và đưa ông đến bệnh viện.

Ông giáo sư nằm trong bệnh viện chưa đến bốn ngày thì chết.

Người ta hoả thiêu tử thi của ông giáo sư, bỏ tro hài cốt vào một cái lọ và gửi về cho vợ ông.

Lúc ấy bà vợ của ông giáo sư đang ngồi uống cà-phê. Thình lình có chuông cửa. Cái gì thế? — Một bưu phẩm cho bà.

Bà vợ của ông giáo sư rất hài lòng; nụ cười rạng rỡ cả khuôn mặt, bà nhét một ít tiền thù lao vào tay anh bưu tá và mở ngay gói quà ra. Bà nhìn vào gói quà và thấy một lọ đựng tro hài cốt, với một mẩu tin nhắn: “Đây là trọn vẹn di hài phu quân của bà.”

Bà vợ của ông giáo sư không thể hiểu một điều gì cả; bà lắc cái lọ, soi nó lên ánh sáng, đọc đi đọc lại mẩu tin nhắn cả thảy sáu lần — cuối cùng bà mới hiểu đầu đuôi và đau đớn khủng khiếp.

Bà vợ của ông giáo sư đau đớn vô cùng, khóc suốt ba tiếng đồng hồ, rồi đi chôn cất cái lọ đựng tro hài cốt. Bà gói cái lọ trong một tờ báo và mang nó đến Hoa Viên Kế Hoạch Ngũ Niên Đầu Tiên, trước kia gọi là Hoa Viên Tavrichesky.

Bà vợ của ông giáo sư chọn một chỗ khuất và định chôn cái lọ, thì thình lình một người canh phòng tiến đến.

“Ê!” người canh phòng la lên, “Bà đang làm cái gì ở đây?”

Bà vợ của ông giáo sư hoảng hồn nói: “Tôi chỉ muốn bắt vài con nhái bỏ vào trong cái lọ này.”

“Ừ,” người canh phòng nói, “thế thì được, chỉ nên cẩn thận, đừng giẫm lên cỏ.”

Khi người canh phòng đã đi khỏi, bà vợ của ông giáo sư chôn cái lọ, đằm cho phẳng đất chung quanh nó, rồi bà tản bộ quanh quẩn trong hoa viên.

Trong hoa viên, bà bị một gã thuỷ thủ chọc ghẹo nham nhở. “Đến đây nào, ta hãy cùng đi ngủ chút ít.” Gã nói.

Bà trả lời: “Tại sao lại ngủ ban ngày?” Nhưng gã thuỷ thủ cứ nằng nặc đòi ngủ và ngủ nữa.

Và bà vợ của ông giáo sư cảm thấy thật là buồn ngủ.

Bà bước dọc theo những con đường và bà buồn ngủ. Người ta đang chạy chung quanh bà, ai cũng mặc đồ màu xanh, hay màu lá cây — và bà chỉ cảm thấy buốn ngủ.

Thế là bà vừa rảo bước vừa ngủ. Và bà chiêm bao thấy Lev Tolstoy đang đi về phía bà, hai tay cầm một cái bô tiểu tiện, nói: “Đây, tôi đã thật sự làm được một cái gì đó, và bây giờ tôi đang mang nó ra trình bày trước toàn thế giới. Để mọi người xem cho biết.” Ông nói.

Bà vợ của ông giáo sư cũng xem cho biết và thấy dường như trước mắt không còn là Tolstoy nữa, nhưng là một cái kho nhỏ đựng dụng cụ, và trong cái kho ấy có một con gà mái.

Bà vợ của ông giáo sư ráng bắt con gà mái, nhưng con gà mái trốn dưới cái tràng kỷ, đứng trong đó nhìn ra, và bây giờ nó biến thành một con thỏ.

Bà vợ của ông giáo sư bò xuống dưới cái tràng kỷ, đuổi theo con thỏ, và tỉnh giấc.

Bà tỉnh giấc và nhìn quanh: quả thật bà đang nằm dưới một cái tràng kỷ.

Bà vợ của ông giáo sư bò ra từ dưới cái tràng kỷ — và thấy căn phòng của chính mình. Và ở đó có cái bàn với cốc cà-phê uống chưa xong của bà. Trên bàn có mẩu tin nhắn — “Đây là trọn vẹn di hài phu quân của bà.”

Bà vợ của ông giáo sư chảy nước mắt thêm chút ít và ngồi xuống uống hết cốc cà-phê đã nguội.

Thình lình có tiếng chuông cửa. Cái gì thế? Vài người bước vào và nói: “Đi nào.”

“Đi đâu?” Bà vợ của ông giáo sư hỏi.

“Đến trại nhốt người điên.” Họ đáp.

Bà vợ của ông giáo sư bắt đầu gào thét và giãy đạp, nhưng người ta tóm lấy bà và mang bà vào trại nhốt người điên.

Và ở đó, trên một cái bục trong trại nhốt người điên, có một bà vợ của một ông giáo sư, với dung mạo hoàn toàn bình thường, đang cầm một cái cần câu để câu vài ba con cá vô hình nào đó trên sàn nhà.

Bà vợ của ông giáo sư này chỉ là một ví dụ đáng thương của bao nhiêu kẻ bất hạnh trong cuộc sống, những kẻ không chiếm được trong cuộc sống cái vị trí mà đáng lẽ họ phải được.

 

(1936)

 

 

---------
Dịch từ bản Anh ngữ: “The Fate of a Professor's Wife”, trong Daniil Kharms, Incidences, trans. Neil Cornwell (London: Serpent's Tail / five-star edition, 2006), 116-118.
 

Đã đăng:

Giấc chiêm bao  (truyện / tuỳ bút) 
... Một viên thanh tra vệ sinh đang rảo bước quanh khu chúng cư, vừa trông thấy Kalugin, liền quyết định rằng chàng không lành mạnh và hoàn toàn vô dụng cho bất cứ điều gì, và ông bảo đám lao công vệ sinh ném Kalugin ra ngoài cùng với rác rưởi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Có tiếng lắc cắc trong cái đồng hồ treo tường, và tôi được các thiên thần đến thăm viếng. Trước hết, tôi không nhận ra rằng mình được các thiên thần đến thăm viếng. Trái lại, tôi tưởng rằng có điều gì trục trặc trong cái đồng hồ treo tường. Nhưng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Một câu chuyện  (truyện / tuỳ bút) 
... Vanya lấy bút chì ra và viết: “Ngày xửa ngày xưa có một ông vua...” Rồi chàng bắt đầu nghĩ ngợi và ngước mắt lên trần nhà. Lenochka liếc vào cuốn sổ tay và đọc đoạn văn của Vanya. “Câu chuyện này đã được viết rồi mà,” Lenochka nói... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Năm câu chuyện bỏ lửng  (truyện / tuỳ bút) 
Một người đàn ông nào đó, đang chạy ngon trớn, bỗng tông đầu vào một nhà lò rèn mạnh đến nỗi bác thợ rèn đang làm việc phải dừng lại, đặt cái búa tạ qua một bên, cởi tấm tạp-dề bằng da và, sau khi dùng bàn tay vuốt tóc cho tươm tất, bước ra đường để xem cái gì vừa xảy ra... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
(Hai truyện cực ngắn, viết dưới hình thức kịch bản) GOGOL té nhào từ cánh gà ra sân khấu và nằm im ở đó. PUSHKIN xuất hiện trên sân khấu, vấp phải GOGOL và té nhào... | NHÀ TOÁN HỌC (Rút từ trong đầu ông ra một quả bóng ) Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
IỚIG ẾHT  (truyện / tuỳ bút) 
Có một dạo tôi tin rằng tôi đã nhìn thấy thế giới. Nhưng thế giới như một toàn thể thì mắt tôi không chạm tới được, tôi chỉ thấy những mảnh vụn của nó. Và tất cả những gì tôi trông thấy, tôi gọi là “những mảnh vụn của thế giới”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... NHÀ VĂN: Tôi là một nhà văn. ĐỘC GIẢ: Tôi nghĩ ông là cứt! NHÀ VĂN đứng sững vài phút, run rẩy trước ý tưởng mới lạ này, rồi ngã xuống chết điếng. Ông được khiêng đi chỗ khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bốn truyện cực ngắn  (truyện / tuỳ bút) 
(Bốn truyện cực ngắn rất đặc dị của một nhà văn Nga kỳ tài nhưng phải chết vì bị bỏ đói trong nhà tù của Stalin.) Có một người đàn ông tóc đỏ không có mắt cũng chẳng có tai. Gã cũng chẳng có sợi tóc nào, vì thế gã được gọi là tóc đỏ, một cách lý thuyết. Gã không thể nói, vì gã không có miệng. Gã cũng chẳng có mũi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thật là khó bàn về Pushkin với một người không biết gì về Pushkin. Pushkin là một nhà thơ vĩ đại. Napoleon không vĩ đại bằng Pushkin... | Tôi không ưa con nít, ông già, bà già và những người có tuổi, đứng đắn. / Thật là dã man cho con nít uống thuốc giết chuột. Nhưng phải có biện pháp với chúng nó chứ! / Tôi chỉ tôn trọng những thiếu nữ khoẻ mạnh, đầy đặn. Tôi nghi ngờ tất cả đại biểu khác của loài người… [Bản dịch của Đinh Linh]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021