thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện tình Liêu Uyên [kỳ I]

 

Núi Liêu Uyên ở đâu? Đừng có hỏi cắc cớ. Im im để tau kể cho nghe. Đại khái, ngọn núi đó nó trong giấc mơ. Mà giấc mơ thì vốn là đẹp. Hiểu chưa? Mà im... Đại khái, nàng đẹp như một giấc mơ. Khoan, thuở của giấc mơ, không có khái niệm chân dài nghe chưa! Chỉ là tóc dài mà đen, mắt lá răm mà đen. Môi thiệt đỏ, răng như bắp non và da thiệt là trắng! Đó... đẹp vậy đó!

Còn chàng? Im nà! Đã nói im để tau suy nghĩ coi! Ừ, đại khái chàng đẹp hơn tau, hơn mi! Mà thuở của giấc mơ, chàng không có sành ngoại ngữ, không giỏi tin học! Chàng biết thổi sáo và làm thơ! Chuẩn rồi đó!

Họ giàu hay nghèo à? Thuở của giấc mơ, cái chuẩn mực giàu nghèo không được đặt ra! Nhưng dưới chân núi Liêu Uyên có một cánh đồng. Giữa cánh đồng và ngọn núi... à, tường vi, đúng rồi, người ta gọi cái không gian quá độ đó là tường vi, không có viết hoa nghe chưa! Người miền Bắc Trung bộ mình kêu là Ngàn. Đó, cái ngàn đó là nơi người ta trồng dâu để nuôi tằm.

Đúng rồi. Tằm thì để lấy kén dệt vải.

Nghĩa là, quanh quẩn thì, người dân dưới chân núi Liêu Uyên sống khoẻ. Không phải kiểu miền Tây một thuở thò tay xuống nước là có cá, vói tay lên trời thì có chim! Nhưng họ bình an lắm!

Chàng tên chi? Nàng tên chi à? Mình có thể đặt tên cho họ. Theo kiểu mà mấy ngôi sao trẻ bi giờ hay dùng nghệ danh lai căng, cho đẹp. Chứ không lẽ cứ kêu chàng là Núi còn nàng là Lá. Nghe, coi như chàng là Khương Vinh và nàng là Dẫn Đệ.

Khương Vinh không phải là người của núi Liêu Uyên. Vốn thích giang hồ (không phải giang hồ tứ chiếng, nghe chưa), chàng đi đây đi đó tìm một nơi nào khả dĩ có thể tạm dung nạp mình cho quá thời trai trẻ. Vinh không bao giờ biết, không bao giờ có thể ngờ ngọn núi có hình dáng của một khái niệm triết học này lại là nơi mà chàng bỏ lại tuổi trẻ của mình!

Ừ. Thì câu chuyện này có hơi hướm của Hermann Hesse. Nhưng đâu có sao, ông Hesse ở bên Tây, còn mình ở bên Đông. Học hỏi tiền nhân chút, cũng là cách để con người mình lớn lên, nghe chưa!

 

o0o

 

Khương Vinh gặp Dẫn Đệ trong một lần chàng đi gánh nước thuê. Có vô lý không à? Không. Đâu phải chuyện Kim Dung đâu, con người phải làm chi đó mới kiếm cơm được chứ! Mà tráng sĩ làm thuê thì cũng như thời nay, mi và tau đi làm mướn cho mấy thằng Tây, thằng Nhật vậy thôi.

Thôi không lý luận dông dài nữa. Vô chuyện nè... Mà cho tau một điếu thuốc. Tau ghiền nặng, không thấy ho khúc khắc mãi sao!

Đêm trăng sáng lắm. Trăng, mà cái lão Trần Thiên Thị bạn già của tau kêu là cái hành tinh chết đó, sáng tinh khiết và đẫm trên lá dâu non, ánh những mảng bạc. Chao ôi. Tuổi đương thì. Sức như con hổ vừa thoát khỏi sự chở che của bầy đàn, Khương Vinh khát khao biết mấy một người con gái, một nụ cười bắp non cho riêng mình!

Khương Vinh nghĩ về người con gái trong mộng của mình. Và nghĩ về thơ. Con gái thì hiếm. Thơ thì sẵn. Những câu thơ chạy trong đầu chàng. Quỹ đạo tròn. Rồi ly tâm. Xa dần. Xa dần. Thơ như thế này: Lá dâu cõng ánh trăng vàng. Con sâu cuộn tổ trong ngàn dâu non...

Và Vinh bật cười. Tất nhiên, cười một mình!

Nhưng có người cười theo!

Ngộ chưa! Tiếng cười bắp non! Đoán ra là ai cười rồi chứ gì? Ừ, thông minh đó, vì rõ ràng câu chuyện này cho đến bi giờ, chỉ mới có hai nhân vật!

Dẫn Đệ vừa đi qua hàng xóm về (không phải đi coi TV ké hàng xóm về như cái thời đất nước mình còn nghèo rớt mồng tơi đâu, nàng đi mượn một suốt chỉ) và không dưng nghe phía trước mình tiếng người con trai cười! Lạ quá và ngớ ngẩn quá. Người ta có thể cười một mình ư?

Khương Vinh bỏ đôi thùng gỗ xuống đất, dừng lại chờ Dẫn Đệ.

Họ gặp nhau như vậy đó. Tất nhiên họ sẽ yêu nhau, trong giấc mơ của tau! Nhưng phải éo le. Họ không dễ yêu nhau, cưới nhau, đẻ con, nuôi con lớn rồi làm ông làm bà. Vì tau sinh ra họ trong tâm tưởng, tau có quyền cho họ đi con đường gian truân mà tau có thể nghĩ ra. Như bà J.K. Rowling đã tạo nên biết bao sóng gió bất ngờ cho chú nhỏ Harry Potter vậy đó...

Nhưng tau ngừng cái cuộc gặp gỡ này ngang đây. Vì sao à? Vì như vậy mới thú vị. Như vậy, tụi bay mới thích ghé tau đêm mai để tau kể tiếp cho nghe chớ!

Bi giờ, tau nói về nhân vật thứ ba của câu chuyện này! Đó là một vị sư. Sư, thì ở chùa, và tụng kinh, cái lẽ dĩ nhiên là vậy mà! Tau đặt tên cho sư là Samatha. Nghe rất Phạn, đúng không. Sư có hổ mang không? Sư có tốt như sư trong chùa không? Đừng có hỏi, vì tau cũng không thể hình dung được sư sẽ tốt hay xấu. Hay nói chính xác hơn, con người ta không thể đơn tuyến bình đồ xấu hết và tốt hết!

 

o0o

 

Samatha không có chùa.

Ông cũng như Khương Vinh, trên bước đường hành đạo của mình, ngọn núi Liêu Uyên với hình dạng triết học của nó đã khiến ông dừng bước. Một chiếc am nhỏ được dựng lên trên bờ con suối Trúc. Ông sống giản dị và hoà nhập — gần như nhạt nhoà — với cộng đồng Liêu Uyên.

Ông trồng hoa, trồng rau để mưu sinh và thỉnh thoảng đi khất thực. Đạo Bụt dạy Phật tử nhập thế theo phương thức tuỳ duyên mà hoá. Samatha không ích kỉ, nhưng ông biết duyên của ông chưa tới, ngôi Trúc Am chỉ là nơi ông ẩn mình để chờ một minh triết từ ngọn núi có hình dáng triết học kia khai thị.

Có lẽ, thuở thiếu thời, Samatha là một cậu bé sinh động. Nhưng giờ đây, những năm tháng đạm bạc, tiệt dục đã tạo nên một Samatha khắc khổ, rắn đanh. Duy chỉ đôi mắt lấp lánh những ánh sáng tuệ mẫn và, cũng thỉnh thoảng, nó lấp lánh ánh trần thế lạ lẫm!

Ông đã nhận ra Khương Vinh. Một loại tiền duyên không thể giải mã, định danh. Thôi thúc trong ông là một bản năng chiếm hữu. Ông ước ao mình sẽ có một cậu học trò với căn tính hồn nhiên trong veo như nước con suối Trúc mỗi ngày ông vẫn đằm mình. Nhưng ông biết, với một sức sống tràn trề, mãnh liệt như Khương Vinh, giam mình tù túng trong chủ nghĩa khắc kỉ như ông, sẽ là điều không tưởng!

Những ngày mới thọ giới sa-di, Samatha là một trong hiếm hoi những chú tiểu biết giữ mình. Ông không giống với các sư huynh đệ, đôi khi lấp liếm vụng trộm sát sanh, ăn mặn hay chọc gái. Tính khắc kỉ đã thành nếp.

Nhưng một lần, theo sư phụ xuống núi trai đàn cho gia đình một quan gia nổi tiếng của vùng, ông đã bàng hoàng khi một a hoàn trẻ tuổi chạm khẽ vào ông. A hoàn này vốn được giao hầu quạt cho hai thầy trò, sơ ý vấp vào tà áo dài của mình té ngã. Bằng phản xạ con người, Samatha đưa tay ra đỡ và như có một luồng sét chạy ngang qua cơ thể ông khi bầu ngực thanh tân của thiếu nữ, mềm mại và ấm nóng chạm vào đó.

Samatha mất ngủ nhiều đêm liền. Điều nguy hiểm cho đạo nghiệp của ông không phải là những nhung nhớ mơ hồ sau lần va chạm ấy, mà chính là a hoàn bé bỏng kia, sau lần té ngã, đã tìm nhiều cách lên chùa để tiếp cận ông. Có những khoảng thời gian, Samatha tưởng đã gục ngã khi ánh mắt a hoàn tìm kiếm ông trên đạo tràng, như gửi gắm hết cho ông!

May mắn (hay bất hạnh), Samatha đã vượt qua, bằng tính kỉ luật mà thời nay, tụi mình hay chua thêm là kỉ luật quân đội! Đó là chuyện của hai mươi năm trước...

Ngày xuống núi, lạ lùng cho Samatha, lúc ấy, đã là một đại đức được trọng vọng, lại đưa bước chân mình đến đúng cái nơi mà hai thầy trò ông đã hành pháp và để lại chút kỉ niệm trần thế. Ông đã bật cười cho chính mình và vừa lần tràng hạt, ông vừa giã từ nơi ấy, như giã từ chính những bụi bặm trần thế cuối cùng còn sót lại...

 

o0o

 

Samatha đã tiếp cận Khương Vinh ngay trong một quán rượu — lẽ ra, tau gọi là tửu điếm cho nó nhuốm màu cổ điển, nhưng quán rượu nghe có vẻ dung dị hơn! Ông không phải là sư hổ mang, cũng chưa đạt tới cõi Sắc - Không có thể phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ... Nghĩa là, ông không thể uống rượu mà đạt tới cõi chưa hề uống. Tính khắc kỉ hằn nếp, đã nói rồi mà!

Vậy mà như có ma lực, ông đã tạt vào nơi mà ông biết chắc một tiền duyên của ông đang làm bạn với Lưu Linh!

Vinh đang ngồi với những người bạn của mình. Một đám tráng đinh sức dài vai rộng và đầy ắp niềm yêu cuộc sống. Họ đang chơi trò đoán ngón tay để uống rượu. Có vẻ như Khương Vinh đã say, nhưng nụ cười của chàng trai vẫn lấp loá sáng ánh thần tiên...

Vinh cười ha hả nốc cạn chén rượu một người bạn vừa đưa sang. Đôi mắt đã lơ mơ nhưng dường như đầu óc vẫn minh mẫn. Chàng chỉ tay ra phía cửa: “Sao nhà sư lại vào chốn này? Hay là ta đang mơ vậy nhỉ?” Cả nhóm thanh niên cùng nhìn ra và thoáng chút lúng túng trong ánh mắt họ!

Samatha được xem như vô hại trong cộng đồng Liêu Uyên. Tuy nhiên, đôi mắt lấp lánh ánh tuệ mẫn của ông lại có sức nhiếp phục người khác! Những chàng trai mà bắp thịt cuồn cuộn nhờ lao động (không phải như tụi mình chây lười, làm việc bằng cái keyboard và màn hình với những bắp thịt nhão nhoét này đâu) bỗng dưng như cảm thấy mình bé mọn hẳn đi!

Chỉ Khương Vinh vẫn cười không ngớt: “Lại đây! Lại đây sư ông! Tế Điên Hoà Thượng đâu có sợ rượu thịt. Ông ngồi đây uống với tôi. Một chén thì ông là sư. Hai chén ông là thần tiên. Ba chén ông là Phật sống!”

“Chàng trai say rồi! Sư không uống rượu!” Samatha từ tốn kéo ghế ngồi bên Khương Vinh! Ồ, tau quên nói, nhân vật nam chính của mình vốn giỏi rượu nữa! Vì đây là giấc mơ của tau, nên tau có quyền thêm bớt chút đỉnh vào tính cách của giấc mơ...

Trở lại câu chuyện nè. Samatha (ừ, có người hỏi rồi Samatha có như cha Ralph trong Những con chim ẩn mình chờ chết, tau không biết, vì giấc mơ có một thứ logic của giấc mơ. Mỗi đêm, mình có thể mơ một logic khác nhau, đúng không?), Samatha cầm bình rượu có màu vàng hổ phách (hổ phách là nhựa thông hoá thạch đó, biết chưa) đổ hết xuống đất! Ông nhìn khắp lượt và với ngữ điệu của bậc trưởng thượng, ông nói: “Rượu sẽ giết chết tuổi trẻ, hỡi những đứa con của Liêu Uyên!”

Câu này, Samatha không nói với tau, cho nên, thỉnh thoảng tau vẫn say bét nhè! Say cả với ông bạn già Trần Thiên Thị đó. Nếu Samatha nói với tau như vậy, tau sẽ bỏ rượu ngay!

 

o0o

 

Triệu Phùng đã giáng vào má của Samatha một tát tai, có lẽ là nháng lửa. Nhân vật Triệu Phùng này thứ yếu, chỉ cần biết là bạn rượu của Khương Vinh, không cần chi tiết thêm. Rượu là tinh tuý của ngũ cốc, sao có thể đổ đi? Samatha không né tránh cái tát tai đó. Ông không biết lời dạy của Chúa Jesus, khi người ta tát má này phải chìa má kia cho người ta làm luôn!

Ông đón nhận cái tát tai đó như tất yếu phải vậy! Nghĩa là, nghiệp báo nhãn tiền! Ông không cần đôi chối, chỉ ngồi đó, má in hằn năm vết đỏ, và nhìn Khương Vinh, như có cả sự van lơn!

Vinh đứng lên. Chàng xô ngã Triệu Phùng và chợt như tỉnh hẳn khỏi cơn chuếnh choáng. Nụ cười vẫn chưa tắt: “Sư ông. Không uống nữa thì không uống nữa. Nhưng đừng đổ rượu. Ngày mai tôi qua am sư ông gánh nước bù cho cái tát tai của ông bạn này!”

Chuyện gay cấn này được giải quyết đơn giản vậy đó. Vì tau vốn yêu hoà bình, không khoái bạo lực. Giấc mơ của tau cũng vậy. Tau (và giấc mơ của tau) cũng có thể cho Samatha võ công đầy mình, phi thân cheo chéo, như vậy truyện sẽ hấp dẫn, nhưng chắc chắn sẽ không cách nào hay hơn lão bạn già Kim Dung, đúng không!

Giờ, tau trở lại cái đoạn nam nữ thọ thọ bất thân nè. Đoạn đó hấp dẫn lắm!

 

o0o

 

Khi Dẫn Đệ thấy chàng trai bỏ đôi thùng gỗ xuống đất và đứng lại, nàng có hơi chột dạ. Con gái mà. Nhưng, như đã nói, Dẫn Đệ có một đôi mắt lá răm. Mắt đó, trong nhân tướng học gọi là phượng nhãn, thường gan góc hơn người. Chí ít, Dẫn Đệ gan hơn người tau yêu!

“Cô cười tôi a?” Khương Vinh bỏ cái đòn gánh trên đôi thùng và xoay ngang chắn con đường mòn. Chàng ngồi ngay trên cái đòn gánh đó, vẻ ngổ ngáo hiện rõ, như sẵn sàng gây hấn!

“Ô. Tôi cười với trăng đó!” Dẫn Đệ táo tợn! Đừng có tin vào thuyết khuê nữ nhập phòng của các cụ xưa. Trai gái bao giờ cũng thế, họ có những táo tợn riêng mà chỉ tuổi trẻ mới biết.

Trăng rải ánh bạc trên bát ngát lá dâu non. Và trăng bát ngát trong tâm hồn hai người trẻ. Trăng rạo rực trong chàng trai căng ứ nhựa sống. Trăng thao thức trong đôi mắt lá răm cô thiếu nữ tới tuổi muốn chồng. Vậy cho nên, cả hai nấn ná, cả hai bối rối, cả hai chờ đợi... Giấc mơ của tau cũng vậy!

“Ừ. Trăng đẹp quá!” Khương Vinh đã nói một câu ngớ ngẩn (và sến, như bọn mình hay phán!). Nhưng Dẫn Đệ cũng vậy. Nàng vuốt theo: “Trăng thật đẹp!”

“Nhưng trăng có chi đáng cười?” Khương Vinh đã lấy lại cái bản chất thằng con trai ngổ ngáo. Và Dẫn Đệ lại phì cười: “Tôi cười anh đó. Khi không anh cười một mình làm tôi mắc cười theo!”

“Ừ. Tôi cũng ngộ. Khi không lại cười. Nhưng tại vì mấy câu thơ?” “Thơ ư? Anh có làm thơ?” Mắt Khương Vinh lấp lánh sáng tự hào: “Có. Tôi có làm thơ!” “Vậy là anh biết chữ?” “Không. Tôi không biết chữ!”.

Đừng có cười. Cái logic này là logic của đời thực, không phải logic của giấc mơ. Người ta chẳng nói xứ mình là xứ sở thi ca đó sao, ai cũng có thể làm thơ. Ngay như lão cơ khí Trần Thiên Thị cũng bày đặt thi ca đó. Không biết chữ vẫn làm được thơ, như không biết ký âm pháp vẫn viết nhạc đó thôi.

Dẫn Đệ tần ngần ngắt một lá dâu non. Hai lá dâu non. Ba lá dâu non. Và vò nát những lá dâu trong tay của mình! Rồi cô hỏi: “Anh từ đâu tới?” Vinh cũng thò tay ngắt lá dâu non. Một lá. Hai lá. Ba lá. Và chàng trả lời: “Tôi lang thang nhiều nơi. Tôi không có gia đình. Lúc nhỏ tôi sống ở chùa. Lớn lên, thèm rượu, thèm thịt, tôi bỏ chùa đi. Vậy đó!”

Dẫn Đệ ngạc nhiên. Cô không thể hình dung con người lại không có gia đình. Ai cũng phải có cha, có mẹ, có anh chị em chứ! Nhưng cô không tiện ở lâu (vì cô có gia đình mà), cô nói: “Tôi phải về. Đêm khuya, phải về nhà kẻo cha mẹ tôi mắng!” Khương Vinh đứng dậy, chàng ngẩn ngơ tiếc cái ánh trăng dợn sóng trên tóc người con gái. “Nhà cô ở gần suối Trúc phải không? Có cần cuốc đất hay gánh nước, tìm tôi ở phía Đông núi đó!” Vinh đưa tay chỉ...

Và họ chia tay. Chàng không đòi đưa nàng về như tau hay mi. Nàng cũng không dám đi cùng mà thoăn thoắt đi trước...

Đêm đó, Khương Vinh bị mái tóc của người con gái gặp trên bãi dâu sóng sánh trăng đè nghiến cả giấc ngủ!

 

o0o

 

Samatha chờ Khương Vinh ở bên này con suối. Như chờ một tình nhân! Ông khẽ cười. Suốt những năm tháng sống trên cõi tạm này, tình nhân là gì, ông không thể biết. Nhưng không dưng, ông lại so sánh như vậy đó.

Có một ngày của thời xưa, ông đi hái củi cùng một sư huynh. Lúc đó ông khoảng mười lăm tuổi. Người sư huynh lớn hơn ông khoảng năm tuổi, rất thông tuệ. Samatha sùng kính người đàn anh này. Không chỉ sự thông tuệ thuyết phục ông, mà cả đức hạnh — sự khắc kỉ — của Đạt Sĩ (tên của sư huynh) cũng là tấm gương sáng ông soi vào đó để an ủi và phấn đấu!

Như tất cả những sa-di khác, triết lý bất tác bất thực đã thành một quán tính trong nhà chùa, Samatha yêu công việc. Dù đó là việc nặng như lên núi hái củi hay việc nhẹ nhàng như ngắt lá cây mai già mỗi mùa Tết. Niềm yêu công việc khiến ông đôi khi cảm thấy mình khá lạc loài trong cộng đồng những người trẻ, dù là những người trẻ tu hành.

Cho nên, được đi chung với Đạt Sĩ, là cả một niềm hoan hỉ vô biên! Ông cố tranh thủ khoảng thời gian này để tham kiến thêm những công án mà mình chưa thể biết. Và Đạt Sĩ không giấu giếm cái biết của mình. Người sư huynh thao thao bất tuyệt nói về Ngã và Vô Ngã (ôi, những khái niệm này nó mới rối rắm làm sao với tau và mi).

Rồi Đạt Sĩ im lặng. Hay chính xác hơn, người sư huynh không còn dẫn dắt câu chuyện một cách mạch lạc như đã có. Samatha ngạc nhiên! Và khi ông vỡ lẽ, cả một bầu trời như sụp đổ trong ông!

 

o0o

 

Không xa lắm ở phía dưới chỗ hai huynh đệ họ là một con suối với những tảng đá nhấp nhô. Và Samatha thấy trên một trong những tảng đá đó, vương vãi y phục khuê nữ. Chắc chắn là một thiếu nữ đang tắm. Ông hiểu ngay tức thì sự thẫn thờ của người sư huynh!

Những khái niệm Vô Ngã đổ nhào trong tâm trí Samatha. Ông kéo mạnh tay Đạt Sĩ, bây giờ, với tư thế của một huynh trưởng chứ không phải một sa-di đang học việc. Người sư huynh chợt nhận ra. Và y đỏ mặt. Chính xác hơn là y thộn mặt, ngây ngô cười chữa thẹn. Họ tiếp tục hái củi trong im lặng. Rất nặng nề!

Rồi Đạt Sĩ đột ngột xô ngã Samatha và điên cuồng lao xuống suối. Vừa lồm cồm bò dậy, Samatha đã nghe tiếng phụ nữ gào lên kêu cứu ở phía đó. Ông chạy như bay, bất chấp gai và đá nhọn. Trước mặt ông, Đạt Sĩ đang vật lộn với một thân thể trắng nhễ nhại, gào rú điên cuồng, mồm sùi bọt.

Rất khó khăn để gỡ người sư huynh khỏi cơn điên của bản năng và giới tính, sau cùng thì Samatha lại phải ngồi dỗ dành trận khóc như mưa của Đạt Sĩ. Ông lấy áo quần cho người thiếu nữ, và vượt qua nỗi sợ hãi cố hữu một cách vĩ đại nhất, ông choàng tay sang cô gái, an ủi, vỗ về cô.

Rồi cả ba đi về. Thời gian, và cả tuổi trẻ, rất nhanh, giúp họ lấy lại bình an!

Câu chuyện đó chôn chặt trong tâm khảm Samatha. Một loại bí mật đời người, sống để bụng, chết mang theo! Những ngày sau đó, Đạt Sĩ thường nhìn ông với ánh mắt van nài cầu khẩn. Ông biết, sẽ chẳng bao giờ Đạt Sĩ còn có thể trở lại như ngày xưa. Rất nhiều lần ông muốn nói với người huynh đệ rằng “hãy xuống núi đi!”

Nhưng ông im lặng.

Bây giờ ngồi đây chờ Khương Vinh, câu chuyện cũ hiện về, mồn một!

 

[còn tiếp]

 

 

---------

Tác phẩm của ĐaMi đã đăng trên Tiền Vệ:

Giấc mơ lẹm một chút ra ngoài / Giống như miếng vải thừa làm cái băng-đô chặn tóc / Cái chút lẹm ra ngoài có màu của phi lý / Vì mơ là mơ thôi...
 
NGƯỜI TẬP BAY [chương IV, V & VI]  (truyện / tuỳ bút) 
... Vậy là, chỉ mình anh biết điều đó, rằng, anh có thể bay. Hay đúng hơn, anh đã từng có thể bay. Bởi ngay sau khoảnh khắc thần diệu ấy, anh biết chắc mình sẽ chẳng bao giờ có thể thoát khỏi sự ràng buộc trọng lực thêm một lần nào nữa cả!... (...)
 
NGƯỜI TẬP BAY [chương I, II, III]  (truyện / tuỳ bút) 
... Thực ra, bay như thế nào, nói theo ngôn ngữ bi giờ, “biết chết liền”, song trong anh có một niềm tin kì ngộ, thôi thúc đến mãnh liệt, rằng, anh sẽ là người đầu tiên trong nhân loại này bay được bằng chính đôi tay và ý chí của mình mà không cần gắn thêm bất kì một loại động cơ thô sơ hay vi diệu nào cả! ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021