thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện tình Liêu Uyên [kỳ II]

 

Đã đăng: [kỳ I]

 

Dẫn Đệ rất thích ngồi một mình bên bờ suối Trúc. Như thế, nàng có thể nhìn mình trên làn nước trong vắt kia. Vì sao ư? Vì đơn giản thuở mà giấc mơ của tau đi qua, người ta chưa biết thuỷ ngân và silicat, nên người ta chưa có kiếng để soi mà trang điểm, mà ngắm nhìn chính bản thân mình!

Ở dưới đó, người con gái cũng nhìn lại Dẫn Đệ bằng một ánh mắt nồng nàn như thế. Nhưng đột ngột tiếng vó ngựa làm Dẫn Đệ giật thót mình. Phía sau nàng, cao lớn, sừng sững là một kị sĩ trên con ngựa sắc đỏ, chói loà lên trong nắng chiều. Kị sĩ cười lớn: “Tiểu muội tử, cô nương con cái nhà ai mà chiều hắt hiu thế này còn ngồi soi mình! Coi nào, đẹp quá!”

Dẫn Đệ như chết trân trước ánh nhìn sỗ sàng và ngang ngược của kị sĩ. Môi nàng lắp bắp. Ý thức phản kháng trỗi dậy nhưng nàng không sao có thể cất lên một lời nào! Kị sĩ nhảy phắt xuống ngựa, bước đến chỗ nàng! Dẫn Đệ bất giác lùi lại một bước. Khách cười vang: “Nào, ta có làm gì xấu tiểu muội tử đâu! Cho ta hỏi, có biết Trúc Am của Sư thầy Samatha ở đâu không?”

Và tự tin, không chờ câu trả lời, y bước đến bờ suối vốc nước rửa mặt rồi ngửa cổ uống từng ngụm trong hai bàn tay to lớn của mình.

Dẫn Đệ lí nhí: “Cái am khổ của sư Samatha nằm hướng này. Ông men bờ suối, qua khỏi cái rừng trúc lơ thơ đó là tới!”

Dẫn Đệ, nàng đâu có biết, cái con đường mà nàng đưa ngón tay xinh xinh ra chỉ cho kị sĩ, lại là con đường định mệnh khốc liệt!

Và, nàng cũng đâu có biết, ngón tay nàng đã vạch ra cho một mối oan cừu trùng trùng.

Khi vó ngựa của kị sĩ nhỏ dần, Dẫn Đệ thẫn thờ. Nàng nhớ đến chàng trai với đôi thùng gỗ một đêm trăng và chợt so sánh với chàng kị sĩ oai hùng lúc nãy. Hai hình ảnh chập chờn, lúc cái này lớn hơn, lúc cái kia lớn hơn...

Cái đó gọi là sự tơ tưởng. Tau không phải là con gái. Mi cũng vậy. Nhưng tụi mình biết vì tụi mình đọc sách, coi phim nhiều quá!

Chỉ có Dẫn Đệ, nàng không hiểu! Rạch ròi, thì cái hình ảnh vĩ đại của chàng kị sĩ hớp hồn con gái của nàng. Nhưng cái anh chàng quảy đôi thùng gỗ có gì đó quen thuộc, gần gũi, yêu thương hơn với đời sống của nàng!

Dẫn Đệ đi về. Bước chân nặng như đeo theo cả chòm núi Liêu Uyên có hình dáng triết học kia.

 

o0o

 

Khương Vinh đến chỗ hẹn với sư Samatha trễ. Thuở ấy chưa có đồng hồ. Nhưng Vinh biết là trễ, mà đâu có sao! Chàng còn ham vui. Đám trai tráng hè nhau vật tay, và chắc chắn Khương Vinh vô địch. Không những vậy, Vinh còn gồng những bắp tay cuồn cuộn lên và thách hai anh chàng tầm thước khác cùng lao vào kéo tay.

Một làm sao địch hai. Có điều, Vinh cười ha hả buông tay ra khiến hai chàng kia ngã dúi dụi!

Và tất cả cùng cười. Ngày đang trôi qua như thế. Hỡi những người trẻ, cười đi, dù là trong cõi mơ. Cười đi, khi cuộc sống còn cho phép chúng ta cười. Hả hê nào...

Khương Vinh nhặt cái áo vắt lên vai và bỏ đi về phía suối Trúc. Chắc sư thầy Samatha sẽ lên lớp cho chàng về sự nghiêm túc! Không sao cả, Khương Vinh sẽ nghiêm túc mà! Ngày mai, ngày kia, cuộc đời bất tận phía trước sẽ cho mình nghiêm túc một ngày nào đó! Xứ mình có một ông triết gia phát kiến ra mấy cái mệnh đề triết học mắc cười. Ông này tên là Hồ Hữu Tường. Ổng tạm chia thế giới thành mấy loại văn minh. Đại khái, tau không nhớ rõ, có loại văn minh kỉ trị (để chỉ mấy cuộc cách mạng Công nghiệp), văn minh chính uỷ (để chỉ Chủ nghĩa Cộng sản) và văn minh nhà sư (món này khỏi giải thích).

Và Khương Vinh đang tiệm cận với cái khái niệm văn minh thứ ba đó, theo cách triết gia Hồ Hữu Tường xác tín!

Nhưng, hỡi ôi, sư thầy Samatha đang nằm bên một vũng máu, cánh tay phải đứt lìa. Tau quên nói, nhà sư Samatha cũng như tụi mình, thuận tay phải. Cánh tay đó là chủ lực quân để con người làm việc! Mất nó, là mất hết rồi còn gì...

Hãy bỏ qua những chi tiết Khương Vinh đi cầm máu cho sư thầy Samatha, đi tim thầy thuốc vân vân và vân vân. Những ngày sau đó, Khương Vinh ở hẳn trong am Trúc để bếp núc giúp sư thầy. Đôi khi chàng chợt nghĩ, dường như số phận của chàng cứ phải núp dưới một mái chùa nào!

Am Trúc đơn sơ chỉ có chuông, mõ và một ít nồi niêu. Có rất nhiều hoa nhưng thiếu thức ăn! Sư thầy mất máu nhiều, lại mê man. Khương Vinh hồn nhiên, nghĩ nếu cứ để sư thầy thọ trai chắc sẽ khó mà vực dậy sức khoẻ của ông, nên chàng mua thêm thịt cá về bón cho Samatha.

Chắc chắn Samatha không biết vì ông mê man đã nhiều ngày. Nhưng một vài bữa đầu, cơ thể ông phản kháng với chất tanh, cứ nôn ra mãi! Khương Vinh phải kiên nhẫn nhiều lần bón thúc như thế, cơ thể sư thầy mới tiếp nhận được những món lạ!

Và rồi kiếp nạn cũng qua!

 

o0o

 

“Ông là Samatha?” “Bần tăng là Samatha!” “ Hừm. Ta đi lấy mạng ông đây?” “Vì sao?” “ Gieo nhân gì thì gặt quả. Ông là con nhà Phật, ông phải hiểu cái lý ấy chứ!” “Bần tăng thật không hiểu, xin thí chủ giải thích rồi khai đao cũng chưa muộn, để bần tăng có về cõi... cũng không phải ấm ức...” “ Ông sẽ hiểu! Ta có ba câu hỏi cho ông. Trả lời đúng một câu, ta chừa lại cái thủ cấp. Trả lời đúng hai câu, ta chừa lại hai cái chân. Trả lời đúng ba câu, coi như giữa ông và ta không còn nợ nần gì cả...”

“Thí chủ cứ hỏi! Bần tăng sẽ trả lời, không phải vì tham sống sợ chết. Mà vì bần tăng muốn xem thử cái nguyên uỷ của vòng oan khiên này! Cũng vì bần tăng muốn chứng xem sở đắc của mình tới đâu!”

Nhưng lẽ ra, Samatha sẽ mất hai chân, hoắc cả tứ chi, hoặc ông sẽ bị chém bay đầu, tại sao ông lại chỉ mất một cánh tay?

Đừng có hỏi. Phần tiếp theo tau sẽ giải thích. Vì bi giờ tau cũng chưa nghĩ ra mà... Những giấc mơ của mình vậy đó. Nó chập chờn lung linh và mình không bao giờ đoán trước được. Mình phải nhắm mắt lại và mình mơ, để giấc mơ dẫn dắt mình đi, nghe chưa!

Như giấc mơ của Khương Vinh những đêm nằm trong am Trúc, đôi mắt của Dẫn Đệ, mái tóc của Dẫn Đệ trùm kín chàng, vậy đó!

Đừng có nóng ruột. Câu chuyện nào rồi cũng có kết thúc hết, dù có hậu hay vô hậu, dù con người ai cũng mê thứ happy-end. Đại khái, truyện và giấc mơ của tau cũng có thắt nút, mở nút, dù có khi là không khéo! Kể tiếp giấc mơ phần bốn nè...

“Hừm? Huệ nhãn là gì?” “Thí chủ, trong nhà Phật, mở được Huệ nhãn là thấy được cái chân không vô tướng của mọi pháp, tức là thấy xuyên suốt rõ thấu tất cả, không gì cản trở được! Đây là câu hỏi thứ nhất?” “Không, ta hỏi ông về Phật Pháp, là mở đường hiếu sanh cho ông sao? Điều ta hỏi thuộc về Phật lý!”

Samatha rùng mình. Khắp châu thân nghe lạnh. Cái tinh tấn, dũng mãnh của con nhà Phật rụng xuống. Trái tim ông cơ hồ rơi vào một cõi thẳm sâu, sâu lắm... Như có một tia sét loé ngang, ông chợt triệt ngộ một vấn đề, vấn đề của thời trai trẻ! Ông nhìn người đối diện và nhận ra đôi mắt rất quen, đôi mắt với tròng đen nhìn không thấu đáy!

Một ngày, Đạt Sĩ mang cho ông mấy cái bánh màn thầu chay và một cuốn kinh Phạn ngữ cổ rất quý. Ông chắp tay nhận cả hai món quà — một vật chất và một tinh thần — rồi đảnh lễ sư huynh. Đạt Sĩ đỡ tay ông: “Đệ đừng vậy. Ta thọ ơn đệ nhiều lắm!”

Câu nói làm dâng lên trong ông biết bao niềm khinh ghét! Dù ông cố giấu, nhưng với một đôi mắt tinh tường như Đạt Sĩ, có lẽ người sư huynh đã nhận ra? Ông đọc được điều đó và ân hận mình đã không giấu thật kín cảm xúc của mình. Dang hai tay nhận món quà, ông mỉm cười thật tươi như có thể tươi được: “Sư huynh, hoan hỉ! Nam mô Hoan hỉ tạng bồ tát!”

Đạt Sĩ rầu rầu ngồi xuống: “Sư đệ, nếu có thể tha thứ, thì hãy mở lòng từ bi tha thứ cho ta. Đệ không mở lòng, ta khó mà giải thoát!” “Huynh, sao lại nói như vậy? Huynh nào có mắc lỗi với đệ. Có chăng, là với người con gái đó. Y thị tha thứ cho huynh hay không, chứ không phải là đệ!”

Đôi mắt Đạt Sĩ như mờ đi. Giọng của y khản đục: “Đệ, ta hiểu đệ! Người ấy tha thứ cho ta rồi...” Samatha bỗng trào lên sự tức giận không kiềm chế: “Có phải huynh bảo đệ nhỏ nhặt hơn cả người con gái đó?”

Thanh âm của Đạt Sĩ lại giảm đi một bát độ nữa: “Đệ không hiểu ý ta ư? Ta đã cầu Sám hối hàng năm nay rồi đệ ơi!”

Samatha ném cái bánh màn thầu xuống đất và ấn tập kinh quý vào tay Đạt Sĩ: “Đệ không cần sự hối lộ này!” Và ông quay mặt bước đi! Thiền đường rộng thênh thang chợt vang lên tiếng chuông báo ngọ...

 

o0o

 

Sau những ngày bận rộn chăm sóc cho người bị nạn, chợt Khương Vinh da diết nhớ nụ cười bắp non. Nỗi nhớ xui chàng đứng không muốn vững và bàn tay bấu vào cái cột chống đỡ ngôi khổ am như muốn bật máu!

Chàng đi tìm Dẫn Đệ, giữa xanh ngắt ngàn dâu non tơ! Rừng dâu ơi, em của ta đâu em của ta đâu? Chàng gáo váng giữa bạt ngàn như thế. Tiếng gào làm những đôi chim uyên chim ương hoảng sợ bay vút lên không trung và những người nông dân đôn hậu ngơ ngác ngừng tay, cởi nón tìm kiếm cái âm ba đồng vọng ấy!

Và Dẫn Đệ nhoẻn cười dưới một gốc dâu già: “Anh tìm ai đó? Anh tìm ai mà gào to thế?” Khương Vinh ngơ ngác, nhận ra sự ngớ ngẩn của mình, chàng cũng nhoẻn cười rồi nghiêm trang, có lẽ trong đời, đây là lần đầu tiên chàng nghiêm trang: “ Tôi tìm em, Dẫn Đệ ạ!”

Có gì đó vỡ tung những sắc hồng sắc đỏ trong trái tim Dẫn Đệ. Nàng biết, nàng xinh đẹp và giỏi giắn, có rất nhiều chàng trai tơ tưởng đến nàng, nhưng đây là lần đầu tiên, có người tỏ tình với nàng như thế!

Người của giấc mơ tỏ tình đẹp không? Họ không sỗ sàng như tau, như mi với anh yêu em, i love you vân vân và vân vân. Thực ra, Khương Vinh có làm một bài thơ, nhưng tau không nhớ. Đôi khi mình tỉnh dậy sau một giấc mơ và mình không thể nhớ. Mà thơ tau không đẹp, không hay, nên mai mốt tau sẽ nhờ ông bạn già Trần Thiên Thị phục hiện giúp bài thơ tỏ tình của chàng Khương Vinh đó!

Ở ngay bên gốc dâu già, Khương Vinh đã ôm riết lấy những ngọc ngà châu báu, vưu vật của tạo hoá và hôn, như mưa! Không, như sương mới đẹp! Chàng hôn như sương, vào môi, vào mắt, vào má, vào tóc Dẫn Đệ. Nàng e ấp trốn tránh ban đầu, và rồi không kìm nén được cảm xúc (thứ đó rất người, đúng không), Dẫn Đệ cũng hưởng ứng lại, nhiệt tình không kém.

Tình yêu tới rồi đó!

 

o0o

 

Samatha đã có thể đi lại được. Buổi sáng tinh khôi, ông bước ra vườn hoa trước nhà. Mỗi bước đi thiếu thăng bằng khiến ông cảm giác được sự mất mát của mình. Cánh tay trái còn lại đôi khi ngượng ngập tìm kiếm cánh tay đã mất!

Ông nhớ rất rõ cái đau nhói nháng lên như một tia lửa khi cánh tay phải đoạn lìa cơ thể ông. Nhưng nhớ chẳng để làm gì. Sự thực, có những cơn đau khác sâu thẳm thiêu cháy ông nhiều hơn!

Ngày đó, khi Đạt Sĩ ê chề xuống núi, ông đã không tiễn bạn mình, dù chỉ một đoạn đường ngắn, dù ông biết, rất biết, Đạt Sĩ cần điều đó biết bao!

Tự trong thâm tâm, ông sợ vấy bẩn. Và lớn hơn, ông sợ người sư huynh mẫn cảm có thể nhận ra điều đó. Rất sợ! Ông hiểu, khi không tiễn người đồng môn cũ của mình một đoạn đường, nghĩa là ông đã không cho người huynh đệ một cơ hội giải thoát. Có điều, ông tự bào chữa, những minh triết hộ thân của Phật pháp không cấm ông làm điều đó. Và khi cánh nâu sồng của Đạt Sĩ khuất dạng sau những rặng liễu mờ ảo, Samatha vội vã mang quyển kinh Phạn cổ đến len lét đặt vào tàng kinh, rồi thở phào như đã ném được chất uế tạp vào tay người khác!

Bây giờ, ông thống hối điều đó! Khi người kia hỏi ông về Phật lý, ông triệt ngộ được vấn đề này. Ở trong ông thiếu sự bao dung. Hạnh từ bi chưa nở hoa. Và nói cách khác, ông đã triệt thoái con đường trở về của Đạt Sĩ. Chính ông, chứ không phải người con gái bên bờ suối đã đẩy Đạt Sĩ ra khỏi mái chùa yêu thương đó!

Có một bông hoa vừa nở. Hoa Man. Loài hoa này hiếm đến độ nó trở thành món tiến triều, dù chưa hẳn nó đã đẹp và thơm. Ông đứng bên bông hoa, nhận ra mình yêu cuộc sống biết bao.

Ông tạ ơn Phật tổ đã mang đến cho ông một cơ duyên để bầu bạn với Khương Vinh. Thứ nỗi niềm không giải mã được, đã cận kề bên ông những ngày thọ nạn. Ông cũng biết, đã phạm vào ngũ giới khi ăn chất tanh trong những ngày đó, nhưng hãy là Tế Điên Tăng!

Rồi ông ngắt đoá hoa Man, và cười rất to, rất sảng khoái!

 

o0o

 

Như tau đã nói, dứt khoát tình yêu của Khương Vinh và Dẫn Đệ phải éo le. Vì chính tau muốn thế. Có câu hát sến rện này nè: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở! Sến, nhưng chân lý đó! Cho nên, tau sẽ để mối tình này đẹp, nghĩa là nó sẽ dang dở... Mà mình có 1001 cách cho tình dang dở! Tau sẽ chọn một trong số đó...

Khi hoàng hôn sụp xuống ngọn núi có hình dáng triết học, không gian là cả một màu thâm thẫm buồn tênh. Dẫn Đệ cũng nghe buồn. Nỗi buồn thiếu nữ, dễ hiểu mà... Nàng muốn lánh mặt Khương Vinh.

Không phải Dẫn Đệ phức tạp. Nàng sợ mình không giữ được cái ngàn vàng trong những hoàng hôn đầy sức phủ dụ thế này. Mà Khương Vinh, sức con hổ vừa tách bầy, những khao khát chính đáng của chàng, như một hấp lực... Đoạn này thì được, tau thấy nó phù hợp triết lý khuê nữ nhập phòng của các cụ mình!

Thật khó khăn cho Dẫn Đệ. Hoàng hôn đôn hậu nhưng cũng đầy nhục cảm gọi mời. Nàng ngồi bên khung cửi (thấy hương mùi cổ điển nhức nhối chưa), không quay tơ, không dệt lụa, chỉ ngồi đó thẫn thờ nhìn bóng thẫm cây ngô đồng ngoài kia. Không có con ngựa dừng chân, và cũng không có hai người hôn nhau!

Để tả chân, thì phải nói đây là một hình ảnh rất đẹp. Người con gái tóc dài, nỗi buồn ươm lên trời. Nhưng tay nghề vẽ vời của tau kém cỏi, tau sẽ nhờ ông bạn già Lâm Chiêu Đồng vẽ bức hình này!

Còn Khương Vinh? Chàng như con dã thú mất miếng ngồi ngon, như con nai con lạc mẹ. Ba đêm rồi, Dẫn Đệ lánh mặt chàng. Ba đêm quay trở về am Trúc cùng vị sư già, Khương Vinh như xát muối trong dạ. Nỗi nhớ thật kì lạ. Nhưng nỗi đau đớn bị ruồng bỏ còn lớn hơn!

Đang nằm, đột ngột Khương Vinh bật dậy đấm tay đến chát vào cột am. Samatha lẳng lặng quan sát! Trong lòng ông ngổn ngang trăm mối! Một nỗi đau mơ hồ chợt len lén đến!

Ông phải hành động. Một sự mách bảo nào đó như từ dưới lòng đất dậy lên trong ông! Lúc này, Samatha ngồi bật dậy, tay vẫn lần tràng hạt, nhưng tau, trong giấc mơ của mình, tau đã thấy ánh mắt tuệ mẫn ấy loé lên những tia sáng của trần thế!

“Thí chủ. Câu này coi như bần tăng lĩnh hội! Không trả lời được. Hay đúng hơn, đã hiểu điều thí chủ muốn nói. Tuổi trẻ, người ta có những sai lầm! Không phải bao biện, nhưng hãy độ lượng nhìn như thế!”

“Coi như vậy đi! Câu hỏi thứ hai cho ông: sắc giới là gì? Nhớ, ta không hỏi về Phật pháp. Phật lý phải khác!”

Lần nữa, Samatha nghe châu thân đẫm lạnh. Ông đã nuôi cái cảm giác va đập bộ ngực thanh tân thiếu nữ đó bao nhiêu năm? Bây giờ ông hiểu tại sao bước chân hoằng pháp đầu tiên lại đến đúng cái nơi ấy, nơi mà a hoàn đã ngã vào ông! Cái lý là vậy đó, chẳng có gì là không có nguyên do! Ông đã hiểu, rằng, mình đã nuôi bầu vú mộng ấy biết bao nhiêu năm trời trong cái cơ chế tiết dục khắc kỉ. Và đau đớn hơn, ông nhận ra, mình đã lừa dối chính mình!

Ông, cũng không hơn Đạt Sĩ!

Đầu cúi gằm xuống đất, Samatha thì thầm: “A di đà phật. Thí chủ, khai đao được rồi! Bần tăng lĩnh hội hết!”

Một tràng cười kiêu bạc vang lên trong hoàng hôn, những lá dâu non cũng giật mình xám ngoét! Người đối diện vẫn sang sảng cật vấn: “Ông không muốn biết câu hỏi thứ ba của ta sao?” “Thí chủ, biết cũng chẳng để làm gì. Nghiệp chướng bần tăng quá nặng, cảm ân thí chủ đã vạch cho chính đạo! Khai đao đi!”

“Ta còn chưa hỏi câu cuối cùng. Cho ông mang câu hỏi ấy về am Trúc mà tự vấn. Và tấm thân tứ đại của ông, thôi đừng lừa dối nó nữa! Cũng cho ông nợ ta cả cái sinh mệnh ông đó! Nghiệp duyên giữa ông và ta chưa hết, một ngày nào ta sẽ hỏi câu cuối cùng đó rồi đòi nợ ông cũng chưa muộn!”

Thanh liễu đao vung lên và Samatha nghe mát lạnh bên vai phải, trước khi ông kịp nhận ra cái đau đơn khôn cùng thì nguyên tấm thân của ông đã đổ vật xuống bờ suối!

Vó ngựa xa dần... May mắn, lúc ấy Khương Vinh vừa tới!

 

o0o

 

Vì sao gọi ngọn núi Liêu Uyên là có hình dạng triết học? Rõ là tau nợ mi một lời giải thích. Nhưng bi giờ là thế kỉ 21, những món nợ nhì nhằng đôi khi rất dễ khoả lấp.

Có điều, tau không phải là loại người đó. Tau sẽ cố giải mã giấc mơ. Thực ra, triết học như tụi mình biết chỉ là cái chi đó khô cứng — logic — và khoa học. Hừm, khoa học của mọi khoa học, như thầy giáo đã đọc cho tau chép vào vở vậy đó. Thiệt là bậy bạ hết sức!

Bởi, triết học chính là cuộc sống ngồn ngộn, là sắc lá dâu non xanh mởn, là tình yêu trai gái đêm trăng đẹp như một tấm lụa, là những khát khao vô biên của con người, là những đau đớn cộng sinh từ nghiệp lực của vô lượng kiếp...

Cho nên, nó có đủ hình dạng trong ngọn Liêu Uyên kia! Hiểu chưa? Hay nói đúng hơn, chia sẻ chưa?

Dẫn Đệ không thể khóc được. Nước mắt của nàng không còn đủ để chảy ra nữa rồi. Ông trời ơi là ông trời! Ngày mai của nàng sẽ đi về đâu. Công đồng Liêu Uyên với những hương ước chằng chịt ràng buộc, sẽ cột đời nàng trên một giàn lửa. Nóng lắm, Dẫn Đệ sợ lắm! Ông trời ơi ông trời!

Điều gì đã xui khiến nàng nhận lời của sư thầy Samatha để dấn bước xuống thị trấn ngày hôm đó? Và cái tấm thân này, đáng ra phải dành cho chàng trai có nụ cười sáng lấp loá ánh trăng đêm non tơ màu dâu, sao lại có thể đến nông nỗi này! Và bây giờ, bầu thai đang trưởng nở từng ngày trong cơ thể, nàng cảm nhận được điều đó. Chưa kịp nhen lên một tình mẫu tử đáng lẽ phải có, thì nỗi sợ hãi đau đớn, niềm uất nghẹn thống hối đè nghiến nàng như thế này đây!

Khương Vinh, hay là em sẽ lấy cái chết này để trả nợ cho chàng? Nhưng nói như thế chỉ là trên sân khấu. Cái chết của nàng không đem lại gì cả. Mà nàng yêu cuộc sống, thèm khát cuộc sống biết bao!

Người cho nàng biết mùi vị của tình yêu ngọt ngào là Khương Vinh. Nhưng người đã mang lại cho nàng những lạc thú của cuộc sống, lại không phải là chàng.

 

[còn tiếp]

 

 

---------

Đã đăng:

Chuyện tình Liêu Uyên [kỳ I]  (truyện / tuỳ bút) 
Núi Liêu Uyên ở đâu? Đừng có hỏi cắc cớ. Im im để tau kể cho nghe. Đại khái, ngọn núi đó nó trong giấc mơ. Mà giấc mơ thì vốn là đẹp. Hiểu chưa? Mà im... Đại khái, nàng đẹp như một giấc mơ. Khoan, thuở của giấc mơ, không có khái niệm chân dài nghe chưa!... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021