thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bạn có là thi sĩ không?

 

Có bao giờ bạn âm mưu làm thi sĩ? Bạn có khát khao rón rén đi vào văn học sử của nước nhà và của nhân loại bằng đôi chân của thi ca? Nếu có, bạn có nhớ bài thơ mà bạn đã làm trong thời gian gần đây nhất không? Bạn in thơ thành tập, hay đã gởi đăng báo, hay đã liều mạng run rẩy trao tay nàng (hoặc chàng) của bạn rồi? Tôi hỏi như vậy vì biết đâu tôi tìm được chút đồng cảm từ bạn. Biết đâu bạn và tôi cùng có chung một định mệnh. Định mệnh của các thi sĩ cùng dắt tay nhau đi vào quên lãng.

Người Việt ta rất yêu thơ. Nước mình là nước thơ cơ mà. Trong đời của một người Việt bình thường, rất nhiều lần tâm hồn ta xốn xang, rung động vì thơ, và thậm chí ai cũng có đôi lần làm thơ.

Có người vì đang yêu say đắm mà làm thơ. Có người vì thất tình mà làm thơ. Thi hỏng ư? Làm thơ. Cảm thương vợ sớm hôm tần tảo mom sông, làm thơ. Giận chồng đèo bòng mối tình nào khác ư? Làm thơ. Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn. [*] Cũng làm thơ! Chán mình ghê, thì thơ tự trào! Thương mình quá, lại thơ tự thán! Đứng trước đất trời mênh mông, làm vài câu ngũ ngôn tả cảnh. Lòng mình chiều hôm sao đìu hiu quá, làm một bài thất ngôn tả tình. Giận đời quá văng tục, thì thơ tự do chữ nghĩa cũng đen như mõm chó. Không dưng thấy đời ô trọc, bốn câu tứ tuyệt thơ đạo thênh thang. Thương ngọn cỏ bồng ngả nghiêng lắt lay trong gió, một bài lục bát thơ thiền... Nếu thống kê những lý do khiến người ta làm thơ thì nhiều vô cùng. Nguồn nguyên liệu cho thơ là kho tàng vô tận.

Ngày nay các câu lạc bộ thi ca mọc lên khắp mọi nơi, từ cấp xã, cấp phường cho đến tận cấp trung ương (?). Chúng nhiều không kém các câu lạc bộ bô lão tập dưỡng sinh mỗi sáng. Tôi e rằng vừa bước ra khỏi nhà mà bước không khéo, là ta vấp ngay một thi sĩ.

Theo kinh nghiệm bản thân của tôi thì thơ-của-mình là “phê” hơn cả, thuốc lắc cũng không phê bằng. (Nhưng thơ dĩ nhiên là không nguy hại như thuốc lắc. Phê thuốc lắc thì công an mời anh về đồn, chứ phê thơ thì ai mà nỡ bắt?). Còn thơ của người khác, thơ-của-chúng-nó là vè, mà vè thì chỉ đáng vứt vào sọt rác.

Việc làm thơ có khi lại giúp thi sĩ trẻ mãi, hay nói cách khác là tâm hồn thi sĩ không gợn một nếp chân chim. Tôi có biết vài thi sĩ, ba mươi năm trước thi hứng của họ là ô mai, là sân trường, là mây cao, là trăng non, là gió nhẹ... thì bây giờ vẫn vậy. Các nàng thơ của họ vẫn y nguyên những áo xống, phấn son của cảm xúc, vần điệu, chữ nghĩa của ba mươi năm trước đó. Chẳng những các nàng bất tử , mà các nàng còn õng a õng ẹo, nhí nha nhí nhảnh, mãi mãi không chịu trưởng thành với thời gian.

Có lúc ta gặp thi sĩ đau đời, đau nhân tình thế thái. Chàng (nàng) uống rượu, xáng chén, vỗ bàn, thậm chí tuốt cả gươm, dĩ nhiên chỉ tuốt gươm trong thơ. Mà bạo lực trong thơ thì vô hại. Đọc xong vài dòng, thấy ớn quá, thì ta lật ngay sang trang khác, hoặc cho vào bếp lửa, là xong.

Có lúc lên mạng ta gặp thơ dục tính (ở Việt Nam, loại này đặc biệt chỉ có trên mạng). Nàng thơ nồng nàn mùi tinh dịch. Cũng chẳng sao, quyền chọn lựa đọc hay không vẫn trong tay ta. Có ướt mấy cũng không thể ướt hơn DVD đen XXX trên các vỉa hè. Cách đây chưa đến một thế kỷ, tuyệt tác như truyện Kiều còn bị cho là dâm thư, các cụ còn cấm phụ nữ đụng đến. Đàn ông chớ kể Phan Trần / đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều... Mà văn chương thì vô chừng, ai biết đâu đấy, thi sĩ mầm non hôm nay sẽ là thi hào ngày sau! Lại nữa, thi sĩ thường rất chảnh, có lúc nữ sĩ Hồ Xuân Hương xem đám văn nhân cùng thời như một đám ngọng đứng xem chuông. Một bầy thằng ngọng đứng xem chuông... Thú thật nhiều lần tôi đã là đứa ngọng đứng xem chuông trước mắt các Hồ nữ sĩ đương đại rồi đấy.

Có lúc thi sĩ trầm tư. Nhưng những trầm tư của thi sĩ chỉ chạm đến tính triết lý vặt là hết cỡ, nên cũng không hại gì đến nền hoà bình thế giới.

Tóm lại, làm thơ là một trong những cách tiêu pha thời gian lành mạnh nhất. Là cách vệ sinh, thể dục tinh thần tốt nhất. Có nghiên cứu cho rằng việc làm thơ giải stress rất hiệu quả.

Nhưng thơ làm ra cũng cần có thị trường tiêu thụ, có đối tác, có đầu ra chứ, phải không nào? Cách dễ dàng nhất là hãy đề tặng bài thơ cho một ai đó. Dù đối tác có muốn nhận hay không thì cũng mặc, ta cũng cứ đề tặng thì hắn không thể nào từ chối mà không nhận. Có muốn từ chối cũng rất nhiêu khê. Chẳng lẽ lại phải xin toà soạn đăng lại bài thơ với lời từ chối: Tôi Nguyễn Văn X. kiên quyết không nhận bài thơ này do thi sĩ Trần Văn Y. đã đề tặng (?).

Hôm nay ngồi vào bàn nhậu, hay trong các cuộc hội họp mà không bị (hay được) nghe đọc thơ, thì quả là chuyện lạ. Tôi nói thế là có lý do đấy. Trước kia, mỗi ngày sau khi tan sở, ông bạn thi sĩ Cánh Sen Tàn của tôi đều đi nhậu, tuần đủ 7 ngày. Từ khi lên chức tổng thư ký của câu lạc bộ thi ca phường nhà, ông chỉ còn tốn tiền bia có 3 ngày rưỡi thôi. Vì 3 ngày rưỡi còn lại ông phải cặm cụi nỗ lực làm thơ để bảo vệ uy tín của mình. Và chỉ sau khi hoàn tất bài thơ mới thì ông mang theo trong túi để đọc cho các thi sĩ đồng nghiệp và độc giả ái mộ ở bàn nhậu nghe. Ông kể rằng, khi đã là thi sĩ tổng thư ký thì ông chỉ có nhu cầu đọc thơ của mình cho người khác nghe thôi, mà không còn nhu cầu đọc hay nghe thơ của người khác. Nhưng còn tuỳ theo luật của từng bàn nhậu. Có nơi khi ông đọc thơ thì người ta trả tiền bia cho ông. Nhưng cũng có nơi, muốn người khác nghe thơ của ông thì chính ông là người phải trả tiền.

Bạn thường bị chứng khó ngủ ư? Tôi được thi sĩ Cánh Sen Tàn khuyên rằng hãy mua ngay vài tập trường ca để sẵn trên đầu giường phòng khi hữu sự. Hay để tiết kiệm, thì hãy tự làm cho mình một tập. Chưa có nhà xuất bản nào duyệt thì tạm in photo.

Bạn chưa có danh gì trên thi đàn ư? Hãy làm theo ông, in cạc-vi-dít với chức danh là thi sĩ. Ông trao tôi một cạc-vi-dít rất thú vị được in như sau:

Mặt trước là:

Phó giám đốc: Nguyễn Văn A.
tiếp khách tại văn phòng
từ 9 giờ sáng đến 15 giờ.
Phone: 887 17...

Mặt sau là:

Thi sĩ tổng thư ký: Cánh Sen Tàn.
tiếp khách tại nhà
từ 16 giờ đến 23 giờ,
luôn cả chủ nhật và các ngày lễ.
Phone: 09180036...

Như đã nói, nguồn nguyên liệu cho thơ là kho tàng vô tận. Nhưng ngộ nhỡ bạn cạn hứng thì sao? Ngộ nhỡ trời thì không xanh, mây thì đi vắng, và nắng thì cũng tàn rồi? Mà tình thì hiu hắt trống không, đời thì lạnh nhạt như cơm nguội? Đến nước này thì tôi đành đề nghị bạn ra đầu ngõ mua vài tờ nhật báo. Sau khi đọc xong các tiêu đề trên những trang nhất, thì với ý thức và tâm huyết của một công dân tốt như bạn, bạn sẽ có ngay nguyên liệu cho một tứ thơ không bao giờ cạn, chẳng bao giờ cũ. Tôi muốn nói tứ thơ-chống-tham-nhũng ấy mà! Nhưng này, hôm nay bạn đã làm thơ chưa?

 

_________________________

[*]thơ Xuân Diệu.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021