thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lão già không chết

 

Mùa hè ở miền trung chỉ có gió cát và cơn nắng nóng cháy da. Lão Bụi ngồi bên cửa sổ nhìn ra đường với con mắt kèm nhẹp. Hầu hết người dân ở đây ai cũng có cặp mắt lem nhem như lão, đôi mắt không thể mở to lên được do phải chịu những cơn bão cát từ tấm bé. Con mắt của lão như mắt thần chết, nhưng hàm răng lão lại không mất cái nào. Ai lần đầu nghe lão nghiến răng khi ngủ cũng phải rợn người. Hàm răng lão nhai xương nghe rồm rộp. Người ác miệng nói sau lưng: “Lão già nhai hết xương con cháu rồi mới chết.”

Năm nay lão Bụi đã ngoài chín mươi, ai đến thăm hỏi tuổi lão cũng đều xuýt xoa: “Ông thọ quá.” Lão hãnh diện với cái tuổi thọ của mình. Hôm nào hứng chí lão kể cho mọi người nghe.

“Tôi đã mua cho mình tất cả sáu cái hòm. Cái hòm thứ nhất tôi đặt làm năm sáu mươi tuổi, hòm làm bằng gỗ căm xe, loại gỗ mối mọt không rớ tới được. Mua hòm chưa được hai năm, con gái thứ hai tôi bị bệnh ung thư chết. Chồng nó than lo bệnh cho nó mà nghèo, tôi thấy vậy cho con gái cái hòm của mình...”

Lão thường ngồi ưu tư nhớ lại quãng đời mình. Nếu không tính người mẹ lão yêu thương duy nhất qua đời trên tay lão, kế đến là người vợ đầu tiên — người đã được mẹ lão đứng ra cưới hỏi — bị ho ra máu chết, để lại cho lão ba người con, thì lão đã chứng kiến thêm sáu người thân yêu bỏ lão ra đi. Và lão đã nhường cho họ hết sáu cái hòm của mình.

Lão luôn khoe với mọi người mỗi khi nhắc đến người vợ đầu tiên: “Bà ấy đẹp nhất làng, hồi còn trẻ, con trai nhà ai cũng theo đuổi. Nhưng bà ấy rất hung hỗn, chửi tát nước bọn con trai làng, trong đó có tôi. Bà ấy đã chửi vào mặt tôi ‘Đồ con không cha, không đáng mặt nhìn, đừng nói là xách dép’.”

Lão thề sẽ lấy bà ấy cho bằng được để đánh trả thù. Từ thợ phụ hồ, đến thợ xây, chuyển sang thầu xây nhà, năm năm trời lão cày như ngựa, chạy khắp nơi, không từ nhà lớn nhà nhỏ. Lão không dám ăn nhậu như cánh thợ xây cùng lứa, một mực để dành tiền. Lão nói với cánh thợ : “Phải nằm gai nếm mật, để dành tiền trả hận.”

Với cái nghề làm thầu khoán, lão kiếm tiền dễ dàng, Lão về làng kêu mẹ đi hỏi vợ. Lần đầu, nhà gái từ chối. Mẹ lão bảo đi xem mối khác, lão một mực tuyên bố chỉ cưới cô The chứ không cưới ai hết. Mẹ lão khuyên cách nào cũng không được, đành muối mặt sang dạm nhà cô The lần thứ hai, cô vẫn từ chối. Lão lại nhắc đến lời thề của mình trước mặt mẹ: “Nhất định con phải cưới nó cho bằng được để trả hận.”

Mẹ lão buồn rầu nhìn lão ra đi. Hai năm sau lão trở về làng, một dịp may đã đến với lão: nhà cô The muốn sửa nhà, lão đến tự nguyện sửa giúp. Lão chăm chỉ như con tằm, lễ phép, hiền hậu như cậu học trò. Cha cô The quí lão như con trai của mình. Xong việc, lão không lấy tiền công dù gia chủ một mực nài ép. Lão thoả mãn khi thấy cô The đã ngoài hai mươi mà chẳng chịu lấy chồng, cô viện cớ cha già không ai chăm sóc. Thật ra, cánh đàn ông con nhà khá giả trong làng thì chẳng ai muốn hỏi cô, họ chê cô hung dữ, con nhà nghèo. Đám con trai nhà nghèo dạm ngõ thì cô lại chê bai, khước từ. Lão năn nỉ mẹ sang dạm lần thứ ba, mẹ lão khóc ròng nhưng lão vẫn một mực van xin. Mẹ lão chỉ có một mụn con, đứa con do lầm lỡ với một người đàn ông có vợ. Bà bỏ ngoài tai tiếng cười chê, ôm nỗi nhục, nuôi con gần ba mươi năm. Cả đời bà đã hy sinh cho con, sá gì việc chai mặt. Lần thứ ba sang xin dạm ngõ, cô The vẫn từ chối. Mẹ lão bệnh liệt giường gần nửa tháng, lão an ủi mẹ: “ Mẹ yên chí, chắc chắn con sẽ cưới được con The. Mẹ mau hết bệnh để đi đón dâu.” Lão đã đoán đúng, lần này không phải mẹ lão sang cầu hôn cho lão, mà là cha cô The sang xin gả con gái của mình.

Cô The về làm dâu chưa được ba tháng đã chịu hơn mươi trận đòn. Lão tìm đủ lý do để đánh: chậm dọn cơm cho mẹ lão ăn, cũng bị đánh; bể cái chén, cũng bị đánh; trả treo với lão, cũng bị ăn đòn; xách nước mà làm đổ để cho mẹ lão trượt chân, thì bị nhừ tử. Mẹ lão can ngăn thế nào cũng không được. Bà buồn rầu cảnh gia đình của con trai, rồi mang bệnh mà chết. Cái chết của bà là lý do để lão đánh vợ thường xuyên. Năm năm sống chung với lão, vợ lão không nhớ nổi mình đã bị bao nhiêu trận đòn. Có một hôm, lão nhậu say về lôi vợ ra đánh, lão đánh thẳng tay, miệng nghiến răng nói: “Hôm nay tao đánh cho đến lúc mày biết khóc thì thôi? Mầy là da gì mà đánh không biết đau, không biết khóc?” Và lão lại thua vợ một lần nữa, người đàn bà kiêu hãnh này không bao giờ khóc trước mặt lão. Sau trận đòn sinh tử đó, vợ lão ngã bệnh, lão rối rít kêu thầy đến chữa bệnh cho vợ. Mấy hôm liền, vợ lão mê man, khi tỉnh lại nhìn thấy lão ngồi kề bên với gương mặt lo lắng. Lão vui mừng khi thấy vợ đã tỉnh, nhưng vợ lão cứ nhìn lão trừng trừng, bất ngờ lên cơn ho dữ dội, rồi thổ huyết ra đầy người của lão. Vợ lão ra đi một cách nhanh chóng, lão ôm vợ khóc như mưa, nhưng cái xác chết người đàn bà đó vẫn lạnh lùng trước những lời khóc kể của lão.

Càng lúc càng ăn nên làm ra, lão tuyên bố không cưới vợ nữa, nhưng lão đã cặp rất nhiều người. Lão rất hào phóng với những người tình, hầu như người nào lão cũng cho một căn nhà. Lão là người rất sợ chết, và càng sợ lúc chết không có hòm chôn. Khi cho con gái cái hòm, lão vội đi đặt cho mình cái hòm khác. Chưa được hai năm, con dâu cả của lão bị tai nạn giao thông chết, lão lại hào phóng cho cái hòm để chôn con dâu. Lão đặt cho mình cái hòm thứ ba, rồi lại cho để chôn người con trai út, người con trai lão thương yêu nhất vì nó chịu theo nghề của lão, nhưng nỗi bất hạnh đã đến khi nó bị té từ trên cao xuống. Cái hòm thứ tư lão gởi ở chùa, hy vọng sẽ được nằm vào đó khi chết. Nhưng con gái của một người tình cũ đã đến xin cho mẹ một cái hòm: bà chết trong nghèo khó vì đam mê cờ bạc. Lão tiếp tục đóng cho mình cái hòm thứ năm. Ngày mừng thọ lão bảy mươi tuổi, con trai cả của lão nhậu say, gây sự với bạn bè, sau một cuộc hỗn chiến không biết ai đã đâm nó chết tốt. Đứa con trai cả chưa bao giờ yêu thương lão. Lão thường nói với nó: “ Mầy thù tao thế mẹ mày hử!” Lão cho con trai cả cái hòm thứ năm của mình. Lão chán nản không muốn đặt hòm cho mình nữa, nhưng lòng lão không yên, lại đặt cho mình cái hòm thứ sáu. Lão không ngờ cái hòm thứ sáu lại cướp đi đứa cháu nội trai duy nhất của lão. Nó chết bất ngờ vì dùng ma túy quá liều. Người đời mạnh miệng nói: lão đặt hòm là để con cháu chết thay mình.

Ngày ngày ngồi bên cửa sổ, nhớ về người vợ, lão không biết mình đã trả được hận hay bà ấy chính là người biến lão thành kẻ thua cuộc. Lão nhớ rõ đôi mắt lạnh lùng của bà luôn kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt lão mỗi khi bị lão đánh. Lão cố tìm một giọt nước mắt trên gương mặt bà để hả hê, nhưng rồi lão điên tiết lên khi thấy gương mặt bà như pho tượng, không một tiếng rên, không một giọt nước mắt khóc cho thân phận.

Lần đầu tiên trong đời lão muốn được chết, lão không còn tha thiết được mồ yên mả đẹp nữa. Lão muốn trốn chạy cái hiện tại đau buồn và muốn quên cái quá khứ thất bại của mình. Lão không ngờ, đến cuối đời, bà đã dành lấy về mình tất cả những người thân yêu nhất của lão. Lão cảm thấy bà đang hạnh phúc bên con cháu ở một thế giới khác, còn lão nhiều lần muốn được chết theo bà và con cháu, nhưng hình như bà không muốn nhìn thấy lão đặt chân đến thế giới của bà, bà không chấp nhận linh hồn lão nên lão cứ trường thọ theo thời gian.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021