thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khúc dĩ vãng

 

Gửi H, nhớ Hoàng Trúc Ly.

 

Ai đó đã viết câu thơ Tôi sống để quên, quên để sống. Trung Niên Thi Sỹ hét vào tai tôi: “Ta không có trí nhớ tốt gì hết, mà câu chuyện của nhà ngươi là câu chuyện ta phải nhớ.” Câu chuyện nào có gì vui để nhớ, chỉ là tôi nhớ những gì tôi muốn quên mà quên không được. Ví dụ như, tôi nhớ một hoàng hôn mưa...

Mưa lất phất, ông già chủ quán cóc trên một hè đường mang thêm nửa xị rượu trắng cho hai người, Hoàng thi sĩ và tôi. Ông già chỉ cần biết chúng tôi là hai thằng cha ngồi rầu rĩ dưới mái hiên vắng, ánh sáng đèn trắng trợn, nước mưa láp nháp bẩn vỉa hè. Tôi đọc câu thơ đang hiện trong đầu: Nơi đây rượu trắng mưa đêm trường. Hoàng thi sĩ nói nhỏ nhẹ: “Tôi nhớ là ‘rượu đắng’: Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường.” Tôi chữa chạy cái tội nhớ sai thơ: “Đúng câu thơ của Nhà Thơ Say là như vậy. Tại tôi có máu cách tân, như anh từng nói.”

Tôi có cảm tình ngay với Hoàng thi sĩ từ khi chưa quen anh, chỉ thấy anh, vẻ ngoài của anh hao hao giống Nhà Thơ Say, thầy dạy tôi môn Việt văn lớp đệ nhị ban Văn ở trường Chu Văn An, Nhà Thơ Say lại là nhà thơ tôi yêu thích. Có lần gặp anh trong một hiệu sách, tôi định làm quen, lại ngần ngại, rồi thôi. Nghe loáng thoáng anh nói chuyện với bà chủ hiệu sách, cả hai đều nói giọng xứ Thần Kinh. Chúng tôi không làm quen nhau, những ngày tháng xao động, bất ổn, không quen nhau, ngần ngại hay không ngần ngại, cũng tự động ngồi chung một cái bàn trên một vỉa hè. Quán cóc của Ông Già. Chúng tôi, thường xuyên là Hoàng thi sĩ và tôi, chàng tài tử xi-nê Huy Cường , Bố già Ngọc Thứ Lang, thảng hoặc có thi sĩ Thánh Ca họ Nguyễn, tài tử kiêm đạo diễn kiêm ông bầu Long Đất, chừng ấy danh sĩ một thời tụ tập quanh cái bàn gỗ xiêu vẹo. Chúng tôi uống cái-gọi-là-cà-phê, vì hình như cà phê này toàn là bắp rang trộn hạt cau rang cháy. Cà phê đen, cà phê đá, trà đá. Nhưng ông già chủ quán cóc tuyệt vời, hầu như ngày nào, không buổi sáng thì buổi chiều, cũng mang về, từ đâu chẳng biết, một hai xị rượu trắng.

Hoàng thi sĩ, vẻ mặt lúc nào cũng trầm ngâm, uống chậm rãi để uống được lâu ly nhỏ rượu trắng, càng trầm ngâm. Chàng tài tử xi-nê Huy Cường, vẫn còn phong độ diễn viên điện ảnh, uống một hơi cạn ly rượu, rồi một tay tưởng tượng vuốt tóc em nào đấy, một tay xòe ra tưởng tượng mời gọi em, vừa như thế vừa đọc: “Từ em tiếng hát lên trời. Tay xao dòng tóc tay mời âm thanh.” Rồi chàng tài tử xi-nê chồm tới Hoàng thi sĩ mà nói: “Tớ rất mê thơ của Hoàng thi sĩ. Câu thơ đó Hoàng thi sĩ làm để tặng ảo ảnh Thanh Thúy đó.” Vẫn giọng nhỏ nhẹ, Hoàng thi sĩ lắc đầu: “Bậy nào, tôi có làm thơ tặng ai khi mô?” Huy Cường thông minh có hạng, tôi nghĩ không chừng Huy Cường nói đúng. Phải là ca sĩ cỡ nào đấy mới có mái tóc đáng để nhà thơ lùa tay, và giọng ca đáng để nhà thơ chào mời.

Không chừng Hoàng thi sĩ cũng đãng trí tột bực như Nhà Thơ Say, và tôi kể cho Hoàng thi sĩ nghe chuyện đãng trí của nhà thơ họ Vũ: “Hồi tôi là học trò ông nhà thơ họ Vũ, lúc nào ông ấy cũng vận com-lê, chiếc cặp da luôn luôn như mới mua, ông dùng cả năm rồi mà vẫn để trong bọc nhựa ni-lông. Một lần, lúc ông lên phòng giáo sư, tôi luồn vào bọc ni-lông miếng giấy viết mấy chữ: GIẤY PHÉP HÚT THUỐC PHIỆN. Về lớp, ông hỏi: ‘Cậu nào viết đây, hết giờ theo tôi lên phòng hiệu trưởng. Tôi nhất quyết đuổi học.’ Hết giờ, tôi đứng đợi ông cài khoá chiếc cặp da, luồn nó vào bao ni-lông. Ông nhìn thấy tôi, hỏi: ‘Sao cậu chưa về? Cậu đợi cái gì?’ Ông quên tiệt tôi là tác giả cái giấy phép hút thuốc phiện.”

Nghe tôi kể chuyện Nhà Thơ Say đãng trí, anh chỉ cười nhẹ, cười như không cười. Tôi nghĩ, hay là anh cho rằng tôi ngờ anh cũng gá duyên với nàng tiên nâu như nhà thơ họ Vũ, hay là anh đang hồi tưởng một dòng tóc? “Anh có thích các cô gái xứ Thần Kinh?”

Hoàng thi sĩ lắc đầu: “Phụ nữ lãng mạn thì đáng yêu thích đó. Nhưng theo tôi biết, lãng mạn của phụ nữ xứ Thần Kinh là thứ lãng mạn có điều kiện.” Tôi nói, nếu thế, nên yêu thích các cô gái miền Nam, lãng mạn tới bến, lãng mạn vô điều kiện. Anh hỏi có phải tôi lấy vợ người miền Nam không, làm tôi rầu muốn chết. Vợ tôi (đã ly dị từ mấy chục năm rồi) là một cô sinh trưởng trong Nam nhưng nguyên quán ngoài miền Bắc, tinh khôn, đáo để, độc địa tới bến.

Những buổi sáng những buổi chiều, ngày ngày tiếp nối bất tận những ủ ê những chông chênh những bất định. Chúng tôi, Hoàng thi sĩ và tôi và các bạn, ngồi uống trà đá, uống cái-gọi-là-cà-phê, uống rượu trắng của ông già tuyệt vời mang ở đâu về. Hoàng thi sĩ càng ngồi quán cóc càng tiều tụy, tiều tụy đến nỗi tôi không dám hỏi lát nữa anh về đâu, ăn cơm ở đâu...

Một đám phụ nữ chưng diện ngất trời, kêu réo tên chàng tài tử Huy Cường. Rất điệu nghệ, chàng tài tử đẹp trai hào hùng bụi bặm quơ tay một vòng chạm đủ vào thân thể các nàng, cười vừa gợi tình lẫn gợi ý: “Em nào có nhã ý mời anh đi ăn một tô phở chín gầu tái tiết?” Không nàng nào dám có nhã ý đó. Thịt thà lúc đó đã được liệt vào sổ đỏ động vật hiếm quý có nguy cơ tuyệt chủng trên mặt đất.

Tài tử kiêm ông bầu kiêm đạo diễn Long Đất bày cách hưởng lạc thú trong mưa-lạnh-hoàng-hôn: “Tớ cứ nín tè như bà nghị Trần thưở trước, nín tới lúc sắp vỡ bọng đái, rồi tè! Ôi, giây phút sung sướng ngây ngất không gì bằng!”

Buổi chiều tối, hoàng hôn mưa lê thê níu chân người ê ẩm nơi quán cóc Ông Già, Hoàng thi sĩ và tôi ngồi chẳng biết tới lúc nào là lúc đứng dậy ra về. Về đâu? Tôi thầm nghĩ: Đời lê thê quá anh về muộn. Em ngủ một mình đêm gió mưa có lẽ không phải thơ của Hoàng thi sĩ như ai đấy đã nói, vì hình như Hoàng thi sĩ có cô vợ nào đâu mà e ngại vợ phải ngủ giấc cô đơn. Tôi ngó anh mà rầu quá, không buồn hỏi xem sao, rằng anh có vợ đợi ở nhà không?

Tôi còn rầu muốn chết cái vụ việc hồi sáng, người vợ gốc miền Bắc của tôi lấy ra cái bịch nhỏ xíu bột ngọt tôi sớt ra để biếu mẹ già, từ cái bịch bột ngọt lớn gấp ba, mà vợ tôi là sở hữu chủ. Cô ấy lấy ra từ cái túi dết tôi sẽ mang theo bên mình, lấy ra, đặt bên cạnh cái túi dết đó, để nói có sách mách có chứng: cái thằng chồng ăn cắp bột ngọt của vợ!

Ông già, không biết có phải ông cảm thương hai thằng cha rầu rĩ sắp chết, lại đem nửa xị rượu cuối cùng, cái gia tài lung linh căn cốt tinh túy của ông, bảo chúng tôi uống đi, uống đợi mưa tạnh hãy về. Thức nhắm cho những ly rượu-đắng-mưa-đêm-trường, không gì hơn những câu thơ của Hoàng thi sĩ, chính tôi đọc cho tác giả nghe: Khuya đi dù biết về đâu? Nghiêng tai còn mãi tiếng sầu vọng âm. Đường xưa trải nhớ âm thầm. Ngôi sao yểu mệnh căm căm cuối trời.

Một buổi sáng, Hoàng thi sĩ vui vẻ báo tin vui cho tôi biết, rằng anh đã ổn rồi. Anh đã có việc làm. Ngày mai anh sẽ là nhân viên chính thức của Câu lạc bộ Văn Thể Mỹ , thuộc Nhà Văn hoá Thể dục Thể thao ở đường phố lớn nhất đô thị. Anh sẽ được cấp thẻ làm việc, được cấp tiền lương. Thế thì đỡ quá rồi thật, tôi mừng cho người thi sĩ ốm o gầy mòn, mai mốt thế nào Hoàng thi sĩ cũng tăng trọng lượng thân thể được thêm vài ba kí lô là ít. Anh sẽ có tiền lương, sẽ có thẻ để chứng minh người làm ăn lương thiện, và hứa hẹn sẽ có bia bọt đầy đủ, không còn phải nương tựa vào những ly rượu-đắng-mưa-đêm-trường quá não nề, uống vào mà tự cảm thương mình đến muốn chết

Còn bản thân tôi, tôi cũng đã ổn rồi. Và tôi cũng hoan hỉ báo tin vui cho Hoàng thi sĩ, chỉ sau anh vài ngày thôi, tôi cũng sẽ là công nhân chính thức của xưởng đóng tàu, ở bên một con sông tại huyện ngoại thành. Hoàng thi sĩ hỏi: “Ông có tay nghề thợ mộc để đóng tàu gỗ hỉ?” Tôi nói: “Ngoài việc viết lách vớ vẩn, tôi có nghề ngỗng gì đâu. Thấy xưởng đóng tàu tuyển dụng một số công nhân, trong đó có thợ mộc, tôi vội khai tôi có tay nghề thợ mộc. Lúc họ phỏng vấn, hỏi tôi là thợ mộc chuyên đóng vật dụng gì, tôi trả lời là tôi chuyên đóng quan tài. Ấy là bởi vì, tôi sợ họ bắt thực hành ngay tại chỗ tay nghề, nên tôi khai là tôi chuyên đóng quan tài. Ai mà dám cho tôi thực hành ngay tại chỗ, đóng cái quan tài?”

Hoàng thi sĩ cười nhỏ nhẹ, nói: “Ông cũng khôn lắm đó chứ. Nhà thơ hiện đại có khác!” Tôi nói với Hoàng thi sĩ: “Trừ anh ra, chứ thằng văn nghệ nào mà không lẻo mồm lẻo mép, không nhanh nhạy đối phó với những chuyện trời ơi đất hỡi. Tôi thấy tiêu chuẩn sức khoẻ để làm công nhân xưởng đóng tàu, là về trọng lượng, phải cân nặng tối thiểu 48 kí lô. Mà tôi thì lúc sung sức nhất, cân chỉ nặng tới 45 kí lô là cùng, còn hiện nay, cứ rượu-đắng-mưa-đêm-trường, chắc khi cân không thể tới 40 kí. Nên bữa đi khám sức khoẻ, tôi vận rất nhiều quần áo vào người. Riêng chiếc quần soọc vận bên trong quần dài, có 4 cái túi, tôi đựng đầy nhóc những viên sỏi và sắt vụn. Lúc cân, nhìn thấy cây kim run run ở mức 48 kí lô, tôi mừng quá sức.”

Hoàng thi sĩ và tôi đã có công việc ổn định, anh đi làm nhân viên gì đó, hình như chuyên môn nghiệp vụ của anh là giữ đồ đạc, quần áo ở khu vực hồ bơi trong Nhà Văn hoá Thể dục Thể thao, và tôi, chuyên bào ván sàn tàu. Hai lòng bàn tay tôi, lúc đầu phồng lên, sau dần chai đi, vì suốt ngày bào tới bào lui vô số những tấm ván đã đóng vào sàn tàu. Trong khi tôi bào, công nhân hàn xì làm công việc ngay bên cạnh, nơi những thanh sắt ở sườn con tàu, trên nóc buồng tàu. Những lửa hàn xì, li ti như bụi cát, đỏ rực tung tóe, bắn túa ra chung quanh, đầy khắp trên bộ quần áo công nhân của tôi. Mắt tôi thì hoa lên, hơi nóng trong buồng tàu làm chảy nước mắt, lẫn với mồ hôi đầm đìa mặt mũi thân mình.

Một buổi sáng chủ nhật, tôi ngồi một mình ở quán cóc Ông Già. Không còn ai trong số danh sĩ một thời, ngồi tụ bên ly trà đá, ly cái-gọi-là-cà-phê, ly rượu đặc sản của nỗi cảm thương, lòng tử tế Ông Già chia sẻ, ban tặng. Chàng tài tử xi-nê Huy Cường, không nhận được nhã ý của một cô nàng nào, về nằm một mình nhớ phở tại thị trấn buồn hiu. Rồi một hôm kia, quá nhớ quán cóc Ông Già, Huy Cường mò về chốn đô hội. Trước khi tái ngộ ông già tử tế, chàng tài tử đẹp trai hào hùng bụi bặm, trút hơi thở cuối cùng dưới bánh xe vận tải trên một dốc cầu, chia tay trần gian đau thương khốc liệt tuyệt vời. Bố già Ngọc Thứ Lang về an dưỡng để êm ái từ biệt cõi đời ở một nơi có cái tên định mệnh, Bố Lá. Thi sĩ Thánh Ca họ Nguyễn có những bữa tiệc rượu trần gian ngất ngư với các tân doanh nhân, quên phứt nỗi sầu thiên cổ, và tài tử kiêm đạo diễn kiêm ông bầu Long Đất, mang tâm sự điện ảnh đi tìm phim trường thực hiện giấc mơ một chân trời khác, nơi mịt mù viễn xứ.

Tôi càng bắt nhớ hoàng hôn mưa ly rượu đắng đêm trường, lúc tôi đã ổn rồi. Tôi càng bắt nhớ Hoàng thi sĩ, anh cũng đã ổn rồi, chắc hẳn đang hanh thông trên con đường sự nghiệp ở Câu lạc bộ Văn Thể Mỹ. Chưa kịp tới thăm lại Hoàng thi sĩ, tôi nghe tin, có phải cái tin của lòng-đau-đem-lại-cái-tin-cuối-mùa, mà Thâm Tâm ngày trước cảm nhận nát lòng? Hoàng thi sĩ, một hôm kia, từ Nhà Văn hoá Thể dục Thể thao đi ra, bị ai đó chạy xe gắn máy đụng vào, làm anh té ngã. Anh đứng dậy, ngỡ không sao, lần bước ra quán cóc Ông Già. Chắc hẳn Hoàng thi sĩ tới quán cóc Ông Già, cũng như tôi, bồi hồi xao xuyến về hơi-đàn-buồn-như-trời-mưa loáng thoáng phảng phất trong không gian một hoàng hôn rớt hạt. Vài ba ngày sau, Hoàng thi sĩ tắt thở vì chấn thương sọ não, do chiếc xe gắn máy đụng vào anh từ mấy bữa trước. Còn tôi, có trở lại quán cóc Ông Già, là để thầm đọc một bài thơ của Hoàng thi sĩ, và cũng để tự an ủi rằng chúng tôi đều đã ổn cả rồi, dù trong hay ngoài cõi sống có lẽ cũng đều như vậy.

 

 

------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021