thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chuyện làng

 

Trẻ, già, trai, gái lũ lượt kéo nhau về lại làng Lệ Tràng. Dân trong làng người còn kẻ mất, khi kiểm lại chết hơn nửa, cánh thanh niên gần như xoá sổ. Người nhìn người. Không gian hoang vu, ngột ngạt.

Nghèo đói, mừng vui và sợ hãi. Người ta xây những ngôi mộ quét vôi màu mè sặc sỡ bên cạnh những ngôi mộ cỏ dại mọc đầy, không ai dám ngó ngàng. Làng đói, xứ đói. Đêm đêm người ta tập họp lại, bới móc, xoi mói trong cái cạn kiệt, rã rời kia thử còn gì nữa không. Bởi vì nghe nói “sức người vô tận”.

Ngư dân lại được mùa biển. Kỳ lạ! Lưới cào, lưới quét, lưới vây... vớt lên chỉ duy nhất một loại cá tên lầm. Con cá lầm gần giống như con cá nục chuối nhưng thân tròn, đầy đặn, mập mạp hơn. Thịt cá lầm ngon gần bằng cá nục, một chín một mười. Thôi thì khỏi phải kể, suốt chiều dài bờ biển bao la, hễ tàu thuyền nào của ngư dân vừa ra khơi buổi sáng, xế chiều đã lặc lè cá lầm đầy khoang, người đứng mạn bên này không thấy người đứng bên kia. Cá lầm ngập xứ. Nhà nhà ăn cá lầm thay cơm. Người già, em bé, phụ nữ, thanh niên ăn cá lầm trở nên khờ khờ như bị bệnh tâm thần; bọn trẻ con ngày càng da bọc xương. Người ta chợt nghi ngờ điềm gở. Cái tên của loài cá này. Làng đâm sợ những quả báo...

 

*

 

Tư Sửu chăn trâu, bỏ làng đi từ lúc mười lăm tuổi. Giờ ở thành phố, trên cao, thỉnh thoảng Tư Sửu về làng, nét mặt tươi vui mãn nguyện. Ông đi qua đi lại, lên xuống nhìn ngó... Rồi những khắc khoải thầm kín của làng về chuyện con cá lầm cũng đến tai Tư Sửu bởi vì ông là bậc thầy tinh nhạy. Lúc này ở làng, lẫn lộn với người dân thường có những kẻ mang biệt tài kỳ lạ. Mũi họ thính, mắt họ đủ để nhìn xuyên qua phên tre trát cứt trâu dày cộm của người dân quê. Tai nghe được cả tiếng người vợ trẻ hồi hộp bàn với chồng đợi đến khuya giết thịt con gà kho mắm bồi dưỡng cho đứa con mới ốm dậy... Lại có tin ai đó dùng bùa chú “lùa” loài cá lạ lẫm này về từ một đại dương xa xôi như một lời nguyền.

Không ai gọi tên cá lầm nữa, đổi thành cá nục chai. “Cá lầm thì cứ gọi cá lầm, tại sao phải gọi cá nục chai?” bọn trẻ thì thầm. “Gọi dê nhưng mà thịt chó đấy!” người già nói vậy. Một chiều, hoàng hôn đổ dài, ông Tư Sửu đi dạo trên con đường làng. Gặp những phụ nữ gánh thóc nhập kho ngồi nghỉ bên đường, Tư Sửu ân cần hỏi thăm:

“Các chị khoẻ không?”

“Dạ mệt, làm không đủ miệng ăn, còn nuôi đám con dại nữa, khổ lắm chú ơi!...” Một chị mặt xương má tóp, người gầy như que củi, sũng mắt nhìn Tư Sửu.

Ông Tư Sửu mỉm cười, ánh mắt bao dung, độ lượng:

“Từ ngày về lại làng, các chị có biết mình đang làm gì không?”

“Làm thuê!”

“Trật lất!” Ông Tư một lần nữa nhoẻn miệng cười, nét mặt biểu hiện sự xúc động cao cả thánh thiện.

Rồi ông ngẩng mặt lên trời cao tít tắp. Những ngôn từ lạ lẫm bay ra, làng quê có đám phụ nữ nhỏ bé giương mắt nhìn lên. Ông nói nhiều lắm, ông nói bao khoai gì đó đổ ra đất. Đám phụ nữ lam lũ nghe ông nói chẳng hiểu gì. Gần đến giờ đóng cửa kho thóc, họ nhìn lên chỉ thấy ông nhìn lên trời mà không nhìn xuống, liền bấm nhau khe khẽ đứng dậy quàng gánh lên vai, chuồn êm. Đang cưỡi mây gió trên con tàu sắt độc hành, bất chợt Tư Sửu nhìn xuống. Đám thính giả đã rút từ lúc nào, bỏ lại những miếng lá chuối khô mà họ lót ngồi trên vệ cỏ. Ông Tư Sửu nhíu mày. Cơ thể ông rất kỵ với màu ma quái của nó. Mới chỉ nhìn thấy thôi ông đã hoa mắt lảo đảo. Ông bỏ dở buổi đi dạo, vội vã về nhà.

Sau chuyến đi khắp bốn phương trời, Tư Sửu lại về thăm làng. Đêm trăng sáng ông đến nhà người bạn cũ. Người này thời niên thiếu cùng chăn trâu với ông, nhưng không bỏ làng ra đi.

Tư Sửu rít thuốc, đôi mắt mơ màng, giọng bay bỗng:

“Mùa xuân nắng ấm ở một nơi xa xôi lạnh giá sẽ làm cho băng tan, những con sông cuồn cuộn chảy giống như... nước lụt quê mình...”

Người bạn hỏi: “Làm sao có ánh sáng, phù sa?” Tư Sửu lim dim đôi mắt: “Đường đã thẳng và thênh thang, cứ thế mà đi”. Cuộc trò chuyện chán ngắt, người bạn lặng thinh không nói nữa. Từ khi về lại làng, có những người nói chuyện với nhau mà lời của người này như nước đổ lá khoai đối với người kia, ngược lại người kia cảm nhận rằng nói chuyện với người này thà nói với đầu gối còn hơn.

Nhiều kẻ bỏ đi thật xa, biệt xứ, không muốn nhìn lại mặt nhau. Tư Sửu lại nhiệt tình nói về sự dày dạn, tài hoa, tinh nhuệ, giỏi giang và biện pháp siêu việt trong hành trình đi tìm những thành phố và cánh đồng:

“Phương pháp đã đạt đẳng cấp nghệ thuật, tuyệt chiêu nghệ thuật... Đã nghe trong gió hơi ấm nồng nàn của đất trời mùa xuân...”

Người bạn ngồi yên không nói không rằng, Tư Sửu đứng dậy ra về. Trăng lên cao, đường quê sáng như ban ngày, ông không thấy đường cứ nhè bụi rậm mà đâm vào.

Sông chảy ngược, nước trên nguồn ứ tràn không biết chảy về đâu, phía hạ lưu ruộng đồng khô cháy. Cánh đàn ông được triệu tập đến sân đình vào mỗi đêm. Cái giống đực lưng trần vãi mồ hôi xuống đồng khô theo bản năng không muốn quần thể của mình bị tước mất khẩu phần. Vả lại quanh năm cày ải, lúa bắp sắn khoai tích cóp trong bồ bịch mỗi nhà chẳng có bao nhiêu, cả làng thiếu đói triền miên. Bốn đêm liền, những khuôn mặt râu ria tua tủa gan lì bướng bỉnh ngồi im không mở miệng.

Đêm thứ năm có sự thay đổi. Người ta đem hàng đổi hàng. Một lần nữa giống đực thể hiện sự lì lợm, cứng cỏi. Họ truyền tai nhau sẽ về nhà đóng khố bằng lá dừa che chỗ kín thay thế áo quần, dùng gáo dừa để múc nước, giặt áo quần trong chậu sành, nấu cơm, đun nước trong ấm đất... Tổ tiên ngày trước vẫn dùng những vật dụng này. Lại tiếp năm đêm nữa sân đình làng hoá thành vườn tượng.

Đêm thứ mười tình hình thay đổi. Đàn ông được cho nghỉ ở nhà, toàn bộ phụ nữ trong làng được mời đến. Chị em mặt mày nghiêm trang, lo lắng. Các bà các chị lót lá chuối ngồi trên sân đình. Đêm, chắc sẽ tái diễn tình trạng những tấm lá chuối khô bị nhuộm màu. Đình làng đã biến thành đống gạch vụn từ khi cả làng tan tác. Cùng trở về lại làng có những kẻ không sợ thánh thần đã đem gạch vỡ ở đình về nhà mình xây hố xí.

Đêm sân đình đã về sáng. Nhiều chị mừng quá không kiềm được cảm xúc thút thít khóc... Người ta đem vải tám đen và băng vệ sinh phụ nữ ra đổi những thứ Thần Nông ban cho đám người lam lũ. Từ khi về lại làng, chị em thiếu trầm trọng hai mặt hàng này nên vào những ngày kiêng mà phải lao động lên đồng xuống ruộng thì quá bất tiện. Vải tám đen may quần mặc có thể khiến người ta không nhìn thấy được màu ấy loang ra ở chỗ kín. Cũng bởi vì khan hiếm như thế nên chiều hôm đó đám phụ nữ gánh thóc nhập kho ngồi bên đường, nghe ông Tư Sửu nói chuyện, đã “vô tư” cho chất này thấm ra trên những miếng lá chuối khô. Do cái “nạn” này nên chị em lâu nay vô cùng khổ sở. Cái đêm thứ mười “lịch sử” họp mặt cánh phụ nữ đã đạt được kết quả không ngờ. Món hàng hoá độc chiêu đưa ra đã “thắng lớn”. Những ngày sau đó thóc được các chị em lén gia đình chồng con gánh, mang, vác, đội đến kho và mừng rỡ đem những xấp vải tám đen và băng vệ sinh về nhà. Cuộc vận động thành công ngoài sức mong đợi. Sáng hôm ấy cổng làng treo câu chữ lớn “Hoan hô phụ nữ làng Lệ Tràng giác ngộ”. Lại có lời khen “Một khi chị em tự giác lo liệu thì việc khó đến mấy cũng hoàn thành được”. Cách làm ở làng Lệ Tràng được nhân rộng.

 

*

 

Chồng chị Hai Lợi, bạn thuở chăn trâu của ông Tư Sửu mấy ngày nay đi qua đi lại đi lên đi xuống trong nhà lẩm nhẩm những câu, từ không đầu không đuôi mà ông nghe được từ miệng Tư Sửu “Đạt đẳng cấp nghệ thuật, tuyệt chiêu nghệ thuật...”

 

*

 

Ông Tư Sửu lại về thăm làng. Ông còn người mẹ già ở với người em trai trong làng. Nhiều lần ông Tư định đưa mẹ ra thành phố sống với mình nhưng bà cụ quyết không đi. Chợ tan tác, người mua kẻ bán tản ra những bụi chuối bờ tre, thập thò nhìn trước ngó sau. Em gái Hai Lợi có quầy bán thịt bò trong chợ. Nay quầy thịt không còn, đứa em ra đứng bụi đứng đường, tiếp tục công việc mua bán của mình. Cách thức mua bán lạ lùng. Người bán lận vài ba miếng thịt bò trong quần, sau lưng dắt cái cân đòn loại nhỏ. Họ đón đường người mua, nháy mắt hỏi nhỏ: “Mua thịt bò không?” Nếu người mua gật đầu thì cả hai nhìn trước, ngó sau, rồi lủi vào bờ bụi gần đó. Người bán móc thịt bò trong quần ra...

Sáng hôm ấy đứa cháu ông Tư Sửu đi đâu không biết lại gặp em gái Hai Lợi đón đường mời mua thịt. Thức ăn trong nhà đã hết, lại có ông bác từ thành phố về nên đứa cháu mua mấy miếng thịt bò...

... Hôm ấy cũng đúng là ngày kiêng của em gái Hai Lợi.

 

*

 

Thật xui xẻo. Bữa trưa hôm đó sau khi ăn món thịt bò xào ông Tư Sửu lăn đùng ra trợn mắt, bất tỉnh... Người ta tức tốc đưa Tư Sửu đến bệnh viện tỉnh, rồi bệnh viện trung ương, để cứu chữa. Các chuyên gia y tế đã lấy mẫu thức ăn Tư Sửu dùng đem về cho các cơ quan khoa học phân tích. Kết quả không phát hiện chất gì gây bệnh trong đó. Các giáo sư, bác sĩ cho rằng đây là trường hợp ngộ độc thông thường và chữa trị bệnh nhân đặc biệt này với các phương tiện y học tiên tiến nhất. Bệnh tình ông Tư Sửu không thuyên giảm mà ngày một xấu đi. Bệnh nhân khi tỉnh, khi mê và có những biểu hiện rất lạ lùng.

Một tuần lễ sau, Tư Sửu lìa đời...

Lại có câu truyền tụng: “... anh ngã xuống như con chim én đầu đàn gãy cánh, như một tướng soái trúng tên giữa trận tiền...”.

 

*

 

Một phần tư thế kỷ trôi qua.

Những cụ già ở thôn Lệ Tràng cho rằng Tư Sửu bị thần làng vật chết.

Có ý kiến của một phụ nữ gánh thóc ngày xưa nói rằng Tư Sửu chết do ăn thịt bò trúng ngày kiêng của em gái Hai Lợi.

Lại có người kể rằng lúc bỏ nhà ra đi ông Tư Sửu cùng các đồng môn tầm sư học đạo. Họ đến thọ giáo các đại sư phụ của một môn phái võ lâm. Môn phái này đang tranh hùng giành ngôi bá chủ thiên hạ. Các đại sư phụ truyền cho các đệ tử nhiều môn võ nghệ cao cường, các bí quyết cùng những phép thuậ,t để đi tìm những thành phố và cánh đồng...

Có những bậc cao niên uyên thâm trong võ học cho rằng Tư Sửu đã thờ phụng con thủy ngưu ở ngay đỉnh đầu có một sừng cong mang trong mình tà khí. Những ai trót theo nghiệp của kẻ trượng phu thì phải biết chí ít là vật Tổ. Thứ ấy như một con đường định mệnh trên bàn tay, và có ba con đường chảy qua bàn tay ấy, như ba dòng thác phúc hoạ khôn lường...

 

*

 

Tư Sửu ra đi giữa vô cùng cát bụi như mọi thứ cát bụi khác băng qua trí nhớ của kẻ mau quên. Nhưng, ngày ngày đi qua phố, ai cũng nhớ. Bọn trẻ vẫn hát khúc hát nào đó không đầu, không đuôi về con đường không đuôi không đầu chạy qua thành phố, ở trên mây xanh đã bay qua mái nhà của chúng.

 

 
------------
Đã đăng:
... Trước khi lìa đời, con nào cũng nằm dài buồn bã suốt năm, suốt tháng. Nhìn vào đôi mắt chúng, nhiều người vô tâm và thiếu tưởng tượng nhất cũng nhận ra những đôi mắt chó “đầy tâm trạng”. Nhiều con lặng lẽ cố lết ra tận bờ suối lao đầu xuống đá mà chết... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021