thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bãi phân trâu

 

Mọi người đều nói rằng ông là một nhà văn có tài, chỉ có điều ông ít tham gia vào sinh hoạt văn hoá của thành phố địa phương. Ông thường đi tham dự những chương trình hội nghị văn học toàn quốc hoặc thế giới. Năm đó, hội đồng thành phố nơi ông ở mời ông tham gia vào chương trình văn học nghệ thuật của thành phố và mong muốn ông viết một truyện ngắn để đọc trong đêm khai mạc. Ông nhận lời, có lẽ vì nể ông chủ tịch thành phố là người quen biết. Đây là nguyên văn những gì ông đã đọc trong đêm khai mạc:

 

Có một xứ sở rất giàu về tài nguyên thiên nhiên. Con người sinh ra ở nơi đó lại rất thông minh và khoẻ mạnh. Kinh tế, khoa học và kỹ thuật hiện đại cũng phát triển rất nhanh, đến mức không ai có thể nhận ra rằng xứ sở đó trước đây vài chục năm chỉ thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.

Thế nhưng, khoảng một vài năm trở lại đây, bệnh tật rồi tai nạn thiên nhiên như động đất, núi lửa, bão biển, sóng thần bỗng dưng xảy ra liên tục đã làm chết bao nhiêu người. Tiếp sau đó là khủng hoảng kinh tế. Rồi tệ nạn xã hội cứ liên tục diễn ra. Các bác sĩ, các nhà kinh tế học, các nhà xã hội học, các nhà khoa học, các chuyên viên kỹ thuật, các nhà trí thức và văn nghệ sĩ tập hợp lại để tìm ra những biện pháp nhằm cứu vãn cho xứ sở của họ. Nhưng tất cả các giải pháp đều không thành công. Có người đưa ra ý kiến là thử đến hỏi ông thầy mo của xứ sở, tuy ông ấy đã bỏ nghề thầy mo hàng chục năm nay để làm ông thầy lang chữa bệnh bằng lá cây.

Ông thầy mo được mời đến, và sau một vài ngày nghiên cứu, bắt mạch nhiều hạng người trong xã hội, ông thầy mo nói rằng ông cần phải có một bãi phân trâu lớn và tươi. Mọi người đều ngạc nhiên, nhưng không còn biết cách nào khác, nên đành cố gắng làm theo lời ông. Khó một điều là hàng chục năm nay nghề nông không còn tồn tại trên xứ sở này nữa, và trâu bò cũng không còn ai nuôi nữa. Mọi người đề nghị là sang xứ sở láng giềng mua một con trâu và mang về.

Sau khi có con trâu và một bãi phân trâu còn mới, ông thầy mo thành kính để bãi phân trâu lên giữa bàn thờ đặt ngoài trời, và cầu khấn Thần linh phù hộ cho xứ sở này được tai qua nạn khỏi. Sấm chớp nổi lên và có một tiếng Sấm truyền bằng thứ ngôn ngữ cổ mà ông thầy mo cũng chỉ hiểu được hai chữ: ‘Tình’ và ‘Làm tình’. Một điều lạ xảy ra trong lúc có tiếng Sấm truyền là bãi phân trâu bỗng biến thành hình âm hộ, nhưng lại hơi giống hình trái tim. Mọi người đều không hiểu ý nghĩa của lời Sấm truyền cũng như phải làm gì với hình âm hô. Ông thầy mo giải thích rằng ý của lời Sấm truyền là nên lập một ngôi đền và đặt tên ngôi đền là ‘Phân trâu – Tình - Làm tình’. Đồng thời bãi phân trâu nay đã trở thành hình âm hộ thì được bày ở giữa chánh điện.

Mọi người đành làm theo lời ông thầy mo mặc dù đều cảm thấy có một điều gì không bình thường. Cứ vào mỗi cuối tuần, mọi người cùng đến ngôi đền ‘Phân trâu – Tình – Làm tình’ để cầu nguyện cho xứ sở của mình. Lạ thay, một vài tháng sau, bệnh tật, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, tệ nạn xã hội cứ dần dần chấm dứt. Từ đấy, ngôi đền ‘Phân trâu – Tình – Làm tình’ trở thành một địa điểm vừa linh thiêng để mọi người đền cầu nguyện, lại vừa là nơi để mọi người tới hội họp, chia sẻ, tổ chức những khoá hội thảo văn hoá, những buổi trình diễn văn nghệ, những bữa cơm gây quỹ giúp người tàn tật, trẻ em mồ côi, vân vân. Và ông thầy mo được mời về để trông nom ngôi đền, và chữa bệnh cho mọi người bằng lá cây.

 

Truyện này của ông nhà văn không được tiếp nhận một cách nồng nhiệt lắm, vì đa số mọi người không thích và không ai hiểu là tại sao lại đi thờ một bãi phân trâu, một vật không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm, tệ hơn nữa là bãi phân trâu lại mang hình âm hộ, mặc dù hơi giống hình trái tim. Chưa đủ, ngôi đền lại mang tên ‘Phân trâu – Tình – Làm tình’. Rất nhiều người có ý kiến là ông nhà văn nên sửa lại tên của ngôi đền và chỉ nên gọi là ngôi đền ‘Tình’, và cũng nên sửa lại hình âm hộ trở thành hình trái tim. Có một số ít người khen ngợi, và một số ít người thì không nói gì. Ông nhà văn cũng không tỏ thái độ gì với những lời chê, khen hay im lặng. Ông chỉ khiêm tốn cảm ơn và giữ lập trường của mình là không thay đổi hai chi tiết trong truyện mà một số đông người không thích.

Sau buổi đọc truyện đó, căn nhà của ông nhà văn đóng cửa im lìm suốt nhiều tháng và không ai nhìn thấy ông nhà văn bận rộn tiếp khách như mọi khi. Một vài người nói ông nhà văn đã quyết định đi tu theo một ông nhà sư nào đó rất giỏi ở tận đâu rất xa. Một số khác lại nói rằng ông vẫn đang sống tại căn nhà của ông nhưng không muốn liên hệ với mọi người vì đang tập trung sáng tác một tác phẩm mới để tham gia một hội nghị văn chương thế giới gì đó. Cũng có người nói rằng thỉnh thoảng họ nhìn thấy một người đàn bà trẻ, đẹp đi vào ngôi nhà của ông nhà văn.

 
Sydney, 10.10.2008
 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021