thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài tường thuật về kỹ nghệ sản xuất bóng

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

PETER CAREY

(1943~)

 

Peter Carey — một trong những cây bút tài ba nhất của Úc châu — sinh năm 1943 tại Bacchus Marsh, Victoria. Ông theo ban khoa học tự nhiên tại Monash University, nhưng sau khi tiếp xúc với các nhà văn Barry Oakley và Morris Lurie, ông lao vào văn chương. Rời Melbourne, ông đi London, và trở lại Sydney, rồi sang cư ngụ tại New York vào cuối những năm 1980, dạy sáng tác văn chương tại New York University.
 
Ông được đánh giá rất cao ngay từ những cuốn tiểu thuyết và những tập truyện ngắn đầu tiên. Bút pháp của ông là một kết hợp độc đáo của những yếu tố hiện thực, huyễn ảo và siêu thực, thể hiện bằng những kỹ thuật mới lạ mang tính hậu hiện đại. Ông yêu thích Franz Kafka, Jorge Luis Borges, và chịu ảnh hưởng bút pháp hiện thực thần kỳ của Gabriel García Márquez. Ông là một trong những nhà văn đoạt nhiều giải thưởng nhất của Úc châu và thế giới, với hai lần đoạt giải Booker Prize, ba lần đoạt giải Miles Franklin Award. Hầu hết những tác phẩm của ông đều được ca ngợi và trao giải thưởng. Trong số đó, nổi tiếng nhất là những cuốn:
 
War Crimes (1979): New South Wales Premier's Literary Award, 1980.
Bliss (1981): Miles Franklin Award 1981, New South Wales Premier's Literary Award 1982, National Book Council Award 1982, AWGIE Award 1985.
Illywhacker (1985): vào chung kết giải Booker Prize 1985, đoạt các giải The Age Book of the Year Award 1985, Ditmar Award for Best Australian Science Fiction Novel 1986, Victorian Premier's Literary Award 1986, National Book Council Award 1986, và được đề cử giải World Fantasy Award for Best Novel 1986.
Oscar and Lucinda (1988): Booker Prize 1988, Miles Franklin Award 1988, được chuyển thành phim vào năm 1997.
The Unusual Life of Tristan Smith (1994): The Age Book of the Year Award 1994.
Jack Maggs (1997): Commonwealth Writers Prize 1998, Miles Franklin Award 1998, The Age Book of the Year Award 1998.
True History of the Kelly Gang (2001): vào chung kết giải Miles Franklin Award 2001, đoạt các giải Booker Prize 2001 và Commonwealth Writers Prize 2001.
My Life as a Fake (2003): vào chung kết giải Miles Franklin Award 2004.
 
Song song với tiểu thuyết và truyện ngắn, ông còn viết và xuất bản nhiều tập tiểu luận, kịch bản điện ảnh, và truyện thiếu nhi.
 

 

 

Minh hoạ: Tranh sơn dầu, “Fenomeno” (1962)
của nữ hoạ sĩ Remedios Varo Uranga (1908-1963).

 

BÀI TƯỜNG THUẬT VỀ KỸ NGHỆ SẢN XUẤT BÓNG

 

1.

 

S., bạn của tôi, đã qua sống ở Mỹ cách đây mười năm, và tôi vẫn còn giữ lá thư hắn viết cho tôi khi hắn vừa đến Mỹ, trong đó hắn mô tả những nhà máy chế tạo bóng đang mọc lên ở miền duyên hải phía tây và những tác động của chúng đến xã hội ấy. “Mày sẽ thấy người ta lang thang quanh các siêu thị lúc 2 giờ khuya. Có những cái hộp to xếp dọc theo các quầy, vài hộp mắc đến năm chục đô-la nhưng hầu hết thì chỉ năm đô-la. Ở đó luôn luôn văng vẳng một thứ nhạc nhẹ lảm nhảm. Nó làm tao tởm còn hơn những cái bóng. Người ta không nhìn nhau. Họ đến để lục lạo những cái hộp, mặc dù những lớp bao bì bên ngoài chẳng hề cho biết bên trong có thứ gì. Tao thực sự chán nản khi nghĩ đến cảnh người ta rời khỏi nhà lúc hai giờ khuya vì họ cần thử thời vận với một cái bóng. Tuần trước tao đang đứng trong một siêu thị gần Topanga thì tao thấy một thằng da đen xé nắp một hộp đựng bóng. Nó bị bắt ngay tức khắc.”

Cách đây mười năm, đó là một lá thư lạ lùng, nhưng nó mô tả chính xác những hình ảnh mà kể từ đó đã trở nên bình thường trên đất nước này. Hôm qua tôi lái xe từ sân bay về phố, chạy ngang qua hết nhà máy chế tạo bóng lại đến nhà máy chế tạo bóng, những toà nhà trơ trơ sáng loáng dưới ánh mặt trời, những bí mật của chúng được những viên cựu cảnh sát với chó bẹc-giê canh giữ.

Các nhà máy chế tạo bóng có những ống khói khổng lồ vươn cao lên bầu trời, phun ra những đám khói nhiều màu sặc sỡ. Trong đám bạn của tôi, vài người có khuynh hướng hoài nghi đã nói rằng thứ khói ấy chẳng dính dự chút nào đến các khâu sản xuất, mà chỉ là một trò gạt gẫm, một loại bằng chứng giả hiệu về những phép lạ công nghệ đang được thực hiện bên trong các nhà máy. Quần chúng bình thường thì tin rằng thứ khói ấy đôi khi chứa đựng những cái bóng mạnh nhất, đó là những cái bóng quá lớn và quá mạnh nên không thể đóng gói được. Một cảnh thường thấy là những bà già đứng hàng giờ bên ngoài các nhà máy ấy, nhìn đăm đăm vào đám khói.

Có một số người nói rằng thứ khói ấy nguy hiểm vì các hoá chất gây ung thư được sử dụng để chế tạo những cái bóng. Một số người khác tranh cãi rằng bóng là một sản phẩm tự nhiên và vì thế nó tinh khiết về hoá tính. Họ chỉ ra những điều lợi ích của thứ khói ấy: những đường nét mang màu sắc đẹp đẽ trong những đám mây nhắc nhở đến niềm hạnh phúc mà người ta thụ hưởng từ một cái bóng được thực hiện hoàn hảo. Có lẽ ý kiến cuối cùng này có phần hợp lý, vì trong những ngày nhiều mây, những khoảng trời trên thành phố của chúng tôi là một cảnh tượng tuyệt vời, đầy những màu xanh lơ và những màu đỏ như ráng pha và những màu lục rực rỡ, tạo nên những đường nét và hình dạng lạ lùng trong những đám mây.

Một số người khác lại nói rằng những đám mây bây giờ chứa đựng vẻ đẹp hãi hùng của ngày tận thế.

 

2.

 

Những cái bóng được đóng gói trong những cái hộp to lớn, sang trọng, có in những mẩu đồ hoạ trừu tượng nhiều màu. Sở Thống Kê tiết lộ rằng mỗi chủ gia đình trung bình tiêu 25 phần trăm lợi tức cho những món hàng đắt tiền này và cái tỷ lệ ấy tăng lên khi lợi tức giảm xuống.

Có những kẻ nói rằng những cái bóng ấy mang điều xấu đến cho con người, chúng hứa hẹn một niềm hạnh phúc bất khả không bao giờ trở thành hiện thực và do đó làm giảm đi những vẻ đẹp thật sự của thiên nhiên và cuộc sống. Nhưng có những kẻ khác tranh cãi rằng những cái bóng từ trước đến nay vốn luôn luôn gắn liền với chúng ta dưới hình thức này hay hình thức khác, và cái bóng được đóng gói thì cần thiết cho sức khoẻ tinh thần trong một xã hội công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, có kết quả khảo cứu cho thấy rằng cái chỉ số tự tử tăng cao ở các nước tiên tiến thì gắn liền với sự phổ cập của những cái bóng và, xét theo thống kê, có mối tương quan trực tiếp giữa mãi số của những cái bóng và chỉ số tự tử. Điều này đã được giải thích bởi những kẻ tin rằng cái bóng chỉ là tấm gương phản chiếu tâm hồn, và rằng người nào nhìn đăm đăm vào một hộp đựng bóng thì người ấy chỉ thấy chính mình, và vẻ đẹp mà anh ta tìm thấy trong đó là vẻ đẹp của chính anh ta, và nỗi tuyệt vọng mà anh ta cảm nghiệm thì được sinh ra từ nghèo nàn của tâm hồn anh ta.

 

3.

 

Trong dịp lễ Giáng Sinh năm ngoái, tôi đã đến thăm mẹ tôi. Bà sống một mình với bầy chó của bà ở một khu phố nghèo. Biết bà dễ mềm lòng trước những cái bóng, tôi đã biếu cho bà vài cái bóng thuộc loại khá đắt tiền, và bà mang chúng vào buồng ngủ để quan sát chúng ở nơi riêng tư khuất ánh sáng.

Bà ở lại trong buồng ngủ quá lâu, khiến tôi cảm thấy lo lắng và gõ lên cánh cửa. Bà bước ra, gần như ngay tức khắc. Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt bà, tôi biết những cái bóng ấy chắc hẳn không phải là những cái bóng tốt.

“Con xin lỗi,” tôi nói, nhưng bà nhanh nhẹn hôn tôi và bắt đầu kể cho tôi nghe về một người hàng xóm đã trúng số lottery.

Chính tôi cũng biết, biết quá rõ, những nỗi thất vọng về các hộp bóng, vì tôi cũng dễ ngả lòng theo chiều hướng ấy. Đối với tôi, đó là một thứ bí mật tội lỗi, một thứ gì đó mà những người bạn khôn ngoan của tôi không chấp nhận được.

Tôi gặp J. trên đường phố. Nàng dạy ở trường đại học.

“À há,” nàng nói với vẻ sành sỏi, gõ tay vào cái hộp to tướng mà tôi đã giấu dưới áo choàng của tôi. Tôi biết nàng sẽ lấy cái phát hiện này để làm vốn, chế nó thành một mẩu chuyện đàm tiếu để dùng trong những bữa dạ tiệc mà nàng rất yêu thích. Thế nhưng tôi nghi ngờ rằng nàng cũng dễ mềm lòng trước những cái bóng. Cách đây vài năm, nàng đã thú nhận điều ấy với tôi trong thời gian giữa chúng tôi có một sự ngộ nhận lạ lùng mà cho đến bây giờ nàng vẫn thích gọi đó là “Chuyện Chúng Mình”. Chính nàng là người đã ám chỉ đến cái cảm giác về sự trống rỗng, về nỗi tuyệt vọng ghê gớm khi ta không nắm bắt được cái bóng.

 

4.

 

Cha tôi đã bỏ nhà ra đi vì ông nhìn thấy một điều gì trong một cái hộp đựng những cái bóng. Đó cũng không phải là một cái hộp đắt tiền, mà hoàn toàn ngược lại — chỉ là một món quà nhỏ bé bất ngờ mà mẹ tôi đã mua bằng số tiền thừa ra từ khoản chi phí nội trợ. Ông đã mở hộp sau bữa ăn tối trong một đêm thứ Sáu, và ông đã ra đi trước khi tôi xuống dưới nhà để ăn điểm tâm vào sáng thứ Bảy. Ông để lại một mẩu giấy mà mẹ tôi chỉ mới cho tôi đọc gần đây. Cha tôi không giỏi chữ nghĩa và gặp khó khăn khi muốn truyền đạt những gì ông cảm nhận: “Chữ Không Thể Diễn Tả Nó Cái Gì Mà Tôi Cảm Thấy Bởi Vì Những Cái Mà Tôi Thấy Trong Cái Hộp Đựng Những Cái Bóng Bà Mua Cho Tôi.”

 

5.

 

Cảm tưởng của tôi về những cái bóng thì thật là hàm hỗn — ít nhất cũng phải nói như thế. Vì ngay trong bài tường thuật này tôi đã chế tạo thêm một cái bóng nữa: chập chờn, bất toàn, mang ẩn ý về những vẻ đẹp lớn hơn và những bí mật sâu thẳm hơn — mà những điều ấy lại hiện hữu ở đâu đó trước sự khởi đầu và ở đâu đó sau sự kết thúc.

 

 

--------
Dịch từ nguyên tác tiếng Anh, “Report On The Shadow Industry”, trong Peter Carey, Collected Stories (St Lucia, Queensland: University of Queensland Press, 1994).

 

 

Những tác phẩm của Peter Carey đã xuất hiện trên Tiền Vệ:

Nói chuyện với kỳ lân  (truyện / tuỳ bút) 
Đám kỳ lân vẫn không hiểu. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với họ nhưng khó làm cho họ hiểu quá. Họ khăng khăng cho là tôi đến chỉ để lấy xác của một người trong bọn họ, nhưng cùng lúc, họ vạch ra rằng không còn xác nào cả vì một người đàn ông khác đã đến lấy đi trước tôi rồi... [Bản dịch của Phạm Vũ Thịnh] (...)
 
Những giấc mơ Hoa Kỳ  (truyện / tuỳ bút) 
... Chúng tôi mơ những chiếc xe hơi to lớn, chạy êm xuôi len lỏi qua các đường phố sáng trưng ánh đèn; chúng tôi vào những hộp đêm sang trọng, nhảy nhót cho đến sáng; chúng tôi làm tình với đàn bà đẹp như Kim Novak và đàn ông đẹp như Rock Hudson... [Phạm Vũ Thịnh giới thiệu và dịch] (...)
 
Truyện ngắn của Peter Carey (1943~) — một trong những cây bút tài ba nhất của Úc châu. “Bút pháp của ông là một kết hợp độc đáo của những yếu tố hiện thực, huyễn ảo và siêu thực, thể hiện bằng những kỹ thuật mới lạ mang tính hậu hiện đại...” [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021