thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một chuyện vắn tắt về những cuốn sách đã làm nên tôi

 

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

 

RAYMOND FEDERMAN

(1928~)

 

Raymond Federman — nhà văn, nhà thơ, luận giả, dịch giả — sinh tại Pháp năm 1928, sống tại Mỹ từ năm 1947. Sau khi phục vị trong quân đội Mỹ tại Đại Hàn và Nhật (1951-1954), ông theo học tại Columbia University, đậu cử nhân văn chương hạng tối ưu năm 1957, và sau đó đậu thạc sĩ văn chương năm 1958 và tiến sĩ văn chương năm 1963 tại U.C.L.A. với luận án về Samiel Beckett. Từ đó, ông giảng dạy văn chương Pháp và Anh tại University of California at Santa Barbara và tại SUNY-Buffalo. Sau khi giữ chức trưởng khoa văn chương (Melodia E. Jones Chair of Literature) tại SUNY-Buffalo, ông về hưu với tước hiệu Distinguished Emeritus Professor (năm 2000).
 
Raymond Federman đã xuất bản mười cuốn tiểu thuyết: Double or Nothing (1971, đoạt các giải “Frances Steloff Fiction Prize” và “The Panache Experimental Fiction Prize”); Amer Eldorado (viết bằng tiếng Pháp, 1974, được đề cử giải “Médicis”); Take It or Leave It (1976); The Voice in the Closet (1979); The Twofold Vibration (1982); Smiles on Washington Square (1985, đoạt giải “The American Book Award” của tổ chức The Before Columbus Foundation); To Whom It May Concern (1990); La Fourrure de ma Tante Rachel (viết bằng tiếng Pháp, 1997); Loose Shoes (2001); và Aunt Rachel's Fur (2001); năm tập thơ: Among the Beasts (1967); Me Too (1975); Duel-Duel (1990); Now Then (1992), 99 Hand-Written Poems (2001); bốn cuốn sách phê bình về Samuel Beckett; ba tập tiểu luận; rất nhiều dịch phẩm và một số kịch bản.
 
Tác phẩm của ông đã được dịch ra gần 20 ngôn ngữ trên thế giới, và được đăng tải trên vô số tập san văn học ở Mỹ và các nước khác. Nhiều nhà phê bình và nghiên cứu đã viết về Raymond Federman, đặc biệt là cuốn sách dày 400 trang, Federman From A to X-X-X-X,của Larry McCaffery, Doug Rice và Thomas Hartl (San Diego State University Press, 1998), và số đặc biệt dành riêng cho ông, dày 500 trang, của tạp chí The Journal of Experimental Fiction (2002).
 
Federman là một khuôn mặt quan trọng của văn chương hậu hiện đại.

 

________

 

 

MỘT CHUYỆN VẮN TẮT

VỀ NHỮNG CUỐN SÁCH ĐÃ LÀM NÊN TÔI

 

Khi tôi lên 11 tuổi, tôi nằm trùm chăn trên giường đọc tất cả sách của Jules Verne với một cây đèn pin nhỏ.Tôi muốn trở thành Michel Strogoff. Tôi tự nhủ, ta cũng thế, một ngày kia ta sẽ được sống những cuộc phiêu lưu lớn, và ta sẽ viết những cuốn tiểu thuyết như tiểu thuyết của Jules Verne. Khi tôi lên 13 tuổi, trốn trong một cái kho thóc, tôi đọc hết những cuốn Fantomas. Tôi muốn được giống như ông ta. Tôi muốn mang một cái mặt nạ. Tôi tự nhủ, một ngày kia ta sẽ phát minh ra một dạ khách sát thủ như Fantomas và cho hắn vào một cuốn tiểu thuyết. Tuổi 15, sách là cuốn Le bossu ou le petit parisien. Tôi muốn làm một chàng ngự lâm quân và phát minh ra la botte de Moinous. Tôi muốn đi ngược lại thời gian và sống cùng thời với Cyrano de Bergerac. Nhưng là cái anh chàng có thật. Tôi tự nhủ, khi nào đến lúc ta sẽ viết như Paul Féval và sách của ta sẽ được đưa lên phim. Tuổi 16 tôi thử đọc Marquis de Sade. Tôi muốn biết lạc thú thật sự nó ra làm sao. Tôi tự bồi dưỡng bằng cách tự mình cho mình hưởng lạc thú một mình. Tôi tự nhủ, một ngày kia có người sẽ bảo là tôi cũng viết sách khiêu dâm như Sade, và tôi sẽ bị tống vào nhà giam. Khi tôi lên 17, tôi đọc cùng lúc J’irai cracher sur vos tombes của Vernon Sullivan, và La Nausée của Jean-Paul Sartre. Tôi tưởng tượng tôi là một anh chàng Đen da trắng hơn là một anh theo chủ nghĩa Hiện sinh. Tôi tự nhủ, một ngày kia tôi sẽ qua Mỹ, và ở đấy tôi sẽ viết những cuốn tiểu thuyết như tiểu thuyết của Vernon Sullivan, chứ không phải như tiểu thuyết của Sartre. Sartre suy nghĩ nhiều quá, tôi tự nhủ. Ông ta làm tôi chán. Tuổi 19, tôi đọc cuốn tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Anh. Cuốn Dangling Man của Saul Bellow. Tôi không muốn giống như anh chàng thảm thương kia trong tiểu thuyết không khi nào quyết định được chuyện gì. Tôi thì tôi muốn đút đầu nhảy cỡn vào cái mớ xà ngầu xà túi kia. Tôi tự nhủ, một ngày kia tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết trong đó chúng nó đều là những thằng đút đầu nhảy cỡn vào cái mớ xà ngầu xà túi kia, chứ không phải là một cuốn tiểu thuyết gây chán nản. Tuổi 20, tôi đọc phần lớn là thơ Pháp. Villon Ronsard du Bellay Malherbe La Fontaine Racine Lamartine Vigny Chenier Musset Hugo than ôi! Nerval Gautier Baudelaire Verlaine Rimbaud ah Rimbaud! Mallarmé Lautréamont Corbière Appolinaire Reverdy Péguy và vài người khác và Valéry. Tôi dừng ở Valéry bởi ông là nhà thơ cuối cùng trong tập tuyển thơ ca Pháp mà tôi lấy ra khỏi thư viện công cộng ở Detroit là nơi thời ấy tôi đang làm việc trong nhà máy. Tôi nhận ra làm thơ quá dễ. Toàn công việc cân làm là viết thẳng hàng các câu thơ lên giấy hết câu này qua câu kia nhưng phải cầm chắc là viết hoa chữ đầu tiên của từ đầu tiên của mỗi dòng. Trừ phi là bạn viết như Rimbaud. Tôi tự nhủ, nếu một ngày kia tôi quyết định làm một nhà thơ, tôi sẽ viết Di chúc của tôi như Villon, hay Season in Hell của tôi như Rimbaud. Cũng như cái tập tuyển tôi lấy ra khỏi thư viện kia tôi đã khám phá thơ của Walt Whitman, và tôi tự nhủ, nếu tôi trở thành một nhà thơ viết tiếng Anh, tôi sẽ viết kiểu Walt Whitman. Tuổi 22, tôi chỉ đọc tiểu thuyết chiến tranh. Đặc biệt những cuốn truyện về Thế chiến thứ hai, Tôi tiếc là bấy giờ tôi còn quá trẻ nên không đi chiến đấu trong cuộc chiến ấy, và do đó không hưởng được cái chết vinh quang như Mathieu trong La mort dans l’âme, ở trên đỉnh tháp chuông một giáo đường. Tôi tự nhủ, tôi cũng thế một ngày kia tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết chiến tranh, và trong đó sẽ có những anh lính nhảy dù. Tuổi 23, là Kafka. Toàn bộ sách Kafka. Tôi không coi mình là Gregor Samsa, nhưng tôi rất thích nhìn thấy bộ mặt của ông bố của Gregor khi ông ta nhìn thấy con trai mình biến thành một con bọ khổng lồ. Tôi tự nhủ, ông Kafka này chì thật. Tôi tự hỏi không biết ổng có cười to khi viết truyện không. Và tôi tự nhủ, tôi cũng thế một ngày kia tôi cũng sẽ viết một cuốn truyện khôi hài. Ở tuổi 23½, là khám phá lớn. Cuốn La chartreuse de Parme của Stendhal. Trong tất cả những cuốn tiểu thuyết tôi đã đọc tính đến lúc ấy, Les Liaisons dangereuses của Laclos từng là cuốn đứng hạng nhất. Stendhal tức thời chuyển lên hạng nhất. Tôi tự nhủ , tôi cũng thế một ngày kia tôi cũng sẽ viết một chuyện tình lớn trong đó những người tình có lẽ sẽ không bao giờ gặp nhau. Tuổi 24, tôi đọc tất cả Dostoevsky. Lần này, The Brothers Karamazov đưa La chartreuse de Parme xuống hạng nhì. Trừ mỗi chuyện là sinh nhật tôi năm ấy cô bạn gái tôi cho tôi cuốn L’éducation sentimentale của Flaubert. Tôi không thấy khó khăn gì khi đặt L’éducation lên hạng nhì trong danh sách của tôi. Nhưng tất nhiên là tôi chưa đọc Proust. Tôi tự nhủ, trước khi chết tôi muốn mình đã có viết một cuốn sách lạnh lùng và say đắm như L’éducation. Tuổi 25, tôi tiêu hoá trọn hết Rabelais. Lập tức tôi hiểu rằng Gargantua và Pantagruel là Ubermensch,[*] và thời ấy tôi còn chưa đọc Nietzsche nữa. Tôi tự nhủ, một ngày kia tôi cũng thế tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết tục tĩu trong đó các nhân vật sẽ to hơn sự thật ngoài đời. Tuổi 26, rốt cuộc tôi dám đọc Montaigne. Những luận văn của ông làm tôi hoảng. Tôi đọc hết. Mỗi lần tôi cần phải làm cho đầu óc tỉnh táo, chính Montaigne là người tôi thăm viếng. Tôi tự nhủ, nếu như sau này tôi thấy cần thiết phải thuổng một chút văn, thì tôi sẽ lấy từ những bài Essays của Montaigne. Tuổi 27, lần đầu tiên tôi đọc Shakespeare. Lập tức tôi coi mình là Hamlet. Thế nhưng chết thì tôi lại muốn chết như King Lear, nếu như tôi phải chết, nghĩa là vừa chết vừa thì thầm không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ. Tôi tự nhủ, không thể nào có thể viết hay hơn thế. Không thể nào đi xa hơn. Và thế là tôi nghi có lẽ tôi sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn được. Tuổi 27½, tôi đọc A Portrait of the Artist as a Young Man. Stephen Dedalus làm tôi bực cả mình. Tôi thấy tình trạng là quá táo bón. Thế tuy nhiên tôi vẫn muốn viết như Joyce. Và đối với Molly Bloom tôi quả có chút cảm tình. Đặc biệt khi Joyce cho ta nghe những gì nàng tự nói với mình trong đầu. Tôi tự nhủ, nếu như một ngày kia tôi kể câu chuyện ở cái trại mà tôi từng phải chịu khổ cùng mình trong thời chiến tranh, tôi sẽ đặt tên nó là A Portrait of the Artist as a Young Man Knee-D ep in Shit, và trong đó sẽ có cả đống những chuyện cứt ỉa và dâm ô. Tuổi 28, tôi lạc vào The Divine Comedy. Tôi đọc sách qua bản dịch. Cũng không sao. Cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng lớn lao viết bằng thơ này đã đẩy ra khỏi vị trí La chartreuse de ParmeL’éducation sentimentale trên danh sách tôi ghi những cuốn tiểu thuyết lớn nhất. Nhưng thứ hạng không cố định. Tôi tự nhủ, khi nào tới lúc tôi cũng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Có thể là về những người bị đày lên những khu di dân trong không gian. Tuổi 29, là Céline. Trọn gói Céline. Có thời gian tôi nghĩ mình là Bardamu. Dù sao, ông ta cũng từng vượt Đại tây dương, ông cũng từng đi ỉa trong những nhà xí công cộng ở New York, ông cũng từng làm việc trong một nhà máy ở Detroit. Ông cũng từng chu du mãi tận cùng đêm tối.[**] Tôi tự nhủ, cái thằng con hoang ấy ghét dân Do-thái – vâng tôi cũng có đọc những tập sách mỏng ông ta viết chống dân Do-thái – nhưng mẹ kiếp ông ta viết quá hay. Tôi phải học cách viết như thế. Tuổi 30, tôi đã đọc hầu hết văn học Pháp để làm luận án tiến sĩ của tôi. Từ thời Trung cổ cho đến nay. Và tôi đã quyết định viết luận văn của mình về Diderot. Tôi thấy dường như tôi suy nghĩ, nói năng, và hành động giống như Jacques le fataliste. Thế nhưng một ngày nọ Godot đi vào cuộc đời tôi. Beckett đã thay thế Diderot trong bài luận văn của tôi. Cái đêm Godot bước vào ngữ vựng của tôi, tôi tự nhủ, một ngày kia tôi sẽ viết một cuốn sách về Thomas Beckett. Vâng, đó chính là điều tôi đã ghi trong cuốn sổ nhỏ màu đen của tôi sau khi tôi xem vở Waiting for Godot. Bấy giờ là ở New York. Tôi nói với Beckett về cái điều tôi đã ghi lại, và ông bảo tôi, Raymond, bạn không thể nghĩ ra được bao nhiêu lần rồi người ta gọi tôi là Thomas. Tuổi 31, rốt cuộc tôi đọc Proust. Toàn bộ La Recherche du Temps Perdu. Tôi mất sáu tháng để đọc cuốn này. Tôi muốn được là ông Swann. Và tôi mê bà Swann. Tôi tự nhủ, làm sao người ta học được cách viết những câu như những câu của Proust. Những câu kiến trúc thật đẹp. Tôi tuyệt vọng không sao có thể viết xong được một câu. Thế mà người ta thường bảo tôi là câu văn tôi không bao giờ dứt. Cũng như sách của tôi. Okay, tôi không thể viết ra hết một danh sách dài tất cả các tiểu thuyết gia và nhà thơ tôi đã đọc, tất cả những nhà văn lớn mà ta cần đọc nếu như ta táo bạo đủ để có thể muốn chính mình trở thành tiểu thuyết gia hay nhà thơ. Không cần phải viết ra danh sách ấy. Các bạn đã đọc rồi. Không có những cuốn sách ấy bạn không thể nào viết những gì bạn đang viết ngày hôm nay. Trước khi tôi bắt đầu viết, tôi muốn nói là viết cuốn sách đầu tiên của tôi, cuốn sách đầu tiên đáng kể, suốt thời gian đọc sách tôi tự nhủ, tôi muốn viết là viết như nhà văn này này. Tôi không thể quyết định tôi muốn viết sách của mình như thế nào. Một ngày nọ tôi bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết, cuốn tiểu thuyết đầu tiên đáng kể, và chính cuốn tiểu thuyết ấy đã cho tôi biết tôi phải viết nó như thế nào. Tôi phải quên tất cả những cuốn sách tôi đã đọc để có thể viết cuốn tiểu thuyết ấy. Tôi Ċã phải tự mình viết, chính tôi, chứ không phải những người khác.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Siêu nhân – như trong Thus Spake Zarathustra của Nietzsche.

[**]Ám chỉ Le voyage au bout de la nuit của Louis-Ferdinand Céline.

 

---------------------------
“Một chuyện vắn tắt về những cuốn sách đã làm nên tôi” dịch từ bản tiếng Anh “A Short History of the Books That Made Me” – trên FEDERMAN’S BLOG [the laugh that laughs at the laugh…] ngày 19/9/2005.
 

Mời độc giả bấm vào đây để đọc tất cả những tác phẩm của Federman trên Tiền Vệ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021