thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dies Irae [Ngày thịnh nộ]

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

CLARICE LISPECTOR

(1925-1977)

 

Clarice Lispector, nhà văn chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết, là một trong những khuôn mặt quan trọng nhất trong văn chương Ba-tây thế kỷ 20. Ngược lại với đa số nhà văn Ba-tây đương thời, nhãn quan nghệ thuật của bà vượt qua những giới hạn thời gian và địa lý; các trạng huống và nhân vật trong truyện của bà không phản ảnh hiện thực đời sống Ba-tây, mà mang tính hoàn vũ: đó là những gì mà con người ở mọi thời và mọi nơi trên trái đất có thể bắt gặp và cảm nhận — những gì ở đâu đó bên trong mỗi chúng ta.
 
Tiểu thuyết đầu tay của bà, Perto do Coração Selvagem (“Bên trái tim man dại”, 1944) được xuất bản lúc bà mới 19 tuổi, và được giới phê bình khen ngợi về tài diễn đạt tinh tế những khía cạnh đời sống phức tạp của tuổi dậy thì. Những tác phẩm sau đó, như A Maçã no Escuro (Trái táo trong bóng tối”, 1961), A Paixão Segundo G.H. (“Niềm đam mê qua nhãn giới của G.H.”, 1964), Água Viva (“Dòng nước sinh động”, 1973), đều đào xới tâm cảm của những con người lạc lõng, tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, rồi gặp lại chính mình và chấp nhận tồn tại trong một thế giới mãi mãi lạ lùng.
 
Văn tài của Lispector biểu lộ rõ nét nhất qua những truyện ngắn. Những tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của bà là Laços de Família (“Những ràng buộc gia đình”, 1960), A Legião Estrangeira (“Đạo quân xa lạ”, 1964), A Via Crucis do Corpo (“Những trạm thể xác”, 1974) và Onde Estivestes de Noite (“Nơi có anh trong đêm tối”, 1974).
 
Dưới đây là một tuỳ bút trong cuốn A Descoberta do Mundo (“Khám phá thế giới”, 1984; bản Anh ngữ mang nhan đề Selected Crônicas, do Giovanni Pontiero dịch, nhà xuất bản A New Directions Book ấn hành tại New York năm 1996).

 

___________________

 

DIES IRAE

 

Tôi thức giấc trong một cơn giận dữ. Tôi hoàn toàn bất mãn với thế giới này. Hầu hết mọi người chết đi mà không biết mình chết, hoặc họ sống như những kẻ giả dối. Và thay vì trao tặng, thì tình yêu lại đòi hỏi. Những người bày tỏ lòng yêu mến với chúng ta thì ít nhất lại mong đợi chúng ta làm cho họ thoả mãn một số nhu cầu nào đó. Nói dối thì mang đến sự ân hận. Và không nói dối thì lại là một món quà mà thế giới này không đáng hưởng. Và tôi thậm chí không có khả năng đập nát những đồ sành sứ như cô bé bị bán thân bất toại khi cô ấy muốn trả thù. Tôi không bị bán thân bất toại. Mặc dù một điều gì trong tận thâm tâm cho tôi biết rằng tất cả chúng ta đều bị bán thân bất toại. Và chúng ta chết đi mà không nhận được một lời giải thích nào cả. Và tệ hại hơn cả — chúng ta sống mà không nhận được một lời giải thích nào cả. Và thuê người giúp việc, những kẻ mà chúng ta cũng có thể gọi là những người đầy tớ, là một hành vi xúc phạm nhân tính. Và sự bị bắt buộc phải xuất hiện như một người tươm tất đẹp đẽ khiến tôi bực dọc. Tại sao tôi không thể đi ra ngoài với áo quần rách rưới như những người đàn ông thỉnh thoảng tôi thấy trên đường phố với những bộ râu dài đến ngực và một cuốn thánh kinh trong bàn tay, những ông thánh sống ấy, những kẻ đã chuyển hoá sự điên rồ thành một phương tiện của tri thức ấy? Và chỉ vì tôi đã viết lách chút ít, tại sao người ta giả định rằng tôi phải tiếp tục làm một nhà văn? Tôi cảnh cáo các con tôi rằng tôi đã thức giấc trong một cơn giận dữ và đã khuyên chúng cứ để mặc tôi. Nhưng tôi lại không ở trong tâm trạng để mặc cho mọi thứ ra sao cũng được. Tôi muốn làm một điều gì đó một lần cuối cùng để phá đứt cái dây gân căng thẳng đang mang chở trái tim tôi. Và còn những kẻ bỏ cuộc thì sao? Tôi biết một người đàn bà, kẻ đã bỏ cuộc. Và bà ấy có vẻ hài lòng: cách bà ấy đương đầu với cuộc sống là giữ cho mình luôn bận rộn với công việc. Nhưng không công việc nào khiến bà ấy thoả mãn. Và chưa từng có công việc nào tôi thực hiện khiến tôi cảm thấy thoả mãn. Bất cứ điều gì tôi thực hiện với lòng yêu thương đều kết thúc bằng những đổ vỡ. Tôi thậm chí không biết cách yêu thương, ngay cả không biết yêu thương là thế nào. Và bây giờ họ dành riêng một Ngày cho Những Người Mù Chữ. Tôi chỉ đọc cái nhan đề và từ chối đọc bản tin. Tôi từ chối đọc bản tin thời sự thế giới, vì chỉ những cái nhan đề thôi cũng đủ làm tôi sôi máu. Lúc nào cũng có một cuộc tưởng niệm nào đó, cứ mỗi năm phút lại có một trận đánh nhau vì một cuộc chiến tranh nào đó. Cả một thế giới của những con người bán thân bất toại. Và mọi người đều chờ đợi trong vô vọng để thấy một phép lạ xảy ra. Và những kẻ không chờ đợi phép lạ thì thậm chí đang lâm vào một trạng huống tệ hại hơn và đành phải bắt đầu đập nát các đồ sành sứ. Và các giáo đường thì chứa đầy những kẻ sợ cơn thịnh nộ của Thượng Đế. Và chứa đầy những kẻ cầu xin ơn phước, tức là cầu xin điều ngược lại của cơn thịnh nộ.

Không, không, tôi không thương cảm cho những người chết đói. Điều tôi cảm thấy là một sự giận dữ. Và tôi chẳng thấy có gì nguy hại khi người ta trộm cắp vì miếng ăn. — Bài viết của tôi vừa bị gián đoạn vì một cú điện thoại từ một cô gái tên là Teresa, cô ấy lấy làm khoái trá khi tôi nhớ chính xác cô ấy là ai. Tôi nhớ cô ấy là một người lạ mặt vẫn thường đến thăm tôi trong bệnh viện nơi tôi nằm gần ba tháng vì bị phỏng trong một cuộc hoả hoạn. Cô thường ngồi bên cạnh giường tôi, nói vài ba câu, hay chẳng nói năng gì cả. Rồi thình lình ra về. Và bây giờ cô vừa gọi điện thoại để thẳng thắn góp ý với tôi: rằng tôi không nên viết những cột báo hay bất cứ thứ gì cho các tờ nhật báo. Rằng chẳng phải một mình cô đang hy vọng tôi sẽ từ bỏ cột báo hàng tuần dù tôi được trả tiền nhiều đến thế nào chăng nữa. Rằng có nhiều người đang mua những cuốn sách của tôi với hy vọng tìm thấy những đề tài tương tự như tôi đã viết trên nhật báo. Tôi cứ luôn miệng nói “vâng” vì tôi thích câu trả lời là “vâng”, và cũng vì một phần tôi muốn chứng tỏ với Teresa rằng tôi không bị bán thân bất toại mà vẫn còn có khả năng nói “vâng”.

Vâng, lạy Chúa. Có khả năng nói “vâng”. Tuy nhiên ngay khoảnh khắc ấy có một điều gì lạ lùng xảy ra. Tôi đang viết trong buổi sáng thì thình lình bầu trời tối sầm đến nỗi tôi phải bật đèn lên. Rồi điện thoại reng thêm một lần nữa: một cú gọi từ một người bạn đang hoảng hốt muốn biết bầu trời nơi tôi ở có phải cũng tối sầm hay không. Vâng, tối như đêm đen vào lúc mười giờ sáng. Đây là cơn thịnh nộ của Thượng Đế. Và nếu sự tối tăm này chuyển thành mưa, thì xin trận hồng thuỷ hãy trở lại mà không có con tàu của Noah. Bởi vì chúng ta đã thất bại, không xây dựng được một thế giới xứng đáng để sống, và vì chúng ta đã nhuốm chứng bệnh tê liệt, chúng ta không biết làm sao để sống. Bởi vì nếu trận hồng thuỷ không trở lại, thì Sodom và Gomorrah sẽ trở lại để giải quyết vấn đề. Tại sao lại cho phép mỗi loài sinh vật được một cặp trống mái bước lên con tàu của Noah? Tối thiểu thì những cặp con người đã chẳng sản xuất gì cả ngoài trẻ con, chứ không phải sản xuất cái cuộc sống phi-hiện-hữu kia, cái cuộc sống đã làm tôi thức giấc trong một cơn giận dữ.

Teresa, khi cô đến thăm tôi trong bệnh viện, cô đã thấy tôi bị quấn băng khắp thân thể và phải nằm bất động. Hôm nay nếu cô đến đây cô sẽ thấy tôi còn bất động hơn nữa. Hôm nay tôi bị bại liệt và câm. Và nếu tôi cố gắng nói, thì tất cả những gì thốt ra chỉ là một tiếng gầm gừ đau đớn. Vậy đó không phải chỉ là sự giận dữ? Không, trong đó còn có một nỗi buồn.

 

 

-----------------
Dịch theo bản Anh văn: “Dies Irae”, trong Clarice Lispector, Selected Crônicas, trans. Giovanni Pontiero, (New York: New Directions Books, 1996) 7-8..

 

Những tác phẩm khác của Clarice Lispector qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn:

 
Theo dõi thế giới  (truyện / tuỳ bút) 
... Bạn hẳn phải thắc mắc tại sao tôi theo dõi thế giới. Tôi đã được sinh ra cho sứ mệnh này. Và tôi chịu trách nhiệm về mọi điều trong cõi tồn sinh, ngay cả về những cuộc chiến tranh và những tội ác gây nên bao đau đớn cho thể xác và tinh thần con người. Tôi chịu trách nhiệm cả về Thượng Đế... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Đó là nơi tôi đang tới  (truyện / tuỳ bút) 
Bên ngoài tầm tai nghe là một âm thanh, tại điểm tận cùng của nhãn giới là một hình dáng, ở đầu ngón tay là một vật thể – và đó là nơi tôi đang tới... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cảm hứng  (truyện / tuỳ bút) 
Ngực to, hông nở, đôi mắt trong, nâu, và mơ mộng. Thỉnh thoảng nàng có thể đột nhiên khóc nức nở. Nói quá nhanh đến mức ít khi có ai nghe rõ, nàng vui vẻ thú nhận, với một chút bồng bột: “Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn. Tôi có quá... quá... ít điều để nói.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những sợi tơ nhện  (truyện / tuỳ bút) 
... Chẳng có thiên tài chút nào, thì liệu tôi bắt được bao nhiêu điều khải thị, bao nhiêu phân tử bay trong không gian! Và con nhện khổng lồ ấy ẩn nấp trong căn buồng của ý thức tôi. Chao ôi, tuyệt vời biết mấy, cuộc sống với những mạng nhện giăng bẫy của nó... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
— Viết văn có làm cho nỗi thống khổ của cuộc sống dễ chịu đựng hơn không? / — Có, tất nhiên. Thực hành nghề nghiệp của mình, nếu bạn yêu thích nó, thì thật là một diễm phúc. Nếu không, nó chỉ là địa ngục. / — Thượng Đế là ai? / — Đôi khi là tất cả mọi người. Luôn luôn chẳng là gì cả... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tôi nằm chiêm bao thấy một con cá cởi quần áo và sống trần truồng mãi như thế. | Trong lúc họ rút những sợi chỉ khâu từ bàn tay tôi sau khi họ đã hoàn tất cuộc giải phẫu giữa các ngón tay, tôi gào lên... | Một con mèo kêu gào suốt đêm, dai dẳng đến mức đã lâu lắm rồi tôi mới cảm thấy một nỗi thương tâm đến thế cho cuộc sống... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Con đường thập giá  (truyện / tuỳ bút) 
Trên đường đi bộ về nhà, nàng mua một chiếc áo choàng tí hon cho đứa bé. Màu xanh, vì nàng chắc chắn nó sẽ là con trai. Nàng sẽ đặt tên gì cho cậu bé? Chỉ có một cái tên nàng có thể đặt cho nó: Jesus... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Năm truyện cực ngắn  (truyện / tuỳ bút) 
Hình tướng của tôi đánh lừa tôi. | Tất cả những cuộc thăm viếng tôi đã đón nhận trong đời tôi đều giống nhau: họ đến, ngồi xuống, và không nói gì cả... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Năm ý tưởng về việc viết  (tiểu luận / nhận định) 
... viết là kéo dài thời gian, là tách thời gian ra thành từng vi phân của mỗi giây đồng hồ và ban cho mỗi vi phân một đời sống không thể thay thế... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Sống như nhiên  (truyện / tuỳ bút) 
Vì thế, nàng, kẻ biết rằng mọi sự rồi sẽ chấm dứt, nắm lấy bàn tay tự do của người đàn ông trong đôi bàn tay của nàng, và nàng ngọt ngào cháy, cháy và bừng lên sáng rực... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Nhà lãnh đạo  (truyện / tuỳ bút) 
Nhà lãnh đạo bị khủng bố trong giấc ngủ. Có phải nhân dân đang đe doạ nhà lãnh đạo của họ không? Không, bởi nhà lãnh đạo chăm sóc cho nhân dân. Có phải nhân dân đang đe doạ nhà lãnh đạo của họ không?... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những bước chân  (truyện / tuỳ bút) 
Khi bà nghe nhạc của Liszt, bà run rẩy từ đầu đến ngón chân. Bà đã từng xinh đẹp hồi còn trẻ. Và đã choáng váng khi hít mùi hoa hồng sâu vào lồng ngực... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021