thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái tận cùng

 

Có một gã tôi mới quen, cứ đợi ngà ngà say là nổ vang trời. Những lúc như vậy, tôi nghe cũng chỉ cười ruồi mà chẳng chấp trách gì. Nhưng có một lần, vì bực bội, tôi buột miệng hỏi gã vài câu. Tưởng mình có thể bắt bí được gã, ngờ đâu gã đã trả lời vanh vách khiến tôi kinh ngạc. Từ đó, tôi nhìn gã với con mắt khác...

Nhà thông thái — tôi bắt đầu gọi gã như vậy — đã trở nên rất quan trọng với tôi. Không lần gặp gỡ nào sau đó mà tôi không chuẩn bị vài câu hỏi khó để đem ra hỏi gã. Và gã cũng chưa bao giờ làm tôi thất vọng, còn tôi thì chẳng khi nào thiếu câu hỏi. Gã đâu biết rằng tôi là một kẻ tò mò bẩm sinh...

 

*

 

Lúc nhỏ, tôi hay lẽo đẽo theo chân người lớn và hỏi huyên thuyên như một cái máy. Nhưng mẹ tôi lại thường khen đó là “cái tánh tò mò dễ thương”, bởi gặp cái gì tôi cũng hỏi, hỏi đến tận cùng mới thôi. Cha tôi hay anh trai tôi thường nổi cáu chỉ sau câu hỏi thứ ba, chỉ có mẹ là luôn chiều tôi đến cùng...

Tính tò mò đã ăn sâu vào xương cốt, không còn cách nào gỡ ra được nữa. Khi đi học, cô giáo thường bối rối trước những câu hỏi liên tiếp mà tôi nêu ra. Vì vậy, ít khi tôi bị gọi lên bảng trong các giờ học. Hàng xóm cũng ngán ngại mỗi khi tôi xuất hiện; đặc biệt là những người lớn, họ hay lấy làm khó chịu mỗi khi không thể trả lời được những câu hỏi mà tôi đặt ra. Lâu dần, mọi người đều cố né tránh không muốn tiếp xúc với tôi nữa. Từ đó, tôi trở nên trầm tư với những câu hỏi của mình. Thỉnh thoảng, tôi mang chúng ra một nơi vắng vẻ nào đó để gạ lên những cục gạch hay hạch sách mấy bụi tre.

Vì vậy nên có nhiều câu hỏi tôi muốn hỏi mà chưa bao giờ có cơ hội. Và chúng theo tôi đến lúc lớn khôn...

Tôi lớn lên, cao to hơn, cằm bạnh ra, râu mọc dày, nhưng cái bản tính thì chẳng suy suyển chút nào. Những câu hỏi của tôi càng ngày càng hóc búa và danh sách của chúng đã dài dằng dặc. Tôi chép chúng lại đầy cả một cuốn sổ lớn. Những buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi thường mang cuốn sổ ra đọc và sửa lại những câu chưa vừa ý. Càng ngày, nó càng trở nên một thú tiêu khiển mà tôi vô cùng yêu thích.

Mỗi khi đọc lại một câu hỏi cũ, một ký ức nào đó lại trỗi dậy, gây xáo động tâm hồn tôi mãnh liệt. Bóng dáng mẹ tôi lại hiện lên như khi tôi còn nhỏ. Ba tôi với điếu thuốc rê luôn ngậm trên môi. Anh tôi da đen như cột nhà cháy thường vác cuốc ra đứng đầu ngõ. Từng bụi tre như đang đu đưa réo rắt trong đầu...

Trần gian có khi chỉ là một chuỗi những câu hỏi chạy dài đến vô tận mà không có lời giải đáp.

Tôi mang chúng vào phố thị, để nằm im lìm trong một xó bụi bặm, đợi ngày theo tôi về thế giới bên kia. Chúng có nguy cơ trở thành những oan hồn nếu không được trả lời. Chúng đòi hỏi để được biết chúng là ai. Có đêm, tôi nằm mơ thấy chúng kéo đàn kéo đống đến đứng bên giường, im lặng, mở cặp mắt trẻ thơ nhìn tôi như cầu khẩn...

 

*

 

Rồi tôi lục lại đống đồ cũ để tìm cuốn sổ. Tôi mang nó đến cho nhà thông thái. Sau khi xem qua sơ sài, gã cười khẩy và nói: “Sao mày hỏi nhiều thế? Mày muốn biết tất cả những thứ lặt vặt đó làm gì? Mày chỉ nên biết một thứ là đủ.”

Tôi hỏi đó là thứ gì. Gã làm ra vẻ bí mật và nói nhỏ: “Cái tận cùng.” Gã nói nếu muốn biết cái ấy thì phải bao gã một chầu nhậu. Tôi đồng ý.

Vào đêm sau, gã dẫn tôi vào một quán nhậu khá sang và bắt đầu cái trò bày vẽ. Gã gọi bia, mồi tràn ngập, bất chấp tôi có vừa ý hay không. Tôi nóng ruột nhìn đồng hồ liên tục nhưng phải nhẫn nhịn chờ đợi. Còn gã thì chẳng để ý gì, cứ mặc nhiên ăn uống. Gã tu trọn từng ly bia sủi bọt gọn gàng như cái bồn cầu háo nước. Và cũng như mọi khi, cứ ngà ngà say, gã lại bắt đầu nổ như bắp rang. Gã nói đến mọi thứ trên đời, từ tây sang đông, từ cổ chí kim, không chừa một xó xỉnh nào. Nhưng tuyệt nhiên, gã chẳng đả động gì đến “cái tận cùng” như đã hứa.

Vì đã lỡ phóng lao, tôi đành cắn răng chịu đựng.

Rồi cũng đến lúc gã ngưng lại, gương đôi mắt lờ đờ nhin tôi và nói: “Đi”.

Sau đó, gã dẫn tôi lội bộ vào một con hẻm nhỏ. Ngoằn ngoèo một hồi, cuối cùng chúng tôi bước vào một cái miếu thờ. Gã dẫn tôi ra phía sau, nơi có một phòng thờ lớn. Gã chỉ vào một cái lỗ trên bệ thờ rồi nói:

“Đó, nó ở trong đó, thò vô là biết liền.”

Ngần ngại một lúc, rồi tôi cũng xắn tay thò vào. Cái lỗ sâu hun hút nút trọn cả cánh tay nhưng vẫn chưa chạm được đáy.

Tôi bực mình hỏi gã:

“Nó ở đâu sao chẳng có cái gì trong đó cả?”

Gã lừ đừ hỏi lại:

“Mày không chạm được vào cái gì đúng không?”

“Đúng.”

“Mày chẳng thấy được cái gì trong đó đúng không?”

“Tối om thì thấy được gì.”

“Mày cũng chẳng nghe được gì đúng không?”

“Có gì đâu mà nghe.”

“Vậy là đúng nó rồi — cái tận cùng, ôi! cái tận cùng, cái tận cùng vĩ đại...”

Gã nói một hơi dài rồi bắt đầu cười sằng sặc, cười đến chảy nước mắt nước mũi. Vừa cười, gã vừa nghiêng ngả bước ra khỏi miếu...

 

*

 

Tôi về nhà mà giận mình ngu dại. Hôm sau, tôi mang cuốn sổ ra đốt. Từng câu hỏi theo khói bay lên, và tan biến vào hư không.

 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021