thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khúc bâng quơ của một gã học văn

 

Phố đông người, tôi nhăn mặt vì khói xe, đâu đó có tiếng í ới gọi tên tôi. Tôi nhìn ngang đường và tấp xe qua. Một thằng bạn cùng lớp (khi viết những dòng này tôi cố nhớ nhưng chịu chẳng biết nó tên gì!) thông báo, giọng vẫn còn lẫn chút niềm vui: “Môn văn học X mày 5 điểm, thế là không được làm luận văn tốt nghiệp đâu”. Tôi gật đầu cám ơn, rồ ga đi thẳng. Điểm số chỉ là những giá trị tương đối ai đó nghĩ ra rồi gán ghép vào khả năng của anh, nên 5 hay 6, cả 100 cũng vậy, không quan trọng lắm! Nhất là khi anh còn được sống. Năm tức là trung bình, tức là không thi lại, tức là lẫn vào hàng vạn thứ khác..., như thế không tốt sao? Tốt hơn bốn, tất nhiên! Trong bài thi ấy, tôi đã đưa vào nào là niềm cô đơn thi sĩ, sự tịch lặng tâm hồn, hoà nhập với thiên nhiên, vô ngã của thiền... tất tần tật những thứ mà ai đó nhét vào đầu tôi. Trong một đôi lần bơ vơ đi trên phố, tôi có hiểu đôi chút về chúng. Còn bây giờ thì không, tôi đang chở nàng sau lưng. Nàng vòng tay qua ôm lấy tôi tỏ sự chia sẻ, tay nàng lạnh đến rùng mình. Tôi thích sự lạnh lẽo ấy! Những gì ấm nóng đều chứa nguy cơ đổ vỡ bởi vì nó xốc nổi và cuồng nhiệt quá. Lạnh chứa sự trầm tĩnh và thản nhiên. Bất chợt tôi siết tay nàng thật mạnh và nhận ra tay mình quá nóng.

Vạn tuế điểm năm, vạn tuế sự lạnh lẽo!

 

Tôi ngơ ngác bước trên phố. Cầu Thị Nghè đêm dưới ánh đèn vàng bỗng huyền hoặc và đẹp đẽ, khác hẳn một cây cầu xú uế ban ngày. Nàng đã rủ tôi đi nghe hoà nhạc nhưng tôi từ chối. Tôi sợ sự sang trọng, cái mỹ cảm và trình độ thưởng thức dễ bị đánh lừa ở những nơi ấy. Đó là một cây cầu Thị Nghè được che chắn và trang hoàng tốt hơn. Ở nơi đó, khi chán, người ta không được ngáp, ho, khạc nhổ hoặc lăn ra ngủ.

Một cô gái đi về phía tôi và hỏi nhỏ: “Đi không anh?”

Tôi dừng lại lục hết các túi, còn được bốn mươi ngàn. Cầm mười ngàn, tôi nói: “Đây là tiền tôi đãi cô uống café, còn đây là tiền công cô ngồi với tôi 30 phút, chịu chứ?”

Cô cười: “Chơi luôn!”

Gió thốc từ kênh lên nghe thật lạnh, may hôm nay nước lớn nên cái mùi tạp nham lộn mửa cũng bạt đi.

Hết mười phút im lặng, tôi bảo: “Cô nói gì đi!”

Cô lạnh băng: “Nói gì?”

“Về cuộc đời cô chẳng hạn, nhưng là sự thật nhé Tôi thèm sự thật hơn café.”

Cô nói đều đều và chậm rãi bằng cái giọng của người thức đêm kinh niên: “Gia đình em đàng hoàng lắm. Năm em học lớp 11, nó về quê, đeo kính mát và dây chuyền to tổ bố. Lũ con gái trường huyện lên máu vì nó. Em nghênh mặt lên mỗi khi nó đón em trước cổng trường. Rồi một đêm nó dẫn em lên một phòng trọ trên thị xã. Nó khéo lắm. Em chẳng đau đớn gì khi bị phá. Nó móc điện thoại, thế là thêm hai thằng nữa tới. Nó dỗ dành rằng bọn kia sẽ cho tiền làm đám cưới. Em theo nó lên thành phố rồi biết mình có thai, ba thằng chẳng biết của thằng nào. Mà của ai cũng vậy. Nó buộc em phá rồi bán em cho một mụ chủ. Cuộc đời cứ thế xuống dốc không thắng, đến giờ đã là đời của ‘quản đào’ thứ năm rồi.”

(Lại năm!)

Cô chỉ tay về phía gã xe ôm đang nhìn tôi gườm gườm.

Tôi nói: “Chuyện hay lắm!”

Cô gân cổ: “Em kể thật đấy!”

Sự thật thì không được quyền hay, hay sao? Tôi nghĩ.

“Anh đừng viết báo nhé!” cô lại nói.

Trông cô như một đứa trẻ đang dụ khị bạn để có một viên kẹo. Cô đẹp, nhưng cái đẹp lờm lợm và có vẻ trơ trẽn thế nào. Cặp mắt to có quầng và tô viền xanh đậm không nói lên điều gì, kể cả thái độ bất cần. Nó vô hồn như lấy từ người chết lắp vào vậy.

“Tôi không phải nhà báo,” tôi nói và đứng dậy.

Cô tiếp: “Hôm nào rảnh lại em chơi.”

Tôi gật đầu và nghĩ “Chơi ư? Chơi gì? Chơi trò mèo vờn chuột thì buồn quá, cũng chẳng biết ai mèo ai chuột!” Bất chợt tôi cười to và bước đi lặng lẽ. Hình như cô vẫn nhìn dò xét phía sau lưng.

 

Nàng dầm muỗng vào ly café, mắt cứ nhìn theo viên đá, và hỏi: “Anh có thương em thật không?”

“Có! Thật hay giả cũng không biết nữa.”

Tại sao người ta cứ phải thêm thắt những tính từ, giá trị, phía sau một sự thật thế nhỉ? Nếu nó có nghĩa là nó có, còn thật hay giả nữa! Làm quái gì có một sự thật giả dối! Hay là nó có mà tôi không biết? Quả tình, trước những câu hỏi về giá trị bao giờ tôi cũng là thằng lơ ngơ, dốt đặc. Tôi chẳng bao giờ phán đoán được điều gì từ những giá trị đó cả. Nàng giận. Nàng bảo tôi là vô tâm và thờ ơ với chính mình. Có thể nàng đúng.

Tôi ngồi im lặng rít thuốc, khói đóng cục rát bỏng cuống họng. Nàng cười, quay lại nói: “Hôm qua nghe hoà nhạc hay lắm!”

Tôi hỏi: “Chơi của ai? Bài gì?”

“Không biết. Chỉ thấy mọi người vỗ tay rất đều và nhiều.”

“Thế à!”

Tôi từng đóng cửa nghe Chopin suốt 12 tiếng đồng hồ để ngộ ra mình chả hiểu gì cả. Có lẽ việc này cũng thế, rồi tôi cũng chả hiểu gì về cảm hứng, xu thời, quí tộc...

“Anh làm thơ đi. Thằng T lớp mình làm thơ in báo hay lắm

Từ đâu chạy lên cổ họng một viên đạn

Tôi móc ra và bắn vào cuộc đời

Em bị đóng mãi mãi vào thập ác tôi

Và đứa con là lăng mộ không cách nào đào thoát...”

Tôi nói: “Nó đểu lắm nhưng chẳng biết gì về phụ nữ.”

Nàng dằn dỗi: “Anh chả lãng mạn gì cả, chỉ toàn hút thuốc thôi.”

Điếu thuốc trên môi tôi đỏ rực. Dưới làn khói, nàng ngây thơ và thánh thiện làm sao. Cái lắc mình, dẩu môi, liếc mắt... tất cả đã được khái quát hoá theo kiểu đàn bà từ một triệu năm nay. Tôi kéo nàng vào lòng và nói: “Em là cô gái đến từ kiếp trước phải không?” Nghe sến vô cùng các bạn hả. Phụ nữ và đời sống luôn có nhu cầu sến đấy, họ gọi đó là kỉ niệm. Tôi không tôn vinh đâu nhưng ít ra nó cũng đỡ đểu cáng hơn mấy câu thơ của thằng bạn tôi.

 

Nghe nó bệnh, tôi mua ít cam và sữa qua thăm. Vừa thấy mặt tôi nó kéo chăn trùm lên đầu kín mít. Trong cái đống bùi nhùi ấy phát ra tiếng khóc ư ử. Tôi kéo chăn xuống, suýt nữa thì giật mình, “thằng nhỏ” của nó sưng to như bắp tay và mưng mủ. Nó bị lậu. Một cô gái “thiên thần” (theo lời nó) đã dâng cho nó căn bệnh này.

Nó bảo: “Đau lắm, nhất là khi người ta lau mủ.”

Tôi nghĩ sự thực nào mà không đau, nhất là khi sự thực đó bẩn thỉu và dòi bọ. Và lau rửa nó sẽ càng đau hơn. Chà sạch những vết bẩn bao giờ cũng là điều khó khăn.

Tôi hỏi: “Mày còn làm thơ không? Đọc nghe thử.”

Nó nói có, rồi đọc:

“Nàng đứng trên một ngôi sao xanh

Tôi mỏi mắt thảo nguyên mượt cỏ

Những hoang bụi đâu đó trong hồn nàng

Và thơ ra đi trên đầu gió...”

Tôi nói: “Tởm chết mẹ, tao về đây. Làm ơn nằm đó kéo thơ và ‘thằng nhỏ’ của mày xuống dùm. Sắp thực tập rồi!”

Tôi lại nghĩ tại sao trong một hoàn cảnh thối um lên thế mà nó còn làm thơ được về gió trăng và cỏ nhỉ? Phải chăng người ta luôn cần một sự che đậy như thế? Nghệ thuật là sự che đậy như áo quần sao? Cái đẹp chắc đã được đóng hộp. Để được thanh cao, không có cách gì khác là cứ khui món đồ hộp ấy và ăn mãi. Nó cần một lớp vỏ bọc để sống an toàn như ấu trùng trong kén vậy. Tưởng tượng ra cảnh mình mặc nghệ thuật và chạy lon ton ngoài đường, tôi phì cười. Thế đấy, tận cùng của mọi suy nghĩ bao giờ cũng là một nụ cười. Lại phải vạn tuế sự lạc quan rồi. Còn nó, cái gã thi sĩ ôm cái mộng thiên thần sưng to vù kia, nếu nó biết tôi đang nghĩ gì hẳn nó sẽ lấy một vốc thơ và ném tôi vỡ đầu mất. Cũng vui!

 

Sau kì thực tập, tôi đang ngồi ở quán café quen, lẩm nhẩm mấy câu chẳng biết phải ca dao không mà tôi “điền dã” được, thì thấy nó khoác tay cô ấy đi vào. Tôi hỏi nó:

“Đỡ chưa?”

“Xong rồi.” Nó nói một cách ngượng nghịu.

Tôi ghé sát vào tai cô ấy thì thầm: “Cô không lấy nó 30 ngàn cho cữ café này chứ?”

Cô nhớ ra tôi và bẽn lẽn .(Trời ạ! Bẽn lẽn đấy, có tin nổi không?). “Em thương anh ấy thật.”

Tôi lại nói với nó: “Thiên thần này khá đấy, kiểm tra kĩ trước khi thơ và... bay lên nhé!”

Nàng nhìn tôi ngơ ngác.

Chẳng biết nó với cô ấy đi với nhau được mấy ngày và câu chuyện đầy “nhân bản tính” có chứa hàm ý triết học gì không, nhưng cho nhau được chút niềm vui thì cũng quí lắm. Nhất là khi hai tâm hồn ấy không bình thường trong mắt mọi người. Nhìn cái đẹp trong từng giây phút sống, gã nhà thơ bạn tôi có lý đấy chứ!

Tôi lại cười to như mọi lần. Nàng lắc vai tôi, gặng hỏi. Tôi cúi xuống sát môi nàng và nói nhỏ nhẹ: “Life is beautiful!” Nàng trố mắt to hơn nhìn tôi. Tất nhiên trong cái mớ tạp nham này, câu nói đó đáng hưởng nhiều cái trố mắt.

Vạn tuế sự ngạc nhiên, vạn tuế nàng!

 
 
-----------
Đã đăng:
... Câu thơ đi từ gian phòng rất hẹp / Đứng hát trên đồi cát trưa này / Tung chữ nghĩa vào giấc mơ rất mở // Chạm lại tiếng lục lạc bò... | Theo thói quê, chúng tôi đội bóng nhau trên đầu / Mà cứ ngỡ mình cõng trên vai lịch sử / Thời đại cười chúng thôi không thể khóc / Túm tụm nhau dựng sân khấu diễn chơi / Thời đại dư người chúng tôi đủ bơ vơ...
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021