thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hoa lá xanh tươi
Nhà văn phải ráp chữ như ráp xác.
Nghệ thuật: một cái chết.
Nghệ thuật: một cái xác.

I. Dẫn nhập của nhà văn K.

Một buổi sáng nhà văn K. bỗng nhận được một bưu phẩm gửi tới từ tỉnh X. Việc này làm ông rất ngạc nhiên. Thứ nhất, bưu phẩm không đề tên người gửi, dày và nặng, rõ ràng phải tính cước phí khá cao cho bưu điện. Thứ hai, K. vốn không quen biết ai ở X. cả. Đó là một tỉnh lẻ u buồn, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Vài lần K. đến trong cuộc đời hành nghề văn của mình để tìm cảm hứng viết nhưng nó nhạt nhẽo vô cảm đến mức không ghi tạc được dấu vết gì rõ rệt trong ông. Thứ ba, đã từ lâu K. cắt đứt mọi mối quan hệ, không giao thiệp với ai. K. quên hẳn mình là một nhà văn. Quên trang viết, sống đơn độc âm thầm như một cái bóng. Ông vừa khỏi bệnh tâm thần nhưng sức khỏe và thần kinh vẫn chưa ổn. Trước đây ông thường có những cơn điên bất thường nên bạn bè càng ngại giao tiếp với ông. Nói chung, K. đã cố gắng cắt đứt mọi mối liên lạc của mình với xã hội. Nhưng rõ ràng bưu phẩm sáng nay nhân viên bưu điện chuyển tới là được gửi cho ông: Nhà văn K. - Đường số 7 - Phố Hõm Ngoặc.

Có lẽ phải viết thêm đôi dòng giới thiệu về K. K. là nhà văn không nổi tiếng lắm. Như tự thú của ông trên một tờ báo, cả một đời văn của ông, thì “Viết, cuộc hành xác điên loạn nhưng không ai biết đến, không viết được gì và không đi tới đâu...” Vào nghề từ năm 17 tuổi, cho đến hôm nay gần 60, K. chỉ xuất bản được vài cuốn sách mỏng. Trong đó có hai tập thơ ông nghiên cứu về Siêu hình và Ngôn Ngữ Học là có gây được chút ít tiếng tăm dư luận đương thời. Mới đó mà đã hơn 40 năm, hành trình u khuất và khép kín của một con người. Sau này nhờ bạn bè, khi ông có cơ hội tái bản những cuốn sách một đôi lần, lần nào ông cũng chịu khó sửa chữa chi li, thật nhọc nhằn những vấn đề và quan niệm đã được viết ra trước đây của mình. Ông gạch bỏ từng phần hay phải tháo rời viết lại từng chương. Theo một nhà phê bình, K. là một nhà văn lập dị, theo trường phái khắc kỉ. Ở ông không có sự lưỡng ước. Trang viết là sự cộng hưởng của vô số mối tương liên để cuối cùng dẫn về một lộ trình độc nhất: Mở toang những mạch máu. Đọc K. tất nhiên là bạn đọc phải chọn một tình thế, một va chạm tàn khốc, và một tâm thần nặng. Đó chính là tâm thế của người nghệ sĩ hiện đại, theo quan điểm của nhà phê bình ấy. K. muốn tháo tung, đập vỡ mọi hình thức giới ranh của nghệ thuật để tìm cho bằng được tiếng nói của chính mình. Cho dù điều đó thật là mơ hồ. Và phải chăng, vì thế, K. đã thất bại. Tác phẩm của ông xuất bản hầu như không ai đọc. Có lẽ ít kẻ tiếp cận được. Kể cả sau mười, hai mươi năm ông chịu khó tái bản lại cũng vậy! Ở nhà sách nó bị nhét vào những xó tối, giấy mốc meo ố vàng, bìa vương đầy mạng nhện và cứt gián. Một trong những trang bị tháo rời vì đứt chỉ đó người ta thấy K. viết: “Nhà văn người phải biết bơi ngược dòng. Chưa có một thể chế xã hội nào mà lại chính là thể chế, là vương triều huy hoàng của văn chương. Thân phận người sáng tạo bao giờ cũng như đang đi lạc vào một thời đại tiêu tùng, không ai hiểu nổi và suy tàn. Những trang viết ộc ra từ đó như bất ngờ bị dằn ngửa ra cưỡng hiếp và bóp cổ...”.

Vào mé tuổi 60, con người K. xuất hiện triệu chứng tâm thần. Ông thường lảm nhảm giữa chốn đông người, tấn công những nhà phê bình, chỉ trích chế độ đương thời và nhiều lần từng bị nhà cầm quyền quản thúc bắt giữ. Nhưng nguy hiểm nhất là ông vẫn ngồi bất động trước trang giấy không có một dòng nào cả. Nhiều lần để làm đầy nó ông chỉ còn biết đổ mực chảy lênh láng như một dòng sông nhỏ. K. thấy mình đã chết trên lộ trình lựa chọn khốc liệt Sáng tạo và Dấn thân. K. muốn tìm được tiếng nói chung quyết, tận tâm: Nhà văn là ai? Nghề văn là gì?... chỉ bằng một hình ảnh, một câu hay một dòng mà mọi vinh quang, khổ nhục, đau đắng dồn tụ hẳn vào trong đó. Nói cách khác, K. muốn tổng kết cuộc đời mình để rồi tống khứ, quên hẳn cái nghề khủng khiếp này. Nó không để cho ông một ngày bình yên. Nó bội bạc. Nó đã phản ông. Những gì ông viết theo đuổi dốc kiệt cả một đời thực sự là không đi đến đâu cả. K. tuyệt vọng và đau đớn khi nhận ra điều đó. Nỗi ám ảnh đã làm ông mê sảng. Hoặc sẽ viết để tiếp tục là sáng tỏ điều đó hoặc phải chết. K.đã bị tổn thương nặng. Vào chính thời điểm ấy, ông đã nhận được bưu phẩm dày gửi đến từ tỉnh X.

Bưu phẩm của người đã chết tên là P., một nhạc công chơi guitare hàng đêm cho vũ trường sàn nhảy. P. chết vì nỗi ám ảnh căn bệnh lao vào giai đoạn cuối. Y tự treo cổ mình lên bằng sợi dây đàn trong một toilet công cộng của bệnh viện nơi y đang được chữa trị. Thời còn sống P. mơ ước trở thành một nhà văn để viết những tác phẩm bất hủ cho thời đại. Nhưng bi kịch như K. đã chỉ ra “không có một thời đại thực sự nào cho văn chương” nên rốt cuộc chính thời đại mà y đang sống cũng đã nhìn y và công việc vạch trần lương tâm và lương tri thanh sạch của y ghê tởm như một căn bệnh hạch và cùng đường truy bức giết chết y như giết một con sâu. Tác phẩm y chưa từng được biết đến thì chính y đã tiêu tùng, đã trở thành một cái xác thối rữa. Trớ trêu thay nhà văn mà P. chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và quyết định sẽ đi theo chính là nhà văn K. Trong lá thư gửi kèm theo bưu phẩm P. viết: “Tôi lắng nghe từng ý nghĩa nhỏ nhoi thoát ra từ ông. Tôi bị vây bọc trong thánh địa ông như đồ vật ám ảnh linh hồn tăm tối. Tôi yêu K. bởi K. là một nhà văn không của riêng ai và phải vì ai. K.: một kiểu dáng độc lập. Phải chăng, nhà văn phải độc đạo trên con đường sáng tạo của mình. Tuyệt tự và tuyệt lộ. Không tiếng gọi bầy đàn. Viết như thoát ra khỏi nhà tù giam cầm và mật vụ của thời đại. Viết như phải chạy tung vào một con đường vắng vô tận...”

Theo ý nguyện của P. toàn bộ bản thảo của y sau khi chết sẽ được chuyển về cho nhà văn K. Lần đầu tiên K. thực sự rúng động bởi những gì đã từng được viết ra của mình. Nó không vô nghĩa, không phản bội như ông tưởng. Nó cướp đi một mạng sống. Nhưng tại sao P. lại chết? K. có vô tình đẩy thêm một nguyên cớ nào vào cái chết nôn mửa của y ta không, thắt cổ bằng dây đàn trong toi-let bệnh viện công cộng? P. đã từng mơ ước trở thành một nhà văn được tiếp tục phiêu lưu trên những mê lộ siêu hình và ngôn ngữ của K. đã mở ra thì tại sao P. lại tự hủy cuộc sống mình vào quãng đời trong sáng, tươi đẹp như vậy? Câu hỏi dằn vặt và ấn tượng ấy ám ảnh khiến K. không thể yên ổn. Ông cảm thấy nghề viết khắc kỉ và vô vọng của mình thêm đầy tội lỗi. K. quyết tâm chế ngự cơn điên để lao vào xử lí đống bản thảo vôi vữa và đầy vi trùng lao của người chết. Ông muốn thử truy tìm câu hỏi của và lí giải gương mặt người bạn đọc vô hình đã chết ấy.

Toàn bộ bản thảo là mớ hỗn độn hay nói đúng hơn thuần túy là một đống giấy loại. Những gạch xóa ngổn ngang, dang dở. Những trang viết đầy lỗi và lỗi. Những ghi chú tận tâm vô tận. Chỉ nguyên một nỗi cô đơn đã thấm nhiễm vào máu đang tìm mọi cách bốc lộ và xé bỏ. Có thể thấy P. chưa bao giờ ý thức là mình đang viết văn. Y không chủ tâm xây dựng cốt chuyện mà chỉ cốt nghĩ ra một đề tài để đuổi theo lòng mình. Đó là sự phơi bày những cuộc chia ly không đầu không cuối. Những chiếc bóng, những cái thòng lọng đã được treo lên rập rình ma quỉ, chỉ còn chờ đổ ập xuống. Và thật khủng khiếp những cái thòng lọng đó không đánh trả được những nan vấn, những câu hỏi. Nó run bần bật nhảy múa khoái trá. Nó đã chộp được và xiết cổ P.

Trong cơn u mê tâm thần tối sáng K. đã đọc P. Ở đây không còn khoảng cách của nhà văn và bạn đọc nữa mà đã hòa vào một nỗi ma nghiệt của văn chương, bản chất của nghệ thuật vĩnh cửu. P. là vật tế thần cho thế giới nghệ thuật đó. Đáng tiếc những gì P. viết còn quá dở dang và ít ỏi. Nhưng biết thế nào là đủ? Nhà văn lựa chọn tình thế nào để viết? Viết như một an vui tự tại hay một bất trắc tự nhận lãnh? Và độc giả chọn thái độ nào để đánh giá một nhà văn? Viết, một cái chết, một cái xác hay tiếng cười ói mửa phù dung? Đó là những điều liền lạc trong truyện ngắn sau đây tương đối hoàn chỉnh của P. Một cuộc gặp gỡ kì lạ của một nhà văn và một kẻ tắm rửa, khâu liệm xác chết trong nhà xác một bệnh viện. Bằng nỗ lực của mình K. biên tập, sửa chữa cho công bố truyện ngắn này của P. như tấm lòng của một nhà văn đối với người bạn đọc trung thành và xấu số của mình. Nhưng sâu xa hơn, K. đã tìm thấy ở P. tiếng nói chung quyết của Nghệ thuật nói chung: Nhà văn bằng cái chết nguyên thể của mình đem đến những hương hoa và mật ngọt cho độc giả. Chết trong sáng tạo là một cái chết đẹp nhưng có ai là kẻ tri âm tinh tế để nhận ra rằng hình như vẫn còn một mùi hương thậm đắng vô hình đang lan tỏa trong văn chương?

II. Truyện ngắn của P., người đã chết.

Anh còn thuốc lá không? Cho tôi xin một điếu. Cám ơn. Thế là hỏng toi cả buổi sáng rồi. Anh hỏi tôi đã làm nghề này bao lâu ư? Khoảng 12, 15 năm gì đó. Và có lẽ sẽ còn dài dài nữa. Còn anh? Một nhà văn ư? Hay đấy! Vậy là vô tình nghề của tôi và nghề của anh có chỗ giống nhau. Tôi ráp xác còn anh ráp chữ. Chữ nghĩa linh thiêng lắm nhá! Ông bà mình nói không bao giờ sai đâu! Một chữ đôi khi là cả một đòn cân não. Nghề tôi cũng vậy. Không tỉ mẩn như anh nhưng cũng phải chăm chút không kém đâu. Xương thịt của ai dù chết rồi cũng phải trả lại cho đúng của người đấy. Ráp của người này sang người kia là không được đâu. Hồn của họ ám theo mình họ đòi chứ chẳng chơi! Nghề nào chẳng xây dựng trên vinh quang và điếm nhục? [1] Một câu hay ư? Anh nhầm rồi! Không phải của tôi. Của một nhà văn mà tôi rất yêu thích đó! Nhà văn cũng có nhiều loại. Nhà văn giả cầy, nhà văn kiếm ăn, nhà văn điểm chỉ... Nhưng tôi sợ nhất là loại nhà văn đồ tể. Y cứ múa may quay cuồng. Chữ nghĩa chập choạng lên đồng. Tham vọng thì vô cùng nhưng thể khí và nhân vật thì bạc nhược thổi bao nhiêu sinh lực vào vẫn trắng nhợt như cái xác chết. Tôi sợ nhất là loại nhà văn hoạn quan. Vừa viết vừa cất lên tiếng gáy của bọn gà trống thiến. Tầm tư duy không vượt quá hai quả thận cằn cỗi và yếu kém. Tôi sợ nhất là loại nhà văn tô điểm. Y là nhà thông thái mắt lé. Đọc y để cuối cùng bạn đọc cũng chẳng hiểu chính y muốn nói gì? Y đã lạc lối ngay trên lộ trình mà chính y đã đặt ra cho mình. Tôi sẽ ném những cuốn sách đó vào xó tối. Chẳng thú vị gì khi phải nhớ về nó. Tôi cảm giác y gần với bọn bồi bút. Tất cả đã kiệt lực không đủ bản lĩnh và tài năng để đi đến cùng hay trình bày đến nơi chốn một vấn đề nào đó. Bọn họ mặc dù đã chịu khó khoác vào trang văn của mình đủ thứ xiêm y, áo xống của những văn hào, triết gia khác nhau trên thế giới nhưng có khác nào những cái xác thối rữa, chết lâu ngày, biến dạng không còn có thể nhận ra như thế nào là một gương mặt thật nữa. Trong những trường hợp như thế, đôi khi tôi nhận thấy quả không khác gì một cái xác chết trong trạng huống khó xử đã bị sắp lộn đầu của tôi. Vâng, từ từ rồi tôi sẽ kể cho anh nghe...

Anh đã có tác phẩm xuất bản chưa? Chưa à? Thật tiếc. Nếu không thì tôi đã được đọc anh. Nhưng với tâm nguyện là một nhà văn sớm muộn gì anh cũng phải công bố tác phẩm của mình chứ? Vâng! Khi đó là lúc chính anh tự định đoạt chính mình. Mà xin anh cũng đừng câu nệ vào tôi. Tôi cũng chỉ là một người độc giả tầm thường. Trông coi nhà xác và khâm liệm xác chết. Anh muốn biết kĩ hơn công việc của tôi ư? Tôi đã nói rồi! Chẳng có gì là thú vị và đặc biệt cả. Tôi ở bệnh viện Z., nhân viên tẩm liệm thu nhặt xác của những người chết xấu số. Thường thì phải làm việc với những cái xác chết chẳng trọn vẹn. Ví dụ như chết vì tai nạn, chúng tôi kéo họ ra từ bánh xe. Chết cháy thì tìm nhặt trong than củi. Chết vì chất nổ thì chúng tôi phải thu gom những mảnh còn lại sau đó xếp thành hình dạng để chôn cất. Tác phẩm của chúng tôi chính là nghệ thuật ráp xác đó. Tôi so sánh hơi ớn lạnh phải không? Nhưng đó là sự thật. Bây giờ đang thịnh hành nghề trang điểm dung nhan cho xác chết anh không biết sao? Nếu như tác phẩm của anh, một nhà văn có thể xuất bản hàng trăm cuốn đến với nhiều độc giả thì tác phẩm của tôi, một kẻ ráp xác, chỉ có một người độc duy nhất, lương tâm của chính mình. Chúng tôi sẽ không yên lòng khi lỡ xếp nhầm cánh tay của người này cho một người đã chết khác, một bàn chân, một mớ tóc, và ngược lại. Và chúng tôi gửi tác phẩm của mình vào lòng đất. Mặt đất im lặng giữ mãi mãi bí mật đó. Đến ngày nảy nở hoa lá xanh tươi.

Anh hỏi tại sao tôi nói năng hình tượng và có vẻ am hiểu về văn học phải không? Vâng, trước đây thời trẻ tôi có theo đuổi nghiệp văn chương nhưng không thành công. Hiện thực luôn có những ràng buộc khốc liệt của nó. Tôi tài hèn sức mọn, không đủ tài năng và ý chí để đi hết con đường đã thử lựa chọn của mình. Tôi biết nghề văn đối với cuộc đời cũng chỉ là chàng Don Quijote đánh nhau với cối xay gió. Nhưng đam mê và tình yêu vẫn không dứt. Từ đó tôi đọc để tìm kiếm, lĩnh hội những hương thơm mà bọn nhà văn của các anh đã dệt nên và cũng như thử xem các anh viết như thế nào về chúng tôi, những người lao động, công việc chúng tôi làm và những điều chúng tôi nghĩ. Và tôi đã thấy dường như các anh vẫn chưa vượt qua được cái khung hiện thực mà chúng ta đang có. Có nghĩa nếu là tôi, một gã làm nghề ráp xác thì chắc chắn rằng cả cuộc đời hắn cũng chỉ biết ôm ấp những cái xác chết mà thôi. Hắn là đồ tể của giấc mơ. Không đam mê, không tình yêu. Và cái giấc mơ trở thành một nhà văn với những trang viết lộng lẫy là một điều xa xỉ và không tưởng. Thậm chí hắn không có quyền canh giữ hay nuôi nấng giấc mơ ấy. Với cách tiếp cận đó, các anh đã nhìn chúng tôi bằng con mắt lé buồn bã và xấu xí. Chúng tôi không cần cái hiện thực tởm lợm và buồn đau ấy. Chúng tôi muốn thoát ra để khai phá một con đường mới tuy gian nan hơn nhưng chắc chắn rằng sẽ độc sáng và thú vị hơn. Nhà văn các anh hiện nay thiếu hai yếu tố dấn thân và dũng cảm. Các anh thời thượng và sợ hãi. Các anh đánh tráo sự khôn ngoan vào hèn hạ. Đọc những trang viết của một hai nhà văn lớn ở Việt Nam gần đây tôi thực sự thất vọng. Họ nhai lại bã hư danh phù phiếm của một thời như chó nhai giẻ rách. Nhưng tôi không ngạc nhiên. Bởi cái bánh xe hiện thực quá đỗi khổng lồ và nhọc nhằn. Nhưng nếu cứ tiếp tục bám vào đấy biết bao giờ tôi mới được thoát khỏi những cái xác chết vây bủa quanh tôi?

Anh có muốn nghe tôi kể về một cái chết không tưởng của hiện thực trần trụi không? Đó là những cái chết khi vẫn còn đang cười, đang phơi phới tuổi xuân. Chết khi đôi môi như vẫn còn hé mở, vẫn còn đang muốn nói một câu gì đó. Bây giờ thì những gương mặt ấy đã ngủ yên trong hầm mộ tối. Những giấc ngủ không hình thù, bình ổn và vô sự. Mùa đông năm ấy tôi mới ngoài ba mươi tuổi. Bấy giờ tôi vẫn chưa biết như thế nào là hương vị người đàn bà. Với tôi họ là một cánh cửa thiêng liêng, là mùi hương đắng đầy quyến rũ và hạnh phúc. Tôi vẫn luôn ao ước và rắp tâm săn đón những cuộc tình nhưng dường như vẫn chưa có cơ hội nào đến với tôi cả. Dường như các cô gái vẫn thường khiếp sợ bọn người làm những công việc kì dị và lạ lùng như tôi.

Mùa đông năm đó lạnh lẽo kéo dài cho đến đêm Chúa giáng sinh. Tai nạn xảy ra tại đèo R. cách thị trấn chúng tôi ở 200 km. Đang ngủ, tất cả chúng tôi bị dựng dậy bởi một cú điện thoại kinh hoàng. Một chiếc xe buýt chở các cô nữ sinh vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng đi tham quan Trung nguyên trở về trong sương mù đã đụng một vào chiếc xe chở gỗ của lâm trường đang đổ trên đèo xuống với một tốc độ khủng khiếp. Hàng chục cái chết diễn ra trong khoảnh khắc. Điều khó tin nhất là một cây gỗ lớn dài gần hai chục mét đã xuyên thủng qua cửa kính xe buýt làm đứt đầu tài- xế và các cô gái. Khi chúng tôi đến, trong gió thốc và sương giá không còn có thể phân biệt được cái đầu nào là của thi thể nào. Tất cả bấy nhầy và hỗn loạn. Trong nghề, lần đầu tôi mới chừng kiến được tai nạn dị thường như thế này. Những cái xác mất đầu như vẫn còn ấm nóng và cựa quậy dưới tay chúng tôi.

Về đến bệnh viện chúng tôi bắt đầu rửa xác. Một tình huống lạ lùng đặt ra. Với những cái đầu đã bị đứt rời và dập nát, không còn nhận ra của thân thể nào thì chúng tôi sẽ làm việc như thế nào đây? Quả thật, lúc này nếu thân nhân của người chết kịp có mặt thì cũng còn rất khó phân xử huống hồ bọn tôi. Thôi thì cứ theo linh cảm nghề nghiệp mà làm vậy. Vậy là chúng tôi bắt đầu rửa xác. Một thằng đàn ông lần đầu chứng kiến thân thể tuyệt mỹ của các cô gái qua những cái xác không đầu. Hơn chín tiếng đồng hồ chúng tôi mới làm xong. Nhưng sự việc đến đó chưa phải là hết. Một người thân của nạn nhân xấu số đòi được nhìn mặt cô cháu gái yêu của mình lần cuối cùng bỗng kêu thét lên sợ hãi. Gương mặt ấy không phải là cháu của bà. Thế là mọi việc nghi kị bắt đầu rối tung cả lên. Chúng tôi đã ráp lộn vị trí của những cái đầu ư? Và như vậy một cuộc trao đổi kì lạ tiếp tục diễn ra ở nhà xác bệnh viện cho đến khi mọi người có thể tin là tạm ổn, không còn sự nhầm lẫn đáng tiếc nào nữa. Nhưng tôi vẫn chưa quên kỉ niệm đó. Là một người trực tiếp ráp xác tôi như vẫn thấy mình bị run tay. Làm sao có thể tin chắc là trong hàng loạt cái chết bất đắc dĩ như thế chúng tôi đã không để xảy ra một sơ xuất nào? Và đã trả lại đúng cho những nạn nhân xấu số gương mặt thật của họ? Đó là những cái chết không tưởng của một hiện thực trần trụi. Mùa đông ấy còn nguyên vẹn trong tôi là một mùa cầu hồn.

Nghề văn các anh vẫn thường gặp những tai nạn nghề nghiệp phải không? Vâng, những giây phút như thế thì thật là chán nản. Như cái nghề ráp xác của tôi thôi. Mệt mỏi, dằn vặt và nặng nề khủng khiếp. Các anh sợ nhất là bị kiểm duyệt. Bởi mỗi chữ mỗi dòng viết ra đều như chích thẳng từ máu mình. Còn chúng tôi sợ nhất là những ngày mưa. Anh còn thuốc lá không? Cho tôi xin một điếu! Cảm ơn! Những ngày mưa. Anh thử nghĩ xem được ở bên một cái xác vừa rời cuộc thế, trời đang mưa tầm tã thì buồn đến thế nào. Nhưng dù sao tôi cũng đã quen rồi. Bên xác chết ngày mưa tôi nghĩ về kiếp người. Thế là xong. Dù phải chết theo bất kì cách nào thì cũng là chết. Vĩnh biệt cõi đời ồn ã và bề bộn này. Nhưng những ngày mưa sẽ làm xác chết nặng mùi rất lâu. Dễ làm chúng ta ngỡ rằng oan hồn của người đã khuất vẫn còn vương vấn cõi trần gian, vẫn quanh quẩn đâu đây không thể rời đi xa được. Trong màn mưa trắng đục đôi khi tôi thấy đời sống thật buồn, thật trầm luân, chỉ muốn buông tay trôi xuôi tất cả. Và rượu, chỉ có rượu mới làm nguôi quên phần nào. Ban đầu thì chỉ uống cho đỡ bải hoải và quên đi những cảnh tượng không lành, cam đảm lên để làm việc nhưng khi tỉnh rượu càng thấy hãi. Một cảm giác xú uế và phạm tội như chưa bao giờ quen. Lâu dần rượu là lẽ sống của chúng tôi. Chúng tôi nghiện rượu, tự nhấn chìm trong sự lãng quên mà như chính Chúa đã an bài đó. Vâng! Nhưng vẫn có lúc rượu tỉnh chứ! Như lúc này tôi trò chuyện cùng anh.

Mẹ kiếp! Thế này thì mất toi buổi sáng. Gã người Miên gác cổng nhà xác đêm qua say nằm ở đâu không tìm thấy mà chưa chịu mở cửa cho xe chúng tôi. Gã Miên ấy à? Anh muốn biết ư? Có gì đáng đâu! Cả một đời gã làm nghề canh cổng nhà xác. Thì cũng như tôi thôi, nhưng gã là bậc “tiền bối”, bậc “trưởng thượng”! Đặc biệt ở con người này ư? Gã say tối ngày và lúc nào cũng nói lảm nhảm một mình như đang cáu giận, điên tiết lên vì một nguồn cớ vô hình nào đó. Nói đúng hơn, bọn ma luôn bất bình vì gã và chính vì vậy, gã cũng thường gây gổ với ma. Thời trẻ của gã ư? Tôi cũng không rõ lắm. Chỉ biết khi tôi vào nghề là đã được tiếp xúc với gã rồi. Chuyện tình cảm của gã ư? Một người mặt mày hung tợn, nói năng như rắn độc thì thật là khó có cảm tình. Nhưng trước đây có một người đàn bà buôn hương bán phấn chẳng rõ phiêu bạt từ đâu đến đây chịu chung sống với gã. Ả cũng bí hiểm không kém. Khuôn mặt u trầm của một đời sống tan nát, thỉnh thoảng cái nhìn tối tăm như có lửa lóe lên và chợt tắt não nùng giữa đêm mùa hạ. Tôi chưa thấy hai người nói với nhau một câu. Gã Miên say tối ngày cả khi xe chúng tôi chở xác vào hoặc đến nhận xác chở đi. Tôi nhìn thấy người đàn bà ấy lần cuối cùng trong cảnh tranh tối tranh sáng của một buổi chiều bệnh viện khi đưa về đây mấy cái xác chết trôi. Vẫn chứng nào tật ấy, chiều đó gã Miên vẫn say bí tỉ không mở nổi cửa. Chúng tôi kêu ầm cả lên. Người đàn bà hỏa ngục ấy lặng lẽ xuất hiện phụ đẩy cánh cửa nhà xác nặng nề. Chúng tôi chuyển xuống từng xác chết. Đột nhiên ả rú lên, ngã lăn ra đất, nẩy đành đạch, miệng trào bọt mép. Hình như ả nhận ra trong những cái xác ấy có một người quen. Thì ra bao lâu nay dù đầu gối tay ấp bên những xác chết nhưng ả vẫn không thể nào làm quen hoàn toàn được. Lúc này ả mới lộ nguyên hình bản chất yếu đuối linh cảm của một người đàn bà. Tôi chạy đi tìm mãi mới thấy gã Miên đang ngủ bấy nhừ bên đống vỏ chai trong một xó xỉnh tối tăm cuối hành lang bệnh viện. Nghe tôi trình bày câu chuyện gã choàng tỉnh, thoát khỏi cơn rượu quấn quýt bỏ chạy thục mạng về phía ả. Vừa kịp ôm cái thân thể dặt dẹo ấm nóng của tình nhân trên tay, gã gào rống, chửi rủa ầm ĩ hơn bao giờ hết: “Thế này là thế nào? Tại sao? Tại sao? Các người định cướp nốt đi tình yêu cuối cùng của Thượng đế dành cho tôi sao? Không đời nào...” Gã vuốt mái tóc xõa ngược, đỡ cái cổ thõng qua một bên, bộ mặt vô hồn, chiếc mũi cứng đờ tưởng như không còn thở được nữa rồi áp mái đầu vào lòng vào lòng mình, vừa khóc lóc, vừa dỗ dành, vật vã. Một kiểu mơn trớn tình yêu lạ lùng như chàng Quasimodo gù lưng với nàng Esmeralda xinh đẹp trong những trang sách Nhà thờ đức bà Paris của Victor Hugo mà tôi từng đọc thấy:

“Tại sao em lại sợ những cái xác chết ấy? Những cái xác oan uổng sẽ chẳng bao giờ làm hại em đâu. Em sẽ không bỏ anh mà đi chứ? Em thân yêu! Nếu còn yêu anh thì em phải tập yêu lấy những cái xác này. Đó là công việc và đời sống của anh. Anh đã sống bên xác, thở bên xác và cũng sẽ khép trọn một cuộc đời bên xác. Nhưng anh yêu em. Chúng ta sẽ ở bên nhau mãi mãi kia mà. Ôi, khổ thân tôi! Em không còn nghe được gì cả. Khổ thân tôi...”

Rồi chẳng còn dịp nào cho tôi thấy người đàn bà ấy nữa. Có lẽ vì không thể chịu nổi, ả đã bỏ đi. Gã Miên sống một mình từ đấy. Những cơn say vây khốn gã. Nhưng tôi đã một lần chứng kiến tâm hồn kì lạ của người đàn ông này khi gã giải thoát con tim mình ra khỏi bể rượu. Đó là mong ước, tình yêu lương thiện của con người. Một lần để rồi không còn bao giờ được nhìn thấy nữa. Anh biết không? Nghề của tôi không thích những cơn mưa là vì thế. Mưa gợi nhớ và bao phủ những gì tôi chỉ muốn quên trong kí ức. Nhưng phải chăng cũng trong mưa mọi thứ trở nên tươi mới. Để chúng ta có thể yên lòng bắt đầu cuộc hành trình trở lại với nhiều hy vọng còn đâu đó những khám phá bất ngờ và mới mẻ.

Anh hỏi tại sao tôi lại chọn cái nghề này ư? Một câu hỏi khó trả lời đấy. Có bao giờ anh lý giải một cách tất yếu rằng nguyên cớ nào đã khiến anh phải cầm cây bút viết văn không? Tại sao anh phải ráp những trang đầy chữ và vắt cạn linh hồn mình vào trong đó? Tại sao khi ngoài cửa sổ bóng đêm đang rụng dần, bình minh một ngày mới đang lên riêng anh chỉ còn lại nụ cười dở sống dở chết? Nhà văn phải ráp chữ như ráp xác. Nghệ thuật: một cái xác. Nghệ thuật: một cái chết. Anh không cắt nghĩa được ư? Nếu tôi trả lời tôi yêu nghề thì hóa ra tôi lại yêu những cái xác chết hay sao? Nhưng còn nếu như tôi trả lời không thì chắc anh sẽ thấy ngạc nhiên vì khó hiểu bởi như thế thì tôi còn ở lại với công việc kì dị này mà làm gì? Cuộc đời còn biết bao công việc khác. Xin lỗi anh, tôi không thể trả lời rành mạch được. Mơ hồ. Rất mơ hồ. Giống một nhà văn không thể không lắng nghe lời thì thầm của trái tim trong lồng ngực cũng như không thể rời cây bút trên tay. Như ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết, giữa cái ác và cái thiện. Chúng ta mong manh đi tìm hoa lá xanh tươi giữa hai thái cực đó. Trong chừng mực nào đó tôi yêu công việc của tôi. Cũng như một nhà văn yêu trang viết của họ. Cho dù phải mổ xẻ đến tận cùng nỗi buồn phi lí vẫn với mục đích duy nhất: Ca ngợi cuộc sống! Và nếu như nhà văn các anh vẫn còn miệt mài nỗ lực với từng con chữ thì chúng tôi vẫn còn âm thầm nỗ lực với từng xác chết. Chúng tôi trang điểm dung nhan, trả lại thần sắc cho họ cho dù họ đã từ giã cõi trần với bất kể tình huống nào. Thanh thản, đau đớn, mãn nguyện hay sợ hãi. Để khi bước vào lòng đất họ chỉ mang một gương mặt trầm tư không vui không buồn. Dấu vết hội chợ phù hoa cũng không còn. Cứ thế họ chìm sâu, ngậm cười mơ hồ, im lặng qua ngày này tháng khác. Hàng thế kỉ trôi qua trên đầu họ không tiếng vọng. Những mưa lũ hay hạn hán. Chia rẽ hay hòa hợp, hòa bình hay chiến tranh. Những dự án tìm kiếm trên không trung hay xuyên thủng vào lòng đất, họ mặc tất. Chỉ hoa lá xanh tươi nở từ thân thể họ. Ồ, gã Miên thức dậy kia rồi. Y đang chuẩn bị mở của cho xe chúng tôi đấy. Tạm biệt anh. Sao? Anh muốn có một pô ảnh của tôi để kỉ niệm ư? Ồ, tôi không thích đâu. Tôi không muốn chường bộ mặt râu ria thiếu ngủ này lên bất cứ khuôn hình nào. Một lẽ nữa, anh thử nghĩ lại xem, làm sao trong một khoảnh khắc chớp lên của máy ảnh lại có thể lưu giữ tất cả mọi góc cạnh thâm trầm biến cải của gương mặt tôi? Của chứng nhân thời gian? Làm sao khắc họa được gương mặt không vui, không buồn hay không quá dị hợm của những kẻ làm một công việc vẫn còn nhiều người khinh bỉ, rẻ rúng và hắt hủi? Gương mặt của tôi phải là cuộc sống!...

...

(Bản thảo truyện ngắn của P. đột ngột dừng ở đây.)

Biên Hòa, mùa mưa 7.1996.
Sài gòn, tháng 9.1999.

_________________________

[1]Nguyễn Huy Thiệp, "Những người thợ xẻ" (truyện ngắn).


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021