thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cuộc sống của kẻ khác

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

 

Alexander Alexandrovitch Zinoviev [hoặc Aleksandr Aleksandrovich Zinovyev] sinh năm 1922 tại một ngôi làng nhỏ, cách Moscow khoảng 180 dặm về phía đông bắc. Ông là con trai của một người nông dân nghèo. Sau khi phục vụ như một phi công quân sự trong Thế Chiến II, Zinoviev học triết tại đại học Moscow, rồi trở thành một nhà logic-học nổi tiếng, được nhiều viện hàn lâm quốc tế trao tặng nhiều giải thưởng. Ông nắm giữ một loạt chức vụ hàn lâm tại trường ấy và đồng thời tại Viện Triết Học.
 
Trong những năm 70, ông lên tiếng phê phán những sai lầm của chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên Bang Xô-viết. Sau khi xuất bản cuốn Những đỉnh cao choáng ngợp (1976), ông bị theo dõi và đe doạ thường xuyên; và sau khi cho ra đời cuốn Tương lai chói lọi (1978), ông bị đày ra khỏi Liên Bang Xô-viết.
 
Từ đó, ông sống tại Munich và viết một loạt sách phân tích và phê phán chế độ chính trị và xã hội Xô-viết. Đến khi chủ trương “perestroika” được Gorbachev ban hành, Zinoviev mới ngưng phê phán.
 
Sau 21 năm lưu vong, ông hồi hương năm 1999, và càng lúc càng trở nên bảo thủ đến mức kỳ lạ. Thậm chí, ông trở lại ca tụng Stalin, và bênh vực cho những tên đồ tể độc tài như Radovan Karadzic, Ratko Mladić và Slobodan Milosevic.
 
Zinoviev mất năm 2006.
 
Đoản văn dưới đây trích từ cuốn Homo Sovieticus (1982). Với một giọng văn dí dỏm, ông kể lại câu chuyện về tình trạng nghi ngờ nhau là nhân viên tình báo cộng sản giữa những người lưu vong Nga ở các nước Tây phương lúc ấy.

 

___________

 

CUỘC SỐNG CỦA KẺ KHÁC

 

Nghệ Sĩ cùng vợ sống trong căn phòng sát vách với tôi. Các bức tường thì mỏng dính. Tôi thường nghe những cuộc chuyện trò thân mật của họ. Họ đinh ninh rằng ở phương Tây thì các vách ngăn đều cách âm, và vì thế họ phát ngôn không cần cẩn trọng.

“Chúng mình cần tiền,” chàng nói.

“Em có thể đi làm người mẫu.”

“Với nghề ấy thì em cần có một nhân dáng khác. Em đang lên cân, em biết đấy.”

“Đừng thô lỗ chứ.”

“Ở đây họ có một ý niệm khác về sự trẻ trung.”

“Ừ, nếu thế, em làm người mẫu khoả thân cho một trường mỹ thuật thì sao? Hay làm cho một hoạ sĩ tư nhân?”

“Ở đây toàn là hoạ sĩ tư nhân. Và tất cả những người mẫu khoả thân đều là những con đĩ.”

“Chính ở Moscow thì tất cả những người mẫu khoả thân mới là những con đĩ. Ở đây họ có đủ đĩ điếm, chẳng cần đến những người mẫu khoả thân.”

“Nói thẳng ra thì em không nên làm nghề ấy. Có lẽ em nên làm công việc quét dọn cho các căn hộ.”

“Ở đây bọn Thổ-nhĩ-kỳ giành hết công việc ấy rồi.”

“Gã đàn ông mới đến ngày hôm qua chắc chắn là nhân viên tình báo của KGB.”

“Ai cũng là nhân viên tình báo của KGB.”

“Lạ thật, anh chưa bao giờ bị KGB gọi. Thậm chí họ cũng chưa bao giờ đề nghị anh làm một kẻ chỉ điểm. Em nghĩ tại sao họ chưa bao giờ làm vậy đối với anh?”

“Em cũng chưa bao giờ bị gọi và họ cũng chẳng hề muốn sử dụng em. Tất cả những lời đồn đãi về gián điệp Xô-viết thì hoàn toàn nhảm nhí. Ê, khoan ngáy đã chứ. Em chưa đến tuổi bảy mươi mà.”

“Đúng ra, cái gã đào hoa nổi tiếng nhất trong lịch sử, gã Casanova ấy, kể lại rằng gã đã được trải qua một đêm tuyệt vời nhất trong đời trên giường với một nữ hầu tước bảy-mươi-tuổi.”

“Chuyện bá láp!”

“Chẳng bá láp chút nào. Đó chỉ đơn giản là lần duy nhất trong đời gã được ngủ một giấc thật ngon. Ha, ha, ha!”

“Ngớ ngẩn.”

 

Tôi xoá tên Nghệ Sĩ và vợ của anh ta ra khỏi cái danh sách những nhân viên tình báo Xô-viết của tôi.

 

 

----------
Dịch từ bản tiếng Anh, “Other people's lives”, trong Alexander Zinoviev, Homo Sovieticus (London: Paladin Grafton Books, 1986) 151-152.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021