thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đảo

 

Công việc hằng ngày của gã là kéo thuyền thúng đưa đón khách đi thăm hòn Lam.

Kéo thuyền, chứ không phải chèo thuyền.

Hòn Lam gần bờ đến nỗi gã dầm mình trong nước kéo theo sau mình chiếc thuyền thúng lắc lư, chòng chành trên biển giữa bờ và đảo.

Thuyền thúng của gã chở cứ nhóm khách bốn người một chuyến. Đó là một loại xe kéo trên nước. Khách ngồi ngay trên mạn thuyền, đúng ra là trên vành thúng, ngồi sao cho chiếc thúng có thể bình lưu trên nước.

Đối với một số khách yếu tim, hành hương ra hòn Lam trên chiếc thuyền thúng này là một cuộc phiêu lưu thật sự. Họ sợ hãi tưởng tượng những tình huống có thể xảy ra: thuyền lập úp, thuyền va vào đá gành, thuyền vuột ra khỏi tay người kéo, bứt mình theo sóng trôi ra khơi và lúc đó ai biết cái gì đang đợi họ, hàm cá mập hay cánh tay bạch tuộc...

Hòn Lam nhỏ bé có một ngôi chùa nhỏ bé, kiến trúc lạ và xinh, cũng đôi chút tiếng tăm và được xem như là một ngôi chùa linh thiêng. Do vậy, hòn được khách thập phương ra viếng thường xuyên.

Gã là phu kéo thuyền độc nhất ở đây. Thế nên cũng đôi chút tiếng tăm, như chùa Lam vậy, là điều gã không ngờ, cũng không màng tới.

Gã hầu như câm. Không chuyện trò gì với khách. Chỉ lặng lẽ kéo thuyền. Như lăn một hòn đá lên núi trong thần thoại. Có điều, hòn đá nặng có thể tự mình lăn xuống ở lượt về. Còn thuyền thúng, đi hay về, thì cũng phải kéo. Nó không thể tự mình đưa khách vào bờ.

Người viết thì viết thế, so sánh kéo thuyền với lăn đá. Còn gã thì chỉ lẳng lặng kéo thuyền, không hơi đâu mà so sánh mình với ai, dẫu là thực tại hay thần thoại.

Người viết tiếp tục bịa đặt. Gã tiếp tục lầm lì. Thân mình vạm vỡ nhưng gương mặt xấu xí và u tối.

Thế nhưng, kéo thuyền đưa đón khách chưa chắc là công việc mà gã chú tâm. Dửng dưng với khách. Tiền nhiều tiền ít mặc kệ. Ai cho bao nhiêu, gã lấy bấy nhiêu, không buồn cảm ơn. Khách bực tức hay vui thích cũng thế thôi.

Đôi mắt gã không ánh lên điều gì ngoài cái u tối và lạnh lẽo vô hồn.

Vậy linh hồn của gã ở đâu?

Người viết thích nói rằng linh hồn không ở trong gã mà nó ở ngoài gã và nó là biển. Điều đó, cái hình ảnh linh hồn gã kéo thuyền là biển, nghe có vẻ văn chương. Nhưng nào phải thế đâu.

Đôi mắt ấy có vẻ vô hồn. Nhưng trở thành một đôi mắt khác mỗi ban mai và giờ ngọ.

Ấy là khi gã đưa đón Lam, cô bé sống trên hòn, vào bờ mỗi sớm mai và rước cô trở về hòn ban trưa. Sáng nào cô cũng đi học, trừ chủ nhật. Cô là cháu sư cụ chùa Lam, gọi cụ bằng bác.

Lam mồ côi từ bé. Đó là điểm duy nhất giống nhau giữa gã kéo thuyền u tối và cô gái nhỏ rạng ngời trên chùa.

Ở ngôi làng mà gã sinh ra có đền thờ Chúa Tiên. Gã không biết Chúa Tiên là ai. Nhưng tượng thờ rất đẹp. Nếu Chúa Tiên có thật thì chắc hẳn còn đẹp hơn gấp bội. Gã nghĩ, không có cô gái trên đời nào đẹp bằng Chúa Tiên.

Trừ một mình Lam.

Tất nhiên là Lam mà gã đưa đón mỗi buổi sáng. Lam còn là tên chùa, Lam còn là tên đảo. Trong mọi cái tên, đó là cái tên duy nhất mà gã thích thầm thì gọi lên mỗi khi gã chỉ có một mình, trên bờ biển hoặc trong túp lều của mình.

Với gã, Lam là Chúa Tiên. Với gã, cô không phải là khách, dù là đệ nhất khách. Cô là chủ nhân. Chủ nhân của điều gì? Đó là điều mà dường như gã không xác định được. Người viết đoán định, đó là biển.

Thế giới đối với gã là gì? Biển.

Cô là chủ nhân. Trước tiên, điều đó có nghĩa là, khi cô bước lên thuyền thúng, gã cương quyết không để một ai khác lên cùng, bắt họ phải đợi chuyến sau. Chỉ với cô, gã mới bắt một tấm ván mỏng lên vành thúng và cô ngồi giữa phiến gỗ ấy như ngồi trên một cái ngai.

Với ánh mắt long lanh ngời sáng một niềm hân hoan vô tả, gã kéo thuyền đi một cách nâng niu, một cách trìu mến. Như thể đó là lần đầu gã được làm công việc áp tiêu quý báu này, dù thực ra hàng ngàn lần rồi.

Chân gã dẫm trên bờ cát thoai thoải ngập nước, khéo léo lách qua những gành đá lô nhô, gắn chặt những mảnh hàu sắc cạnh như móng vuốt. Dùng bờ ngực cứng cáp như mũi thuyền rẽ sóng, gã tiến bước vững vàng trong biển xanh rờn, trông như một người khổng lồ cách đây một triệu năm. Hay hơn nữa, trông giống một loài khủng long vừa tiến hoá thành người, đứng thẳng lên, kiêu hãnh.

Lúc đó, không ai còn thấy gã xấu xí nữa. Nắng mai chói ngời trên bờ vai trần đầm đìa màu bồ quân của gã, nơi những giọt biển lấp lánh đuổi nhau rồi bốc hơi trong nắng. Mái tóc hung dày nắng cháy của gã lật tung trong gió biển, bay phần phật.

Dù gã không phải là một gương mặt anh hùng trong hình ảnh người anh hùng muôn mặt của huyền thoại sử thi (vì họ đâu kéo thuyền thúng như thế này) gã vẫn mãn nguyện được “cõng” một giai nhân vượt biển.

Khi kéo thuyền cho Lam, gã có cảm giác đang cõng nàng trên lưng. Cái thân mình tươi trẻ êm ái ấy đang áp chặt lên lưng trần của gã, vòng tay mềm dẻo ấy ôm chặt ngực gã, bờ má mượt mà ấy chạm vào bờ má gã... Đó là điều gã mơ thấy.

Mơ, đó là một cấp độ khác của thực. Khi kéo thuyền cho Lam, gã sống trong cùng một lúc nhiều cấp độ của thực tại.

Còn nàng, ngồi đó dịu dàng trên chiếc thuyền thúng lướt trôi bềnh bồng, đẹp xinh và huyền ảo như Chúa Tiên lững thững tiến về hòn đảo bé bỏng và kỳ diệu.

Đôi khi nàng hát. Tiếng ca nửa hồn nhiên trẻ thơ, nửa gợi cảm dậy thì. Giọng điệu vừa chơi đùa nhí nhảnh vừa e ấp ngượng ngùng.

 
Biển xanh
Bầu trời xanh
Đã ngàn năm lấp lánh
Vẫn thanh xuân không ngừng.
 
Sóng xanh
Ngàn nụ hôn
Bờ môi trăng thấp thoáng
Nhịp triều lên thì thầm.
 
Gió xanh
Cung đàn xanh
Tình mạnh hơn giông tố
Rung ngàn năm tiếng huyền.
 
Nắng xanh
Linh hồn xanh
Biển là gương vô tận
Nằm soi bóng thiên thanh.
 

Bài hát nói gì gã thực tình không hiểu. Chỉ nghe giọng nàng ngân nga. Dầm mình trong biển, đồng thời đắm mình trong dòng suối thanh âm ấy, gã ngây ngây ngất ngất.

Đôi khi nàng kể chuyện cho gã nghe. Đủ chuyện. Về con sóc nàng nuôi trên đảo. Con sóc biết nói. Thật đấy. Có điều nó nói bằng tiếng sóc. Nàng hiểu đôi chút ngôn ngữ đó, thậm chí còn hơn cả tiếng Anh mà nàng học ở trường. Vì khi nàng nói, con sóc hiểu nàng. Và nàng cũng biết nó muốn gì khi nó ngồi trên vai nàng, thầm thì với nàng. Thật đấy.

Và gã tin nàng. Tại sao không chứ? Trong thế giới hầu như câm lặng của mình, gã hiểu ngôn ngữ của sóng biển, của gió, của bầy nhạn đang lượn bay và đàn cá đang bơi lội. Đôi khi gã hiểu các ngôn ngữ ấy còn hơn cả tiếng người.

Nàng cũng kể chuyện về ngôi trường của mình. Những đứa bạn tinh nghịch. Người thầy mà nàng tôn thờ. Về chương trình văn nghệ một ngày lễ hội mà nàng có tham gia trong vai diễn “Cô bé bán diêm”.

Gã ấp úng hỏi:

- Không có Chúa Tiên sao?

Nàng ngạc nhiên:

- Chúa Tiên nào?

Bây giờ thì gã không ngừng hỏi, trái với thói quen im lặng cố hữu.

- Vậy “Cô bé bán diêm” là ai?

- Một cô bé nghèo, mồ côi, đáng thương. Cô lạnh, lạnh buốt xương. Thế là cô đốt lên từng que diêm. Cô thấy trong từng ánh lửa những gì cô mơ.

Bất ngờ, gã nói:

- Cô bé có thể nhìn mặt trời lặn trên biển. Đó là một que diêm khổng lồ.

Nàng reo lên:

- A, anh nói như là làm thơ. Que diêm khổng lồ! Mặt trời lặn! Hay thật!

Gã lắng nghe nhạc điệu trong tiếng nói của nàng. Và nghe mình hạnh phúc. Không ngờ được Chúa Tiên thán phục, dẫu là một câu nói, một khoảnh khắc. Như ánh lửa một que diêm.

Nhìn mặt trời lặn trên biển. Thì gã còn biết làm gì khác mỗi hoàng hôn?

Và nàng nói, nàng cũng thích nhìn mặt trời lặn. Trong ánh sáng cuối cùng của nó, nàng từng nhìn thấy biết bao nhiêu điều. Như khi cô bé bán diêm nhìn những ánh lửa nhỏ nhoi.

 

Nàng chuyển lên thành phố học. Gã không còn dịp đưa đón Chúa Tiên của mình nữa.

Chiều chiều, gã nhìn mặt trời lặn, cái que diêm khổng lồ bừng lên ánh lửa cuối cùng. Trong đó, Lam hiện ra, rất đẹp và rất buồn.

Một đêm, biển tràn ngập ánh trăng. Trên mặt sóng óng ả vàng rực, bềnh bồng muôn đoá sen xanh. Trên một đài sen lớn, Lam đang ngồi, dáng dấp như Chúa Tiên.

Vội vã lao xuống nước, gã bơi về phía đài sen. Nhưng khi bàn tay gã với gần tới đài, thì đoá sen xanh lớn lao ấy lại trôi đi, trôi ra xa... Gã bơi theo, tay cứ với tới phía hoa, hoa cứ trôi xa, trôi xa... Và gã tỉnh giấc.

Nhưng không phải giấc mơ nào cũng đẹp như vậy. Có khi biển không xanh nữa, trời không xanh nữa. Mặc dù tiếng hát của nàng về biển xanh, sóng xanh, gió xanh, nắng xanh vẫn ngân nga vang lừng. Mà biển lại đục ngầu như bùn. Trời đục ngầu như bùn. Bùn bốc mùi tanh tưởi. Xác cá chết, tôm chết trôi lềnh bềnh trên mặt biển, trong giông tố.

Rồi gã ngã bệnh, không đưa khách ra đảo nữa. Trong mái lều tranh tối mù, gã nằm bệnh. Bệnh gì, gã không biết, không quan tâm. Không ai chăm sóc.

Mỗi chiều, gã gắng gượng ra bờ biển ngắm mặt trời lặn. Mỗi chiều, gã lảo đảo hơn, loạng choạng hơn.

Một chiều, gã không ra biển nổi nữa. Kiệt sức. Đói. Mê mê tỉnh tỉnh.

Có tiếng người gọi. Có người xô cửa bước vào. Ánh tà huy cũng theo bước người lạ hắt tới tận giường gã. Người lạ đó là Lam. Ban đầu gã tưởng vậy. Nhưng đó chỉ là một thiếu phụ xa lạ, ánh mắt như que diêm đang cháy. Khi bà lên tiếng, giọng nói đầy quyền uy, mệnh lệnh:

- Ta cần ra hòn Lam ngay. Dậy đi, đưa ta đi!

Đương nhiên, trong tình trạng này, gã có thể từ chối. Nhưng không hiểu sao, gã vẫn cố gắng ngồi lên, lảo đảo bước ra cửa lều. Làn da xanh tái và ánh mắt như que diêm đang cháy, thiếu phụ đi theo gã.

Ra tới bãi, gã kéo thuyền thúng xuống nước. Người thiếu phụ ngồi vào chỗ Lam khi xưa, trên tấm ván mỏng bắc trên vành thúng. Một thứ nắng tàn thoi thóp còn vương trên núi xa và trên những ngọn cây dương cao nhất.

Dầm mình trong nước, gã kéo chiếc thuyền thúng đi. Nhưng nó không nhúc nhích. Bỗng dưng nó nặng như đá. Thân thể gã cũng nặng như đá, đổ nhào xuống nước... Và gã tỉnh giấc.

Đến mùa xuân, gã mới hồi phục.

 

Kết thúc học kỳ một, Lam trở về quê ăn Tết. Nàng rất nhớ hòn đảo nhỏ bé của mình. Đó là thế giới của nàng. Một hòn đảo nhỏ cộng với biển xanh vô tận. Như là cái tự ngã nhỏ bé cộng với vô vàn giấc mơ. Mỗi giấc mơ là con sóng. Có sóng dữ, sóng êm... Nhưng với đảo, sóng nào cũng là sóng.

Nóng lòng về đảo, nàng đi xe khách ban đêm. Sớm mai nàng sẽ có mặt trên bờ biển.

Còn đêm nay nàng sẽ thiếp dần vào giấc mơ.

 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021