thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hôm nay tôi không làm được điều gì cả

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

DANIIL KHARMS

(1905-1942)

 

Daniil Kharms (tên thật là Daniil Ivanovich Yuvachev) là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch người Nga, sinh ra tại St. Petersburg. Thân phụ của ông là Ivan Yuvachev, một thành viên nổi tiếng của nhóm cách mạng “Nguyện Vọng Nhân Dân”. Daniil chào đời trong lúc thân phụ của ông đang bị cầm tù vì hoạt động chống sa hoàng. Sau này, chính Daniil lại bị cầm tù bởi chính quyền “cách mạng” của Stalin, rồi chết đói trong tù.
 
Từ năm 1924, Daniil Kharms bỏ trường đại học và dấn thân vào văn chương. Năm 1928, ông sáng lập nhóm OBERIU (Hiệp Hội Nghệ Thuật Thực Sự) với các thành viên là những nghệ sĩ tiền vệ triệt để. Chế độ Stalin không chấp nhận nghệ thuật của nhóm này, nên đã bắt nhốt Daniil Kharms vào năm 1931 và đày ông từ St. Petersburg đến Kursk. Năm 1932, ông được thả trở về St. Petersburg và vừa viết vừa sống nghèo đói lây lất cho đến khi bị bắt lần cuối cùng vào năm 1941. Họ nhốt ông trong trại tâm thần của nhà giam Leningrad số 1, và ông chết ở đó vào ngày 2 tháng 2 năm 1942, vì đói.
 
Năm 1962, một số tác phẩm ông viết cho thiếu nhi mới bắt đầu được ấn hành, và sau đó họ cho in một số truyện khôi hài của ông. Mãi đến năm 1987, chính sách glasnost mới cho phép xuất bản hàng loạt các tác phẩm chính của Daniil Kharms.
 
Nhà văn George Saunders nhận định: “Kharms nằm trong cùng một tủ sách với Tolstoy, Chekhov, và Babel... như một trong những nhà tiền phong vĩ đại của truyện ngắn đương đại. Trong thể loại này, truyện ngắn của ông sẽ là những tác phẩm ngắn gọn nhất, khôi hài nhất, và ở những phương diện nào đó, trung thực nhất... Truyện ngắn của ông gần như không có hình hài, nhưng vừa bạo động, buồn bã, vừa khoái hoạt và kinh hoàng trong cùng một lúc.”
 
Năm 1998, một số truyện cực ngắn và thơ của Daniil Kharms đã được Vladimir Miller và Alexandr Alexandrov phổ nhạc và thu vào đĩa CD, dưới nhan đề Kharms - 10 Incidents - Moscow Composers Orchestra.

 

_____________

 

HÔM NAY TÔI KHÔNG LÀM ĐƯỢC ĐIỀU GÌ CẢ

 

Chúng tôi ở trong hai căn phòng. Bạn tôi lấy phòng nhỏ hơn, tôi lấy phòng lớn hơn, có đến ba cửa sổ. Bạn tôi đi ra ngoài suốt ngày và chỉ trở về vào ban đêm. Còn tôi, tôi ở trong phòng suốt ngày, và nếu tôi đi ra ngoài thì hoặc là đến bưu điện hoặc là mua cái gì cho bữa ăn chiều. Hơn nữa, tôi bị viêm màng phổi, nghĩa là càng có thêm lý do để không đi ra ngoài.

Tôi thích ở một mình. Nhưng rồi một tháng trôi qua, và tôi chán ngán sự cô đơn của tôi. Những cuốn sách không làm tôi vui, và tôi thường ngồi tại bàn viết rất lâu mà chẳng viết một dòng. Rồi tôi rời trang giấy chưa có chữ, nhặt lại cuốn sách để đọc tiếp. Và trong tình trạng tệ hại tột cùng ấy, tôi bắt đầu cáu kỉnh.

Lúc ấy tôi sống trong một thành phố chán ngắt. Nó ở trên một ngọn đồi, và nhìn chỗ nào bạn cũng thấy nó giống như một tấm bưu ảnh. Tôi bắt đầu ghê tởm những quang cảnh ấy đến mức tôi ở trong nhà thì thấy vui hơn. Và, thật vậy, ngoại trừ bưu điện, chợ, và cửa hàng tạp hoá, thì chẳng còn nơi nào để đi.

Vì thế tôi ngồi ở nhà như một ẩn sĩ.

Có những ngày tôi không ăn gì cả. Trong những ngày đó, tôi cố gắng tạo ra một tâm trạng vui tươi cho chính mình. Tôi nằm trên giường và mỉm cười. Tôi mỉm cười mỗi lần hai mươi phút, nhưng rồi nụ cười biến thành một cái ngáp. Chẳng thú vị chút nào. Tôi mở hé miệng chỉ đủ để mỉm cười, nhưng nó lại mở rộng ra thêm và tôi ngáp. Thế là tôi bắt đầu mơ giữa ban ngày.

Tôi thấy trước mắt tôi có một bình đựng đầy sữa và những miếng bánh mì mới. Và chính tôi đang ngồi tại một cái bàn và đang viết lia lịa. Trên bàn, trên những cái ghế, trên giường là những tờ giấy đầy chữ viết. Và tôi viết nữa, viết nữa, nháy mắt và mỉm cười với những ý tưởng của mình. Và tuyệt vời biết bao khi gần kề bên tôi là bánh mì và sữa và một hộp chạm trổ đẹp đẽ bằng gỗ hồ đào đựng đầy thuốc lá!

Tôi mở cửa sổ và nhìn ra vườn. Những đoá hoa tím và vàng mọc ngay bên vách nhà. Cây thuốc lá cũng đang mọc lên, và xa hơn một chút là cây hạt dẻ cao lớn. Và bắt đầu từ chỗ ấy là một vườn cây.

Cảnh vật rất yên tĩnh. Chỉ có những chuyến xe lửa rúc còi dưới chân núi.

Hôm nay tôi không làm được điều gì cả. Tôi bước loanh quanh trong phòng, rồi ngồi xuống nơi bàn viết, nhưng chẳng mấy chốc tôi lại đứng lên và sang ngồi trên chiếc ghế bập bênh. Tôi nhặt một cuốn sách và lập tức vất nó đi, rồi lại bước loanh quanh trong phòng.

Thình lình tôi có cảm giác như tôi đã quên một điều gì đó, một sự kiện hay một chữ quan trọng nào đó.

Tôi vất vả cố gắng nhớ lại chữ ấy, và dường như nó bắt đầu với mẫu tự “L”. Không, không! Không phải với “L” gì cả, mà với “Đ”.

Lý do? Lạc thú? Lầm lẫn? Linh hồn? Hay: Đầu óc? Đau khổ? Đề tài?

Tôi vừa làm cà-phê vừa hát nhẩm cho mình tất cả những chữ bắt đầu với “Đ”. Ôi, thật là một số lượng kỳ vĩ của những chữ tôi phát hiện có “Đ” đi đầu! Có lẽ giữa tất cả những chữ ấy có cái chữ mà tôi cần nhớ, nhưng tôi không nhận ra nó, chỉ thấy nó cũng giống như mọi chữ khác.

Tuy nhiên, cũng có lẽ chữ ấy chưa xuất hiện.

 

(1932-1933)

 

 

---------
Nhan đề “Hôm nay tôi không làm được điều gì cả” là do người dịch đặt ra. Truyện ngắn vô đề này được dịch từ bản Anh ngữ trong cuốn Today I Wrote Nothing: The Selected Writings of Daniil Kharms, ed. & trans. Matvei Yankelevich et al (New York: Overlook Press, 2007) 174-175.
 
 
 

Đã đăng:

... Nhưng, dù sao đi nữa, ta đang nói về cái gì vậy? Chắc chắn ta đã nói rằng ở bên trong, cũng như ở bên ngoài Nikolay Ivanovich, chẳng có cái gì hiện hữu. Vậy nếu như, cả ở bên trong lẫn ở bên ngoài, chẳng có cái gì hiện hữu, thì điều đó có nghĩa là cả cái chai cũng chẳng hiện hữu. Phải vậy không nào?... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Hoạ sĩ Michelangelo nhìn xuống và nhận thấy có cái gì trong mắt mình. Hoạ sĩ Michelangelo đưa hai tay dụi mắt. Và con gà trống tơ không còn đứng ở đó nữa, không còn đứng ở đó nữa mà lại đang bước đi, đang bước đi ra phía sau cái kho xép, ra phía sau cái kho xép rồi đến cái rông nuôi gà, đến cái rông nuôi gà để tìm bầy gà mái của nó... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Hành hình bởi đám đông | Cái hòm  (truyện / tuỳ bút) 
... Đám đông hăng máu lên và, vì cần có một nạn nhân để trút sự bực tức, túm lấy chính gã có chiều cao trung bình và xé đứt phăng cái đầu của gã. Cái đầu bị đứt lăn xuống lề đường và kẹt vào lỗ cống mở nắp... | Một người đàn ông có cái cổ khẳng khiu trèo vào trong một cái hòm, đóng nắp hòm và bắt đầu thở hổn hển lấy hơi. “Đấy,” người đàn ông có cái cổ khẳng khiu vừa nói vừa thở hổn hển lấy hơi. “Tôi đang thở hổn hển lấy hơi trong cái hòm này vì tôi có một cái cổ khẳng khiu... “ ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Chàng thanh niên dùng đôi găng tay vuốt lên hai ống quần và hỏi, với một giọng thanh tao: “Xin ông bạn già cho tôi biết, bằng cách nào tôi có thể lên thiên đường từ chỗ này?”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Kiểu cười thứ nhất cần có thêm màn tạp hí do một nghệ sĩ tạp hí biểu diễn, nhưng kiểu cười thứ hai thì khá hơn. Còn những kẻ ngu xuẩn thì chả cần phải cười... | ... sự bất tử luôn luôn dính liền với cái chết và được nhiều tôn giáo khác nhau xem như một lạc thú vĩnh cửu, hay một nhục hình vĩnh cửu, hoặc như một sự đoạn tuyệt vĩnh cửu với cả lạc thú lẫn nhục hình... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Lý luận về hình tròn  (truyện / tuỳ bút) 
Đừng cảm thấy bị xúc phạm bởi chuỗi lý luận sau đây, vì nó chẳng có gì gây xúc phạm cả, trừ khi bạn không chấp nhận rằng hình tròn có thể được diễn tả qua nhãn quan hình học. Nếu tôi nói rằng hình tròn có bốn đường bán kính, và bạn nói: không phải bốn, chỉ một mà thôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Một lần nọ, một ông giáo sư nào đó ăn một cái gì đó không tiêu và bắt đầu ói mửa. Vợ của ông vào hỏi ông: “Sao vậy?” Nhưng ông giáo sư trả lời: “Chẳng có gì cả.” Vợ của ông lui ra ngoài... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Giấc chiêm bao  (truyện / tuỳ bút) 
... Một viên thanh tra vệ sinh đang rảo bước quanh khu chúng cư, vừa trông thấy Kalugin, liền quyết định rằng chàng không lành mạnh và hoàn toàn vô dụng cho bất cứ điều gì, và ông bảo đám lao công vệ sinh ném Kalugin ra ngoài cùng với rác rưởi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Có tiếng lắc cắc trong cái đồng hồ treo tường, và tôi được các thiên thần đến thăm viếng. Trước hết, tôi không nhận ra rằng mình được các thiên thần đến thăm viếng. Trái lại, tôi tưởng rằng có điều gì trục trặc trong cái đồng hồ treo tường. Nhưng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Một câu chuyện  (truyện / tuỳ bút) 
... Vanya lấy bút chì ra và viết: “Ngày xửa ngày xưa có một ông vua...” Rồi chàng bắt đầu nghĩ ngợi và ngước mắt lên trần nhà. Lenochka liếc vào cuốn sổ tay và đọc đoạn văn của Vanya. “Câu chuyện này đã được viết rồi mà,” Lenochka nói... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Năm câu chuyện bỏ lửng  (truyện / tuỳ bút) 
Một người đàn ông nào đó, đang chạy ngon trớn, bỗng tông đầu vào một nhà lò rèn mạnh đến nỗi bác thợ rèn đang làm việc phải dừng lại, đặt cái búa tạ qua một bên, cởi tấm tạp-dề bằng da và, sau khi dùng bàn tay vuốt tóc cho tươm tất, bước ra đường để xem cái gì vừa xảy ra... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
(Hai truyện cực ngắn, viết dưới hình thức kịch bản) GOGOL té nhào từ cánh gà ra sân khấu và nằm im ở đó. PUSHKIN xuất hiện trên sân khấu, vấp phải GOGOL và té nhào... | NHÀ TOÁN HỌC (Rút từ trong đầu ông ra một quả bóng ) Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng. Tôi đã rút từ trong đầu tôi ra một quả bóng... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
IỚIG ẾHT  (truyện / tuỳ bút) 
Có một dạo tôi tin rằng tôi đã nhìn thấy thế giới. Nhưng thế giới như một toàn thể thì mắt tôi không chạm tới được, tôi chỉ thấy những mảnh vụn của nó. Và tất cả những gì tôi trông thấy, tôi gọi là “những mảnh vụn của thế giới”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... NHÀ VĂN: Tôi là một nhà văn. ĐỘC GIẢ: Tôi nghĩ ông là cứt! NHÀ VĂN đứng sững vài phút, run rẩy trước ý tưởng mới lạ này, rồi ngã xuống chết điếng. Ông được khiêng đi chỗ khác... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Bốn truyện cực ngắn  (truyện / tuỳ bút) 
(Bốn truyện cực ngắn rất đặc dị của một nhà văn Nga kỳ tài nhưng phải chết vì bị bỏ đói trong nhà tù của Stalin.) Có một người đàn ông tóc đỏ không có mắt cũng chẳng có tai. Gã cũng chẳng có sợi tóc nào, vì thế gã được gọi là tóc đỏ, một cách lý thuyết. Gã không thể nói, vì gã không có miệng. Gã cũng chẳng có mũi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thật là khó bàn về Pushkin với một người không biết gì về Pushkin. Pushkin là một nhà thơ vĩ đại. Napoleon không vĩ đại bằng Pushkin... | Tôi không ưa con nít, ông già, bà già và những người có tuổi, đứng đắn. / Thật là dã man cho con nít uống thuốc giết chuột. Nhưng phải có biện pháp với chúng nó chứ! / Tôi chỉ tôn trọng những thiếu nữ khoẻ mạnh, đầy đặn. Tôi nghi ngờ tất cả đại biểu khác của loài người… [Bản dịch của Đinh Linh]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021