thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nàng Tấm năm 81
 
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

NADINE MONFILS

(1953~)

 

Nadine Monfils là nhà thơ, tiểu thuyết gia, kịch tác gia, nhà đạo diễn và phê bình điện ảnh, sinh năm 1953 tại Bruxelles, Bỉ. Những tác phẩm gần đây nhất gồm có: Contes cruels (tập truyện ngắn, xnb Blanche, 2008), Babylone dream (tiểu thuyết, nxb Belfond, 2007), Nickel Blues (tiểu thuyết, nxb Belfond, 2008), Les fleurs brûlées (tiểu thuyết, nxb Mijade, 2008). Những người mê điện ảnh hẳn đã xem hai cuốn phim của bà: Un Noël de chien (1999) và Madame Edouard (2004).

 

__________

 

 

NÀNG TẤM NĂM 81

 

Đúng vào sáng hôm ấy, Tấm mặc chiếc quần lót G-string mà nàng đã thắng được trong một cuộc xổ số địa phương, và, tay cầm cái chổi lông gà, nàng làm công việc phủi bụi cho bộ sưu tập các vật thể mỹ thuật của ông chủ.

Đó là một ông chủ quái ác, và nàng Tấm bé bỏng không vui chút nào. Cô bé đáng thương làm việc quần quật cả ngày, nhưng ông chẳng bao giờ ban cho cô bé bất cứ phần thưởng nào ngoài những cái rờ rẫm cọ quẹt.

Tuy nhiên, khi ông có mặt ở đó, nàng luôn luôn tìm cách trèo lên chiếc thang cao để phủi bụi trên nóc những tủ trưng bày, nhưng vô ích... Ông cứ tiếp tục cắm cúi đọc báo, không hề ngước mắt lên nhìn cặp mông của nàng. Không những ông đã xơi cái trinh tiết của nàng, mà ông còn mắc phải chứng tham ăn tồi tệ nhất. Ông sưu tập những bộ răng giả cũ. Mỗi bữa ăn, ông nhét một bộ răng giả vào mồm và hút sạch phần thức ăn thừa qua những kẽ răng.

Nàng Tấm bé bỏng phải ăn trong bát đồ ăn của chó. Đôi khi nàng phải liếm cái gậy của ông chủ để được ông chừa lại cho một chút thịt sườn bò. Thế rồi nàng ngủ trưa trong cái tủ bằng vải bố dưới gậm cầu thang. Ở đó nàng giấu một mớ kẹo sô-cô-la để nhâm nhi và một cái đèn pin để đọc những tạp chí khiêu dâm mà thằng con của ông bán sữa đã cho nàng mượn. Nhưng thằng láu cá ấy chẳng cho mượn miễn phí đâu nhá! Để đổi lại, nàng Tấm phải chìa mông đít cho nó. Điều đó chẳng làm phiền cô bé chút nào, không, ngược lại là đằng khác, nàng rất khoái điều đó. Nàng luôn luôn sẵn sàng phục vụ!

Một đêm kia, một người nào đó đã nhét một bức điện tín dưới khe cửa nhà ông chủ. Bức điện tín thông báo cuộc trở về của cô Cám, con gái của ông. Năm trước, cô đã đi đến Mont Tremoitou để nghiên cứu thuật tiên tri và ngoại cảm, nhưng bây giờ cô trở về, mang theo nước mắt và hành trang, hoàn toàn chẳng tìm thấy được một chiếc hài thần kỳ nào cho bàn chân cô.

Từ đầu, chuyến ra đi của Cám đã được quyết định rất nhanh chóng.

Một ngày nọ, hồi còn đi học ở trường, cô đã học được rằng vào thời La-mã xa xưa ai trông thấy một con chim bay ngược thì sẽ gặp điều xui xẻo. Khi vừa bước ra khỏi lớp học, cô đã bắt gặp một con chim đập cánh từ sau ra trước và vì thế nó bay ngược. Cô Cám mải ngẩn ngơ nhìn con chim nên đạp nhằm cứt chó, ngã lăn ra. Thế là vận rủi đã đến.

Đối với cô, đó là một sự mặc khải.

Cô mang chiếc mũi gãy về nhà, tin chắc vào tính trung thực của cái điềm gở ấy. Cô muốn học hỏi thêm nhiều về đề tài này, và đặc biệt là nghiên cứu về những chàng trai da rám nắng, vì thế cô năn nỉ cha cô mua vé máy bay cho cô. Nghĩ rằng con gái mình đi khuất mắt sẽ là điều tốt cho hàng xóm láng giềng, cha cô đồng ý, nhưng với một điều kiện là cô phải ra đi bằng tiền do chính cô làm ra.

“Không gì tốt hơn là có những đứa con biết tự lo cho bản thân chúng nó,” ông nói với vợ như thế.

Với kế hoạch ấy, cô Cám cảm thấy mọi sự đã được an bài. Cô bỏ đôi dép da của cô bên cạnh đường xe lửa tại trạm ga phía bắc và tiếp kiến một nhà mạnh thường quân nghệ thuật. Khi gã rảo bước, bạn có thể nghe tiếng những đồng xu leng keng trong túi áo khoác của gã.

Mỗi đêm, gã nhặt cái hũ đựng tiền lẻ từ trong chiếc xe thể thao của gã. Rồi cô Cám hôn lên cây gạc nước và nhấn cái nút mồi thuốc lá. Chẳng mấy chốc, nó nóng lên. Casanova (đó là tên của nhà mạnh thường quân) nhấn lút ga mà không cần đổi tốc độ. Rồi gã chạy cho đến khi động cơ chết ngắc và gã lấy lại sức trong lúc ngáy khò khò trong chiếc xe đậu bên lề đường.

Sau vài cuộc “dạo mát” trên xe, Cám đã kiếm đủ tiền để bảo đảm sống “hơn cả thoải mái” ở Mont Tremoitou. Đúng ra, cô gái táo tợn đã lợi dụng lúc cô giả vờ nựng dăm ba kiểu táo bạo để thò tay vào ví của nhà mạnh thường quân.

Khi cô ra đi, cả hàng xóm láng giềng đều bị choáng ngợp vì xúc động. Ngay cả cái ông ở nhà kế bên, thường chẳng bao giờ bước ra khỏi cửa, cũng ngồi chàng hảng trên thành lan can để tiễn đưa. Ở tiệm bán thực phẩm đặc chế, ông chủ tiệm treo lồng chim kim tước bên cửa sổ để con chim hát lên khúc biệt ly. Ông bán thịt, ngồi trên khúc xương nấu xúp, vẫy chiếc khăn tay màu đỏ. Cha của Cám nghẹn ngào đến mức ông không thể cài được nút cổ áo.

Một tuần sau, mẹ của cô Cám nhận được một lá thư:

Mẹ yêu,
 
Mọi sự đều tốt đẹp, ở đây ngập ánh mặt trời, thật là một xứ sở tuyệt vời. Mẹ và Bố phải đến đây nghỉ mát. Người ta rất dễ thương. Công việc nghiên cứu của con đang tiến hành trôi chảy, va con thấy những viễn cảnh thú vị. Con phải dừng bút vì có người đang đợi con.
 
Mong gặp lại Mẹ. Hôn Bố giùm con nhé.
 
Cám

Một tháng sau, có lá thư thứ nhì:

Bố,
 
Con đã chán ngán, đây là một xứ sở khủng khiếp; có quá nhiều vi trùng, thức ăn thì tệ hại, và con người thì ngu xuẩn.
 
Con sắp trở về.
 
Cám

Hoảng hốt, cha của Cám gửi điện tín:

Đừng trở về nhà. Hàng xóm sẽ đàm tiếu như thế nào? Ở đó cho đến cuối năm. Đây là một mệnh lệnh.
 
Thân yêu, Bố

Không dám cãi lời cha, Cám đợi cho đến cuối năm, rồi trở về, mang theo bệnh sốt rét như một kỷ vật. Trước khi gặp lại hàng xóm láng giềng, cô cẩn thận dừng chân một tuần lễ ở một thị trấn gần đó, và vào mỹ viện vài lần, hấp cho nâu da, để diện mạo trông khá hơn. Khi về đến nhà, cô bối rối thú nhận rằng đã không tìm được một tấm chồng.

“Đừng lo,” mẹ cô nói thầm thì. “Đêm mai sẽ có một dạ hội khiêu vũ tại Hôtel de Ville. Mẹ vẫn còn bộ váy cưới, và mẹ sẽ sửa nó lại cho con. Mẹ cam đoan rằng con sẽ là người đẹp nhất. Bọn con trai sẽ phủ phục dưới chân con.”

Nàng Tấm, đang quét cầu thang, nghe không sót một lời.

“Sao mình lại không thể dự cái dạ vũ này nhỉ?” Nàng nghĩ.

Tội nghiệp, cô bé nghèo chẳng có gì ngoài một cái áo đầm ngắn tay và một đôi giày bằng thuỷ tinh thừa hưởng từ bà ngoại. Nhưng điều đó cũng chẳng thành vấn đề gì cho lắm. Điều tệ nhất là bọn con trai điạ phương chỉ ngưỡng mộ những đứa con gái cưỡi xe gắn máy.

Thình lình nàng nẩy ra một ý nghĩ: “Tại sao mình không đến gặp ông bố đỡ đầu của mình nhỉ? Ông ấy là thợ máy, gò được cả vỏ xe, có lẽ ông ấy giúp mình được.”

Ngay khi làm xong việc, cô đến thăm ông bố đỡ đầu, người quản lý của cái tiệm tên là “Gò Vỏ Xe”.

“Chào Bố. Bố ơi, con cần một chiếc xe gắn máy cho đêm mai.”

“Tạ ơn Trời!” ông vỗ đùi, kêu lên. “Con thật là may mắn! Bố có đúng phóc cái món con cần. Tuyệt hảo đấy nhé!”

Ông bước ra ngoài chốc lát rồi quay lại với một đống kim loại trông hơi giống một chiếc xe gắn máy. Thấy đứa con gái nhăn mặt, ông cố trấn an:

“Đừng nhăn mặt chứ. Bố chỉ cần vẩy cái đũa thần một phát, thì ngày mai con sẽ không nhận ra nó nữa đấy. Hàn một chút chỗ này, xịt sơn một chút chỗ kia, rồi một ngón dứt điểm đặc biệt của bố chạm nhẹ vào là nó sẽ biến thành một chiếc Harley Davidson ngay thôi.”

Cô bé hôn lên chân mày của ông bố đỡ đầu và khôn ngoan trở về nhà ông chủ để nghỉ ngơi, giữ sức cho cuộc dạ vũ.

Suốt đêm nàng mơ mộng về món đồ chơi mới của nàng. Sáng sớm, nàng đến thăm ông bố đỡ đầu để xem chiếc xe đã sẵn sàng chưa.

“Chưa đâu, trước hết bố phải làm vệ sinh buổi sáng, và con biết không, bố phải mất nhiều thì giờ để bắt cho hết những con rận. Bố luôn luôn quên bọn chúng, và qua một đêm thì bọn chúng lại tiếp tục sinh sôi nảy nở. Chuyện này đã tái diễn suốt hai chục năm rồi. Bố cũng đang quen dần với tình trạng này. Nhưng con đừng lo, tối nay con sẽ có chiếc xe.”

Ngày trở nên dài lê thê cho nàng Tấm. Những giấc mơ tươi đẹp và những điều cần chuẩn bị cho cuộc dạ vũ quay mòng mòng chung quanh nàng.

“Ôi, giá như mình có thể tìm được một tấm chồng,” nàng Tấm nghĩ thầm, “mình sẽ vui sướng biết mấy! Đặc biệt là vì tất cả bạn gái của mình đều đã có gia đình! Dung nhan mình trông có đáng lọt mắt xanh của ai không?”

Rốt cuộc thì cũng sắp đến giờ khai mạc buổi dạ vũ mà nàng nôn nao mong đợi. Nàng Tấm xin phép ông chủ cho nàng ngưng làm việc sớm hơn một tiếng đồng hồ.

“Cái gì? Mày cũng đi dạ vũ hả?” Ông bắt đầu cười. Vợ và con gái ông cũng hùa theo, cười ha hả.

Nhưng nàng Tấm chẳng hề hấn cả.

“Nếu mà họ biết...” nàng nghĩ, “họ sẽ rú lên vì ghen tỵ khi thấy chiếc xe hết sẩy của mình.”

Nàng giũ tấp tạp-dề bụi bặm của nàng, xỏ đôi giày thuỷ tinh vào, và ra đi.

Cái bụng xệ thõng ra khỏi cái bút nịt, bố đỡ đầu của nàng đứng đợi nàng:

“Ôi, con gái của bố, con sẽ chóng mặt cho mà xem! Ngồi xuống đây. Bố sợ con bị nhồi máu cơ tim. Hãy tưởng tượng! Chẳng mấy chốc con sẽ kiêu hãnh phóng vun vút trên cái kỳ quan cơ khí này. Bố đang nói gì vậy? Cái món châu báu này!”

Để làm tăng sự hồi hộp, ông đã gói chiếc xe gắn máy trong tấm giấy màu xám dính dầu máy.

Nàng muốn xé toang ngay tấm giấy ra để chiêm ngưỡng món quà của nàng, nhưng ông bố đỡ đầu của nàng đã kềm cái nhiệt tình của nàng lại.

“Chậm tay lại, đừng làm hỏng tấm giấy gói, bố sẽ còn dùng nó nữa.”

Hết sức cẩn trọng, nàng Tấm tháo tấm giấy ra. Nàng không thể không reo lên một lời ngưỡng mộ.

“Ồ! Đẹp quá!”

Trước mắt nàng là một cái máy đỏ chói như quả táo bọc đường, có dán đầy những khẩu hiệu thời thượng và những cái nhãn sặc sỡ. Lủng lẳng nơi mỗi đầu tay lái là một cái đuôi chồn vằn, giống y như cái đuôi chồn trên mũ của người hùng Davy Crockett.

“Cảm ơn, cảm ơn bố đỡ đầu, bố thật tuyệt vời!”

Nàng ngồi chễm chệ trên chiếc xe đẹp như mơ trong lúc ông bố đỡ đầu căn dặn: “Hãy cẩn thận, và trên hết, hãy trở về trước nửa đêm, nếu không thì cái máy sẽ bị lạnh, xe không nổ máy được đâu.”

Nàng Tấm rú ga, xe lăn bánh trong một đám khói mù mịt. Vừa chạy ra đường được dăm ba mét, cái máy vô địch của nàng ho húng hắng một tràng rồi chết ngắc. Ông bố đỡ đầu chạy tới, tống một đạp vào chiếc xe, và nó phóng vèo đi với tốc lực tối đa.

Ngay khi nàng Tấm lái xe vào cổng Hôtel de Ville, thì Cám cùng mẹ của cô cũng vừa đến, hai mẹ con cặp tay nhau. Nhưng cô ta bước vào mà chẳng ai thèm để ý. Cả đám con trai đều ngó chằm chặp vào chiếc xe gắn máy của nàng Tấm. Điên tiết, cô Cám nhe răng ra gầm gừ.

Nàng Tấm chỉ khiêu vũ một chốc vì đôi giày của nàng cứng quá, nhưng nàng uống rất nhiều. Nhiều đến mức nàng chỉ còn nhớ loáng thoáng một vài điều đã diễn ra trong đêm ấy.

Khi cô bé đang toả hơi men dưới gậm bàn, thì nhà thờ đổ chuông nửa đêm. Người hầu bàn đánh thức nàng dậy như nàng đã dặn trước.

Mademoiselle ơi, đến giờ rồi!”

“Ồ! Merci,” nàng nói lắp bắp.

Trong lúc vội vã chạy xuống bậc tam cấp thênh thang của Hôtel de Ville, nàng làm rớt một chiếc giày. Nàng nhảy lên chiếc xe của nàng, rồ ga. Nó phóng vèo đi, nhưng chết ngắc ngay tại ngả tư thứ nhì. Nàng Tấm bỏ chiếc xe nằm bên lề đường và ngồi suốt đêm bên cạnh nó.

Sáng hôm sau, một tiếng nói đánh thức nàng: “Ô kìa, cô bé, cô té xe đấy à? Đúng là thế. Làm việc quá sức, mệt mỏi, rồi sinh ra tai nạn.”

Một bà già đang cúi xuống nhìn Tấm. Cô bé duỗi tay chân, ngáp, và bà già dội ngược ra sau. Hơi thở của Tấm bốc mùi đủ để làm người chết cũng phải giật mình.

“Chán quá,” cô bé càu nhàu, “mất mẹ nó một chiếc giày rồi.”

Nàng leo lên một chiếc xe buýt và đi về nhà ông chủ. Bầu không khí trong nhà không thoải mái chút nào vì cuộc săn chồng của cô Cám thất bại.

Nàng Tấm nói bonjour với mọi người rồi đi phủi bụi chung quanh cái tủ bằng vải bố...

Ngay chiều hôm đó, một biến cố đã xảy ra và làm thay đổi cuộc đời của nàng Tấm.

Có người gõ cửa. Mẹ của cô Cám mở cửa và thấy một người đàn ông mặc áo khoác màu đen bằng da giả. Hắn có một bộ ria đỏ hung và đang nhóp nhép nhai thuốc lá sợi.

Bonjour, Madame. Đêm hôm qua tại cuộc dạ vũ tôi nhặt được một chiếc giày có ghi địa chỉ ở dưới đế. Vì địa chỉ đó đúng là nhà này, tôi mạn phép phỏng đoán rằng chiếc giày là của bà, phải không ạ?”

Mẹ của Cám thầm nghĩ “có lẽ đây là một cơ hội cho con gái của mình lấy...”

“Không, monsieur, chiếc giày đó không phải của tôi, nó là của con gái tôi. Nhưng, vào đây, vào đây.”

Merci, Madame. Đây là điều mà tôi tự nhủ: Marcel, thằng con trai già ơi, đây là cơ hội của đời mi! Mi thất nghiệp và đến tuổi này mi vẫn còn độc thân. Đây là lúc để mi nghĩ đến chuyện lập gia đình. Chắc chắn là vậy. Tôi chán ngán phải ngồi lê la ở nhà suốt cả ngày, cho nên tôi đến quán nhậu để giết thì giờ. Hãy để tôi nói cho bà nghe, đó không phải là một cuộc sống! Không gì khổ hơn là đi về nhà vừa buồn mửa vừa nhức đầu. Vậy nên, tôi tự nhủ: phải thay đổi! Tôi đã quyết định cưới chủ nhân của chiếc giày này. Thời bây giờ, hẳn là bà cũng thấy tất cả bọn con gái ở cuộc dạ vũ đều mang giày cao gót và mặc váy ngắn... và bọn chúng thậm chí không biết cách luộc một quả trứng! Tôi nghĩ người nào làm chủ chiếc giày này chắc hẳn là một người vợ tốt, giản dị, không làm bộ làm dáng, và sẽ gìn giữ cho nhà cửa tươm tất.”

Nghe lời cầu hôn này, mẹ của cô Cám không để mất một tích tắc, lập tức kêu con gái:

“Cám ơi, ra đây, nhanh lên!”

Vài giây đồng hồ sau, cô Tấm bước ra. Mẹ cô kể cho cô nghe đầu đuôi sự tình. Cô Cám ngồi xuống, ráng xỏ bàn chân vào chiếc giày, nhưng bàn chân của cô to quá.

“Cởi đôi tất len đó ra,” mẹ của cô khuyên cô. “Làm vậy mới được”

Nhưng ngay cả với bàn chân trần, cô cũng không cách nào mang được chiếc giày.

“Khoan đã, chiếc giày đó là của tôi!”

Marcel mang chiếc giày vào chân nàng Tấm và nó vừa khít!

Nàng Tấm thành hôn với chàng Hoàng Tử Hào Hoa thất nghiệp của nàng, và đẻ ra một bầy con nít.

Mỗi buổi sáng, cầm cái chổi lông gà, Tấm phủi bụi trên bộ chén tách sành sứ xinh xắn mà một bà dì già đã tặng nàng như một món quà cưới. Ngay khi phủi bụi xong, nàng giúp lũ trẻ con thức dậy, rồi tắm rửa cho chúng, mặc quần áo cho chúng, chải đầu cho chúng, và dắt chúng đến trường. Sau đó nàng dọn bữa điểm tâm cho chồng và quét dọn nhà cửa. Đến trưa, nàng đánh thức Marcel dậy vì bạn bè của hắn đang đợi hắn đến quán nhậu gần đó để chơi bài.

Suốt buổi chiều, nàng ủi quần áo, sắp xếp đồ đạc trong nhà cho ngăn nắp, rồi nấu bữa ăn tối. Nàng vừa kịp gội đầu, chải tóc, thì lũ trẻ con đã đi học về.

Cuối cùng, buổi tối đến trên đôi cánh nhẹ nhàng của nó...

Marcel từ quán nhậu trở về cùng với vài tên bạn, và cả bọn đàn ông ngồi thừ người trước cái TV trong khi nàng Tấm bận bịu gọt rửa khoai đậu để chuẩn bị cho những bữa ăn ngày mai.

Một chiếc giày thuỷ tinh nằm trên bệ cửa sổ ở phòng khách. Đó là kỷ vật của cuộc hôn phối lãng mạn của họ.

Sau mười năm chung sống, Marcel đặt một bóng đèn vào trong chiếc giày để làm nó phát ra ánh sáng.

Và như thế, những truyện cổ tích thần tiên vẫn còn trở thành hiện thực.

 

 

----------
Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp “Cendrillon '81”, trong tập truyện ngắn của nhiều tác giả, Les yeux comme un Bouddha: dix coups de coeur pour dix ans d' édition littéraire: nouvelles: 1981-1991 (Bruxelles: Le Cri, 1991) 7-15.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021