thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bọt xà phòng trên nước bẩn

 

Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

TÀN TUYẾT

(1953~)

 

Lời giới thiệu của người dịch:
 
      Tàn Tuyết tên thật là Trịnh Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
      Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
      Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
      Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài nhiều nhất.
      Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
      Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng... trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay động tâm phách con người.
      Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...; còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”.

 

______________________________

 

BỌT XÀ PHÒNG TRÊN NƯỚC BẨN

 

Mẹ tôi đã biến thành một chậu nước xà phòng.

Không ai biết việc này. Nếu có người nào đó biết chuyện nhà tôi, hẳn họ sẽ chửi tôi là đồ súc sinh, là kẻ mưu sát hiểm độc và ti tiện.

Sáng nay, bà liên hồi la gọi tôi trong bếp, đến nỗi màng tang tôi rát lên.

Từ năm ngoái đến bây giờ, bà cứ ngủ trong nhà bếp. Mà thực ra, không phải là nhà tôi không có buồng ngủ. Nhưng không lúc nào bà quên than phiền với tôi rằng sao nhà cửa lạnh như hố băng, vừa bước vào là mũi dãi lòng thòng. Bà mắng tôi là “đứa ngỗ ngược”, là ngược đãi mẹ già trắng trợn, và cuối cùng kết thúc bằng những tiếng gào khóc thảm thiết.

Một hôm, không biết làm thế nào mà bà lại trèo lên được nóc gác — nơi từ nhiều năm qua bà chưa từng lên — tìm được một cái giường xếp cũ nát. Mặt mũi bà trở nên rạng rỡ vui vẻ như bắt được của quý, rồi ngay sau đó bà đem cái khung giường ấy đặt đối diện với lò than trong bếp.

“Mẹ ơi, cẩn thận kẻo trúng độc khí than bếp lò đấy”.

“Được rồi, con ngoan!” Bà vỗ vai tôi. “Đó không phải là điều mà mày trông đợi hay sao? Điều mà ngày đêm mày mơ tưởng chính là chuyện này chứ gì nữa, tao rõ cả rồi. Mày cứ kiên nhẫn đợi đi, có lẽ sắp được như mong ước rồi đấy con ạ!”

Tôi đỏ mặt, trong miệng lúng búng mấy tiếng không hiểu ra làm sao.

Để thị uy với tôi, trước khi ngủ, bà đóng cửa sổ nhà bếp lại thật mạnh, nghe ầm ầm. Điều kỳ lạ là không khi nào bà trúng độc. Có lần nửa đêm tôi đau đầu trở dậy và hoài nghi rằng không biết có phải bà đã trúng độc chết rồi hay chưa. Tôi khoác áo bước ra ngoài, đến bên ngoài cửa nhà bếp, liền nghe tiếng ngáy rất lớn bên trong, tựa như tiếng một con heo nái nằm trong đó — bà đang ngủ say sưa. Khi ngủ trong bếp, bà luôn nói rằng có một con bọ cạp chích vào đầu, khiến cho một nửa đầu tê dại, sau đó bà trở dậy lục lọi rương tủ, khiến cho tôi suốt đêm phải mất ngủ. Mỗi lần tôi ra hiệu cho bà biết nỗi khổ sở ấy của tôi, thì bà lại đùng đùng giận dữ: “Bây giờ có chuyện đó sao? Ngay cả một sở thích nhỏ xíu của mẹ mày cũng bị tước đoạt, trời cao đất dày ơi!” Sau đó bà gào khóc, rồi xô đẩy và dùng nước bọt bôi cả lên người tôi.

Tôi vào nhà bếp, thấy cái mặt ngái ngủ của bà thò ra từ chiếc chăn đen sì, khạc nhổ và nói: “Hôm nay mày đem lễ vật sang nhà Vương Kỳ Vưu đi, hôm qua tao đã mua rồi, đặt trên nóc tủ lớn ấy”. Bà cười một cách quỷ quái, tựa như đã sắp đặt xong một âm mưu nào đó và chỉ đợi tôi mắc bẫy.

Vương Kỳ Vưu là một trưởng phòng nhỏ trong cơ quan của mẹ tôi, có bộ mặt hết sức hạ lưu, bỉ ổi. Ông ta có một cô con gái, hay nói đúng hơn là một bà cô chưa chồng ba mươi ba tuổi, mặt mũi cũng y hệt ông bố, trên má còn có một cục u nhỏ. Mẹ tôi vô cùng sùng bái ông ta, bà tìm đủ mọi cách để bợ đỡ và nịnh hót lấy lòng ông ta. Nhưng lão ấy làm cao, cứ phớt lờ, có lẽ là chê mẹ tôi vừa già vừa xấu. Sau làm thân mấy lần mà vẫn không có kết quả, mẹ tôi bỗng nghĩ ra một kế là đưa tôi sang nhà lão Vương làm rể. Tôi cùng mẹ đi sang nhà lão, đương nhiên người nhà lão đều biết rõ tôi đến nhà lão làm gì, họ ghé tai nhau xì xầm cười nhạt. Trưởng phòng đang dùng một cây ngoáy tai móc ráy tai, rồi quệt vào một hộp diêm, và cái hộp diêm ấy sắp đầy lên rồi. Bà cô ba mươi ba tuổi ngồi phía sau cái lò lớn, mũi cô ta không ngừng phát ra một thứ tiếng kỳ quái, giống như có rất nhiều dã thú gào rú trong hang núi. Cô ta mở miệng khiến tôi toát mồ hôi lạnh: “Các người đến đây giở trò quỷ gì vậy? Sao hả? Xéo đi! Bệnh trĩ của tôi lại tái phát rồi đấy!” Mẹ tôi quả là một người đàn bà cứng rắn, bà không có vẻ gì là hoang mang lúng túng, vui vẻ tự nhiên ngồi xuống. Lát sau, bà đưa ra một túi măng khô, nói: “Cháu nó có cái này đem biếu cho trưởng phòng.” Sau đó bà kéo tôi khỏi những ánh mắt đang nhìn chằm chằm, hiên ngang ra về. Mấy hôm sau đó, ngày nào bà cũng ba hoa khoe khoang với người ta, ngầm cho mọi người biết “quan hệ đặc biệt” của bà và lão trưởng phòng.

“Con đau chân, mẹ à.”

“Cái gì?” Từ trên giường bà chợt nẩy lên, phá toang cái mạng nhện mới kết hồi đêm; con nhện nhanh chóng buông mình leo lên chiếc giường và biến đâu mất.

“Mẹ cứ la con, chân con đau muốn chết, cứ như có ai đang cưa vào xương. Trong bụng thì cồn cào, không chừng ói cả ra nhà họ.”

“Đừng có làm như vậy với tao!” Bà khua cánh tay lên. Trên cái cổ khẳng kheo của bà có hai cái gì giống như con cá đang nhảy lên. “Tao đã sớm liệu rồi, mà mày cứ chống lại! Mày đem ống nhổ để ở bậc cửa, muốn để cho tao đạp trúng và ngã quay ra đất... Trời đất ơi, chuyện này là sao!” Dừng một lát, bà ra lệnh cho tôi đưa đầu ra trước mặt bà. Bà nắm đầu của tôi, hết nhìn bên trái lại nhìn bên phải, lại còn dùng cái móng tay đầy cáu bẩn chọc vào ót tôi mấy cái, sau đó nhổ nước bọt vào mặt tôi, rồi gào lên: “Âm mưu của mày sẽ không bao giờ thành công đâu!” Nói xong, bà bắt đầu tự đấm ngực, tát tai mình, mãi đến khi hết giận dữ mới thôi. Lúc ấy xảy ra một chuyện.

Khi bà giơ tay lên tự đánh mình, cánh tay đụng vào ly trà đặt trên cửa sổ, chiếc ly ấy do bà đặt ở đó từ đêm trước. Nước trà toé ra, văng lên mặt bà, bà dùng tay áo quệt, mỗi lần quệt, trên mặt bà lại xuất hiện rất nhiều bọt màu trắng, và những nơi bà quệt qua, rõ ràng có một đường lõm xuống.

“Mẹ hãy đi tắm rửa đi, con lấy nước nhé!” Tôi nói giống như có ma quỷ sai khiến.

Tôi đem nước nóng đổ ra chậu gỗ rồi đi ra, núp sau cửa, thấy mẹ tôi vừa pha nước lạnh vừa nguyền rủa rằng tôi có ý muốn làm bà chết bỏng. Sau đó bà im lặng, có lẽ đang thay quần áo. Tôi hồi hộp đến nỗi mặt trắng bệch, toàn thân run rẩy. Tôi nghe bên trong phát ra một tiếng la yếu ớt nghẹt thở, giống như tiếng kêu cứu của người sắp chết đuối, sau đó là sự im lặng hoàn toàn. Từ bậc thềm tôi bật lên, quần áo đẫm mồ hôi, móng tay phát xanh, tròng mắt lồi ra. Khoảng một tiếng sau, tôi mới dùng một cái búa gỉ mở cửa nhà bếp, tiến vào.

Bên trong trống rỗng, không có ai, quần áo lót mẹ tôi thay ra hãy còn đặt bên cạnh giường kia, cả đôi dép lê cũng còn đó. Mắt tôi dừng lại ở chậu nước, nước trong chậu đầy xà phòng đen đúa bẩn thỉu. Nổi trên mặt nước là những vòng bọt sáng óng ánh và toả ra mùi gỗ mục.

Tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu gỗ bật khóc, vì sự dơ dáy của mẹ, vì chiếc cổ khẳng kheo và vì đôi chân quanh năm lở loét chảy nước của mẹ.

Tôi đợi mãi đến trưa mới đi gọi người. Và người ta kéo đến, lao vào như ong vỡ tổ, bước chân “thình thịch, thình thịch” khiến nền nhà như sụm xuống, họ nhìn tới nhìn lui, hoài nghi quan sát đôi mắt sưng húp của tôi, sau cùng họ nhìn thấy nhà bếp. Có một người cúi xuống nhìn nước trong chiếc chậu gỗ và dùng móng tay chọc một cái bọt xà phòng. Đó là một gã nhỏ thó, giống một tên ăn cắp để tóc dài.

“Mẹ tôi tắm xong thì biến mất.” Tôi miễn cưỡng lên tiếng, trong dạ dày có cái gì đó cuộn lên. Con nhện lại kết một cái mạng mới trên đầu tôi. Bọn người kia nhìn nhau cười.

“Trong nước này có mùi gì ấy.” Gã để tóc dài nói. “Biết đâu có cái gì đó tan trong này không nhỉ? Tôi mới chọc thử, có cảm giác rằng đã chọc vào xương sống của một người đàn bà.”

“Hay là chọc vào đùi?” Mọi người thích thú chen vào, cả bọn hả họng cười. Những viên ngói trên nóc nhà nhảy lên, bốn bức tường phát ra những tiếng nứt đáng thương.

Rồi họ kéo đi, cũng như ong vỡ tổ, khoa chân múa tay khoái chí vô cùng vì phát hiện bất ngờ của gã nhỏ thó. Có những người nhịn không nổi, còn đái vãi cả ra hè.

Sau khi họ đi, tôi ngồi ủ rũ một lúc lâu. Trong nồi có cơm nguội nấu từ hồi sáng, tôi xới ra ăn mấy miếng, nghe có mùi xà phòng.

“Tam Mao, Tam Mao, đã đem lễ vật đi chưa?” Tiếng khàn khàn của mẹ tôi phát ra từ đáy chậu gỗ, những chiếc bọt xà phòng dưới ánh đèn lạnh lẽo trừng trợn nhìn tôi.

Tôi loạng choạng chạy ra ngoài, chung quanh tối đen, mấy chiếc đèn đường lập loè như những ánh mắt gian tà.

“Tam Mao, Tam Mao!” Tiếng kêu trong nhà bếp vẫn vang lên, từng tiếng từng tiếng cao dần, dường như đã phát cáu.

Tôi bỗng cảm thấy cổ họng ngưa ngứa, cố ho một tiếng, thì trong miệng phát ra tiếng sủa của chó, không ngừng lại được. Sau khi người ta xúm lại, tôi vẫn sủa dữ và vừa sủa vừa nhảy. Tôi phát hiện một lão già khả ố kỳ lạ, lão tươi cười một cách ngớ ngẩn, lão len lỏi giữa đám người, gã vãi đái, đũng quần ướt sũng. Tôi xông về phía lão, cắn tay lão một cách dữ dội và ngoạm được một miếng thịt. Lão ta như một súc gỗ bị đốn ngã “rầm” xuống trong vũng máu...

 

 

-----------------------------------------
Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn:
 
Nguyên tác Trung văn của truyện ngắn này có nhan đề là 污水上的肥皂泡 [“Ô thuỷ thượng đích phì tạo bào”] xuất hiện lần đầu trên tạp chí 新創作 [Tân Sáng Tác], số 1, năm 1985.
 
Ta có thể đọc truyện ngắn này như đọc một tác phẩm hư cấu mang tính ma huyễn, nhưng cũng có thể đọc nó với con mắt chính trị.
 
Ở Trung Quốc, hình ảnh người mẹ bao giờ cũng là hình ảnh tuyệt vời nhất, và Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ví mình như người mẹ của nhân dân. Lôi Phong, kẻ được Mao Trạch Đông tuyên dương như một anh hùng của bộ đội Trung Quốc, một kẻ tuyệt đối trung thành với Đảng, đã sáng tác một bài hát được phổ biến rộng khắp, với những lời như thế này: “Hát khúc dân ca dâng lên cho Đảng, tôi xem Đảng như người mẹ của tôi.”
 
Có lẽ Tàn Tuyết có ẩn ý chính trị khi mô tả hình ảnh người mẹ một cách xấu xa. Trong truyện ngắn này, người mẹ là một kẻ độc ác. Trong truyện vừa 蒼老的浮雲 [Thương lão đích phù vân / Đám mây già trôi nổi], Tàn Tuyết mô tả bà mẹ như một kẻ chuyên đi bắt hồn của kẻ khác (tức là ngược lại với cái hình ảnh “người kỹ sư tâm hồn” mà Đảng dùng để mô tả những cán bộ tuyên truyền chính trị). Trong truyện ngắn 山上的小屋 [“Sơn thượng đích tiểu ốc” / “Ngôi nhà nhỏ trên núi”], bà mẹ là kẻ mang một chứng bệnh kỳ lạ: thù ghét những ý tưởng dân chủ; bà luôn luôn xem ông chồng của bà là người mang tư tưởng “hữu khuynh” sai lầm, và bà khắc nghiệt đến độ ông phải nghĩ đến sự tự tử để được giải thoát. Cũng nên nhớ rằng, khi Tàn Tuyết mới bốn tuổi, chính thân phụ của Tàn Tuyết đã bị quy tội “hữu khuynh” và bị đưa đi lao động cải tạo. Tàn Tuyết đã lớn lên dưới cái ách “con gái của một tên hữu khuynh” và đã có một cuộc sống cơ cực trước khi trở thành nhà văn.

 

 

-----------

Các tác phẩm của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

Tai hoạ của đời tôi  (truyện / tuỳ bút) 
Cuối cùng thì tôi cũng tống khứ được con mèo của mình. Tôi nghĩ điều này sẽ có thể giúp tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi ngồi bên bàn, mắt nhắm nghiền, suy nghĩ mông lung. Tôi cố gắng định hình lại những cảm xúc rối bời, hỗn loạn của mình. Nhưng đó là ước muốn viển vông: con mèo lại trở về... [Bản dịch của Hải Ngọc] (...)
 
Chôn giấu  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi nghe thím nói, mấy năm gần đây, ông bỗng sinh ra một cái thú kì lạ, là đem những thứ nho nhỏ trong nhà mang đi cho người ta. Nhưng cho ai? Không ai biết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đảo Rắn  (truyện / tuỳ bút) 
Có thể nói, chú Ba là người thân duy nhất của tôi trên thế giới này. Mỗi khi nhớ đến cái xóm nhỏ ở nơi làng xưa quê cũ âm ám xa xôi ấy thì tôi không khỏi ớn lạnh xương sống. Cái làng nhỏ được gọi là “Đảo Rắn” ấy nằm trên một dải gò đồi... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (tiểu luận / nhận định) 
... Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” thuộc về bạn... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Sương mù  (truyện ngắn)
Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)
Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021