thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hẹn

 

Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

TÀN TUYẾT

(1953~)

 

Lời giới thiệu của người dịch:
 
Tàn Tuyết tên thật là Trịnh Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
      Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
      Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
      Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài nhiều nhất.
      Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
      Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng... trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay động tâm phách con người.
      Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...; còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”.

 

______________________________

 

HẸN

 

Hôm nay tôi và anh ta có hẹn. Anh ta là một người cùng kiểu như tôi, loại người đó do tôi tưởng tượng ra. Mấy năm gần đây, tôi hẹn hò với đủ loại người, họ đều là loại người do tôi tưởng tượng ra cả. Trong số các cuộc hẹn ấy, thì có hơn một nửa, tôi không đến, tôi chỉ gặp họ trong đầu. Cũng có khi cá biệt, tôi đến nơi hẹn, sau đó quay về với những món quà kỷ niệm làm bằng giấy sáp. Trên kệ sách nhà tôi, tôi đã xếp đầy những thứ nho nhỏ xanh xanh đỏ đỏ như vậy, và tôi thường ngồi trong đó chăm chú nhìn ngắm chúng, rồi có lúc bỗng nhiên cười “hì hì”. Chồng tôi thường lấy cớ dọn vệ sinh, dùng một cây chổi đặc chế đập tới đập lui trên mặt những món đồ nhỏ ấy.

Anh ta hẹn tôi ba giờ chiều nay đến một hoang đảo, anh ta lại nói thêm rằng, cũng có thể không đến, vì không nhất thiết phải đến, nếu tôi đã đi, có khi còn tệ hơn.

Tôi nghĩ một lát, vẫn quyết định đi, vì không nhất thiết phải không đi, nếu tôi không đi, lại càng tệ hơn. Khi đã quyết định như vậy, lập tức tôi nghĩ ngay đến những món quà.

Trời chiều không ra làm sao, hơi u ám. Một người đàn ông đứng bên kia đường đối diện với tôi, anh ta cầm một mảnh gương vỡ hứng ánh mặt trời chiếu lên bức tường nhà tôi, khiến cho người ta phải chói mắt. Tôi khoác chiếc áo gió màu lông chuột bước ra cửa, lấm la lấm lét nhìn ngó chung quanh một hồi, rồi chuồn ra đường cái, chui vào một chiếc taxi đậu bên đường. Gã tài xế không đợi tôi mở miệng, liền nhanh chóng đưa tôi đến điểm hẹn.

Anh ta không có ở đó, mặt trời chiếu nghiêng nghiêng trên đám cỏ khô, một con châu chấu bay lượn giữa không trung phát ra tiếng kêu “sạt sạt sạt” sau đó rơi xuống đám cỏ. Tôi bị lừa một cú lớn rồi. Vừa có gió là một bên con mắt tôi bắt đầu chảy nước, đây là dấu hiệu của sự lão hoá, mấy năm nay thường như vậy, và mỗi lần đều xảy ra ở mắt trái.

Chiếc taxi đã đi, tôi đành cuốc bộ trở về. Tôi đi và đi, giữa cỏ hoang vô biên vô tận, cơn gió lạnh lùng thổi khiến mái tóc hoa râm của tôi dựng đứng và quất vào má nghe “lựt phựt”.

Tôi không thể ra khỏi hoang đảo vì không có đường, mặt trời thuỷ tinh cũng đã biến mất. Tứ bề hiện ra một thứ ánh sáng màu lục kỳ quái, ánh sáng ấy không biết phát ra từ đâu, bầu trời tối đen như mực.

Tôi cố gắng nhớ lại, và nhớ ra chiếc taxi, rồi cả gương mặt lờ mờ của gã tài xế. Nhưng xe hơi thì làm sao có thể chạy trên biển được nhỉ? Nhưng chẳng phải là tôi đã đến đây rồi sao? Từ nơi xa xôi, vọng đến tiếng sóng biển và tiếng còi canô; định thần lắng nghe, thì lại phát giác ra rằng chẳng có âm thanh nào cả, đó chẳng qua chỉ là ảo giác trong đầu. Chiếc đồng hồ quả quýt của tôi trở chứng, bánh răng rên rỉ kêu “cọt kẹt, cọt kẹt” gấp gáp, lại chảy mồ hôi như người, khiến phần áo trước ngực tôi ướt một mảng lớn.

Trong mông lung, tôi phát hiện anh ta đang đứng đó. Bóng lưng mơ hồ của anh ta đối diện với tôi, toàn thân tắm trong thứ ánh sáng kỳ quái ấy.

“Sao em lại đến?” Vẫn cái giọng trong veo ấy, nhưng hôm nay có vẻ bị cảm.

“Em muốn xem mặt trời mọc” Đôi môi khô khốc của tôi từ từ uốn lượn.

“Anh sẽ biến mất khi mặt trời mọc. Sao em còn đến?” Anh ta lặp lại câu hỏi.

Tôi bỗng nhiên nhớ ra rằng xưa nay mình chưa từng gặp mặt anh ta, ngoại trừ trong căn phòng ấy. Trên tường phòng treo một cái đồng hồ quả quýt. Anh ta luôn luôn gặp tôi đúng vào lúc năm giờ sáng, tình hình ấy đã diễn ra hơn hai mươi năm. Lúc anh ta đến, lưng đối diện với tôi và không hề quay đầu lại. Lưng anh ta rất rộng. Qua năm giờ, tức khắc có tiếng mưa nhỏ giọt trên lá chuối bên ngoài cửa sổ. Anh ta ngơ ngẩn nói mãi một câu: “Nếu lúc này mặt trời xuất hiện, thì con rùa vàng sẽ biến thành chiếc máy bay trực thăng.” Bước chân anh ta rất nhẹ, lúc nào cũng bất ngờ rời xa tôi. Cửa phòng đóng lại, trên cổ tôi hiện lên đầy những nếp nhăn.

“Sợ lỡ cuộc hẹn với anh, nên suốt đêm em không ngủ.” Tôi đến gần anh ta, mày nhướng lên như một cô bé. “Bên ngoài mênh mông, khắp nơi là bóng đen mịt mùng. Em khoác chiếc áo ngủ trắng mỏng, đi qua đi lại, mắt nhìn chăm chắm vào cửa phòng. Em sợ rằng anh đến bất ngờ lúc em ngủ.”

“Anh và em từng đi dạo qua cánh đồng.” Tôi đoán anh ta đang mỉm cười, “Người em nhẹ bẫng, lại còn đi kiễng chân nữa. Em đã từng nói với anh rằng, em sợ giẫm vỡ một cái gì đó. Anh dìu em đi, nhưng vòng tay anh trống rỗng, em nhẹ như một làn khói. Trước bình minh, mùi rơm khô trên cánh đồng nồng nàn, chung quanh tối kịt. Chiếc áo trắng của em lấp loá. Em nói nếu lỡ giẫm làm đau những con nhái thì khổ. Rồi em vừa thì thầm vừa chạy như bay. Anh không thể nào đuổi kịp. Sau đó anh bỏ em lại, quay về bóng đêm thành phố, ở đó anh mới thực sự được nghỉ ngơi.”

“Ánh sáng xanh đã tan biến” Tôi khẽ nói.

Những con voi đi qua đi lại trong rừng, phía xa bầy nai chạy như bay.

Dưới đất có tiếng kêu mơ hồ khiến mặt đất rung rinh.

Cỏ lạnh. Sương rơi.

Đồng hồ của tôi đã hỏng, dây cót lỏng lẻo rối nùi bên trong.

Trong âm u, tôi nhận ra anh. Anh nhẹ nhàng nói với tôi sao môi tôi cong lên đáng sợ vậy, đôi mắt thì như hai chiếc đèn. Anh nói lúc đó anh bỏ tôi, là vì anh rất mệt. Anh không thể không ra đi, trước bình minh, trong thoáng những giọt mưa rơi trên tàu chuối ấy.

“Em cũng rất mệt. Em đi chân trần ra ngoài, bàn chân phồng rộp cả lên.” Tôi len lén tựa vào vai anh, “Anh luôn xuất hiện thật bất ngờ”.

Bờ vai anh trở nên mạnh mẽ và nóng bỏng bên má tôi. Tôi nghe tim anh đập mạnh, máu chảy qua cuồn cuộn.

“Chung quanh không có một tia sáng.”

“Bây giờ là trước bình minh.”

“Voi chạy suốt đêm trong rừng.”

“Anh sẽ biến mất khi mặt trời mọc.”

“Làm sao anh nhận ra em đến? Hơn hai mươi năm rồi, em vẫn tưởng tượng rằng anh không khác xưa. Nhưng anh đã thay đổi hẳn, em vẫn lại nhận ra anh.”

Sương đã rơi, thấm ướt đôi giày vải của tôi. Tôi len lén ôm anh chặt hơn. Cổ tôi nhỏ dài và mềm mại. Tôi muốn hỏi anh chuyện hàng chục năm trước đây, về chuyện anh tìm tôi như thế nào, về chuyện làm sao anh có thể mở cửa phòng đi vào, rồi chuyện anh có chú ý đến cái đồng hồ trên tường không. Nhưng tôi đã quên những điều muốn hỏi, vì sương rơi ngày càng nặng hạt, tựa như một cơn mưa nhỏ khiến quanh người tôi ướt đẫm và lạnh phát run.

“Tất cả đều sẽ tan biến khi mặt trời lên, thậm chí khiến em không kịp thất vọng. Sau đó anh không xuất hiện trong phòng của em nữa. Em đừng đến, bây giờ mọi chuyện đều đã hỏng cả rồi.”

Gò má của tôi bên cánh tay anh dần dần trở nên lạnh lẽo.

“Em vẫn cứ âm thầm hẹn cùng anh trong đầu.” Tôi ấp úng và ngừng run.

“Thành phố rất rộng, nhưng đêm đến vắng lặng không một bóng người. Anh đứng trong bóng đêm gọi em thật lớn, sao em không nghe thấy. Một làn gió núi buổi sớm thổi đến, em ngồi trước cửa sổ chăm chú nhìn gì đó, rồi em đi chân trần ra ngoài, mái tóc ngắn xoã trên vai, trên chiếc áo trắng rơi đầy bươm bướm vàng.”

“Răng của em đang rụng, anh nghe không: một chiếc, hai chiếc, ba chiếc... Em nhìn anh, anh đã trở thành một cái bóng đông cứng và bất động, phấn hồng từ những nếp nhăn trên đôi má em bong ra. Còn cái đồng hồ quả quýt, em vẫn cất trong ngực.”

Một tiếng kêu của loài chim đêm nào đó nghe chói tai. Trái tim anh tê cứng. Máu đang đông lại thành miếng lớn đỏ bầm. Sương trên ria mép của anh kết thành những hạt lấm tấm. Anh nhai những viên băng và nuốt xuống một cách khó khăn, sau đó mấp máy đôi môi tê tái. Tôi đoán anh đang nói:

“Tại sao em tới?”

Mắt anh mở lớn, đầy sương mù mông lung.

Ánh bình minh xuất hiện ở chân trời, bóng anh hoá thành mấy mảnh loang lổ. Tôi không nhận ra anh nữa rồi. Anh so vai, ngồi bên lặng lẽ. Anh thở dài nặng nề, dày vò mãi trái tim lạnh lẽo.

Thành phố sắp phục sinh. Sáng loà và huyên náo.

Tôi và anh sẽ sống mãi mãi.

Chạng vạng, chim sẻ vàng hót trên cây, hai chúng tôi mỗi người mở một khung cửa khác nhau để hoàng hôn vào phòng, và chìm đắm trong mộng tưởng xa xưa.

 

 

----------------
Truyện ngắn “Hẹn” được dịch từ nguyên tác 约会 [Ước hội] (bản điện tử do chính Tàn Tuyết gửi tặng người dịch).
 
Nhân tiện, người dịch xin chuyển đến độc giả 2 bức ảnh:
 
Ảnh chụp những tác phẩm đã xuất bản của Tàn Tuyết
 
Ảnh Tàn Tuyết thời niên thiếu

 

 

-----------

Các tác phẩm của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

Bọt xà phòng trên nước bẩn  (truyện / tuỳ bút) 
Mẹ tôi đã biến thành một chậu nước xà phòng. Không ai biết việc này. Nếu có người nào đó biết chuyện nhà tôi, hẳn họ sẽ chửi tôi là đồ súc sinh, là kẻ mưu sát hiểm độc và ti tiện. Sáng nay, bà liên hồi la gọi tôi trong bếp, đến nỗi màng tang tôi rát lên... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tai hoạ của đời tôi  (truyện / tuỳ bút) 
Cuối cùng thì tôi cũng tống khứ được con mèo của mình. Tôi nghĩ điều này sẽ có thể giúp tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi ngồi bên bàn, mắt nhắm nghiền, suy nghĩ mông lung. Tôi cố gắng định hình lại những cảm xúc rối bời, hỗn loạn của mình. Nhưng đó là ước muốn viển vông: con mèo lại trở về... [Bản dịch của Hải Ngọc] (...)
 
Chôn giấu  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi nghe thím nói, mấy năm gần đây, ông bỗng sinh ra một cái thú kì lạ, là đem những thứ nho nhỏ trong nhà mang đi cho người ta. Nhưng cho ai? Không ai biết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đảo Rắn  (truyện / tuỳ bút) 
Có thể nói, chú Ba là người thân duy nhất của tôi trên thế giới này. Mỗi khi nhớ đến cái xóm nhỏ ở nơi làng xưa quê cũ âm ám xa xôi ấy thì tôi không khỏi ớn lạnh xương sống. Cái làng nhỏ được gọi là “Đảo Rắn” ấy nằm trên một dải gò đồi... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (tiểu luận / nhận định) 
... Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” thuộc về bạn... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Sương mù  (truyện ngắn)
Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)
Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021