thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ông hàng xóm

 

Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

 

TÀN TUYẾT

(1953~)

 

Lời giới thiệu của người dịch:
 
Tàn Tuyết tên thật là Trịnh Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
      Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
      Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
      Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài nhiều nhất.
      Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
      Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng... trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay động tâm phách con người.
      Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...; còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”.

 

________________

 

ÔNG HÀNG XÓM

 

Ông hàng xóm hơn năm mươi tuổi, khuôn mặt nhỏ, suốt ngày nặng nề cứ như có tâm sự chất chồng. Ban ngày, ông ta mang một cái ghế nằm ra vệ đường, rồi tự đặt mình lên đó, nhưng không ngủ bao giờ, mà cứ giương mắt nhìn người qua kẻ lại. Khi trên đường xảy ra vụ lộn xộn nào đó, ông ta liền chạy đến chen vào đám đông để xem, mặc dù bị người ta xô tới đẩy lui. Ông là một người nhỏ gầy, nên bị người khác xem thường. Con đường này của chúng tôi có rất nhiều người qua lại, vì vậy luôn có những vụ lộn xộn xảy ra, và ông hàng xóm chưa từng bỏ qua cơ hội nào để chen vào xem.

Mùa hè lần lần đến, đường sá trở nên nóng bức, ông hàng xóm nằm trong nhà không ra nữa. Mỗi ngày, cứ đến khi mặt trời lặn, ông ta mới phe phẩy chiếc quạt mỏng sang nhà tôi và nói về chứng ưu uất của mình. Ông cho biết, chứng bệnh này là do ánh nắng nóng bức của mặt trời gây ra, bệnh kéo dài đã hơn ba mươi năm nay.

Trước đây tôi từng đến nhà ông ta một lần, tất cả các cửa sổ trong căn phòng mà ông ở đều được phủ kín bằng vải đen, cửa chính treo tấm rèm rất dày, mở ra thì thấy một ngọn đèn nhỏ màu xanh bên trong, còn chiếc quạt điện chạy suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Khi bước vào, tôi cảm thấy đầu óc choáng váng, chỉ muốn nôn oẹ. Ánh sáng của ngọn đèn hắt vào khuôn mặt nhỏ của ông hàng xóm khiến nó bợt bạt xanh xao, nhìn phát sợ. Ông hàng xóm không nói chuyện gì, ông ta muốn tạo cho mình một khoảng trời đất nhỏ cách biệt với thế giới bên ngoài. Và như thế, khi đã đến tiểu vũ trụ của ông, thì đừng nghĩ đến ánh nắng chói chang bên ngoài nữa. Ông ta thích kiểu yên tĩnh và tăm tối như vậy, cho dù một lát cũng tốt. Chiếc cằm của ông run run, tiếng nói r?t nhỏ, chỉ nghe thấy tiếng quạt điện kêu ro ro. Mỗi lần tôi định đứng lên về, ông ta sợ phát run lên, hai tay giữ chặt lấy tôi, năn nỉ ở lại thêm một lát để ông bớt cô đơn. Vì tôi là người duy nhất đến nhà ông ta mà. Tôi lại ở thêm khoảng một tiếng đồng hồ, còn ông vẫn nép trong một góc nhà, miệng lầm rầm điều gì đó. Tôi bước tới gần, nghe ông lầm rầm nhắc đến tên của một người trên phố, có vẻ như ông và người đó đã có xích mích gì, hiện tại ông đang tự biện bạch cho mình bằng đủ mọi lý lẽ.

Ông hàng xóm có một bà vợ không khác ông ta là mấy, cũng gầy gò nhỏ quắt, ánh mắt luôn dán trên thân thể người khác. Bà ta rất thích nói chuyện và là người đàn bà hay tọc mạch. Ông hàng xóm tuy không đích thân lân la bới móc chuyện của những người chung quanh, nhưng lại rất tán thưởng cách làm của bà vợ, ông thường cùng vợ bàn luận mổ xẻ người khác rất say sưa và thích thú. Bà vợ thường lê la sang nhà hàng xóm, có khi rất lâu khiến ông sốt ruột đi tìm, nếu gặp khi bà vợ đang ở nhà người này mà nói xấu người kia, thì ông tiến vào đứng bên cạnh lắng nghe cuộc nói chuyện xôm tụ của họ với thái độ rất vui vẻ. Nếu gặp khi chồng phát chứng ưu uất, bà vợ không làm phiền và hành động rón ra rón rén trong nhà, cố gắng không gây ra tiếng động nào. Còn khi ông giam mình trong căn phòng kín mít của mình, thì bà tuyệt đối không được bước chân vào. Khi ông phát bệnh, bà cũng sầu muộn không vui vẻ gì, dường như chán luôn cả việc bới chuyện thường ngày, không lê la đi đâu nữa, mà chỉ lẩn quẩn quanh nhà, miệng than thở: “buồn quá”. Nói chuyện với người khác lúc này cũng trở nên lộn xộn, cả mùa hè nóng nực bà đều như vậy, người ta cảm thấy bà ta thật khác lạ so với bình thường, không cảm thấy thích thú khi trò chuyện với ai nữa. Tôi biết bà đang chờ đợi, chờ đợi một trận mưa thu rơi xuống. Khi gió thu mát mẻ thổi đến, ông hàng xóm lại đem chiếc ghế nằm bằng tre ra, rồi nằm lên đó và chăm chú nhìn những người qua đường, và sẽ lao đến nơi xảy ra đám lộn xộn như một con thỏ. Còn bà vợ lúc này cũng khôi phục lại hoạt động lân la sang hàng xóm láng giềng, thứ hoạt động này vừa bí mật lại vừa bán công khai.

Thứ Tư, thời tiết nóng nực kéo dài, ông hàng xóm nằm trong phòng kín cả ngày, đến nhá nhem cũng không thấy ra ngoài. Khi cả nhà tôi đang ngồi quạt điện ăn cơm, mồ hôi ướt đẫm lưng, thì vợ ông hàng xóm hốt hoảng chạy đến nói:

“Ông ấy yếu lắm rồi, từ xưa đến nay chưa bao giờ lại yếu như vậy, e rằng không qua khỏi, anh qua xem thử thế nào hộ tôi với, bây giờ tôi không biết làm sao nữa”.

Tôi buông bát đũa, đi cùng bà ta.

Vẫn là căn buồng tối tăm đầy tử khí ấy, ông hàng xóm ngồi xiêu vẹo trên trên chiếc ghế dựa rệu rã, đang xem bản đồ bên ánh đèn. Ông ta gầy đến mức đáng sợ, tóc râu dài thượt, bẩn thỉu, dáng vẻ rất yếu ớt, trên người ông còn bốc ra một thứ mùi khó chịu, đã vậy thứ mùi ấy còn được chiếc quạt điện phát tán khắp buồng.

“Con người tội nghiệp này cứ ngồi như vậy đấy” — Vợ ông ta đến gần và nói nhỏ vào tai tôi — “Đã hai ngày nay, ông ấy không ăn cơm. Hôm nay ông ấy đã xỉu ba lần rồi, khi tỉnh ra ông ấy lại ngồi im, ông ấy cũng không thèm nói chuyện với tôi, chỉ chăm chăm xem bản đồ đến khi choáng váng mặt mày mới thôi”.

Ông hàng xóm ngẩng đầu lên nhìn tôi, người hơi đung đưa, rồi bình tĩnh hỏi: “Bên ngoài có tin gì mới không? Chẳng hạn như chuyện lão Năm câu cá trộm bên hồ có bị tra xét hay không?”

Tôi im lặng.

Ông ta cáu, nói: “Hôm nay tôi không ra ngoài, chờ chú đến cho tôi biết một số tin tức, không lẽ chú cho rằng tôi không biết quan tâm đến chuyện bên ngoài hay sao? Sai rồi! Tuy tôi ngồi trong này coi bản đồ, nhưng đó chẳng qua là vì có xích mích với hàng xóm. Ví dụ như trường hợp của chú, tôi luôn chú ý đến sự phát triển mâu thuẫn giữa chú và mẹ chú. Tuy chú đã nghỉ hưu, không phải bận tâm về cái ăn, nhưng chú có khuynh hướng kiêu căng tự cao tự đại coi thường mẹ mình, đúng không?”

Tôi nổi da gà, nhưng vẫn đứng im, kệ cho ông ta nói. Ông hàng xóm càng kích động, loay hoay đứng dậy, mắt trợn tròn chỉ vào mặt tôi, mùi chua loét từ người ông ta xông ra khiến tôi thấy khó thở.

“Dựa vào đâu mà chú cao ngạo như vậy hả? Tôi để ý thấy rằng khi mẹ chú ra khỏi cửa, chưa bao giờ chú trông theo một lần, chú chỉ biết đến bản thân mình, thái độ của chú đối với hàng xóm cũng tồi, có bữa lão Lưu đến nhà chú hỏi mượn ít đồ, lúc lão ra khỏi cửa, tôi nghe chú gọi lão là “đồ sâu bọ”. Chú luôn nói xấu người khác sau lưng, nếu bị truy cứu thì tìm mọi cách để chống chế. Tôi để ý đến cái tính ấy của chú từ lâu rồi. Tại sao tôi phải trốn tránh như thế này à? Chính là vì tôi chỉ nhìn thấy những cái khiến tôi bi quan, thấy hoài thấy mãi, càng thấy càng thêm thất vọng. Chú xem, bên ngoài trời đã tối, gió lên rồi, tôi rất muốn ra ngoài” — Ông ta chỉ ngọn đèn điện, như đó là mặt trời. Đúng lúc ấy, vợ ông ta đã tắt bụp. Lúc này giọng ông ta âm vọng trong căn buồng tối tăm u ám, đáng sợ.

“Mặt trời lặn rồi, chú thấy có tối không kìa, những người đi lại ngoài đường đều về cả, và trong nhà bắt đầu ầm ĩ lên, mỗi người đều ôm một toan tính nham hiểm nào đó trong lòng, bởi vậy mới sinh ra cãi nhau. Tôi ngồi trong buồng, cửa sổ được che chắn kín đáo, nhưng như vậy cũng không ngăn cản tôi nghe thấy những chuyện ở bên ngoài, đó là một tiếng khóc, tôi có cảm giác tiếng khóc ấy phát ra từ một người đàn bà có tâm sự. Tôi đang muốn lắng nghe kỹ hơn thì bà vợ kêu ăn cơm, cho nên tôi rất giận bà ấy. Bất kỳ tiếng cãi vã nào tôi cũng nghe thấy. Tôi chỉ muốn tránh ánh nắng gay gắt bên ngoài, còn thính giác của tôi lại rất nhạy. Vừa nãy tôi hỏi chú bên ngoài có tin tức gì không, chẳng qua chỉ là muốn thử chú chút thôi, chú không muốn công khai nói chuyện người khác phải không?”

“Tôi không biết bác muốn hỏi gì, tôi không nắm được vấn đề” — Tôi nói xong, cảm thấy những lời của mình trống rỗng, chân bắt đầu có cảm giác hụt hẫng. Tôi không hiểu tại sao vợ ông ta lại tắt đèn, việc làm thô bạo ấy không đúng lẽ thường tình, hơn nữa khi tôi vừa mở miệng, lại bị bà ta chọc vào lưng mấy cái khiến tôi đau xuýt kêu thành tiếng. Rốt cuộc họ đang chơi trò gì vậy nhỉ?

“Ha ha!” — Ông hàng xóm bật ra tiếng cười lớn nghe lạnh xương — “Ai có thể biết được rằng khi mặt trời lặn, cũng là lúc bên trong những căn nhà trên con đường này sẽ bắt đầu náo động, và đủ loại âm mưu ra đời, trong chốc lát, những hình người kỳ quái xuất hiện bên đường, khi tụ khi tán, có vô số người nói về chuyện này, nhưng ai có thể biết? Một câu đố vĩnh hằng!”

Vợ ông ta tóm chặt cánh tay tôi nói: “ông ấy cứ tự làm khổ mình vậy đấy, thật đáng thương quá, coi bộ chú cũng không giúp đỡ gì được cho ông ấy rồi, chú vụng quá, chúng ta đi thôi”.

Ra khỏi nhà, bà lại nói: “Tôi tính ông ấy chỉ còn có thể sống được một tuần, số ông ấy thật là khổ”.

Mấy ngày sau tôi vẫn lo lắng và để ý đợi tiếng khóc của người nhà ông hàng xóm vọng đến. Nhưng ba ngày sau, vào một buổi sáng, tôi thấy cái ghế nằm bằng tre được đặt dưới gốc cây bên vệ đường, tiếp đó vợ ông hàng xóm dìu ông chồng giờ đã như xác chết ra, ông ta từ từ ngồi lên chiếc ghế, xương xẩu va vào ghế tre nghe lộc cộc.

“Không phải lo, ông ấy đỡ rồi” — Vợ ông hàng xóm nhìn tôi cười cười.

Ông hàng xóm gượng dậy nói với tôi: “Chú xem, bây giờ mát mẻ quá, nửa đêm hôm qua tôi nằm trong nhà cảm giác bên ngoài có mưa, tôi còn nghe thấy cả mùi tanh của mưa nữa kia, thế là sức khoẻ lập tức được phục hồi, tất cả đều có thể bắt đầu lại, đúng không nào? Chà, tôi cứ suy nghĩ lung tung mọi chuyện. Khi trời mưa, tôi nghe thấy tiếng cãi nhau của chú và mẹ chú, tiếng cãi rất to, lời nói tối hôm trước của tôi chắc đã đánh vào lòng tự tin của chú hả?”

Ông ta nằm bất động trên ghế cả ngày, mấy lần tôi ra cửa nhìn ông và thấy ông mỉm cười, đưa năm ngón tay lên không như chào một người nào đó. Thỉnh thoảng vợ ông chạy qua, lo lắng đi loanh quanh ông chồng, sau đó đứng bên cạnh với vẻ trầm tư.

Các cơ thịt trên ông hàng xóm dần dần tiêu biến, nhưng âm thanh phát ra từ buồng phổi của ông vẫn khá rõ, càng ngày nhìn ông càng giống một xác ướp. Ông nằm bẹp, thực ra, vì ông quá yếu, nên ngay cả cử động cũng khó khăn.

“Hôm nay có tin tức gì mới không?” — Buổi sáng, tôi đi ngang qua và ông hàng xóm hỏi như thường lệ, nhưng đầu ông ta đã khó ngọ nguậy — “Tôi thấy mâu thuẫn của lão chủ hàng gạo và lão Lưu đã sắp bùng nổ rồi” — Ông huơ tay lên không, bỗng như đáu quá phải co rút lại, khuôn mặt lộ vẻ khác thường. Vợ ông ta chạy đến cúi xuống kể cho ông nghe chuyện của những người láng giềng bằng giọng đau đớn cố kìm nén. Ông ta vừa nghe vừa phụ hoạ, mắt trợn lên trời trong khi cái đầu vẫn bất động.

Có hai người trên đường đi làm hiếu kỳ dừng lại và bắt đầu nói về ông hàng xóm:

A: “Ông ấy thường nằm ở đây từ khi tôi còn rất nhỏ, ngày nào đi học ngang qua đây tôi cũng thấy ông ta, thậm chí còn lấy ông ta làm mốc cho đường đi. Không hiểu sao ông ta lại bỗng nhiên teo tóp và khô quắt lại như vậy”.

B: “Tôi nhớ có lần bị thương ở chân, ông ấy chen vào giữa đám người và la lối nói rằng tôi vi phạm luật giao thông, khi ấy tôi chỉ hận không được vả cho ông ta mấy cái”.

Tôi hỏi ông hàng xóm nằm ở đó nhìn cái gì, ông ta nói có nhiều thứ rất hay mà trước đây ông chưa chú ý, thực là lãng phí. Khi nhìn lên bầu trời, mắt ông như bị một đám mây che phủ. Ông lại nói nhất định sẽ xem những thứ ấy cho thật rõ, xem tới cùng.

Cuối thu, chiếc ghế tre của ông hàng xóm được dời vào. Trong một thời gian dài, tôi không thấy ông, vợ ông ta cũng ít khi ra khỏi nhà, tôi nghĩ chắc họ muốn tránh mặt người ngoài và dần dần tôi cũng không còn nhớ đến chuyện ấy nữa.

Một hôm tôi chuẩn bị rời nhà, thì vợ ông hàng xóm đến mời sang chơi. Trong căn buồng tối, ông hàng xóm vẫn ngồi dưới ngọn đèn xanh, mắt trừng trừng nhìn lên tường.

“Hà, chú lại đến rồi, hôm nay có tin gì mới không?” — Ông ta nói, đầu không quay lại.

“Con gái lão Vương có hành vi trộm cắp, mọi người đang bàn tán xôn xao” — Vợ ông ta niềm nở tiếp chuyện.

“Lão Vương cày như trâu cả đời vậy là vì cô con gái tiểu thư xinh đẹp ấy đấy” — Ông hàng xóm nói, đầu vẫn không ngoái lại.

Tôi cảm thấy mình không thể chịu đựng lâu hơn trong căn buồng này nữa, đầu óc càng ngày càng choáng váng, căn buồng quá ngột ngạt, đã không thông gió lại còn có mùi lạ. Tôi nói tôi muốn đi.

“Tôi thấy chú không nắm rõ tình hình, chỉ nhắm mắt cho qua ngày” — Ông hàng xóm nói trong khi vẫn bất động và trừng trừng nhìn vào vách — “Chú có thể đi đâu được? Số mệnh của chú gắn liền với tôi, đến hay không cũng hoàn toàn như nhau, tôi đang quan tâm đến chuyện của chú. Chú xem, tôi vẫn có thế gắng gượng ngồi ở đây, mấy bữa nay cơm ăn cũng khá hơn trước, tuy trí nhớ hơi có vấn đề một chút, còn nói chung mọi thứ đều tốt cả. Bây giờ tôi đã như đi guốc vào bụng chú rồi, các câu trả lời đều nằm trên bức tường đối diện, bây giờ thì chú đi đi, đến lúc rồi đấy”.

Tôi rời nhà ông hàng xóm, tôi biết mình sẽ vẫn quay lại, bởi tôi luôn nghĩ về chuyện của ông ta. Tôi nghĩ, nếu ông hàng xóm không quan tâm đến nhiều chuyện như vậy, thì chắc ông ta sẽ dễ chịu hơn nhiều và cũng sẽ không còn khốn khổ như vậy nữa. Sở dĩ ông ta di chuyển chiếc ghế nằm ra vệ đường là vì bản tính thích hóng chuyện đến kỳ lạ, những người như ông ta luôn soi mói nhất cử nhất động của kẻ khác, rồi không chịu nổi và sinh ra buồn chán một cách hẹp hòi, nói xấu sau lưng người khác, rồi sinh ra cáu gắt khiến cho cuộc sống của bản thân trở nên khốn khổ, cho nên lâu lâu ông ta phải tự giam mình trong buồng kín. Tuy là cách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng lại không có ý thức phản tỉnh và hối hận, do đó khi bạn nói chuyện với ông ta, ông ta vẫn cáu kỉnh, đó hoàn toàn không phải là tại bạn gây ấn tượng gì đó cho ông ta. Nhìn lại con đường này, thì ngoài tôi ra, cũng không ai quan tâm đến ông hàng xóm ấy, mỗi người đều bận rộn với công chuyện của riêng họ, rất ít người chú ý đến ông ta. Vậy cho nên khi ông cáu giận, không ai biết. Nghĩ đi nghĩ lại, cuộc đời của ông hàng xóm thật vô nghĩa, vậy mà còn có vẻ tự thị. Nếu ai muốn thu hút sự chú ý của người khác, thì không nên dùng đến cách này để đạt được mục đích của mình, vì cách này quá nặng nề, quá tăm tối.

Khi lại được bà vợ đưa ra ngoài, thì ông hàng xóm gần như không còn cựa quậy được nữa, thân thể như bộ xương, bên trong bộ quần áo rộng thùng thình cũng bất động, mùa đông dài đã vắt khô kiệt máu thịt của ông ta mất rồi, tình hình thật đáng lo.

Tôi cúi xuống, ông nhếch khoé miệng khô nứt, mỉm cười méo mó và nói với tôi: “Tôi trở thành như thế này, nhưng không cần người khác thông cảm làm gì, ấy là do tôi cam tâm tự nguyện, chứ tình hình không tồi tệ như vậy. Vừa tôi tôi nghe thấy nhà kia có người đánh trẻ con, anh ta mắc chứng ưu uất, bụng toàn lửa mà luôn luôn muốn trèo lên đầu lên cổ kẻ khác. Còn anh chàng cách bên vách kia lại luôn tìm cách kiếm lợi từ người khác, mua tí đồ ăn mà cũng vừa mua vừa lấy cắp”.

Tôi nói với ông rằng đã bệnh tật đến như vậy rồi, thì hãy bớt quan tâm đến những chuyện chung quanh đi, có ích lợi gì đâu?

Ông ta nghe xong, quay mặt đi, có vẻ như giận dữ. Lúc ấy có một người đứng phía sau tôi, không kể ông hàng xóm có nghe hay không, cứ vui vẻ nói với tôi: “Cái ông này đáng ghét quá, anh có biết tại sao ông ấy bệnh như vậy mà còn ra vệ đường nằm hay không? Vì đó là kiểu sống của ông ta. Nếu ngày nào ông ta không moi ra được một chuyện rắc rối nào đó của người khác, thì ổng sống không yên, đã như vậy, lại còn soi mói chuyện riêng tư của người khác nữa chứ”.

Tôi nói không hẳn là như vậy, có khi ông ta nằm trong buồng, như vậy chẳng phải là để tránh mọi người đó sao? Mà có nhiều lúc như vậy lắm. Tôi có thể bảo đảm, những lúc như thế ông ấy chán ghét mọi người, cách biệt với thế giới bên ngoài, vì tôi từng vào buồng kín thăm ông ta.

“Ôi anh ngốc!” — Người đó cười mỉa nói, đầy ý vị rồi bỏ đi.

Ông hàng xóm quay mặt lại, cười mỉm. “Anh ta nói rất đúng, rõ ràng anh đúng là ngố nghếch, sao anh còn chưa thông?”

Tôi cảm thấy lúng túng, rất lúng túng, nhưng không nghĩ ra câu gì để bác lại họ. Cơ hồ như, tất cả những gì tôi làm đều trái với phán đoán của tôi. Tôi từng tự cho rằng mình đã nhìn xa trông rộng lắm rồi, không còn điều gì chưa từng trải qua, không ngờ hôm nay lại bị người khác đánh giá như vậy. Ông hàng xóm đã sắp chết rồi, mà ông ta cô đơn nằm ở đây, ôm một sự cao ngạo lạ kỳ, không xem hạng người như tôi vào đâu, bản thân ông ta mới là một sự lạ, một câu đố không bao giờ có thể giải được. Suốt ngày tôi ở bên ông ta, mà không thể hiểu được nội tâm sâu kín của ông, vậy ai có thể hiểu? Có lẽ, là những người qua đường và bà vợ của ông.

Thực sự, ông hàng xóm nằm trong căn buồng kín ấy để làm gì nhỉ? Có vẻ như không làm gì cả, dường như đó là điệu bộ, và dường như đó là một nhu cầu của bản thân ông ta. Càng ngày tôi càng ít hiểu rõ ông hơn.

“Gần đây tôi muốn đóng vai một nhân vật anh hùng, ngày nào cũng khổ não vì điều đó”. Đôi môi khô xác của ông ta mấp máy phát ra những tiếng cười khe khẽ.

“Không lẽ ngày nào ông không quan tâm đến chuyện của người khác thì ông không sống được hay sao?”. Tôi nhăn mặt nói với ông hàng xóm.

“Tôi sắp kết thúc rồi, chuyện đã bắt đầu thì phải làm đến cùng. Chẳng phải anh cũng như vậy đó sao? Mà thực ra, anh hà tất phải quan để ý đến chuyện của tôi vậy?”

Cuối cùng, ông hàng xóm cũng không thể nói được nữa, hàng ngày ông vẫn để bà vợ khiêng ra nằm ven đường, ngực ông đập thình thịch, hơi thở hổn hển. Song tôi để ý và thấy ánh mắt u tối của ông vẫn quan sát những người đi đường, thỉnh thoảng lại loé sáng lên một lần. Tôi không biết ông đang nghĩ gì, linh hồn ông ta đang rời khỏi thân xác, bay về nơi cao xa nào đó, nhưng ánh mắt thô bỉ của ông vẫn dán lên đầu lên cổ người khác, cho đến khi thân thể vong hoại và đôi mắt của ông khép lại vĩnh viễn.

 

 

----------------
Truyện “Ông hàng xóm” dịch từ nguyên tác 邻居 [Lân cư] (bản điện tử do chính Tàn Tuyết gửi tặng người dịch).

 

 

-----------

Các tác phẩm của Tàn Tuyết đã được giới thiệu trên Tiền Vệ:

Tác phẩm vĩ đại  (tiểu luận / nhận định) 
... Vẫn còn một thế giới mênh mông rộng lớn đang chờ chúng ta tìm tòi, khai thác. Chúng ta không khai thác, thì thế giới rộng lớn mênh mông ấy sẽ không thuộc về chúng ta... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đứa bé nuôi rắn độc  (truyện / tuỳ bút) 
... “Cháu không cần tìm chỗ nuôi rắn nữa rồi,” Sa Nguyên trả lời tôi, “chúng ở ngay trong bụng của cháu, đương nhiên không phải là lúc nào cũng nằm im trong đó, mà khi cháu muốn là chúng sẽ đến, nhất là con rắn hoa nhỏ mà cháu thích.” ... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Hẹn  (truyện / tuỳ bút) 
Hôm nay tôi và anh ta có hẹn. Anh ta là một người cùng kiểu như tôi, loại người đó do tôi tưởng tượng ra. Mấy năm gần đây, tôi hẹn hò với đủ loại người, họ đều là loại người do tôi tưởng tượng ra cả. Trong số các cuộc hẹn ấy, thì có hơn một nửa, tôi không đến, tôi chỉ gặp họ trong đầu... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Bọt xà phòng trên nước bẩn  (truyện / tuỳ bút) 
Mẹ tôi đã biến thành một chậu nước xà phòng. Không ai biết việc này. Nếu có người nào đó biết chuyện nhà tôi, hẳn họ sẽ chửi tôi là đồ súc sinh, là kẻ mưu sát hiểm độc và ti tiện. Sáng nay, bà liên hồi la gọi tôi trong bếp, đến nỗi màng tang tôi rát lên... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tai hoạ của đời tôi  (truyện / tuỳ bút) 
Cuối cùng thì tôi cũng tống khứ được con mèo của mình. Tôi nghĩ điều này sẽ có thể giúp tôi bắt đầu một cuộc sống mới. Tôi ngồi bên bàn, mắt nhắm nghiền, suy nghĩ mông lung. Tôi cố gắng định hình lại những cảm xúc rối bời, hỗn loạn của mình. Nhưng đó là ước muốn viển vông: con mèo lại trở về... [Bản dịch của Hải Ngọc] (...)
 
Chôn giấu  (truyện / tuỳ bút) 
... Tôi nghe thím nói, mấy năm gần đây, ông bỗng sinh ra một cái thú kì lạ, là đem những thứ nho nhỏ trong nhà mang đi cho người ta. Nhưng cho ai? Không ai biết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đảo Rắn  (truyện / tuỳ bút) 
Có thể nói, chú Ba là người thân duy nhất của tôi trên thế giới này. Mỗi khi nhớ đến cái xóm nhỏ ở nơi làng xưa quê cũ âm ám xa xôi ấy thì tôi không khỏi ớn lạnh xương sống. Cái làng nhỏ được gọi là “Đảo Rắn” ấy nằm trên một dải gò đồi... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Tựa “TÀN TUYẾT TỰ TUYỂN TẬP”  (tiểu luận / nhận định) 
... Có lẽ, cái loại “thuần văn học” mà tôi theo đuổi chính là thứ làm cho con người không ngừng đổi thay, không ngừng phủ định những quy định của bản thân. Ví dụ, ngay cả trong nhận thức của bản thân tôi, dù đọc hay viết, đều là sự sáng tạo, loại văn học này không tuân theo những qui luật đã có, bạn chỉ có thể huy động năng lượng bên trong của bạn và quy luật được hình thành hoặc “phát hiện” từ trong quá trình ra sức “làm việc” thuộc về bạn... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Sương mù  (truyện ngắn)
Từ khi sương mù rơi đến bây giờ, mọi thứ chung quanh đều mọc ra bao nhiêu là lông lá lượt thượt và chúng không ngừng nhảy múa. Muốn nhìn một cái gì đó cho rõ, tôi phải căng mắt cả ngày... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)
 
Đào nguyên ngoài cõi thế  (truyện ngắn)
Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết... [Bản dịch của Lưu Hồng Sơn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021