thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cà-phê

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

 

TAHAR BEN JELLOUN

(1944~)

 
“Từ các trang viết, câu thơ của Tahar Ben Jelloun vẳng lên tiếng nói thiết tha, tiếng ca thấm đượm tình quê hương Maroc: không khí và mặt trời, mùi hương và âm nhạc, cảnh trí diệu kỳ, đôi khi bi thảm, nơi lướt qua và chìm khuất những bóng người. Đó là tiếng ngân nga trọn vẹn của hồi ức, thư thái, nhẹ nhàng, kín đáo, dù đã mất cái thơ ngây và đang chất vấn về định mệnh thế giới và số phận con người.”
 
Tahar Ben Jelloun là một trong vài nhà văn ngoại quốc (dù ông mang quốc tịch Pháp) đương đại viết tiếng Pháp xuất sắc nhứt. Ông sinh năm 1944 tại Fès, Maroc. Sang Pháp để “trốn tránh làn sóng Islam sắp ngập tràn đất nước tôi”, ông sống tại Paris từ năm 1971 để “được tự do viết”. Là một tác giả phong phú, Ben Jelloun đã xuất bản nhiều thi tập (Les amandiers sont morts de leurs blessures, 1976; À l'insu du souvenir, 1980; Poésies complètes 1966-1995, 1998...), tiểu thuyết (Harrouda, 1973; L'Enfant du sable, 1985; Les Yeux baissés, 1991; Le Dernier Ami, 2004...), tiểu luận (Hospitalité française, 1984; Le Rascime expliquée à ma fille, 1998; Pensées pour la liberté, 1999; Sur ma mère, 2008...)
 
Harrouda, cuốn tiểu thuyết đầu tay về một cô gái điếm (cũng là người tình đầu của ông) đã gây xì-căng-đan. Năm 1987, ông đoạt giải Goncourt với tác phẩm La Nuit sacrée, và giải Impac năm 2002 cho Cette aveuglante absence de lumière.
 
Mới đây, ông được tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh.
 
(Viết theo giới thiệu của nhà xuất bản và một số thông tin trên internet, NĐT.)

 

_________

 

 

CÀ-PHÊ

 

Cà-phê

Chỗ rứt ra khỏi thời gian.

Khép cửa / không cho phụ nữ vô.

Không cho đứa nhỏ vào.

 

Người phụ nữ sinh ra nơi nguồn của hiểu lầm. Một phụ nữ trong tiệm cà-phê chỉ có thể có hai quy chế: làm thuê hay làm điếm.

 

Đứa bé chỉ có thể có một phận sự duy nhất: tập nghề - bán hàng - làm bồi.

 

Tuy thế, sự tiến lên tuổi trưởng thành xảy ra rất tàn bạo: đứa trẻ biểu hiện điều này khi nhập vào chốn lưu đày gần nhất - cái quán âm u nơi đang xảy ra những chuyện huyền hoặc nhất - cái chỗ mà người ta quay lưng lại với thực tế.

 

Đi cà-phê là một giai đoạn song song với điếu thuốc lá đầu tiên và những cú thủ dâm ban đầu.

 

Đi cà-phê        hút thuốc lá        thủ dâm

Đi cà-phê       xác định một chỗ ở mới

bầu chọn một lãnh thổ trên lục địa của cô đơn

tự cho mình        tự hiến mình cho cà-phê; tự “cà-phê hoá” trong lúc tự “kif hoá”[*]

 

Nơi của cái viết.

 

Không.

 

Chưa hẳn thế.    

 

Nơi của cái nói. Nhưng nói cái gì?

 

Sự bạo tàn xảy ra hàng ngày cho cả một dân tộc khiến ngôn từ hiếm hoi và vô dụng. Lời nói phát ra chỉ là cái bề ngoài. Những tiếng có thể nói ra thực ra không thể ngăn cản sự bạo tàn kia, sự bạo tàn tích luỹ luỹ tích tích luỹ       cho tới hôm nó bùng nổ ngoài phố trực diện bầu trời an bình       cho tới hôm lũ trẻ và lũ chim chảy máu cầu vồng        lúc đó người ta tụ tập cây cối        người ta chất đống các ngôi đền Hồi Giáo        người ta mở sách ra        người ta tô màu cát và người ta ăn rong tảo   

hôm đó người ta đọc diễn từ        người ta hôn các con sơn dương và người ta đào đất.

 

Ở tiệm cà-phê người ta trao đổi những lá bài; người ta để cho sự bạo hành câm lặng trôi; đôi lúc nó dính vào chiếu trải dưới đất        dính trên chiếu gắn vào tường.

 

Khi trời đẹp người ta thích men theo lời nói ― lời nói và tiếng ngân của nó ― để phát hiện cuộc hành trình ra biển; nhưng chất lưu lỏng của đam mê cầm chân ta.

 

Bọn đàn ông ngồi tréo chân kể lể chuyện biển;

 

ngày xưa có

 

đúng vậy

 

một câu chuyện lạ lùng nhưng có thật        chuyện này đã xảy đến với tôi một lần trong lúc tôi câu cá ngoài khơi các hang động        đúng thế, chính mắt tôi đã thấy        tôi đã thấy nó với hai tay        cả cơ thể tôi đã trông thấy nó      một phụ nữ         

một phụ nữ không tuổi tác        ngư nhân hay chim biển       không, một phụ nữ, một phụ nữ thực sự, mái tóc dài        nàng khoả thân        không có lông quanh cái giống        nàng xuất hiện như trong mơ, nhưng nàng đứng đấy, một con người thật, nàng chuyện trò với tôi        nàng nói với tôi        ngươi là một kẻ nghèo hèn, ngươi xứng đáng có một cuộc đời tươi sáng hơn, ngươi yêu biển, yêu nhân loại, ngươi can đảm, hãy đi báo với đám trẻ nhỏ, hãy đi báo cho các bạn bè khốn khổ của ngươi rằng nàng đã từ dưới biển đi lên hay từ trên núi bước xuống, tuỳ vào cơn gió, nàng sẽ mang tới trái cây và mật ong, bảo với họ rằng họ cần phải rộng lượng với nàng, nàng yêu mến sự giản dị và sự âu yếm, hãy chuẩn bị cuộc lễ, hãy tháo dây cột lạc đà...        rồi nàng khuất dạng, tôi chỉ còn kịp thì giờ để tin vào hình ảnh của nàng, nhưng tiếng nói của nàng vẫn còn vang trong tai tôi        tiếng nói của một con người        tôi không thích biểu tượng        các lời ám chỉ        ở Tanger chúng tôi không bao giờ có chuyện nọ này với những kẻ ở bên kia cuộc đời, có thể vì chúng tôi ở gần người Âu       đó là những chuyện xảy ra ở Fass nhất là trong các phòng tối của nhà tắm công cộng hay các lò lửa       nhiều kẻ đã chết vì bị bọn đàn bà vô hình nguyền rủa, đã nói chuyện với họ trong đêm nhưng trong trường hợp tôi thì khác        người phụ nữ đó rất con người a mà tôi đã quên nói cho anh hay rằng nàng không có ngực

 

 

Người ta kể chuyện biển. Người ta uống trà. Người ta hút kif. Người ta bận bịu với hai tay. Cử chỉ thôi cũng đủ rồi. Nó đi trước lời. Đó là sự đoạn tuyệt với cái viết, được tăng trưởng do ngẫu hứng. Thực ra, cách diễn tả nằm trong hai tay, trong đôi mắt cắt chia không gian. Tiền cước của ẩn dụ vô hình; chỉ được cảm nhận, là việc đem thời gian gởi trả về cho những nơi chốn khác.

 

 

Người ta ngồi dưới đất, trên một cái chiếu. Chân tréo. Việc đó tự nó đã là một khoảng cách, một khác biệt rồi

          và người ta trở thành kẻ độc xướng.

 

 

Tanger.

Khu phố Marchane.

Qahwat el Hafa; tiệm cà-phê trên vách đá.

 

Từ sân thượng trên vách đá, biển rất dễ nhận diện: cái nhìn quay về Andalusia ở bờ biển; chân đâm rễ xuống đất mềm.

 

Đối với vài kẻ đi qua thì đó là sự trầm tư, cực lạc! Họ đến từ bên kia bờ Đại Dương để cưỡng chiếm một mảnh đất thanh bình; họ cỡi giày như sắp bước vô một ngôi thánh đường; họ bị mùi cần sa cuốn hút; dịu dàng cơn gió đẩy họ trở lui về phía cửa; bạn sẽ gặp họ lại tại một nơi nào đó trong thành phố, bất tỉnh vì rượu, túi đầy bưu thiếp thiên đường và dép Tétouan; họ đi du lịch trong những ngôi nhà có hoa vẽ trên giấy dán tường, ăn đom đóm, hút trà mà bọn con buôn đã bán cho họ như cần sa của Kétama, thiếp ngủ giữa cặp vú của một mụ phù thủy già...

 

Những kẻ khác thì đã trú gió trong cà-phê, mà số phận là sẽ bị loại trừ khỏi thời gian của con người.

 

 

Một chỗ trơ trụi.

 

Trang bị cho nó thì chẳng khác gì đặt tên cho thời gian.

 

Một cái chiếu, vài cái ghế đẩu làm chỗ để ly.

 

Lửa than.

 

Họ biết rằng họ đang được biển chở che. Họ cũng biết rằng ẩn dụ đang túa ra từ nhiều nguồn.

 

          khi là gương       khi là đàn bà. Cử chỉ của bàn tay (tay phải, không bị nhớp nhúa) là kẻ trung gian.

 

Những kẻ quan sát sẽ kết luận rằng đó chỉ là đóng kịch; như người ta nói “bày lễ uống trà”!

 

Không, không có diễn kịch. Chỉ có đời sống giản dị:

 

Chỗ.

Trà.

Thoải.

Lời.

Cử chỉ / cơ thể.

Cần sa.

 

 

1.0.

Chỗ
trống trơn và thân thiện.

 

1.1.

Trà
chất liệu bao la.
 
Từ Trung Hoa mang đến như người ta bảo.
 
Uống khi đã pha lọc.
 
Không xài tách: dọn ra trong ly lớn.
 
Lá bạc hà tươi; loại thơm nhất từ Moulay Idriss Zarhoun mang tới.
 
Ly (đôi khi) có các cái nắp nhỏ để ong khỏi rơi vào.

 

1.2.

Thoải
 
Ngồi dưới đất; tựa lưng vào tường;
 
cơ thể trong những chiếc jellabas rộng; từ chối việc đè nén / khép nép của thân thể; thênh thang trong ống quần ả-rập có xếp gấp.

 

1.3.

Lời
 
Không có bậc thầy sở hữu ngôn từ.
 
Tiếng nói loại trừ thông điệp và trao đổi.
 
Tro tàn của lời trả về tàn tro của kif.
 
Lời nói tan trong màn khói đưa vào giấc ngủ.

 

1.4.

Cử chỉ / cơ thể
 
Cơ thể, cái chắn giữa phố trắng và trí nhớ tản mác.
 
Gió nhẹ tay bẻ những trái tim và treo chúng trên tầng mây. Mắt dõi theo và lạc bước trong im lặng của chim đã tìm được chỗ trú trong những lằn xếp của buổi sáng.
 
Dương vật cương cứng dưới những chiếc jellabas. Đôi mông bé bỏng của em bé học nghề khiêu gợi cơn dục tình hầu như không dấu che.
 
Dương vật xé toạc những chiếc jellabas và rượt đuổi thằng bé chạy trốn vào đôi chân của người chủ quán.

 

1.5.

Cần sa
 
Mùi hương của khói vẽ những thành luỹ cho thành phố bị lãng quên.
 
Vừa quất tiếng cười rụng, nó gọi sóng về lăn chết trên cái giống.
 
Tiếng cười xoá nét vẽ của âu lo; nó mở những cánh cửa của một thành phố không có lối đi, không có mê cung, một thành phố mà địa hình đã cháy trong ánh lửa của buổi sớm mai; lạc bước nơi đó là một hạnh phúc mà các thiên thần của choáng váng muốn khuyến khích chúng ta.

 

2.0.

Còn lại cho chúng ta là cái chết mà ngón tay có thể chạm vào giữa những gân lá bạc hà
 
không gian đóng
 
thì thầm trong nếp gấp của chiêm bao.
 
 
Chỗ âm u.
 
Có phải đó là lúc ngày đi?        Là khi đêm tới?
 
 
Chẳng hề gì...

 

 

 

_________________________

[*]“kif”: Một thứ ma tuý thường được sử dụng ở Maghreb và một vài nơi khác ở châu Phi.

 

------------
Nguồn: Trích dịch từ tiểu thuyết Harrouda của Tahar Ben Jelloun (Paris: Éditions Denoel, 1973).

 

 

------------

Những tác phẩm của Tahar Ben Jelloun đã đăng trên Tiền Vệ:

Vâng, hi vọng không phải là tách cà-phê uống một buổi chiều hè / không phải là cái nháy mắt cho lịch sử / cũng không phải là một cung điện nơi chân trời thân mật, / hi vọng phải nhiều hơn là một ý tưởng của đốt xương sống // Mi cũng không thể lên tiếng về hi vọng. Mi không biết nó là cái gì... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Lữ khách ơi, / hãy để bàn tay của ngươi trong đất hồng / ở đây / chỉ có cô đơn trong đá tảng. // Không có chúc thư / Từ đêm tối / cho kẻ thức canh / tạc tượng mình trong đá trắng / mà cũng chẳng có di chúc nào cho con ngựa / đã xoãi cánh / trong rừng gương... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Cây là một suy tư / có khuôn mặt nhăn nhó... | Một ý tưởng trên mây / cũng tựa như một khuôn mặt hướng lên trời... | ... Máu hay màu / đang rịn trên thân cây / hay chỉ là một khuôn mặt do lưu đày mơ tưởng?... | Gió đã thổi qua trên tấm khăn liệm của những kẻ bại trận. / Dưới tảng đá là một cuộc đời khác... | ... Cây cọ kia chỉ là kỉ niệm / của một cuộc đời rộng lớn / mỏi mệt vì giấc mộng buồn... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
... Thành phố khép kín trên niềm tự hào / Ngủ gục / Cửa vào nhà thảy đã lệch theo thời gian / Cửa sổ cũng bay ra đồng / Khiến nó thêm buồn bã // Cớ chi mà ngần ấy kẻ lạ xa / Ngất ngây trước những gì còn lại / Của một cơ thể không còn mặt mũi?... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
... Đêm chậm tới / Bởi vì ánh trăng đã rót vào đôi mắt trong veo / Của một phụ nữ / Đã mất tất cả trừ lí trí... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
... Sách của những cuốn sách / Bản thảo bị chôn vùi / Bỏ quên / Dưới những phiến đá của một ngôi nhà bị cấm // Mỗi trang sách là một câu chuyện cổ tích / Chuột khoét / Mỗi căn nhà là một truyền thuyết / Khó hiểu / Một cánh cửa mở vào / Bóng tối... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021