thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Người ăn chữ

 

 

Mới đầu, chàng ăn cái nhan đề. Phần nhan đề là ngon nhất. Chàng nhai đi nhai lại mấy chữ trong nhan đề như nhai một cái đầu cá. Không hẳn nhiều chữ là ngon đâu nha. Người nào ăn nhan đề sành điệu đều biết điều này. Nhiều chữ hay ít chữ không liên quan tới ngon hay dở đâu. Có nhiều cái nhan đề dài ngoằn, nhưng cắn vào mới thấy bở rụi, mềm xèo. Chàng thích mấy cái tên ngắn gọn. Thỉnh thoảng, có một dấu phẩy trong nhan đề càng ngon. Dấu phẩy trong nhan đề là cái hạt thông dấu trong ổ bánh mì. Cắn ổ bánh, nhai mấy miếng thì đụng phải hạt thông, vừa thơm lại vừa béo.

Chàng hay để ý cách người ta trình bày cái tên sách. Càng điêu luyện, người ta trình bày càng giản dị. Chàng không thích chữ đậm, chữ nghiêng gì trong cái tên sách cả. Cứ cho chàng một hàng chữ bình thường. Giống như chàng vẫn thích ăn rau cải luộc vậy. Cà rốt, củ dền đỏ, bí rợ, cải xanh... luộc ra ăn ngọt lịm. Còn xào nấu với đủ thứ gia vị muối, ớt, tiêu, ngò, bột ngọt... nhiều khi lại làm hư cái vị ngọt ngào tự nhiên của rau cải. Nhưng dù sao, trình bày đẹp không làm cho cái tên sách ngon ra. Ngon hay không là do phần nội dung quyết định. Có những nhan đề cắn vào giòn rụm, thơm tho.

Chàng nghiện chữ. Bệnh này mới chăng? Chàng không biết. Chàng nghe nói về đủ thứ bệnh nghiện, nhưng chưa ai nói về bệnh nghiện chữ. Chàng khám phá ra bệnh của mình vào một dịp bạn chàng tình cờ nhốt chàng trong một căn nhà. Anh ta đưa chàng về nhà nghỉ ngơi, đóng cửa lại để đi đâu đó một lúc, rồi lại đi thật lâu, mà quên đưa cho chàng chìa khoá nhà. Chàng bị nhốt. Chàng bị nhốt trong nhà cả ngày, hơi sợ. Lỡ như có hoả hoạn thì mình chạy đi đâu? Chàng xem xét cửa ngõ lại cẩn thận. Nếu có hoả hoạn thì nhất định chàng bị thui sống, vì căn nhà đã được bao bọc kỹ càng bằng những song sắt. Chàng thấy tù túng, bất an, muốn tìm một cái gì để đọc, cho thời gian trôi qua mau hơn.

Rồi chàng lại khám phá ra một sự thật ghê gớm hơn. Căn nhà trống trơn không có một trang chữ in nào hết. Đến lúc đó, chàng mới nhận ra căn bệnh nghiện chữ của mình. Chàng thấy khó chịu trong lòng, đi ra đi vô, đi vòng vo trong căn nhà để tìm chữ. Chữ nào cũng được. Tiếng Việt hay tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tàu gì cũng được hết. Chàng như người nghiện đã tới cơn, bị cơn bệnh hành hạ. Càng tìm kiếm, chàng càng thất vọng. Ồ, vậy là anh bạn của chàng chưa bao giờ đọc một trang sách báo nào cả. Một người không đọc sách? Chàng ngạc nhiên.

Đúng rồi, mỗi ngày chàng đều ăn. Mà không phải chỉ ăn cơm mà thôi, chàng còn ăn chữ. Từ đó, chàng để ý tới cách ăn của mình. Chàng ăn phần thịt, chàng mút xương của từng con chữ một. Rồi chàng nhận xét cái ngon, cái dở của từng con chữ, từng câu văn. Có những câu văn, ăn vào thấy no nê, dễ chịu. Nó làm cơn đói lắng lại, và ăn xong thì thấy hạnh phúc. Nó làm cho người ăn mạnh khoẻ ra. Với chàng, văn hay thì cũng giống như thức ăn hữu cơ vậy, một loại thực phẩm lành mạnh, giàu chất nuôi dưỡng. Và có những bài văn làm cho chàng bệnh. Ăn xong, chàng thấy cơ thể mình bất an, bồn chồn. Chàng có cảm tưởng như trong bài văn ấy có chất độc. Một thứ độc vô hình, đi thẳng vào cơ thể, vào tâm thức chàng và khiến cho chàng thọ bệnh.

Ngày xưa chàng cũng không phải thuộc loại kén ăn. Nếu cho rằng chàng sành ăn cũng được. Đó là “lỗi” của mẹ chàng. Bà nấu ăn ngon có tiếng. Do vậy, cái lưỡi của chàng rất biết nếm. Ai nấu gì rồi thì thường nhờ chàng nếm thử trước khi dọn lên cho thực khách. Khi ăn chữ, chàng cũng rất nhạy cảm, vậy thôi. Nhưng càng lớn tuổi, chàng càng nhạy cảm. Một câu chữ chàng ăn có thể ảnh hưởng trực tiếp vào giấc mộng đêm ấy của chàng. Cho nên càng ngày chàng ăn chữ càng ít lại, chọn lựa, xem thử chữ này, chữ kia có phải thuộc loại thực phẩm hữu cơ hay không? “Thà ăn ít mà lành. Còn hơn ăn lung tung chỉ mang bệnh vào người,” chàng nghĩ vậy.

Có khi đang ăn, chàng cắn phải một cái gì cưng cứng, khó nhai. Chàng lừa mẩu chữ ra, cầm trên tay mà quan sát. Cái gì đây? À, sự thông minh. Sự thông minh đang giấu mình ở trong những dòng chữ. Sự thông minh có thể làm cho chàng mắc nghẹn như chơi. Chàng cười, để cuốn sách xuống, và đi tìm một món ăn khác, hợp khẩu vị hơn. Có khi đang ăn, chàng hít hà vì một thứ gia vị thật mạnh ở trong thực phẩm. Chàng lấy ly nước, uống ực một hơi, rồi mới ăn tiếp. Không sao, gia vị luôn luôn tạo sự chú ý của người ăn. Trong văn chương, kỹ thuật tân kỳ là một thứ gia vị của người viết. Bỏ cho nhiều gia vị vào thì thế nào món ăn cũng tạo được sự quan tâm, chú ý.

Món ăn ngon phải đi đôi với trình bầy đẹp. Chàng đồng ý chuyện đó chứ. Nhưng quá chú trọng đến cách trang trí đĩa thức ăn cho đẹp mà không để ý tới sự bổ dưỡng, lành mạnh của thức ăn thì cũng uổng. Thức ăn cần phải lành. Chàng tin vậy. Thức ăn mà không lành, thì không phải là thức ăn thượng hạng. Gần đây, nhiều bác sĩ Tây y nhắc nhở bệnh nhân rằng thức ăn là một thứ thuốc ta dùng hàng ngày. Điều này đúng quá đi chứ. Chàng nghĩ rằng cái lành cần đi trước cái ngon. Và thay vì nói “ngon lành”, chàng hay nói ngược lại là “lành ngon”. Hễ thức ăn lành thì thế nào nó cũng ngon. Thức ăn ngon có chất độc, thì cái ngon đó là giả tạo, đánh lừa cái lưỡi của người ăn mà thôi.

Nhiều khi chàng đã nghĩ: “Cứ ăn cho sướng miệng, chuyện lành hay độc cứ tính sau. Hơi đâu mà chọn lựa.” Đã lắm lúc chàng nghĩ như vậy đó. Nhưng rồi sức khoẻ của chàng báo động. Ăn thực phẩm độc vào trong người, chàng lãnh đủ hậu quả, mà gia đình những người thân của chàng cũng bị ảnh hưởng. Dù sao thì hạnh phúc của một người trong gia đình luôn luôn có ảnh hưởng tới những người khác. Vì vậy khi ăn những chữ rất lành, rất ngon, chàng thấy rằng mình đang ăn cho nhiều người trong gia đình. Ăn cho sướng miệng, xem ra là một hành động dại dột. Bao nhiêu người bị bệnh nan y cũng vì không quan tâm, để ý, chăm sóc đến thức ăn của mình. Ăn quá nhiều cũng là một cái tật xấu. Đã ăn đồ độc hại, mà còn ăn quá nhiều thì sớm muộn gì chàng cũng phải đi thăm bác sĩ.

Chàng ăn như một cách phòng ngừa bệnh tật. Phải rồi, người ta thường đợi có bệnh rồi mới lo uống thuốc. Còn chàng, chàng cẩn thận hơn. Chàng lựa chữ nghĩa lành mà ăn. Có khi, chàng cứ nhai đi nhai lại hoài một cuốn sách như một món ăn ngon. Sách hay, sách lành mạnh. Và mỗi lần ăn, chàng khám phá ra một ít điều mới mẻ ở trong cuốn sách. Chàng nghiệm ra là cái mới của món ăn không nằm ở người nấu, mà phần nhiều ở người ăn. Tại sao người ta cứ hô hào nấu những món ăn mới hoài vậy? Phải chi người ta hô hào cùng nhau nấu những món ăn văn chương lành mạnh thì tốt biết mấy. Chàng không cho rằng đây là vấn đề đạo đức, mà là một vấn đề của sức khoẻ. Trong thế giới văn chương, nhiều người vẫn còn chú trọng tới cái hoa hoè, hoa sói bên ngoài mà quên đi phần chăm sóc sức khoẻ của giới thưởng ngoạn. Mình nấu ăn với tình thương thì người ăn sẽ hưởng được rất nhiều. Rồi người ăn, nếu biết thưởng thức những món ăn lành mạnh thì sẽ thấy món ăn mới hoài. Có bao giờ một tô phở trở nên cũ kĩ đối với người ăn đâu? Người biết ăn sẽ thấy tô phở luôn luôn mới, nóng hổi, thơm tho, và béo ngậy.

Nếu chữ nghĩa là những thức ăn được chế tác từ tình thương, thì người ăn sẽ có nhiều hạnh phúc. Chàng quí hạnh phúc. Chàng là người yêu đời mà. Cuộc sống của chàng là một cuộc ăn. Rồi chàng quan sát và thấy mọi người xung quanh chàng đều đang ăn không ngừng nghỉ. Chúng ta là những loài ăn. Khi xem truyền hình, chúng ta ăn những hình ảnh đang được trình chiếu, và chúng ta ăn luôn những cảm xúc và ý tưởng có mặt trong tâm ta. Chúng ta ăn không ngừng nghỉ. Ngừng có nghĩa là chết. Chỉ khi nào, ta trở về với đất thì mới hết ăn thôi. Và chàng thấy, nhiều khi chúng ta không biết mình đang ăn cái gì. Chúng ta ăn hoài mà vẫn thấy đói vì không biết mình đang ăn gì. Chúng ta ăn một cách lơ đãng. Ăn lơ đãng thì dù ăn hoài vẫn tưởng mình chưa ăn. Có phải khi người ta đòi món lạ, món mới liên tục là vì người ta không biết thưởng thức những món ăn thật lành, thật ngon thường có mặt ở trong đời sống hàng ngày?

Trong cuộc sống, ta có cái quyền chọn lựa. Từ ngày hiểu ra điều này, chàng thấy mình sống có hạnh phúc hơn. Vào một nhà hàng, nhìn thực đơn, ta chọn lựa. Sống mà không chọn lựa một cách ý thức có nghĩa là ta bị sống. Những kỹ thuật quảng cáo hiện đại, đang có khuynh hướng chọn lựa giùm cho ta. Nó quyết định trước giùm ta nên mua món gì, mặc quần áo nào, xem báo nào và ăn những thức ăn nào. Ta không có tự do. Ta bị tước quyền tự do vì không biết thưởng thức những gì ta đang tiếp nhận. Bị sống là như vậy đó. Bị sống, rồi bị mặc, bị ngắm nghía, bị ăn, bị đủ thứ hầm bà lằng hết. Cho nên chàng rất thoải mái, tự tin cho phép mình chọn lựa, cho phép mình thưởng thức những thực phẩm chàng tiêu thụ. Không chọn lựa có nghĩa là không sống đời sống của mình.

Chàng ăn trong sự chọn lựa đó. Và chàng chọn thực phẩm lành. Thực phẩm không lành thì chàng không ăn. Chàng từ chối, ngó qua vậy thôi chứ nhất định không ăn. Và chàng hả hê, hài lòng với thái độ đó của mình. Ai muốn nấu sao thì nấu, bán món gì thì bán; chàng chỉ ăn, và mua với sự trân quí và chọn lựa của mình. Từ đó, chàng bước ra ngoài những khuôn khổ có sẵn. Có những quán chàng nhất định không bước vào, lánh xa. Chàng không tò mò xem quán đó có món gì mới mẻ không. Sau nhiều lần ăn và trúng độc trong quán, chàng kệch; kệch đến già. Và chọn lựa không bước vào quán đó nữa là tự do, là thắng lợi lớn của chàng. Chẳng qua, chàng trân quí mạng sống của mình. Chàng muốn sống một cuộc đời có ý nghĩa, hạnh phúc. Cho nên chàng biết rất rõ là mình cần ăn những loại thực phẩm nào. Chàng biết rõ ràng và chọn lựa thật kỹ càng. Thú lắm.

Mỗi người phải sống đời sống của mình. Mỗi người có quyền chọn món ăn mình ưa thích. Người nấu ăn, nếu gặp được người đồng điệu thì vui sướng. Nếu không, người ấy nấu và ăn một mình. Ra mở quán, là vì mình tin rằng có nhiều người đồng điệu, “biết thưởng thức” như mình. Mình không nên mở quán để nấu những món ăn người khác thích. Sống vì những cái vui buồn, thương ghét của người, mình dễ dàng trở thành nạn nhân của những cảm xúc lên xuống bất thường của con người. Người đi con đường dài là con người biết tự chăm sóc và nuôi dưỡng mình. Đọc một cuốn sách hay, là chàng đang ăn một món ăn thích khẩu của người viết. Người viết là thực khách thường xuyên của quán mình. Không một ai chỉ viết cho người khác lại có thể đi được trên một con đường dài trong thế giới văn chương.

Chàng ưa thức ăn lành, ca ngợi thức ăn lành. Nhưng chàng cũng thừa hiểu là cái lành, cái ngon, vẫn là lành và ngon đối với chàng. Dù sao, nó cũng hết sức là riêng tư. Cái gì lành đối với chàng, chưa hẳn là lành đối với bạn chàng. Cái lành đã riêng tư rồi, huống hồ là cái ngon. Vâng, thiên hạ có quyền có khẩu vị riêng của mình. Điều này tốt thôi. Vườn hoa đẹp không nên trồng toàn là hoa cúc. Miễn là người nấu thành thực với mình là tốt. Mình phải yêu chuộng, thích thú với món ăn của mình, mà đừng nấu ăn như một người làm công. Mình cần nấu với tất cả sự thích thú, không miễn cưỡng. Chàng thích ăn những món ăn, đọc những cuốn sách mà người viết có hạnh phúc trong khi hạ bút. Hạ bút? Vâng, hạ bút, hay hạ thủ. Cao thủ võ hiệp khi ra hay, chỉ một chiêu thôi là đã thấy sự thành bại trước mắt mình. Còn chàng, chỉ cần nếm vài chữ thôi, là biết người viết có nấu bằng tất cả trái tim mình hay không, hay đó chỉ là một lập lại, nhàm chán, không có một chút gì của sự sống.

Sự sống luôn luôn đẹp. Đó là cái nhìn của chàng. Chàng yêu đời, thấy cái đẹp của sự sống. Sự sống không kéo dài miên viễn. Món ăn, khi nấu ra là để cho ta thưởng ngoạn. Nó không phải nấu để trưng bày, phô trương một nghệ thuật nào cả. Nấu là để ăn. Không ai nấu ăn với mục đích để đời món ăn của mình cả. Nhà văn là đầu bếp. Và nhiều nhà văn nuôi cái mộng thức ăn của mình có thể sống đời đời, mãi mãi. Cái đó có phải là một ảo tưởng không? Với một người thích ăn chữ như chàng, thì đó là một cái nhìn sai lầm, lệch lạc. Ta không nên nuôi mộng để đời một cái gì cả. Những chữ viết ra, những món ăn nấu ra, là để nuôi dưỡng sự sống. Sự sống đẹp, là quí báu vô cùng. Nhưng sự sống đẹp là vì nó có một điểm chấm dứt. Từ đó, mọi hình thái của sự sống đều có quyền phô bày trong sự tự do. Sự sống luôn luôn có một bắt đầu mới. Nó mới hoài, mới hoài.

 

 

Pháp, 16-11-2008

 

 

---------------
 
Sách mới của Lữ:
ĐẾN GẦN VỚI KHÔNG GIAN (tuỳ bút) [xem chi tiết xuất bản]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021