thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bậc thầy giả kim

 

Bậc thầy giả kim nắm giữ rất nhiều bí quyết thành công, nhưng ngài chỉ khai ngộ và trao lại những bí quyết đó cho đệ tử “ruột” theo lối chân truyền, cũng như xưa kia ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát cho lục tổ Huệ Năng. Người được lựa chọn trao y bát phải thấu đáo chân lý cứu cánh của nghệ thuật giả kim, đó là Nghệ thuật của cái Giả. Tuy nhiên, ranh giới giữa Nghệ thuật của cái Giả với Nghệ thuật của cái Giống-Như-Thật là rất mong manh và chứa đựng muôn vàn hiểm nguy, cạm bẫy.

Tiếc thay, vị môn đệ xuất sắc nhất được người truyền trao y bát, tuy có kế thừa được bí quyết chân truyền của nghệ thuật giả kim, lại ắp đầy mưu toan xảo trá, rắp tâm biến nghệ thuật này thành cần câu cơm để đi lừa thiên hạ. Mục đích của gã ngay từ ngày đầu tách thầy ra hành nghề là: Làm ra cái Giả để rao bán với giá của cái Thật. Với mưu toan ấy, không phủ nhận là gã đã có bước tiến vượt bậc so với thầy về kỹ thuật giả kim. Với mưu toan ấy, cuối cùng gã đã làm được một điều mà thầy gã không thể làm được, đó là lập ra một giáo phái mới với 6 phương châm:

 
1. Nhà giả kim không được nhầm lẫn thật-giả, nhưng phải gây nhầm lẫn triệt để cho người thưởng lãm tác phẩm của mình.
 
2. Vẻ đẹp của tác phẩm phải được nâng lên thành một thứ “Đạo đức của tự nhiên thuần tuý” và nhà giả kim phải tuyệt đối tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt của Đạo đức này.
 
3. Nhà giả kim phải làm cho tác phẩm giống giả nhiều hơn thật, để người thưởng lãm phải thốt lên: “Sự thật không bao giờ có vẻ ngoài hoàn hảo.”
 
4. Nhà giả kim phải đòi giá thật đắt cho tác phẩm để tự bảo vệ chính mình.
 
5. Nhà giả kim không mất công ưu tư về cái Thật bởi cái Thật là điều khó nhận biết. Cái giả của Vàng là vua của những cái Giả.
 
6. Các môn đệ có sứ mệnh truyền bá những bí quyết của Nghệ thuật giả kim trong cả hai cõi giới tồn tại, Tinh thần cũng như Vật chất, để những bí quyết ấy phủ lên bàng bạc trên khắp địa cầu, biến thế giới bao la này thành một tác phẩm giả kim vĩ đại nhất, với một niềm tin bất diệt vào cái Giả vĩnh hằng.
 

Trong vai trò một người bán hàng khiêm tốn, vị giáo chủ mới với dáng người nhỏ thó và đôi mắt sắc sảo của thầy phù thuỷ, di chuyển chập chờn trong gian hàng tranh tối tranh sáng, giữa những món đồ phủ bụi được bày lên giá một cách cẩu thả. Gã đang tìm, hay đúng hơn là vờ tìm, một tượng Phật có niên đại cách đây hơn 500 năm cho một nhà sưu tầm đồng thời là nhà nghiên cứu tâm linh và văn hoá dân gian có tiếng. Vị khách hàng này không ngớt phàn nàn về sự suy vi của những tôn giáo lớn vì cái giả dối đang sinh sôi, nảy nở nhung nhúc khắp nơi như những con bọ gặm nhấm niềm tin thuần khiết của con người vào những điều cao cả, bí nhiệm. “Ông thực lòng tin vào những điều bí nhiệm ư?” Người bán hàng hỏi, vẻ ngạc nhiên. “Thế còn ông, ông đang sở hữu và buôn bán cả một kho tàng tâm linh thiêng liêng của nhân loại, lẽ nào ông không có chút niềm tin nào vào sự bí nhiệm?” Người bán hàng mỉm cười: “Vì sự bí nhiệm thì người ta có thể làm giả được, còn những món đồ bằng vàng của tôi thì không. Tôi tin vào những gì hiện hữu trước mắt tôi, vào vẻ đẹp thuần khiết vô mục đích của nó.” Vị khách hàng hoài nghi: “Nhưng làm sao ông có thể phân biệt được cái thật và cái giả? Liệu có thể dựa vào trực giác thuần tuý không? Hay ngay cả cái trực giác đó cũng giả, nghĩa là nó đã bị chi phối bởi những niềm tin có sẵn trong mỗi chúng ta?” Người bán hàng nhún vai lãnh đạm: “Ông bị cái thế giới tràn ngập đồ giả này làm hỏng hết giác quan rồi. Nhưng đổi lại, cái gì là thật mà ông tìm thấy được mới đáng quý.” Nhà nghiên cứu băn khoăn: “Tràn ngập đồ giả. Chính vậy. Đồ gỗ trong nhà là gỗ giả. Cốc thuỷ tinh thì kỳ thực là cốc nhựa giả thuỷ tinh. Thấy một chậu hoa rực rỡ đẹp thiên thần, lại gần thì hoá ra hoa giả. Công viên giả, vườn tược giả, núi rừng giả. Tệ hơn nữa là những tình cảm giả dối, các trường phái, trào lưu, ý thức hệ… cũng giả. Vậy còn biết tìm kiếm sự thực ở đâu đây?” Người bán hàng đặt bức tượng Phật nhỏ bé bằng vàng trên bậu cửa đầy nắng và nói với vẻ tư lự: “Ông hãy tập trung vào từng chi tiết và ông có thể tìm thấy vàng. Những câu hỏi ông đưa ra rồi tự chúng cũng có thể trở nên giả dối nếu mãi mãi ông không tìm thấy sự thật.” Nhà sưu tập giật mình nhìn lại bức tượng trong ánh nắng chiếu mơ hồ, và thốt lên: “Chao, vàng ròng.” “Ông thấy đấy, sự thật có tồn tại chứ, nhưng ông sẽ phải trả một giá rất đắt.” Người bán hàng dừng lại giây lát để quan sát: “Vẻ đẹp của vàng,” gã thì thào, “không một bàn tay tài hoa nào của con người có thể vượt qua được vẻ đẹp tự nhiên của nó. Ông hãy nhìn những chi tiết kia mà xem, xin đừng vội quay đi, nó là những khiếm khuyết của thiên nhiên mà nếu con người cố gắng bồi đắp hoặc lấp liếm bằng những chi tiết chỉ chứng tỏ sự tưởng tượng nông cạn và nghèo nàn, thì anh ta sẽ phá vỡ hoàn toàn sự cân bằng Đạo đức của Tự nhiên. Đó là đạo đức của cái tuyệt đối, độc tôn, là Đạo đức không cần tự biện minh hay phô trương, cho dù nó tựa như một mệnh lệnh đầy tính độc đoán, ngây ngô và phi lý.” Chấn động sâu xa bởi diễn ngôn của gã bán hàng kỳ dị, nhà sưu tầm, để đổi lấy việc sኟ hữu bức tượng Phật bằng vàng, đã để lại cho gã một món tiền kếch sù trước khi rời đi với niềm phấn khích tột độ. Niềm vui của kẻ tìm thấy vàng ròng.

Có một huyền thoại được lưu truyền rộng rãi trong giáo phái xung quanh một tiết lộ của vị giáo chủ: giây phút mà người thầy khai ngộ cho gã thực ra là kết quả của một sự hiểu lầm về ngôn ngữ. Nhờ đó gã thấu triệt một điều: để tránh cho những bí quyết rơi vào tình thế võ đoán, gã cần viện đến một thứ ngôn ngữ tuyệt đối đơn giản, đó là mệnh lệnh thức. Huyền thoại về sự nhầm lẫn rốt cuộc đã trao cho gã một sức mạnh mới: sức mạnh của kẻ đả phá những huyền thoại.

Bấy lâu nay, gã hết sức khó chịu với những bức tượng Phật giả cổ hay sơn son thếp vàng loè loẹt khắp nơi. Chúng là sự mô phỏng ở mức tầm thường nhất cho cả hai loại nghệ thuật mà gã từng biết: Nghệ thuật của cái Giả và Nghệ thuật của cái Giống-Như-Thật. Rồi ngày nọ, một vị sư ông tìm đến gian hàng nhỏ bé của gã để đặt hàng một số lượng lớn tượng Phật giả kim. Gã lạnh lùng nhìn người khách hàng đã đưa ra lời đề nghị trơ tráo đó, đáp lời: “Xin lỗi, ở đây chúng tôi không bán đồ giả kim.” Vị sư ông gãi đầu phân trần: “Tôi biết, nhưng hẳn ông có thể giới thiệu cho tôi người có khả năng thực hiện lô hàng này chứ, vì tôi không thể đủ tiền mua chừng đó tượng Phật bằng vàng ròng. Vả lại, cũng không cần thiết.” Gã tò mò hỏi: “Tại sao lại không cần thiết? Đó chẳng phải là vị giáo chủ vĩ đại nhất trong tôn giáo của sư ông sao?” Sư ông mỉm cười: “Vì ông không hiểu ngài thôi. Lẽ nào ông không biết toàn bộ sự sống này và những hình tướng của sự sống như ông vẫn thấy chỉ là giả tạm. Vậy thì có gì khác nhau giữa một bức tượng bằng vàng và một bức tượng giả kim? Mọi vật đều là giả tạm. Mọi sự rồi cũng tan biến và đi vào cõi như như.” “Vậy đâu là chân lý mà ngài hằng theo đuổi?” “Đó là xoá bỏ mọi sự phân biệt thật-giả.” Gã lặng người đi trước câu trả lời vô cùng giản dị của nhà sư và thấy trống trải lạ kỳ.

Sau câu chuyện tình cờ đó, gã cất công tìm đến rất nhiều chùa chiền để tìm hiểu bí quyết xoá bỏ mọi sự phân biệt thật-giả của nhà Phật. Nhưng lạ lùng thay, không còn thấy đâu nữa những ngôi chùa bằng gỗ nhỏ bé, u tịch núp dưới bóng những tán cây ngâu hay ẩn dật trong những khuôn viên ngan ngát hương hoa đại. Chùa chiền đã được bê tông hoá gần hết. Những tượng Phật mới thơm nức sơn dầu. Các sư thầy, sư cô í ới chuyện trò qua máy di động. Xe cộ qua lại dập dìu. Ngôi tam bảo được thắp sáng bằng những ngọn nến điện. Các sư ông trong chùa trao đổi với gã về những dự án tôn tạo hoặc xây mới tốn tiền tỉ. Gã kinh hãi trước sự trù phú ghê người của những cái giả tạm nơi cửa Phật và kính phục ngước nhìn Ngài nhếch môi cười như chế giễu trên ngôi cao. Chính tại khoảnh khắc lĩnh hội được ẩn ý chết người của đức Phật từ nụ “vi tiếu truyền tâm ấn” đó, gã đã phát điên. Tương truyền, trong cơn mê sảng gã không ngừng nhắc đến đức Phật như một nhà giả kim vĩ đại nhất của mọi thời đại. Theo một giai thoại khác thì những môn đệ của gã với lòng thương tiếc sâu xa đã chôn sống gã trong một quan tài bằng vàng ròng để linh hồn của gã có thể ngậm cười nơi chín suối. Còn hạt mầm tư tưởng của gã vẫn tiếp tục được nhân giống và đem lại thu hoạch đáng kể cho những kẻ kế vị. Nhưng những diễn ngôn sau này đã mất đi sức sống và tham vọng ban đầu của vị giáo chủ. Chúng đơn thuần chỉ còn là những mệnh lệnh thức vô nghĩa và phi lý, xiển dương một thứ giáo lý pha loãng hoặc đã đổi màu. Cùng với điều đó, những tác phẩm giả kim không còn được cố công làm cho giống như thật, mà chỉ còn mang dáng dấp một ảo vọng của con người về vàng ròng với một vài mảy bụi hàng mã không đủ đánh lừa được ai. “Đạo đức của tự nhiên thuần tuý” vẫn tiếp tục được rao giảng với không ít tuyệt vọng. Nhưng bằng cách đó, thứ Đạo đức “bất khả tri” của gã, hay đúng hơn là được “sáng chế” theo cách riêng của gã, vẫn còn dai dẳng sống trong những huyền thoại của ngày hôm nay và được bày bán rộng rãi khắp mọi nơi.

 

Hà Nội, một ngày nóng khủng khiếp của mùa hè,
11/06/2009

 

 

---------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021