thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nghỉ hè

 

Mùa giông gió đến. Sau khi kêu mời mãi không thấy đàn ông đàn bà nào chịu đi nghỉ hè chung với mình, tôi bỗng tìm ra cái kế mà trước đó chưa bao giờ nghĩ tới, lạ nhỉ, khoẻ re, sao mình không đi nghỉ hè một mình? Quanh quẩn cũng chẳng phải tại mình, tại cái xứ này nó thế, gì cũng muốn đại trà phục vụ tập thể, bán vé sale thì bán cả cặp, mua miếng đất nghĩa địa thì phải mua cả hai, một chỗ thì cũng đắt như hai, vé hai vòng cũng như một vòng. Vậy thôi đi, không ai đi thì anh em ta cùng nhau xông pha lên đưòng một mình vậy.

Không ai đón đưa cũng không ai sốt ruột đợi chờ, ngồi trên máy bay hay đã đến nơi hãy cứ nhẩn nha lè phè loanh quanh phi trường nghía cho nó đã con mắt: 1) dạo này máy bay thường nén chặt như nêm đi qua đi lại đụng đầu đụng chân nhau lụp cụp 2) mấy bà má hậu giang bà già giết giặc rủ nhau tung tăng du lịch từng nhóm hơi nhiều, chắc mấy khứa lão trăng hoa sắc nước chết chìm trước hết rồi 3) bọn đi hạng nhất thường là mấy cha bụng xẹp hay bụng bự đi công tác, tay xách cặp da láng, mặc áo quần công sở trắng lốp cà vạt màu mè, đi công tác sở mua vé tội gì không đi hạng nhất cho sướng con cu mù con mắt 4) mấy em nho nhỏ nứt mắt ra đã nghèo hở lưng hở ngực hơi nhiều, nó mà cúi cái lưng xuống (lục lạo cái gì trong túi xách) thì ui chao ngực một đống trắng hếu, quần lót hai ba màu lưng bụng trắng hếu phơi ra như giữa chốn không người 5) mấy vòi nước uống phông tên đều tắt ráo trọi tại sợ cúm heo (?) nên một chai nước lạnh chém 4 đồng bạc giữa thời buổi kinh tế khó khăn.

Máy bay kêu rạt rạt cạ bánh xuống bãi, tên to béo ngồi bên cạnh đưa tay làm dấu thánh giá. A men. Đầu máy tắt, máy bay hạ cánh an toàn, tên to béo đứng lên nhìn tôi cười xẻn lẻn, tôi làm mặt ngầu ngó lại nó, thiệt ra nó đâu biết lúc nãy tôi cũng đã nổi đã gai ốc bình thường, ham sống sợ chết bình thường.

 

Biển không trong nhưng được cái vắng. Chắc mùa này nó vậy. Ngoài hai cha con hai tên Mẽo một già một trẻ cứ luân phiên tắm nắng xức thuốc cho nhau như một cặp gay, chẳng ai lai vãng. Tôi lủi vào mấy đám vỏ ốc, đá đá lựa lựa, thằng mẽo con tới nói, bà biết miếng đá đen sì này là gì không, tôi hỏi là gì, nó nói đó là cát do sét đánh cháy đóng cục mà thành. Nó lại hỏi, bà nhặt vỏ ốc và đá đen làm gì nhiều thế, tôi ngẫm nghĩ rồi định phịa, à tao định làm cái hòn non bộ chơi nhưng không biết hòn non bộ nói sao nên nói, à tao đem về chưng chung quanh cây bonsai của tao, nó à lên có vẻ thích, nói tôi cũng có một cây bonsai, lại định nói gì nữa, nhưng rồi phải quay về với ông già.

Tôi một mình đi luôn.

Sớm hôm sau gặp lại, tôi đang khơi khơi đứng ngó ra khơi nó lại lại gần, kể, hôm qua lúc tao lội xuống nước, tao thấy lưng của một con gì to lắm, đen thui, thấy ớn, tôi cũng thấy ớn, thiệt sao? (Những đêm thăm thẳm hồi nào đen thui không thấy bờ thấy bến, đàn cá heo trườn sát bên lườn ghe, uốn lưng quẫy đuôi đánh rầm, vui chẳng vui buồn chẳng buồn, chỉ đăm đăm mong đợi một điều gì mà chẳng biết là điều gì, có thể đến có thể không.)

Những ngày tiếp theo ra biển có ý mong thì thấy không còn có ai. Hai cha con chắc đã ra về rồi.

Tôi hỏi mình rì rầm:

“Hôm nay tắm không?”

“Ừa, thì tắm.”

Tắm, phơi nắng chán, lại đi lang thang.

Lại hỏi:

“Trưa nay mày muốn ăn gì?”

“Ăn cơm Thái đi!”

Tối hôm qua, lúc đi vòng vòng qua mấy tiệm bán đồ kỷ niệm sáng đèn, đi qua một tiệm cơm Thái, nó chào samađi kha, mình cũng chắp tay samađi lại, trưa nay phải ghé qua ăn cơm cà ri nước dừa để lấy le tiếng Thái (vốn liếng vỏn vẹn 2 từ.)

Ngồi vào bàn, làm bộ kéo ghế lịch sự mời:

“Mời mày, ăn trưa ngon!”

Ăn xong lại hỏi:

“Uống nước gì? Ăn tráng miệng không?”

Thấy vui vui ấm áp.

Đứng dậy trả tiền và vái tụi bồi bàn một cái: “khập khùn kha, cám ơn nghen!”

 

Chiều nay đi ra biển với một quyển truyện cười. Chuyện tục chuyện thanh cười ruồi cười phá cười hà hà cười gượng cười sặc cười khoái chí cười lăn lộn văng cả nước miếng cho gió rải tung ra mà chẳng có ai ở đó khó chịu lắc cái đầu và rủa cái con điên.

Khuya trời bỗng nổi gió. Rồi gió lớn. Mở ti vi thì thấy thông báo bão. Gió giật cửa sổ rầm rầm, cả ngày phơi nắng dầm nước mệt quá nên ngủ mê luôn, đến nửa đêm thì có lệnh di tản. Mụ nhân viên khách sạn nửa thức nửa ngủ nhưng tỉnh bơ, không sao đâu, có gì đâu, khách sạn này bằng bê tông cốt sắt, cứ ở trong phòng đừng ra biển là ổn. Sáng bét ra thì ngoài hành lang bắt đầu dột, nước ở các từng trên chắc là bị lủng mái tí tách đổ xuống, bọn khách sạn cũng tỉnh bơ đem thau chậu ra hứng, chỉ có mấy chị Mễ làm phòng thì không thấy tới dọn dẹp. Không chừng mấy chị ở nhà lụp xụp gió hốt đi hết rồi cũng nên. Lục túi xách có mấy gói mì gói dự trữ (quý giá), điện chưa đứt mới là hay, lò vi sóng chiêu đãi mình một chầu mì ba cua hết ý. Lại không quên lịch sự mời:

“Mày ăn với tao cho vui!”

Ra cái điều điệu nghệ thân thiết bạn già no đói có nhau, không nó lại chê, cục muối chia hai cục đường lủm hết, thời buổi khó khăn tiệm ăn đóng cửa sạch mà mày tham ăn giữ riệt lấy mà ăn một mình. Lần đi leo núi cắm trại lần trước đau chân ôi là đau, nó chẳng thay phiên tay phải bóp chân trái, tay trái bóp chân phải dùm là gì.

Bà Nhật già ở phòng kế bên oang oang ở cửa:

“Tao ở phía Bắc chẳng bao giờ thấy bão lốc là sao, bây giờ thấy cũng đã!”

Tôi đi ra biển xem sóng cuộn mưa gào. Một bọn ba bốn đứa nhóc rắn mắt nhào ra biển giỡn sóng chạy ra chạy vô té lăn quay rồi cười rú, hú, một giọng con trai vỡ tiếng “đi làm đây, go to work!” gió đánh lại vang xa nghe như “đi làm giặc đây, go to war!” Sóng hất tung quật té lăn cả bọn, chúng lại lổm ngổm bò dậy la hét thi đua giơ quả đấm vào sóng, gió vang trời thách đố biển ngầu bọt giận dữ.

 

Khi ba mất chẳng còn tỉnh táo để dặn dò gì nhưng cũng linh ứng với một lời than trước đó ông viết cho người em còn ở lại quê nhà bên kia Bến Hải: “chắc anh phải nắm xương tàn gởi lại đất Nha Trang,” khi má tôi có giấy đi Mỹ đem thiêu và mang tro xương ông theo. Lang thang ở Mỹ một hồi, có người nói để tro người chết trong nhà là xúi quẩy, mẹ sai tôi đem rải tro xuống một dòng sông, tôi mong sông mang ông ra biển. Mẹ mất ở Mỹ, là gợi ý của chị hai tôi hỏi mẹ có muốn mang tro mẹ về thờ ở chùa Nha Trang không. Kiếp sau họ có còn muốn gặp lại nhau không thì không biết, nhưng bây giờ tro của ba tôi nổi trôi ở Mỹ, cốt mẹ thì nằm lại ở Nha Trang. Có thể ba làm buồn má, nên chết rồi bà vẫn tránh né ông. Mọi người và tôi tự thân đều có cảm giác mơ hồ hay rõ rệt về phút cuối của mình. Di chúc biết đâu có khi cần của tôi gồm những điểm sau: 1) nếu thấy tôi ngắc ngư ăn không được, thở không ra, xin đừng cứu, điều này tôi đã có ký giấy, sống già đến 88 tuổi rồi vác tiểu liên 22 viên đi giết da đen và Do-thái thì tôi không muốn sống kiểu đó[*] 2) thiêu cái xác thành tro rãi/vứt/đổ ra biển hay chỗ nào tiện thì làm 3) không đám tang không vòng hoa không đám giỗ cũng không sao 4) dùng cái hình tôi đang nhăn răng cười, nếu có làm đám 5) nếu tôi thình lình chết khi đang lang thang đi chơi nước ngoài, nhất là Việt Nam (Việt Nam đã thành nước ngoài rồi ta!), cứ thiêu và rải tro ở đó, không cần đem về Mỹ.

Cả buổi chiều buổi tối nằm nghe gió hú, đọc mãi một quyển sách nói về một loại rùa và ba ba ở biển này, tối tối thường lên bãi đào hang đẻ trứng, những cái trứng nếu không bị sóng cuốn đi sẽ nở ra đàn ba ba con lội xuống biển, khi lớn lên chúng sẽ trở về đẻ trứng đúng ngay cái chỗ chúng đã được sinh ra. Tôi sinh ở Thị Nghè Gia Định, ngày 14 tháng 3. Ngày đó Pháp còn lai rai ở Sài-gòn cho đến hiệp định Genève 1954. Ngày đó, Sài-gòn còn tên là Saigon hay Sè-goòng trước khi đổi là HoChiMinhgrad. Về mục này thì ông Hồ bằng ông Lenin, Stalin, Sihanook, và hơn ông Mao. Hiện nay thì Leningrad đã trở về với tên cũ St Petersburg, Stalingrad giờ là Volvograd, Sihanookville vẫn vậy, ông Hồ ăn điểm được hai ông. Nhưng Lenin, Mao và Hồ hơn Stalin vì xác ướp Stalin đem chôn rồi mà xác ba ông này còn nằm trong tủ đá. Đong qua đếm lại một hồi, quá mệt, thì bác mình được cả hai, vừa thành phố vừa tủ lạnh, nhất thế giới. Ông Lenin ở nước Nga, mà sao lại đứng vườn hoa nước mình, nghe nói Hồ cũng cạnh tranh vượt chỉ tiêu qua mặt đàn anh luôn vì hiện ông có đứng ở Cuba nữa cơ.

 

Rồi gió cũng ngừng, tôi cũng hết phép.

Ngồi quán ở phi trưòng định ăn một bụng trả thù dân tộc, bỗng thấy thằng con mình (sáu tháng rồi không gặp nhau dù ở cùng một thành phố) đang kéo va-ly vùn vụt đi qua. Bấm phôn tay gọi thì nó đã đi khuất sau một ngõ quanh:

Hi Rô, đi đâu đó?”

“Ủa me hả? Có chuyện gì không?”

“Me mới thấy con đi ngang qua... Có rảnh lại ăn sáng với me không? Me đang ở phi trường West Palm Beach nè.”

Really? Nhưng xin lỗi me nghen, con phải lên máy bay bây giờ. Tới giờ bay rồi. Talk to you later.”

Tôi sầm mặt lên giọng quát mắng oshin cho đỡ tức:

“Không xách va ly đi theo tao sắp hàng lên máy bay còn ngồi đó lo ăn hoài?”

Tôi hoảng hồn đứng dậy:

“Dạ... dạ... em xin lỗi bà chủ, bà chủ để đó em xách cho, bà đừng xách chi cho đau tay.”

Rồi tức cười vì sự giận dữ quát mắng hơi vô lý của mình, tôi cười xoà. Và cũng thấy dịu lòng.

 

Ông xích lô đầu xóm chiều chiều ngồi một mình nơi quán cóc: một chai đế, vài cọng rau, miếng huyết heo, ngà ngà, ổng hét:

“Nhậu với em một chén đi anh ba!”

Hết một chén ổng lại rót:

“Bây giờ anh kính chú một chén.”

Đưa lên, cụng xuống, rót, uống. Hết chai.

“Được được, chú cám ơn anh, anh cám ơn chú.”

Tôi nhớ, hồi đó ai mà tới nói ổng sao tội nghiệp quá, ngồi nhậu lẻ bạn có mình ên vậy, thì lập tức ổng đứng phắt dậy dộng cái chai lên đầu người đó tức thì.

 

Tháng 6, 2009

 

_________________________

[*]Washington Post ngày 10/6/2009 đưa tin: Von Brunn, 88 tuổi vác cây tiểu liên 22 viên đến Holocaust Memorial Museum tại Washington D.C. dự định gây thảm sát để bày tỏ sự bất bình lâu nay của y, vì theo y, các chứng cớ diệt chủng Do-thái tại các trại tập trung Đức Nazi chỉ là chuyện bịa đặt. Y giết chết tại chỗ một nhân viên an ninh da đen trẻ đã mở cửa cho y vào.

 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021